Hôm nay,  

Chuyện Kể Ban Đêm Qua Điện Thoại

13/08/200300:00:00(Xem: 256319)
Người viết: KAREN N. NGUYEN
Bài số 3270-865-vb8100803

Tác giả Karen N. Nguyen, sinh năm 1962, hiện là một pharmacist, làm việc và cư trú tại Virginia. Cô đã góp nhiều bài đặc biệt cho giải thưởng viết về nước Mỹ, trong số này có bài "Chuyện Cấm Đàn Ông" từng nằm trong danh sách "top 10" được đọc nhiều nhất trên Việt Báo Online. Sau đây là bài viết mới nhất của cô. Bài đăng 2 kỳ.
*
Tôi không có thói quen trả lời điện thoại. Từ ngày có call ID hễ điện thoại reng mà tôi đứng gần đó, cứ nhìn vào cái màn hình nhỏ trên điện thoại và thấy một số phone lạ hoắc hoặc thấy hiện dòng chữ "Blocked" "unavaible" là tôi không trả lời, mà để cho cái answer machine làm việc. Nếu tôi nghe được tiếng người quen nhắn vào máy thì lúc đó tôi mới bắt phone. Không phải vì lười chỉ vì điện thoại chào hàng, quảng cáo quá nhiều, vậy thôi. Vậy mà tôi phá lệ trong một buổi tối nọ. Lúc đó đã hơn 10 giờ đêm, điện thoại reng, số phone hiện lên area code lạ hoắc tôi lại trả lời phone, trong bụng thầm nghĩ sẽ cho người chào hàng ở đầu dây bên kia tha hồ quảng cáo, rồi sẽ trả lời cảm ơn nha, không đổi điện thoại long distance đâu, không mua hàng đâu, không đóng góp gì hết cho mấy cái charity đâu, cảm ơn nha, rồi gác máy một cái cụp.
Giọng nói đầu dây bên kia nghe rất lạ, giọng của một người Mỹ. Anh tự giới thiệu tên là N, hiện sống ở một tiểu bang phía tây nước Mỹ. Anh là một người mang hai dòng máu Việt-Mỹ, qua Mỹ từ bé, không đọc được và nói được tiếng Việt. Một dịp tình cờ, một người bạn Việt Nam của anh xem Việt Báo thấy bài viết của tôi có số phone, không hiểu sao tòa soạn in luôn với tên liền cho anh số phone của tôi. Trăn trở một thời gian, anh quyết định gọi cho tôi, một người không quen ở cách cả nửa chiều dài nước Mỹ để làm quen.
Sau một lúc nói chuyện anh hỏi tôi có muốn nghe anh kể chuyện đời anh hay không và viết về những điều anh kể lại, và tôi đã nhiệt tình trả lời là tôi rất sẵn sàng để ghi lại chuyện của anh. Anh thuật bằng tiếng Anh, nghe anh nói tôi không hình dung được anh là người da vàng, tóc đen, trước cùng ở mảnh đất hình chữ S bên kia Thái Bình Dương với tôi. Cách phát âm của anh rất chuẩn, hoàn toàn không có accent gì cả. Nhưng câu chuyện của anh hoàn toàn là câu chuyện của một người Việt nam, dù xa Việt Nam đã mấy chục năm trời nhưng vẫn còn quay quắt nhớ đến Việt nam.
Sau đây là phần đầu câu chuyện của anh mà tôi nghe lời anh kể qua điện thoại trong nhiều buổi tối và dịch lại bằng tiếng Việt.
*
Tôi rời Việt Nam lúc còn bé cỡ 7, 8 tuổi gì đó thành ra tôi nhớ cái gì, tôi sẽ kể cho chị nghe cái đó. Bắt đầu chuyện như thế nào đây à, trong ký ức của tôi, tôi sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng nhỏ ở ngoại ô Saigon. Nhà cửa xây nhóm lại gần như thành một vòng tròn ở bên trong một hàng rào. Không, không phải rào kẽm gai, hàng rào xây bởi những cây cọc sắt cỡ ½ inch x ½ inch. Trong làng không có một bóng chiếc xe hơi nào cả, không có cả thú vật, chỉ có xe đạp và xe gắn máy thôi. Mỗi nhà có hầm trú ẩn đào sâu dưới đất, chèn bằng mấy bao cát, để tránh bom. Mỗi lần nghe còi hụ, biết có máy bay tới là mọi người chui vào hầm. Tôi còn nhớ những khi ở trong hầm, tôi nghe tiếng bom nổ rung rinh cả mấy bao cát lót vách hầm và nỗi kinh hoàng khi nghe tiếng bom nổ vẫn còn ghi mãi trong tôi.
Tôi sống với mẹ và em trai tôi trong một căn nhà treat, sàn đất nện, ở trong làng này. Nhà có điện có đường ống dẫn nước vào trong nhà. Em trai tôi thua tôi chừng 3 tuổi. Tôi không biết bố tôi là ai. Tôi chẳng thấy ông bao giờ, tôi chẳng nghe mẹ nói gì về ông cả. Tôi thậm chí không biết ông ấy ở đâu. Cách mẹ đối xử với tôi và em trai tôi hoàn toàn khác biệt. Buổi tối, em trai tôi ngủ chung với mẹ. Còn tôi thì nằm ở xó khác. Mẹ không đánh em trai tôi bao giờ. Còn tôi ư, bà đánh tôi rất nhiều, bằng tay không cũng có, bằng que củi cũng có. Tôi còn nhớ như in những trận đòn, mẹ buộc tôi đưa tay ra rồi dùng một que củi nện vào tay tôi đau điếng. Có lần mấy đứa trẻ hàng xóm qua chơi, mẹ để cho tụi nó xếp hàng dài dài đứng đó, rồi đánh tôi không thương tiếc trước mặt tụi nó. Những trận đòn không lý do xảy ra đều đều, và rồi tôi có ý định bỏ nhà mà đi để trốn cảnh bị đòn. Tôi hay len lén rời nhà đi bộ dọc theo con lộ gần đó, để xem mình đi được bao xa. Tôi đi như vậy không biết bao nhiêu lần, lần sau đôi chân bé nhỏ của tôi quyết định phiêu lưu đi xa hơn lần trước một chút.
Mỗi tháng một lần, mẹ đưa anh em tôi về thăm bà ngoại. Phải đi thuyền trên sông để tới nhà ngoại. Tôi còn nhớ như in hình ảnh mấy người lính Mỹ ôm súng ngồi gác bên bờ sông. Có một dịp thuyền đi ngang qua chỗ lính Mỹ gác, có 2 anh lính Mỹ nã súng bắn vào hướng thuyền để dọa chơi rồi rũ ra cười khoái trá vì đã hù người trên tàu một chuyến hết hồn. Ở nhà ngoại, món ăn bà ngoại nấu mà tôi nhớ hoài là món tiết canh vịt, ăn ngon vô cùng.
Mẹ tôi lại có mang. Những trận đòn giáng vào cơ thể nhỏ bé của tôi vẫn diễn ra như cơm bữa. Cái đêm mẹ tôi chuyển bụng, là đứa con lớn nhất trong nhà, tôi có nhiệm vụ nấu nước sôi, chuẩn bị khăn lông, theo như lời chỉ dẫn của cô mụ trong xóm tới đỡ đẻ. Cô mụ bước ra khỏi phòng, nói cho tôi nghe là mẹ tôi sinh được một bé gái. Em gái tôi mặt mũi ra sao, tôi không hề biết. Tôi không hề thấy mặt mẹ tôi và em tôi đêm đó. Tôi chỉ nhớ là tôi chỉ do dọn dẹp đồ đạc trong nhà, rồi quyết định bỏ nhà ra đi, cứ nhắm vào thành phố xa xa rực ánh đèn mà bước. Tôi không biết mình sẽ đi đâu về đâu, lúc đó tôi chỉ muốn rời xa căn nhà lạnh lẽo mà tôi chẳng đón nhận một chút gì ngoài những trận đòn không lý do hằn đau trên cơ thể của mình. Và không bao giờ tôi muốn quay trở lại căn nhà đó nữa.
Trong đêm khuya cảnh sát thấy tôi, một cậu bé lầm lũi đi một mình trên đường phố thì chặn tôi lại để hỏi han. Tôi cho cảnh sát biết tên của mình, nhưng không nói cho họ biết là nhà tôi ở đâu. Thêm một đứa trẻ bỏ nhà đi hoang được nhét vào nhà tù trong thành phố, vậy thôi. Mấy ông cảnh sát đem bỏ tôi vào khám cho ở một đêm trong đó. Tôi trở thành người nhỏ tuổi nhất ở trong khám được mấy chú mấy bác trong đó đối xử rất tử tế, lịch sự. Có người còn dúi vào tay tôi chút tiền buổi sáng hôm sau trước khi người ta đem tôi qua chỗ khác.
Sau đó người ta đem tôi tới viện mồ côi. Lúc đó tôi không có khái niệm, viện mồ côi là như thế nào hết cả chị à. Cứ thấy đến chỗ đó và gặp toàn con nít tròm trèm cỡ tuổi tôi là tôi vui thích vô cùng, cứ ngỡ là mình lạc vào thiên đàng vậy đó. Chỗ đó dành cho con nít cỡ từ 3 đến 7 tuổi con trai đám nhỏ ở tầng trệt, đám lớn tuổi hơn ở trên lầu. Con gái cũng được xếp ở trên tầng trên. Về sau tôi quen với một chị lớn hơn tôi một chút ở tầng trên, chị và tôi thường hay nói chuyện với nhau.
Vào viện mồ côi, tôi được mặc đồng phục như mấy đứa trẻ khác trong viện: quần short màu xanh nước biển đậm, áo sơ mi trắng. Thường là đi chân đất. Tối ai nấy ngủ trên sàn xi măng của một căn phòng khá lớn, mỗi đứa có một tấm mền để đắp ban đêm. Nằm san sát dựa vào vách tường vậy mà. Chị hỏi tôi lúc đó có gối không hả" Không có, chỉ có một tấm mền thôi. Tôi không nhớ họ cho ăn những gì ở viện mồ côi, chỉ nhớ mang máng món cháo trắng, có vị ngòn ngọt, còn những món khác thì tôi không nhớ. Không bị bỏ đói, nhưng bao giờ cũng thấy kiến bò trong bụng cả. Hơi đói đói vậy đó. Chắc tại thức ăn ở viện mồ côi không bao giờ gọi là dư giả được.
Trong viện mồ côi lúc đó tôi không có học hành gì hết. Suốt ngày tôi chơi với mấy đứa trẻ khác, chơi bắn bi, nhảy cò cò, thả diều, chọi dế, hay giả vờ là những toán lính nã súng bắn vào nhau. Tôi còn nhớ như in trong đầu hình ảnh mấy cái hộp đựng giày đã cũ, được tụi tôi dùng làm chỗ nhốt dế. Thả con dế vào hộp với mấy túm cỏ xanh. Khoét một cái cửa cho dế chui ra chui vào, ngày thường thì chặn lại, đến hôm chọi dế thì mở ra. Tiếng dế kêu trong đêm, bây giờ dù đã qua tới Mỹ tôi vẫn còn nhớ như in đó chị. Nhiều lúc vào mùa hè, ban đêm, chị biết không, nghe tiếng dế kêu ngoài vườn, tôi lại chạnh nhớ những trận đấu dế ngày nào thời bé.
Chơi bắn bi, chọi dế mãi cũng có lúc chán. Có mấy đứa bạn rủ tôi leo hàng rào ra phố chơi. Bốn thằng bé, trong đó có tôi, rình lúc vắng người, leo hàng rào của viện trốn ra. Trốn được ra khỏi viện mồ côi đi chưa được bao xa thì tôi bị một chiếc xe đụng phải. Tôi ngã ra bất tỉnh nhân sự, không còn biết trời trăng gì hết. Chỉ nghe mấy đứa bạn về sau kể lại là người lái xe gắn máy chở tôi vào bệnh viện, và ông ta chịu hết mọi khoản chi phí thuốc men, điều trị cho tôi. Tôi không nhớ gì về tai nạn này hết, chỉ nhớ là chân tôi không phải bó bột, không phải quấn băng gì cả. Chỉ có một cái sẹo vẫn còn ở trên chân mặt của tôi là dấu tích còn lại của chuyến phiêu lưu không thành ấy.


Viện mồ côi có lắm khách viếng thăm lắm chị ạ. Mấy ông sư đầu cạo trọc mặc áo vàng vào chơi với đám trẻ con, mấy ông cha mặc áo thụng đen vào làm lễ. Nhưng người khách mà đám trẻ con trong viện sợ nhất là ông nha sĩ. Lần nào ông đến thì trẻ con trong viện cũng lo đi trốn. Bản thân tôi cũng bị ông khám răng tới 2 lần. Lần thứ nhì, tôi sợ hết cả hồn vía, không muốn leo lên ngồi vào chiếc ghế khám răng của ông chút nào hết. May là ông chỉ khám tổng quát, chứ không có nhổ hay trám cái răng nào của tôi hết. Không biết chị có biết không, tôi nhớ khi còn bé, tôi được một người lớn dặn hễ mình rụng một cái răng ở hàm trên thì quăng nó xuống gầm giường, còn nếu rụng một cái răng ở hàm dưới thì quăng nó lên nóc nhà, không biết có đúng không" Chị cũng nhớ như vậy hả"
Trong số khách vào thăm trẻ con trong viện mồ côi, có một người Mỹ da trắng. Ông mặc thường phục áo sơ mi, quần tây ủi phẳng phiu, gọn gàng, đội nón kết, ông thường đến sau những giờ làm việc. Tôi để ý tới sự hiện diện của người khách lạ này cỡ 2-3 tháng sau khi tôi bước vào viện mồ côi. Mỗi khi ông đến chơi, tụi trẻ con trong viện bu quanh ông khá đông, còn tôi thì hay đứng vào một góc không tham gia với tụi nó. Vậy mà không hiểu sao, ông lại chấm tôi. Ông cho tôi kẹo và có những lúc ông cho tôi chút đỉnh tiền. Những lần đó tôi nhớ là mình cẩn thật nhét kỹ tiền ổng cho vào sâu trong túi quần, nhưng sau một đêm ngủ dậy, tiền trong túi quần không cánh mà đã bay biến.
Rồi ông vào viện với chiếc xe Jeep quân đội, ông hay chở tôi ra ngoài đi ăn nhà hàng, ông còn mua cả quần áo mới cho tôi. Một ngày nọ ban giám đốc ở viện mồ côi kêu tôi lên, báo cho tôi hay là tôi sẽ được đi Mỹ. Không chỉ một mình tôi, chị ở tầng trên quen với tôi thường hay nói chuyện với tôi cũng được ông người Mỹ kia làm giấy tờ xin làm con nuôi, cùng với một cậu bé khác. Ngày hôm đó sau khi nghe tin này, mấy đứa chúng tôi họp lại làm một con diều giấy mang lên nóc viện mồ côi để thả. Chúng tôi ráng hết sức thả con diều bay thật cao, bay thật xa xa tít tắp trong bầu trời xanh thẳm, và ngây thơ nghĩ rằng con diều giấy đơn sơ ấy có thể bay đến tận xứ Mỹ, đất nước xa lạ khôn cùng mà đứa nào cũng hao hức chờ ngày đặt chân đến đó.
Hóa ra là người lính Mỹ muốn mang chúng tôi qua Mỹ, ông làm giấy tờ xin một gái một trai làm con nuôi cho vợ chồng ông. Còn tôi ông làm giấy tờ để em của ông bên Mỹ nhận tôi làm con nuôi. Một đứa bé gái khác trong viện được một cặp vợ chồng ở California nhận làm con nuôi, và bác tôi, bây giờ tôi gọi người lính Mỹ này như vậy, chị đồng ý chứ, thu xếp chuyện giấy tờ để đem 4 đứa trẻ qua tới Mỹ. Nhưng không phải mọi chuyện đều xuôi chèo mát mái cả. Vì lý do gì đó, thời gian ông còn ở Việt Nam quá gấp rút, giấy tờ của tôi không đi tới đâu cả. Mấy chục năm sau, bác tôi vẫn bảo chỉ có một phép lạ mới cho phép ông dắt tôi qua khỏi mấy viên chức ở phi trường, leo lên được máy bay trót lọt mà không bị cản trở gì hết.
Lên tới máy bay, 2 đứa trẻ bác tôi nhận làm con nuôi, giờ là chị em họ của tôi có ghế ngồi hẳn hoi, cả cô bé đi California cũng vậy. Chỉ có tôi, người hành khách đi lậu là không có ghế ngồi. Bác tôi lấy một tấm mền trong máy bay, phủ chân của anh chị em họ của tôi. Tôi nấp dưới tấm mền đó, suốt cả chuyến bay dài từ Việt Nam qua đảo Guam, từ đảo Guam qua Hawaii, rồi qua California. Dọc đường đi, thức ăn dọn lên, anh chị em họ dúi thức ăn dưới tấm mền cho tôi. Nhưng tôi không thể đi vào nhà vệ sinh được. Nhịn. Nhịn, nhịn suốt một chuyến bay dài, ngồi nấp dưới một tấm mền phủ chân của hai đứa trẻ khác. Chuyện không tin được mà có thật đó chị à.
Đến California cô bé Việt Nam kia rời máy bay để về với bố mẹ nuôi của mình. Từ California trở đi tới tiểu bang bố tôi ở, một tiểu bang ở giữa nước Mỹ, lúc đó tôi mới được ngồi trên ghế hẳn hoi. Bác tôi bây giờ đã qua đời rồi, nhưng lúc ông còn sống, nhiều khi ông vẫn nhắc lại chuyện xưa và vẫn luôn bảo chỉ có phép màu mới giúp ông đem được tôi qua Mỹ suông sẻ mà thôi.
Tôi còn nhớ mình qua đến Mỹ cỡ vào năm 1968. Năm 1969 là năm đầu tiên tôi thấy tuyết ở Mỹ. Tôi cùng với anh chị em họ của tôi 2 đứa trẻ cùng ở viện mồ côi ngày nào, chơi làm người tuyết, rồi vo tuyết thành viên ném nhau chơi. Thích nghi với cái lạnh cắt người ở tiểu bang tôi ở là chuyện nhỏ, thích nghi với cuộc sống ở xứ người là chuyện khó hơn nhiều đối với một đứa trẻ nhỏ như tôi. Ngay cả chuyện sử dụng nhà vệ sinh cũng là một vấn đề, lúc đầu tôi còn không biết phải sử dụng toilet như thế nào nữa kìa, bố mẹ nuôi tôi phải chỉ. Tôi không còn nhớ nhưng bố mẹ tôi vẫn nhớ. Lúc đầu khi ngồi vào bàn ăn, tôi hay dấu một ít thức ăn vào bên trong vạt áo của mình, rồi đem giấu đồ ăn dưới cái gối của tôi ở trên giường ngủ. Có lẽ lúc đó tôi vẫn còn nhớ cái tâm trạng cồn cào gan ruột dai dẳng vì ăn không đủ no trong viện mồ côi.
Rồi tôi được đến trường học. Ngồi ở trong lớp tôi chẳng hiểu gì cả, cứ như là vịt nghe sấm vậy. Rồi nghe một thứ ngôn ngữ lạ cả ngày, chán không thể tả, tôi quyết định bỏ trốn khỏi trường. Nhà trường không biết làm cách nào để thuyết phục tôi ngồi lại trong lớp, cuối cùng tìm ra được một sinh viên đại học người Việt sống ở trong vùng, nhờ anh tới nhà nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt, giải thích cho tôi tại sao tôi phải ngồi ở trong lớp, tại sao tôi phải tới trường…Nhưng tôi chẳng thấy hứng thú gì ngồi ở trong lớp cả, tôi vẫn không hiểu thầy cô nói gì, không hiểu mấy đứa trẻ trong lớp nói gì. Tôi cảm thấy xa lạ, lạc lõng trong bốn bức tường lớp học, giữa những người không cùng màu da, không cùng ngôn ngữ.
Một ngày nọ ngồi trong lớp chán quá, tôi bỏ trốn khỏi trường, đi tới chỗ làm của bố tôi. Tôi nhớ mang máng chỗ bố tôi làm việc, cứ nhắm hướng đó mà bước. Bố tôi về sau kể lại không biết sao một cậu bé nhỏ xíu như tôi lại có khả năng đi bộ gần 4 miles, vượt qua 5 con đường trong thành phố và tới được chỗ ông làm. Bố tôi không biết cách nào nói cho tôi hiểu là tôi phải ngồi học trong lớp, liền cầu cứu bác tôi. Lúc đó bác tôi vẫn còn phục vụ trong quân đội. Bác tôi nảy ra một sáng kiến, cho 2 đứa con nuôi của mình nói chuyện bằng điện thoại với tôi bằng tiếng Việt, khuyên tôi ráng học. Và sau cuộc nói chuyện với hai người bạn ngày nào cùng ở viện mồ côi, tôi bắt đầu cảm thấy yên tâm hơn mỗi khi bước tới trường, dẫu rằng tôi vẫn không hiểu biết gì hết. Từ chỗ không nghe được tiếng anh và đọc được tiếng anh, tôi tự tìm tòi, học hỏi, ghi nhớ trong đầu từng chút một về cái tiếng nói xa lạ ấy. Tự mình tôi, tôi cố gắng hết sức mình để vươn lên. Rồi tôi vào đại học, tốt nghiệp, có việc làm, lập gia đình, ly dị…. hẹn chị hôm khác sẽ kể tiếp chuyện của tôi nhé.
Thay cho lời kết
Cảm tạ bạn đọc đã đọc đến dòng chữ này. Tôi cảm thấy có lỗi với các bạn vì câu chuyện tôi viết còn dang dở. Tôi cảm thấy có lỗi với anh N. vì đã không thu xếp được thời gian để ghi nốt câu chuyện của anh, mà tôi đoán giống như một quyển sách khá dày, phong phú chi tiết và dồi dào cảm xúc. Cuộc sống ở Mỹ này lôi người ta vào như một cơn lốc, ai cũng bận rộn cả tuần với công ăn việc làm. Thời khóa biểu làm việc của tôi không nhất định, thay đổi liên miên và tôi bận lo đổi Job, lo dọn nhà, lo thu xếp một số việc quan trọng trong gia đình.
Anh N. hứa sẽ giữ liên lạc với tôi và sẽ kể tiếp chuyện của anh cho tôi nghe. Còn tôi thì hứa sẽ gởi cho anh một bản dịch tiếng Anh những gì tôi viết về anh, bản dịch của tôi vẫn chưa xong, tôi đọc thử những gì mình viết bằng tiếng Anh, và cảm thấy sao nó nhạt quá, không truyền tải được những suy nghĩ của anh, cảm xúc của anh như tôi mong muốn! Số phone thật của anh N tôi không biết. Anh gọi tôi bằng thẻ calling card. Tôi chỉ có cách liên lạc với anh qua email mà thôi. Email cuối gởi cho tôi, anh cho tôi hay là anh đi nghỉ hè thăm một nước Châu Á và anh sẽ liên lạc với tôi khi trở về. Cho đến bây giờ tôi vẫn không nhận được email của anh.
Anh N thân mến!
Tôi biết là anh không đọc được những dòng chữ này, nhưng tôi vẫn biết tôi chỉ biết anh qua điện thoại, chỉ biết được giọng nói của anh mà thôi. Không hề biết anh cao bao nhiêu, nặng bao nhiêu, không hề biết dáng vóc anh ra sao, mặt mũi anh ra sao. Nhưng tôi hy vọng anh bạn của anh, người hay đọc Việt báo sẽ đọc được những lời nhắn này.
Anh N thân mến, ở mỗi tiểu bang trên nước Mỹ này thậm chí ở tiểu bang anh ở đều có người Việt cư ngụ. Anh không cô đơn lạc lõng ở xứ người đâu. Nếu anh đồng ý sẽ có vô vàn người bạn Việt Nam hết lòng giúp anh trở về với cội nguồn, sẵn sàng giúp đỡ anh tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, ngôn ngữ Việt nam, con người Việt Nam, phong tục Việt nam, văn hóa Việt nam và cả thức ăn Việt Nam, những gì anh đã không thường xuyên gặp gỡ trong hơn 40 năm ở xứ người.
Anh N thân, món "duck blood salad" anh kể, không phải là điều xa xôi chỉ nằm trong ký ức tuổi thơ đâu. Sẽ có bao người bạn Việt Nam biết chỗ nào bán món ấy, biết cách làm món ấy và sẵn sàng mời anh ghé chơi để thưởng thức món ăn ấy. Trong số đó có cả tôi.

Karen Nguyen.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,224,447
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Hai bà má của tôi -má ruột và má chồng- bây giờ ''ngon lành'' hết biết. Cả hai cụ đã là công dân Mỹ, công dân của một nước ''ngon lành'' nhất thế giới.
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến