Hôm nay,  

Vui Buồn Ở Các Hãng Điện Tử

28/07/200300:00:00(Xem: 153062)
Người viết: THÚY ĐAN
Bài số 3255-851-vb3220703

Tác giả Thúy Đan tên thật là Phạm Kim Điền, sinh năm 1946, cùng chồng và các con định cư theo diện HO tại San Jose, Bắc Calofornia từ 1995. Sau 4 năm đi làm assembler tại các hãng điện tử, hiện đang hưởng cảnh "mây vàng trăng soi". Sau đây là bài viết mới nhất của bà.
*

Vào những năm 95, 96 các hãng điện tử ở vùng Thung lũng hoa vàng này hãy còn ít việc. Kinh tế chưa bùng nổ như những năm 99-2000. Nên việc xin được 1 chỗ làm ở hãng xưởng rất quý. Lương tối thiểu hồi đó là $4.75 ca ngày, ca đêm $5.75. Người Việt mình với tính cần cù nhẫn nại "năng nhặt chặt bị" có người đã kiếm được một job lại kiếm thêm job thứ hai. Người nào cũng lăn xả đi kiếm việc làm để có tiền trả mọi khoản chi tiêu và gia đình tôi cũng không thoát khỏi câu ca của một bài hát "Trả hết, trả hết tiền nhà, trả đến tiền xe, trả hết tiền bill, trả hết…xong rồi. Còn tiền nào cho ta"...."
Nên sau khi hưởng 8 tháng trợ cấp, ông bạn tôi được một người bạn giới thiệu đi làm ca đêm ở tận Mountain view lương hồi đó trả $9.50 quá mừng lắm rồi. Một mình ông xã tôi đi làm cũng chỉ trả đủ tiền thuê nhà. Lấy đâu tiền ăn tiêu xe cộ, lặt vặt cho cả gia đình. Tôi bèn phải đi đến các job shop xin giới thiệu việc làm. Đến great mall làm bài test của hãng selection, tôi đi nhiều Jobshop lắm từ Fremont tới Milpitas tới Man Power vv… đều được trả lời về nhà chờ.
Trong khi chờ đợi thì có cô bạn rủ đi làm ở hãng có người Việt Nam làm chủ lương $5/giờ nộp đơn là được nhận ngay. Hơi thất vọng vì lương thấp nhưng đang cần tiền để trả cho cái bill điện thoại tháng vừa rồi phải trả tới mấy trăm đô nên cũng đành nhắm mắt đưa chân, thử xem công việc mần ăn thế nào"
Hãng này từ chủ tới thợ toàn là an nam mít cả, nên các luật lệ dán trên tường phòng ăn, restroom đều bằng tiếng Việt cả, dễ hiểu thôi. Công việc làm cũng không phải nặng nhọc, buổi sáng ngồi xếp hộp lại xếp những hộp giấy như các bao hộp đựng đồ chơi điện tử bầy bán ở các store như walmart, Toy R'US vv…Ngồi xếp hộp mấy tiếng liền mà tay không có bao tay nên hai bàn tay tôi bị giấy cứng cứa ngón tay đến rớm máu. Sót và rát khó chịu vô cùng. Tôi bắt chuyện với người kế bên mới hỏi được mấy câu thì lender kêu tôi sang chỗ khác làm. Chỗ này có các cuộn bao nylông, cứ việc kéo thẳng tay cho từng bao nhỏ rớt ra, rồi xếp lại cho ngay ngắn. Công việc này đối với tôi quá dễ dàng, vừa làm tôi vừa ngó trước ngó sau chưa kịp quay ra sau thì leader tới bên tôi nói. Chị làm nhanh tay lên tôi bị chạm tự ái, nên cắm cúi làm không dám ngó dọc hay ngang nữa. Đã thế còn cảnh ma cũ ăn hiếp ma mới, khi ra ăn lunch họ nhìn chúng tôi với cái bĩu môi giọng mai mỉa "các mợ mới vô không biết phận mình mà còn lười nữa". Tôi dằn tự ái để vờ như không nghe thấy. Bạn tôi ghé vào tay tôi thì thầm "Cái tụi bợ đít nó cũng làm như mình chứ có phát lương cho mình đâu mà lên mặt" tôi chép miệng thở dài nghĩ có lẽ chủ cũng lấy ma cũ trị ma mới dằn mặt nhau đấy thôi. Tiếng kẻng vô làm tiếp mọi người vô chỗ ngồi chờ lệnh, leader chỉ mặt nói, chị này, chị kia vv…đi theo tôi thế là ai nấy chạy như đàn vịt tay còn phải bê theo cái ghế ngồi xuống cuối phòng. Vì mới vô làm nên nghe leader nói đi theo tôi là tôi vội đi mà không biết xách ghế theo. Khi xuống cuối phòng nhận việc rồi không có ghế tôi phải xin phép leader đi lấy ghế thế là bị nhận những cái nguýt dài đáo để của các "cặp rằn" kèm theo câu nói "Đồ chậm tiêu". Tôi tính bỏ đi về luôn, nhưng nghĩ đến cái bill điện thoại đành bấm bụng bê ghế xuống bàn cắm đầu làm không dám nhìn ai. Trong khi đó bộ ba leader-supervisor-ông chủ cứ đi qua đi lại giám sát mọi người, ông chủ còn lớn tiếng đe dọa "ai làm chậm cho nghỉ việc" nghe thế cô bạn ngồi gần tôi bấm tôi một cái đau điếng người, tôi suýt kêu thành tiếng.
Một ngày đầu làm việc trôi qua tôi như kẻ "kinh cung chi điểu" tôi e dè đủ mọi mặt, tự hỏi có nên làm nữa hay thôi…
Sáng hôm sau là ngày thứ 6 đến cuối ngày leader đến chỗ tôi hỏi "Ngày mai thứ 7 có over time chị có làm không"" tôi gật đầu nhận lời, buổi sáng thứ 7 đi làm đường xa vắng tanh chứ không đông xe như những năm gần đây, đến hãng cũng ít người hơn hôm trước, các nàng ma cũ thấy tôi đi làm thì nhìn nhau to nhỏ "Ghê chưa mới vô mà đã lọt vào mắt xanh của xếp rồi" tôi mới chợt hiểu phải làm được việc xếp mới cho đi làm over time chứ không phải ai cũng được kêu đi làm overtime, tôi cũng được biết trước là đi làm ngày thứ 7 vẫn trả có $5/giờ chứ không được trả thêm như các hãng xưởng của Mỹ. Tôi có nói chuyện này với em gái tôi sang đây đã lâu, cô nàng sửng sốt kêu lên. Đi làm over time luật ở Mỹ là phải trả gấp rưỡi, nếu không chị có thể đi kiện hãng. Tôi cười. Đi kiện củ khoai, nếu kiện được thì nó đã tiêu tùng rồi. Sao hãng nó vẫn sống nhăn răng đến bây giờ".
-Nhiều người đồng lòng kiện thì nó phải tiêu thôi.
-Toàn là ông già bà già đi làm ở hãng này không à, ai cũng muốn yên thân thôi cô ơi.
Và tôi nhớ hoài cái buổi sáng thứ 7 đi làm over time ấy.
Mới đầu vô đã được leader dẫn đến xếp lại những chiếc hộp to hơn mọi ngày, cách mở những ngăn vách hộp cũng khó hơn. Tôi lại quên mang bao tay, lại một phen hai bàn tay bị cứa nát, sót và rát. Chúng tôi vẫn được ngồi trên ghế nhưng cách chỗ tôi ngồi có 2 ông già dáng người đen đúa, mặt mũi khắc khổ phải ngồi bệt xuống đất để xếp những hộp to hơn, hai ông già ngồi thoăn thoắt tay xếp hộp, im lặng, không ai nói chuyện, tôi nhìn thấy họ như 2 pho tượng biết cử động 2 tay, bầu không khí ngột ngạt đến rợn người. Tôi có cảm tưởng mình đang đi vào đường hầm của địa ngục. Những con mắt nhìn xếp lấm lét đi lại, ai nấy làm tăng năng suất. Trong giờ làm việc đã phải làm luôn tay như vậy thế mà đến giờ break mấy bà trên 60 tuổi lại còn hăng hái cầm chổi quét rác trong hãng nữa tôi vội hỏi, sao chị chăm thế, bà ghé tai tôi nói nhỏ. Chị nghĩ mình già rồi, không chịu khó làm đến lúc hãng không có việc sẽ cho mình nghỉ trước. Tôi làm ở đây đã lâu nên coi việc của hãng như việc nhà. Rồi bà bảo tôi: Cô cũng đi kiếm cây chổi mà quét, xếp đang "chấm điểm" đấy. Tôi miễn cưỡng đi kiếm cây chổi và đồ hốt rác. Vừa lúc đó tiếng kẻng đến giờ làm việc. Mừng quá tôi làm bộ quét quét vài nhát chổi rồi lăng xăng tìm chỗ cất chổi. Nghĩ bụng có $5/giờ thôi việc gì phải làm nai lưng ra làm đủ mọi thứ thế. Tiếp tục cắm cúi xếp hộp giấy. Làm được 4 tiếng thì xếp bảo:


Các chị ra line làm việc, trong đó có tôi. Lần đầu tiên ngồi ở dãy đầu trước mặt tôi là những chiếc hộp xếp sẵn, khi bật điện line chạy thì tuần tự bỏ 1 hay 2 tờ giấy vào hộp, nếu không bỏ nhanh tay thì hộp đó sẽ bị thiếu. Tôi ngồi vừa nhìn cái hộp sắp chạy đến mình là phải cầm sẵn tờ giấy bỏ vào. Tôi cũng ráng theo kịp nhưng cũng có lúc vì lấy không kịp tờ giấy lên giấy dính với nhau bỏ 2 tờ cũng có lỗi, thấy vậy người bên cạnh dúi cho tôi một hộp xáp nhỏ màu hồng bảo "chị xoa xáp lên đầu ngón tay cái và tay trỏ rồi lật giấy lên dễ lắm" tôi vội hỏi "sao chị có hộp này" chị ra chợ mua $1/hộp có vậy làm mới kịp, làm chậm là bị ông chủ la. Tôi thở dài ngao ngán, không thể nào chịu được cảnh chèn ép, bóc lột sức lao động công nhân như thế này. Chung quy cũng tại chủ biết những yếu điểm của những người già, những người không biết nói tiếng tây tiếng u nên mới bị bắt nạt như vậy. Và chiều hôm đó tôi nói với chủ là tôi không làm nữa, ông chủ nói tỉnh bơ "Chị phải làm hết tháng tôi mới trả lương cho chị" tôi cười khẩy "Ông tưởng tôi mới sang Mỹ à"" ông ta quầy quả bước đi vờ như không nghe thấy.
Thế là sáng hôm sau tôi bị cho phép tôi ở nhà, tuy không kiếm ra tiền nhưng tôi thấy thư thái nhẹ nhàng, tôi thấy mình như được thoát cảnh tù đầy, thấy mình được tự do không bị theo dõi bởi bộ ba trong cái hãng bóc lột ấy nữa.
Thấy tôi nghỉ ở nhà mà vẫn tươi cười ông xã tôi hỏi: "Sao hôm nay ở nhà mà bà vui thế" tôi nhanh nhẹn trả lời "Tại em được tự do, ông xã tôi ngạc nhiên không hiểu ý câu nói của tôi". Tôi bèn kể hết cảnh mấy ngày tôi đi làm ra sao. Và cũng may ngày hôm sau có một hãng ở Freemont gọi tôi đi làm. Hôm đó hãng nhận có khoảng 40 người mới vô làm, có người nói hãng mà nó nhận đông như thế này thì hết hợp đồng nó cho nghỉ sớm. Tôi nghĩ bụng khi nào nghĩ cũng được miễn là không phải làm với hãng người Việt làm chủ là được rồi. Ở đây lương $7.50/giờ thơm chán. Hãng này rộng lớn và đông nhân công gấp 4, 5 lần hãng cũ đủ loại chủng tộc: Mễ, Tàu, Phi, Ấn, Việt Nam vv…hãng này cũng với công việc như tôi làm ở hãng cũ, nhưng năng suất thì kém xa hãng Việt Nam. Nhiều khi supervisor cho bày hàng ra làm, mọi người đã đứng trên line chờ đợi, thế mà cả 15' phút sau lại có lệnh thu hồi lại vì còn thiếu một món hàng chưa chở đến. Tôi nghĩ hãng Mỹ này phải nên đến hãng Việt Nam học cách tổ chức làm việc mới được. Suốt một tuần lễ làm việc ở hãng với 8 tiếng/ ngày phải đứng suốt cho tới lúc về, không được ngồi. Đứng từ 3 giờ chiều đến 8 giờ tối là chân mỏi gối dùn, tôi thèm được ngồi xuống một chỗ này đó thì khỏe biết mấy. Tôi hỏi leader, sao không cho chúng tôi ngồi chúng tôi sẽ làm việc tốt hơn, thì họ trả lời "Ngồi thì mọi người sẽ buồn ngủ, không làm được việc" tôi thầm nghĩ "Cứ tưởng sang Mỹ đi làm khỏe lắm. Ai ngờ, đứng chồn cả chân ê cả lưng, mỏi cả cẳng, đúng là bị do vật".
Khi supervisor đi tới gần thì leader nhắc chừng "Don't talk too much" tiếng nói chuyện chợt ngưng khi supervisor đi rồi thì lại râm ran cười nói đủ mọi thứ tiếng. Đúng là hợp chủng quốc, có khác làm đúng 1 tuần lễ là bước sang năm dương lịch 1997. hãng cho nghỉ một loạt những người mới được vô làm như tôi. Những người đi làm lâu năm họ nói "Hãng này nó khôn lắm nó nhận người vô làm để khai thuế cuối năm, xong việc rồi nó cho nghỉ. Thì ra ở Mỹ có nhiều điều mình không thể hiểu nổi".
Vừa nghỉ hãng này xong thì tôi lại được Jobshop khác giới thiệu đi làm một hãng gần nhà lương cũng $7.50/giờ. Buổi sáng hôm đó sau khi được supervisor dẫn vô khu làm việc thì gặp ngay cô bạn cũ cũng học tóc trước kia. Mừng quá vì gặp được bạn cũ cũng đỡ bỡ ngỡ với công việc mới. Chỗ làm này được ngồi ghế hẳn hoi, cô bạn chỉ tôi tận tình vừa chỉ cho tôi cô ngưng lại thong thả xõa tóc ra, rồi vuốt vuốt lại tóc nhẫn nha nhặt cái kẹp tóc trên bàn kẹp lại tóc.
Đúng là đi làm ở hãng Mỹ được thong thả, được nói chuyện miễn là không nói to quá, được nghe nhạc miễn là đừng mở to quá. Thế là tôi làm được ở hãng này được 6 tháng, lòng khấp khởi mừng thâm là sắp được vô permanent, niềm vui chưa tới thì đột ngột hãng bị cắt hợp đồng. Thế là hãng lay off một số người, trong đó có tôi.
Những người bị lay off chưng hửng nhìn nhau, lòng chợt buồn vời vợi. Tiếc chỗ làm tốt và đồng lương cũng khá. Tôi thất thểu ra về khi nghĩ đến những cái bill phải trả cuối tháng. Nhưng tôi cũng không chịu đầu hàng, lại đến cái jobshop điền đơn xin việc làm. Cũng may năm 97-98 các hãng xưởng ở San Jose cũng rục rịch mở ra nhiều, nên tôi may mắn được nhận vô làm hãng mới, lương $8/giờ. Tôi làm ca chiều được thêm 10% nữa. Năm 97 xin được việc làm như vậy là mừng hết lớn. Làm 3 tháng thì được vô permanent, hồi mới vô làm nghe leader là người Việt Nam nói "Hãng này hồi nào tới giờ không có lay off ai chỉ có khi nào bị phạm kỷ luật mới bị đuổi thôi". Nghe vậy chắc là được làm tới tuổi về hưu cũng nên. Hãng này phải nói là dễ thở hơn bất cứ hãng nào trên đất Mỹ này, có ghế ngồi làm việc, nói chuyện thoải mái với người chung quanh, radio mở tùy ý suốt 8 tiếnh không sao miễn đừng to quá. Chẳng thế vừa làm vừa được nghe đài mà tôi thuộc lòng các câu quảng cáo từ nệm chống đau lưng đến thuốc sụn cá mập, tối tối chờ nghe "Mai Hân và những chuyện tình" thật mê ly hấp dẫn. Tuần nào làm over time tối thứ thứ bảy nghe sư phụ thượng sư Thanh Hải giảng đạo mà cười vỡ bụng vv…và vv…Hãng lúc nào cũng có việc overtime đều đều. Trong suốt 4 năm tôi chỉ ngồi lấp quạt hết quạt to đến quạt nhỏ, hết quạt vuông đến quạt tròn. Tôi cũng chẳng hiểu hãng bán đi đâu nhiều quạt thế. Mỗi năm lương tăng đều đều. Rồi mua 401K rồi mua stock, cũng bán stock lấy lời thêm tiền down xe mới như ai. Mừng vui vì con cái học hành tốt đẹp nhà cửa đề huề. Và theo lẽ biến dịch của trời đất kinh tế đi lên rồi thì phải đi xuống. Hãng tôi giữa năm 2001 bắt đầu có đợt lay off temporary trước sau vài tháng đến đợt permanent. Tôi cũng bắt đầu lạnh gáy không biết khi nào đến phiên mình. Mỗi tuần đến thứ 6 lại có từng đợt người ra đi. Hãng vắng dần, chỗ đậu xe rộng thênh thang không phải dành nhau như trước.
Và điều gì đến sẽ đến, đến cuối thu năm 2001 tôi cũng theo dòng nền kinh tế Mỹ downturn mà mình cũng turndown luôn.
Lần này bị thất nghiệp thì tôi đã ở cái tuổi có cháu nội, cháu ngoại rồi nên có job ở nhà coi các cháu. Tôi không buồn như những lần thất nghiệp trước. Bớt đi những lo âu tính toán khi các con tôi còn đang đi học. Nay dù có ở nhà tôi cũng cho là đúng lúc để hưởng cảnh an nhàn sau những tháng năm lo toan cho cuộc sống trên xứ người. Có hôm bất chợt lái xe ngang qua hãng cũ, tôi thấy mình như xa lạ như ở ngoài tất cả. Như quyển sách đã lật sang trang và sách được đóng lại, khép kín những vui buồn nhọc nhằn đã qua.
Thúy Đan

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,082,391
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2019, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Bài gần đây nhất của tác giả là “Chuyện về Những Bà Mẹ”. Sau đây là bài viết thứ 8.
Tác giả qua Mỹ năm 1998 diện đoàn tụ ODP, là một kỹ sư từng làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài viết về Mẹ trong mùa Mother’s Day 2019, ông cho biết có người cha sĩ quan tù cải tạo chết ở trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa. Bài viết mới kể về chuyện người mẹ và tác giả thăm nuôi đúng vào những giờ phút sau cùng của người cha trong trại tù cải tạo. Tựa đề đầy đủ của bài viết: “Ba Tôi, Những Giờ Phút Sau Cùng và người bạn tù trên đất My” được rút gọn theo nội dung.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Thời tiết Cali đầu tuần bất ngờ có mưa bụi mát mẻ, hệt như tiết xuân dù đang mùa kiết hạ. Đúng là lúc có thể mơ xuân với một truyện tình vui của Orchid Thanh Lê, tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Cô sinh tại Sài Gòn, hiện là Phó Giáo Sư tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, Monterey, Calif. Đây là bài tác giả gửi sớm, tính dành cho báo xuân Canh Tý 2020 sắp tới. Sắp họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20, mời đọc trước chuyện xuân.
Họp mặt phát giải thưởng và ra mắt sách Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ XX - gồm những bài viết được phổ biến từ 1 tháng Bẩy 2018 tới 30 tháng Sáu 2019 - được quyết định tổ chức vào Chủ Nhật 11 Tháng Tám 2019, và 16 tác giả sẽ nhận các giải thưởng.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX và hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ khác thường. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Father's Day 2019, mời đọc bài viết mới của Hoàng Chi Uyên. Tác giả là một chuyên viên xã hội từng nhận giải thưởng lớn khi được bình chọn là nhân viên xuất sắc trọn năm 2003 và phụ trách Phòng Xã Hội, thuộc Trung Tâm Cao Niên thành phố Milpitas, Bắc California, và đã về hưu. Tháng Ba 2019, bà góp bài viết về nước Mỹ đầu tiên: "Bà Ngoại Khác Chủng Tộc" kể về hoạt động xã hội; Bài thứ hai: "Ban Cướp Biển," hồi ký về nhóm điều tra chống cướp biển trại tị nạn Pulau Bidong.
Mùa Father's Day, mời đọc chuyện “Ba Thế Hệ Cha và Con" của tác giả từng nhận giải Danh Dự VVNM 2013. Bài viết mới của Vĩnh Chánh là hồi ký về một gia tộc hoàng phái quyền chức, với những mảnh vỡ trôi dạt từ trong ra ngoài nước.
Chủ Nhật 16/6 là Father’s Day 2019. Mời đọc bài viết đặc biệt của tác giả từng nhận giải Danh Dự VVNM năm thứ mười chín, 2018. Bà.cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy 2001 theo diện đoàn tụ. Bà hiện là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Về người cha được tưởng nhớ, mời coi lại hình ảnh và bài viết “Công Chúa Triều Nguyễn” do tác giả Tôn nữ Trấn Định Minh Nguyệt thời đổi đời, trong đồng phục tài xế taxi tại Huế, lái xe đưa thân phụ Vĩnh Bạch từ Mỹ về, cúng đền Trấn Định Quận Công tại Truồi
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Năm 2019. Ông là anh cả trong 9 anh chị em, có người cha chết trong trại cải tạo Vĩnh Phú từ 1979, bà mẹ một mình lo cho các con. Ông qua Mỹ năm 1998 diện đoàn tụ ODP, hiện là một kỹ sư, làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Bài viết mới được “Viết trong ngày sinh nhật 88 của Mẹ,” Tựa đề được trích từ lời kết của bài viết xúc động: “Căn bệnh Alzeithmer với mẹ cũng là một may mắn trong muôn vàn bất hạnh. Cái quên, cái lẫn sẽ làm mẹ có thể sống được với tôi, với con cháu thêm một thời gian.”
Nhạc sĩ Cung Tiến