Hôm nay,  

Hoa Hồng Nước Mỹ

06/12/200200:00:00(Xem: 182544)
Người viết: NGUYỄN BÍNH CHÂU
Bài tham dự số: 369-678-vb61206

Tác giả Nguyễn Bính Châu, sinh năm 1950, tốt nghiệp cử nhân luật khoa ban kinh tế năm 1974, nghề nghiệp hiện nay: Luật sư Đoàn Luật Sư TP.HCM. đang theo học tu nghiệp về Luật Quốc Tế tại Đại Học Santa Clara.
Trong thư kèm bài viết cho Việt Báo, ông viết “Tôi rất muốn được tham dự loạt bài Viết Về Nước Mỹ của quý báo.”
Bài viết đầu tiên của ông Châu, “Ấn tượng nước Mỹ” đã được bình chọn vào số 28 tác giả được trao tặng giải thưởng Viết Về Nước Mỹ năm thứ hai. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

Hoa hồng nước Mỹ thật là đẹp, tôi thường mê mải ngắm nhìn những cánh hồng tươi thắm, to cao đủ màu, còn đẫm ướt sương đêm và ngan ngát một mùi hương, rực rỡ dưới ánh nắng chứa chan. Nhưng thật ra, nước Mỹ không chỉ có hoa hồng. Tôi tò mò muốn biết, vì sao mà nước Mỹ chỉ trong vòng hai trăm năm, từ một nước nghèo xơ xác sau cuộc nội chiến, đã trở thành một cường quốc kinh tế, văn minh, dân chủ, và giàu đẹp nhất hành tinh"
Nguyễn Bính Châu

Từ Việt Nam xa xôi, cách xa nhau hơn nửa vòng trái đất, tôi đặt chân lên nước Mỹ và được bước chân vào đại học Mỹ như là một giấc mơ. Nước Mỹ hiện ra trước mắt tôi, quả là một đất nước thật giàu đẹp, văn minh lịch sự, và thật mẫu mực về tự do dân chủ.. Nơi đây, chính phủ lo cho người dân gần như mọi thứ, từ việc học hành y tế, đến việc bầu cử rất dân chủ, và cả việc trật tự an ninh trong nhà ngoài phố. Không hề thấy có nạn làm việc lôi thôi, tác phong công chức bê bối, tham quan nhũng lạm, đùng đẫy trách nhiệm giữa các cơ quan, hoặc có việc chèn ép sách nhiễu người dân. Xe cộ lưu thông trên đường với tốc độ khá nhanh, nhưng rất trật tự nề nếp, và đặc biệt tạo cho tôi một cảm giác thật rất an toàn.
SANTA CLARA
UNIVERSITY
Tôi xúc động đi bên cạnh ông George Alexander, vị giáo sư cao niên khả kính của nhà trường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Luật Đối chiếu và Pháp luật Quốc tế Santa Clara University, đã giúp đỡ cho tôi được vào học tại trường này. Và hôm nay, theo lời mời dùng cơm tối với ông, tôi đến văn phòng giáo sư thật đúng hẹn, để theo ông đến phòng tiệc tổ chức buổi Party Thanksgiving của nhà trường năm nay.
Santa Clara, ngôi trường tôi đang học là một Đại học tư rất lâu đời và nổi tiếng thuộc dòng Thiên Chúa giáo, được sáng lập trên 200 năm nay, từ năm 1851, và đã đào tạo rất nhiều vị thẩm phán thanh liêm sáng suốt, những nhà luật học thật nổi tiếng. Sinh viên từ nhiều tiểu bang khác cũng đã theo về học tại đây, để chuẩn bị kỳ thi vào Đoàn Luật sư tại Californi, hoặc các học vị master, tiến sĩ..
Có thể nói là cứ mỗi lần bước chân đến đây, tôi gần như mê mẩn trước cái khung cảnh lãng mạng êm đềm sang trọng và thơ mộng của ngôi trường này. Sân trường lúc nào cũng có bầu không khí thật mát lạnh trong lành, với những thảm cỏ non xanh biếc, và những cánh hoa đủ màu rực rỡ lung linh trong ánh nắng.. Tôi đưa mắt ngắm nhìn quanh bãi cỏ, đã hơn 6 giờ chiều, trời Cali cuối thu nên hoàng hôn đến sớm, không còn chú sóc nào lảng vảng nơi đây. Mỗi khi đi học tôi thường có thói quen ngắm nhìn bọn chúng lắm. Những chú sóc con mũm mỉm, trông như là một trái banh tròn trịa mướt đầy lông, thường nô đùa rượt đuổi nhau và nằm phơi bụng trên bãi cỏ trước thư viện nhà trường.. Thỉnh thoảng có vài bạn sinh viên đủ các quốc tịch, cũng hay dừng lại nhắm nhìn chúng nô đùa một cách thích thú, không ai nỡ làm chúng giật mình sợ sệt. Thật là một xứ sở thanh bình và đầy nhân ái.
THANKSGIVING
TRÊN ĐẤT MỸ
Thật trăm nghe không bằng một thấy, ấn tượng đầu tiên đập mạnh vào mắt tôi là trên hàng dãy bàn dài trải khăn trắng xóa lịch sự, có đủ loại thức ăn Mỹ. Nổi bật là con gà Tây (turkey) to tổ bố được quay chín vàng ươm trông thật rất ngon lành, những món ăn truyền thống khác như : bánh mì (bread), khoai lang (sweet potatoes) mứt dâu (cranberries). Sát tường phía bên kia, có một bàn riêng dành trưng bày dọn sẵn món ăn tráng miệng theo truyền thống Mỹ, đó là bánh nướng nhưn mận. (pumpkin pie). Hèn chi, người Việt mình hay gọi ngày Lễ Thanksgiving là ngày Lễ Tạ ơn và ngày Lễ Gà Tây.
Tại buổi Party-Thanksgiving này, tôi có dịp quen biết thêm với những người bạn Mỹ, cũng như những luật sư, viên chức chính phủ, đại diện các công ty và hãng Luật quốc tế Châu Á: Nhật Bản, Đại Hàn, Ấn Độ..đang theo học về Luật Quốc tế tại đây. Có một phát hiện thật bất ngờ xúc động, ngoài dự kiến của tôi, đó là các bạn đó rất quan tâm sâu sắc đến Việt Nam, biết rõ được rằng Việt Nam đã vượt qua giai đoạn hết sức gian khổ và khó khăn trì trệ sau chiến tranh 1975, và hiện đang bắt đầu trên đường phát triển.
Là các nhà Luật học nên tất cả các bạn đều mong rằng chính phủ sẽ có những cải cách về pháp luật và thực hiện dân chủ hơn nữa để Việt Nam có thể tiến nhanh hơn trong việc xây dựng mục tiêu: dân chủ, dân giàu nước mạnh, ấm no hạnh phúc. Cuộc trao đổi rất thú vị, đúng là trí thức quốc tế có khác, những nhận xét của các bạn thật đầy nhân hậu, chân tình, và chuẩn xác
Quả thật, trong thời đại ngày nay, khi con người đã lên được mặt trăng từ rất lâu rồi, khi thế giới đã tiến rất xa trong cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật liên tục ngày đêm như vũ bảo, mà đất nước vẫn còn nghèo nàn lạc hậu, phần lớn nhân dân vẫn còn cơ cực lầm than, trẻ em vẫn thất học vào đời kiếm sống khi còn trong tuổi thơ, nhân tài đất nước ít nhiều bị thui chột, thiếu nhiều điều kiện phát triển. Nạn tham nhũng, và thiếu trách nhiệm vẫn còn nhiều, pháp luật còn lỏng lẻo chưa được coi trọng lắm, cải cách hành chính vẫn trì trệ khó khăn, thiếu kinh nghiệm và bản lĩnh đối tác với nước ngoài...Vụ cháy lớn thảm khốc ở Trung tâm Thương mại Intershop Saigon, và gần đây, việc hàng trăm công nhân Việt Nam bị chủ Đài Loan rượt đánh bằng ống sắt tuýp nước tại Công ty TNHH Doanh Đức (Dĩ an, Bình Dương) là những thông tin nhức nhối đối với người Việt chúng ta. Đối diện với hoàn cảnh như thế, chắc chắn không ai còn có thể nào hãnh diện, mà không khỏi cảm thấy chạnh lòng.
NGƯỢC DÒNG LỊCH SỬ.
Sau bữa tiệc, trên đường từ trường về nhà người bạn mà tôi đang ở trọ, tôi bỗng cảm thấy nực cười, vì rằng tôi đã quên khuấy đi mất, việc thưởng thức món gà Tây Thanksgiving của Mỹ để xem hương vị đăïc sản Mỹ như thế nào" Nghe nói theo truyền thống của Mỹ, thì người ta chỉ ăn con gà trống, còn không ăn con mái. Con mái dành để đẻ và sau khi retire (về hưu, nghỉ đẻ) thì vẫn được nuôi cho tới già, đến lúc qua đời" . Ngoài ra, tôi cũng được biết hàng năm vào dịp lễ Thanksgiving, các Tổng thống Mỹ có truyền thống chọn một con gà Tây nào đó và xá tội cho gà, con gà đó sẽ không bị làm thịt trong ngày lễ Thanksgiving.
Theo truyền thuyết xa xưa thì vào năm 1620, những người Mỹ tiền phong ( Pilgrims ) từ chiếc thuyền buồm Mayflower của xứ Anh đã vượt Đại Tây dương (Atlantic Ocean) đặt chân lên Châu Mỹ nay là Plymouth (Bang Massachusettes\ . Mùa đông đầu tiên vùng Đông Bắc Mỹ thời tiết quá tệ hại và khắc nghiệt, đã khiến hơn một nửa số thuyền nhân chết vì thiếu thốn thực phẩm, thuốc men, nhà ở và giá rét.


Khi mùa xuân đến, những người Pilgrims bắt đầu trồng trọt vụ mùa. và chính một thổ dân da đỏ (có tên là Squanto) đã dạy cho họ cách trồng ngô khoai trên mảnh đất nầy. Theo giáo sư Marshall Fishwish tại đại học Blacksburg, Virginia. Năm đó, trời đất được mùa, 50 người Pilgrims và 90 thổ dân da đỏ (Indians) đã vui mừng tổ chức Lể Tạ Ơn Thanksgiving đầu tiên vào mùa thu 1621, chia xẻ niềm vui và thức ăn cho nhau bằng những thứ thực phẩm mùa màng thu hoạch được và món gà Tây quay. (Có người đã phát biểu đùa với tôi, như sau: " Nếu lúc đó họ không ăn gà Tây mà ăn thịt chó, thì chắc pháp luật nước Mỹ bây giờ sẽ rối đấy nhé, chắc là họ sẽ bị tội ngược đãi súc vật chăng"")
Người có công vận động ngày Thanksgiving thành quốc lễ của Hoa Kỳ là một văn sĩ Mỹ, bà Sarah Josepha Hale vào năm 1820. Mãi đến năm 1863, Tổng thống Araham Lincoln mới tuyên bố chọn ngày thứ Năm cuối cùng của tháng 11 làm ngày Lễ Thanksgiving (Lễ Tạ ơn) trên nước Mỹ. Ở Canada hiện nay, cũng có ngày Thanksgiving, nhưng nó được tổ chức vào ngày thứ Hai tuần thứ nhì trong tháng 10. và nó cũng không mang ý nghĩa tưởng niệm người Pilgrims tìm ra Tân Thế giới (New World) như ở Mỹ, nó mang ý nghĩa lễ tạ ơn được mùa, và thực phẩm được dùng cho ngày đó như trái cây thu hoạch, gà tây, thịt (ham), vịt trời và ngỗng..
Đặc biệt ở Mỹ, do không phải là ngày lễ tôn giáo, Thanksgiving đã trở thành ra một ngày lễ hết sức đặc biệt trên toàn nước Mỹ, cho tất cả mọi người trên đất Mỹ và nhất là, nó rất có nhiều ý nghĩa, đối với những người Mỹ mới, những người dân mới nhập cư, đang làm ăn sinh sống, lập nghiệp trên quê hương mới này.
Trải qua thời gian, nó đã được mang thêm ý nghĩa mới, hết sức nhân bản, đó là cám ơn Thượng đế, nước Mỹ và cuộc sống, cám ơn những ân nhân bạn bè người thân của mình, và nhớ lại những thời lập nghiệp gian khổ của tổ tiên khi khai phá vùng đất trù phú, tươi đẹp này. Nó cũng trở thành dịp để bạn bè cùng gia đình sum họp, quây quần bên nhau, cùng ăn uống, ôn lại những kỷ niệm đẹp trong gia đình, hồi tưởng lại những ngày thơ ấu, và là một ngày có ý nghĩa rất lớn đối với mọi người Mỹ.
Câu chuyện về Thanksgiving rất mới lạ và có ý nghĩa rất hay đối với một du học sinh như tôi, đã làm cho tôi thật xúc động. Sự tha thứ, và lòng nhân ái, là một đức tính hết sức cần thiết và cao quý của con người. Nó ví như những bông hoa đẹp dịu dàng, làm ngát hương và thăng hoa cuộc sống của chúng ta.
BÍ QUYẾT PHÁT TRIỂN CỦA HOA KỲ
Rời trường Santa Clara, trên đường đến nhà người bạn gần đó, để ngủ trọ một đêm bụi đời nơi đất khách quê người. Ngoài khung cửa kính xe là bầu trời đêm Cali cuối thu lạnh buốt, thành phố San Jose (Thung lũng Hoa vàng) hiện ra dưới mắt tôi, nhấp nhánh ánh đèn rực rỡ cả một vùng trải dài ngút mắt, như những cánh sao từ trời cao sa xuống, lấp lánh thâu đêm, trông cảnh vật thật là thơ mộng. Nơi đây, con người đúng là vị chúa tể của thế giới, có thể dời non lấp biển một cách thật dễ dàng, biến núi rừng hoang dã khỉ ho cò gáy, thành những thành phố văn minh lịch sự, những dãy nhà chọc trời tráng lệ, hoặc những ngôi nhà xinh xắn có thềm cỏ đầy hoa, không ruồi, không muỗi, không chuột, không gián. Nơi đây, phụ nữ được trân trọng (Ladies First), thú vật được thương yêu, trẻ em được ăn học đàng hoàng, người già được cấp dưỡng và chăm sóc y tế chu đáo, người tàn tật được ưu tiên đãi ngộ nơi công cộng, nhân tài từ khắp hành tinh đổ xô về và được đào tạo tại đây, được trân trọng và đãi ngộ xứng đáng.
Ông Christopher Columbus (Kha Luân Bố) được coi là người có công tìm ra châu Mỹ, nhưng cũng có biết bao quốc gia đã ra đời từ lâu, trước nước Mỹ hàng trăm hoặc hàng ngàn năm, thế nhưng nó vẫn èo uột, thiếu dinh dưỡng, không lớn nỗi, vẫn mãi mãi là một nước lạc hậu kém phát triển. Lịch sử lập quốc và xây dựng đất nước của Hoa Kỳ chỉ khoảng 200 năm, họ bí quyết độc đáo gì để tiến nhanh như thế "
Chính TỰ DO BÁO CHÍ VÀ TRUYỀN THÔNG, cũng như QUYỀN TỰ DO KINH DOANH được thực sự tôn trọng và khuyến khích, đã là một động lực chính thúc đẩy một nước Mỹ nghèo nàn xơ xác sau cuộc nội chiến, tiến lên thành một cường quốc kinh tế , tự do, văn minh và giàu đẹp nhất hành tinh.
TỰ DO KINH DOANH, tư nhân có quyền tự do kinh doanh trên mọi lãnh vực ( vốn hết sức cấm kỵ tại các nước chậm tiến, kém phát triển ) như: phương tiện phát thanh, truyền hình, những hệ thống thông tin bưu điện, điện thoại và kết nối truyền thông internet, xe bus, xe điện cao tốc, và cả phương tiện siêu thị, vận tải hàng không ...Thực vậy, hầu hết mọi phát minh và ứng dụng máy hơi nước, điện, bóng đèn, khai thác hỏa xe (đường ray xe lửa), cũng như việc khai thác hàng không.. các hệ thống bảo hiểm ngân hàng...của tư nhân, đã thực sự gắn liền với lịch sử phát triển và giàu có của Hoa Kỳ. Nếu không có bàn tay và khối óc của tư nhân, của giới chủ nhân giàu có và mạo hiểm, nước Mỹ chắc vẫn còn đứng lại ở những hình ảnh và khung cảnh xưa như trái đất, những đoàn người lếch thếch đi bộ và ngựa, bên đoàn xe thồ mui vải lắc lư trên đường tìm vàng của nước Mỹ của thập niên 1848 tại vùng San Francisco - California.
TỰ DO NGÔN LUẬN
VÀ BÁO CHÍ
Nếu nước Mỹ ngày nay có bức tượng nữ thần Tự do ( New York ) là biểu tượng nói lên ƯỚC VỌNG CỦA NƯỚC MỸ, của nhân dân và chính quyền trong việc xây dựng nước Mỹ. Thì chính Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí là ĐỘNG LỰC HẾT SỨC MẠNH MẼ cho nước Mỹ. Nó đã giúp nước Mỹ tiến nhanh hơn và ĐIỀU CHỈNH NHỮNG SAI LẦM trong quá khứ của nước Mỹ như: nạn kỳ thị chủng tộc, nạn quấy rối tình dục, nạn ngược đãi trẻ em, vi phạm môi sinh môi trường..và những bê bối về tài chính, tình ái lăng nhăng của mấy ông lớn tai to mặt bự, hoặc các công ty khổng lồ lừa đảo kết xù..
Nghề báo chí vẫn có những khó khăn và nguy hiểm của nó. Một cuộc thăm dò xã hội cho thấy nó cũng là một nghề cực kỳ nguy hiểm như là làm tổng thống. Số danh sách những nhà báo chân chính đã ngã xuống vì sự thật, cho hòa bình, tự do và tiến bộ xã hội, ngày một nhiều hơn, nhưng lực lượng kế thừa vẫn tiếp tục được bổ sung, không hề nao núng. Và trên thực tế, dầu gặp rất nhiều trở ngại khó khăn của các thế lực hết sức dữ dội, nhưng báo chí Mỹ vẫn có khả năng vượt qua, phát hiện, điều chỉnh những bê bối của chính phủ và xã hội Mỹ một cách hết sức hữu hiệu, văn minh, kịp thời, nhanh chóng.
Có tự do báo chí và truyền thông, Hiến pháp Mỹ đã THỰC SỰ trao cho người dân nắm được trong tay quyền DÂN CHỦ, phát hiện và ngăn chặn kịp thời, những sai lầm bê bối của các cấp chính quyền, bảo vệ một cách hết sức hữu hiệu và nhạy bén quyền dân chủ của Nhân dân và quyền XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC, để trở nên TIẾN BỘ, và PHỒN VINH.
Trong thời đại hiện nay, lịch sử phát triển Dân chủ của Nhân dân phải gắn liền với lịch sử phát triển của Tự do Báo chí, được sự quản lý và bảo đảm bảo hộ bởi pháp luật. Chúng ta quả có được nhiều bài học từ lịch sử, và trang sử VĂN MINH - DÂN CHỦ của chúng ta vẫn còn mở rộng ở phía trước.

NGUYỄN BÍNH CHÂU

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,175,395
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến