Hôm nay,  

“Anh Đã Vào Bờ Rồi!”

09/04/200300:00:00(Xem: 188534)
Người viết: TRIỀU PHONG
Bài tham dự số 3167-774-vb20407

Tác giả tên thật là Trần Phương Ngôn, cho biết ông đã sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm và chỉ mới đến định cư tại Hoa Kỳ được hơn ba năm. Hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South California và cũng đang theo học ở trường Trident Technical college. Tựa đề bài Viết Về Nước Mỹ của ông là lời người bạn gái, người yêu thương năm xưa, nhắc ông khi gặp lại nhau trên đất Mỹ “Anh đã vào bờ rồi...” Bài đăng 2 kỳ.

***


Tôi giảm ga, xe từ từ chạy chậm lại. Con đường 61 sáng nay êm ả và vắng lặng làm sao! Thỉnh thoảng có một chiếc xe từ hướng ngược chiều trờ tới rồi mất hút sau lưng. Trước mặt tôi là con đường ngoằn ngèo râm mát bởi bóng cây hai bên đường. Tôi nhìn những hoa nắng len qua kẻ lá rồi vỡ trên mặt kính mà lòng luôn nghĩ tới tiếng khóc nức nở của bà khách quen ngày hôm qua. Bà khách này là "khách ruột" của tôi đã lâu lắm rồi. Cứ mỗi khi đến tiệm nhờ tôi làm Nail là bà lại học vài câu tiếng Việt thông dụng. Bà học đó rồi lại quên đó. Bà có một cô con dâu là người Việt nam và bà muốn nói chuyện với cô bằng tiếng Việt mỗi khi cô về thăm. Thế nhưng lúc gặp cô bà lại quên hẳn các câu tôi đã dạy bà. Bà thường than thở về trí nhớ kém cõi của bà và những khi đó tôi thấy bà rất buồn vì biết mình đã già!
Hôm qua, bà lại nhờ tôi làm "new full set" cho đôi tay của bà. Ngồi được một lúc bà chợt khóc rấm rức và sụt sùi kể lể. Bà nói làm tay xong bà phải đi làm tóc vì mai là đám tang con trai út của bà! Bà nói người con trai út của bà đã chết oan ức vì sự cải vã và bắn nhau của bạn anh ta trong buổi tiệc chia tay ra trường high school tại Mt. Pleasant đêm thứ năm vừa rồi. Dù thông cảm với nỗi mất mát to lớn của bà tôi vẫn không hiểu tại sao người Mỹ lại có tục lệ ăn mặc sang trọng và làm đẹp trong những lúc tang tóc như thế này" Khi bà từ giã sắp bước ra, nhìn trong đôi mắt sâu và đỏ đầy khổ đau của người mẹ mất con ấy, bất giác tôi hứa với bà là tôi sẽ có mặt trong buổi lễ tiễn đưa con trai bà. Bà lộ vẻ cảm kích rồi cho tôi biết nghĩa trang và giờ giấc sẽ chôn cất con trai bà. Đó là lý do tại sao sáng Chủ nhật này tôi lại đi lang thang thay vì ngủ vùi sau những ngày làm việc vất vả.
Đang còn nghĩ vớ vẩn tôi đã thoáng thấy nghĩa trang hiện ra xa xa với những bó hoa được cắm đầy khắp mặt đất. Đậu xe xong rồi bước ra, tôi không mấy khó khăn để tìm kiếm vì một đám đông đang tụ tập phía trước. Tôi bước đến gần, ngó xung quanh cho đến lúc bắt gặp bà lão đang đứng cạnh huyệt mộ để biết mình không bị lầm lẫn bởi một đám tang khác, tôi mới lẫn vào một gốc cây kế đấy. Im lặng chờ đến khi vị Cha xứ dứt lời và mọi người làm tất cả nghi thức tiễn đưa xong tôi mới chậm rãi bước lại. Đứng trên ngôi huyệt tôi nhẹ nhàng thả một cành hoa tiễn đưa người quá cố đoạn tiến tới trước mặt bà ngỏ lời chia buồn.
- I really appreciate it!
Bà nói khi thấy tôi. Sau vài phút an ủi bà tôi thấy đã đến lúc phải rút lui nên mở lời từ giã. Đi được một quãng khá xa tôi bỗng khựng lại vì giọng gọi giật ngược của bà:
- Hold on your horses, please!
Ngạc nhiên tôi quay lại. Bà bước về phía chỗ tôi cùng một phụ nữ mà thoáng nhìn từ xa tôi cũng có thể đoán được đó là người Á Đông bởi mái tóc đen huyền của cô ta. Tôi nghĩ thầm có lẽ bà ta muốn giới thiệu con dâu của bà với mình đây. Tuy nhiên khi cả hai đến gần thì cô gái bỗng khựng người và bật thốt:
- Ủa!
Trước thái độ khác thường của cô gái tôi chợt chú ý thêm và nhìn kỹ cô ta một lúc rồi bỗng sững sờ im lặng không nói thành tiếng.
*
Gió biển Đại Tây Dương thổi nhè nhẹ làm mặt nước gợn sóng lăn tăn. Các du thuyền đang nhàn nhã trở về bến với chiếc buồm trắng no tròn. Nắng chiều đổ khắp, nhuộm vàng một vùng biển rộng lớn. Cuối chân trời những đám mây đỏ tía xen lẫn tím xanh khiến cho thành phố Charleston trở nên mờ ảo trong hoàng hôn biển cả.
Bên cái bàn được kê sát góc sửa sổ của nhà hàng California Dreaming, Hường ngồi đối diện với tôi, thỉnh thoảng nàng bưng ly nước cam hớp từøng ngụm nhỏ, mắt đăm chiêu nghĩ ngợi mông lung. Cạnh Hường, Johnny đứa con trai bốn tuổi của nàng vẫn mải mê với ly cooktail. Thằng bé có mái tóc vàng và cặp mắt xanh lơ, khuôn mặt kháu khỉnh nhưng tôi nhìn mãi vẫn chưa tìm ra được nét nào giống nàng. Tôi liếc sang Hường, quan sát nàng trong im lặng.
Hường bây giờ đẹp và sắc sảo hơn trước rất nhiều. Với vóc dáng của một thiếu phụ sang trọng trong chiếc váy dài, Hường có vẻ đài các của một mệnh phụ phu nhân chứ không còn nét ngây thơ của người con gái thuở nào. Biết tôi đang nhìn nàng, Hường nhoẻn miệng cười phá tan bầu không khí nặng nề:
- Em không bao giờ ngờ lại gặp anh ở đất Mỹ này.
- Anh cũng thế, anh đâu dè người con dâu mà bà khách của anh thường nhắc đến lại là em.
Tôi gật đầu tiếp lời nàng. Cuộc hội ngộ tình cờ trong đám tang sáng nay khiến cho dĩ vãng gần hai mươi năm trước lần lượt trở về trong tôi. Vùng quá khứ chìm ngập đau thương lúc ở bên nhà chợt kéo đến phủ mờ hiện tại.
*
….Trong đám người được tha nhân dịp Tết Nguyên Đán năm 1983 có cả Hường. Nhìn những người sắp được tự do đang cuống quýt chạy tới chạy lui, kêu la ơi ơi đàng kia tôi cảm thấy buồn và biết chắc là mình sẽ còn ở lại đây lâu. Cạnh tôi thằng Hiển, anh của Hường, đang nhón chân vẫy nón gọi em gái. Nó mừng lắm miệng lắp bắp nói mà không ngó tôi:
- Em tao được tha rồi mày ơi!
Đó là một buổi sáng 29 Tết mà tôi không bao giờ quên. Trời còn mù sương thì tất cả phạm nhân bỗng dưng bị gọi tập trung ra sân cờ để chứng kiến sự "khoan hồng" của nhà nước thả tù tại trại lao động Đồng Phú. Vì nhìn đi nhìn lại các người được tha thì thấy tất cả đều đã bị giam lố án. Ngay như Hường bị bắt về tội vượt biên cũng phải mất hơn mười ba tháng chứ ít ỏi gì đâu! Nhưng thôi dù sao thì thế cũng là may mắn lắm rồi. Thời bấy giờ nếu là khách vượt biên thuần túy không bị liên can đến tổ chức hay móc nối, không phải là "taxi" đưa đón thì phụ nữ chỉ có 12 tháng còn đàn ông là 24 tháng. Đó là luật bất thành văn dưới chế độ Xã hội chủ nghĩa.
Mấy tháng tiếp theo, mỗi khi đến kỳ thăm nuôi là tôi gặp lại Hường. Nàng từ thành phố lên thăm anh và thỉnh thoảng Hường nhét cho tôi một gói ba số 555 cùng vài lời an ủi hay khích lệ. Chúng tôi vượt biên cùng ghe nên bị bắt cùng lúc. Ra trại lao động tôi và Hiển được biên chế vào chung một đội rồi lại được xếp nằm cạnh nhau nên dần dà tụi tôi trở nên thân thiết.
Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, thấm thoát mà chúng tôi đã đón hai cái Tết trong tù. Sau mươi mấy tháng cuốc đất trồng khoai, phá rừng đốn cây, gặt lúa trồng rau, nuôi heo chăn bò, cuối cùng chúng tôi cũng được thả. Ngày ấy hai thằng đi bộ hơn 7 cây số và băng ngang qua trại cải tạo Đồng Phú 2 mới ra tới quốc lộ. Từ đây chúng tôi đón xe đò về lại thành phố. Mấy năm sống ở trong rừng chẳng nhìn thấy ai, nay bỗng dưng được hít thở lại cái không khí tự do tạm bợ và nhìn mấy cô gái Saigon tấp nập qua lại trên phố xá, tự dưng chúng tôi thấy ai cũng đẹp cả nên lòng lâng lâng sung sướng làm sao! Rồi hai đứa chia tay Hiển về cư xá Bắc Hải, còn tôi thì về Gia Định nhưng đã có một hò hẹn gặp lại.
Từ đó tôi thường ghé nhà Hiển để cùng nó đi uống cà phê tán dóc. Có những lúc Hường tiếp tôi khi Hiển vắng nhà. Và không có anh tôi đành…mời em đi dạo phố, ăn kem Công Trường. Lâu dần thì tôi chỉ còn đến để mời Hường đi với tôi hơn là rủ Hiển.


Tôi còn nhớ như in những tháng đợi chờ năm chờ cho một chuyến đi kế tiếp đầy mệt mỏi này. Thời gian đó tôi không làm gì cả và cũng chẳng biết gì để làm. Ngao ngán và chán chường tôi cứ mò lên nhà Hường. Có ngày hai đứa đạp xe qua các con đường trong buổi trưa hè oi ả hoặc ngồi rút bên nhau những khi mưa chiều rơi rơi mà hồn cứ mãi ngẫn ngơ xa lạ. Nhiều lúc tôi và nàng ngồi hàng giờ ở các quán cà phê vỉa hè của con đường Duy Tân thơ mộng mà lòng rối bời.
Hường biết tôi có nhiều tình cảm dành cho nàng nhưng tương lai của hai đứa thì mịt mù đen tối vì Hường cũng đợi ra đi nên nàng vẫn khép nép và cố tình tránh né.
Một chiều nọ khi hai đứa đang ngồi dưới hiên của một quán cà phê thì trời bỗng đổ mưa. Bấy giờ đang là mùa mưa nên hầu như ngày nào cũng phải có một hai cây mưa trút xuống thành phố này. Rồi mưa bắt đầu lớn dần, nhìn những hạt mưa rơi vỡ trên hàng bông giấy trước cổng quán cà phê mà tôi nghe như ước mơ của mình đang vỡ tan. Tôi chép miệng:
- Mưa tới nữa rồi, mà mình thì vẫn còn ở đây. Thế là lại mất toi một năm nữa!
- Nhưng mùa mưa đi dễ dàng và ít bị bắt hơn chứ anh. Aên thua mình có gan không hà!
Lời nói của Hường bỗng làm tự ái người thanh niên trong tôi nổi lên. Tôi khẽ quay qua nhìn nàng và bất chợt dưới cơn mưa chiều hôm ấy tôi thấy Hường đẹp và dễ thương làm sao! Nhìn mấy hạt bụi nước li ti đọng trên tóc nàng như những cánh dại giữa rừng, tôi chợt xao xuyến. Và tự nhiên tôi đưa tay lên vuốt lấy tóc nàng, miệng úp úng:
- Hường nè, từ lâu anh có cái cái…này muốn nói với…em nhưng mà anh…
Hường ngắt lấy lời tôi.
- Anh…em biết tấm lòng của anh đối với em. Nhưng bây giờ và ở đây thì không được đâu anh. Mấy người như chúng ta thì làm sao có thể sống được dưới chế độ này. Thông cảm cho em nhé anh, em rất là trân trọng tình cảm mà anh đã dành cho em bấy lâu nay, nhưng chúng ta phải chấp nhận sự thực dù là sự thực phủ phàng. Hãy đợi nhau ở một hoàn cảnh khác đi anh!
Tôi im lặng nhấm nháp từng ngụm cà phê nhỏ mà nghe đăng đắng trong cuống họng, nhưng tôi không biết đó là vị đắng của cà phê hay là vị đắng vì sự từ chối của Hường lúc ấy. Tay mân mê ly cà phê đen đá lành lạnh, tôi nghĩ ngợi mông lung. Tôi không trách Hường, vì các lời nàng vừa thốt ra là điều đúng thế nhưng tôi vẫn cảm thấy như có chuyện gì không ổn bên trong. Và đó cũng là lần cuối hai đứa gặp nhau, bởi vì ít ngày sau thì Hường đã lên đường vượt biển đến được đảo Paula Bidong của Malaysia. Còn tôi thì lại vào trại lao động Mỹ Phước Tây của Tiền Giang và trại Nhơn Hòa Lập của Long An sau hai lần nữa bị bắt.
*
Người bồi dọn thức ăn, cả hai đứa chúng tôi bắt đầu buổi ăn tối. Nắng đã tắt bên ngoài. Mặt biển thơ mộng lúc chiều giờ đã nhường cho cả màn đêm bao la. Thành phố đã lên đèn, nhưng tự dưng đêm nay sao tôi bỗng cảm thấy nó vô cùng xa lạ như Hường đang ngồi trước mặt tôi. Cạnh chúng tôi thằng Johnny đang say sưa với món ăn của nó, thỉnh thoảng nó ngẩng lên nhìn tôi và Hường cười thích thú. Trông thằng nhỏ kháu khỉnh, mặt rạng rỡ tôi thấy tuổi thơ thật dễ thương làm sao. Cuối cùng Hường mới lên tiếng phá tan bầu không khí im lặng:
- Anh không khác xưa bao nhiêu. Chỉ hơi phong trần một tí nên hồi sáng này vừa mới thoáng thấy anh là em đã nhận ra ngay. Còn em chắc thay đổi nhiều lắm hả anh"
Câu nói của nàng làm tôi ấm lòng. Tôi ngó Hường, tuy ánh đèn nhà hàng có hơi mờ ảo nhưng vẫn không che hết sự diễm lệ của nàng bây giờ. Hường nói đúng. Nếu sáng nay Hường không gọi tôi thì có lẽ chúng tôi chẳng có cuộc hạnh ngộ tối nay, thế nên tôi chỉ khẽ gật đầu như một sự tán đồng:
- Anh sang đây được bao lâu rồi"
- Ba năm! Đầu tiên anh tới San Jose, mấy tháng sau anh qua Minnesota đoạn di chuyển lên Virginia và sau cùng là xuống miền Nam nước Mỹ này.
Hường nhí nhảnh:
- Cha mới qua mà đi dữ nha!
Tôi cười buồn, nhún vai:
- Đi kiếm cơm thôi em ơi! Kẻ đến muộn màng mà!
- Giỡn chơi với anh cho vui chớ thật ra em biết chứ bộ. Ngày đầu tiên đến đây ai cũng vậy anh à!
Tôi ngã người ra thành ghế hớp lấy một ngụm Long Island Tea đoạn nói thong thả:
- Hồi ở trại tỵ nạn Palawan anh có nhận được ba lá thư của em gởi sang. Sau đó thì….
Tôi bỏ dỡ câu nói. Hường nín thinh một lúc rồi lên tiếng:
- Dạ, anh thông cảm cho, lúc đó em còn đi học. Mà anh biết vừa đi học, vừa đi làm cực lắm. Em cũng rất buồn khi thấy anh bị kẹt thanh lọc mà em thì chẳng giúp gì được anh.
Tôi khoa tay ngắt lấy lời Hường:
- Không, không em đừng hiểu lầm. Anh không trách gì em đâu. Anh phải cám ơn em vì hồi ấy đã còn nhớ đến anh gởi thư an ủi. Anh quen chịu đựng với số phận gian nan của mình rồi em à.
Và để cho bầu không khí bớt ngột ngạt, tôi chuyển sang đề tài khác:
- Em lập gia đình được bao lâu và có mấy cháu rồi" Nghe nhắc đến con, Hường quay sang âu yếm nhìn thằng Johnny đang nghịch với cái muỗng trong ly nước.
- Dạ, một. Sau khi ra trường đại học George Mason ở Virginia thì em đi làm rồi dòng đời đưa đẩy em gặp ông xã em trong một party của nhỏ bạn và….
Hường bỏ lửng câu nói. Tôi gật gù:
- Hiện hai người vẫn ở Virginia"
- Không anh ạ, chỉ mình em và con thôi. Aûnh là sĩ quan không quân, anh đang ở Kuwait thỉnh thoảng mới về. Ảnh là người ở South Corolina và gia đình mẹ ảnh thì ở đây.
- A, thảo nào!
Rồi cả hai lại im lặng một lúc mà chẳng biết nói gì nữa.
Ngày xưa ngồi bên nhau, hai đứa chúng tôi có cả ngàn chuyện để nói và để mơ mộng vì cả hai cùng chung một chí hướng. Còn hôm nay mỗi người đã rẽ sang một khúc khác của cuộc đời và hoàn toàn khác biệt nên còn biết nói gì nữa đây" Hường cũng như tôi và dường như nàng đoán được suy nghĩ của tôi nên đề nghị:
- Chúng ta có thể về được chưa anh"
Tôi gật đầu, gọi bồi bàn. Hường một mực dành trả cái bill đó, nàng viện cớ tôi mới qua còn nhiều thứ phải lo. Lúc bước xuống cầu thang ra khỏi nhà hàng thì gió biển lùa vào mát lạnh. Hường khẽ co ro ôm lấy con, hỏi nhỏ:
- Bây giờ anh làm gì"
- Làm Nail.
- Nghề này thì lúc trước kiếm tiền cũng khá, nhưng bây giờ em nghe nó có hơi khó khăn vì người Việt làm nhiều lại hay hạ giá, do đó anh cũng nên có cho mình một cái "plan" trong tương lai đi nha anh. Cho phép em nói với anh một điều. Em thấy anh có vẻ hơi bi quan nhưng anh đừng lo, Mỹ là đất của cơ hội và của những người có ý chí mà quyết tâm. Em tin là anh sẽ thành công, vì anh là người đã trải qua gần sáu năm trong trại lao động và hơn mười năm ở trại tỵ nạn thì với nghị lực đó em thấy anh không có lý do gì thất bại được. Anh còn nhớ Pháp có câu "Vouloir c'est pouvoir" chứ" Anh là loại người của câu ấy đấy và em chắc chắn được điều đó khi thấy anh có mặt ở nơi này. Anh đã vào bờ rồi, tất cả đều đã qua, tất cả đều đã xa và tất cả đều chỉ còn là kỷ niệm. Dream come true!
- Cám ơn em, để anh ráng.
Hường dừng lại ôm con lên và bảo nó chào từ giã tôi. Nàng thò tay vào túi áo lấy ra tấm visit card trao cho tôi và giơ tay chỉ:
- Xe em đậu đằng kia… anh giữ lấy cái này và bất cứ anh cần gì cứ phone cho em vì anh cũng như anh Hiển, mãi mãi là…. anh của em. Chúc anh may mắn.
Dứt lời nàng xoay người đi một mạch. Tôi đứng nhìn theo cho đến lúc nàng lên xe chạy đi rồi mới lững ra xe của mình. Vừa đi tôi vừa nghĩ lấy những lời Hường nói. "Anh đã vào bờ rồi ..." Đúng vậy. Chưa lúc nào tôi cảm thấy tự tin và yêu đời như thế này. Xem ra quyết định ghi danh đi học ở trường Trident Technical College của tôi hồi tuần trước là đúng.
Ngoài kia gió bắt đầu thổi mạnh, tiếng sóng vỗ vào bờ đá vẫn như thuở nào, dòng thời gian thì vẫn trôi nhưng người ta thì phải biết nắm lấy những cơ hội tốt để khỏi phải trôi theo dòng đời nghiệt ngã.

Triều Phong
SC, 26 tháng 1, 2003

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,003,167
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến