Hôm nay,  

Cái Chăn Mỹ Và Con Gái Họ Đinh

07/08/200300:00:00(Xem: 185783)
Người viết: IRIS DINH
Bài số 3265-861-vb2040803

Tác giả Iris Dinh tự sơ lược tiểu sử bằng vài nét chấm phá duyên dáng: hồi còn con gái tên là cái Nụ, qua Mỹ thấy người ta kêu là chị Nữ, khi vô quốc tịch thì đổi tên là Iris. Định cư tại San Jose đã hơn 20 năm. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của bà là một du ký về miền Đông. Lần này là một tự truyện thể hiện nhiều thao thức, kể lại hai cuộc di cư, tâm sự và nỗi lòng của một người con gái VN ở vùng quê từ hồi còn nhỏ, cho đến những lo toan cho con cái khi định cư ở nước Mỹ này. Bài đăng 2 kỳ.
*

Bố mẹ tôi là dân quê miền lưu vực sông Hồng, con cháu của họ Đinh kiêu hùng và là di dân đời thứ năm trên mảnh đất khai thác bởi Nguyễn Công Trứ (Kim-Sơn, Hoành-Thư, và Tiền-Hải ngày xưa). Nói thế cho oai chứ khi bố mẹ tôi cưới nhau, cả hai bên gia đình đều rất nghèo, vốn liếng ông bà cho hầu như không có gì ngoài sự chiụ đựng bền bỉ và thói quen cần cù kiên nhẫn.
Bố tôi là con trai thứ hai, bác cả tôi đã bỏ nhà vô Nam làm phu đồn điền cao su từ năm 1939.
Ông nội tôi là một thầy đồ văn hay chữ tốt, nhưng đã lỡ thời lại thích tỏ ra hào phóng. Ba tôi học được một ít chữ Nho thì phải bỏ học giúp bà nội tôi, một người đàn bà hiền lành yếu đuối, làm ruộng nuôi một bầy em khi ông nội tôi chẳng may mất sớm. Có lẽ vì thế mà ba tôi tính tình cứng cỏi, cương quyết và nhiều khi rất ngang ngạnh.
Mẹ tôi là con thứ một ông thợ may khéo tay, tính tình đôn hậu dễ dãi. Bà ngọai tôi không biết chữ nhưng ca vè, thơ, phú thứ nào bà cũng thuộc làu làu. Bà truyền cho mẹ tôi nghề nuôi tằm dệt vải để sinh sống và cả những câu thơ lời hát mộc mạc, vừa làm kim chỉ nam cho đời sống, vừa là phương tiện giải trí trong những lúc lao động cực nhọc, đổ mồ hôi đổi lấy chén cơm manh áo.
Tôi là con gái út, sanh ra sau ngày gia đình tôi di cư vào nam, canh thừa sữa cặn, nhưng cũng thừa hưởng một ít đặc tính từ bậc sinh thành. Tôi cứng đầu giống bố, thích hào phóng giống ông nội, có một chút khéo tay cuả ông ngoại và cũng mê văn chương thi phú như bà ngoại tôi khi xưa. Tôi không giống mẹ bao nhiêu nhưng lại yêu và nhớ mẹ nhất, có lẽ vì tôi là con út có dịp gần gũi mẹ nhiều hơn.
Mẹ tôi thường kể rằng bà nội và ông ngoại tôi đã mất trước ngày đất nước chia hai năm 1954. Các cô các chú tôi đã vào Nam gần hết. Cậu Tư tôi bị Việt Minh bắt đi không rõ số phận ra sao. Anh rể lớn của tôi, anh Quý, tử thủ đồn làng Thức-Hoá tỉnh Nam Định. Mất đồn, anh bị Việt Minh chém đầu, xác vất xuống mương. Chị Qúy mới sanh cháu đầu lòng, sợ chị bị sản hậu nên bố mẹ tôi giấu tin anh chết.
Bố tôi trốn lên Hải Hậu ở nhà cô út. Mẹ và dì út ngày đêm lặn lội đi mò xác anh Qúy, hai tuần sau mới tìm thấy. Mẹ nhận ra xác anh nhờ bộ quần áo nâu ông ngoại may anh mặc trên người. Chôn anh xong, vài tháng sau thì có hiệp định Geneve. Cả làng tôi người ta xôn xao đi di cư gần hết. Mẹ tôi thương bà ngoại già yếu, nhất định ở lại chờ tin cậu tôi nên không chịu đi. Bố tôi nổi giận, cho người về bắt mẹ tôi đưa các anh chị xuống bãi biển Hải Hậu rồi trốn ra Hải Phòng để di cư vào Nam.
Đầu tháng 11 ở ngoài bắc trời đã lạnh căm. Bốn giờ sáng, khi chuông nhà thờ đổ hồi thứ nhất, bà ngoại tôi âm thầm đưa gia đình mẹ tôi đến tận cổng làng. Sáu anh chị tôi và cháu bé mới sanh, người lớn bồng bế người nhỏ, đi cách quãng nhau vì sợ Việt-Minh phát giác ra giữ lại. Mẹ tôi đã bỏ một ít thức ăn, quần áo ở dưới đáy đôi thúng lớn trên quang gánh; trên mặt thúng để rau cỏ, gạo mắm như người ta ra chợ.
Bà tôi thấy mẹ tôi ăn mặc phong phanh vì vội vã, bà gỡ cái chăn nhỏ quấn trên vai quàng cho mẹ tôi. Rồi bà đứng chết lặng nhìn mẹ tôi gạt nước mắt lầm lũi bước đi trong bóng đêm.
Cũng nhờ có người dẫn đường, lúc đi lúc trốn, năm ngày sau gia đình tôi xuống mảng (bè làm tre nứa) ở bãi biển Hải-Hậu để ra tàu nhỏ lên Hải-Phòng. Khi các anh chị tôi đã được cột chặt vào cái mảng tre, bố tôi và người chủ mảng vừa lội vừa đẩy, vừa dùng chèo, dùng sào chống mảng ra khơi. Ra chưa được bao xa, có mấy người cán bộ Việt Minh phát giác ra , họ chạy theo giữ chiếc mảng tre lại. Bố tôi dùng chèo liều chết chống cự. Trong khi một cô cán bộ trẻ giằng lấy em bé trong tay chị tôi. Chị mới sanh còn yếu và chưa bình tĩnh bẳn sau khi biết được tin anh Qúy chết, nhưng mẹ tôi đời nào chịu thua. Bà như một con gà mẹ bằng mọi giá chống đỡ với con quạ để che chở cho bầy con; bà nhảy xuống giựt lại được em bé. Sau khi lên tàu nhỏ, hoàn hồn lại, bà mới phát giác ra cái chăn mỏng bà ngoại cho, mẹ tôi dùng để quấn em bé cho ấm, đã bị mất khi mẹ và cô cán bộ VM giằng co nhau.
Khi xuống đến Hải Phòng, trong ba tháng chờ đợi để lên tàu há mồm vào Nam, gia đình tôi và mọi người di cư được trọ trong những cái lều vải lớn, hằng ngày được người Mỹ cứu trợ cấp phát đồ ăn thức uống và đồ dùng cần thiết. Trong số quần áo cũ mẹ tôi đưọc tặng, có một cái chăn nhỏ dệt bằng len với nhiều mầu sắc rất lạ mắt.
Từ đó, cái chăn nhỏ theo mẹ tôi từ Hải Phòng vào Vũng Tàu, Biên Hoà (nơi tôi sinh ra), rồi Rạch giá (nơi tôi lớn lên). Dần dần, tôi đã chính thức làm chủ cái chăn nhỏ bé này.
Rồi từ đó, qua hơi ấm của cái chăn, tôi thấy cánh tay của mẹ tôi mạnh mẽ, chan hoà những yêu thương; Lời ru của mẹ tôi ngọt ngào, ngăn chặn hết những tiếng đạn pháo, bom nổ ì ầm hằng đêm:
"Cái ngủ mày ngủ cho lâu
Để mẹ đi cấy ruộng sâu cho bà."
Qua màu sắc của cái chăn, với lời ca mộc mạc của mẹ, linh hồn tôi như bay bổng giữa trời cao mây rộng và những cầu vồng muôn mầu sắc, màu sắc của cái chăn Mỹ viện trợ.
*
Hơn hai mươi năm sau, trên đảo Philippines, ở một vùng nhiều gió và nhiều mưa, trong căn gác xép, dưới ngọn đèn mờ, năm người đàn bà trẻ chúng tôi cùng nhau vác bầu. Đùa chút cho vui thôi, chứ lúc đó chúng tôi đang ở traị tị nạn Bataan, sau khi vượt biên và được chuyển từ Thái Lan qua. Gia đình chúng tôi gồm có bốn anh chị em và năm người cháu. Chín người được Cao uỷ tị nạn chia cho một căn gác hẹp. Nối nghiệp ông ngoại tôi, vì không có thân nhân nước ngoài trợ giúp, chúng tôi thuê hai cái máy may để làm phương tiện sinh sống bên cạnh sự trợ giúp của cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc.
Dân tị nạn Việt Nam khi đến trại Bataan tức là đã được chấp nhận bởi một nước thứ ba, chỉ còn học Anh văn hay ngọai ngữ khác chờ ngày đi định cư, khoảng sáu tháng thôi. Thời gian học tương đối ngắn nên không mấy ai còn lo làm ăn buôn bán gì nữa cả, ngoại trừ một vài quán cà phê, thuốc lá lẻ tẻ trong trại. Thêm vào đó, ai cũng muốn sắm một bộ đồ tươm tất để lên máy bay, nhất là những người đã có thân nhân đi trước. Cái cửa hàng may vá nhỏ của chúng tôi nhờ thế mà đông khách. May đồ không kịp chúng tôi mướn một cô thợ may, cô Thu, cô này cũng có bầu gần tới ngày sanh, y như hai chị em dâu tôi và Thủy, thêm hai cô cháu Cúc và Lan. Cùng ở chung một căn gác. Tất cả đều mang bầu con so gần tới ngày sanh. Vui chi mà vui bộn . Chữ "Trùm sò" sau này tôi mới nghe. Còn hồi đó, ông chồng tôi hay lăng xăng giúp việc nhà thờ của trại, được bà con trong trại gọi là ông "Trùm bầu".
Năm bà bầu, chưa kể các ông chồng và anh em khác, đi qua đi lại trong một căn gác hẹp, chỉ có đụng bầu vào nhau cũng thấy mệt rồi. Tuy vậy thời gian ở Bataan cũng vui và đáng nhớ suốt đời. Ngoài giờ đi học, đi nhà thờ, và ra trạm xá khám bầu khám bệnh, cuối tuần chúng tôi còn lội ra suối picnic; Chúng tôi may vá, nấu nướng, và chia xẻ biến chuyển cuả những cái bầu, nôn nao chờ ngày đi định cư và những đứa con tương lai.
Sau khi Thủy và Cúc sanh con ở Phi, năm bà mẹ trẻ đều đi định cư ở Mỹ hết. Tôi và Thủy ở San Jose, Lan đi Oregon, Cúc thì đi xa nhất, mãi tận Boston. Chúng tôi mất liên lạc với cô Thu thợ may, còn bốn chị em cô cháu chúng tôi vẫn tin tức qua lại thường xuyên, biết rằng qua đợt bầu đó, sau này mỗi người còn thêm mấy đợt bầu nữa, trúng mùa chi mà trúng quá xá.
Bốn người chúng tôi khi xưa bên nhà ở chung một xóm đạo đi học chung một trường, hằng ngày chia nhau trái ổi, trái cóc, và bài vở giấy bút ở trường. Qua bên Mỹ, mỗi người ở mỗi nơi, lâu lâu mới họp mặt đông đủ. Khi gặp nhau, đám đàn ông bàn toàn những chuyện lớn, chuyện "Xì tóc" lên xuống, chuyện Mỹ đánh khủng bố, chuyện phục quốc, lật đổ cộng sản v. v. Đám đàn bà chúng tôi thì đề tài chính vẫn là những cục cưng (hay cục nợ) từ cái bụng bầu mà ra.
Chúng tôi vui mừng cho nhau vì chúng tôi không còn lo con cái phải đi nghĩa vụ, bị tù tội, bắt bớ, hay đói khát, bệnh hoạn không thuốc men. Đồng thời, chúng tôi cũng chia xẻ với nhau những khó khăn của những người làm cha mẹ ở xứ này, những người thuyền nhân VN đợt đầu sanh và nuôi con trên đất Mỹ, những người cha mẹ không kinh nghiệm, một lúc phải bươn chải, đương đầu với bao nhiêu điều xa lạ, khó khăn.
Cái đám con nít hậu duệ của lớp thuyền nhân tị nạn bây giờ đang ở tuổi choai choai, hay dở chứng bất thường. Chúng gây cho các bà bầu cựu chúng tôi biết bao là cảnh "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay!"
Thằng Tí con lớn tôi (mang bầu ở đảo) năm nay đã 21 tuổi, người ngợm sáng sủa khỏe mạnh, học giỏi, nhưng nóng nảy nên ít bạn bè. Tính nó khó khăn nên ít hài lòng với mình và với người, tối ngày thui thủi như một con chó già. Đứa thứ hai, Bé, đẹp trai và thoải mái hơn "ai tới đâu, tôi cũng từ từ tới đó". Khi mới ba tuổi Bé đã tỏ vẻ thích con gái, hay ôm cổ mẹ thỏ thẻ: "Má ơi, bé thương má lắm! Khi Bé lớn, Bé sẽ làm một cái daddy có nhiều cái children, rồi Bé bưng mấy cái children về cho má nuôi".
Oh my god! Tổ cha nó, nó giống ông già nó y hệt-- daddy có nhiều cái children--tôi rủa thầm trong bụng.
Thằng con cưng này chưa có nhiều "cái children" nhưng tối ngày mẹ nó bắt phôn bạn gái nó gọi tới, thì cũng đã thấy nó "có hiếu" lắm rồi.

Cô em dâu tôi, Thủy, cũng có bốn đứa con giống như tôi nhưng chỉ có một gái duy nhất. Con bé Kiều khi sinh ra nhỏ chút xíu (5 lbs) và xinh xắn như cô tiên nhỏ trong búp sen, truyện cổ tích tôi đọc hồi còn bé. Khi đến tuổi dậy thì , nó lớn như thổi và da mặt bị nhiều mụn nên nó buồn hết sức. Đối với tôi và những người khác trong gia đình, nó vẫn là đứa xinh xắn lại giỏi giang, nhưng con bé cứ lúng túng khổ sở, nhiều khi đòi tự tử hay bỏ nhà đi. Ba má nó muốn phát điên lên chẳng biết đằng nào mà khuyên giải.


Một bà bầu đi xa nhất là Cúc, cô cháu lớn của tôi, theo gia đình chồng về mãi tận Boston. Cúc hầu như thoải mái may mắn nhất về đường con cái, vì cô ta chỉ sanh có hai đứa con thôi mà chúng thật dễ thương. Cháu lớn là trai, Nghĩa, sanh ở Phi năm nào, nay đã học xong bốn năm đại học, Nghĩa vừa đi làm vừa học thêm lại hay giúp việc xã hội trong cộng đồng, rất ít khi làm buồn lòng bố mẹ. Hoà là cháu gái 15 tuổi, dễ thương như anh nó và học giỏi lắm. Bất ngờ con bé nhất định chỉ ăn chay và đi chuà. Cúc ráng vui với con nhưng lại khổ với ông chồng. Ông chồng của Cúc là công giáo Bắc kỳ di cư bảo thủ, đâu đời nào chấp nhận cho con mình bỏ nhà thờ mà niệm Phật. Hai vợ chồng cứ gấu ó cãi cọ tơi bời cũng vì con. Ông chồng nói vì vợ nuông chiều mà con hư. Bà vợ cự ông chồng rằng vì ông thô lỗ, cọc cằn mà con hận.

Lan, định cư ở Oregon, là người gian truân nhất trong đám bốn bà bầu chúng tôi. Năm ngoái, mẹ Lan ốm nặng rồi mất, cô ta về VN đưa đám mẹ, để lại ba đứa con đang lớn cho chồng trông nom . Ông chồng Lan đã thất nghiệp lại còn mê bài bạc, chẳng ngó gì đến nhà cửa con cái. Khi Lan trở lại Mỹ thì thằng con lớn đi chơi với bạn gái, đang có bầu, chưa về. Ngày hôm sau, cảnh sát ập vào nhà bắt thằng nhỏ đi vì tội phá làng phá xóm chi đó. Vay mượn, cầm cố nhà cửa, chạy chọt luật sư mãi , mấy tháng sau thằng nhỏ mới được về, sau khi nộp phạt và ký giấy làm mấy trăm giờ phục vụ cộng đồng. Ôi! Con dại thì cái mang.


Tháng sáu năm nay, trước khi tôi đi qua Washington D.C., Lan gọi điện thoại báo tin rằng đứa con gái 14 tuổi đã bỏ nhà ra đi hai tuần rồi . Cô biết con bé ở chung với bạn nhưng không muốn đến bắt về, vì nếu bắt về nó cũng sẽ lại đi nữa, sợ rằng nó đi đến ở một nơi khác mà mình không biết. có thể tồi tệ hơn. Cô chuẩn bị để gửi con đi một cái group therapy home ở mãi bên Missouri, hy vọng con sẽ thay đổi hay ít nhất không bị dính líu đến những chuyện không hay trong lúc còn nhỏ dại này. Cô ta gọi hỏi ý kiến tôi vì ba năm trước tôi cũng đã gửi con gái 15 tuổi tới một nơi tương tự. Con gái tôi hơn một năm sau về nhà đi học đi làm tử tế; bây giờ đã xong hai năm đại học vẫn còn hận bố mẹ vì bị gửi đi "cải tạo". Nó thề sẽ không bao giờ tha thứ cho tôi về chuyện này.
Tôi xót xa thương cho thân tôi và những người mẹ không kinh nghiệm khác. Trên xứ sở xa lạ, chúng tôi đã lúng túng lận đận, như cái cò gầy gò bên bờ sông trong lời ru của mẹ tôi năm nào.
Tôi hồi hộp băn khoăn nhìn những đứa con, đứa cháu, bị giằng co giữa hai nền văn hoá, vụng về mà ương ngạnh, chập chững mà muốn bay xa.
Có một người nào đó đã viết rằng: " Khi con còn nhỏ, con quanh quẩn bên mẹ; mẹ giang cánh tay ôm con vào lòng; mẹ bọc con trong chăn; mẹ sợ con lạnh con đói. Hôm nay con đã lớn, con muốn đi xa; mẹ chỉ còn biết chắp hai tay lại cầu nguyện cho con được bình an hạnh phúc; mẹ sợ giông tố cuộc đời dập vùi con."

Sau ngày Lan gọi, gia đình tôi đi washington D.C. có công chuyện, nhân tiện có dịp ghé thăm một vài thắng cảnh của thủ đô.
Một trong những nơi chúng tôi ghé qua đã ghi lại những cảm xúc sâu đậm nhất là bức tường kỷ niệm chiến sĩ trận vong Việt Nam.
Khi đi ngang qua South Lawn của White House, người nhà thả chúng tôi xuống nơi cây tháp bút chì (Washington Momument). Từ cây tháp bút chì, đi dọc hết cái hồ hình chữ nhật là đền kỷ niệm tổng thống Abraham Lincoln. Từ đây nhìn ra bên phải là Korean War Memorial. Xa hơn nữa, bên kia bờ sông Potomac, là nghĩa trang Arlington, nơi chôn cất danh nhân tử sĩ và nhiều người có công với đất nước Hoa Kỳ. Bên trái của Lincoln Memorial về hướng White House là Việt Nam Memorial Walls. Bức tường dài bằng đá hoa cương màu đen thẫm, ghi khắc tên của hơn 58 ngàn người Mỹ đã chết hay mất tích trong khi phục vụ trong chiến tranh Việt Nam.
Trong suốt chiến tranh VN, người mình chết bao nhiêu mà nói. Trong miền Nam dưới quê tôi, người ta có thói quen để tang người thân ba năm. Người đi lính chết nhiều qúa, đến độ ít khi thấy ai không mang tang lắm.
Khi tôi 15 tuổi, có một người hàng xóm bạn học với anh tôi đến hỏi cưới tôi. Anh quen biết gia đình tôi từ bé nên còn lạ gì nhau nữa. Tuy vậy anh quen gọi tôi là " cái gái" vì không nhớ rõ tên, hay không thèm nhớ tên, chắc vì tôi đen đúa gầy gò trông không bắt mắt. Cái tên "gái" giúp mọi người phân biệt tôi với bọn con trai trong xóm ngày còn bé vì tôi trông giống và cũng nghịch ngợm như con trai vậy. Năm ấy, sau mấy năm đi lính ở xa, anh mới về thăm mẹ và qua nhà tôi chơi, gặp tôi anh ngỡ ngàng:
- Mày là .. mày .. ơ..
- Dạ, em là "mày ơ", là "cái gái"
- Ồ.. ồ, "cái gái" mau lớn qúa anh nhìn không ra.
