Tác giả Hải Triều Lại Thế Lãng cư trú và làm việc tại tiểu bang Vermont, là một trong những tác giả đã liên tục góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm thứ nhất. Có lần ông cho biết ông dự trù khi về hưu, sẽ còn tiếp tục viết về nước Mỹ nhiều hơn. Bài ông viết thuộc đủ loại đề tài, bài nào cũng cho thấy một tấm lòng tử tế. Lần này là nhìn lại 10 năm ở Mỹ.
*
Ngày ... tháng 12 năm 2002
Anh Viễn,
Nhận được thư anh tôi hồi âm ngay để anh khỏi mong. Xin cảm ơn anh về những lời thăm hỏi ân cần của anh đối với chúng tôi. Tôi cũng xin gửi đến anh những lời thăm và chia sẻ của chúng tôi về hoàn cảnh khó khăn mà gia đình anh đang phải đương đầu. Anh nhớ kỹ quá. Vâng, tính đến tháng 12 này là gia đình tôi đã sinh sống trên đất Mỹ được đúng 10 năm.
Anh bảo tôi đã sống ở Mỹ 10 năm chắc là biết nhiều chuyện lắm và yêu cầu tôi kể chuyện ở Mỹ cho anh nghe vì anh nói nhiều người ở Mỹ về kể mỗi người một kiểu anh không biết phải tin ai. Anh Viễn à, anh có thể tin những điều đã nghe được từ những người ở Mỹ về kể lại, tôi nghĩ họ đều nói đúng cả đấy, không có ai gạt anh đâu. Là vì kể chuyện ở Mỹ thật chẳng khác gì chuyện mấy anh xẩm sờ voi. Anh sờ trúng chân voi thì nói con voi giống như cái cột nhà, anh sờ trúng tai voi thì cãi rằng con voi giống cái quạt, anh sờ trúng bụng voi thì kết luận con voi giống như caiù trống ... Mấy anh xẩm này đều nói trung thực cảm nghĩ của mình nhưng con voi của mỗi anh khác nhau vì họ chỉ sờ được có một phần con voi chứ không phải là toàn thể con voi.
Anh nghĩ coi đất nước mình đâu có rộng lớn gì cho lắm vậy mà người dân ở ba miền Bắc, Trung, Nam còn có giọng nói, cách nói, cách suy nghĩ và sinh hoạt riêng biệt huống hồ gì một đất nước bao la như nước Mỹ thì bảo làm sao mà đồng nhất cho được. Mỗi tiểu bang của Mỹ có sắc thái riêng biệt, có luật lệ khác nhau, điều kiện sinh hoạt khác nhau ... không có tiểu bang nào giống với tiểu bang nào cho nên anh nghe kể chuyện về nước Mỹ và nghe mỗi người nói một kiểu là vì vậy.
Nhưng nói như thế không phải là tôi muốn tìm cách thoái thác lời yêu cầu của anh, không muốn kể chuyện nước Mỹ đâu. Anh yên tâm, tôi sẽ kể chuyện ở Mỹ cho anh nghe nhưng cũng xin nói ngay là tôi chỉ có thể kể cho anh nghe năm bảy chuyện thôi chứ kể hết chuyện ở Mỹ thì làm sao mà kể hết được và cũng chẳng biết phải bao nhiêu giấy mực cho đủ.
Trước hết tôi xin kể cho anh nghe một mẩu chuyện về con mèo. Chuyện này có liên quan đến một bà Việt Nam. Bà này được người ta cho một con mèo cái đem về nhà nuôi. Bà quý con mèo lắm vì nó chính là người bạn của bà khi con bà đi làm vắng nhà, chỉ có một mình bà trong một ngôi nhà vắng vẻ. Bà săn sóc nó thật kỹ và không dám để cho nó ra ngoài vì sợ nó đi lạc. Con mèo tuy được bà chiều chuộng nhưng nó là con mèo cái, nó có những nhu cầu đòi hỏi và nó cần đi tìm thứ gì nó cần tìm. Một hôm cửa nhà khép không được kỹ, con mèo liền lách qua kẽ hở nhảy tót ra ngoài. Bà này sợ con mèo đi mất nên bà tung cửa chạy theo để bắt con mèo lại. Nhưng làm sao bà nhanh bằng con mèo, bà vồ hụt con mèo. Ngay lúc đó có một cô gái Mỹ đi ngang qua thấy vậy chạy nhanh tới vồ được con mèo. Bà này mừng rỡ cám ơn cô gái đã bắt dùm con mèo cho bà nhưng cô gái cứ ôm khư khư con mèo trong tay chứ không giao lại cho bà. Bà đòi lại thì cô gái nhất định không chịu trả mà còn toan ôm con mèo bỏ chạy. Bà liền nắm áo giữ cô gái lại không cho đi. Hai người gằng co không bên nào chịu bên nào cho đến khi cảnh sát được gọi tới. Khi cảnh sát đến nơi hỏi lý do thì bà Việt Nam nói cô gái Mỹ ăn cắp con mèo của bà còn cô gái thì nói cô chỉ cứu mạng sống của nó. Cô giải thích với người cảnh sát rằng cô biết người Việt Nam hay ăn thịt chó, thịt mèo và cô cứ khăng khăng cho rằng bà này đuổi bắt con mèo định làm thịt khiến nó quá sợ hãi bỏ chạy và cô đã có mặt kịp lúc để cứu nó.
Cách nay không lâu tôi có đọc được một cuộc thăm dò trên internet, một cuộc thăm dò về loài vật. Câu hỏi thăm dò là liệu có nên chi tiêu một khoản tiền đến 50 ngàn đô la để cứu một con vật đang gặp nạn hay không" Tôi không biết có phải cuộc thăm dò này được thực hiện do từ sự kiện là có nơi nào đó đã dùng quá nhiều tiền bạc vào việc cứu chữa một con vật đang gặp tai nạn hay không nhưng rõ ràng đã có nhiều người quan tâm đến vấn đề này. Có đến hơn 100 ngàn người tham dự cuộc thăm dò đã trả lời câu hỏi và có đến 30% trong số này trả lời Yes.
Bây giờ tôi lại mời anh đọc vài mẩu chuyện khác có ý nghĩa trái ngược. Năm 1995 tức là ba năm sau khi tôi đến Mỹ thì xảy ra vụ đặt bom tòa nhà liên bang Alfred P. Murrah ở Oaklahoma City, thủ phủ của tiểu bang Oaklahoma. Thủ phạm đặt bom tên là Timothy J. Mc Veigh và đồng phạm là Terry L. Nichols. Hai tên sát nhân này đã dùng chất nổ đặt trong xe hơi để đánh sập tòa nhà cao tầng giết hại 168 mạng người vô tội trong đó 19 là trẻ em và làm hơn 600 người bị thương, cùng với thiệt hại vật chất lên đến trên 500 triệu đô la. McVeigh bị kết án tử hình và mới bị hành quyết hồi năm ngoái còn Nichols thì bị lãnh án chung thân.
Đây là một vụ sát hại nhân mạng lớn vào thời gian đó nhưng những vụ án mạng nhỏ thì xảy ra thường xuyên và ở khắp nơi từ tiệm ăn, cửa hiệu, ngân hàng, nhà thương, trường học và ngay cả trên đường phố. Chỉ vừa mới vài tháng nay thôi đã xẩy ra vụ bắn tỉa giết hại dân thường ở thủ đô Washington và vùng lân cận. John Allen Mohammad, 42 tuổi và đứa con riêng của vợ là John Lee Malvo 17 tuổi lái xe đi quanh vùng tam biên Washington, Virginia và Maryland tìm chỗ rình rập và nhắm bắn người qua lại như bắn một con chim hay săn một con thú. Trong thời gian ba tuần lễ bọn này đã giết chết 10 mạng người và gây trọng thương cho 3 người khác chẳng hề có thù oán gì với chúng. Cũng may chúng đã bị cơ quan công lực tóm cổ nếu không thì còn nhiều người mất mạng bởi tay hai tên ngông cuồng này.
Hai tên này bị bắt trong một cuộc lùng bắt có trực thăng yểm trợ khi chúng đang ngủ đêm trong một chiếc xe đã được biến cải thành "bộ máy giết người" đang đậu tại trạm nghỉ ngơi trên một xa lộ ở tiểu bang Maryland. Băng ghế phía sau của chiếc xe này khi được lật lên có thể chui vào thùng xe và từ đó kẻ sát nhân có thể nổ súng giết người nhờ có hai lỗ đã được chuẩn bị sẵn: một lỗ để chĩa mũi súng ra và một lỗ dùng cho máy nhắm. Cảnh sát còn tìm được ở trong xe bộ phận hãm thanh và giá đỡ súng giúp cho việc bắn tỉa được chính xác và ít gây náo động.
Chứng kiến cảnh chết chóc nhiều khi lãng nhách như thế người Mỹ chỉ hoang mang nhất thời rồi nhanh chóng trở lại sinh hoạt bình thường, họ coi những việc như thế chỉ là chuyện tự nhiên trong cuộc sống, họ vẫn làm ăn, vẫn vui chơi, vẫn say sưa theo dõi những buổi tranh tài thể thao ... Nhưng mà họ sẽ hoảng loạn trước những thiệt hại về nhân mạng ở chiến trường. Điều này thì anh cũng đã biết rõ. Trong chiến tranh Việt Nam người dân Mỹ cuống cuồng về số thương vong của lính Mỹ cộng thêm những lời bình luận một chiều của các cơ quan truyền thông phản chiến càng làm cho dân chúng xôn xao. Thế là dân chúng nhao nhao phản đối khiến chính phủ Mỹ phải bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa để cho miền Nam của chúng mình rơi vào thảm họa 30-4-75 với bao đau thương tang tóc.
Bây giờ có lẽ các nhà lãnh đạo Mỹ đã có nhiều kinh nghiệm hơn. Trong cuộc chiến diệt trừ khủng bố ở A Phú Hãn họ không đưa nhiều quân đội vào chiến trường. Họ dùng tối đa hỏa lực của không quân vừa để hủy diệt các cơ sở quân sự vừa uy hiếp tinh thần địch và họ chỉ đóng vai trò yểm trợ cho quân đội bản xứ thanh toán đối phương. Chiến thuật này tỏ ra hiệu nghiệm, thương vong của lính Mỹ trong trận chiến ở A Phú Hãn chỉ là con số rất nhỏ, không làm cho dân chúng bị giao động cho nên dù lúc đầu cũng có biểu tình, phản đối nhưng sau thấy thiệt hại nhân mạng không đáng kể nên dân Mỹ an tâm để yên cho chính phủ hành động không còn la lối nữa.
Sắp tới đây nếu chiến tranh với Iraq xẩy ra, dù đang có tin là Mỹ sẽ có thể dùng đến khoảng 250 ngàn quân cho trận chiến này, tôi nghĩ có lẽ các nhà quân sự Mỹ cũng sẽ lại dùng chiến thuật làm sao hạn chế thiệt hại nhân mạng đến mức tối thiểu. Họ sẽ để cho của đi thay người nghĩa là sẽ sử dụng đến những phương tiện và vũ khí hiện đại nhất như máy bay không người lái, bom tinh khôn ... cho dù phải tốn kém bao nhiêu tiền bạc. Họ biết rằng dân chúng Mỹ không sợ tiêu tiền nhưng rất sợ nhìn thấy cảnh chết chóc của binh sĩ Mỹ. Các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ đã tỏ ra biết cách giành lấy chiến thắng về tay mình, tiếc rằng họ đã không có được kinh nghiệm đó trong chiến tranh Việt Nam. Nếu họ có kinh nghiệm này sớm hơn thì đỡ khổ biết mấy, miền Nam của mình đâu có phải đầu hàng nhục nhã và những quân nhân bị tàn phế như anh đâu có phải ôm hận vì bỗng dưng thấy những hy sinh của mình trở thành uổng phí phải không anh Viễn"
Một câu chuyện khác mà tôi nghĩ khi nói chuyện về nước Mỹ cũng cần phải nhắc đến là câu chuyện tình lăng nhăng giữa Tổng thống Clinton và nàng Monica, một cô tập sinh tại tòa Bạch ốc mà cả thế giới chẳng ai là không biết và tôi nghe nói nó đã được khai thác kỹ lưỡng ở Việt Nam với mục đích tuyên truyền, bôi nhọ nhà lãnh đạo của "Đế quốc Mỹ". Thật tình tôi cũng chẳng bênh ông Clinton vì ông đã làm một việc thiếu đạo đức khó tha thứ nhất là đối với vị Tổng thống của một cường quốc có vai trò lãnh đạo thế giới. Nhưng tôi nghĩ khi ai đó cố tình khai thác câu chuyện này để hạ nhục nước Mỹ thì vô tình họ đang ca ngợi chế độ dân chủ tự do của Mỹ.
Chỉ trong một chế độ thực sự dân chủ tự do thì dù là người dân thường hay vị Tổng thống đều phải tôn trọng luật pháp và bất cứ ai cũng có thể phải ra trước công lý chứ không phải chỉ có người dân thấp cổ bé miệng thì bị xét xử còn những người có quyền có thế thì ngồi xổm trên luật pháp.
Ông Clinton đã phải trả lời trước công lý và ông đã phải thú nhận việc làm sai trái của mình mà lúc đầu ông chối bỏ. Hôm lên TV để xin lỗi dân chúng Mỹ mặt ông sượng sùng thấy cũng tội nghiệp. May mà ông đã làm được nhiều việc cho nước Mỹ nên dân chúng có khuynh hướng cho ông đoái công chuốc tội. Tuy không bị bay chức giữa nhiệm kỳ nhưng ông cũng đã xất bất xang bang và từ câu chuyện này ông đã bị Tối Cao Pháp Viện bắt trả tiền phạt 25 ngàn đô la và cấm ông không được hành nghề luật sư trong 5 năm .
Về vụ bọn khủng bố dùng máy bay dân sự phá sập Trung Tâm Thương Mại Thế Giới và một phần của Ngũ Giác Đài hôm 11 tháng 9 thì chắc là anh đã biết rõ rồi. Nhưng có một khía cạnh của vấn đề làm nhiều người bực tức là trong số 19 tên không tặc có tên đã được đào tạo ngay tại trường huấn luyện phi công của Hoa Kỳ và có nhiều tên khủng bố đã có tên trong danh sách của CIA nhưng do cái kiểu làm việc thiếu phối hợp, ông nói gà bà nói vịt nên chúng vẫn được Sở Di Trú cấp chiếu khán nhập cảnh Hoa Kỳ. Một điểm nữa là trong thời gian ở Mỹ để chuẩn bị ra tay, có tên không tặc đã dùng credit card (tức là dùng tiền của Mỹ chứ chúng không tốn kém gì cả) để mua vé máy bay hoặc chi trả cho những khoản tiền chi tiêu của chúng trên đất Mỹ. Đúng là gậy ông đập lưng ông. Nhiều người không kìm được tức giận đã chửi Mỹ ngu quá.
Tôi không dám nói Mỹ "ngu" nhưng tôi nghĩ nước Mỹ đã có nhiều sơ hở trong vấn đề nhập cảnh nên mới để xẩy ra tình trạng nuôi ong tay áo, vô tình cưu mang kẻ vô ơn, dung dưỡng kẻ phản bội ăn cơm Mỹ mà lại chống Mỹ. Người Việt của mình trước đây khi xin vào Mỹ hay các nước tự do khác đều với lý do tỵ nạn Cộng sản vì không thể sống dưới chế độ độc tài Cộng sản. Nhưng nay có người chỉ vì một chút lợi riêng đã quay đầu lại hợp tác với kẻ thù, góp phần làm cho chế độ này mạnh hơn để siết cổ đồng bào của mình. Giúp cho dân giàu nước mạnh thì ai mà chẳng muốn nhưng không giúp cho một chế độ phản dân hại nước, chà đạp nhân quyền, đàn áp những người bất đồng chính kiến.
NGHĨA CỬ CAO ĐẸP
Sau những lời kêu gọi giúp đỡ anh em Thương phế binh được đăng trên mục "Viết Về Nước Mỹ" có nhiều đồng hương đã hưởng ứng.
Tin từ Hội Cựu Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa South Carolina cho biết Hội đã nhận được thêm sự giúp đỡ của nhiều vị hảo tâm từ NC, SC, CA, FL và WA (Trong số này có một vị ở San Jose, CA đã gửi lần thứ 2). Số tiền này đã được Hội gửi giúp 11 Thương phế binh.
Tính cho đến nay độc giả "Viết Về Nước Mỹ" đã gửi đến Hội tổng cộng $980.00 và Hội đã gửi giúp được tất cả 18 Thương phế binh tại quê nhà. Còn nhiều anh em thương phế binh cần đến sự giúp đỡ của đồng bào hải ngoại. Xin quý vị gửi một chút quà tình nghĩa để an ủi những người thiếu may mắn này, nhất là trong những ngày
năm hết Tết đến.
Chi phiếu xin đề South Vietnamese Veterans Association và gửi về P.O. box 1441 Taylors, SC 29687. Xin cám ơn quý vị.