Tác giả tên thật là Xuân Thu Đặng, hiện cư trú tại Hawaii, nghề nghiệp được ghi là chủ một tiệm may nhỏ. Trong bài viết, tác giả tự mô tả mình là thủa nhỏ ham chơi hơn ham học. Bài viết là một lá thư gửi người bạn gái đưdợc mô tả là một “super woman”, ôn lại những hồi ức đầy biến đổi của hai người phụ nữ khác thường. Tựa đề bài viết do Ban Sơ Tuyển đặt theo nội dung.
+
Los Angeles, ngày 28-10- 2002.
Chị Denise Hoa thương mến!
Em viết lá thư này mà không biết nó có được sự may mắn đến dưới mắt chị không" Tuy thế, em vẫn muốn viết để tâm sự cùng chị, cho lòng em vơi bớt nỗi nhớ nhung đã chôn chặt trong tim em từ hơn 28 năm qua.
Hiện em đang trọ trong một khách sạn, kế bên phi trường Los Angeles, Cali. Em đến đây ngày 25, ngày 31 này em về.
Đêm hôm qua, ngoài trời lạnh lẽo, nằm một mình trong căn phòng vắng, thao thức mãi, nhìn lên trần nhà màu trắng đục, hao hao giống cái trần nhà của chị, bỗng em nhớ lại, em cố tìm xem coi có chú thằn lằn nào không. Tuyệt nhiên không! Em bật cười, hồi nhớ lại vào đêm cuối em đến thăm chị trước khi em ra đi theo "tiếng gọi của con tim" theo dạng "hứa hôn, người yêu của lính" khoảng đầu tháng 12 năm 69.
Chắc chị không thể quên được anh Vincent, Thiếu úy, tướng hơi lùn, mắt xanh màu nước biển, với nụ cười chúm chím rất có duyên, nghiêm trang, kín đáo như một ông cụ 80, hợp với nghề nghiệp của anh là một quân cảnh Mỹ (MP) mà chị đặt cho anh một tên Việt Nam ngộ nghĩnh "Thầy Tư Vinh Xăn quân cảnh". Anh thường mua kẹo bánh cho mấy trẻ nít chung quanh, chào chúng bằng lời Việt: "Chào mừng các em, hãy đến nay với anh" chúng tụ lại như đám hát đình quay nhộn, vui cười, rối rít…"
Chắc chị không ngờ rằng mấy ngày nay chúng em đã gặp lại nhau" Hiện anh đang làm huấn luyện viên ở dưới đất (ground Instructor) tại phi trường này, anh chỉ về thăm nhà vào cuối tuần ở Las Vegas.
Đã hơn 32 năm dài đăng đẳng như dãy Thiên Hà của vũ trụ này, chúng em mới gặp lại nhau đó chị! Quả! Trái đất tròn thật, biết bao "sao dời vật đổi" chị còn nhớ cái đêm chúng mình nằm thoải mái trên chiếc giường to đẹp của chị" Hai đứa gương to cặp mắt cố theo dõi đôi vợ chồng chú thằn lằn đang rượt đuổi, vui đùa, cắn đuôi nhau trên trần nhà. Bất giác chị bảo: "Em xem cặp thằn lằn này có sung sướng hạnh phúc quá không" Ước gì chúng ta là chúng." Nhưng em lại cãi: "Biết đâu chúng nó lại chẳng được như chúng ta hả chị"" "Ừ, em nói cũng có lý, chúng ta nên bằng lòng với số phận vậy."
Nhắc đến thằn lằn, cắc kè đến giờ này em vẫn còn thắc mắc, không hiểu, vì có người bảo với em rằng chúng không bao giờ có ở xứ lạnh lẽo. Vậy chắc ở Alaska, Canada, Northway… không có chúng chăng" Còn những nước có 4 mùa thì chắc phải có chúng nhỉ" Có lần em đọc ở đâu đó họ nói có thằn lằn ở mãi trên từng lầu thứ 20, 30 lận, làm sao chúng bò được lên cao thế" Và họ còn thấy chúng "ngự tự" cả trên ngai vàng đó ở đâu" Nước nào" Còn nước ra ở Thành Nội, Huế vẫn còn giữ ngai vàng để du khách xem và các gánh hát bội, hát cải lương thì chắc có biết bao chú thằn lằn, cắc kè "xây tổ uyên ương" trong các "ngai vàng" chị nhỉ.
Em chỉ nhắc cho vui thôi!
Em nhớ lại lúc em ra đi sang Nhật vào gần Noel, tháng 12 năm 1973, em định ở 1, 2 tháng, nhưng có ngờ đâu em bị kẹt lại vì bên mình đang loan xộn "thay đổi chủ ngôi" năm 75 em đành bay sang Hạ Uy Di lánh nạn. Đảo này thơ mộng lắm chị ơi! Du khách thích đến đây vì khí hậu ấm áp. Mát mẻ, gió lộng quanh năm, chứ không nóng bức quá như nước ta. Nó cũng nổi tiếng với điệu vũ "Hula" nhún nhảy, các nàng Hawaii xinh đẹp đeo "Lei" là bông hoa kết xỏ xâu dài, đeo cổ và cài tóc đủ màu sắc rất đẹp hòa với tiếng đàn Hạ Uy Cầm réo rắt, nhịp nhàng, dìu dắt như tiếng sóng vỗ rì rào bờ biển mênh mông, cát trắng mịn màng, làm cho lòng lữ khách cảm thấy rung động, mơn man…. Em ước gì có chị ở đây thì vui biết bao! Và tuổi về chiều của chúng ta cũng đươc phần an ủi, có nhau khi "tối lửa, tắt đèn".
Em cũng không quên được cái ngày xưa, xa xôi mà em đang mang sầu, chuốc thảm, tuyệt vọng, mặt mày bơ phờ, tóc tai rũ rượi…. chẳng giống ai, sau ngày anh Michel đi sang Pháp, còn lại mình em với đứa con nhỏ đỏ hỏn, mới vài tháng. Hôm đó chị đi lần lên thang gác nhà em, tiếng chị vọng lên: "Em ơi, dậy đi nằm hoài chết sao" Đường đời em còn dài mà, tội gì phải khổ thế này hởi em" em cảm thấy thương chị quá. Chị bỏ cả buôn bán đến thăm em. Trong bóng tối lờ mờ, gương mặt dễ thương của chị hiện ra như một bà tiên, chị nhoẻn miệng cười lộ ra hàm răng trắng đẹp. Em vội lồm cồm bò dậy, sửa vội mái tóc:
"Sao chị biết em bệnh mà đến."
"Hôm qua đi chợ gặp má Năm cho chị biết, em à. Thời bay giờ Tây lai còn làm được gì ở xứ này. Chị cũng đoán được chuyện tình của em và Michel rồi cũng sẽ đi đến nước này, nhưng chị thấy hai em thương nhau quá, chắc bà Nhung sẽ nương tay vì em đã có bầu với con bả, đâu dè bà ấy "Chằn ăn, trăn quấn" quá thế, thôi quên đi em, rồi lên buôn bán với chị".
Em gật đầu và vội vã đi rửa mặt, thay đồ xuống bếp. Cả nhà đều lộ vẻ vui mừng, tất cả cùng ngồi lại ăn bánh cuốn của chị đem đến cho. Chị thật tốt với em và gia đình em quá.
Buổi sáng đó em thấy bớt buồn nhiều, những lời khuyên chân thật của chị như một liều thuốc tiên, làm cho em lên tinh thần ngay, vì chị là tấm gương sáng cho em. Chị đã trải qua biết bao "cay đắng mùi đời". Dì mẹ cũng thường khuyên giải em nhưng không hiệu quả bằng lời của chị. Em dần dần qua cơn " thất điên bát đảo". Lúc đó vào khoảng tháng 2 năm 62. Rồi em lên hùn buôn bán với chị độ chừng một tháng sau.
Em cũng vẫn nhớ những ngày còn bé lúc em độ 9, 10 tuổi, chị khoảng 14, 15 tuổi. Chị thường khệ nệ gánh cháo lòng sang xóm em bán khi cháo ế độ 11 giờ sáng. Chị để gánh cháo xéo xéo cửa nhà em. Có lần chị vừa bán vừa lấy tay áo quẹt nước mắt, dì em tội nghiệp chị, dì vội ra thăm hỏi, an ủi chị. Dì em có tánh rất thương người. Thế là dần dần chị quen với gia đình em. Chị thường chạy vội vào nói chuyện với em 5, 3 phút. Có khi chị thấy em xem sách, chị đi đến gần chăm chú nhìn vào như muốn biết có gì trong ấy. Mỗi buổi sáng sớm chị ngồi bán cháo lòng bên kia đôi cầu xe lửa và cũng gần nhà chị.
Ở xóm em ai cũng biết rõ chị là một cô bé bất hạnh, mất cha mẹ lúc chị lên 7 tuổi. Người cô bà con xa đem chị về nuôi như một đầy tớ không công. Chị phải lo làm mọi việc trong nhà. Chị lại không được đi học và còn bị đánh đập chửi rủa. Mặt chị thường ràn rụa nước mắt. Khi chị lớn lên, cô ấy còn bắt chị bán cháo lòng để phụ thêm cho gia đình nữa. Thỉnh thoảng mẹ dì mới cho chúng em ăn cháo vì nhà em có đến 7 đứa nhỏ, nhà em nghèo nên ít ăn hàng vặt ở ngoài. Thấy thương chị quá, lâu lâu mẹ dì mang bánh kẹo cho chị. Anh Lộc cũng hay ăn cháo lòng của chị và cho em ăn ké.
Lúc ấy chị rất gầy ốm, chị gánh cháo đi hơi xiên xiên, khập khểnh vì quá nặng cho sức vóc chị. Lúc ấy em cảm thấy tội nghiệp cho chị lắm. Càng lúc chị càng mến em, nhiều khi chị cho em ăn cháo khỏi trả tiền. Khi biết được điều ấy dì em bảo chị đừng làm thế, vì sợ cô chị biết được sẽ hành hạ chị. Ngày tháng trôi qua, chị kéo dài sự sống với gánh cháo lòng. Độ 3 năm sau tự dưng chị biến đâu mất. Có người trong xóm kể lại: Chị đã bỏ nhà trốn theo anh Tư xích lô ở xóm em vì chị bị người cô đánh đập, vì bà ấy phát hiện chị đã lấy mất một số tiền đi sắm quần áo.
Từ đó về sau em không còn gặp chị nữa. Và năm 60 nhà em lại dời đi chỗ khác. Mãi tới đầu năm 61 hai chị em mới có dịp gặp lại nhau trên hè phố Lê Lợi, Saigon.
Khi chị em mình gặp lại nhau năm 1961, trông chị xinh đẹp làm sao. Người chị đều đặn, chị lại ăn mặc sang trọng. Chị mừng rỡ lôi em vào một tiệm cơm gần đó, vừa ăn chị em mình vừa "trút bầu tâm sự".
Chị kể em nghe "Chị đi theo anh Tư mướn nhà ở cầu Trương Minh Giảng, gần mé sông. Chị vẫn bán cháo lòng. Chị sanh được một cháu trai lúc chị 19 tuổi. Bận buôn bán, chị nhờ người ở kế bên trông hộ cháu, không ngờ khi biết bò, cháu bò rớt xuống sông, chết đuối. Chị đau khổ quá trốn anh Tư lên Bình Dương xuống tóc đi tu. Nhưng chắc tại số kiếp chị còn vướng nợ trần sau 2 tháng chị bỏ chùa đi vì không quên được mùi cháo lòng. Chị đi tìm một bà quen, đang làm bồi phòng cho một gia đình Pháp, chị muốn nhờ bà tìm việc làm vì chị sợ đi bán cháo sẽ gặp anh Tư. May phước ông bà chủ mướn chị làm. Sau đó độ một năm bà chủ đau tim chết. Ông chủ thương chị, chị cũng mến ổng, Thế là chị trở thành vợ ổng, ông làm hôn thú và cho chị vào dân Pháp. Chị xin ông cho chị mướn thầy dạy chữ Việt, sau khi đọc viết rành chị học thêm Pháp và Anh văn theo kiểu thực hành, đàm thoại, chị cố gắng nên bây giờ chị cũng nói được nhờ chị ham đọc sách. Chị sanh được hai cháu gái, một đứa 5 và đứa kia 3 tuổi, vài năm nữa chị sẽ cho chúng đi Pháp học, còn ông xã chị thì chết đã hơn 8 tháng nay. Chị đang ở trên Hòa Hưng, từng dưới nhà chị mở ra bán cơm, cháo lòng và nước ngọt. Cuộc sống của chị cũng được thoải mái em ạ."
Người em lưu lạc,
THU THẢO