Hôm nay,  

Giai Nhân Trên Đất Khách

29/09/200300:00:00(Xem: 209183)
Người viết: NGUYỄN THỤY HƯƠNG
Bài số 364-902-vb7270903

Tác giả Nguyễn Thụy Hương cư trú và làm việc tại Round Rock, Texas. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là tự truyện của một bà mẹ trẻ 20 tuổi, mang hai con thơ cùng cô em bé, di tản vào nước Mỹ. Bài viết có nhiều chi tiết sống động và cảm động. Bài viết mới lần này của bà là chuyện đời một bà mẹ độc thân được kể bởi người em ruột.
*
Người ta nói chị tôi đẹp. Sắc đẹp của chị không sắc sảo như hoa hậu, không nóng bỏng như những cô đào chiếu phim, không mời gọi như các cô ca sĩ... nhưng khuôn mặt của chị dễ thương, thân hình cân đối gợi cảm với vòng ngực, eo và mông đúng tiêu chuẩn, kèm theo nụ cười lúc nào cũng nở trên khuôn mặt rạng rỡ hiền hòa, khiến cho bao nhiêu chàng trai theo đuổi chị trong thời son trẻ. Những người đàn ông thầm ao ước có người vợ như chị khi chị đã lấy chồng. Cách nói chuyện và giọng nói của chị quyến rũ như mật ngọt, pha chút nũng nịu khiến cho câu chuyện thành có duyên hơn, vấn đề kiến thức chị có nhiều nhờ ham đọc sách báo, ai nói chuyện gì chị cũng biết rất rành, chứ không ngơ ngác như các bà các cô khác...
Dưới mắt tôi, chị tôi chỉ là một người có duyên ăn nói, mặt mày vóc dáng coi cũng dễ thương, và là một người mẹ trẻ còn non nớt, cái gì cũng phải chạy về hỏi mẹ!!! Chả hiểu sao các ông lại ái mộ chị" Chắc có lẽ bụt nhà không thiêng"
Không hiểu tại sao phong tục bên Việt Nam hay muốn con gái có chồng sớm... Người chồng của chị tôi may mắn khi lấy được chị, vì gia đình tôi khó khăn, muốn cho con cái lấy chồng khi đến tuổi trăng tròn, môn đăng hộ đối. Mẹ đang giận chị cãi lời mẹ, không chịu lấy một bác sĩ mới du học bên Tây về, là con của bạn thân mẹ, và những lần trước nữa, mẹ nói ai chị cũng không ưng! Thế là từ đó, hễ có bạn bè nào của chị đến nhà trồng cây si, là mẹ cứ hỏi 'ba má nó đã biết chưa" Vì thế, một đám cưới phải đến, tôi nghĩ chỉ vì chị muốn có đời sống tự do, không bị sự kiểm soát ra rầy của cha mẹ... chưa chắc trong thời gian đó, chị biết định nghĩa tình yêu là gì!
Cuộc đổi đời năm 1975 diễn ra, lúc đó tôi còn nhỏ, chị thì chưa tới hai mươi. Thấy ba mẹ con chị bé tí teo, mà chồng chị thì nhất định ở lại phụng dưỡng cha mẹ già, mẹ mới quyết định cho tôi đi với chị, vì tôi là đứa lanh nhất trong mấy anh chị em.
Đại gia đình chúng tôi gặp lại nhau trên đảo Guam, rồi tôi theo chị đi về tiểu bang Missouri. Ngày xe Bus đến Camp Pendleton đón chúng tôi ra phi trường LA, mẹ tôi bịn rịn chạy theo xe mà hai mắt sưng đỏ vì khóc, bà cố vói theo dặn dò tôi phải lo cho chị và cháu, nhớ viết thư cho bà khi vừa đến nơi.v.v... chúng tôi giấu nước mắt quay đi và cố cười nói bình thường để mẹ khỏi xúc động thêm.
Mẹ tôi có bịnh cao máu, trong thời gian ở trại bà đã khóc rất nhiều cho số phận ba và anh tôi chưa biết lưu lạc nơi đâu, cặp mắt bà có lúc gần như không thấy đường làm chúng tôi rất đỗi lo sợ, vì lúc đó em út tôi mới chưa được hai tuổi!
Bóng mẹ còm cõi nhòa đi theo đám bụi đường che lấp. Chị tôi lặng lẽ gục đầu trong tay áo, rồi chùi nước mắt nhìn tôi với khuôn mặt lo âu! Máy bay đáp xuống phi trường khi trời vừa tối. Phải đi thêm hai tiếng nữa bằng xe hơi mới đến một nơi thôn quê hẻo lánh, gần thành phố nhỏ Tunas.
Nơi chúng tôi đến sinh sống trong ngày đầu tiên xuất trại ở Mỹ là một căn nhà gỗ nhỏ màu trắng sạch sẽ, hai phòng, với khu vườn rộng mênh mông, có vài cây táo, mấy luống rau cải đang ra hoa vàng rực rỡ dưới ánh nắng mùa hạ, dãy hành tây củ thật lớn nổi trên mặt đất, khoai tây cũng rất nhiều, thích nhất là những cây bắp cải to lớn, hầu như ít khi được cắt vào ăn... thế nầy thì tụi tôi có thể cắt bắp cải xào với thịt bò, hay nấu súp hầm cà rốt khoai tây... nội những thứ rau trong vườn nầy mà biết biến chế, ăn cũng hết xẩy, cũng giống món ăn ở quê hương mình... chưa kể những loại hoa nở xinh đẹp, tươi thắm bên hàng rào cạnh quốc lộ im vắng.
Lúc đi đón chúng tôi ở phi trường, ông bà "sponsor" nói tụi tôi trông như mấy chị em, nhỏ chút xíu và ốm quá, cần phải ăn nhiều cho mập ra. Tôi trả lời tại vì ... 'you to big!' vàø tôi thích ăn bánh mì sandwich với phô mai đầu bò, còn chị tôi thì thích chocolate, hai đứa bé thì uống sữa 'gi gô', tên một loại sữa mà ở Việt Nam hai đứa thường hay uống.
Ông bà Mỹ ở một phòng, chúng tôi một phòng. Hàng ngày bà làm hết việc trông nhà, không cho chúng tôi giúp gì cả, trừ nấu những thứ chúng tôi thích mà bà không biết. Ông bà Sponsor nầy đã già và rất hiền, nhưng họ bảo trợ chúng tôi vì nhận lời giúp cho một người quen, trong lúc người ấy không có mặt tại Mỹ. Cho nên sự giúp đỡ của họ có tính cách bắt buộc phải làm!
Sáng thức dậy khi nghe chim hót trên cành, đàng sau nhà là một khu rừng khỉ kêu vượn hú um sùm, có khi một chú nai lạc vào bên trong vườn, ông bà lại lấy cây đuổi đi. Nhà cửa ở đây cách nhau rất xa, có khi cả một mile mới có một nhà, cho nên tối ngày quanh quẩn ra vào rất buồn. Sau khi ăn sáng xong, thì ra đàng trước ngồi ngóng ông đưa thư. Mỗi lần nhận được thư là mừng húm. Thời gian đó, đợi ông xe thư là thú vui và niềm hy vọng duy nhất của tụi tôi.
Khi xe thư đi qua, tôi và chị ra vườn cắt bắp cải, hành tây đem vào nhà xào với thịt bò ăn trưa. Sau khi dọp dẹp lại đợi đến giờ làm bữa cơm chiều, chán ơi là chán! Đôi lúc ông bà Mỹ cũng đưa chúng tôi đi chợ, không biết ông đã xin trợ cấp cho chúng tôi lúc nào, mà mỗi khi mua thức ăn xong là chị tôi phải ký vô một tờ giấy ở chợ, lúc đó tôi tưởng là ký biên lai tiền chợ cho nhà bank, không biết đó là tiền người ta cho mình! Ông bà bảo chúng tôi muốn ăn gì cứ mua thả dàn, tiền nầy của tụi bây! Người Mỹ họ thẳng thẳn như vậy! Ít ra trong những chuyện bình thường hàng ngày.
Tôi và hai đứa cháu lấy bánh kẹo, cà rem là những loại con nít VN rất thích, chị tôi thì mua thịt cá, gạo và... chocolate! Có khi lại lấy cả một cây thuốc lá cho ông Mỹ, nhưng đến khi trả tiền thì người ta lại bắt bỏ lại, tôi không hiểu tại sao, sau nầy mới biết là chỉ được mua đồ ăn thôi!
Đôi khi ông bà cũng đưa ra phố, mua cho vài thứ vặt vãnh và đồ chơi cho hai đứa bé. Phố Tunas nhỏ xíu, đi có một đường là hết tiệm, nên chúng tôi thích đi chợ hơn là bát phố!
Một tháng sau chúng tôi đổi chỗ ở, ông bà Mỹ cho hay là người bảo trợ chúng tôi 'xù' công việc nầy, không muốn nặng gánh nữa vì có người quen ruột thịt cũng qua được. Nơi chỗ ở mới, thành phố lớn hơn, trong một căn nhà nhỏ một phòng ngủ, chúng tôi cũng thấy vừa đủ cho bốn người!
Ba mẹ tôi cũng tìm được Sponsor cũng ở thành phố nầy, vì muốn sống gần gũi với chúng tôi. May mắn là nhà ba mẹ tôi ở phía trước, nhà chị thì đàng sau, dính nhau bằng một bức vách, có cửa sổ nhìn qua coi chừng hai bé lúc chị đi học và đi làm. Tôi muốn ở bên nào cũng được.
Lúc nầy, chị tôi lo ghi danh đi học ở Đại Học và cùng lúc đi kiếm việc làm. Tôi luôn luôn nhắc nhở là nếu ra ngoài chị phải trang điểm, chải chuốt cẩn thận, vì mỗi khi sửa soạn, chị tôi trông nổi trội hơn nhiều. Áo quần chị mặc thì rất đơn giản, vì không có tiền, nên chị hay mặc áo quần mầu đen. Ở Mỹ người ta không kỵ bất cứ màu gì như bên Việt Nam mình. Đi ăn cưới mặc đen cũng được, mà đám tang mặc đen lại càng đúng điệu. Tôi thấy chị mặc màu đen có phần xinh đẹp hơn vì nước da chị trắng trẻo, rất hợp với khuôn mặt chị, màu đen cũng ít dơ vì bụi đường, và mặc đi mặc lại vài bộ ít ai biết. Chị thường bảo tôi: "Mi xí xọn quá, có ma nào thèm nhìn!!!". Nhưng nói như vậy là chị lầm to!
Chị đi làm nhà thương dưỡng lão, tôi đi bỏ báo. Nhưng ít lâu sao đó, tôi cũng được làm nhà thương với chị vào buổi chiều sau giờ học, không thức dậy sớm đi bỏ báo được vì cận giờ vào lớp. Đi làm, dù tôi nhỏ tuổi, nhưng mấy bà Mỹ trong giáo xứ nói trường hợp chị em tôi đặc biệt, nên tôi được đi làm mà không bị từ chối vì vấn đề tuổi tác.
Có những ngày trời tuyết nặng, tuyết rơi mãi không ngừng, cao lên đến ngang lưng người lớn. Xe cộ gián đoạn không chạy được, dĩ nhiên là xe Bus cũng không có. Tôi định ở nhà vì biến cố thiên nhiên nầy, thì chị tôi lại bảo : "Mình không đi làm rồi lấy ai đút cơm cho mấy bà lão ăn, họ đói tội nghiệp"" Nói xong chị đi ra đi vào, nhìn trời, nhìn đường sá vắng trắng xóa, không một bóng xe vì tuyết đã lấp cả rồi... Bỗng nhiên chị nói: "Hay mình đi bộ cũng được... Từ đây tới đó đâu có xa!". Sự thông minh mà mẹ tôi tin tưởng nơi tôi giờ đây biến đâu mất. Tôi cũng thương và lo cho mấy người già như chị nói. Nếu mà mấy người nấu bếp không tới làm được thì khổ lắm! Tôi hăng hái nghe lời chị. Hai chị em dộng nhiều quần áo vào người cho ấm, đội mũ và mang bao tay cẩn thận. Lạ nhất là những khi trời có tuyết thì lại không lạnh lắm nên đỡ khổ. Rồi cả hai cầm hai cây xuổng nhẹ, đi đến đâu cào tuyết đến đó...
Khi chúng tôi tới được nhà thương thì mặt mày ai nấy đỏ ửng và tèm lem, ướt át vì lạnh. Tôi run lên từng cơn, chị tôi cũng không khác gì! Bà Sơ làm trong đó thấy chúng tôi tới, bà trố mắt ra nhìn, sau cùng bà bụm tay luôn miệng kêu: "Ô...my god, Ô my god"... Bà hỏi làm sao mà chúng tôi có thể đến được đây" Tay chân chúng tôi sưng đỏ và cứng ngắc vì đi quá lâu ngoài trời lạnh... Tôi lạnh run, chân tay cảm thấy tê điếng không đứng vững nữa, phải ngồi bệt xuống đất, bên cạnh, chị tôi cũng té nhào vào người bà Sơ...


Đêm đó, chúng tôi không về nhà, thay vì đến giúp đỡ cho người ta thì lại thêm việc cho mấy bà sơ giúp mình. Chúng tôi phải uống thuốc ngủ để cho qua một đêm nhức nhối tay chân. Sau bữa đó, chị tôi tỏ vẻ ăn năn vì đã xúi dại tôi đi làm. Chị thành thực nói rằng thương người thì cũng có thương, nhưng vấn đề chính là chị sợ không đi làm bị người ta đuổi sở! Tôi nhằn: "Sao đang đi làm chạy bàn cho tiệm Barbecue ngon lành chị lại bỏ qua nhà thương vậy"". Chị đáp: "Tại không ưa bà chủ, đầu tiên thì nói mình làm mình lấy tiền tip, sau đó bà thấy khách cho tip nhiều, cứ mỗi lần khách đi thì bà bắt chị làm cashier, để bà đi dọn bàn đặng lấy tiền... giàu mà tham, chị ghét chị nghỉ!". Chị nói vậy chứ tôi biết tại sao con mụ chủ lại tỏ ra bần tiện với chị, cũng chỉ vì thằng chồng mụ thấy gái đẹp là cứ híp mắt tán tỉnh lẳng lơ, làm cho bà vợ nổi cơn tam bành, bằng mọi thủ đoạn bà phải làm cho chị tôi tự ý nghĩ việc mới thôi. Thực ra thì chị tôi đâu có để ý đến ông dê xồm ấy! Thời gian sau nầy, chị cũng hay gặp những trạng huống đó, khiến cho việc làm của chị cứ phải thay đổi luôn. Là một người phụ nữ đẹp, lại độc thân, rất dễ là cái điểm nhắm cho các ông tấn công bằng nhiều cách, các ông dù Mỹ hay Việt Nam, dù độc thân hay có vợ, đều có con mắt và trái tim tham lam như nhau! Vô tình gây khổ lụy cho người phụ nữ, nhất là những người phụ nữ đàng hoàng, có nhan sắc.
Rồi một thời gian sau, chị đi thi lái xe. Trước đó, ba tôi lấy xe dạy cho chị lái khoảng một tuần. Chị cứ lái vòng vòng bốn góc đường quanh nhà, có khi ba tôi ngồi trên, có khi ba bận thì chị cũng làm gan lái một mình. Chị đi thi bằng viết tay cầm theo cuốn tự điển bự tổ chảng, tôi ngồi chờ bên ngoài thấy cả hai tiếng rồi mà chị chưa ra. Mấy người Mỹ vào thi một lần với chị họ xong từ thời nào rồi. Tôi đang nôn nóng thì thấy bóng chị tà tà ra, cười:
- Chờ lâu không nhỏ"
- Chị làm cái gì mà ngồi hoài trong đó vậy" Đậu không"
- Nhiều câu khó quá, chị chẳng hiểu nghĩa gì, tra tự điển cũng mù tịt! Thấy chị ngồi lâu quá, một ông Cảnh Sát đẹp trai lắm nghe, ra hỏi chị có cần giúp gì không, chị nói ông chỉ cho tui đi, tui không hiểu nó hỏi cái gì... Thế là ông Mỹ 'help' chị... Mà tức cười quá nhỏ ơi, ổng hỏi ta, ta trả lời sai, ông chỉ ta sửa lại cho đúng. Ta đậu rồi.
- Rồi ổng có hỏi số phôn của chị không"
Chị cười tủm tỉm:
- Con khỉ, ta nói ta có hai đứa con ngoan lắm... rồi ổng khen ta đẹp đó nhỏ, làm mình cũng vui vui...
- Có vậy thôi à" Tự nhiên khoe có con chi vậy!!! Rồi khi nào thi lái đây "
- Ba ngày nữa. Nhưng ta đã nói là không thích Mỹ cơ mà!
Tôi bĩu môi: "Chị làm như lấy chồng VN là hạnh phúc lắm... đó, ông chồng VN của chị đó!!!" Chị trả lời ngay: "VN hay Mỹ thì cũng có người tốt kẻ xấu, nhưng ta thì hạp với VN hơn, và ta cũng sợ đàn ông VN quá rồi! Thôi đừng nhắc đến chuyện nầy nữa!"
Khi chị thi lái, một ông giám khảo già khó tính ngồi bên, nhưng không hiểu sao chị lại đậu, còn được khen "cô lái rất cẩn thận...", làm cho ba tôi phải ngạc nhiên, thắc mắc: "Ba lái xe 20 năm rồi, đi thi phải ba lần mới đậu, con ni chắc chó ngáp phải ruồi..."
Anh trai tôi là em kế của chị, đi làm ở một hãng bán xe hơi cũ. Sáng anh đi học, chiều đi làm bằng xe đạp, đã mua cho chị một chiếc xe Buick Skyhawk đời 1965, to như con trâu, mã còn rất tốt, màu tím lợt hoa cà, giá tiền là 500 đô la... nhưng uống xăng dữ dội, vậy mà chị dám lái đi các tiểu bang chung quanh chơi, chạy rất nhanh vì chiếc xe nầy giống xe đua. Có lần chị chạy hơn 75 miles, thời đó, năm 76 chưa cho chạy 75 mile như bây giờ, nên chị bị Cảnh Sát rượt theo. Gặp Cảnh Sát, chị lặng thinh, chẳng thèm nói, ngước đôi mắt có hàng lông mi dài đen mượt cong cong nhìn lên, khiến chàng Cảnh Sát mềm lòng, giọng ông CS rất lịch sự: "Cô có gì buồn không mà chạy mau vậy", chị trả lời: "Không, tôi không buồn gì hết... ồ, có lẽ tôi đang suy nghĩ nên không biết đã gia tăng tốc lực, sorry!". Thấy chị ăn nói lễ độ, và chắc nhìn chị cũng khoái, nên ông cảnh sát đã không biên phạt, còn chúc có một ngày vui, và hỏi xin số phôn...
"Ta cho số tầm bậy". Chị kể lại chuyện nầy xảy ra khi lái xe chở hai con ra một bờ suối cách nhà 1 tiếng lái xe. Ở đó có suối có hồ, có loại rau xà lách song đăng đắng rất ngon mọc đầy hai bên suối, mỗi lần đi hái về cả xô bỏ tủ lạnh làm bò lúc lắc ăn rất ngon... Ở dưới suối có những con tôm như tôm càng, nhưng nhỏ hơn màu hồng, khi luộc chín thì đổi qua màu đỏ ăn rất béo. Chỉ cần lội xuống suối lấy rổ vớt là có cả rổ tôm dễ dàng!
Chưa hết, chị còn chở cả gia đình ba mẹ và mấy em ra đó để lượm trứng vịt đẻ rớt, chúng tôi đi dọc bờ hồ lượm được cả mấy chục cái trứng vịt lộn. Thời đó ăn được cái trứng lộn thật là ngon, vì chưa có đâu bán hết. Nhưng điều nầy sau đó chúng tôi biết là cấm kỵ ở Mỹ. Nếu bị bắt gặp của những người có trách nhiệm, sẽ bị phạt rất nặng.
Một buổi sáng mùa xuân năm 76, khi mặt trời vừa lên, tôi bỗng nghe tiếng ba kêu hoảng hốt : "Các con ơi... mau kêu xe cứu thương, mẹ bị bất tỉnh rồi"! Chúng tôi bật dậy chạy vào phòng, mẹ tôi nằm dưới đất, mắt nhắm nghiền, chân tay cứng đơ. Em Út tôi khóc ré lên, ôm lấy mẹ đòi ẵm. Chúng tôi lo sợ nhìn nhau, đứa thì cạo gió, đứa giật tóc mai, đứa thì gọi mẹ luôn miệng... mẹ vẫn nằm đó câm lặng không nói. Mấy đứa em nhỏ khóc tấm tức vì sợ mẹ chết. Tôi lại cửa sổ gọi chị cho hay, chị chạy qua ngay và leo lên xe cứu thương cùng ba tôi vào nhà thương với mẹ.
Mẹ tôi bị đứt mạch máu não! Lúc mới chở mẹ vào, họ không cứu ngay, mà để đó đợi làm giấy tờ, vì nhà tôi không có thẻ y tế hay bảo hiểm gì cả... rồi sau đó, có một tai nạn xe hơi, mấy bịnh nhân máu me lênh láng được khiêng vào, thế là mẹ tôi đị đẩy qua một bên để họ lo cứu cấp vụ kia trước. Nằm một lúc, mẹ tôi tỉnh lại, bà nói năng lộn xộn và không được bình thường. Phải một lúc sau thì bà mới rõ sự việc. Sau đó mẹ tôi cứ luôn miệng đọc kinh, cặp mắt thì cứ nhìn quanh tìm kiếm những người thân coi có ai bên cạnh. Theo sự hiểu biết của tôi về căn bịnh tai biến mạch máu não nầy, nếu uống được Aspirine mỗi ngày một viên thì rất tốt, bịnh sẽ lành và bình thường lại 95% như vài bà mẹ của các bạn tôi cũng bị sau đó y như vậy, dù có bà bị té bất tỉnh lúc không có ai ở nhà. Đến khi tỉnh lại, mới ráng vói lấy cái điện thoại gọi cho con. Người con chạy về thấy mẹ nằm dưới đất đã tỉnh, thì đưa lên giường nằm nghỉ, cho uống Aspirine, vậy mà thoát. Dĩ nhiên sau đó đi khám bác sĩ thì bác sĩ cũng công nhận điều đó...
Mẹ được đưa đi giải phẫu, bác sĩ mổ lộn cái gì đó nơi cổ, phải mổ lại, thế là mẹ mất sức, hôn mê hơn hai tuần, sau đó chuyển qua nhà thương dưỡng lão, nằm ngay trong khu mà trước đó chị tôi từng săn sóc đút cơm cho các bệnh nhân.
Tội nghiệp cho mẹ, nằm đó đã gặp phải những người trợ tá không có trách nhiệm, vì mẹ không ăn uống được phải chuyền nước biển, mà họ chuyền nước biển không vào trong người, lại chảy ra ngoài ướt hết nhẹp hết cả gối lẫn giường. Có lần thì chích lầm vô mạch máu, máu chảy đỏ lòm cả ra cánh tay mà chẳng ai biết! Chị tôi vô thăm nắm tay mẹ nghẹn ngào.
Chị chảy nước mắt nhìn mẹ, nhớ lại ngày chị đi sinh con đầu lòng, mẹ đã quì bên ngoài cửa phòng sinh để cầu nguyện cho chị mẹ tròn con vuông, bị cô y tá mở cửa đi ra đập vào mặt đau đớn, nhớ lúc mẹ chảy nước mắt chạy theo chiếc xe Bus chở mấy chị em ra phi trường, lúc ngồi khóc vì thương nhớ người con lớn còn kẹt tại Việt Nam, lúc mẹ ngồi gặm cái cổ gà nhường phần thịt ngon cho chồng con... Ước gì mình vẫn còn làm ở nhà thương để săn sóc cho mẹ như lúc nầy! Mẹ ơi... mẹ ráng sống đi, con sẽ may áo dài cho mẹ mặc vì con đã học được cách may, rồi con sẽ chở mẹ đi học tiếng Anh ở trường đàng hoàng, chứ không để mẹ tự nghe học theo tiếng Mỹ trong cassette nữa! Thật là tội nghiệp cho mẹ! Con đông quá còn giờ nào cho mình!
Rồi một đêm gần sáng, tiếng điện thoại của nhà thương gọi đến: "Thành thật chia buồn, bà nhà đã mất!". Chúng tôi hớt hải chạy đến nhà thương. Tay mẹ còn ấm đây mà... Mẹ ơi, Mẹ ơi... Chúng tôi khóc nức nở. Gương mặt mẹ ốm đi rất nhiều, Mẹ đã thanh thản ra đi, không còn những ngày ngồi khóc thương cho anh lớn còn kẹt lại VN, khóc thương cho bà con dòng họ của Mẹ nghèo khổ, không đủ miếng cơm manh áo nơi quê nhà!
Mẹ tôi mất năm bà mới có bốn mươi sáu tuổi, khi đến Mỹ được một năm, người đã lìa trần sớm nhất của những người tỵ nạn thời đó, chưa được hưởng những tiện nghi sung sướng vật chất nơi xứ người, đã vội trở về lòng đất lạnh, bỏ lại đám con mười một đứa, bé nhất mới có hai tuổi rưởi! Ngày mẹ mất, chúng tôi những đứa tỵ nạn còn ngu ngơ, đã ở lại nhà quàn ban đêm với mẹ, phải một phen hú hồn hú vía vì mở những tấm màn ngăn phòng kế bên, thấy có người chết khác nằm trong đó!
Chị tôi vẫn ở vậy không chịu lấy ai, dù cho nhiều người đàn ông theo đuổi. Chị sợ không ai thương con mình, chị sợ nghỉ làm không có tiền nuôi con, vả lại mẹ tôi chết rồi, chị muốn có thì giờ gần gũi với bố và mấy đứa em hơn. Từ một thiếu nữ mảnh mai yếu đuối, chị trưởng thành già dặn hơn khi các con khôn lớn. Dung nhan chị đến giờ cũng không thay đổi mấy. Chị vẫn đẹp cao sang so với mấy người cùng tuổi. Vóc dáng cũng dễ thương và gọn gàng, không sồ sề biến đổi như các bạn. Có người không gặp chị 30 năm, giờ gặp lại họ nhận ra ngay, còn cho là chị đẹp hơn và không già hơn bao nhiêu!
Cuộc đời chị vẫn trôi đi bình thản. Nhiều người cho là chị cô đơn, nhưng tôi thì không. Tôi biết chị tôi hài lòng những gì chị có. Chị nói nếu có chồng thì phải lệ thuộc vào người đó, không tiền bạc cũng thì giờ, hay tình cảm hoặc ý kiến...v.v...
Nếu như những người yếu lòng khác, rồi chị cũng sẽ lấy một người đàn ông nào đó, không Việt Nam thì Mỹ, họ đa số giàu có, để cho sung sướng an nhàn tấm thân... Nhưng chị tôi, người chị xinh đẹp duyên dáng giờ đây vẫn sống một mình, hai đứa con đã thành gia thất, chị hướng tình thương của mình về những kẻ vô phước, không quen còn ở tại quê nhà . Muôn đời chị vẫn là một giai nhân Việt Nam hiền thục trong xã hội Hoa Kỳ xô bồ hiện nay.

Nguyễn Thụy Hương

Ý kiến bạn đọc
10/10/201816:54:33
Khách
Làm chủ bản thân mới là hạnh phúc nhất. Lệ thuộc là khổ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,294,753
Người viết định cư tại Mỹ năm 2000, hiện là cư dân Boston. Với bài "Đoá Hồng Bạch" tưởng niệm một nữ sĩ quan Mỹ gốc Việt hy sinh tại chiến trường Trung Đông, Nhất Chi Mai đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Sau nhiều năm ngưng viết, mừng cô viết trở lại. Mong mạnh dạn tiếp tục.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, bài viết mới của ông là chuyện về một cựu chiến binh Mỹ từng chiến đấu ở Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là một du ký mới của bà.
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết phăng phăng bằng giọng yêu đời và yêu người thuộc đủ loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida. Bài viết gần nhất của tác giả “Có Những Tấm Lòng” mới phổ biến tuần trước, ngày 24 tháng Bẩy. Vì bài mới nhất liên quan tới thời sự, nên xin đặc biệt phổ biến sớm.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013 và hiện là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo và vẫn tiếp tục góp bài viết. Sau đây là bài mới của cô.
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Với bài "Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine", tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ.
Bài viết đầu tiên của Tố Nguyễn tới vào tháng Sáu, tháng cuối của Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX - 2017-18. Thư gửi kèm bài tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau đây là bài viết thứ ba của cô.
Tác giả là cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. Bài viết mới nhất của tác giả cho thấy bút pháp cho thấy tác giả đã tự vượt chính mình thêm một đoạn dài. Mong ông tiếp tục viết.
Nhạc sĩ Cung Tiến