Hôm nay,  

Lá Thư Tình Của Thằng Mất Gốc

23/02/200300:00:00(Xem: 160931)
Người viết: N.T.J.
Bài tham dự số 3131-738-vb80223

Tác giả N.T.J. hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc Cali. Đây là bài viết về nước Mỹ thứ ba của bà.

*
Ngay lần đầu tiên gặp Quân, Thảo đã đặt tên cho anh là "thằng mất gốc" rồi. Thật sự thì Quân chỉ có mỗi một cái tội là đã kêu tên Thảo thành Thao chớ thật ra anh chàng rất đàng hoàng vui vẻ, mặt mày có vẻ vô tư và nhất là đẹp trai lắm. Bò sữa và đồ ăn của Mỹ đã nuôi dưỡng anh ta thành một chàng trai cao ráo, rắn chắc.
Lần đầu tiên theo dì Hai đến nhà Quân chơi, dì Hai và mẹ của Quân cũng khá thân thiết, nên khi vô tới nhà thì dượng Hai cũng tấp vô nhà để xe nói chuyện với ba Quân vì ông ấy đang sửa xe gì đó, còn dì Hai và bác gái và Thảo thì ngồi trong nhà chơi. Thật ra Thảo chỉ ngồi đó xem tivi chớ chẳng có chuyện gì nói. Một lát thì nghe tiếng mở cửa rồi thì Quân cùng với ba đứa bạn về, có lẽ đi chơi banh về nên hắn ôm trái banh mà lại có vẻ dơ dáy. Ba đứa bạn hai gái, một trai vô cửa liền nhao lên "hi hi" loạn xạ, mẹ Quân và dì Hai cũng phác tay chào. Họ kéo nhau ra nhà bếp, mỗi đứa một chai nước lạnh rồi ra sân sau, chừng mười phút thì tụi bạn kéo nhau về. Lại một màn "bai bai"… Quân đưa bạn ra cửa vừa gài cửa thì bác gái gọi lại giới thiệu Thảo với Quân, Quân cười tươi bằng miệng và cả bằng mắt, dì Hai bóp cánh tay Quân cười cười "coi kìa chắc da chắc thịt dữ, cứng ngắc hè" rồi Quân cười chào mọi người về phòng riêng.
Thảo ngồi đó nghe hai người lớn nói chuyện lòng nghĩ bâng quơ đến mấy đứa bạn gái bạn bè của Quân sao mà họ vô tư và đẹp đẽ vậy, tụi nó mạnh khỏe và tự nhiên, nhìn lại mình chẳng biết nói tiếng Mỹ gì cả lại quê mùa gì đâu. Thảo mất cảm tình với Quân và cái tên được đặt ra trong đầu cũng từ đó.
Lần thứ hai gặp Quân cách vài tháng sau đó. Dì dượng Hai cùng gia đình Quân rủ đi ăn sáng. Dượng Hai có chiếc van nên tự nguyện ghé ngang nhà Quân để cùng đi chung. Khi mọi người sắp rời nhà thì Quân cũng vừa về tới. Châu em gái Quân thò đầu ra dặn dò anh nó chuyện gì đó thì dì Hai rủ Quân cùng đi, Quân chần chờ thì con Châu nói "Quân mình sẽ ăn phở đó". Quân tươi nét mặt, "có thể cho tôi tắm nhanh không tôi vừa chơi banh." Chưa đầy 10 phút Quân trở ra ăn mặc đơn giản, tóc còn ướt, lên xe ngồi cạnh Thảo. Lại cũng chỉ cười tươi "Chào Thảo, khỏe không""
Khi mọi người ngồi trong quán và gọi thức ăn anh em Quân cùng gọi một thứ nhưng con Châu thì gọi tô nhỏ hơn. Phở bưng ra, Thảo thấy anh chàng thêm giá, bỏ rau, nặn chanh một cách sành sỏi lại xịt thêm tương ớt đỏ đậm đà. Bắt gặp Thảo nhìn mình Quân cười và nói tiếng Việt "Phải bỏ đủ mấy thứ này mới ngon." Thảo mềm lòng khi nghe Quân nói tiếng Việt với mình dù rằng chẳng đúng và rành rẽ lắm. Con Châu cười với Thảo "Nó không nhớ tên loài rau này đâu". Châu là em gái của Quân nhỏ hơn Thảo vài tuổi, cũng rất dễ thương mà lại dịu dàng cho nên Thảo cũng dễ thân thiện với nó. Châu nói tiếng Việt có vẻ rành hơn Quân nhưng khi nghe nói gọi Quân bằng nó, Thảo bật cười "Không nên gọi anh bằng nó, Châu ơi" Châu bẽn lẽn mắc cỡ trong khi Quân chỉ cười "Kêu sao cũng được mà" rồi nhìn Thảo cười, mọi người cùng cười theo, mẹ Quân cũng phàn nàn là tụi con bà nói tiếng Việt dở quá.
Có lúc bắt gặp ánh mắt Quân nhìn mình, Thảo lảng tránh và cúi xuống tiếp tục ăn. Từ lúc ấy, ác cảm trong lòng Thảo bớt dần.
Mỗi một lần gặp Quân là một lần Thảo nghe cảm tình thêm. Sinh ra ở Mỹ cho nên cái cung cách thong thả tự nhiên và vô tư cộng thêm sự giáo dục của gia đình nên Quân có một tâm hồn Âu Á rất dễ mến, ngặt một điều Quân chỉ nói tiếng Mỹ nhiều hơn cho nên Thảo cũng không có dịp nói chuyện với Quân nhiều ngoài những câu xã giao thông thường.
Mới qua Mỹ được mấy tháng Thảo lo học thêm anh ngữ và làm quen với nếp sống mới. Được dì Hai cưng chìu và dìu dắt, Thảo dễ dàng hội nhập vào xã hội mới. Cuộc sống của Thảo vẫn đều đặn, ban ngày chỉ đi học anh văn, rảnh rang thì vào thư viện học bài hay mượn sách, Thảo đang học để lấy bằng lái xe. Ba mẹ Thảo dọn về vùng ngoại ô thành phố cách đó 2 giờ lái xe, dì Hai rủ rê Thảo ở lại với dì. Không có con nên dì Hai cưng Thảo lắm và bất cứ lúc nào Thảo muốn về thăm gia đình là Thảo có thể về ngay.
Nhà dì Hai cách nhà Quân 5 phút lái xe, mỗi ngày Thảo đi học chuyến xe bus đều đi ngang nhà Quân, ngược lại cái thư viện thì gần nhà dì Hai, anh em Quân thỉnh thoảng đi thư viện đều đi ngang nhà dì Hai. Từ khi có Thảo mỗi lần đi ngang Quân hay liếc mắt vào như muốn tìm kiếm ai. Quân tự cười một mình khi nghĩ như vậy.
Một vài lần gặp Thảo ở thư viện, Quân có đưa Thảo về nhưng có phần thân thiết hơn, Thảo cũng hỏi Quân sửa dùm vốn liếng anh văn và ngược lại Thảo cũng tự động sửa Quân nếu anh chàng nói trật tiếng Việt. Anh em Quân nói tiếng Việt với Thảo nhiều hơn, Quân học lại cách nói tiếng Việt nhanh chóng, đã vậy anh chàng còn nói tiếng lóng nữa, ai nghe cũng cười.
Ngoài sân sau thư viện là một công viên rộng lớn với đầy đủ sân chơi banh, Quân và các bạn hay lại đó đánh banh. Những lần gặp nhau. Quân thường rủ Thảo để Quân đưa về nhưng Thảo luôn luôn từ chối. Nhìn các cô bạn của Quân tự nhiên và thân mật, Thảo có mặc cảm cho nên cô không muốn đi chung.
Bẵng đi một thời gian không thấy Quân chở các bạn nữa mà chỉ về có một mình. Lần nào Quân cũng tạt vào thư viện nếu gặp Thảo là Quân rủ để Quân đưa về nhà, vô tình hay cố ý những buổi đi thư viện học bài của Thảo và những lần đi chơi banh của Quân rất là trùng nhau… Gia đình Quân và Thảo có biết tụi trẻ dần dần thân nhau nhưng họ không bao giờ nghĩ là tụi nhỏ có thể hợp nhau được, một đứa thì thuần là Mỹ, một đứa thì Việt Nam rặt, bất quá tụi nó khá thân thiết là vì có sự quen biết của hai gia đình mà thôi…
Tình bạn giữa Quân và Thảo tiến triển khá tốt nhưng cũng luôn luôn có Châu đi kèm. Châu hay kể chuyện Quân cho Thảo nghe và cũng hay kể chuyện Thảo cho Quân nghe.
Câu chuyện thứ nhất có vẻ riêng tư của Thảo được Châu kể lại cho anh nghe là chuyện Thảo đang có một người con trai theo đuổi. Chàng đó có việc làm và đang chạy chiếc xe cũng khá đắt tiền nhưng "anh đẹp trai hơn", Châu cười khi nói với anh như vậy. Quân có vẻ cáu kỉnh "tại sao Châu so sánh anh để làm gì"" Châu ngạc nhiên khi thấy anh mình nổi sùng bất tử nhưng nó cũng quên đi câu chuyện đó.
Phần Thảo cũng từ Châu mà biết về những cô bạn gái của Quân, chẳng hạn như con Stephenie, Mỹ lai Nhựt Bổn luôn luôn thích Quân và theo Quân hoài đợi Quân tỏ tình mà Quân chỉ xem như bạn… Thảo nhớ có thấy họ đôi lần. Cô nào cũng rắn rỏi, da họ rám nâu và họ đẹp quá chừng. Có lần đi chung thấy họ nói chuyện líu lo và thân mật, Thảo mặc cảm lắm dù cô cũng là một cô gái đẹp.
Thấm thoát, Thảo đã đậu được bằng lái xe, ngày nhận được bằng lái xe gởi về anh em Quân mời Thảo đi nhà hàng ăn khao, biết Thảo chưa quen với thức ăn uống theo Mỹ anh em Quân nhất là Châu cứ lo chỉ dẫn cho Thảo từng chút. Hôm đó cả 3 đứa đều có một buổi họp mặt vui vẻ. Thảo nhìn Quân thưởng thức miếng thịt bò tái và ngốn sạch sẽ hết dĩa thức ăn Mỹ một cách ngon lành, trông mà tức cười. "Giá mà hắn nói tiếng Việt trôi chảy chắc vui hơn" Thảo nghĩ. Châu và Thảo cười khúc khích khi thấy Quân gọi thêm ly kem, 2 cô gái muốn giữ eo nên không ăn tráng miệng. Quân xin thêm muỗng và mời 2 cô gái một muỗng kem từ ly của mình rồi cười vẻ mắc cỡ "chơi banh lâu quá nên giờ đói ăn hơi nhiều" ngậm miếng kem trong miệng Thảo mím cười, muỗng kem mát lạnh nhưng ngọt ngào cũng như lòng Thảo ngọt lịm và ấm áp. Đất Mỹ không còn chán nản và xa lạ với Thảo kể từ ngày hôm ấy.


Có lần Châu tiết lộ một vài chuyện của Thảo với anh, chẳng hạn như chuyện Thảo phê bình một đứa bạn trai đang đeo đuổi mình "thằng đó nói chuyện cải lương quá" 2 anh em thắc mắc "cải lương" . Cách nói tiếng Việt của Thảo cũng từng làm anh em Quân thắc mắc như là "ngon hết xảy" hoặc là "trời trái tóc như trái thơm bưng" còn nữa nào là "sao mà mặt mày như bánh bao chiều vậy" anh em nhà Quân chỉ nhìn nhau mĩm cười, rõ ràng là tiếng Việt rất duyên dáng và dễ thương. Châu nói với Quân là Thảo nói tiếng Việt nghe hay hơn người khác.
Đông qua, xuân tới, hạ về rồi mùa thu cũng sắp đến, Thảo lo ghi danh vào đại học cộng đồng gần nhà. Quân cũng nạp đơn xin chuyển trường, hơi xa nhà một chút nếu học thì phải ở trọ. Lo xong đơn chuyển trường, Quân rủ con Stephenie đi xem hát, đứa bạn gái tây phương vốn thân thiết với Quân từ nhỏ nên tự nhiên lắm. Cô ta một tay cầm ly nước ngọt còn tay kia thì níu tay Quân. Hai đứa vừa lò dò vào rạp thì gặp ngay Thảo đang đi vào với một đứa con trai khác. Thảo thấy Quân ngay nhưng nhìn thấy Stephenie thân thiết như vậy Thảo nhìn hướng khác, rồi Quân cũng nhìn thấy Thảo, Quân lẹ làng gọi "Hi! Thao" Thảo làm bộ không nghe, cùng người bạn trai đi nhanh vào rạp kiếm chỗ ngồi. Cô bạn Mỹ kéo tay Quân ngồi xuống, Thảo nhìn theo âm ức, tự nhiên giận ngang, gì mà Thao người ta tên Thảo nói có cái tên mà cũng gọi không xong thì ở đó mà làm nên trò trống gì, tự nhiên buồn ngang nên sau khi vãn hát Thảo đòi người bạn đưa về không ăn kem như dự định.
Quân thì cũng bình thường, tánh tình vốn vô tư nên Quân nghĩ là Thảo có bạn trai nên cố ý tránh mình, tuy nhiên Quân cũng cảm thấy buồn một chút, mấy tuần sau đó con Châu nhờ chở Châu đi thư viện sẵn ghé rủ Thảo cùng đi thì Quân từ chối, chỉ chở em gái đến thư viện rồi dặn Châu chờ Quân rước, cũng may Châu gặp Thảo trong thư viện, khi đến giờ hẹn với Quân Châu rủ Thảo về chung thì Thảo cũng lại từ chối.
Chuyện gì cũng có phần kết cuộc, cuộc chiến tranh lạnh vậy mà thấm. Cả Thảo và Quân đều cảm thấy buồn nhiều. Thỉnh thoảng gặp nhau do những buổi gặp gỡ giữa 2 gia đình, tuy cũng chào hỏi, nói chuyện nhưng vì tự ái cả hai cố làm như xa lạ. Quân thì lầm lì, Thảo ít nói hẳn.
Ngày nhập học gần kề, nhiều đêm ngồi trước computer, Quân không biết vẫn vơ chuyện gì thì hình ảnh Thảo hiện ra, làn da trắng, mái tóc dài, gương mặt nghiêm nghị nhưng cũng đầy quyến rũ. Quân biết mình không thể cưỡng được hình ảnh ấy nữa.
Một hôm Quân gọi Thảo mượn quyển tự điển Việt-Anh. Ba ngày sau, Quân mang sách trả. Dì Hai và Thảo đi vắng có mình dượng Hai đang cắt cỏ tỉa bông ngoài sân trước. Quân mang sách mở cửa phòng Thảo lòn tay để quyển tự điển vào rồi chào dượng Hai ra về.
Khi trở về, Thảo thấy cuốn tự điển trên bàn, cầm lên định đem để vào kệ sách thì thấy có một bao thư dán kín kẹp giữa sách bên ngoài đề tên Thảo. Mở ra thì là thơ của Quân, chữ Việt nắn nót dấu chấm hỏi ngã không được đẹp lắm nhưng là một bức thư tình. Thảo thấy mặt mình nóng bừng khi đọc:
"Thảo ơi, Quân thương Thảo ghê nơi, mấy tuần nay gặp Thảo mà không nói chuyện gì hết Quân buồn ghê, Thảo không thích email, Thảo không thích nói chuyện giống cải lương nên Quân phải ráng mà viết cho Thảo đây, nếu Thảo còn muốn Quân thì sau khi đọc thơ này Thảo kéo màn cửa sổ Thảo nữa bên thì Quân sẽ hiểu, Quân sẽ đi đón Thảo mình ra ngoài nói chuyện, Quân còn một câu nói nữa mà chỉ khi nào gặp Thảo rồi Quân mới nói mà thôi…Chào Thảo" ký tên “Quân.”
Thảo nhìn đồng hồ gần 5 giờ chiều. Trời mùa hè còn sáng, cái màn cửa sổ của Thảo đã kéo hết ra để có ánh sáng lúc Thảo đi chợ. Bước lại nhìn ra ngoài xe của Quân chẳng thấy, đối diện nhà là sân sau của trường tiểu học, ngày thứ bảy nên sân trường vắng hoe, có một chiếc xe truck cũ kỹ đậu dưới gốc cây. Thảo suy nghĩ một lúc rồi kéo màn cửa sổ lại còn nửa bên như Quân dặn, rồi ôm chồng sách bước ra ngoài.
Dượng Hai còn đang tỉa bông. Thảo hỏi thì dượng cho biết Quân đưa sách lúc gần 2 giờ, vậy là gần 3 tiếng đồng hồ rồi, Quân chắc đã về, Thảo chào dượng rồi bước qua lề đường qua trạm xe bus để đợi xe đi thư viện.
Phần Quân sau khi để quyển sách và rời nhà Thảo, biết Thảo vắng nhà nhất là đi chợ với dì Hai thì chắc không lâu Quân chạy một vòng rồi đậu xe vào sân trường học nhìn qua nhà Thảo. Quân đã mượn chiếc xe truck của thằng bạn nên Quân yên tâm đậu xe ngồi chờ đã gần một giờ đồng hồ vẫn không thấy Thảo về. Chờ mãi, Quân ngả ghế ra nằm lơ mơ rồi ngủ quên. Khi giựt mình thức dậy nhổm lên nhìn qua phòng Thảo rõ ràng là cái màn đã kéo nửa bên nhưng mà Thảo đâu"
Nhìn đồng hồ đã gần 5 giờ rồi, nắng vẫn còn rực rỡ, trời xanh và ấm áp, Quân vòng ra đường định sẽ quẹo vòng chữ U để đi ngang nhà Thảo thì thấy Thảo ngồi ở trạm xe bus. Đậu xe lại Quân hấp tấp kêu Thảo và ướm lời chở Thảo, Thảo gật đầu má đỏ hồng nhìn Quân áo thun, quần cụt mắt sáng miệng cười tươi. Lên xe ngồi cạnh Quân Thảo liếc sang tuy là ăn mặc như là đi chơi banh nhưng tóc tai chải kỹ càng và mùi dầu thơm Curve thơm ngát, Thảo nhỏ nhẹ nói "Cho Thảo đi thư viện được không"" Quân cười tươi "Lẽ dĩ nhiên là được".
Chiều thứ bảy thư viện vắng người, phía sau là cái công viên lớn, cảnh vật đẹp đẽ yên tĩnh. Đến nơi Quân chạy vòng ra phía công viên, Thảo kêu "Cho Thảo vào trả sách" Quân nài nỉ Ra xem tôi chơi banh chút rồi ghé thư viện sau". Xuống xe, ôm trái banh Quân tự nhiên đưa tay dẫn Thảo, kéo nàng về hướng sân chơi banh nhưng chỉ là để chọn một ghế đá cho hai người.
Nhìn Thảo mắt Quân sáng ngời "Thảo đã đọc thơ của tôi chưa"" Thảo gật, mặt đỏ au. Da nàng đã rám nắng trông mạnh khỏe và bộ quần áo mùa hè đúng thời trang mà không cẩu thả khiến Thảo đẹp hẳn ra. Rất tự nhiên Quân xích lại và nắm tay nàng "Thảo còn muốn tôi không"" Thảo thầm nghĩ "Đồ mất gốc. Cái gì mà muốn muốn." Nhưng nhìn nét mặt rất nghiêm trang thành khẩn của Quân, Thảo lại gật. Quân kéo vai Thảo ôm cô vào lòng, cúi mặt để mặt mình áp vào mặt cô gái, mùi cologne thơm ngát. Quân nắm tay Thảo đưa lên miệng cắn nhè nhẹ mấy ngón tay. Thảo sực nhớ "Quân nè, Quân nói còn một lời gì gặp Thảo sẽ nói đó." Quân vẫn ôm Thảo im lặng, Thảo hỏi lần nữa Quân mắc cỡ dụi mặt vào tóc Thảo nói chậm rãi thuộc lòng một câu tiếng Việt rất cải lương "Đời tôi sẽ buồn lắm nếu không có em." Thảo nín cười đẩy Quân ra để nhìn vào mặt Quân, nhưng khuôn mặt đẹp trai kia sao mà trang trọng và ánh mắt sao mà thành thật quá cũng đã thu hút tâm hồn Thảo, Thảo lại dụi mặt vào vai Quân.
Trái banh lăn xuống cỏ và cả hai đều không hay, mắt Thảo vẫn khép, Thảo lẩm nhẩm "Quân ơi, anh không mất gốc đâu Quân." Trái banh lăn ra xa và trời chiều vẫn đẹp.

N.T.J

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,239,213
Chủ Nhật tuần này là Father’s Day 17-6-2018. Mời đọc bài của Phan, nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Tác giả đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang trong chương trình Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà là nhà giáo dạy ngôn ngữ và văn hóa Việt tại Hoa Kỳ và là tác giả Kim Dzung Phạm, sách “Vietnmese: An Intro-ductory Reader” đã được Viện Việt Học và University of California, Riverside xuấn bản lần đầu trong năm 2008.
2018-1968, đánh dấu 50 năm trận chiến Tết Mậu Thân, tiếp tục viết về cuộc tàn sát tại Huế. Susan Nguyễn là người gốc Huế, hiện đang định cư tại Canada, lần đầu viết bài gửi Việt Báo. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười chín, 2017-08. Sau đây là bài viết thứ 11 trong năm.
Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Á Khôi, Vinh Danh Tấc giả VVNM 2014. Năm mươi năm sau Mậu Thân, tác giả đã góp thêm niều bài viết đặc biệt. Nhân mùa Father’s Day đang tới, ông góp thêm bài viết về các cô nhi của tử sĩ VNCH hiện sống trên đất Mỹ.
Từ ngày Một tháng Bẩy 2018, giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ sang năm thứ hai mươi. Bài viết đầu tiên của Tố Nguyễn tới vào tháng Sáu, tháng cuối của Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX - 2017-18.
Vài hàng vềû tác giả: Trước 1975, là Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp. Định cư tại Hoa Kỳ từ 1985. Công việc: High School Teacher; College Instructor, sau đó là Social Worker. Về hưu tại Westminster, từ 2002. Năm 2005, tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết về Nước Mỹ. Sau đây là hồi ký của ông dành cho loạt bài “Tưởng nhớ 50 năm trận chiến Tết Mậu Thân 1968 - 2018.”.
Cam Li là cây bút quen thuộc của Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Bài viết là một truyện ngắn mới, tác giả gửi tặng cho bạn đọc Việt Báo.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012. Trước 1975, ông là sĩ quan hải quân VNCH, một nhà thơ quân đội, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Hồi Ức về Trận Chiến Tết Mậu Thân sau đây là chuyện khi tác giả còn là một sinh viên.
Nhạc sĩ Cung Tiến