Bài tham dự: 423-962-V2081203
Tác giả Lê Ngọc Minh là một chuyên viên đồ án xây cất nặng về dầu hỏa và dàn khoan dầu ngoài biển; sinh năm 1939 tại Thái-Bình, di tản sang Mỹ năm 1975, hiện cư ngụ tại La Habra, California. Lần đầu dự viết về nước Mỹ, ông gửi cùng một lúc 5 bài viết liên tiếp, hợp thành một hồi ký về thời đầu ở Mỹ. Tất cả đều được viết kỹ từng chi tiết, bằng một bút pháp chừng mực mà chững chạc hiếm có. Sau đây là bài viết thứ ba của ông, được tác giả riêng tặng các bạn Ngô Kim Bảng, Dương Xuân Phương và Ngô Chí Thiềng, những người làm chung với tác giả trong những ngày vui buồn tại Santa Fe, cuối thập niên 70, sang 80. Bài đăng 2 kỳ.
*
Việc làm đầu tiên của tôi trên đất Mỹ là làm họa viên cơ khí cho hãng Given, làm máy tiện NC (numerical control) trên đại lộ Santa Fe, thành phố Compton ở California. Gia đình tôi cư ngụ tại Norwalk. Một tháng 20 ngày sau khi thuê tôi, hãng đóng cửa, 120 công nhân, cả thầy lẫn thợ bị lây-óp, dĩ nhiên trong đó có tôi, kẻ mới bắt được cái giốp đầu tiên trong cuộc đời tị nạn!
Sau lễ Giáng sinh, sau Tết tây, ngày 16-1-1976 tôi xin được việc khác, structural drafter cho hãng DMJM, gọi tắt là Đim-Jim. Hãng này trước kia có chi nhánh trên đường Yên Đổ, Sài Gòn, Việt Nam; tôi đã từng làm trưởng phòng họa đồ cho DMJM tại Việt Nam. Khi hãng được chọn để hướng dẫn cách làm đồ án đường và xa lộ tại cục Công Binh QĐVNCH tại Phú Thọ, tôi đã từng làm trong ban giảng huấn. Năm 1972 tôi nghỉ làm, ra mở hãng làm đồ án, cạnh tranh trực diện với DMJM, tôi bắt được công tác đì-zai cầu Ea Krông, chiếc cầu lớn nhất vùng II trên quốc lộ 14 ngay gần Ban Mê Thuột, cầu mà DMJM cũng bỏ thầu, nhưng không trúng!
Vậy mà khi đến hãng ở Wilshire Blvd, đao-tao Los Angeles cho ông kỹ sư trưởng anh-teẹc-viu, ông ta chê tôi không có "kinh nghiệm địa phương", ông hỏi tôi có biết gì về AISC, về AIC, về UBC, về sai-s-mích, A-mê-ri-cân Sì-tăng-đa... tôi trả lời có cái có, có cái không, vì tôi biết là tôi chỉ xin làm họa viên, nhiều điều ông ta hỏi không liên quan gì đến chức vụ của tôi. Tôi nói thêm:
- Thưa ông, tôi đã từng là trưởng phòng họa đồ của DMJM tại Việt Nam!
Ông hỏi ngược lại tôi:
- Ai biết chuyện đó "
- Ông Martin, phó giám đốc của Đim-Jim, trước kia ổng là Giám đốc đồ án tại Việt Nam.
- Được, tôi sẽ chếch với ông Martin rồi kêu anh sau!
Hôm sau ông ta kêu lại tôi, óp-phơ tôi 6.40 $ một giờ (1100 $ một tháng), vì tôi khai công tác trước tôi làm được 950 $. Anh bạn cùng đi với tôi, ông ta chỉ trả 2.80 $ một giờ (485 $ một tháng), vì anh ta không có kinh nghiệm địa phương! Thời bấy giờ lương tối thiểu là 2.10 $/ giờ; anh bạn tôi dù đã có việc làm ở nơi khác cao lương hơn (nhưng không phải là về đồ án) cũng buộc phải nhận hầu có kinh nghiệm địa phương với người ta; mấy tháng sau, thấy anh ta làm được, mà còn làm giỏi nữa là khác, họ tăng lương cho anh ngay.
Tôi đi làm, nhưng không phải ở văn phòng chính, mà DMJM gửi tôi xuống làm tại văn phòng phụ ở El Segundo, gần phi trường Los Angeles. Công việc là làm đồ án xây cất King Khalid Military Academy tại Saudi Arabia. Chín tháng sau hết việc, gần trăm chuyên viên bị lây-óp, nhưng tôi được giữ lại, gửi về văn phòng chính ở Wilshire Blvd, đao-tao Los Angeles. Tháng sau, hãng chính cũng cạn việc, biết ngày cuối cùng cũng cận kề, tôi chuẩn bị xin việc mới nhưng chưa biết tìm đâu. Bỗng nhiên hãng Santa Fe Engineering ở Orange điện thoại, hỏi năm ngoái tôi gửi đơn xin việc ở hãng này, nay còn muốn đi làm không " Có hả, mai ghé anh-teẹc-viu được không "
Kỳ này tôi có kinh nghiệm địa phương (làm tới gần một năm rồi tại Los Angeles! ) nên "ngon" rồi, tổng cộng tôi có 17 năm kinh nghiệm trong nghề, tôi được mướn ngay. Giã từ DMJM, tôi sang làm cho Santa Fe từ 20-9-1976 và được trả 1200 $ một tháng, số lương khá thơm hồi đó. Tháng sau, một anh kỹ sư Đại Hàn đã làm lâu ở đây cho biết, anh họa viên ngồi đó tên Rudy lương thấp nhất, chỉ có 1400 $ vì anh ta chỉ có 5 năm kinh nghiệm! Nghe thì biết vậy, nhưng cũng biết là thân tị nạn mới qua, sẽ còn bị đời ăn chận nhiều, tuy hơi cay đắng chút đỉnh, nhưng không buồn quá 5 phút!
Hãng Santa Fe chuyên về làm đồ án và xây cất dàn khoan dầu ngoài khơi, bến tàu, cầu tầu, tàu khoan dầu, nhà máy lọc dầu... trên toàn thế giới. Dàn khoan Bạch Hổ ngoài khơi Việt Nam trước năm 1975 là do chi nhánh hãng này tại Singapore phụ trách.
Năm đầu tiên, nhờ làm việc nhanh và chăm chỉ, tiết kiệm nhiều thì giờ cho công tác, tôi được tăng lương 4 lần và được cất nhắc lên làm lead person, nắm trong tay một đồ án nhỏ; năm thứ nhì tăng lương 3 lần.
Tôi còn nhớ, cuối năm 1976, một hôm rảnh rãi, tôi xem bộ họa đồ đường ống dầu xuyên tiểu bang Alaska do hãng khác lập đồ án, thấy cái pipe saddle, cơ phận chống đỡ đường ống chính (ống dầu chính đường kính 8 feet, tức là 2.40 m) lên cột chống (pipe support), đồng thời cho ống và cột có thể co dãn mỗi khi nhiệt độ tăng hay giảm; cơ phận này vừa nhiều bộ phận, vừa khó hàn, vừa nặng, vừa tốn tiền, tôi ngứa tay, lấy bút đỏ sửa lại, ít bộ phận hơn, dễ hàn hơn, nhẹ hơn và dĩ nhiên tiết kiệm tiền. Khi ông kỹ sư trưởng người Hoa ghé ngang, tôi nói chuyện với ông về việc này, ông xem, đồng ý với tôi, nhưng nói:
- Đây đâu phải đồ án của mình, đừng lo!
Hai ba ngày sau ông quay lại hỏi tôi, tấm hoạ đồ tôi sửa đâu " Tôi lấy ra đưa cho ông, ông đem cho ông phó giám đốc xem. Sau này tôi mới biết ông phó giám đốc đang thương thảo bắt một công tác turn key (vừa làm đồ án, vừa xây cất) trị giá cả gần tỉ bạc với Alyeska, chủ nhân của đường ống dầu xuyên tiểu bang Alaska, một công tác khá lớn cho Santa Fe. Trong câu chuyện làm quà, ông phó của Santa Fe cho Alyeska cái họa đồ sửa đỏ của tôi; Alyeska thấy có lý, cho lệnh những pipe saddle nào chưa làm thì làm theo họa đồ tôi sửa; kết quả là khoảng 20 - 25% tổng số pipe saddles của 800 miles đường ống dầu làm theo họa đồ của tôi, đó là đoạn chót của ống dầu ở gần Valdez, miền Nam Alaska.
Năm 1990, một cựu kỹ sư của Santa Fe (khi này Santa Fe đã bị bán đi bán lại mấy lần, nát như cái mền! ) quá giang Anchorage, thấy trong số những post cards về Alaska có tấm ảnh do một anh nhiếp ảnh gia méo mó nghề nghiệp sao đó, chụp đường ống dẫn dầu chính phía dưới có cái pipe saddle, nhớ lại chuyện cũ, ông mua và gửi về cho tôi một tấm, việc này gợi lại chuyện cả một phần tư thế kỷ trước, làm tôi thật cảm động. Vì chuyện sửa họa đồ cái pipe saddle, mấy tháng sau, khi đã bắt được công tác của Alyeska, ông phó của Santa Fe kêu tôi vào, bắt tay khen tặng và tăng lương cho tôi thêm 50$ một tháng (!). Nếu quý bạn có dịp du lịch hay công tác lên Alaska, xin nhớ tìm mua cái post card chụp hình đường ống chính và cái pipe saddle của Trans Alaska Pipeline, dấu ấn của một kẻ tị nạn Mít trên đất Cờ Hoa! Cái saddle này mở đường cho tôi thăng tiến sau này trong hãng Santa Fe.
Năm 1978, tôi mua một căn nhà ba phòng ngủ tại La Mirada, California, giá 62500 $. Tiền nhà, thuế và bảo hiểm món nợ, cộng lại là 550 $ một tháng. Gia đình tôi gồm 6 người: thân mẫu tôi, hai vợ chồng, ba cháu nhỏ; nhà tôi đi học toàn phần, tất cả trông vào số lương đã nêu phía trên, nên tháng nào cũng phải rất dè sẻn, nếu có gì bất thường như hỏng xe, quan hôn tang tế... thì thiếu.
Tháng 8-1978, một hôm ông phó giám đốc kêu tôi vào văn phòng, hỏi tôi có kinh nghiệm gì về CPM scheduling (làm thời khóa biểu xây cất), vì trước đây tôi ghi vào resumé là đã từng có 3 năm làm CPM scheduling. Tôi trả lời tôi làm CPM scheduling về cầu, đường, phi trường, bộ chỉ huy Giang cảnh (doanh trại có nhà, đường, cầu tầu... ; thời đó, 1978, xốp-oe Primavera đâu đã chào đời! ). Ông phó hỏi tôi có muốn đi làm trên Prudhoe Bay, Alaska khoảng 6 tháng, chức vụ là scheduling engineer, tôi phải làm mỗi ngày 10 giờ, một tuần 7 ngày, ăn ở hãng đài thọ. Làm việc ba tuần, được cho về nhà nghỉ hai tuần, lãnh lương cả năm tuần, tiền vé máy bay, ăn uống dọc đường, xe chở về tận nhà hãng trả hết, lương được tăng lên 1.864 lần lương tại California... tóm lại là gần gấp đôi! Tôi có muốn đi không " Tôi trả lời xin cho về nói chuyện với gia đình.
Về nhà nói chuyện với nhà tôi, nhà tôi nói là nhận lời đi, lạnh một chút, nhưng cơ hội này giúp chúng tôi qua cơn túng thiếu.
Thế là tháng 9-1978, tôi đáp chuyến máy bay từ LAX lên SeaTac, tiểu bang Washington, rồi từ SeaTac lên Anchorage. Bước ra cửa phi trường Anchorage thấy nhiệt độ kế chỉ 0 độ F. Từ phi trường, kêu taxi tới văn phòng Alyeska (Alyeska là hãng dầu hỏa lớn ở Anchorage, taxi nào cũng biết văn phòng Alyeska!) trình diện, lãnh trang bị làm việc trên Artic Circle, gồm quần áo lạnh, giầy, bao tay... đây là những trang bị để chống lại cái lạnh (-) 150 độ F (xin ghi nhận 32 độ F bằng 0 độ C, nhiệt độ nước đóng thành đá). Quay lại phi trường, chờ máy bay riêng của hãng dầu SOHIO lên Prudhoe Bay, trên vùng North Slope, nơi còn có một cái tên nặng mùi tử khí là Dead Horse!
Phi trường Prudhoe Bay chỉ là một bãi đáp cán đá, không có đài kiểm soát không lưu, nói gì đến phòng chờ đợi. Khi phi cơ ngưng bánh, có người mở cửa đuôi, khí lạnh ùa vào ngay lập tức, lạnh thấu xương. Tôi khoác cái parkas vào mình, theo mọi người xuống cầu thang. Tôi than lạnh, ông Mỹ đi cạnh nói:
- Hôm nay trừ 45 độ là ấm đấy, rồi anh sẽ thấy cái-mà-ta-gọi-là-lạnh ở Alaska!
Chúng tôi lục tục leo lên xe bus về trại SOHIO, cách phi trường không xa.
Nơi chúng tôi ăn, ở và làm việc, tại Prudhoe Bay là một căn nhà tiền chế lớn, bằng kim loại, xa xa là căn nhà khác của Arco. Xung quanh, khoảng 250 mai bán kính, hoàn toàn không có nhà cửa, cây cối, dân cư... chỉ có tuyết, tuyết bạt ngàn san dã, tuyết mút chỉ đến tận chân trời... người làm trên đó gọi đùa là "đao-tao Dead Horse"! Phía Tây, cách Deadhorse khoảng 250 mai là Point Barrows, thành phố duy nhất của người Eskimo ở phía Tây Bắc Alaska.
Trại là nhà ăn, nhà ở, phòng giải trí, phòng thể thao, thư viện... Nhà ăn có thể chứa 200-300 người, mở cửa 24/24, món ăn thay đổi hàng ngày, ngon hơn bất cứ một nhà hàng ngon nhất nào ở lower 48 (lower 48 là tiếng mà dân Alaska gọi xách mé 48 tiểu bang "miệt dưới"!), nhất là New York steak và hải sản. Nhà ở thì gồm nhiều phòng, mỗi phòng hai người, sáng ra có người làm phòng như hotel, sạch sẽ, thoải mái; sau khi làm được một tháng, tôi được phát riêng một phòng (lẽ ra phát cho hai người ở chung). Phòng giải trí gồm một rạp chiếu bóng, mỗi tối chiếu hai phim, một phim mới như ngoài rạp, một phim cũ; một phòng TV, phát lại chương trình ở Anchorage ngày hôm trước; một phòng billard; phòng đánh bài...; phòng thể thao gồm sân bóng truyền, bóng rổ, ping pong, phòng tập thể dục, sauna... tất cả đều ở trong nhà.
Công việc của tôi khá giản dị: mỗi ngày làm việc 2 hoặc 3 giờ, số thời giờ còn lại ngồi đọc sách hay viết sách... nhiếp ảnh. Việc làm thì kiểm soát trên giấy tờ xem nhà thầu này ngày hôm trước dùng mấy loại thợ, thợ nào cho công tác nào, tổng số giờ chi tiêu, tính ra bách phân, so với bách phân tiến triển công tác, tính ra tiền rồi ký tắt chấp thuận, gửi sang phía chủ nhân trả tiền.
Thỉnh thoảng có công tác bất thường, thí dụ như phải sửa đổi hay thêm bớt gì vào công tác đã thực hiện, phải nghiên cứu xem cần dùng mấy sắc thợ, làm mấy ca, sao cho hoàn tất công tác một cách tốt đẹp nhất, rẻ tiền nhất mà không làm trễ nải dây truyền, ảnh hưởng đến ngày hoàn tất đã định sẵn, ngày này không thể thay đổi. Mỗi ngày trễ nải có thể bị phạt tới mấy trăm ngàn đô! Mỗi sáng thứ tư tôi phải thuyết trình trước một nhóm chức sắc SOHIO về tiến triển hay trở ngại trong tuần, dự tính cho tuần tới và đoán trước các trục trặc có thể có và đề nghị giải pháp giải quyết vấn đề, hoặc xin chỉ thị, tâÙt cả mất khoảng nửa tiếng.
Tôi có một anh Mỹ đồng nghiệp luân chuyển: tôi làm 3 tuần rồi về lower 48 hai tuần, trong khi đó anh ta làm 3 tuần rồi về nghỉ hai tuần, mỗi lần luân chuyển chúng tôi có nửa tuần làm gối đầu để bàn giao công việc, sau đó tự lực làm 2 tuần. Anh này nguyên là một tay phản chiến cuộc chiến Việt Nam trước đây, đi biểu tình, bị cảnh sát Berkley đánh dùi cui vào đầu rồi đem nhốt, nên bị chạm dây, ghét cảnh sát và khi gặp tôi, biết tôi là người Việt thì anh ta khó chịu ra mặt. Lần đầu, phải làm chung một tuần rưỡi, chúng tôi buộc lòng phải nói chuyện, từ từ tôi và anh ta hiểu nhau hơn, tối ngồi nói chuyện trong cafeteria về chiến tranh Việt Nam, về phản chiến bên Mỹ... tôi cho anh ta biết về cuộc chiến Việt Nam theo quan điểm của người Việt, chúng tôi chỉ là nạn nhân của hai thế lực mạnh là cọâng sản và tư bản, dần dần tôi với anh ta thân nhau hơn. Sau khi về nghỉ 2 tuần R & R ở San Francisco, khi lên, anh ta mua cho tôi hai cái bánh trung thu ở Chai-na-tao San Francisco. Một lần anh ta phải chơi basket ball cho đội banh Santa Fe, mà anh ta bị đau ể mình, nhăn như khỉ. Tôi bảo để tôi chữa cho. Tôi đổ cả chai dầu nóng lên lưng anh ta rồi cạo gió cho một hồi, sau đó bảo anh ta đắp chăn kín. Hai giờ sau anh ta gần như hoàn toàn bình phục, ra sân chơi banh như thường. Anh ta phục quá, khoe cả sở rằng tôi có witch craft! Tôi còn giữ liên lạc với anh khoảng 2 năm sau khi chấm dứt công tác trên Prudhoe Bay và có giới thiệu anh đi xem cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật của nhiếp ảnh gia Đơn Hồng Oai ở San Francisco.
Sau đây là vài điều tôi học được khi làm việc ở miền cực Bắc Alaska:
* Lạnh. Trong suốt mùa đông, nhiệt độ luôn ở trong khoảng từ (-) 45 độ tới (-) 100 độ F. Ngày lạnh nhất tôi gặp trên Prudhoe Bay là (-) 117 độ F, ngày 5-3-1979. Khi đã quá lạnh, thí dụ (-) 45 độ, nay có lạnh thêm đi nữa, thí dụ (-) 100, mình không nhận thấy sự cách biệt (cùi không sợ lở! ).
* Trời đã lạnh, gió thổi thì sẽ làm lạnh thêm, điều này gọi là chill factor. Dân Alaska đều biết "luật 30/30/30", nghĩa là nếu trời lạnh (-) 30 độ F, gió thổi 30 mph thì với bộ quần áo như ta mặc ở dưới lower 48 này, ta chỉ sống an toàn trong 30 giây!
* Ở nhiệt độ lạnh, thí dụ (-) 45 độ F, nếu ta lấy một ly cà phê nóng, bước ra cửa, hất ly cà phê đó lên trời thì ta sẽ không thấy giọt nước nào rơi xuống đất, tất cả đều biến thành hơi nước, bay vật vờ rồi tan trong gió. Tôi không rõ ở nhiệt độ nào thì nước nóng bắt đầu biến thành hơi, vì trong suốt thời gian tôi ở trên đó, (-) 45 độ F là nhiệt độ ấm nhất!
* Cái lạnh ở Alaska là lạnh khô, ta không thể nào nắm thuyết thành trái banh: tuyết rời ra như cát vậy.
* Theo lệnh của SOHIO, khi nhiệt độ lạnh dưới 25 độ F, phải để máy xe chạy 24/24, hoặc nếu có chỗ cắm điện để giữ máy sưởi chạy thì mới được tắt máy. Chìa khoá dĩ nhiên ở với xe. Máy sưởi giữ cho ốâng xăng không bị đông đặc. Nếu ống xăng bị đông đặc, phải câu xe về xưởng, sưởi cho ống xăng ấm, xăng loãng ra thì mới đề máy được. Thành ra xe nào ở trên đó số đồng hồ mai thì thấp nhưng máy chạy hàng ngàn, hàng chục ngàn giờ!
* Đêm, khi ta đi ngủ, sẽ có một toán trùng tu xe đi kiểm soát từng xe một, thấy xe tới ngày trùng tu thì tự động kéo về garage, họ trùng tu xong trong đêm; sáng mai thấy xe đậu chỗ khác có nghĩa là đêm qua có người nào đó sử dụng xe mình, hoặc xe đã được đem về xưởng trùng tu. Đêm cũng có xe bồn đi kiểm soát xăng, nếu thấy hết xăng, họ tự động đổ đầy xăng vào bình cho mình.
* Mỗi xe đều được trang bị một máy CB. Sáng ra, khi đề máy, tài xế phải thử CB bằng cách kêu đài kiểm soát trung ương, phòng khi đi lạc hay hỏng máy xe, ta có thể liên lạc xin cấp cứu. Xe nào cũng bắt buộc phải có mấy cây đèn cầy và hộp quẹt. Nếu xe chết máy, 45 giây sau, trong xe cũng lạnh như ngoài xe. Đốt một cây đèn cầy lên, nhiệt độ trong xe có thể tăng 40 độ F (phải nhớ hé cửa sổ cho thán khí thoát đi).
* Nếu ta lỡ tay lái xe lạc xuống lề đường, ta sẽ để lại dấu vết vỏ xe trên lớp tundra, dấu vế đó sẽ tồn tại cả 10 000 năm. Nếu việc đó xẩy ra, cơ quan bảo vệ môi trường, có trụ sở tại đao-tao Dead Horse, văn phòng do hãng dầu đài thọ, sẽ cho ta một Warning Ticket in khá đẹp. Tôi thấy một anh trong văn phòng bị ticket, anh ta lên khung kính, treo trong văn phòng làm kỷ niệm.
* Không khi nào dùng tay trần để cầm bất cứ vật gì bằng kim loại, thí dụ như mở cửa xe, mở nắm cửa, cầm ống nước, cây sắt... vì da tay có thể dính như gắn keo vào kim loại; nếu cố gắng mở tay ra thì lớp da tay sẽ bị lột ra khỏi tay (giống như khi ta lấy ngăn làm đá trong tủ lạnh, thấy tay dính dính, nhưng ngăn đá tủ lạnh trong nhà không lạnh bằng cái lạnh Alaska).
* Alaska có hai tháng rưỡi hoàn toàn tối đen 24/24 vào mùa đông và hai tháng rưỡi hoàn toàn sáng vào mùa hè. Khoảng đầu tháng ba, sau hai tháng rưỡi đen tối, mọi người được thông báo, ngày đầu tiên có ánh sáng ngày, ánh sáng sẽ lâu được MỘT phút! Mọi người chờ đợi đến giờ mặt trời mọc, nhưng phía đông nam dường như chỉ hơi sáng hơn một chút (hay là chúng tôi tưởng tượng như vậy "), hoặc chẳng có gì thay đổi. Ngày thứ nhì, ánh sáng ngày kéo dài được ba tiếng đồng hồ và mọi người như thấy tỉnh hẳn ra.
* Đất Alaska là một cây nước đá khổng lồ chôn dưới đất, gọi là permafrost. Ở phía Nam, như Anchorage, Valdez, lớp đất bao phủ dầy nên cây to như cây thông có đất nuôi cây và giữ gốc cây cho vững nên có cây mộc lớn; càng về miền Bắc như Point Barrows, Prudhoe Bay, lớp đất rất mỏng nên cây mộc không sống nổi, chỉ có cỏ và bụi cây nhỏ, sinh sống trong mùa hè ngắn ngủi.
* Nhà ở hay nhà kho, nếu không muốn nhà bị chìm vào lòng đất thì phải làm hổng trên mặt đất khoảng hai, ba feet để cho khí lạnh lùa qua. Tôi đã thấy nhà kho làm trên mặt đất, bị lún xuống khoảng 1.5 feet vì kín gió, phía trong ấm hơn phía ngoài, khiến lớp permafrost tan, nên nhà chìm xuống.
* Mỗi tuần tôi được huấn luyện hai giờ về thoát hiểm và mưu sinh vùng Bắc Cực, gọi là Artic Survival Training. Sau 20 giờ học tập, tôi được phát một chứng chỉ trên có in hình con condor đậu trên một cây chết khô, nhìn xuống một nạn nhân tương lai đang bò lê lết trên tuyết. Tôi đem về đóng khung, treo làm kỷ niệm.
* Tháng 2-1979, trong khi đang làm ở Alaska, tôi nghe tin Trung Quốc đem quân đánh vào Việt Nam để cho Việt Nam một bài học. Tôi sang phòng người bạn mượn anh ta cái radio shortwave để nghe tin chiến sự, nhưng không phải lúc nào muốn nghe cũng có tin... Tôi nghe tin cuộc chiến với nhiều cảm xúc trái ngược, lẫn lộn...
* Một hôm tôi mượn được chiếc xe Rolligon (xe half track, hai bánh trước bằng cao-su, phía sau chạy xích như xe tăng), tôi lái lên phía Bắc thăm một dàn khoan dầu ngoài biển cách đao-tao Dead Horse khoảng 8 miles. Trong trí tưởng tượng, tôi sẽ gặp bờ biển, dàn khoan sẽ ở ngoài khơi hai miles (bản đồ vẽ như vậy), nhưng không thấy dấu biệu bờ biển đâu cả, nên tôi cứ lái, đến tận chân dàn khoan. Khi đó tôi ở trên Bắc băng dương, lớp nước đá đóng băng có lẽ dầy đến 8 feet hoặc hơn. Tôi leo mấy trăm bậc thang lên dàn khoan, cao như một cao ốc, mệt muốn đứt hơi. Nhân viên dàn khoan rất đỗi ngạc nhiên khi thấy có một anh Ô-riêng-tồ bỗng nhiên đến thăm. Tôi tự giới thiệu là người đì-zai mấy dàn khoan dầu ngoài khơi, muốn được xem cách thức dàn khoan dầu vùng Bắc Cực phá băng như thế nào. Họ ngạc nhiên một cách thích thú, đãi tôi như một thượng khách, dẫn đi xem mọi nơi trên dàn khoan, chỉ cho xem cách điều hành và đãi tôi bữa ăn trưa trên dàn khoan rất thịnh soạn (thực phẩm trên tất cả các dàn khoan dầu đều ngon! ). Sau đó tôi chào tạm biệt, họ bỏ tôi vào cái "rọ" bằng sắt, lấy cần trục câu cái rọ, thả tôi xuống gần xe của tôi để tôi khỏi phải trèo mấy trăm bậc thang xuống!
* Thời gian tôi làm trên đó có một phái đoàn dầu hỏa của Liên Sô, một của Trung Quốc đến thăm công trình xây cất, phái đoàn nào cũng chụp rất nhiều ảnh, thấy gì cũng chụp, không biết họ có khai thác được gì không, vì tuy nhà máy ở Prudhoe Bay, nhưng bị điều khiển từ Valdez, ở miền Nam Alaska, cách đó 500-600 miles.
Tôi rời Prudhoe Bay, Alaska về lại California, The Lower 48, ngày 6-3-1979, khi công tác gần hoàn tất. Bấy giờ là gần đến mùa Xuân, nhưng Prudhoe Bay vẫn lạnh (-) 105 độ F, Anchorage (-) 30 độ và Seattle, 15 độ F.
Từ đó đến nay, 23 năm rồi, tôi vẫn chưa có cơ hội trở lại Alaska và tôi tất mong có cơ hội quay lại Prudhoe Bay một lần nữa.
LÊ NGỌC MINH
Xin góp ý.
A thankful but a little annoyed reader!