Hôm nay,  

Người Tình Sắt Và Những Con Dốc

05/05/200300:00:00(Xem: 160941)
Người viết: Hoàng Đình Minh Long
Bài tham dự số 3193-791-v30429

Tác giả 29 tuổi, hiện cư ngụ tại California; Công việc: Software Engineer cho hãng Perkin Elmer. Tham dự Viết Về Nước Mỹ, Hoàng Đình Minh Long đã có ba bài viết kể chuyện 10 năm đến Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất của ông, vẫn được viết với lòng đầy nhiệt huyết. Bài đăng 3 kỳ.

I. Qua Mỹ là tôi bắt đầu đi học ESL ở adult shool ngay lập tức. Sau khi đi xe bus vài lần như đã kể trong bài "Hòa nhập vào cuộc sống mới", tôi phải tìm phương tiện di chuyển khác vì đi xe bus phải đợi lâu quá.
Nghe tôi than thở, ba tôi liền ra nhà kho sau vườn để kiếm chiếc xe đạp cũ rích khi xưa ông hay dùng để vừa đi chợ vừa excersise. Chiếc xe đạp tuy cũ kỹ nhưng còn rất tốt, ngon hơn xe đạp ở Việt nam của tôi nhiều. Nó cũng có ba "líp" để chủ của nó có thể... sang số khi lên, xuống dốc hoặc khi đạp trên đường bằng phẳng. Cuộc đời tôi coi như bắt đầu... lên hương : từ một tên vô sản phải đi xe bus công cộng, giờ đây... ông cũng đã là một tay... tư sản, sở hữu riêng một chiếc xe... đạp. Tôi lau chùi chiếc xe đạp cho sạch sẽ để hôm sau lái đi học. Cả chiều hôm đó tôi vui thầm vì kể từ ngày mai tôi không phải ngồi ngoài nắng hàng giờ đợi xe bus nữa.
Sáng hôm sau, ăn sáng xong, tôi đeo cặp sau lưng, phóng lên con ngựa sắt trực chỉ trường. Niềm vui của việc sở hữu chiếc xe đạp đã bị dập tắt sau khi tôi ra khỏi nhà được năm phút. Lý do là vì địa hình ở vùng San Gabriel Valley tôi ở rất khác với địa hình ở Sài gòn mà trước giờ đi xe hơi hay xe bus tôi không nhận ra : đường phố là những con dốc dài nối nhau. Đường đến trường lại toàn là leo dốc vì trường ở trên vành của thung lũng San Gabriel trong khi nhà tôi ở trong lòng thung lũng. Mới đạp xe được năm phút mà mồ hôi lưng, mồ hôi nách, mồ hôi mặt... cứ tuôn chảy ra như nước. Mặt trời mùa hè nóng bức làm cho cuộc leo núi của tôi càng thêm khó khăn. Tôi cắn răng, nhấn bàn đạp để cố.. lết đến trường. Ánh nắng của mặt trời mùa hè thì chói chang mà sao càng đạp tôi lại càng thấy mắt mình cứ tối mờ đi. Chỉ vì những con dốc dài kia đã làm cơ thể tôi hoạt động quá nhiều, các tế bào thiếu oxygen cho nên mắt tôi mờ đi.
Thế nhưng, tôi nhất quyết không bỏ cuộc; tôi phải đến trường trên con ngựa sắt này. Nhiều lúc quá mệt, định quay về để đi xe bus, hình ảnh của ba má tôi vào những năm 1980 - 1981 hiện lên trong đầu, tôi lại nhấn bàn đạp để tiến tới : vào đầu thập niên 80, sau năm năm cải tạo, ba tôi trở về với gia đình. Như bao gia đình khác, nhà tôi túng thiếu, không đủ ăn. Ba má tôi phải đi buôn gạo từ Bình dương về Sài gòn. Hai ông bà phải đạp xe đạp từ Sàigòn lên Bình dương rồi quay về Sàigòn để chở những bao gạo nặng cả trăm ký, leo bao nhiêu con dốc thật cao. Những con dốc mà tôi đang leo chẳng thấm thía gì với những con dốc mà ba má tôi phải leo khi xưa. Cái túi đựng sách tôi đang đeo sau lưng, chỉ vài ký lô, làm sao so sánh được với những bao gạo cả trăm ký kia. Nắng vàng Cali mà tôi cho là khó chịu kia chắc cũng chỉ bằng những cơn mưa cùng với gió lạnh buốt mà ba má tôi phải chịu đựng mười mấy năm về trước. Chỉ cần nghĩ đến đó, tôi lại có đủ nghị lực để tiến lên. Sau gần một tiếng đồng hồ vật lộn với con ngựa sắt, tôi cũng đến được trường.
Vào được lớp, với máy lạnh mát rợi, tôi như lên thiêng đàng. Dù mệt nhoài vì phải leo dốc, nhưng tôi cũng vui vui vì mình đã không bỏ cuộc. Sau hơn ba giờ học tiếng Mỹ, tôi lại leo lên chiếc xe đạp để quay về nhà. Vì đường về toàn xuống dốc, chẳng phải đạp xe nhiều, tôi ung dung tận hưởng những làn gió mát lùa qua cổ áo, tưởng tượng như mình đang lái xe honda gắn máy khi còn ở Sài gòn. Tôi chỉ mất hơn hai mươi phút là về đến nhà. Đêm hôm ấy tôi ngủ thật ngon vì hoạt động nhiếu buổi sáng.
Mấy ngày tiếp sau đó, cứ sáng thức dậy, tôi lại thấy ái ngại đoạn đường dốc mình sẽ phải leo. Tuy nhiên, hình ảnh của ba má tôi năm nào cũng như nghĩ tới lúc ung dung đổ dốc về nhà sau buổi học, tôi lại lên tinh thần. Sau vài tuần đạp xe, cơ thể tôi bắt đầu quen dần. Thể lực đã tăng, tôi không còn mệt nhiều như lúc đầu. Tôi chỉ mất khoảng bốn mươi phút để tới lớp. Tôi hài lòng vì đi xe đạp vừa tốt cho sức khỏe, vừa được tự do, không bị ràng buộc bởi thời khóa biểu của xe bus. Tuy tôi rất hài lòng, nhưng ba má tôi ngày nào cũng than thở rằng ước gì gia đình có tiền để mua cho tôi một chiếc xe hơi cũ để tôi không phải cháy nắng.
*
Hôm nay Cali vào thu. Trong âm nhạc cũng như thơ văn, mùa thu thường được nhắc đến nhiều hơn cả. Ngay cả trong hội họa, hình ảnh mùa thu với lá vàng rơi rụng cho ta cảm xúc lãng mạng. Thế nhưng, hôm nay, Cali trong mùa thu, sao mà nó ảm đạm quá" Xe cộ có vẻ lưa thưa hơn trước. Bầu trời xám đục với những vầng mây đen khổng lồ. Đất trời càng thêm âm u do lớp sương mù bao phủ. Vài chiếc lá khô đang bay trên đường do những cơn gió xe lạnh nhè nhẹ thổi.
Trước khi ra cửa để đạp xe đi học, tôi được má đưa cho cái áo lạnh:
-"Trời này mà đạp xe lạnh lắm. Nhớ mặc áo lạnh không thôi bị bệnh."
Cũng giống như mùa hè, ba má tôi cứ ước mong có tiền mua cho tôi xe hơi để không bị lạnh. Tuy nhiên, không khí mùa thu giúp tôi đạp xe thoải mái hơn, không bị đổ mồ hôi. Tôi nghĩ rằng tôi có thể sống qua ngày với chiếc xe đạp. Tuy vậy, khi đất trời Cali chuyển sang mùa đông, tôi biết rằng đã đến lúc tôi phải chia tay với chú ngựa sắt của tôi.
Mùa đông Cali cũng là mùa mưa. Những cơn mưa thường rất nặng hạt và đi cùng với gió lớn. Vì vậy, khi trời đổ mưa, nhiệt độ xuống rất thấp. Có nhiều hôm, cơn mưa kéo dài cả hai ba ngày trời. Với điều kiện như vậy, nếu không bị cảm lạnh thì cũng bị ướt sũng khi tới lớp, sách vở chắc cũng thành... cháo vì nước mưa. Vì mùa đông năm ấy cũng là lúc tôi bắt đầu vào college, tôi đành cho chú ngựa sắt nghỉ hưu, phần vì trời mưa to, phần vì trường college ở quá xa nhà. Xin cám ơn chiếc xe đạp của tôi; nó đã đưa tôi tới trường ESL mỗi ngày; nhờ nó mà vốn tiếng Mỹ của tôi trở nên khá hơn.
*
Vì chưa có tiền để mua xe hơi, ngày tựu trường, tôi phải đi nhờ một người bạn Việt nam học cùng trường. Rồi khi vào trường, tôi quen nhiều bạn mới. Trong suốt tam cá nguyệt đầu, tôi đi xe nhờ những người bạn Việt nam này. Có nhiều hôm phải ở lại trễ, các bạn đã về hết, tôi đành phải đón xe bus từ trường về trạm chính ở El Monte. Từ đây, tôi phải đón thêm chuyến xe bus 76 để về nhà. Những hôm như vậy, tôi phải tốn gần hai giờ; trong khi đi ké xe bạn chỉ tốn mười lăm phút. Có một hôm làm thí nghiệm hóa học, phản ứng hóa học xảy ra quá chậm, tôi phải ở lại, cùng những học sinh cùng lớp khác, trong lab rất khua. Đến khi ra về, các bạn Việt nam của tôi đã về hết. Tôi đành lấy xe bus về trạm El Monte. Tuy nhiên, chuyến xe 76 từ đây vè nhà tôi đã ngừng chạy vì đã quá khuya. Tôi đành phải đi bộ về nhà. Về được đến nhà là đã thấy ba má tôi đứng đợi. Ông bà lo lắng không biết tôi đi đâu mà về trễ như thế. Khi nghe tôi kể chuyện, ba má tôi thở phào nhẹ nhõm là tôi đi bộ về bình an, không bị mấy tay Mễ hay Mỹ đen... luộc. Ba má lại ca bài than thở, ước gì thằng con có được chiếc xe hơi để đi học.
Trong lớp toán calculus của tôi có một anh bạn người Mỹ da trắng, tên Dan. Dan rất thân thiện với mọi người. Qua trao đổi, tôi biết được anh là một tutor dạy kèm toán. Biết tôi cũng là một học sinh nghèo, anh giới thiệu cho tôi một chân kèm toán trong trường. Đây là việc work study giúp học sinh kiếm thêm tiền. Với việc kèm toán này, tôi kiếm được lương tối thiểu, bốn đồng chín lăm một giờ. Mỗi tuần tôi được kèm mười tiếng, vậy là kiếm được khoảng gần năm chục đô một tuần. Từ hồi qua Mỹ đến giờ, tôi ăn bám ba má cũng như ông anh (đã qua Mỹ trước tôi và đã đi làm) một cách.. chuyên nghiệp. Giờ đây tôi đã tự mình kiếm ra được những đồng tiền đầu tiên trên đất nước Mỹ này. Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác vừa xúc động, vừa hãnh diện khi nhận cái check đầu tiên. Hiện giờ, hơn mười năm sau, tôi vẫn còn giữ cái cuống check ấy làm kỷ niệm. Với đồng tiền ít ỏi tự kiếm được, tôi thỉnh thoảng tự thưởng mình một ly cafê nóng, mua từ máy trong trường, mỗi khi lạnh cóng chờ tới giờ vào lớp đêm; không còn phải đứng nhìn những học sinh khác một cách thèm thuồng.
Mùa học thứ nhì, tôi phải lấy những hai lớp tối vì các lớp sáng đã hết chỗ. Đây cũng là mùa tôi phải đi xe bus nhiều nhất. Đang ngồi ôn lại bài trong khi đợi xe bus, tôi giật mình khi một người người xuống bên cạnh:
-How are you doing"
Quay lại, tôi nhận ra Dan :
-I am fine. What are you doing here" - Tôi hỏi - Anh làm gì ở đây"
- Tôi cũng đón xe bus như bạn - Dan nhún vai trả lời
Mùa học ấy, hầu như tối thứ ba nào tôi cũng cùng ngồi đón xe bus với Dan. Dan đón xe về hướng Pico Rivera, còn tôi thì về hướng El Monte. Qua những cuộc tâm sự lúc chờ xe, tôi biết rằng Dan đã từng đi lính hải quân. Sau khi giải ngũ, anh quyềt định đi học trở lại nhờ tiền chính phủ cho. Có lần Dan tâm sự là nếu anh phải nhập ngũ lại, anh sẽ chọn không quân thay vì hải quân. Tôi hỏi:
-Bạn thích mây trời hơn sóng nước"
-Không phải thế - Dan nở nụ cười - Đi không quân lỡ bị bắn rớt máy bay, tôi có thể chết ngay tức khắc, không biết đau đớn là gì. Trong khi đó, nếu tàu hải quân trúng đạn, tôi phải chết từ từ trên biển, kinh khủng hơn nhiều.
Qua những cuộc trò chuyện với Dan, cộng với việc kèm toán cho học sinh trong trường, tiếng Mỹ của tôi trở nên khá rõ rệt. Tôi đỡ phải xài động từ "to... quơ" (dùng tay). Dan và tôi ngày càng trở nên thân thiết hơn vì vừa học chung, làm chung, đón xe bus chung và chơi quần vợt chung. Mỗi chiều thứ năm, Dan và tôi xách vợt xuống sân để đánh quần vợt với nhau. Vì chơi từ thuở bé, Dan đánh quần vợt rất giỏi. Tôi không phải là đối thủ của anh. Tuy trình độ đôi bên không tương xứng, Dan vẫn nhiệt tình chỉ bảo tôi cách đánh cho hay hơn. Anh không hề tỏ ra chán nản khi phải đi... lượm banh vì tôi đánh quá dở. Ngoài quần vợt, Dan giúp tôi rất nhiều khi anh sửa những bài essay tôi phải viết cho lớp English. Đặc biệt nhất là anh giúp chùa : vì tutor chúng tôi chỉ được làm ăn lương mười tiếng một tuần mà học sinh toán của anh đã đặt cọc anh hết mười tiếng ấy, Dan không thể tính giờ giúp tôi sửa bài English để lấy tiền từ trường. Tuy giúp chùa, Dan rất tận tình và chu đáo. Anh sửa từ từng dấu chấm, phẩy cho đến cấu trúc bài văn. Nhiều khi Dan sửa kỹ quá, mất nhiều thời giờ đến độ tôi phải trễ lớp. Dan là một người bạn rất tốt, chỉ muốn giúp đỡ những học sinh kém toán của anh cũng như một thằng di dân nói tiếng Anh còn đầy mùi... nước mắm như tôi. Thật hiếm có những người tốt và nhiệt thành như thế trong xã hội ngày nay. Có bao nhiêu người, vừa Mỹ, Mễ, Việt nam, mà tôi đã gặp trong cuộc đời, dù được chính phủ trả lương để giúp đỡ người khác, đã làm phách, coi người khác như rơm như rác. Chính lòng nhiệt thành của Dan đã giúp tôi trở thành một tutor được rất nhiều học sinh trong trường yêu mến vì tôi cũng rất nhiệt tình giúp họ.
Tôi yêu mến cái nghiệp tutor vì mỗi khi nghe các học sinh khoe rằng họ mới đạt được điểm tốt nhờ sự giúp đỡ của tôi, lòng tôi vui như tết. Nhiều học sinh vừa làm bài, dưới sự chỉ dẫn của tôi, vừa kể chuyện gia đình, cuộc đời cho tôi nghe. Nhiều chuyện rất thú vị và tôi học được nhiều điều từ những cấu chuyện ấy. Học sinh thích tôi vì khi giúp họ, tôi đặt tôi vào trường hợp của họ và giải thích bài vở từ quan điểm của một người học sinh, chứ không phải từ ông thầy. Có những học sinh hơi chậm một chút, tôi rất kiên nhẫn, giải thích cách này không được thì giải thích cách khác. Nhiều lúc, sau khi thử giảng bài bằng ba bốn cách khác nhau mà học sinh vẫn không... chịu hiểu, tôi quên, phang luôn cả tiếng Việt vào. Người học trò, vốn đã lẫn lộn vì bài toán quá khó, lại càng nhầm lẫn hơn vì không hiểu tiếng Việt, há hốc miệng nhìn tôi chào thua. Lúc đó, hai thầy trò phá lên cười. Sau đó, tôi lại kiếm những ví dụ đời thường để giúp học trò dễ hiểu. Tôi tôn trọng và thông cảm học sinh.
Chỗ tôi làm có một tutor người Việt khác tên Thông. Anh cũng kèm toán. Một hôm, sau khi thấy tôi kèm toán cho một học trò tên là Sally, Thông hỏi nhỏ tôi:
-Cậu dám kèm cái bà điên đó hả" Bả vừa ngu lại còn bị thần kinh nữa. Mỗi lần bả đăng ký tớ, tớ từ chối ngay.
Đúng là Sally là người có trí nhớ chậm phát triển. Bà năm đó đã ngoài bốn mươi. Dạy học cho bà rất khó vì bà không thể nào tập trung tư tường quá lâu. Nhưng vì thấy bà ham học tôi thương. Hơn nữa, các tutor khác, cũng như Thông đều từ chối giúp bà, nếu tôi không giúp thì ai giúp bà đây. Nếu Dan chê tôi là một thằng nói tiếng Anh còn đầy mùi nước mắm, không thèm giúp tôi sửa bài, không nói chuyện với tôi mỗi lúc đợi xe thì tôi sẽ nghĩ sao. Nước Mỹ đã mở rộng vòng tay nhân ái để đón nhận gia đình tôi cũng như hàng triệu người Việt nam khác, trong đó có Thông, khi chúng ta bồng bế nhau chạy khỏi Việt nam, lẽ nào tôi quay lưng lại với một người Mỹ tàn tật đang cần giúp đỡ". Nghĩ thế, tôi không ngần ngại giúp Sally. Để giúp bà đỡ căng thẳng, chúng tôi vừa làm bài vừa đùa giỡn, nói chuyện. Cuối mùa học, bà mừng rỡ chạy đến báo tin cho tôi:
-Cám ơn bạn nhiều, tôi đã qua được lớp đại số. Tôi đã rớt lớp này ba lần rồi.
Nhìn bà Sally vui cười mừng rỡ như một đứa trẻ, tôi cũng vui thật nhiều. Mỹ đã giúp dân tộc Việt nam tôi lúc hoạn nạn để vượt đại dương qua miền đất hứa; nay tôi giúp một người Mỹ vượt qua lớp đại số. Dù những gì tôi làm cho Sally chẳng thấm thía gì so với những gì nước Mỹ đã làm cho tôi, gia đình và dân tộc Việt nam, tôi vẫn cảm thấy rất hạnh phúc.
*
Thấm thoát tôi đã đi học college đuợc một năm, nhờ bạn chở và lâu lâu đi xe bus. Đây là lúc ông anh cả của tôi, qua Mỹ trước tôi lâu và đã đi làm, phải mua xe mới vì chiếc xe hơi của ổng đang chạy tự động đòi... về hưu: đề máy nó không thèm nổ; nhiều khi ông anh đang lái trên đường nó nổi nóng (bị overheat) không thèm chạy nữa. Nó chỉ thua tôi có bốn tuổi; tức là khi nó làm nũng như vầy, nó đã được mười sáu tuổi. Tên nó là Nissan Datsun SX 200.
Thật ra, căn bệnh làm nũng của chiếc xe (đề không nổ cũng như bị nóng máy) có thể chữa được, nhưng do tình trạng tuổi tác cũng như body sét rỉ tả tơi của nó, anh tôi cảm thấy không đáng để sửa. Các cửa sổ, dù kiếng được quay lên hết cũng không kín được vì các lớp cao su bao quanh viền cửa sổ đã bể nát do lâu ngày dầm mưa dãi nắng. Phía bên trong thì còn thảm não hơn: lớp da phủ trên trần xe đã mục nát mà rớt mất đâu rồi để lòi ra một lớp bùn nham nhở trên đầu. Máy lạnh máy nóng thì đã an giấc ngàn thu. Cassette cũng đã... ra đi, để lại radio... một mình lẻ bóng. Hai cái loa của radio thì chỉ còn thều thào như bị hen suyễn, hễ mở volume lớn là bị rè. Cái dashboard thì nứt nẻ, gập ghềnh như thung lũng San Gabriel. Da bọc ghế thì xù xì như da cá sấu. Thế là anh tôi quyết định mua xe mới. Nói là mới chứ thật ra là cũng mua lại xe của người khác; thôi thì cũ người mới ta. Có xe mới rồi, ông anh bỏ chiếc xe cũ ra garage.
Cuối tuần, tôi muốn ra thư viện gần nhà học bài. Đang định ra vườn lấy con ngựa sắt để đi, thì một... “tối kiến” nảy ra trong đầu tôi: lấy cái xe cũ của ông anh đi. Ba má và anh tôi đã đi vắng hết, họ sẽ không ngăn cản tôi. Chạy vào nhà lấy chìa khóa, tôi tự hỏi "Không biết đề máy nó có chịu nổ không"". Tôi mở cửa xe, tiếng cửa xe, vì thiếu dầu mỡ, kêu ken két nghe như tiếng lão trùm Sò khóc lóc với quan huyện. Ngồi vào ghế, tôi hồi hộp đút chìa khóa vào ổ máy. "Rồ... rồ... rồ". Tôi vui mừng lẫn ngạc nhiên khi chiếc xe già kia đã nổ máy. Tôi nhớ ông anh, khi quyết định mua xe khác, đã nói là chiếc xe cũ kỹ này có cơn: hứng thì nó nổ máy, không hứng thì thôi. Vậy mà không hiểu vì sao mà hôm nay chiếc xe hơi này lại có hứng mà nổ máy. Tôi cố lấy lại bình tĩnh để chuẩn bị lái chiếc xe hơi đầu tiên trong đời của riêng mình (dù chưa xin ông anh, nhưng tôi tự cho rằng nếu ổng đã mua xe khác, chiếc này coi như ổng vất đi vì bán chưa chắc ai mua; suy ra nó là của tôi, nếu tôi muốn). Tôi cũng rất run vì nó là xe số tay. Tuy đã được ông anh tập lái số tay vài lần, nhưng chưa bao giờ tôi lái xe số tay một mình.
Vì là chiều thứ bảy cho nên đường xá vắng xe, tôi cũng đỡ lo. Thế rồi tôi thả thắng tay, dùng chân trái đạp "ăm-bi-da", chân phải đạp thắng; tôi từ từ dùng tay phải vào số một. Chuyển chân phải sang cần ga, chân trái từ từ nhả "ăm-bi-da", chiếc xa già nua dần dần chuyển bánh. Cảm giác tôi lúc ấy thật khó quên: lo lắng, hồi hộp, kích thích, hứng thú... Thế rồi tôi sang số hai... rồi số ba.. rồi sô bốn... mọi việc đều êm xuôi. Tôi thích thú tận hưởng cảm giác tuyệt vời của lần đầu tiên lái xe hơi trong đời. Xe boong boong trên đường.
Mục đích của tôi tới thư viện là để ôn bài, nhưng cảm giác tuyệt vời kia kích thích tôi quá mức, tôi chẳng tập trung được. Tôi chỉ muốn được lái xe mãi mãi. Thế là tôi quyết định lái xe tới nhà một người bạn Việt nam để khoe xe "mới" của tôi. Đường đến nhà bạn hơi nhiều xe và có nhiều đèn giao thông. Khi gặp đèn đỏ, tôi trả về số không. Khi đèn xanh, tay lại sang số để tiếp tục đi. Tuy nhiên, vì nhiều xe, tôi hơi lúng túng, làm xe chết máy. Mấy xe đằng sau bấm còi inh ỏi. Quí vị nào lái xe số tay sẽ hiểu tâm lý tôi lúc đó. Cuối cùng thì tôi cũng đã đến nhà bạn. Bạn tôi ngạc nhiên:
"Mò đâu ra được cái xe này vậy""
"Ông anh mua xe khác, tớ... đành nhận lái dùm xe này cho ổng" - Tôi cười "Để tớ chở cậu đi một vòng dạo phố với chiếc xe hơi đầu đời của tơ.ù"
Thế là tôi và bạn chạy một vòng quanh phố. Tôi rất.. hãnh diện về xe của mình vì người bạn của tôi, cũng như tất cả các bạn cùng học ở Việt nam qua Mỹ cùng thời với tôi, chưa ai có xe hơi riêng cả. Bạn tôi ngồi bên cạnh ngắm nghía xe ra vẻ thèm thuồng, dù cái xe của tôi thê thảm như đã tả. Vì mải mê nói cười với bạn, tôi lái xe lạc vào một khu gần downtown LA. Hơi lo lắng trong lòng, chúng tôi cố gắng tìm đường về. Tuy nhiên, càng chạy thì đường phố càng khác lạ.
Cuối cùng, tôi phải ghé vào tiệm liquor hỏi đường về. Lúc này trời đã chập choạng tối. Đường phố đã bắt đầu lên đèn. Bạn tôi nhắc:
"Mở đèn xe lên, không thôi cảnh sát phạt"
Tôi tóa hỏa tam tinh kiếm nút bật đèn xe. Vì cái xe đã quá cũ, hệ thống đèn xe khác hẳn các xe hiện tại. Tôi kiếm hoài chẳng thấy nút bật đèn xe đâu cả. Bạn tôi cũng lo lắng kiếm phụ. Loay hoay một hồi, bạn và tôi cũng mò ra được cái nút đèn xe.
*
Trường tôi học nằm trên một ngọn đồi rất cao. Khuôn viên nhà trường, bắt đầu từ chân đồi và kết thúc ở ngọn đồi, được bao bọc bởi vô số cây xanh. Con đường từ chân đồi lên đến ngọn rất dốc, khoảng trên dưới 45 độ. Đường đi bộ, cũng như đường xe chạy, dốc đến độ các học sinh thường đùa rằng "sau hai năm học ở đây ra, mọi học sinh, vì phải leo dốc nhiều quá, đều bị... đít cong hết".


Tên trường,Rio Hondo, theo tiếng Mễ có nghĩa là dòng sông sâu. Sâu đâu thì không thấy, mà chỉ thấy dốc quá là dốc. Vì địa thế của ngọn đồi, các bãi đậu xe là các bậc thang lớn chạy quanh ngọn đồi. Có nhiều học sinh đi trễ, các bãi đậu xe trên cao, gần với các phòng học đã đầy, họ phải đậu ở các bãi gần chân đồi. Dù có xe bus chạy từ các bãi gần chân đồi lên đỉnh đồi, nhiều học sinh phải chạy bộ vì đã trễ lớp trong khi xe bus thì khoảng 20 phút mới có một chuyến.
Đầu tuần đã đến, tôi hí hửng lái xe hơi đi học. Theo lời ông anh dặn, khi ra khỏi nhà tôi vác theo một bình nước một gallon ra xe. Mở cái radiator ra kiểm tra, quả là thiếu nước. Tôi châm thêm nước cho đầy. Nổ máy xe, tôi trực chỉ trường học.
Ôi, thật tuyệt vời khi tự mình lái xe đến trường, chẳng phải chờ xe bus, chẳng phải nhờ bạn bè. Sau 15 phút trên freeway 60, tôi đã tới chân đồi. Theo lời của ông anh khi dạy tôi lái xe số tay, khi lên dốc, nhất là dốc cao như trường tôi, tôi vào số một. Chiếc xe già nua ì ạch leo lên dốc. Chân phải tôi đạp lút cần ga mà cái xe bệnh tật kia cũng cứ lì lượm, chẳng buồn chạy nhanh lên chút nào. Tiếng máy xe gầm lên, nghe chẳng khác tiếng máy cầy là bao. Thế rồi.. ùn.. kạch.. kạch.. ùn.. ùn.. kạch kạch kạch... có lẽ vì xăng xuống không đều, cái xe khốn khổ kia dừng lại... rồi phóng lên... rồi dừng lại.. rồi phóng lên... từ xa nhìn tới, nó chẳng khác nào một con cóc khổng lồ đang nhảy.
Nhiều lúc "con cóc" nhảy xa quá làm thằng tôi bay ra khỏi ghế, đụng đầu vào trần xe. Sau mười bước, con cóc quyết định... chết máy. Tôi, dù đang quay cuồng, vội vã đề lại máy xe. Đằng sau tôi là cả hàng chục xe khác bị chặn lại. Họ bấm còi inh ỏi vì sợ trễ lớp. Ùn... ùn... may quá, xe nổ máy ngay. Tôi sang số một, chân phải chuyển từ thắng qua ga. "Tin.. tin.. tin..".. chiếc xe đằng sau lại nhấn còi vì xe tôi tuột dốc. Hắn sợ tôi đụng. Bỏ mẹ rồi, xe số tay mà chết máy trên dốc thì thế nào cũng tuột dốc. Bí quá, tôi đành tắt máy xe, mở đèn emergency lên. Các đằng xe sau đành phải tránh tôi mà đi lên. Khi qua mặt, họ không quên lườm tôi một cái. Tôi đành... nhoẻn miệng cười một cách rất lễ phép với họ để tạ lỗi.
Sau khi đã vắng xe đằng sau, tôi đề máy lại, sang số một... lại tuột dốc.... nhưng vì không có xe đằng sau, tôi bình tĩnh nhả "ăm bi da", nhấn ga, xe lại tiến lên. Biết cái tính... ham nhảy của "con cóc", tôi không nhấn hết ga để cho nó không bị ngộp xăng. "Con cóc" bây giờ trở thành con rùa, chậm chạp bò lên dốc. "Tin.. tin.. tin". Sau lưng tôi lại một đám xe học sinh mới đến bấm còi. Không muốn "con rùa" của tôi trở thành "con cóc" như khi nãy, tôi đành quẹo trái vào bãi đậu xe xa nhất, dưới chân đồi. Thà tôi cuốc bộ lên đồi còn hơn để con rùa biến thành con cóc, rồi nằm ì ra giữa đường để cho bà con thiên hạ lườm nguýt, chửi rủa.
Mới leo được nửa con đồi mà tôi đã phải há hốc miệng để thở. Đường gì mà dốc quá, trước giờ đi xe tôi chưa nếm mùi leo dốc. Lên được tới đỉnh đồi là tôi ngồi xuồng bên một gốc cây... ói một bãi to... tổ mẹ vì quá mệt. Vậy là buổi... khai trương xe mới của tôi nhiều hạnh phúc (được sở hữu xe hơi) và không ít đau thương (bị bấm còi, lườm nguýt, bị ói). Nhưng vì là người lạc quan, tôi vẫn thấy vui nhiều hơn buồn.
Tối đến, tôi cuốc bộ xuống đồi để ra xe. Đường xuống đồi quá dễ dàng. Tôi không quên châm bình radiator cho đầy nước. Trên đường về, chiếc xe yêu quí của tôi rất... đứng đắn, không gây phiền hà. Những ngày kế tiếp, tôi chỉ dám đậu xe dưới chân đồi rồi đi bộ lên. Vì biết dốc cao mà sức mình thì có hạn, tôi rời nhà sớm. Khi tới nơi, tôi có thì giờ thong thả để leo được một đoạn, đứng thở một đoạn. Sau vài tuần, cơ thể tôi thích ứng với việc leo dốc; có thể leo thật lẹ mà không còn phải đứng lại nghỉ. Mọi việc bây giờ đã ổn định.
*
Tôi vẫn tiếp tục làm tutor. Các học trò vẫn tiếp tục thích ông tutor toán nói tiếng Anh dở nhất trong các tutor. Niềm hạnh phúc khi được điểm tốt của các học trò cũng là niềm hạnh phúc của tôi.
Một hôm, sau khi học toán với tôi xong, Kelly, một học sinh, hỏi:
-Tớ cần được kèm hóa học, nhưng kiếm cả trường chẳng có tutor hóa nào. Bạn có kèm hóa được không"
-Tôi theo học môn điện toán, nên không học nhiều môn hóa học - tôi giải thích - Nhưng hồi còn học trung học ở Việt nam, tôi cũng học rất nhiều.
-Vậy, bạn giúp tôi học hóa học nữa được không" Kelly hy vọng.
-Nhưng mà đã hơn ba năm rồi, không biết tôi còn nhớ không - Tôi từ chối.
-Please - Kelly năn nỉ
-Tôi sẽ cố - tôi miễn cưỡng hứa - để tối nay tôi ôn lại hóa học. Hai ngày nữa mình sẽ cùng thử.
Hai ngày sau, Kelly tới nhờ tôi giúp bài hóa học. Dù buổi học hóa học đầu tiên diễn ra trôi chảy, nhưng sau khi hẹn với Kelly cho buổi học kế tiếp, tôi lo sợ vì không biết cái kiến thức hóa học nông choẹt của mình sẽ cạn lúc nào. Nhưng dù sao, Kelly và tôi cũng khá thân tình, nếu điều này xảy ra, tôi cứ nói thẳng với cô ta là khả năng hóa học của tôi chỉ có thế, chắc cô nàng chẳng cười tôi đâu. Nghĩ đến đó, tôi lại yên tâm.
Một tuần trôi qua và giờ kèm Kelly môn hóa học lại đến. Mới ló đầu vào chỗ làm, tôi đã thấy cô nàng đang ngồi tán dóc cùng vài học sinh khác. Chắc các học sinh mà Kelly đang nói chuyện cũng đang đợi tutor của họ, tôi thầm nghĩ.
-Hi Kelly - tôi tới trước mặt cô nàng - Khỏe không"
-I'm fine - cô nàng cười toe toét.
-Chúng ta bắt đầu chứ"
-Long nè" - cô nàng hơi ấp úng
-Có chuyện gì vậy" - Tôi hơi ngạc nhiên
-Đây là các bạn học cùng lớp hóa học của tôi - Kelly giới thiệu năm người ngồi xung quanh tán dóc khi tôi vừa tới - họ cũng rất cần được kèm như tôi.
Trời đất quỉ thần ơi, tôi kèm hóa học cho Kelly là vì do thân tình mà tôi chơi... dại; nào ngờ, cô nàng quá phục tài năng kèm hóa của tôi cho nên giờ đây cô nàng lại... vác đến cho tôi thêm năm người bạn nữa. Năm người này tôi chưa hề quen biết, lỡ mà tôi bị bí bài thì chỉ có nước độn thổ cho rồi.
Thấy tôi cứ thừ người ra, Kelly hiểu ý:
-Tôi đã nói cho họ rằng anh là tutor toán, chứ không phải tutor hóa.
Năm người kia cũng hùa theo:
-Anh giúp chúng tôi với, tới đâu hay tới đo.ù
-Có còn hơn không.
Với tính hay cả nể, tôi đành chấp nhận... thương đau kèm hóa học cho sáu học sinh hôm nay.
Thông thường, khi dạy kèm, tôi cũng như các tutor khác chỉ kèm một học sinh. Tất cả mọi người, tutor và học sinh đều ngồi trong một căn phòng lớn. Cứ hai người, một học sinh và một tutor, ngồi một bàn. Tuy nhiên, hôm nay, với sáu học sinh, chúng tôi không thể ngồi vào một bàn vì mỗi bàn chỉ vừa cho hai người. Thấy thế, ông xếp của tôi mở phòng họp nhỏ bên cạnh để tôi và sáu người học trò dùng. Phòng họp có phấn và bảng như một lớp học. Các học trò tôi ngồi xuống ghế, còn tôi thì đứng viết bảng. Vì đứng viết bảng, tôi có cảm tưởng như mình là một ông thầy giáo thực thụ chứ không phải là một tay tutor bất đắc dĩ. Ôi! Sao mà oai đến thế. Lạ thật! Cái cảm giác ái ngại ban đầu tự nhiên tan biến mất; Thay vào đó, cái cảm giác lần đầu tiên đứng trước nhiều học sinh, mà học sinh Mỹ nữa, giúp tôi tự tin hơn. Ngày hôm đó, tôi trả lời được hầu hết mọi câu hỏi các học sinh đề ra.
Sau 60 phút, thời gian của mỗi buổi học, cả năm học sinh mới đều khen tôi, giống Kelly đã khen tôi tuần trước. Cả sáu học sinh đều xin được học tiếp như vầy mỗi tuần. Tôi đồng ý vì thích thú với cái cảm giác được đứng trên bảng dậy cho năm sáu học sinh.
Mỗi tuần, tôi và nhóm học sinh hóa học tụ tập trong cái phòng nhỏ bé kia. Một hôm, khi vào phòng tôi thấy có thêm hai học sinh mới. Nhìn kỹ lại, họ là người Việt nam. Không biết nghe tin... vịt ở đâu về "tài nghệ tài gừng" của tôi mà hai người đồng hương lại đến với lớp tôi. Vì người Việt nam mình kín đáo, cho nên hai học trò kia không tự giới thiệu họ với tôi, họ chỉ lặng lẽ ngồi phía dưới. Vì tế nhị, tôi cũng không muốn làm họ ngượng; tôi coi họ như sáu người học sinh kia. Vậy là bây giờ "lớp" của tôi đã có tám học sinh. Sau mỗi buổi học, hai học sinh Việt nam bao giờ cũng lặng lẽ ra về. Các học sinh Mỹ thường nán lại thêm vài phút tán dóc với tôi.
Một hôm, trong lúc tán gẫu sau buổi học, Kelly hỏi tôi:
-Khi dậy tám học sinh như vầy trong vòng một tiếng, bạn có được nhà trường trả lương tám tiếng không" Vì thông thường các tutor khác được trả lương một tiếng để kèm chỉ một người, trong khi bạn kèm đến tám người cũng trong vòng một tiếng
-Không, nhà trường trả lương theo giờ chứ không theo số học sinh - tôi lắc đầu.
Các học sinh trong nhóm đều đề nghị:
-Vậy thì từ bây giờ, bạn kèm từng đứa trong tụi tôi một để, sau khi tám chúng tôi học xong, bạn được nhận lương cho tám giờ.
-Không - tôi phẩy tay - tôi thích dậy đông học sinh như vầy. Hơn nữa, vì tất cả các bạn học chung lớp, có chung bài, tôi không muốn giảng một bài cho tám người khác nhau trong một ngày. Ngoài ra, nhà trường chỉ cho phép chúng tôi dạy kèm mười tiếng một tuần, thì giờ đó ta nên để giành cho các học sinh khác, không nên lãng phí như thế
*
Vậy mà đã gần sáu tháng từ ngày tôi lái xe đi học. Một hôm, lúc soi gương khi mới tắm ra, tôi giật mình thấy từ mông tới bắp tay đều to lớn hơn trước. Không ngờ câu nói đùa (học sinh trường Rio Hondo đít cong vì leo dốc) lại là sự thật. Nhưng còn cơ bắp tay" Tôi không tập tạ vì quá bận rộn với bài vở. Suy nghĩ mãi, cuối cùng tôi tìm ra câu trả lời: cái xe yêu quí của tôi. Tay lái xe không có steering power vì xe quá cũ. Mỗi khi bẻ tay lái, nhất là khi quẹo chữ U, tôi phải mím môi mím lợi, lấy hết sức bình sinh mới đủ sức để quẹo. Thời gian đầu, mỗi lần quẹo xe là tôi mệt nhừ. Sau này, nhờ cơ thể thích ứng, bắp thịt nở nang, tôi không để ý cho đến này hôm nay.
Cũng như mọi hôm, tôi vác theo bình nước lọc ra xe. Ông anh họ, ở xa về chơi mấy hôm nay, chặn tôi tại bếp:
-Bộ em đi học khát nước lắm sao mà ngày nào anh cũng thấy em vác cái bình nước này ra xe vậy"
-Không, em không khát nhưng mà cái xe của em nó... khát. Lúc sáng rời nhà lá nó.. điểm tâm một bình; tối trước khi về nhà là nó... nhậu một bình
-Trời đất, anh chưa nghe chuyện này bao giờ
-Xe của em đặc biệt lắm- tôi hãnh diện-Nó có nhiều cái mà không xe nào trên thế giới này có
-Vậy ngày mai thứ bảy, mày chở anh đi chơi xem nó đặc biệt cỡ nào - ông anh họ tò mò
-OK
Thứ bảy, được nghỉ học và như đã hứa, tôi gọi ông anh họ dậy sớm:
-Em chở anh xuống Santa Ana chơi"
-Mày nói thiệt hay đùa vậy" - Vừa chui vô xe, quan sát... bộ đồ lòng của xe tôi, ông anh họ la làng- mày nghĩ cái xe này đưa được tụi mình từ Rosemead xuống Santa Ana hả"
-Chứ sao! - tôi vênh váo - em đi bao nhiêu lần rồi, đâu có sao đâu.
-Ừ thì đi - thấy tôi quá tự tin, ông anh đồng ý để tôi chở
-Vậy để em đổ nước vào xe.
Ông anh họ theo tôi ra trước xe để xem tôi cho xe dùng... điểm tâm.
-Một bình nước như vậy chạy được bao xa"- ông anh lại lo lắng, sợ đi... không đến nơi, về... chẳng đến chốn.
-Thường được tám tiếng - tôi trấn an ông khi khi chúng tôi vào lại xe.
-Mày kiếm gì vậy"
Ông anh thắc mắc khi thấy tôi thò tay xuống gầm ghế kiếm tìm.
-Em kiếm.. chìa khóa xe.. à... đây rồi
-Cái đó là cái Tô-vít mà - ông anh há hốc mồm
-Đúng rồi, em phải dùng nó để đề máy xe.
Ông anh như chết trân nhìn tôi đút cái tô-vít vào ổ máy rồi đề máy. Ông lặng người vì quá ngạc nhiên trước cái xe tân kỳ của tôi. Đến khi xe đã chạy boong boong trên freeway, ông mới an tâm nói chuyện:
-Xe mày lạ quá. Nhìn trong ngoài gì cũng thấy phát ớn, vậy mà chạy vẫn ngon lành hen"
-Xe em trông "dữ tợn" vậy mà chiến lắm đó - tôi tự đắc - nhờ nó mà người nở nang, khỏe mạnh ra
-Nãy giờ mới ngồi mười lăm phút mà anh thấy cái bệnh đau lưng của anh đã đỡ nhiều nhờ cái xe lắc lư... đấm bóp còn "phê" hơn đi mát-xa nữa - ông anh giỡn
Sau gần 45 phút, chúng tôi tới Phước Lộc Thọ.
-Mình vô đây đi một vòng - vừa tắt máy xe, tôi vừa đề nghị
-OK
Tôi rút "chìa khóa" (tô-vít) ra khỏi ổ và cùng ông anh bước ra xe, đóng cửa lại. Ôg anh há hốc miệng chỉ cái xe:
-Tại sao nó vẫn nổ máy"
-Không sao đâu - tôi trấn an - khoảng một phút sau nó sẽ tắt máy.
Không hiểu bị bệnh gì mà cái xe cứ rùng mình lên như người bị sốt rét và chỉ chịu tắt máy hẳn sau khoảng một phút dù chìa khóa đã rút ra khỏi ổ. Nhìn cái xe cứ rung lên từng cơn, ông anh tôi cũng run lập cập, mặt mày trông như bị bệnh dại vậy.
Thế là hai anh em đi vào Phước Lộc Thọ. Vừa bước vào Phước Lộc Thọ, ông anh la toáng lên:
-Hồi nãy mày quên khóa cửa xe!
-Không sao - tôi phẩy tay - thằng nào dám cả gan rớ tới xe em là tới số.
-Bộ xe mày có alarm hay sao"
-Làm gì có alarm - tôi cười -tới số là vì nó phải mang nợ vào thân đó mà
Hôm đó, tôi đưa ông anh họ đi tới nơi về đến chốn, không sứt mẻ tí nào.
*
Hôm nay là buổi học cuối cùng. Tôi ôn lại bài cho tám học sinh để chuẩn bị thi cuối khóa. Sau buổi học, các học sinh quây quần bên tôi:
-Cám ơn bạn đã kèm chúng tôi hơn bốn tháng qua.
-Không có chi - tôi khoát tay - được giúp các bạn là niềm vui của tôi.
Kelly đại diện cho nhóm:
-Chúng tôi có món quà nhỏ để bày tỏ sự biết ơn của chúng tôi dành cho bạn.
-Thôi được rồi - tôi từ chối - tôi được nhà trường trả lương mà.
-Nhưng đây là tấm lòng riêng của chúng tôi
Trước sự chân thành của học trò, tôi lại phải... cả nể nhận quà: một cái áo thun màu xanh dương. Tôi thật xúc động khi nhận món quà. Không phải vì mê quà cáp mà tôi xúc đông; tôi xúc động vì tình cảm mà các học sinh dành cho tôi. Tôi thường nghe người Việt nam mình nói người Mỹ không có tình cảm. Tuy nhiên, hôm nay các học sinh Mỹ của tôi đã chứng tỏ rằng người Mỹ cũng tình cảm đâu thua gì người Việt mình. Tôi hơi buồn vì phải chia tay với học sinh. Với nỗi buồn mang mác trong lòng, tôi ra xe về nhà. Hoàng hôn đang buông xuống trên thành phố.
Đang đổ dốc xuống đồi, tôi thấy một dáng người cao cao, đang xách cặp chạy trước mặt. Nhìn kỹ lại, tôi nhận ra Dan. Quay kiếng xe xuống, tôi gọi:
-Dan, bạn chạy đi đâu vậy"
Hơi ngỡ ngàng một chút, Dan nhận ra tôi:
_Ô, Long, tớ chạy cho kịp chuyến xe bus
-Để tớ chở cậu về
-Nhà tớ không tiện đường cho cậu - Dan ái ngại
-Không sao đâu- tôi ngoắc tay - lên xe đi.
Dan mở cửa vào xe, thở hổn hển:
-Gần đây thời khóa biểu tụi mình khác nhau nên mình ít gặp nhau - Dan lau mồ hôi trán - cậu có xe hồi nào"
-Cũng khá lâu rồi, do ông anh vứt đi.
-Có còn hơn không.
Qua câu chuyện với Dan, anh cho biết mùa học tới anh chuyển lên trường đại học bốn năm. Đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp Dan.
*
Sau ba năm học ở Rio Hondo, tôi chuẩn bị chuyển lên UCLA. Để chuẩn bị cho tôi vào đại học xa nhà, ba má tôi để dành đủ tiền và mua cho tôi một cái xe mới hơn. Tuy nhiên, vì chiếc xe cũ kỹ đã dãi nắng dầm sương cùng tôi trên dưới ba năm, tôi vẫn muốn lái nó đi UCLA dù biết rằng đường đi mỗi ngày rất xa. Nhưng để tiếp tục lái nó, tôi phải mang nó đi làm smog check.
-Xe bị rớt rồi - ông thợ máy thông báo - muốn đậu thì phải sửa
-Hết bao nhiêu anh" - tôi buồn rầu
-Khoảng một ngàn - ông thợ phán xanh rờn
-Để em về suy nghĩ - tôi đắn đo - có gì tuần sau em mang xe ra.
Tối đó, tôi đem chuyện xe cộ ra kể. Ông anh cả, cũng như ba mẹ tôi, bảo rằng:
-Thôi, lấy xe mới mà đi. Cái xe cũ này giá trị chưa tới vài trăm; mang đi cho, chưa chắc có ai có đủ can đảm nhận. Mà có ai đó lỡ dại nhận về, thế nào họ cũng quay lại mắng vốn mày một trận vì đưa họa vào thân người ta. Hơi đâu mà bỏ ra một ngàn để sửa.
Tuy gia đình nói có lý, tôi rất buồn đêm đó vì tôi không muốn phải chia tay với người bạn đường trong ba năm qua của tôi. Tôi tự nhủ:
-Thây kệ gia đình nói gì thì nói. Tạm thời ngày mai, mình sẽ mượn tiền gia đình sửa. Mình chịu khó làm thêm work study ở trường mới để kiếm tiền, trả lại gia đình sau.
Tôi thiếp đi lúc nào không hay.
Sáng hôm sau, tôi thức dậy sớm để mượn tiền gia đình. Thấy tôi nhiều tình cảm với người tình sắt, ba mẹ tôi đành cho tôi mượn một ngàn để tôi đem người yêu đi "thẩm mỹ viện". Tôi vui mừng, cầm tiền ra xe. Niềm vui mới nở đã vội tắt. Sau khi đề xe với cái chìa khóa tô-vít quen thuộc, người yêu sắt của tôi bỗng trở nên rất "sắt đá": nàng chỉ chịu de lui, nhất định không tiến tới. Tôi biết là người yêu của tôi đã đến lúc nhất định đòi về hưu. Tôi đành chấp nhận... đơn xin thôi của nàng; Thế là hôm đó, tôi chính thức chia tay chiếc xe hơi đầu đời. Lúc đó, nó được xấp xỉ 19 tuổi đời. Với tâm hồn tan nát vì cảnh chia ly, tôi ủ rủ rút chìa khóa tô-vít.
Trước khi bước ra khỏi xe, tôi không quên nhìn cái đồng hồ cây số (odometer): cái xe yêu quí của tôi đã chạy gần 230 ngàn dặm sau 19 năm phiêu bạt.
*
Bây giờ, đã hơn một thập niên sống tại Hoa kỳ, ngồi viết lại những kỷ niệm đã qua, tôi thấy mình phải cám ơn rất nhiều người, nhiều thứ. Xin cám ơn chiếc xe đạp đã đưa tôi đến lớp ESL trong những ngày đầu. Nhờ nó mà tôi có được sự tự do, không ràng buộc vào xe bus.
Xin cám ơn những con dốc thung lũng San Gabriel đã rèn luyện ý chí cho tôi. Vì chúng mà hình ảnh ba má tôi năm nào đã hiện ra trong đầu tôi. Xin cám ơn ba má đã không ngại nắng mưa, đã đạp xe hàng trăm cây số từ Bình dương về Sài gòn để buôn gạo nuôi đàn con. Xin tạ ơn Thiên Chúa đã để gia đình chúng con trải qua những ngày tháng cùng cực nhất để ngày nay chúng con không hoang phí khi sống tại nước Mỹ giàu có.
Xin cám ơn những người bạn Việt nam tốt bụng cho tôi đi nhờ xe trong những ngày đầu ở college. Xin cám ơn Dan đã giúp tôi trở thành một tutor yêu nghề như anh. Xin cám ơn các học trò đã yêu mến tôi. Các bạn đã cho tôi cơ hội để đền đáp công ơn mà nước Mỹ của các bạn đã dành cho dân tộc Việt nam tôi. Khi giúp các bạn toán, hóa học, tôi học được tiếng Mỹ, đời sống Mỹ từ các bạn. Nước Mỹ hùng cường nhất thế giới không phải vì có diện tích lớn nhất (Nga có diện tích lớn nhất); không phải có dân số đông nhất (Trung quốc); cũng không phải do có nhiều dầu hỏa nhất Arab Saudi). Thế nhưng Mỹ có giàu lòng nhân ái nhất thế giới và vì thế nước Mỹ được chúc phúc và trở thành giàu mạnh nhất.
Xin cám ơn chiếc xe đầu đời của tôi. Nó đã đưa tôi tới những nơi tôi cần tới và cả những nơi tôi không hề muốn tới (ngồi trên freeway mỗi khi xe bị overheat). Nó đã đem lại sự tự do cho tôi. Tự do đến nỗi tôi không cần khóa cửa vì mấy tên ăn cắp xe khi thấy xe tôi cũng phải lắc đầu ngao ngán. Những lúc đậu xe trong parking, tôi để ý thấy hầu như hai chỗ đậu xe bên cạnh ít có ai dám đậu vì cái "dung nhan" rùng rợn của xe tôi.
Bây giờ dù đã đi làm và lái xe mới, tôi vẫn nhớ cái xe cũ của tôi. Tôi nuối tiếc là đã không giữ nó lại để bây giờ khi có tiền, tu bổ nó và tiếp tục phiêu lưu đây đó với nó. Thường thì ai cũng muốn được đi xe mới; tôi thì lại thương tiếc chiếc xe cũ. Có lẽ bạn cho tôi là dở hơi hoặc bị ấm đầu, nhưng tôi nặng tình cảm với những con người và đồ vật đã giúp đỡ tôi.
Để kết luận, tôi nhớ con dốc San Gabriel mình vượt qua bằng chiếc xe đạp, nhớ con dốc Rio Hondo với người tình sắt Datsun 200SX. Và tôi xin được nhắn nhủ cùng các bạn trẻ đang theo đuổi con đường học vấn. Tôi mong các bạn hãy cố gắng đeo đuổi những hoài bão của mình. Hãy trở thành những công nhân, kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ để đóng góp cho đời. Nếu có gặp khó khăn, xin đừng nản lòng. Hãy vượt qua những con dốc của cuộc đời để tiến lên.

Hoàng Đình Minh Long

Ý kiến bạn đọc
10/07/201121:00:19
Khách
hah hah, hi hi..!!!! lại được thêm mấy thang thuốc bổ nữa! Cảm ơn bạn Long, mong bạn luôn được hạnh phúc. GBU!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,307,720
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.