Mặc dù năm ấy ba tôi không gả tôi cho anh vì tôi còn nhỏ; lại nữa, các chị tôi đã lấy chồng đi xa; hai anh tôi đi lính không còn ở nhà, mà anh chàng này thì đi lính mãi tận ngoài miền Trung; tôi cũng đã rất buồn, sợ thì đúng hơn, khi nghe tin anh tử trận một tuần sau khi về phép lần cuối cùng. Bà mẹ anh mang tang cho chồng và cho con. Mỗi lần gặp tôi bà đều khóc và dần dần tìm cách tránh không gặp.
Tôi đã không hiểu được tại sao bà lại dễ khóc như vậy, và tôi buồn vì tôi tưởng bà giận tôi.
Những lần như vậy, tôi về nhà chui vào giường, kéo cái chăn nhỏ lên phủ mặt, nhưng tôi vẫn nghe tiếng súng đạn đì đọp, gầm gừ từ xa xa vọng về, và tay chân tôi thì lạnh ngắt, thừa thãi, lòi cả ra ngoài mép chăn.
Lúc mà chúng tôi vẫn còn chưa nhận được tin gì của bà ngoại và cậu dì ngoài Bắc, thì mẹ tôi mất sau một cơn bạo bệnh. Còn đâu những lời ru hát của bà để đủ sức lấn át những sợ hãi hoang mang trong tôi. Tôi nhắm mắt, bịt hai tai lại, nhưng vẫn mơ hồ tưởng tượng ra từng lớp người tiến lên, từng thân người ngã xuống, che chở cho mảnh đất tự do còn sót lại của quê hương Việt Nam, cho tôi cơ hội để khôn lớn thêm.
Một năm sau, người bạn cùng quê, hằng ngày trên đường đi học vẫn giúp tôi vác xe đạp xuống đò qua con sông lớn, đến từ giã tôi lên đường nhập ngũ. Anh nói anh muốn làm bạn và thư từ qua lại cho vui khi anh xa nhà. Tôi nhớ đến câu hát của mẹ năm xưa:
"Chóng đỏ thì lại chóng phai
Thoang thoảng hoa nhài mà lại thơm lâu"
Tôi phân vân nín thinh không trả lời. Những vòng tang trắng lởn vởn trước mắt như những bóng ma hoang dại, như những cái thòng lọng sẵn sàng xiết vào cổ tôi .
Hồi đó, mỗi lần anh giúp vác xe đạp, tôi nói cám ơn, nhưng lần nào anh cũng trả lời rằng anh không lấy lời cám ơn mà cho tôi thiếu lại, để gom nhiều lấy một lần cho đỡ mất công. Hôm nay, tôi không trả lời câu hỏi của anh, anh nói anh không vội gì, cho tôi thiếu nợ lần sau trả gấp đôi.
Ba mươi năm đã trôi qua, kể từ khi anh bạn hàng xóm từ giã tôi gia nhập quân đội tới giờ. Đời sống đã qua bao tang thương dâu bể, đất nước tôi đã thống nhất một cách tức tưởi dưới ngọn cờ đỏ. Dưói quê tôi hồi đó không có hoa nhài (bông lài), nên tôi không biết hoa nhài thơm được bao lâu. Tuy vậy, anh bạn hàng xóm nhiều lần giúp tôi vác xe qua đò đã "không chết [như] người trai khói lửa", mà sau khi cải tạo trở về, anh tìm đến xiết nợ "người em gái hậu phương" là tôi. Dầu sao thì xiết nợ cũng còn đỡ hơn là "xiết cổ" và chúng tôi đã tận tình xiết nợ xiết nần nhau đã hơn hai mươi năm rồi.

Trước kia tôi có nghe nói hơn 58 ngàn lính mỹ đã chết hay mất tích ở VN. Con số xa lạ mơ hồ, và những cái tên còn xa lạ hơn nữa.
Hôm nay tôi đứng đây, ngắm bức tường dài gẫy làm hai khúc như người góa phụ mảnh mai, mặc áo dài đen, đứng nghiêng mình trước ngọn đồi xanh cỏ, trông như một ngôi mộ lớn, di tích của bao người đã hy sinh trên chiến trường VN.
Dưới ánh nắng trưa hè rực rỡ chói chang, hơn 58 ngàn danh tánh Mỹ như biến thành những linh hồn sống động, nhảy múa trên bức tường đá đen huyền bóng loáng. Những cái tên chiếu sáng lung linh như những đợt sóng nhỏ trên dòng sông Potomac huyền ảo bên cạnh. Bức tường như kéo dài mãi ra, thăm thẳm như dòng sông, như dải lụa ướt mẹ tôi phơi ngoài Bắc năm nào. Bức tường đá phản chiếu bầu trời đầy mây trắng và cây cỏ xanh tươi, cả ngàn ngàn những đóa hoa hồng với ba mầu trắng, đỏ, vàng dưới đất ngay chân tường. Lẫn lộn trong những đóa hồng tươi thơm ngát là những tấm thiệp, những lá thư của thân nhân, con cháu, bạn bè những người đã khuất. Mọi vật chung quanh cho tôi thấy rằng bao nhiêu người đã mang nặng đẻ đau, nâng niu chăm chút, yêu thương, chờ đợi mỏi mòn; bao nhiêu người đã khổ đau thương tiếc những cái tên như là vô tri này. Biết bao là thâm tình.
Năm mươi năm đã trôi qua, kể từ ngày mẹ tôi vớt cái xác không đầu của anh Quý lên. Sau năm 75, chúng tôi đã biết tin cậu tôi đã chết vì bệnh tật, kiệt sức sau khi ra tù Việt Minh. Bà ngoại tôi giữ nhà cho bố mẹ tôi bị cán bộ Việt cộng đuổi, xô té, gẫy xương hông. Không được chạy chữa thuốc men nên bà bị liệt, nhưng bà nói rằng bà sẽ không chết trước khi mẹ tôi về. Bà nói đúng, mẹ tôi mất năm 68, năm 73 bà mới qua đời. Chắc linh hồn mẹ tôi đã về thăm bà ngoài Bắc rồi. Ba tôi cũng đã về với ông bà cách đây ít năm.
Hôm nay tôi đứng đây, một đứa con gái ở miền quê VN xa tít đã đến và bồi hồi giữa những di tích của lịch sử, tất cả hình ảnh của quá khứ như ùa về phủ chụp lấy tôi. Hình ảnh ông bà nội ngoại, bố mẹ, anh Qúy, anh bạn hàng xóm tử trận và bà mẹ anh, năm bà bầu năm xưa trong căn gác hẹp ở Phi Luật Tân cùng với những đứa con, đứa cháu vv. Tất cả lẫn lộn vào nhau quay cuồng.. quay cuồng&
Những bóng người qua lại, những cái tên trên bức tường, những đoá hoa hồng dưới chân nhạt nhoè trước mắt tôi. Dưới ánh nắng chan hoà, tất cả như biến thành một cái cầu vồng đủ mọi màu sắc như chiếc chăn nhỏ xíu của tôi thuở nào. Lòng tôi quặn thắt, tim như vỡ ra.
Nghĩa trang Arlington bên kia bờ sông như sáng lên với những tấm mộ bia nhỏ màu trắng ngay hàng thẳng lối trên cỏ xanh, giữa những lùm cây xinh xắn và những đài tưởng niệm oai nghiêm bằng đá cẩm thạch. Những tấm bia nhỏ đều đều, xinh xinh, như những em bé tiểu học, trong bộ đồng phục trắng, chạy chơi trong sân trường những ngày bình an không loạn lạc. Những đứa con yêu trong lòng đất mẹ.
Trên xe ra về, tôi xót xa ngậm ngùi nghĩ đến những người VN đã bỏ mình trên đất nước VN hay ngoài biển khơi chỉ vì hai chữ tự do đơn giản mà hiếm qúy. Bao giờ quê tôi mới có được tự do thực sự, để trở về xây dựng lại xóm làng, để xây một bức tường tương tự, để tưởng nhớ và vinh danh những người đã chết vì tự do, cho tự do.
Hôm về lại Cali, trên đường về con bé út của tôi, bé Bô, thường ngày rất dễ thương, đã nói xẳng xớm với bố nó. Ông xã tôi giận la mắng um xùm. Khi ông đi khuất tôi kéo nó lại gần hỏi:
- Con có biết ba giận con không"
- Con biết chứ! Nó cười ngượng ngập.
- Con biết như thế nào. Tại sao"
Con bé bình thường có thể nói tiếng Việt trơn tru, nhưng mỗi khi bị bí, nó chuyển hệ sang tiếng Mỹ cái rẹt.
- I was moodỵ
- Nói cho má nghe, cục cưng, moody là làm sao"
- I dunno, mom! I dunno why. I felt kinda uncomfortablẹ I couldn't act it out with anyone else ... so I felt it's safe to act it out with my parents. Because .. I trust you guys.
- Oh, Thank god! Sao con không nói như vậy với bố" Sao con phải act out"
- I dunno why. I dunt feel like I wanna talk, sorri .. i .. i
- Chút nữa bố trở lại con nói gì với bố"
Con bé đã lấy lại bình tĩnh, nó giở quẻ như mỗi khi nó muốn gì:
- Con nói: "Hi daddy! How are you" I love you, daddy".
Bà ơi! Cái miệng này là cái miệng của bà ngoại tôi (bà cố của nó). Bà ơi! Con bé mới 12 tuổi thôi. Còn sáu năm nữa nó mới 18, bằng chị Bê nó bây giờ. Tôi còn mệt dài dài .
Vừa về tới nhà là gặp ngay chị Bê đứng ở phòng khách hỏi liền tại chỗ:
- Mom, dad, can I join the US Army"
Tôi chới với. Ông chồng tôi hơi ngỡ ngàng, nhưng dầu gi- Ø ông cũng từng là dân nhà binh. Ông bình tĩnh nói:
- Giỏi! Mà Bê có giỡn không" Bê muốn đi lính thật hả, con nghĩ kỹ chưa"
- I'm not kidding. I want to go, dad!
- Tại sao lại army. Đi cái gì khác được không" Tôi vớt vát.
Nhìn bộ mặt chưng hửng hết hồn của má nó, thằng anh nó nhái theo một cái quảng cáo trên TV để ghẹo tôi:
- Mom, "Be all you can be..."
Tất cả bốn anh em nó đồng thanh ca tiếp:
- "... in the Armỵ "
Con Bê 18 tuổi, cao 4'11" (1m48) và nặng 95 lbs (43kg).
Tôi hơi nóng mặt nên nạt nộ, kỳ kèo bằng ngôn ngữ của nó, thứ ngôn ngữ mà tôi còn loạng quạng nhưng hình như dễ thẩm thấu vào đầu óc chúng hơn:
- But for what"
- Mom, I can go many places, and who knows, I might go to Viẹtnam, helping and fighting for your people. How's that"
- Đát, Đát, con khỉ gió! My people are your people, nghe chưa!
Con cái của tôi nó drive tôi crazy, hết đứa này tới đứa kia. Tôi không còn biết tôi là ai. Tôi có phải là một người con yêu nước VN thiết tha, hằng mong mỏi tự do dân chủ cho đồng bào. Tôi có phải là một công dân tốt, muốn đóng góp trên đất Mỹ, nơi tôi đang dung thân. Tôi có phải là người mẹ tầm thường chỉ muốn giang hai tay che chở con mình, dù nó đã lớn. Hay tôi chỉ là cô gái họ Đinh quê mùa nhẫn nhục, chỉ biết lo tìm kiếm miếng cơm manh áo hằng ngàỵ
Không! Con gái tôi mới thực sự là con gái họ Đinh. Nó giống cha ông nó ương ngạnh mà kiêu hùng. Đúng là:
Bé nhưng mà bé hạt tiêu
Bé cay, bé đắng bé xiêu lòng người.
Bản năng thích che chở của người mẹ làm tôi bối rối, nhưng tôi cố gắng ôn tồn:
- Tốt lắm, được chứ! Nếu con muốn.
Nói cứng miệng vậy, nhưng những cái tên trên bức tường đá dài lởn vởn nhấp nháy trước mắt tôi. Nghe lạnh hai bên sống lưng, và theo thói quen từ ngày còn bé, tôi quơ tay tìm cái chăn nhỏ, cái chăn tôi còn để lại VN ngày vượt biên.

IRIS ĐINH

Ý kiến bạn đọc
05/12/201721:51:58
Khách
“Trắng răng đến thuở bạc đầu
Tử sinh kinh cụ làm nhau mấy lần”
(CONK)
Đọc bài viết của chị như thấy hết những tang thương dâu bể của dân Việt. Sao ngậm ngùi!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,025,019
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến