Bài số: 520-1057-vb8180404
Tác giả Nguyễn Trần Diệu Hương cư trú và làm việc tại San Jose, đã góp nhiều bài viết đặc biệt và được trao tặng giải thưởng viết về nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Tiếp tục viết về nước Mỹ, trong năm qua, bài ”Chuyện Mùa Valentine: Hoàng Thu” của Diệu Hương đã thành “top ten” trên Việt Báo Online, với gần 6,000 lượt người đọc. Sau đây là bài viết mới nhất của cô, được ghi chú là để “chia xẻ những nỗi ngậm ngùi” nhân dịp sắp tới ngày 30 Tháng Tư”.
*
Đầu tháng tư ở Mỹ, mùa xuân vào độ đương thì mới bắt đầu được hai tuần.
Người Mỹ đặc biệt chú ý đến tháng tư vì đồng hồ vừa mới được vặn lên một tiếng gọi là "Day Light Saving begins". Ngày thật sự dài ra. Bóng tối bị đẩy lùi. Từ hoa Anh đào trắng hồng ở Đông Bắc của thủ đô Washington DC đến hoa puppy vàng cam ở Tây Nam, đường phố cả nước Mỹ nhuộm đầy màu sắc của hoa lá mùa xuân. Nhưng dù trời tháng Tư có xanh ngát đến đâu, với những người Việt lưu vong, dù ở tiểu bang vàng California, vẫn có chút ngậm ngùi, vì bóng dáng màu đen ảm đạm của tháng 4 năm 1975.
Và hơn ai hết, nỗi ngậm ngùi của ông Đạt lan tỏa, xót xa như chuyện mới xảy ra hôm nay, tuần trước chứ không phải gần ba mươi năm qua. Nhiều người nghĩ rằng, ba mươi năm rồi còn nhắc chi chuyện cũ! Đó là chuyện của quá khứ hãy quên đi! Ông Đạt hoàn toàn không đồng ý!
Quên thế nào được khi mà nỗi đau còn đó và hệ quả của nỗi đau vẫn còn tưởng như không dứt! Đâu có cần phải sống thời Hai Bà Trưng, mỗi người dân Việt đều cảm nhận được nỗi đau của tổ tiên phải vào rừng tìm ngà voi, xuống biển tìm ngọc trai làm giàu cho quân Tàu tàn ác, gian tham! Đâu có cần phải sống dười thời vua Quang Trung cũng cảm thấy hào khí chiến thắng Đống Đa, đuổi quân Bắc Phương xâm lược chạy dài! Đâu có cần phải sống thời nhà Trần cũng cảm thông được nỗi ngậm ngùi của Công Chúa Huyền Trân phải làm dâu nước láng giềng để đổi lấy hai châu Ô, Lý mở rộng bờ cõi về phương Nam.
Đời sống ở Mỹ bận rộn quá. Người ta không có thì giờ nhắc tới chuyện cũ. Nhất là tụi trẻ bị cuốn hút vào đời sống đầy tốc độ, nhưng ông Đạt tin rằng nhiều người trong số họ sẽ cảm nhận được một phần "nỗi đau tháng tư" của ông, mặc dù vào thời điểm đó họ còn ở tuổi ấu thơ hay vừa mới chào đời. Chuyện trăm năm, ngàn năm trước từ đời tổ tiên dựng và giữ nước họ chưa chào đời, còn cảm nhận được nỗi đau, còn tự hào về những giai đoạn vàng son của lịch sử thì chuyện ba mươi năm trước, ông tin, ít nhất tụi nhỏ cũng đồng cảm với ông.
Chỉ có bà Đạt, bà như chìm vào cõi vô minh nào đó, không còn chia sẽ được với ông những ngọt bùi cay đắng như lời khấn trước bàn thờ tổ tiên, như lời hứa "gừng cay, muối mặn xin đừng bỏ nhau" ngày họ lấy nhau gần nửa thế kỷ trước.
Căn bệnh Alzheimer vẫn còn là chứng nan y chưa có thuốc chữa, đẩy bà vào cõi vô minh, trí nhớ bị xóa nhòa từ mười bốn năm nay, làm ông trở thành một C.N.A (Certified Nurse Assisant) bất đắc dĩ.
Lúc bà mới trở bệnh, cán sự xã hội ở bệnh viện đã bảo ông:
- Với bệnh của bà nhà, cần có người săn sóc bên cạnh 24/7 (24 tiếng mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần) có hai giải pháp: hoặc là ông đưa bà vào viện dưỡng lão có người chăm sóc 24/7 cho bà cùng với những bệnh nhân khác, hoặc là ông có thể đưa bà về nhà, bệnh viện sẽ huấn luyện kỹ năng săn sóc bệnh nhân Alzheimer cho ông, mỗi tháng hai lần sẽ có y tá đến xem xét tình trạng của bà.
Không cần suy nghĩ, ông xin đưa bà về nhà vì ông không muốn bà sống cô đơn ở một nơi xa lạ, với những người khác màu da và những người chăm sóc thì không có tấm lòng như tấm lòng của ông đối với bà. Ông đã đến thăm người quen ở viện dưỡng lão vài lần và thấy những người trợ y (C.N.A) đối xử không tử tế lắm với bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân bị Alzheimer thì lối đối xử càng tệ hơn vì họ không có khả năng nhận xét, không có khả năng phàn nàn với những người có thẩm quyền. Hơn thế nữa, tận cùng tâm khảm ông vẫn hy vọng dù ở trong cõi vô thức, nhưng với không khí gia đình ở nhà với sự chăm sóc tận tình của ông với một trái tim chân thật của nghĩa tào khang, biết đâu có một phép màu đưa bà về lại với thế giới bình thường.
Thế là ông cắp sách đi học một khóa huấn luyện ba tháng để săn sóc bệnh nhân Alzheimer ở nhà. Mái tóc ông điểm bạc, rất dễ nhận ra giữa những mái tóc blond, brunette hay đen tuyền của những học viên còn trẻ. Ông còm cõi đi học, với nỗi lòng canh cánh nghĩ đến bà đang cô đơn lạc lõng ở nursing home. Mỗi ngày đi học về ông ghé thăm bà bắt đầu ứng dụng những điều học được từ lớp huấn luyện, săn sóc bà từ hồi còn ở nursing home. Nhân viên ở đó nhẹ được phần nào công việc nhờ tình nghĩa vợ chồng của ông đối với bà.
Bệnh nhân Alzheimer chừng như có một nữa tình huống của một em bé vừa chập chững biết đi, một nửa tình huống của một người điên ở một mức độ không nguy hiểm. Họ vẫn ăn, vẫn nói, vẫn thở chỉ mất đi bộ nhớ trong não, mất đi khả năng suy nghĩ. Ở lớp học ông đã nghe kể về những bệnh nhân Alzeimer mở bếp điện lên, rồi quên tắt để cháy lan ra cả nhà hàng xóm. Hay có một bệnh nhân khác, ban đêm mở cửa đi ra không hề đóng cửa lại để trộm vào nhà khuân hết đồ đạc trong nhà. Bi thảm hơn có một bệnh nhân đi bộ ra tận công viên thành phố vào ban đêm, đi lên mặt hồ nước rồi chìm luôn dưới đáy hồ bỏ lại cả thế giới bình thường lẫn cõi vô minh.
Lần được huấn luyện về chăm sóc bệnh nhân ông hoàn toàn không nghĩ là đời ông lại có nhiều ngả rẽ không ngờ. Hồi còn trẻ vào trường võ bị Đà Lạt, ông đã chọn võ nghiệp như là nghề nghiệp cả đời. Đó là thời thanh niên đầy sinh lực, mắt sáng môi tươi. Rồi ông trưởng thành từ mặt trận này đến chiến trường khác. Mọi việc ở nhà đã có bà đảm đương, quán xuyến dạy con nên người, phụng dưỡng mẹ thay chồng. Có những lần tưởng đã bỏ bà và các con lại một mình, trời thương ông vẫn còn sống lành lặn.
Rồi cùng vận nước nổi trôi ông và gia đình trôi dạt đến quê người, kinh nghiệm chiến trường không giúp gì được cho ông ở quê hương thứ hai. Ông vào làm ở warehouse của một công ty chuyên cung cấp vật liệu xây dựng cho các tỉnh miền Tây Hoa Kỳ. Ngày xưa ông làm việc giữa những bao cát trong hầm chỉ huy ngoài chiến trường, bây giờ ông làm việc giữa những thùng giấy lớn, đôi khi còn nặng hơn cả ông. Ngày xưa ông lái xe Jeep, bây giờ ông lái fort-lift. Nhưng sự khác biệt đó không làm ông đau lòng như mỗi lần nghĩ đến các bạn cùng khóa võ bị đang chịu nhục hình trong những trại cải tạo ở rừng thiêng núi độc trên quê nhà hay nghĩ đến những đồng đội, thuộc cấp mãi mãi nằm xuống trong những trận chiến bảo vệ tự do.
Khi cộng đồng lưu vong lớn dần, có thêm làn sóng tỵ nạn, vượt trùng dương, chấp nhận hiểm nguy bảo táp để có tự do, bà bàn với ông đưa gia đình về miền Bắc California gần với tập quán Việt Nam hơn, có nhiều trường đại học thuận tiện cho các con hơn. Ông bỏ cái xe fort-lift, bỏ cái walkie-talkie. Lần này là tự nguyện và hiểu rõ lý do, chứ không phải như dạo tháng tư 75, ông rời quê nhà gần như bị ép buộc, đầy uất ức, hoài nghi và mù mờ về lý do mình phải bỏ súng giữa đường.
Định cư ở Silicon Valley vào đầu thập niên 80, đúng vào lúc thung lũng điện tử đang bùng phát. Dạo đó, tóc ông mới lơ thơ điểm bạc, ông lại cắp sách đi học một lớp căn bản về điện tử ba tháng, rồi vào làm trong một hãng điện tử cùng với một số người đồng hương. Những anh chàng trẻ bằng tuổi con ông vẫn gọi đùa ông bằng bố. Hay những người trung niên vẫn ngậm ngùi mỗi độ tháng tư. Họ vẫn nhắc về những trận chiến hào hùng ở Bình Giả, Đồng Xoài, Quảng Trị, An Lộc, Charlie vv… mà không hề biết là mình đang cùng làm việc với ông "người hùng của mùa hè đỏ lửa năm 1972", chỉ huy những người lính thủy quân lục chiến dũng cảm cắm lại được cờ vàng ở cổ thành Quảng Trị. Bản tính ông vốn ít nói, đôi lúc họ hỏi về quá khứ của ông, ông chỉ cười, nhắc họ nhớ một câu hát của nhạc sĩ Lam Phương "Đời mong manh lắm, kể chi chuyện mình". Họ không biết rằng mỗi độ tháng tư, ông thường vào phòng vệ sinh hay ra ngoài trời đứng lặng lẽ như đang hút thuốc, thật ra ông không hề hút thuốc chỉ đến những nơi vắng người để dấu nỗi ngậm ngùi, để tưởng nhớ những bạn bè, thuộc cấp đã bỏ mình cho tự do.
Ở quê nhà, bà là công chức tòa hành chánh tỉnh. Lưu lạc quê người, bà đứng bán ở trạm xăng, phụ việc hành chánh ở phòng mạch một bác sĩ tư rồi có thời gian đi làm hãng điện tử cùng ông. Trời không thương, chẳng may bà bị cảm xoàng, nhức đầu, chóng mặt. Uống thuốc trụ sinh không hết ông đưa bà vào bệnh viện làm đủ mọi xét nghiệm y khoa kéo dài cả nữa năm. Cuối cùng bác sĩ mời ông đến, báo tin bà bị Alzeimer ở tuổi chưa đến sáu mươi.
Đời ông có 3 lần ông khóc, lần bà cụ thân sinh qua đời, ông không có mặt được ở phút lâm chung của mẹ, ông khóc vì mình chưa trả hiếu được nhiều cho mẹ. Lần thứ hai là ngày 30 tháng 4 năm 75 nước mắt ông rơi cùng vận nước nổi trôi. Và lần thứ ba ông biết bà sẽ vĩnh viễn vào cõi vô minh, mặc dù thân xác vẫn còn đó, hiện hữu bên ông.
Các con xúm lại an ủi ông. Tất cả đều thương mẹ, nhưng những cô con dâu Việt Nam lớn lên ở Mỹ đâu có được như bà ngày trước, phụng dưỡng mẹ chồng chu đáo nên vẫn muốn để bà ở viện dưỡng lão.
Ông làm theo quyết định của mình, xin về hưu non, đi học về nghề trợ y tế có thể chăm sóc cho bà, trả nghĩa tào khang. Dạo bà mới phát bệnh mãn tính, không ngờ người cán sự xã hội ở bệnh viện cảm kích tình nghĩa vợ chồng của những người di dân gốc Á, xin cho ông được trợ cấp chính phủ dành cho những người chăm sóc bệnh nhân Alzheimer nên tình cờ ở vào mùa thu của cuộc đời, ông có một công việc full time khác là trợ y (Certified Nurse Assistant) mà bệnh nhân duy nhất không may lại là người bạn đời. Hình như lúc bắt một con chiên vác thánh giá, Chúa đã cho họ đủ sức khỏe để chịu gánh nặng. Hình như lúc bắt một phật tử trả nghiệp chướng, Phật đã trợ giúp tinh thần cho họ. Nên ông vẫn bình an tâm hồn, mặc dù không còn hạnh phúc tròn đầy như trước năm 1975 hay hạnh phúc một phần trước ngày bà chìm vào quên lãng.
Ông làm những bài tính cộng, trừ, nhân, chia với thu nhập hạn chế của cả hai vợ chồng và chi phí cần thiết cho đời sống vào độ hoàng hôn. Ông biết các con không bỏ cha mẹ, mặc dù ông không trông mong chữ hiếu vẹn toàn như trong "Nhị thập tứ hiếu" hồi xưa. Vả chăng, đi bằng bàn chân của mình vẫn thoải mái hơn phải phụ thuộc người khác. Rồi ông thuê một căn condo minium hai phòng ở gần công viên, gần bệnh viện để dễ dàng cho sức khỏe cuối đời của hai ông bà.
Ông vốn ít nói lại càng trầm lặng hơn nhưng ông vẫn âm thầm dạy các con dù họ đã thành người bằng cách riêng của ông. Cách của một người thích làm hơn thích nói. Ông chép lại một câu thơ của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên "Mỗi mặt trời phải trả giá một hoàng hôn" với khổ chữ lớn dán ở phòng khách, để nhắc nhở các con: kết quả chúng (và nhiều người lớn hay trung niên) đạt được hôm nay là nhờ có lớp già của ông lót đường. Lớp người ở tuổi hoàng hôn như ông đã lót đường cho họ, từ thời họ mới sinh ra vào đoạn cuối cuộc chiến ở quê nhà hay những ngày thơ ấu của họ ở quê người.
Lũ con hiểu ngay về thăm bố mẹ thường xuyên hơn, và chăm sóc mẹ kỹ hơn mặc dù không may từ hơn 10 năm nay trí óc bà đã rong chơi ở cõi hư không. Mỗi tuần cô con gái lớn về thăm hai ông bà đi chợ, nấu ăn cho bố mẹ. Ông chỉ có việc săn sóc ăn uống và vệ sinh cho bà mỗi ngày. Thì giờ còn lại ông đọc sách báo đủ loại từ báo Mỹ đến báo Việt và chơi ô chữ trên báo như thể dục cho trí óc. Ông phải sống khỏe mạnh, để không làm phiền người khác để còn có thể lo cho bà cho đến cuối đời.
Ban đêm mỗi khi tuổi già khó ngủ, ông vẫn thường để CD chạy bài "Ru
em sông núi đợi chờ" với tiếng hát bằng cả trái tim của Việt Dzũng và Nguyệt Ánh, bài hát đã ru bà vào giấc ngủ rất nhanh nhưng lại làm ông thao thức trăn trở thêm vì một câu hát rất hay "Ru em giòng lệ quê hương, chảy xuôi trăm ngã trùng dương chia lìa". Tương tự một số người ghiền thuốc lá, biết chất nicotin trong thuốc lá tàn phá cơ thể về rất nhiều mặt họ vẫn hút, ông dù thao thức dù trăn trở vẫn nghe bài hát đó mỗi đêm. Có đêm, ông bận một chuyện gì đó quên để CD chạy bài hát, bà hỏi ngay:
- Nhạc đâu rồi" Không có bài hát đó làm sao ngủ được"
Ông không biết hát để ru bà như bà đã ru các con ngày xưa bằng những câu ca dao Việt Nam mộc mạc thân thương, nhưng ông vẫn "ru em" bằng những câu hát đi vào lòng mỗi một người Việt lưu vong, có tấm lòng. Điều đó cũng giống như một em bé sơ sinh, được ru ngủ mỗi đêm. Nếu không có tiếng hát, sẽ rất khó cho em đi vào giấc ngủ.
Lâu lâu ông vẫn thì thầm với bà, mặc dù bà chỉ nhìn ông bằng đôi mắt lạc thần:
- Như mình vậy mà sướng cứ nhớ nhiều thứ như tôi, đôi lúc cũng đau đầu vì nghĩ lại niềm vui thì không ai có thể vui được. Nhưng hồi tưởng lại những nỗi buồn nhất là nỗi buồn của tháng tư 75, thì nỗi ngậm ngùi vẫn còn nguyên, ca khúc phim buồn thảm lại kéo về trong tâm khảm.
Mỗi tuần ông dẫn bà ra công viên ít nhất là ba lần. Ông chọn quần áo chỉnh tề cho bà và đeo cho bà một cái kính mát, để không ai thấy được đôi mắt vô hồn của bà. Ông cầm tay bà đi dọc theo những bãi cỏ của công viên. Chốc chốc, mỏi chân hai vợ chồng lại ngồi phơi nắng trên ghế đá. Hình ảnh đó rất quen thuộc với những người già ra tập thể dục ở công viên. Họ vẫn thầm khen đôi vợ chồng già hạnh phúc, mặc dù không thấy ai nói với ai câu nào!
Ông còn một niềm vui khác là lâu lâu dành dụm từ khoản thu nhập hạn chế của hai vợ chồng. Ông lại gởi về giúp cho những người bạn đồng ngũ vẫn còn chật vật với đời sống mỏi mòn ở quê nhà. Được thư cám ơn ông vẫn trịnh trọng đọc cho bà nghe, thì thầm kể với bà tại sao ông giúp người này mà chưa giúp được người khác. Bà nghe hẳn là không biết ai với ai nhưng vẫn gật gù, chăm chú nghe ông đọc thư. Mỗi lần các con biếu tiền nhận Father's Day, Mother's Day hay sinh nhật của hai ông ba,ø ông chỉ bỏ một phần vào account ở ngân hàng, cái account vẫn còn nguyên tên hai vợ chồng mặc dù bà đã chìm vào cõi vô minh từ gần mười hai năm nay. Phần còn lại, ông lại gởi về chia xẽ với những người đồng ngủ bên nhà mà nỗi ngậm ngùi hẳn là hơn ông bội phần.
Đôi lúc ông vẫn tự an ủi khi nhìn quanh, những "người bạn hoàng hôn" của mình nhiều người đã phải sống một mình hoặc nhìn xa hơn, nhiều người bạn cùng khóa đã mãi mãi nằm xuống ở một mặt trận hay một góc rừng heo hút nào đó. Phải chăng, nỗi ngậm ngùi vẫn đeo đẳng ông từ gần ba mươi năm nay, như một vết thương không bao giờ lành vẫn buốt lên nhức nhối hơn mỗi độ tháng tư"
Tiếc là bà không còn như xưa để chia xẻ nỗi ngậm ngùi cùng ông, như bà đã từng chia xẻ mọi cay đắng ngọt bùi với ông từ những ngày xưa cũ.
Nguyễn Trần Diệu Hương