Hôm nay,  

Kinh 5 Dị Nhân

03/04/200400:00:00(Xem: 140240)
Người viết: HỒ NGUYỄN
Bài số: 509-1046-vb620404

Tác giả ghi tiểu sử ngắn gọn: Hồ Nguyễn, 48 tuổi, ở Việt Nam làm ruộng, sang Mỹ bán Phở ở Buffalo. NY. Đây là bài đầu tiên của Hồ Nguyễn nhưng bạn đọc có thể tìm thấy qua những nhân vật được kể trong bài nhiều nét quen quen.
*

Quê tôi ở Miền Tây thuộc tỉnh Kiên Giang mà thị xã là Rạch Giá nằm sát bờ biển, ruộng vườn bát ngát, phì nhiêu.
Những con kinh đào chia cánh đồng ra như ô bàn cờ, chúng tôi lớn lên bằng giòng nước phù sa hiền hoà của giòng Cửu Long, bằng tôm cá hai mùa nước dâng nước rút, bằng rau muống đồng, bông súng, bông điên điển và lúa thần nông.
Vì vận nước ngặt nghèo, hơn một nửa số dân Kinh 5 làng tôi nhân hồi lũ lụt đã lên ghe chèo thẳng tới Thái Lan, bây giờ định cư ở Mỹ có tới gần 400 gia đình, trong đó có gia đình anh Tân, anh Bảo và Minh .
Người VN có câu "Cha mẹ sanh con trời sanh tính" quả đúng như vậy. Cả ba anh đều là những nhân vật nổi tiếng trong Kinh 5, cùng học một thầy, cùng uống nước một dòng sông mà lớn lên tánh tình rất khác nhau. Tôi may mắn được quen biết với mấy anh từ hồi còn rất nhỏ.
Cuộc đời anh Tân kể ra thì thật là đơn giản, từ khi lớn lên đã không mơ uớc gì cao sang, không thích thú điều gì đặc biệt, trừ... mê o Điểm, vợ anh. Anh chỉ ao ước:
Ngày ba bữa vỗ bụng rau ... cùng thịt
Đêm năm canh nằm nghe tiếng... vợ ru.
Nói về sự tích tại sao anh lại có biệt hiệu là Tân Ngố thì chuyện kể rằng: Đêm tân hôn, chẳng biết anh ù ớ thế quái nào mà ở ngoài chỉ nghe thấy o Điểm quát: "Ngố ơi! Chỗ này cơ mà!" .... từ đó anh mới chết cái tên ấy. Chỉ có tôi là người bạn thân thiết mới biết nỗi oan Thị Màu của anh: Số là đêm đó anh phải gãi lưng cho vợ, mà gãi trật chỗ nên mới bị la!
Chẳng biết có phải tại ngố không mà anh không thích giàu sang phú quí, không ham danh vọng... thậm chí không mê cả...tiền.
Nhớ hồi mới đến trại tỵ nạn Songkla Thái Lan đang lúc đói khổ, thằng Chuồn con anh mới ba tuổi lượm được một gói tiền hàng ngàn US$ trong nhà tắm, cầm về đưa cho ba. Anh Tân ...s ợ quá, đã mau mau lên đài phát thanh thông báo của ai đánh mất hãy đến nhận lại. Chỉ ít phút sau khổ chủ đến gấp, nói đúng số tiền đã mất, nhận tiền rồi đi thẳng, quên cả lời cảm ơn thằng bé đã lượm được.
Mấy năm đầu đến Mỹ chỉ có ăn với học, hết lớp này đến lớp khác: Thợ hàn, thợ tiện, thợ mộc, thợ xây, thợ điện, thợ... tùm lum. Ấy, không phải học để đi làm kiếm tiền hay làm giàu làm có gì đâu! Học cho biết mà thôi. Hồi ấy cứ thấy anh lẩm bẩm: Làm trai bách nghệ cho tinh, đến khi trùng mình đưa bách nghệ ra.
Vì vậy từ hồi học xong đến giờ đã hai mươi mấy năm mà anh có đi làm cho ai đâu. Muốn kiếm anh Tân cứ điện thoại ngay đến nhà thế nào cũng gặp, nếu hỏi anh đang làm gì đó" Câu trả lời lúc thì đang ngủ, hoặc đang nấu cơm, lúc lại đang muối hũ dưa cải, lúc tỉa mớ rau lang sau nhà, mấy cành hoa trước ngõ v.v.. Đại khái những việc làm cho có để quên thời gian và cho vợ vui lòng vậy mà.
Còn chuyện làm ăn nếu có hỏi tới ý kiến của anh thì câu trả lời đại khái sẽ là:
- Vậy à" Tuỳ cậu đấy, sao cũng được.
Hay toàn là bàn rùn:
-Ấy đừng... nguy hiểm lắm, ... coi chừng thất bại,...không khéo mà mất cả vốn..v..v
Cứ lẩm ngẩm nhẩn nha như vậy mà trời ban cho anh lại khấm khá hơn người. Số là vào năm 1990, lúc công ty Microsoft đang phát triển, nghe lời ông Thiêm bàn, anh lấy tiền tiết kiệm của o Điểm mua được 200 shares của Bill Gates với giá 56$ một share, nhờ Bill Gates có tài, ăn nên làm ra, stock của ổng mỗi năm mỗi đẻ (split) làm đôi, có năm đẻ tới hai lần. Đến năm 2000, anh đang có 12,800 shares, khi nghe tin hãng Microsoft sẽ bị kiện vì cạnh tranh bất hợp pháp, anh bán vội với giá 98$/share... rồi bỏ tiền đầu tư vào địa ốc. Đến bây giờ đang làm chủ ba bốn căn nhà và một công ty xây dựng, chuyên mua nhà cũ, tân trang rồi bán lại, cứ vài tháng lại có nhà mới ra lò, mà nhà mới xây ở Cali đâu có rẻ, mỗi căn ít ra cũng phải năm, bảy trăm ngàn. Đúng là:
-Có phần chẳng cần phải lo
Tà tà đến lúc trời cho cũng giàu.
Hay:
-Số giàu đem đến dửng dưng
Lọ là con mắt tráo trưng mới giàu
Coi mặt ngố ngố vậy nhưng trời ban cho anh có một trí nhớ đặc biệt, anh đọc sách qua một lần là nhớ như in lại trong đầu, rồi kể ra vanh vách từng chi tiết, tên từng nhân vật, nhất là chuyện cấm.... đàn bà và tiếu lâm thì khỏi chê, number one.
Từ ngày có giải VIẾT VỀ NƯỚC MỸ của Việt Báo, anh đã trở thành "văn sĩ", đóng góp nhiều bài viết dí dỏm cho chương trình này. Từ chuyện ông Bảo làm Freeway đến chuyện con dơi, con chuột, từ chuyện con rắn ở Sóc Xoài đến chuyện con trút, con khỉ trong rừng U Minh, con chim Đa đa ở Dầu Tiếng...
Lạ một điều, biết anh mấy chục năm, tôi có thấy anh đi đến U Minh bao giờ đâu, thế mà anh kể rành rọt từng địa danh, từng con thú, từng loại cây trong ấy như những người bản xứ vậy. Đọc văn anh tôi thấy một phần hơi giống Sơn Nam khi viết về đồng quê VN, phần khác cũng có chút ít thế thái nhân tình của Hồ Biểu Chánh, nhưng chắc chắn là tếu và vui hơn nhiều. Nghe nói anh sắp xuất bản cuốn Truyện Ngắn đầu tay, chúng tôi cũng đang chờ để khi anh lên tiếng thì góp vốn... đầu tư. Ít ra cũng được lời nguyên con ...mẹ, đó là có thêm một cuốn sách hay, một cuốn sách mà tác giả là người Kinh 5 trong tủ sách gia đình. Cũng hãnh diện lắm chứ!
*
Còn anh Bảo! Người đẹp trai thứ ba trong kinh 5!
Ông này đi đâu, thời nào cũng bị ở tù.
Thời còn đi lính, chỉ là một thiếu uý quèn mà dám cự nự cấp trên vì nạn lính ma lính kiểng làm cho đại đội Địa Phương Quân của ổng chỉ còn có 20 mống thì đánh đấm cái gì. Thế là vô tù.
Sau 75 đi tù cải tạo về, ông lại phản đối công an Xã về vụ quản chế, thế là vào tù.
Qua tới Mỹ, ông vì không biết rõ luật, nên tỉnh bơ đánh cá trong vùng dành riêng cho tàu câu thể thao ở vịnh San Francisco. Thế là bị tịch thu tàu và cũng vào tù. Khốn khổ nhất là hồi đó mới sang, tiền nong không có, tiền mua tàu phải đi vay mượn, mà không đi đánh cá được thì lấy tiền đâu mà trả.
Rất ít khi gọi đến nhà mà gặp được anh, muốn gặp thì phải gọi điện thoại cầm tay và phải chờ vì anh luôn luôn bận nói "chiện" với người khác.
Ngày xưa lúc công việc còn ít, chỉ làm thầu khoán bảo trì freeway mà đã bận rộn, sáng đi sớm tối về trễ. Còn bây giờ, gọi điện thoại nếu hỏi ông đang ở đâ" Thì được biết lúc đang ở Washington dự phiên tòa tối cao về vụ kiện cá Basa, lúc ở Louisiana họp với ban giám đốc WalMart, lúc ở bến cảng Long Beach để sắp xếp kho hàng v.v ...


Rồi việc làm trung gian tiêu thụ những parts tàu biển mà đứa em họ bên VN sản xuất cho Cty đóng tàu của anh Thông, người Kinh 5 ở New Orlean-Louisiana. Còn chút thời giờ nào thì nghiên cứu đầu tư: Nào nhà, nào đất, nào building, rồi stock, multual fund.... việc gì cũng có. Điều đặc biệt nếu anh không nhúng tay vào thì thôi, chứ khi anh đã đụng đến là vãi ...tiền ra ngay.
Còn nữa, nhờ làm ăn lớn và xã giao rộng rãi nên anh quen biết Thủ Tướng nước Palau, một hải quốc nằm trong Thái Bình Dương, nhờ vậy mới đây anh cho biết đang tiến hành việc đưa tàu đánh cá và người từ VN sang nước PALAU, để khai thác một vùng biển đầy tài nguyên, còn hoang sơ chưa có người khai phá. Việc đánh bắt cá ngừ đại dương mỗi con nặng hơn 50 kg; việc làm bè trên biển để nuôi cá bống bớp; việc nuôi tôm tại đây rồi xuất vào Mỹ mà không bị thuế cao như tôm nuôi ở VN, sẽ cần một lượng công nhân rất lớn .
Trước đây người Việt chúng ta đã trần ai chi khổ mới đến được đất hứa này, ngày nay ông Bảo đã có thể đem chính thức nhiều người đi lập nghiệp, lương ngư phủ đánh bắt cá ngừ đại dương rất cao mà sau 2 năm lại có thể vào Mỹ ở luôn một cách hợp pháp dễ dàng, vì hiện nay hải quốc này vẫn còn dưới sự bảo bọc của Mỹ như là quần đảo Samoan vậy.
Người ta gọi xứ sở này là thiên đường hạ giới, bao gồm 200 hòn đảo xinh đẹp với bãi cát vàng và nước trong xanh, có thể trông thấy từng đàn cá bơi lội bên dãy san hô, nhưng dân số cả nước chỉ hơn 17 ngàn người sống trên tám đảo lớn. Ngoài ra còn có 2,500 ngoại kiều mà hầu hết là công nhân Phi.
Năm 1946 tuy Mỹ đã trao trả độc lập nhưng Đảo Quốc này vẫn là một Trust Territories của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Đến năm 1994 đã trở thành hội viên thứ 185 của LHQ. Dân chúng nói tiếng Mỹ và Palauan.
Nếu dân Việt Nam qua đây làm việc, với tinh thần cầu tiến và chịu khó làm việc, thì sau mấy năm cũng chẳng cần xin qua Mỹ làm gì, vì mức sống của người dân nơi đây cũng khá giả như ở Hawaii vậy.
*
Vùng quê Kinh 5 của tôi nằm tuốt sâu trong ruộng, không ngờ những người con mới tay lấm chân bùn ngày nào, lưu lạc sang đây có trên dưới 20 năm, mà đã có người là tiến sĩ nguyên tử, tiến sĩ giáo dục, Giáo sư dậy đại học. Nha, y, dược sĩ được gần mười người, còn kỹ sư, cán sự, y tá thì nhiều như lá mùa thu. Thứ làng nhàng buôn bán, chủ tiệm như tôi thì lấy thúng giạ xúc cũng không hết.
Nói đến giáo sư, tôi lại nhớ đến sự gặp gỡ kỳ lạ của hai thầy trò anh Phương trong một trường College ở Seattle:
Số là ở tiểu bang Washington, muốn có cái license ngành contractor thì phải đi học mấy lớp toán Calculus ở college, nên anh Phương phải ghi danh mà đi học.
Nhìn lên thấy ông giáo sư VN trẻ măng, trông mặt quen quá mà không biết mình đã gặp ở đâu nên đến giờ giải lao bèn lân la đến làm quen:
-Thưa thầy, thầy dậy học ở đây lâu chưa" Hình như ở trường này chỉ độc nhất có thầy là giáo sư người Việt.
-Mới năm nay thôi anh, trước đây tôi làm kỹ sư cơ khí cho hãng Boeing, hãng trả tiền cho nhân viên nào muốn đi học thêm, nên tôi đã cố gắng học xong tiến sĩ toán, trường này nhận tôi dậy học đầu niên khoá này mà thôi. Hồi mới qua Mỹ tôi cũng đã từng học ở đây.
- Tôi thấy thầy trông quen lắm, mà trước đây quê thầy ở đâu vậy"
-Ở Rạch Giá. Anh có biết Rạch Giá không"
-Trời ơi, quê tôi mà sao không biết, ờ .. mà ..hình như. .. phải Minh Lung ở Kinh 5 đây không"
-Trời ơi, anh Phương. Tôi nhớ ra rồi, anh qua đây hồi nào " Anh lấy vợ chưa" Nhà ở gần đây không" Người K5 mình có ai qua đây không"
-Thiếu giống gì. Minh qua đây học hành hồi nào mà bây giờ đi dậy học vậ" Tôi nhớ hồi ở nhà Minh đâu đã học tới lớp năm"
-Tôi đi bông xoa chùa, qua tới đây thì đã mười lăm mười sáu tuổi rồi, nên ông bà bảo trợ Mỹ nhét ngay vào lớp 10, có biết cóc gì đâu, nhưng cũng may ông trời ban cho tôi có khiếu về toán, nên tôi học mau lắm, chưa tới bảy năm mà tôi đã học xong bằng tiến sĩ rồi. Nè bây giờ sắp đến giờ học rồi, chiều nay anh lên gặp tôi rồi mình hẹn họp mặt đồng hương chơi nghen.
Thầy gặp lại Phương thì có phần mừng rỡ, nhưng "trò" Phương thì ái ngại ra mặt vì nhớ lại chuyện xưa:
Hồi đó mỗi khi lúa đã trổ đều, nông dân kêu là giỗ quạn, nước trên ruộng còn chừng hơn gang tay, thì có cá rô rất nhiều, nó ăn phấn lúa no căng nên béo múp míp. Nếu lúa đang phơi màu thế này mà bị trận gió lớn, hay cây lúa bị đụng mạnh thì bông lúa bị lép hột rất nhiều, bởi vậy đứa nhỏ nào cũng bị cấm lội vô ruộng lúa mà giăng câu.
Ruộng nhà nó thì nó không giăng, mà thằng Minh lại lội vô ruộng ba của Phương mà giăng. Nó lùn thấp người xuống cho người ta không thấy đầu, rồi lom khom bưng thau xếp đầy giây câu đã móc mồi trùn sẵn, rẽ lúa thành một lối mà giăng câu. Bất ngờ Phương ngồi trong nhà nhìn ra ruộng thấy nghi nghi, chạy ra thì y chang, thằng nhỏ đội cái mũ chùm hụp, quăng luôn giỏ cá mà chạy. Phương vọt theo chụp như quạ xớt gà con rồi dộng cho nó hai bạt tai. Cái mũ rớt xuống thì ra thằng Minh con ông Lung ở gần nhà.
Phương nạt:
-Sao mày không giăng câu ở ruộng mày mà lại qua đây"
Nó đáp ỉu xìu:
-Bên nây mới có nhiều cá, chớ bên em nước rút khô rồi làm gì có cá"
-Thôi mầy đem giỏ với câu về đi, hông thôi ba tao thấy thì mầy chết chắc .
Chuyện xảy ra lâu rồi .
Bây giờ cũng may nhờ có quen "thầy", nên cho dù học "dốt như me", mà cuối khoá đó Phương cũng lấy được điểm B .
Đường đời biết đâu mà ngờ, biết đâu đến đời con cháu chúng tôi lại có đứa nhảy ra làm đến Thống đốc như ông Arnold ở tiểu bang California hay ra ứng cử Tổng Thống cũng không chừng.
*

Mấy nhân vật đặc biệt mà tôi kể ra ở trên, một người thì năng động đi khắp nơi khắp chốn, thấy công việc gì lạ cũng muốn làm, việc càng khó thì lại càng thích, rồi trở nên giàu có; Còn một người chỉ quanh quẩn với những công việc gần nhà, lúc nào cũng tâm niệm như một lão hủ Nho: "Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc. Tri nhàn tiện nhàn đãi nhàn hà thời nhàn", rồi trời cho cũng lại giàu; Thằng bé thất học ngày xưa chỉ biết đi đập chuột với giăng câu, có ai ngờ đâu sau bảy năm lại trở thành giáo sư dậy toán.
Cả ba người này có thể gọi là những Dị Nhân của quê tôi vậy.
Hồ Nguyên
Buffalo- New York.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,303,698
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo