Hôm nay,  

Gió Đông Ở Trời Tây

09/06/200300:00:00(Xem: 345779)
Người viết: NGUYỄN TRẦN DIỆU HƯƠNG
Bài tham dự số 3223-821-vb70607

Nguyễn Trần Diệu Hương, hiện cư trú và làm việc tại San Jose, là tác giả được trao tăng giải thưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm thứ nhất và vẫn không ngừng viết. Nhân vật và chuyện kể trong mỗi bài viết của cô thường rất thật, rất sống, từ đó nói lên ý nghĩa phức tạp của đời sống. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
*


Mười sáu năm sau, chúng tôi gặp lại nhau lần đầu tiên kể từ thời thơ dại. Cô bé An Chi mắt nai, da nâu hồng duyên dáng, ngây thơ của thuở nào đã thành một thiếu phụ trung niên chững chạc, điều hành phòng mạch của mình rất thành công.
Sinh trưởng trong một gia đình chuộng khoa bảng, có bố là một sĩ quan QLVNCH, ngay từ lúc bắt đầu đi học, An Chi và các em của cô đã được dạy theo phương cách quân đội của bố "thi hành trước, khiếu nại sau". Sáu chị em An Chi sống dưới lề lối kỷ luật của bố và sự giáo dục khắt khe của mẹ: phải học hành chăm chỉ, để sau này lớn lên thành được "ông này, bà nọ" với bằng cấp, khoa bảng, để bố mẹ cô có thể "mở mặt với đời".
Khi "làn sóng đỏ" từ bên kia cầu Hiền Lương tràn vào tận mũi Cà Mau, bố An Chi đưa được cả gia đình rời Việt Nam vào những ngày cuối tháng 4 đầy hoảng loạn của Saigon. Từ Guam, gia đình An Chi được đưa về camp Fort Chaffee ở Arkansas và bắt đầu cuộc sống mới ở St. Louis, Missouri với hai bàn tay trắng.
Cả gia đình tám người ở trong một căn apartment ba phòng ngủ, một phòng tắm. Bố An Chi đi làm full time, và ban đêm ở tuổi bắt đầu mang kính lão, ông cần cù, kiên nhẫn đến trường Community college học về ngành ngân hàng, địa ốc. Cái dáng mệt mỏi của ông xuất hiện ở bãi đậu xe của trường đủ hai semesters trong năm học cũng giống như hình ảnh một con ốc sên già lặng lẽ leo dốc trong bài toán về vận tốc và thời gian ở năm cuối tiểu học, con ốc sên kiên tâm leo được 0.2 mét ban ngày, ban đêm bị rớt xuống 0.1mét. Dù biết rằng cố gắng của mình không đem lại kết quả hoàn hảo như ý muốn, dù biết rằng "lực bất tòng tâm" ông vẫn đi học để thoát khỏi công việc tay chân, và nêu một gương sáng cho đàn con đang lớn. Khi về nhà, ông mệt mỏi không còn đủ sức để ý đến các con chỉ lập lại thông điệp mỗi tuần một lần trong bữa ăn đoàn tụ gia đình rất quý hiếm vào mỗi tối chủ nhật: "các con phải học, đời bố mẹ đã trễ để làm lại từ đầu, nhưng đời các con còn dài, các con phải giúp bố mẹ có thể mở mặt với đời". Cái thông điệp được lập đi lập lại rất nhiều lần mà chị em An Chi vẫn thì thầm sau lưng ông "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!".
Lúc đó hình như chỉ mỗi mình An Chi và cậu em kế đang học ở Junior High là đủ sức để hiểu "thông điệp" của bố, đầu óc thơ dại của những đứa nhỏ hơn chỉ nghĩ về "Tom and Jerry", Barney hay Elmo vànhững phim hoạt họa nổi tiếng cho trẻ em.
Cũng như những ngày còn ở quê nhà, mẹ An Chi không phải đi làm. Bà ở nhà, tiếp tục nhồi nhét vào đầu óc lũ con lời khuyên phải học hành chăm chỉ đàng hoàng, để có thể có được việc làm tốt, kiếm được nhiều tiền. Là một người đàn bà đẹp, lấy chồng rất sớm từ tuổi mười tám, chưa được học xong Trung học, bước thẳng từ sự bảo bọc của cha mẹ sang sự bảo bọc của chồng, mẹ An Chi dù rất thương con, nhưng không biết cách nào "làm bạn" với con, chị em An Chi không thương mẹ như những người con khác thương người sinh ra và nuôi dạy mình nên người.
Gia đình An Chi vẫn gắn chặt với nhau, nhưng chất keo gắn những thành viên trong gia đình chỉ gắn được họ về mặt thể xác, nhưng không hòa hợp được về mặt tinh thần. Nghĩa là chị em An Chi vẫn ngoan, vẫn nghe lời cha mẹ, vẫn "đi thưa về trình" nhưng trong tâm tưởng chị em Chi chỉ sợ và biết ơn, mà hình như chưa bao giờ thương yêu bố mẹ. Đối với họ, chăm lo học hành là con đường ngắn nhất để thoát khỏi "vòng kiềm tỏa" của bố mẹ, mà vẫn sống đầy đủ trong xã hội Mỹ có tiêu chuẩn sống cao nhất thế giới.
Nếu còn sống ở Việt Nam, chắc là tình trạng không đến nỗi như vậy! Ở đây, lại là xã hội Mỹ, một xã hội Tây phương với đời sống bận rộn, phóng khoáng và tự do khác hẳn quan niệm Đông Phương. Cho nên chị em An Chi càng ngày càng xa rời bố mẹ, những con chim non chỉ sớm đủ lông đủ cánh để bay vào trời xanh, dẫu nhiều bất trắc nhưng không đơn điệu, tẻ nhạt như trong gia đình.
Học xong trung học, An Chi xin vào một trường đại học ở miền Tây, để càng xa bố mẹ càng tốt. Cô vào nội trú, và là một người "học tới nơi, chơi tới chốn". Điểm học của cô không có gì phải phàn nàn, cô không bao giờ phải lấy lại một lớp nào hai lần. Thời khóa biểu của một con chim non mới rời tổ ấm luôn luôn đầy ắp giờ lên lớp, làm bài trong lab, giờ đi thực tập, giờ đi movie và cả giờ dancing hay giờ phóng xe mui trần trên xa lộ với những người bạn Mỹ con nhà giàu, có xe sport đời mới.
Mùa hè, An Chi về lại miền Trung Tây nước Mỹ thăm bố mẹ, các em chỉ được hai tuần, rồi lại thấy nhớ cái không khí Hollywood của ven biển miền Tây. Cô nói dối phải đi thực tập hay lấy lớp học mùa hè để bay về miền Tây, sống một thời tuổi trẻ ồn ào, sôi động kiểu Mỹ. Mẹ An Chi dĩ nhiên không biết một chút gì về cuộc sống của An Chi ở UCLA (trường đại học California ở Los Angeles) luôn tự hào về cô con gái đầu lòng của mình và không biết là mình đã sai lầm trong việc giáo dục con cái, càng ngày càng đẩy lũ con xa dần bố mẹ trong tâm tưởng.
Ba An Chi, đã hội nhập đời sống Mỹ hơn mười năm, cả về đời sống của một người công nhân lao động chân tay lẫn đời sống của một người lao động trí óc, mơ hồ cảm nhận con gái đầu của mình không còn là một cô gái Việt Nam ngoan hiền theo lối Đông phương. Thế nhưng đời sống bận rộn ở Mỹ và trách nhiệm đối với bầy con đang lớn "ăn như tằm ăn rồi" và nhu cầu vật chất không có giới hạn làm ông quay cuồng và không có thì giờ quan sát, kèm cặp An Chi như thời cô mới lớn.
Vả chăng, An Chi vẫn rất thành công trong việc học, mỗi năm lên một lớp, từ năm Freshman an nhàn vừa học vừa chơi, cho đến năm senior bận rộn đầy projects, cô vẫn học hành trên trung bình, và vẫn có những phiếu điểm đầy sức thuyết phục đem về cho ba mẹ mỗi quarter và vẫn xứng đáng là một con chim đầu đàn chăm lo học hành nêu gương sáng cho bầy em đang lớn.
Với An Chi, điều duy nhất mẹ cô đúng là phải học để thành công, để có được một lối sống xa hoa của xã hội Mỹ có tiêu chuẩn sống cao nhất thế giới. An Chi không bao giờ phí tiền mua vé số, vì cô đã thấy được xác suất trúng rất nhỏ nhoi từ toán thống kê ở năm thứ ba đại học. Và hơn ai hết, cô hiểu là không thể trông mong gì ở tài sản của ba mẹ để lại cho cô, như một vài người bạn Mỹ cùng lớp. Vậy thì còn cách nào khác hơn là cố gắng học hành" Và ít nhất, với trình độ đại học, nếu không giàu có thì cũng không vất vả như ba cô, như hàng chục ngàn người Việt Nam bỏ xứ lưu vong vào cuối thập niên 70. Thời gian nan cơ cực đó đã đóng một dấu ấn không bao giờ nhòa trong thiếu thời của An Chi.
Ở tuổi hai mươi hai, An Chi đem về cho ba mẹ thành quả đầu tiên trong việc nuôi dạy đàn con: bằng đại học đầu tiên của đứa con đầu. Với chuyên ngành Micro-Bio, An Chi muốn học thêm vài năm nữa về Y khoa, nhưng cô hiểu bố mẹ cô còn đang rất chật vật với bầy em đang lớn, không thể nuôi cô đi học, mà cô thì không thể vừa đi học, vừa đi làm như những năm đầu đại học, vì càng học lên cao học phí càng cao và cũng đòi hỏi nhiều thời gian hơn, cô không thể vừa đi học, vừa đi làm như bốn năm qua. Đó là lần đầu tiên trong đời An Chi cảm nhận được nổi thua thiệt của con nhà nghèo.
Cô xin được việc làm như một research associate cho một công ty Bio-Chem ở Los Angeles. Cô không muốn bỏ nắng ấm Cali để quay về miền Trung tây êm đềm nhưng tẻ nhạt với cô. Vả chăng, anh bạn trai người bản xứ cao lớn, trắng trẻo, đẹp trai ra trường cùng năm với cô về ngành giáo dục là nguyên nhân chính để An Chi quyết định ở hẳn CA sau khi ra trường. Thêm vào đó, cóc, ổi, me, bò bía, bún ốc ở Little Saigon cũng là một hấp lực với An Chi. Nhưng lý do đưa ra với bố mẹ chỉ là lý do duy nhất, đầy sức thuyết phục, cố tìm được việc làm ngay sau khi ra trường ở Los Angeles. Ở Mỹ công ăn việc làm vẫn là yếu tố tiên quyết để mọi người chọn nơi cư ngụ.
Có một điều An Chi không dám nói và chưa biết phải "breaking news" với bố mẹ như thế nào: lối sống kiểu Mỹ rất là phóng khoáng đưa cô đến kết quả "tiền trảm hậu tấu" mà cô biết ba mẹ cô không bao giờ chấp nhận: tám tháng nữa, cô sẽ là mẹ một đứa bé mang hai hay ba dòng máu: một nửa huyết thống Việt Nam của cô, một phần tư dòng Mỹ và một phần tư gốc gác Canada của George, người tình từ năm thứ ba đại học của cô.
Ở tuổi hai mươi hai hãy còn mê ăn, mê ngủ. An Chi đã thức trắng suốt hai đêm liền, để suy nghĩ về tất cả mọi tình huống có thể xảy ra trước khi cô đi đến quyết định cuối cùng. An Chi cũng đã gặp cố vấn tâm lý ở trường, nhưng điều đó chỉ làm cô thêm can đảm khi lựa chọn quyết định của mình, mặc dù điều này sẽ làm mối liên lạc của cô với gia đình xấu đi. Vì hơn ai hết, An Chi hiểu, với truyền thống Việt Nam cổ kính bố mẹ cô sẽ không bao giờ chấp nhận tình trạng "tiền trảm hậu tấu" (hay nói theo kiểu nói nhà binh của bố "làm trước báo cáo sau" quan hệ nam nữ trước hôn nhân. Trong trường hợp này cô lại là con đầu, cái đầu tàu phải chi rõ đường đi đúng cho 5 đứa em, chắc chắn là bố mẹ cô không bao giờ chấp nhận một cái đầu tàu đi lệch hướng hay như kiểu nói của người Mỹ "black sheep" trong nhà.


May mắn là An Chi vẫn có job, một công việc với mức thu nhập tương đối cho một sinh viên mới ra trường làm đúng ngành nghề mình học và cô còn có George rất thương yêu cô và rất muốn xây dựng một gia đình mới với cô. An Chi lấy vacation để về thăm nhà một tuần trước khi mọi người có thể thấy được bằng mắt thường: bụng cô đang mang một mầm sống đang lớn dần. Cô khéo léo che đậy nên không ai trong gia đình, ngay cả mẹ cô biết là An Chi vốn rất ngoan hiền, nề nếp ngày xưa đang làm một "cuộc cách mạng" rất lớn.

Trở lại Los Angeles, An Chi cùng George chuyển về một apartment hai phòng. Chút gia giáo đông phương còn sót lại trong An Chi là cô cùng George đã làm hôn thú ở California trước khi hai người chính thức sống chung với nhau không kèn, không trống.
An Chi không dám hé môi với bất cứ ai trong gia đình, chỉ hy vọng sau khi sinh nở, khi "gạo đã thành cơm" bố mẹ cô vì thương con, thương cháu sẽ tha thứ kiểu sống Mỹ hóa của cô.
Bé Angel ra đời mang cái tên ghép giữa tên An Chi và George, chỉ mang được bà mẹ chồng người Mỹ của An Chi bay đi, bay về từ East Coast sang West Coast để thăm con, thăm cháu, mà không giúp gì được cho quan hệ giữa An Chi với gia đình. Bố mẹ của An Chi không những chỉ là những người Việt Nam, mà còn là loại người Việt Nam thủ cựu, không chấp nhận việc cô con gái đầu lòng thông minh, duyên dáng có con, có chồng mà không có đám cưới, một cái đám cưới linh đình như là một cách báo hiếu cho cha mẹ theo lối nghĩ cho một số người Việt Nam. Và cũng kể từ ngày đó, An Chi trở thành "black sheep" trong gia đình, theo như cách nói của mẹ An Chi "Coi như tôi không đẻ ra nó" lúc đó là giữa thập niên 80, bị gia đình từ chối, An Chi giữ được mối liên hệ với cộng đồng Việt Nam qua chúng tôi, những người bạn học thời thơ dại.
Lúc đó, ngoài Mai Linh ở Texas, Thanh mai ở Virginia và Minh Yên ở Paris hầu hết chúng tôi còn đang phải đắm chìm trong bóng tối mịt mù dưới chế độ cộng sản nghiệt ngã ở quê nhà. Và An Chi là người bạn duy nhất gởi những "món quà cho quê hương" về với chúng tôi ngày từ lúc cô đi làm cái job part time đầu tiên ở những năm cuối trung học. Kẹo chocolate MM đủ màu An Chi gởi về rất kích thích cái bao tử trống rỗng quanh năm của chúng tôi, kích thích cái sức ăn đang lớn của "tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu" nhưng tất cả đều được mang bán ở chợ trời như mấy câu hát của nhạc sĩ Việt Dũng "gởi về cho em kẹo bánh thênh thang....em bán cho đời tìm đường vượt biển". Những món quà nhỏ nhưng đầy tình nghĩa đó, được chia năm xẻ bảy cho cả bọn còn kẹt ở quê nhà, không đủ để chúng tôi tìm đường trốn khỏi quê hương ảm đạm từ một ngày cuối tháng tư rất buồn của đất nước, nhưng đủ để chúng tôi kéo dài cuộc sống bên lề xã hội, đợi chờ ngày gặp lại An Chi, ngày được vào trường đại học ở một xứ sở tự do mà không bị "công an khu vực" chỉ mặt răn đe "có bố đi học tập cải tạo thì đừng trông mong gì đến chuyện vào đại học".
Nếu chúng tôi biết lúc đó, An Chi cũng chật vật với đời sống hẳn là không đứa nào dám nhận quà của An Chi. Đời sống thường có quá nhiều chữ "nếu" nên hình như không ai có một hạnh phúc toàn mỹ.
Mặc dù không có được một hạnh phúc vẹn toàn như tất cả mọi người may mắn trên quả địa cầu mặc dù bị bố mẹ từ bỏ một cách không chính thức. An Chi cũng đã có một hạnh phúc gia đình với chồng con ở thời gian đầu. Bé Angel bụ bẫm, dễ thương, tóc vàng mắt xanh nâu, giống hệt daddy, không có một nét đông phương, mỗi lần đi shopping với An Chi đều làm mọi người nghĩ là cô gái Việt Nam 22 tuổi chỉ là babysister mà không phải là mẹ. An Chi vẫn hạnh phúc, mặc dù đôi lúc cô vẫn thấy đó là một "hạnh phúc méo mó".
Những năm tháng sau đó, An Chi mới thực sự chạm mặt với "thực tế phũ phàng" khi những đứa con kế tuần tự chào đời gần như năm một, đứa trước nối tiếp đứa sau, tuần tự bước vào đời, thực sự lấy đi thời hai mươi đầy sức sống của An Chi. Sau này, cô vẫn là khôi hài với chúng tôi về "khả năng sản xuất" của chính mình:
-Tụi bây biết không" Angel là "điều ngạc nhiên ngoài sức tưởng tượng" An Sơn là "kết quả ngoài kế hoạch" Minh tâm là "accident" và Mai Ly là "lỗi lầm kỹ thuật".
-Vẫy tại sao mày không cố thêm hai lần "sơ suất" nữa để cung cấp đủ nữa tiểu đội bảo vệ quê hương thứ hai khi cần thiết"
Đến lúc đã có bốn con, An Chi vẫn giữ được tinh thần câu ca dao Việt Nam "ra đường người tưởng còn son, về nhà thiếp đã bốn con cùng chàng". Dù lạc quan đến đâu, An Chi cũng thấm được nỗi khổ "nhà nghèo đông con" bởi vì các con của cô được George và cô nuôi theo tiêu chuẩn Mỹ rất cao và rất tốn kém, chính phủ Mỹ cũng chỉ cho trừ thuế trong chi phí child care nhiều lắm là hai con. Hai lương đại học mới ra trường dưới năm năm của An Chi và George quá nhiều để xin được trợ cấp từ chính phủ và quá ít để thỏa mãn nhu cầu của bầy con bốn đứa. Cô quyết định quay trở lại trường học ở tuổi gần ba mươi để học thêm một nghề khác, có thể kiếm được nhiều tiền hơn, đáp ứng cho nhu cầu vô tận của gia đình mình.
Background về Bio-Chem đã giúp An Chi bước thẳng vào trường đại học y khoa mà không cần phải học pre-med. George đã ủng hộ An Chi hết sức mình, ngoài giờ dạy ở trường trung học anh đã là một Mr Mom rất xuất sắc, quán xuyến việc nhà, chăm sóc các con rất chu đáo. Nhưng bảy năm ở trường đại học Y khoa của An Chi dài đăng đẳng áp lực từ mọi phía, cả tinh thần lẫn vật chất, làm George mắc bệnh trầm cảm (depression) anh trở nên chán chường, nghi ngờ tất cả mọi thứ khả năng của An Chi và khả năng của chính anh. Am Chi rất cương quyết, hơn nữa "đã phóng lao thì phải theo lao" cô chỉ còn một năm cuối đến trường và một năm nội trú ở bệnh viện là xong "nợ sách đèn". Cô cắt bỏ mọi chi phí đến mức tối thiểu và dùng một phần "student loan" của mình thuê một bà giúp việc người Mễ, mỗi ngày tám tiếng giúp cô quán xuyến việc nhà. Hậu quả tất yếu sau đó là cô Út Mai Ly với hai dòng máu Mỹ Việt, biết nói tiếng Tây Ban Nha trước khi biết nói tiếng Mỹ và tiếng Việt và thích món Taco Bell, Fajita đầy đậu, hơn hẳn hamburger kiểu Mỹ, lần những hạt cơm truyền thống của Việt Nam.
Những năm tháng vất vả của hai vợ chồng An Chi cuối cùng cũng được đền bù xứng đáng. Ngày An Chi ra trường, chúng tôi có mặt đông đủ. Đang lớ ngớ tìm kiếm An Chi trong những tân khoa áo mũ giống nhau. Chúng tôi nghe tiếng Việt nổi lên từ một cô nhỏ người Mỹ:
- Mẹ ở chỗ này nè!
Mặc dù chưa bao giờ gặp con An Chi, chúng tôi cũng biết ngay đó là Angel, "điều ngạc nhiên ngoài sức tưởng tượng" của An Chi và George. Cũng ở ngày thành đạt đó của bạn, chúng tôi gặp bố mẹ An Chi , dễ hiểu hơn tại sao bạn chúng tôi không thương mẹ như chúng tôi, như bao nhiêu người bình thường khác. Bố mẹ An Chi có mặt ở ngày ra trường của cô để biểu lộ niềm tự hào "mình đã nuôi dạy được một bác sĩ Y khoa" mà không hề để ý đến George và bầy cháu ngoại rất dễ thương của mình. Dù chỉ là người ngoài cuộc, chúng tôi cũng cảm nhận được nỗi buồn cố hữu của bạn và hiểu tại sao bạn không thương mẹ. Dù "gạo đã thành cơm" "cơm đã được tiêu hóa" nổi cố chấp vẫn còn đó, chưa hề phai nhạt.
May mắn George là người Mỹ, anh không hiểu được hết văn hóa ở Việt Nam, lại càng không hiểu nỗi những thành kiến bảo thủ, không cảm nhận được thái độ lạnh nhạt của bố mẹ An Chi. Vả chăng, sau này anh còn phải đối đầu với những depression của riêng mình, đối đầu với những thành công của vợ, và thấy vai trò của mình càng ngày càng mờ nhạt trước mắt vợ và các con.
Sau ngày xong MD, cuộc sống vật chất của gia đình An Chi ngày càng khả quan, phòng mạch của cô tương đối phát đạt. Buồn thay, hạnh phúc gia đình An Chi tỷ lệ nghịch với thành công sự nghiệp. An Chi càng thành công, George càng cảm thấy mình thất bại. Hai vợ chồng đã đi gặp đủ mọi cố vấn từ therapist counselor đến marriage counseller nhưng buồn thay hai vợ chồng An Chi càng lúc càng xa nhau và thật sự chia lìa hai năm sau ngày cô mở phòng mạch riêng. Angel về ở với daddy "nỗi ngạc nhiên ngoài sức tưởng tượng" của An Chi đã mười hai tuổi, đủ tuổi để tự lo cho mình và lo được những việc lặt vặt trong nhà.
An Chi ở lại căn nhà cũ với ba con nhỏ. Mỗi cuối tuần, cô và George vẫn gặp nhau lúc đưa hay đón con về chơi, nhưng chỉ thăm hỏi qua loa như chưa hề có mười hai năm tình nghĩa.
Hai năm sau, An Chi của chúng tôi lập gia đình lần thứ hai, cũng "không kèn, không trống" không họ hàng thân thích. Nhưng lần này, An Chi có một tiệc nhỏ ở một nhà hàng Ý, yên tĩnh với món spaghetti rất là Nam Âu giữa Bắc Mỹ khách mới vỏn vẹn có chúng tôi, những đứa bạn thời thơ dại.
Bố mẹ An Chi cũng không chấp nhận anh con rể thứ hai, dù anh là người Việt Nam đàng hoàng có học, thương bầy con An Chi như con của chính mình. Dù buồn, nhưng An Chi đã quen với thái độ của hai đấng sinh thành và không có lựa chọn nào khác hơn.
Đời sống có nhiều điều rất khó hiểu, khó hiểu từ lúc chúng tôi còn dại khờ, chơi búp bê chơi đánh thể ở quê nhà. Những tưởng đến lúc lớn sẽ hiểu được nhiều điều, nhưng đã nửa đời người, chúng tôi vẫn không hiểu được thái độ của bố mẹ An Chi. Ngay cả An Chi bạn của chúng tôi cũng không hiểu được tại sao bố mẹ lại nỡ cư xử với mình như vậy" Đâu có phải mỗi lần dơ tay là chặt luôn bàn tay" Và nước mắt thì phải chảy xuống theo đúng định luật vật lý, phải không thưa bạn"

Nguyễn Trần Diệu Hương
Santa Clara, đầu mùa đông 2002. Viết riêng cho HDMT.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,268,133
Tác giả cho biết, “Trước năm 1975, tôi là giáo sư dạy tại trường trung học Lương văn Can , quận 8, Sài gòn.
Cùng với bài “Mười Lăm Năm ở Mỹ” đã phổ biến hôm qua, tác giả Minh Nguyệt Graves còn gửi thêm bài sau đây, cho biết bài được viết bởi ông chồng Carl Graves, một người Mỹ làm công chức tại Texas.
Tác giả qua Mỹ cùng với 2 con, theo diện đoàn tụ do cha bảo lãnh, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài “Chuyện Ông Mỹ có vợ Việt”, đã phổ biến 2 tuần trước.
Việt Báo thành kính tưởng nhớ Nhạc Sĩ Vũ Đức Nghiêm, một tác giả huynh trưởng từng góp bài Viết Về Nước Mỹ. Ông sinh ngày 30-6-1930 tại làng Hoành Nha, Giao Thủy, Nam Định, vừa từ trần tại San Jose,
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và sẽ nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO.
Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên, và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả có tên trong Danh Sách Chuing Kết Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975. Đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất hiện là cư dân Minneapolis, MN. Ông đã về hưu sau khi dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến