Hôm nay,  

10 Năm Ở Mỹ

22/12/200200:00:00(Xem: 228292)
Người viết: HẢI TRIỀU LAI THẾ LÃNG
Bài tham dự số: 382-691-vb61221

Tác giả Hải Triều Lại Thế Lãng cư trú và làm việc tại tiểu bang Vermont, là một trong những tác giả đã liên tục góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm thứ nhất. Có lần ông cho biết ông dự trù khi về hưu, sẽ còn tiếp tục viết về nước Mỹ nhiều hơn. Bài ông viết thuộc đủ loại đề tài, bài nào cũng cho thấy một tấm lòng tử tế. Lần này là nhìn lại 10 năm ở Mỹ.

*
Ngày ... tháng 12 năm 2002
Anh Viễn,
Nhận được thư anh tôi hồi âm ngay để anh khỏi mong. Xin cảm ơn anh về những lời thăm hỏi ân cần của anh đối với chúng tôi. Tôi cũng xin gửi đến anh những lời thăm và chia sẻ của chúng tôi về hoàn cảnh khó khăn mà gia đình anh đang phải đương đầu. Anh nhớ kỹ quá. Vâng, tính đến tháng 12 này là gia đình tôi đã sinh sống trên đất Mỹ được đúng 10 năm.
Anh bảo tôi đã sống ở Mỹ 10 năm chắc là biết nhiều chuyện lắm và yêu cầu tôi kể chuyện ở Mỹ cho anh nghe vì anh nói nhiều người ở Mỹ về kể mỗi người một kiểu anh không biết phải tin ai. Anh Viễn à, anh có thể tin những điều đã nghe được từ những người ở Mỹ về kể lại, tôi nghĩ họ đều nói đúng cả đấy, không có ai gạt anh đâu. Là vì kể chuyện ở Mỹ thật chẳng khác gì chuyện mấy anh xẩm sờ voi. Anh sờ trúng chân voi thì nói con voi giống như cái cột nhà, anh sờ trúng tai voi thì cãi rằng con voi giống cái quạt, anh sờ trúng bụng voi thì kết luận con voi giống như caiù trống ... Mấy anh xẩm này đều nói trung thực cảm nghĩ của mình nhưng con voi của mỗi anh khác nhau vì họ chỉ sờ được có một phần con voi chứ không phải là toàn thể con voi.
Anh nghĩ coi đất nước mình đâu có rộng lớn gì cho lắm vậy mà người dân ở ba miền Bắc, Trung, Nam còn có giọng nói, cách nói, cách suy nghĩ và sinh hoạt riêng biệt huống hồ gì một đất nước bao la như nước Mỹ thì bảo làm sao mà đồng nhất cho được. Mỗi tiểu bang của Mỹ có sắc thái riêng biệt, có luật lệ khác nhau, điều kiện sinh hoạt khác nhau ... không có tiểu bang nào giống với tiểu bang nào cho nên anh nghe kể chuyện về nước Mỹ và nghe mỗi người nói một kiểu là vì vậy.
Nhưng nói như thế không phải là tôi muốn tìm cách thoái thác lời yêu cầu của anh, không muốn kể chuyện nước Mỹ đâu. Anh yên tâm, tôi sẽ kể chuyện ở Mỹ cho anh nghe nhưng cũng xin nói ngay là tôi chỉ có thể kể cho anh nghe năm bảy chuyện thôi chứ kể hết chuyện ở Mỹ thì làm sao mà kể hết được và cũng chẳng biết phải bao nhiêu giấy mực cho đủ.
Trước hết tôi xin kể cho anh nghe một mẩu chuyện về con mèo. Chuyện này có liên quan đến một bà Việt Nam. Bà này được người ta cho một con mèo cái đem về nhà nuôi. Bà quý con mèo lắm vì nó chính là người bạn của bà khi con bà đi làm vắng nhà, chỉ có một mình bà trong một ngôi nhà vắng vẻ. Bà săn sóc nó thật kỹ và không dám để cho nó ra ngoài vì sợ nó đi lạc. Con mèo tuy được bà chiều chuộng nhưng nó là con mèo cái, nó có những nhu cầu đòi hỏi và nó cần đi tìm thứ gì nó cần tìm. Một hôm cửa nhà khép không được kỹ, con mèo liền lách qua kẽ hở nhảy tót ra ngoài. Bà này sợ con mèo đi mất nên bà tung cửa chạy theo để bắt con mèo lại. Nhưng làm sao bà nhanh bằng con mèo, bà vồ hụt con mèo. Ngay lúc đó có một cô gái Mỹ đi ngang qua thấy vậy chạy nhanh tới vồ được con mèo. Bà này mừng rỡ cám ơn cô gái đã bắt dùm con mèo cho bà nhưng cô gái cứ ôm khư khư con mèo trong tay chứ không giao lại cho bà. Bà đòi lại thì cô gái nhất định không chịu trả mà còn toan ôm con mèo bỏ chạy. Bà liền nắm áo giữ cô gái lại không cho đi. Hai người gằng co không bên nào chịu bên nào cho đến khi cảnh sát được gọi tới. Khi cảnh sát đến nơi hỏi lý do thì bà Việt Nam nói cô gái Mỹ ăn cắp con mèo của bà còn cô gái thì nói cô chỉ cứu mạng sống của nó. Cô giải thích với người cảnh sát rằng cô biết người Việt Nam hay ăn thịt chó, thịt mèo và cô cứ khăng khăng cho rằng bà này đuổi bắt con mèo định làm thịt khiến nó quá sợ hãi bỏ chạy và cô đã có mặt kịp lúc để cứu nó.
Cách nay không lâu tôi có đọc được một cuộc thăm dò trên internet, một cuộc thăm dò về loài vật. Câu hỏi thăm dò là liệu có nên chi tiêu một khoản tiền đến 50 ngàn đô la để cứu một con vật đang gặp nạn hay không" Tôi không biết có phải cuộc thăm dò này được thực hiện do từ sự kiện là có nơi nào đó đã dùng quá nhiều tiền bạc vào việc cứu chữa một con vật đang gặp tai nạn hay không nhưng rõ ràng đã có nhiều người quan tâm đến vấn đề này. Có đến hơn 100 ngàn người tham dự cuộc thăm dò đã trả lời câu hỏi và có đến 30% trong số này trả lời Yes.
Bây giờ tôi lại mời anh đọc vài mẩu chuyện khác có ý nghĩa trái ngược. Năm 1995 tức là ba năm sau khi tôi đến Mỹ thì xảy ra vụ đặt bom tòa nhà liên bang Alfred P. Murrah ở Oaklahoma City, thủ phủ của tiểu bang Oaklahoma. Thủ phạm đặt bom tên là Timothy J. Mc Veigh và đồng phạm là Terry L. Nichols. Hai tên sát nhân này đã dùng chất nổ đặt trong xe hơi để đánh sập tòa nhà cao tầng giết hại 168 mạng người vô tội trong đó 19 là trẻ em và làm hơn 600 người bị thương, cùng với thiệt hại vật chất lên đến trên 500 triệu đô la. McVeigh bị kết án tử hình và mới bị hành quyết hồi năm ngoái còn Nichols thì bị lãnh án chung thân.
Đây là một vụ sát hại nhân mạng lớn vào thời gian đó nhưng những vụ án mạng nhỏ thì xảy ra thường xuyên và ở khắp nơi từ tiệm ăn, cửa hiệu, ngân hàng, nhà thương, trường học và ngay cả trên đường phố. Chỉ vừa mới vài tháng nay thôi đã xẩy ra vụ bắn tỉa giết hại dân thường ở thủ đô Washington và vùng lân cận. John Allen Mohammad, 42 tuổi và đứa con riêng của vợ là John Lee Malvo 17 tuổi lái xe đi quanh vùng tam biên Washington, Virginia và Maryland tìm chỗ rình rập và nhắm bắn người qua lại như bắn một con chim hay săn một con thú. Trong thời gian ba tuần lễ bọn này đã giết chết 10 mạng người và gây trọng thương cho 3 người khác chẳng hề có thù oán gì với chúng. Cũng may chúng đã bị cơ quan công lực tóm cổ nếu không thì còn nhiều người mất mạng bởi tay hai tên ngông cuồng này.
Hai tên này bị bắt trong một cuộc lùng bắt có trực thăng yểm trợ khi chúng đang ngủ đêm trong một chiếc xe đã được biến cải thành "bộ máy giết người" đang đậu tại trạm nghỉ ngơi trên một xa lộ ở tiểu bang Maryland. Băng ghế phía sau của chiếc xe này khi được lật lên có thể chui vào thùng xe và từ đó kẻ sát nhân có thể nổ súng giết người nhờ có hai lỗ đã được chuẩn bị sẵn: một lỗ để chĩa mũi súng ra và một lỗ dùng cho máy nhắm. Cảnh sát còn tìm được ở trong xe bộ phận hãm thanh và giá đỡ súng giúp cho việc bắn tỉa được chính xác và ít gây náo động.
Chứng kiến cảnh chết chóc nhiều khi lãng nhách như thế người Mỹ chỉ hoang mang nhất thời rồi nhanh chóng trở lại sinh hoạt bình thường, họ coi những việc như thế chỉ là chuyện tự nhiên trong cuộc sống, họ vẫn làm ăn, vẫn vui chơi, vẫn say sưa theo dõi những buổi tranh tài thể thao ... Nhưng mà họ sẽ hoảng loạn trước những thiệt hại về nhân mạng ở chiến trường. Điều này thì anh cũng đã biết rõ. Trong chiến tranh Việt Nam người dân Mỹ cuống cuồng về số thương vong của lính Mỹ cộng thêm những lời bình luận một chiều của các cơ quan truyền thông phản chiến càng làm cho dân chúng xôn xao. Thế là dân chúng nhao nhao phản đối khiến chính phủ Mỹ phải bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa để cho miền Nam của chúng mình rơi vào thảm họa 30-4-75 với bao đau thương tang tóc.
Bây giờ có lẽ các nhà lãnh đạo Mỹ đã có nhiều kinh nghiệm hơn. Trong cuộc chiến diệt trừ khủng bố ở A Phú Hãn họ không đưa nhiều quân đội vào chiến trường. Họ dùng tối đa hỏa lực của không quân vừa để hủy diệt các cơ sở quân sự vừa uy hiếp tinh thần địch và họ chỉ đóng vai trò yểm trợ cho quân đội bản xứ thanh toán đối phương. Chiến thuật này tỏ ra hiệu nghiệm, thương vong của lính Mỹ trong trận chiến ở A Phú Hãn chỉ là con số rất nhỏ, không làm cho dân chúng bị giao động cho nên dù lúc đầu cũng có biểu tình, phản đối nhưng sau thấy thiệt hại nhân mạng không đáng kể nên dân Mỹ an tâm để yên cho chính phủ hành động không còn la lối nữa.
Sắp tới đây nếu chiến tranh với Iraq xẩy ra, dù đang có tin là Mỹ sẽ có thể dùng đến khoảng 250 ngàn quân cho trận chiến này, tôi nghĩ có lẽ các nhà quân sự Mỹ cũng sẽ lại dùng chiến thuật làm sao hạn chế thiệt hại nhân mạng đến mức tối thiểu. Họ sẽ để cho của đi thay người nghĩa là sẽ sử dụng đến những phương tiện và vũ khí hiện đại nhất như máy bay không người lái, bom tinh khôn ... cho dù phải tốn kém bao nhiêu tiền bạc. Họ biết rằng dân chúng Mỹ không sợ tiêu tiền nhưng rất sợ nhìn thấy cảnh chết chóc của binh sĩ Mỹ. Các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ đã tỏ ra biết cách giành lấy chiến thắng về tay mình, tiếc rằng họ đã không có được kinh nghiệm đó trong chiến tranh Việt Nam. Nếu họ có kinh nghiệm này sớm hơn thì đỡ khổ biết mấy, miền Nam của mình đâu có phải đầu hàng nhục nhã và những quân nhân bị tàn phế như anh đâu có phải ôm hận vì bỗng dưng thấy những hy sinh của mình trở thành uổng phí phải không anh Viễn"
Một câu chuyện khác mà tôi nghĩ khi nói chuyện về nước Mỹ cũng cần phải nhắc đến là câu chuyện tình lăng nhăng giữa Tổng thống Clinton và nàng Monica, một cô tập sinh tại tòa Bạch ốc mà cả thế giới chẳng ai là không biết và tôi nghe nói nó đã được khai thác kỹ lưỡng ở Việt Nam với mục đích tuyên truyền, bôi nhọ nhà lãnh đạo của "Đế quốc Mỹ". Thật tình tôi cũng chẳng bênh ông Clinton vì ông đã làm một việc thiếu đạo đức khó tha thứ nhất là đối với vị Tổng thống của một cường quốc có vai trò lãnh đạo thế giới. Nhưng tôi nghĩ khi ai đó cố tình khai thác câu chuyện này để hạ nhục nước Mỹ thì vô tình họ đang ca ngợi chế độ dân chủ tự do của Mỹ.
Chỉ trong một chế độ thực sự dân chủ tự do thì dù là người dân thường hay vị Tổng thống đều phải tôn trọng luật pháp và bất cứ ai cũng có thể phải ra trước công lý chứ không phải chỉ có người dân thấp cổ bé miệng thì bị xét xử còn những người có quyền có thế thì ngồi xổm trên luật pháp.
Ông Clinton đã phải trả lời trước công lý và ông đã phải thú nhận việc làm sai trái của mình mà lúc đầu ông chối bỏ. Hôm lên TV để xin lỗi dân chúng Mỹ mặt ông sượng sùng thấy cũng tội nghiệp. May mà ông đã làm được nhiều việc cho nước Mỹ nên dân chúng có khuynh hướng cho ông đoái công chuốc tội. Tuy không bị bay chức giữa nhiệm kỳ nhưng ông cũng đã xất bất xang bang và từ câu chuyện này ông đã bị Tối Cao Pháp Viện bắt trả tiền phạt 25 ngàn đô la và cấm ông không được hành nghề luật sư trong 5 năm .

Về vụ bọn khủng bố dùng máy bay dân sự phá sập Trung Tâm Thương Mại Thế Giới và một phần của Ngũ Giác Đài hôm 11 tháng 9 thì chắc là anh đã biết rõ rồi. Nhưng có một khía cạnh của vấn đề làm nhiều người bực tức là trong số 19 tên không tặc có tên đã được đào tạo ngay tại trường huấn luyện phi công của Hoa Kỳ và có nhiều tên khủng bố đã có tên trong danh sách của CIA nhưng do cái kiểu làm việc thiếu phối hợp, ông nói gà bà nói vịt nên chúng vẫn được Sở Di Trú cấp chiếu khán nhập cảnh Hoa Kỳ. Một điểm nữa là trong thời gian ở Mỹ để chuẩn bị ra tay, có tên không tặc đã dùng credit card (tức là dùng tiền của Mỹ chứ chúng không tốn kém gì cả) để mua vé máy bay hoặc chi trả cho những khoản tiền chi tiêu của chúng trên đất Mỹ. Đúng là gậy ông đập lưng ông. Nhiều người không kìm được tức giận đã chửi Mỹ ngu quá.
Tôi không dám nói Mỹ "ngu" nhưng tôi nghĩ nước Mỹ đã có nhiều sơ hở trong vấn đề nhập cảnh nên mới để xẩy ra tình trạng nuôi ong tay áo, vô tình cưu mang kẻ vô ơn, dung dưỡng kẻ phản bội ăn cơm Mỹ mà lại chống Mỹ. Người Việt của mình trước đây khi xin vào Mỹ hay các nước tự do khác đều với lý do tỵ nạn Cộng sản vì không thể sống dưới chế độ độc tài Cộng sản. Nhưng nay có người chỉ vì một chút lợi riêng đã quay đầu lại hợp tác với kẻ thù, góp phần làm cho chế độ này mạnh hơn để siết cổ đồng bào của mình. Giúp cho dân giàu nước mạnh thì ai mà chẳng muốn nhưng không giúp cho một chế độ phản dân hại nước, chà đạp nhân quyền, đàn áp những người bất đồng chính kiến.


Chắc anh không biết việc Hạ viện Hoa Kỳ trong năm vừa qua đã bỏ phiếu với 410 phiếu thuận chỉ có một phiếu chống trong cuộc biểu quyết thông qua Đạo luật Nhân quyền cho Việt Nam liên hệ giữa việc viện trợ của Hoa Kỳ với tình trạng cải thiện nhân quyền ở Việt Nam. Dù bản dự thảo đạo luật gặp trục trặc ở Thượng viện chưa được chính phủ ban hành nhưng qua đó anh thấy các Dân biểu Hoa Kỳ đã đồng thanh đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN phải thay đổi chính sách, phải cởi trói cho dân chúng, phải trả lại cho người dân Việt Nam những quyền tự do căn bản mà bất cứ người dân ở một xã hội văn minh nào cũng đều được hưởng. Vậy mà đau đớn thay có những người Việt lại không thương người Việt, muốn giúp cho chế độ đó được tồn tại lâu dài, thậm chí còn có kẻ về Việt Nam tuyên bố vung vít, viết báo ca ngợi chế độ Cộng sản.
Lại có người ngồi ở bên Mỹ nhưng nói rằng Việt Nam bây giờ tự do lắm, miễn là đừng đòi lật đổ chế độ còn muốn làm gì thì làm. Đóng phim là lật đổ chế độ hay sao mà tài tử Đơn Dương bị ghép vào tội phản quốc" Một người ở chỗ tôi vừa về Việt Nam cưới vợ cho con khi trở lại Mỹ đã cho biết ở Việt Nam thật là tự do, tự do đến nỗi giữa tiệc cưới khi mọi người đang vui vẻ thì công an gây khó dễ xét giấy tờ và đòi tịch thu sổ hộ chiếu của người chủ hôn. Phải điều đình mãi công an mới chịu bỏ qua với điều kiện phải xì ra 500 ngàn đồng.Đúng là Việt Nam có tự do nhưng là tự do vu khống , tự do sách nhiễu. Tôi thực không hiểu tại sao có những người được sống trong tự do, biết tự do quý giá là dường nào mà lại muốn cho đồng bào của mình mãi mãi sống dưới sự kìm kẹp của chế độ độc tài phản dân hại nước"
Anh Viễn à, tuy sống ở Mỹ nhưng lòng tôi vẫn ở Việt Nam, tôi vẫn theo dõi những gì đang xảy ra trên quê hương. Những chuyện tranh đấu đòi tự do dân chủ, đòi tự do tôn giáo, những chống đối của những nhân vật bất đồng chính kiến tại quê nhà tôi đều biết cả. Tôi và người Việt ở bên này còn biết rất rõ việc nhà cầm quyền Cộng sản bán đất bán biển cho Trung Quốc từ lâu mà có thể anh và đồng bào trong nước không hay biết gì. Đối với người Việt ở Mỹ nói riêng và người Việt ở hải ngoại nói chung, cuộc chiến của chúng ta chưa chấm dứt cho đến khi nào quê hương Việt Nam chưa có một chế độ thực sự dân chủ, tự do.
Để thực hiện điều mong ước đưa quê hương Việt Nam đến một chế độ thực sự dân chủ tự do, người Việt ở khắp nơi trên thế giới, bằng nhiều hình thức đã có những hoạt động đáng kể khiến cho nhà cầm quyền Hà Nội phải la oai oái về điều mà họ cho rằng đang có âm mưu chống phá họ từ người Việt ở hải ngoại. Họ lo sợ là phải vì người Việt ở Mỹ và ở khắp nơi trên thế giới sẵn sàng "dàn chào" khi nghe tin có những nhân vật trong chính phủ CSVN xuất hiện, sẵn sàng ngăn chặn những hành động mà vì vô tình hay cố ý làm lợi cho chế độ độc tài Cộng sản. Trong cuộc tranh đấu đòi tự do dân chủ cho Việt Nam người ta thấy có nhiều tấm gương trung kiên, bất chấp hiểm nguy, luôn một lòng một dạ với quê hương đất nước.
Tôi phải kể cho anh nghe về chị Nguyễn Thị Hạnh, một Việt kiều tại Pháp. Chị ở Pháp nhưng có hoạt động chống Cộng sản trên đất Mỹ. Chị đã từng xâm nhập Thượng Viện Pháp định tự thiêu để phản đối khi Lê Khả Phiêu đêán Pháp và chị cũng đã đã từng đốt phòng khách sứ quán CSVN tại Luân Đôn. Khi nghe tin Phó Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng cầm đầu một phái đoàn đến Hoa Kỳ tìm cách phát triển giao thương, chị cùng với anh Phạm Anh Cường đã lên đường đi Hoa Kỳ. Ngày 13-12-2001 hai người đã lọt vào được phòng họp nơi có mặt của phái đoàn CSVN. Chị định dùng xăng tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp của CSVN đối với những người tranh đấu đòi tự do dân chủ cho Việt Nam nhưng việc không thành chị bị bắt và lâm vào cảnh lao lý.
Một người khác là ông Lý Tống. Ông Lý Tống là một sĩ quan không quân. Năm 1975 ông bị bắn rơi máy bay, bị bắt giam nhưng ông đã trốn khỏi trại giam và sau một cuộc hành trình gian khổ suốt 17 tháng trời ông đã đến được nước Mỹ năm 1984. Tại Mỹ ông Lý Tống đã đậu tiến sĩ khoa học chính trị tại New Orlean nhưng ông sẵn sàng từ bỏ cuộc sống ấm êm để theo đuổi lý tưởng của mình. Tháng 9 năm 1992 ông Lý Tống đã cướp máy bay của Hàng Không Việt Nam trên đường bay từ Thái Lan về Việt Nam để rải 50 ngàn truyền đơn chống chế độ độc tài ngay trên không phận Sài Gòn rồi nhảy dù xuống đất. Ông Lý Tống bị bắt ngay sau đó và bị kết án 20 năm tù nhưng đã được phóng thích và trở về Mỹ vào năm 1998. Ngày đầu năm 2000 cũng là ngày kỷ niệm 41 năm ngày Cuba thiết lập chế độ Cộng sản, ông Lý Tống thuê một chiếc cessna từ Florida bay sang Cuba thả truyền đơn trên thủ đô Havana thúc giục dân chúng Cuba nổi dậy lật đổ chế độ Fidel Castro.
Tháng 11 năm 2000 trong dịp Tổng thống Clinton đến thăm Việt Nam thì ngay trước ngày hôm đó ông Lý Tống tới Thái Lan thuê một chiếc máy bay và cùng với người phi công của chiếc máy bay này đem truyền đơn về thả giữa thành phố Sài gòn rồi trở về Thái Lan an toàn. Tuy nhiên sau đó ông Lý Tống bị nhà cầm quyền Thái Lan bắt giữ và bị truy tố về tội mà họ cáo buộc là không tặc và uy hiếp phi công. Hiện ông Lý Tống đang bị giam giữ tại nhà tù Thái Lan, chân luôn bị xiềng ngay cả những lần xuất hiện tại tòa nhưng ông Lý Tống vẫn không nao núng, ông không hề ân hận về việc làm của mình và luôn tin tưởng sẽ có ngày quê hương Việt Nam được quang phục.
Liên hệ đến cộng đồng Việt Nam ở Mỹ tôi không thể không nói với anh về công trình xây dựng tượng đài Chiến Sĩ Tự Do nhằm vinh danh chiến sĩ Mỹ & Việt tại Westminster, California nơi có đông đảo người Việt Nam sinh sống. Tượng đài gồm hai chiến sĩ đứng bên nhau một là người chiến binh Hoa Kỳ và một là người chiến binh Việt Nam Cộng Hòa. Tượng làm bằng đồng cao 12 feet (3,65m) nặng 3 tấn là tác phẩm của điêu khắc gia Nguyễn Tuấn. Tượng đã được trưng bày tại bảo tàng viện Miranda thuộc thành phố Laguna Beach trước khi được đưa về đặt vào vị trí trung tâm của Công viên Văn hóa Westminster hồi tháng 9 vừa qua.
Công trình này được thực hiện bởi tiền đóng góp của cộng đồng Việt Nam tại địa phương. Vì cần thêm tài chánh để hoàn tất nốt những phần còn lại của công trình, một buổi nhạc hội vĩ đại chưa từng có vừa được tổ chức hôm 24 tháng 11 vừa qua. Theo tin tức thì buổi nhạc hội đã qui tụ cả trăm ca nhạc sĩ và thu hút trên 20 ngàn khán thính giả đến tham dự. Trong lúc chương trình văn nghệ liên tục trình diễn trong nhiều giờ thì đồng bào tấp nập ra vào khu vực từ buổi chiều cho đến đêm khuya. Buổi nhạc hội thành công về mọi phương diện với số tiền thu được đếnø trên 260 ngàn Mỹ Kim (sau khi đã trừ các chi phí), vượt xa dự trù của ban tổ chức.
Tôi ở xa California nên không có cái may mắn được tham dự buổi nhạc hội nhưng đọc được tin tức về sự thành công của đại hội tôi khoái lắm. Tôi khoái vì đây là cuộc gây quỹ cuối cùng để hoàn thành tượng đài, một công trình rất có ý nghĩa đối với việc ghi nhớ công ơn của các chiến sĩ Mỹ-Việt đã nằm xuống cho cuộc chiến đấu vì tự do dân chủ. Tôi cũng khoái vì thấy được tinh thần đoàn kết rất cao của cộng đồng người Việt hải ngoại và còn khoái hơn vì cho dù CSVN đã tìm đủ cách ngăn cản nhưng chẳng cản được ý chí sắt đá của đồng bào hải ngoại. Công trình liên tục được tiến hành và tin tức cho biết tượng đài sẽ được chính thức khánh thành vào ngày 27 tháng 4 năm 2003.
Biết anh là người thích bàn chuyện thời sự và tôi cũng có thể kể hoài không chán nhưng thôi để lần khác, bây giờ tôi nói đến chuyện làm ăn và cuộc sống của chúng tôi. Chắc anh có nghe kinh tế Mỹ đang trong thời kỳ yếu kém. Nhiều công ty lớn sa thải nhân công hoặc bị phá sản, nhiều công ty nhỏ phải dẹp tiệm. Tình trạng này làm cho nhiều người băn khoăn, lo ngại nhưng tôi nghĩ việc đến đâu hay tới đó. 10 năm trước đây khi đến Mỹ tôi đã bắt đầu từ con số không bây giờ dù gì thì cũng không đến nỗi trở lại số không, người mình có câu "khéo ăn thì no khéo co thì ấm" mà. Hơn nữa "Thịnh, Suy, Bỉ, Thái" là lẽ biến hóa của trời đất, hết thời bỉ cực ắt phải đến thời thái lai thôi.
Cũng như phần đông người Việt khác, sau một thời gian ở Mỹ tôi đã có được ngôi nhà và những thứ mà một người dân bình thường trong xã hội Mỹ có được. Các cháu đã có gia đình cũng đều ở riêng. Nói lên điều này không phải để khoe khoang nhưng tôi chỉ muốn nói với anh rằng ở Mỹ làm giàu thì khó chứ nếu chịu cần cù làm việc, chịu khó "cày" thì muốn mua cái gì cũng có.
Đời sống ở Mỹ không quá chênh lệch như ở Việt Nam. Cuộc sống của ông giám đốc và người công nhân không khác nhau là mấy. Có chăng là chiếc xe của ông giám đốc đắt tiền hơn hay là ngôi nhà của ông giám đốc rộng rãi hơn. Nhưng về vấn đề ăn mặc hay là những tiện nghi trong đời sống thì đều như nhau. Chẳng có thứ quần áo nào ông giám đốc mua được mà người công nhân không mua được hay là chẳng có loại thực phẩm nào gia đình ông giám đốc ăn được mà ở ngoài tầm tay của người công nhân, những tiện nghi thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày thì chẳng có ai là không có.
10 năm ở Mỹ tôi nhận thấy nước Mỹ có những cái hay nơi khác không có nhưng cũng có những cái dở không có ở nơi khác. Tuy nhiên nói chung nước Mỹ là nơi rất tốt để sinh sống vì ở đây có tự do thực sự chứ không phải thứ tự do chỉ có trên giấy tờ. Trong xã hội mọi người được tạo cơ hội đồng đều để phát triển, việc trở thành bác sĩ kỹ sư không dành riêng cho con ông cháu cha hoặc gia đình giàu có mà bất cứ ai chịu khó đều có thể đạt đến được.
Không được voi đòi tiên, tôi bằng lòng với những gì mình có và cám ơn nước Mỹ đã cho tôi cơ hôi làm lại cuộc đời. Tôi cũng thông cảm với những khó khăn mà anh cũng như người dân Việt Nam đang phải gánh chịu. Tôi mong ước Việt Nam sớm thay đổi để có được một nền dân chủ tự do thực sự tạo điều kiện cho việc phát triển toàn diện hầu mọi người có được cuộc sống khá hơn.
Anh Viễn ơi, tôi đã gửi biếu anh một chút quà nhân dịp năm mới sắp đến. Tôi hy vọng với số tiền này anh có thể giải quyết được một số khó khăn như anh nêu trong thư và sẽ làm cho anh thấy nhẹ nhõm hơn trong những ngày cuối năm. Anh đừng ngại ngùng gì cả, tôi giúp đỡ anh chỉ là sự công bằng giữa một người may mắn và một người không được may mắn. Nếu như diện thương phế binh được coi là đủ điều kiện để đi Mỹ thì anh đâu có cần đến sự giúp đỡ của tôi. Thư đã dài tôi tạm ngừng bút. Chúc anh và gia đình một Giáng Sinh và Năm Mới vui vẻ.
HẢI TRIỀU L.T.L.

NGHĨA CỬ CAO ĐẸP

Sau những lời kêu gọi giúp đỡ anh em Thương phế binh được đăng trên mục "Viết Về Nước Mỹ" có nhiều đồng hương đã hưởng ứng.
Tin từ Hội Cựu Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa South Carolina cho biết Hội đã nhận được thêm sự giúp đỡ của nhiều vị hảo tâm từ NC, SC, CA, FL và WA (Trong số này có một vị ở San Jose, CA đã gửi lần thứ 2). Số tiền này đã được Hội gửi giúp 11 Thương phế binh.
Tính cho đến nay độc giả "Viết Về Nước Mỹ" đã gửi đến Hội tổng cộng $980.00 và Hội đã gửi giúp được tất cả 18 Thương phế binh tại quê nhà. Còn nhiều anh em thương phế binh cần đến sự giúp đỡ của đồng bào hải ngoại. Xin quý vị gửi một chút quà tình nghĩa để an ủi những người thiếu may mắn này, nhất là trong những ngày
năm hết Tết đến.
Chi phiếu xin đề South Vietnamese Veterans Association và gửi về P.O. box 1441 Taylors, SC 29687. Xin cám ơn quý vị.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,271,239
Với bài "Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine", tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thểm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm - thường gọi đùa là giải á hậu - Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới của cô.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông. Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu.
Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20 trân trọng chào mừng thêm một người viết mới. Theo bài viết, từ 1978, Ngọc Ánh đã là tác giả những trang nhật ký của một nữ sinh viên viết từ Sài Gòn, được đăng trên bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại tại San Diego. Và từ 1979 thì cả nhà người viết đi tù. Người chồng bị kết án tử hình. Cháu bé mới sinh một tuổi theo mẹ vô nhà tù. Nhưng hơn 10 năm tù đày cộng sản không làm bà gục ngã. Và rồi, tình yêu đến... Thư kèm bài, bà viết “Tôi tên thật là Trần Ngọc Ánh, hiện đang sống tại thành phố Victorville, CA. Lần đầu tiên tôi viết bài tham dự "Viết về nước Mỹ" và hy vọng sẽ có nhiều bài viết về chủ đề này gởi đến Việt Báo trong năm nay...” Khi thêm bài mới, mong tác giả bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” tác giả Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng. Năm 15 tuổi vượt biên cùng một người anh, tới Mỹ năm 1986 và thành công dân Mỹ với tên Crystal H. Vo. Cô hiện là cư dân San Gabriel, CA. và làm việc tại Sở Xã Hội Quận Hạt. Trong những năm ngừng viết về nước My,õ cô kết hôn, thành con dâu một gia đình Mỹ và đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau đây là bài viết mới nhất của cô sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016. Với sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, bà có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, là bài viết mới nhất, khi tác giả bay từ Arkansas về họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Và...
Chỉ với bài viết đầu tiên, tới vào tháng cuối, Tác giả đã nhận giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau bài đầu tiên, bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây là bài viết của cô về lần đầu họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1953, tốt nghiệp Sư Phạm Sài Gòn khóa 12. Vượt biên sang Mỹ 1982, và từ đó tới nay định cư tại San Jose; Nghề nghiệp: Mechanical Designer, về hưu tuổi 65. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện vui về nhóm bạn trường Sư Phạm Sài Gòn, khóa cuối cùng, ra trường năm 1975, kèm lời ghi của tác giả: “Thân tặng các bạn lớp Nhất 9/Nhị 15, khóa 12 (1973-75) Sư Phạm Sài Gòn.”
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tháng Bảy, mùa Vu Lan, xin mời đọc bài viết về Mẹ của Minh Nguyệt Graves. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến