Hôm nay,  

Quê Hương Thứ Hai

17/10/200200:00:00(Xem: 244816)
Người viết: HẢI TRIỀU LAI THẾ LÃNG

Bài tham dự số: 3014-661-vb41015

Tác giả Hải Triều Lại Thế Lãng cư trú và làm việc tại tiểu bang Vermont, đã góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm thứ nhất và có lần cho biết ông dự trù khi về hưu, sẽ còn tiếp tục viết về nước Mỹ nhiều hơn. Bài ông viết thuộc đủ loại đề tài, bài nào cũng cho thấy một tấm lòng tử tế. Lần này, Hải Triều viết về tiểu bang Vermont, nơi gia đình ông định cư tại Mỹ. Bài viết cho thấy không chỉ tấm lòng mà còn thêm sự công phu, trân trọng. Ước mong đây sẽ là một gợi ý ù cho nhiều bài Viết Về Nước Mỹ quí giá khác, được viết từ nhiều tiểu bang khác nhau của nước Mỹ.

*

Vermont, nơi gia đình tôi sinh sống, là một tiểu bang ít người biết đến nhưng là vùng đất của địa linh nhân kiệt.

Vermont là một trong số 13 tiểu bang đầu tiên của nước Mỹ. Vermont là quê hương của hai vị Tổng thống Hoa Kỳ: Tổng thống thứ 21 Chester Alan Arthur và Tổng thống thứ 30 John Calvin Coolidge. Vermont là tiểu bang đầu tiên thông qua bản hiến pháp không chấp nhận chế độ nô lệ và hủy bỏ điều khoản đòi hỏi cử tri phải có tài sản mới được đi bỏ phiếu.

Người bắn phát súng đầu tiên vào quân Anh, châm ngòi cho cuộc chiến tranh cách mạng giành độc lập là Solomon Brown, một cư dân Vermont. Ông Werren R. Austin, vị đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc cũng là người Vermont.

*

Nếu cho rằng mọi việc ở trên đời đều được an bài sẵn thì việc gia đình tôi đến Vermont và chọn nơi này làm quê hương thứ hai có thể coi là một chứng minh. Thật vậy, đầu tiên tôi nhờ một người chị họ ở San Jose bảo trợ qua International Rescue Commitee. Khi giấy tờ đã xong xuôi, nghe có người giới thiệu, tôi lại nhờ một hội Tin Lành ở Moreno Valley bảo trợ qua hội World Relief. Về sau, khi gặp song thân của anh bạn từ Louisiana về thăm Việt Nam và nghe nói anh bạn có cơ sở làm ăn vững vàng, tôi ngỏ ý với ông bà muốn đến chỗ của anh. Sau khi ông bà trở về Mỹ và nói ý muốn của chúng tôi thì anh bạn gửi thư cho chúng tôi bảo gửi giấy tờ cần thiết để anh làm thủ tục bảo trợ. Anh cũng nói chúng tôi cứ yên tâm, anh sẽ lo liệu cho chúng tôi tất cả khi chúng tôi tới Mỹ. Nghe vậy tôi mừng quá, vội gửi giấy tờ cho anh. Hồ sơ gửi đi rồi tôi yên tâm chờ đến ngày đi Mỹ để đến sống ở Louisiana với anh bạn.

Đến ngày vào sở ngoại vụ nhận giấy tờ lên đường, tôi thấy trên giấy tờ của tôi có ghi mấy chữ tắt BVT. Những người cùng đến nhận giấy tờ ngày hôm đó cho tôi biết những chữ ghi trên giấy là nơi mình sẽ đến. Tôi thắc mắc không biết BVT là ở đâu, xách giấy đi hỏi hết người này đến người khác cũng chẳng có ai biết.

Cuối cùng tôi phải tìm hỏi người đã phát giấy cho mình mới được biết gia đình tôi sẽ đến thành phố Burlington thuộc tiểu bang Vermont mà lúc đó chẳng có ai biết nó nằm ở phương hướng nào của nước Mỹ. Thế này là thế nào" Sao lại không phải là Louisiana" Bây giờ làm sao đây" Đầu óc tôi choáng váng với biết bao câu hỏi được đặt ra. Tôi vô cùng lo lắng nhưng rồi tôi nghĩ cứ tới Mỹ cái đã, mọi việc hạ hồi phân giải.

Khi tới Mỹ tôi mới biết sở dĩ có chuyện đó là vì anh bạn đã gửi thẳng hồ sơ của gia đình tôi đến Vermont cho người em ruột đang làm việc trong Chương Trình Tái Định Cư Người Tỵ Nạn tại Vermont (Vermont Fefugees Resett-lement Program). Ý của anh là cứ để người em lo thủ tục cho gia đình chúng tôi đến Mỹ rồi anh sẽ kiếm phương tiện để di chuyển chúng tôi đến Louisiana sau. Nhưng không lâu sau khi tới Mỹ, mọi người trong gia đình tôi lần lượt có việc làm. Khi đó tôi thấy mối lo ngại lớn nhất của chúng tôi đã được giải quyết và cũng nhận thấy phải ở lại Vermont thì các con của tôi mới có cơ hội trở lại con đường học vấn. Thế là chúng tôi quyết định ở lại lập nghiệp tại Burlington, Vermont như đã được sắp đặt sẵn khi tôi nhận giấy tờ tại sở ngoại vụ ở Sài gòn.

Nơi tôi xin bảo trợ lúc đầu là San Jose, sau là Moreno Valley, rồi Louisiana nhưng cuối cùng thì tôi lại về Burlington, Vermont. Nguyên nhân của sự thay đổi lung tung như vậy chỉ vì tôi không nắm vững về chuyện bảo trợ và quá lo lắng về chuyện công ăn việc làm khi chúng tôi đến Mỹï. Tôi cứ nghĩ người bảo trợ phải lo toan mọi thứ từ ăn uống, nhà ở cho đến việc đi đứng, tìm công ăn việc làm v.v cho người được bảo trợ và như vậy- theo cách nghĩ của một người đang sống ở Việt Nam- gia đình tôi quả là một gánh nặng cho người chị đứng ra bảo trợ cho chúng tôi.

Khi gửi hồ sơ đến hội Tin Lành, tôi có ý nghĩ rằng hội có nhiều nhân viên hơn, có nhiều phương tiện hơn lại chuyên làm việc từ thiện khiến cho tôi có cái cảm giác ít gây phiền hà hơn. Rồi khi tôi gửi giấy tờ xin bảo trợ về Louisiana là vì tôi được biết anh bạn có thể giải quyết công ăn việc làm cho gia đình tôi, điều mà tôi vẫn canh cánh bên lòng từ khi nộp hồ sơ xin đi Mỹ.

Có lẽ không hiểu được tâm trạng của tôi lúc đó và lầm tưởng rằng tôi rành rẽ hết mọi chuyện ở Mỹ như nhiều người khác, chị tôi có vẻ giận khi tôi báo tin cho chị biết tôi đã được hội World Relief nhận bảo trợ. Trong thư gửi cho tôi, mặc dầu chị không biểu lộ sự tức giận, tôi cũng nhận ra được sự bực bội của chị và cảm thấy áy náy vì đã làm phật lòng chị. Sau mấy năm sống ở Mỹ, tôi đã có dịp đứng bảo trợ vài lần và quả nhiên tôi chẳng thấy gánh nặng gì cả. Chẳng trách chị tôi giận vì cho rằng tôi đã từ chối thiện chí của chị. Dù sao thì tôi vẫn không ân hận vì những quyết định của tôi cũng chỉ là nghĩ cho mình và cho người khác. Tôi cũng không ân hận đã chọn Vermont để bắt đầu cuộc sống mới của gia đình. Tôi luôn tin rằng mọi việc đều có sự an bài của Bề Trên.

Vermont là một tiểu bang nhỏ ở về phiá Đông Bắc nước Mỹ. Diện tích Vermont chỉ có 9,609 dặm vuông nhưng là tiểu bang lớn thứ nhì trong vùng New England . Vermont được bao quanh bởi Canada ở phía Bắc, Massachusetts ở phía Nam, New Hampshire ở phia Đông và New York ở phía Tây. Địa hình Vermont giống như vùng cao nguyên ở Việt Nam. Vermont có 223 ngọn núi cao trung bình 2000 feet, trong đó ngọn Mainsfield là cao nhất 4,395 feet. Nơi thấp nhất là mặt hồ Champlain cũng cao 95 feet so với mặt biển. Vermont có đủ bốn mùa: mùa xuân bắt đầu từ tháng 3, mùa hè tháng 6 , mùa thu tháng 9 và mùa đông tháng 12 . Nhưng lại có người cho rằng Vermont có ít nhất 9 mùa: trước mùa xuân (tháng 4), đúng mùa xuân (tháng 5), xuân giống hè (tháng 6), đúng mùa hè (tháng7) mùa hè muộn (tháng 8) , hơi mùa thu (tháng9) đúng mùa thu (tháng Tháng10), mùa đông sớm (tháng11) và đúng mùa đông (tháng 12).

Tháng 7 là thời kỳ nóng nhất ở Vermont. Có nơi và có ngày nhiệt độ lên đến hơn 100 độ F. Tháng lạnh nhất là tháng 2. Có nơi và có ngày nhiệt độ xuống đến âm 15 độ F hay dưới nữa. Lúc mới qua Mỹ, chưa quen với độ F, tôi không tưởng tượng được thời tiết ra sao. Tôi thường phải đổi độ F ra độ C mới biết được lạnh hay nóng đến cỡ nào. Muốn đổi độ F sang độ C thì trừ đi 32, nhân với 5 rồi chia cho 9. Ngược lại muốn đổi từ độ C sang độ F thì nhân với 9, chia cho 5 rồi cộng thêm 32. Trong các bản tin thời tiết chẳng hạn nghe nói đến 10 độ F tôi không thấy gì nhưng khi đổi ra nhiệt độ C sẽ là -12 độ C tức là 12 độ dưới độ đông lạnh của nước đá mới thấy tá hỏa.

Nếu coi những cánh rừng là lá phổi của nhân loại về phương diện môi sinh thì Vermont quả có lá phổi thật lớn vì có đến 75% diện tích là rừng xanh. Vermont có danh hiệu là "Green Mountain State" nhưng thật ra người ta chỉ có thể nhìn thấy núi xanh trong ba mùa xuân, hè, thu còn mùa đông thì những ngọn núi xanh bị tuyết phủ để trở thành những ngọn núi trắng xóa.

Gia đình tôi đến Vermont vào đầu mùa đông. Cảnh vật trông thật tiêu điều. Cây cối đều trụi lá để trơ ra những cành khẳng khiu. Chỉ có cây dương là còn màu xanh nhưng rồi chỉ sau mấy trận tuyết thì màu xanh của dương cũng được bao phủ bởi tuyết trắng.

Tôi còn nhớ mãi câu chuyện buồn cười khi chúng tôi mới đến tiểu bang này. Lúc đó có người giới thiệu với chúng tôi Emergency Food Shelf là một cơ sở từ thiện trong thành phố. Cơ sở này cung cấp hơn 100 bữa ăn hàng ngày cho người vô gia cư và cung cấp thực phẩm cho người nghèo mỗi tháng một lần.

Mới tới Mỹ cũng được kể là người nghèo, chúng tôi tìm đến cơ sở này không phải để dùng bữa hàng ngày mà chỉ ghi tên xin lãnh thực phẩm hàng tháng. Chúng tôi được lãnh khá nhiều thứ từ cá hộp, thịt hộp, thịt đông lạnh, cheese, bơ, trứng sữa, đừơng, cà phê đến các loại rau trái tươi v.v. nhưng tôi mê nhất là kem bọc chocolate. Hôm đi nhận đồ về tôi ăn kem bằng no vì là lần đầu tiên trong đời tôi được thưởng thức một loại kem ngon như vậy. Bây giờ thì tôi dửng dưng với loại kem này vì sợ cholesterol.

Lúc mới đến, đường đi nước bước còn lạ lẫm, cơ sở này lại không để số nhà, vợ tôi đứng quan sát một lúc rồi nói đã nhớ chỗ để lần sau trở lại. Đến hạn kỳ đi lãnh thực phẩm kế tiếp, đêm hôm trước trời bỗng đổ một trận tuyết lớn. Dầu vậy sáng hôm sau hai vợ chồng tôi cũng hăng hái lên đường. Chúng tôi mặc quần áo thật dầy, đội mũ phủ xuống che hai tai, mang găng tay dầy cộm, đi giày tuyết và trực chỉ Food Shelf. Chúng tôi cứ luẩn quẩn mãi mà không tìm ra địïa điểm vì ngôi nhà có mái đỏ mà vợ tôi dùng để làm đích nay đã bị tuyết phủ, tất cả mọi mái nhà chỉ còn là màu trắng. Hỏi thăm người đi đường thì mới biết chúng tôi đang đứng trước ngôi nhà có mái đỏ đó.

Những người chưa từng sống ở xứ tuyết thì sợ tuyết còn ở Vermont, tuyết rơi là dịp để cho trẻ nhỏ vui chơi đùa nghịch. Trẻ nhỏ thấy tuyết như lân thấy pháo. Chúng chạy nhảy, lăn lộn trên tuyết, bốc tuyết liệng nhau hay bỏ vào miệng nhai rau ráu. Đối với người dân Vermont thì năm nào tuyết đến chậm hay là ít tuyết thì khó làm ăn, cũng giống như ở Việt Nam, năm nào ít mưa thì mất mùa vậy. Là vì với hơn 4,500 mẫu đất dùng vào việc trượt tuyết, hơn 20 địa điểm trượt tuyết và hơn 50 trung tâm du lịch phục vụ du khách v. v. đã tạo cho hoạt động kinh tế của Vermont nhộn nhịp về mùa tuyết. Nếu bạn là người yêu thích môn trượt tuyết thì Vermont chính là địa điểm lý tưởng. Dù bạn đã có trình độ trượt tuyết khá hay bạn chưa biết tí gì cũng đều có huấn luyện viên kinh nghiệm hướng dẫn cho bạn.

Vermont là xứ tuyết cho nên người dân Vermont có vẻ như thản nhiên trước những trận tuyết có khi kéo dài mấy ngày liền vì họ đã quen công việc đối phó với tuyết. Nếu bạn không để xe trong garage thì sáng dậy đi làm phải cào tuyết. Đậu xe tại bãi đậu của sở làm tuyết rơi xuống phủ đầy xe, khi về bạn lại cào tuyết. Nếu bạn có nhà riêng thì phải cào tuyết ở driveway. Driveway ngắn thì chỉ cần dùng xẻng đẩy tuyết sang hai bên, nếu driveway dài thì phải dùng máy thổi tuyết. Còn ở đường phố thì bạn khỏi lo, đã có những người chuyên nghiệp cùng với những dụng cụ chuyên môn như xe ủi tuyết, rải muối ... làm việc đó. Cho dù tuyết cao lên đến 2 hay 3 tấc, họ chỉ cần hoạt động một đêm thì sáng hôm sau đường phố đã sạch boong. Sinh hoạt vẫn bình thường. Tuyết được dồn sang hai bên vệ đường. Năm nào nhiều tuyết, tuyết dồn cao ở hai bên đường hay ở trong sân của những cơ sở thương mại, chợ búa thì người ta phải đem xe xúc tuyết chở đi đổ bớt. Đáng ngại nhất là tuyết rơi xuống tan thành nước rồi nhiệt độ đột ngột xuống thấp khiến cho nước đông lại, trong suốt như những cây nước đá được sản xuất tại các nhà máy nước đá ở Việt Nam. Khi đó thì đường rất trơn, đi lại rất nguy hiểm, tài xế không còn kiểm soát được tay lái, đi bộ dễ lăn nhào bổ lộn. Thời gian này học sinh được thông báo không đến trường còn người lớn thì vẫn đi làm. Có những ngày rất lạnh, tuyết rơi nhiều nhưng người ta vẫn đến hãng xưởng đều đặn. Người Mỹ thích trốn trong các hãng xưởng về mùa đông để dành ngày nghỉ đi ra ngoài về mùa he.

Không những con người mà dường như cả cây cỏ cũng đã quen chịu đựng cho qua mùa đông để rồi trỗi dậy sau đó. Về mùa đông cây cối trơ trụi trông như không còn sức sống nhưng chỉ mới sang xuân thì đã trở nên xanh tốt. Về mùa đông cỏ bị che phủ bởi lớp tuyết dày nhưng ngay khi mùa đông qua đi, khi mà những lớp tuyết cuối cùng tan biến thì cỏ đã mọc xanh rì, trả lại màu xanh cho Vermont. Vào những ngày ấm áp, tiếng máy cắt cỏ bắt đầu vang lên trong khu xóm nghe thật rộn ràng, vườn tược được dọn dẹp, cây cảnh được chăm sóc. Hoa tulip trổ bông trước nhất rồi đến các loài hoa khác đua nhau khoe sắc làm cho cảnh vật trở nên sinh động. Vermont hồi sinh.

Vermont là tiểu bang có nhiều rừng núi nên có rất nhiều thú rừng. Một buổi sáng lái xe đi làm, bạn có thể thấy những chú nai đứng ở bên vệ đường dương đôi mắt "nai tơ" ngắm nhìn những chiếc xe qua lại. Nếu cơ sở làm việc ở gần bìa rừng, trong một lần giải lao ra sân hút thuốc, bạn có thể thấy những chú nai đang ngơ ngác bên bìa rừng chỉ cách chỗ bạn đứng chừng vài chục mét. Lái xe trên highway đụng phải nai là chuyện không lạ ở Vermont. Hoạt động săn bắn ở Vermont vì vậy có vẻ rộn rịp. Tìm một nơi để săn bắn không khó khăn vì Vermont có tới hơn 800,000 mẫu rừng dành cho việc săn bắn. Tôi có quen một người Mỹ gốc Pháp, anh René, là người ưa thích săn bắn. Năm nào anh cũng phải dành mấy ngày nghỉ để đi săn. Anh có quan niệm khác với nhiều người Mỹ. Anh không giống như anh chàng Mike làm trong công ty hay nhiều người Mỹ khác đi săn chỉ để được đứng chụp hình bên cạnh con mồi hạ được, lấy hình đem lên các web sites về săn bắn hay là dán ở cửa phòng nơi làm việc với những dòng ghi chú: con mồi dài bao nhiêu, cao bao nhiêu, nặng bao nhiêu, săn ở đâu, ngày tháng v.v. Anh cho rằng đi săn là một cái thú tiêu khiển nhưng cũng để lấy thực phẩm nữa. Có lần anh rủ tôi đi săn, tôi từ chối vì tuổi tác của tôi không còn thích hợp với công việc đó. Anh nói đi săn kiếm một vài con nai lấy thịt bỏ vào freezer ăn cả năm. Thịt nai ăn vừa ngon lại tiết kiệm được tiền bạc. Đúng là một con người biết tính toán.

Vermont có hơn 50 công viên cấp tiểu bang (state park) và rất nhiều công viên địa phương. Về mùa hè người ta thường đổ xô đến các công viên để phơi nắng, vui chơi, ăn uống. Thực phẩm rơi vãi trong các cuộc picnic đã quyến rũ chim đến lượm lặt. Ở đâu cũng có nội qui cấm cung cấp thực phẩm cho chim nhưng không có điều nào cấm để rơi vãi thực phẩm, những người đi picnic chỉ phải dọn dẹp sạch sẽ trước khi rời khỏi công viên. Từng đàn chim sà xuống và đến sát bên người để kiếm ăn. Trong một lần đi picnic ở một state park, tôi đang thích thú ngắm nhìn một bày chim tiến sát đến gần thì có một người Mỹ đến bên cạnh. Ông ta bắt chuyện với tôi và sau khi biết tôi là người ở đâu tới, ông ta hỏi ở Việt Nam chim có dạn dĩ như vậy không" Tôi chưa kịp trả lời thì ông đã nói ông nghĩ là không vì chúng đã bị ăn thịt trước khi có thể đến gần người ta. Ông ta còn nói ông ta biết nhiều món ăn độc đáo của Việt Nam. Thì ra những cuốn phim được quay ở Việt Nam với những màn biểu diễn cắt tiết chó, làm thịt rắn, vạc sọ khỉ, uống máu dê, máu rắn cùng những quán ăn quảng cáo các món thịt cầy, thịt rắn, chim rô ti, chim nướng v.v. ông ta đều đã xem qua cả.

Nếu mùa đông du khách đến Vermont để trượt tuyết, mùa hè để leo núi hay săn bắn thì mùa thu, du khách bị thu hút tới Vermont để xem lá đổi màu. Mùa thu là mùa đẹp nhất ở Vermont vì lá cây đổi màu thành muôn màu muôn sắc. Có loại cây đổi màu lá sớm, có loại muộn hơn nhưng vào khoảng gần giữa mùa thu thì hầu hết các loại cây đều đổi màu lá. Tùy theo loại cây, lá được đổi thành màu vàng, đỏ, cam, tím, nâu hoặc là màu pha trộn giữa những màu này. Màu của lá tạo cho cả một cánh rừng giống như một vườn hoa vĩ đại đầy màu sắc.

Vì 75% diện tích của Vermont là rừng núi cho nên đến mùa lá đổi màu thì đi đến đâu, đi về bất cứ hướng nào người ta đều có thể nhìn ngắm những lá cây muôn màu muôn sắc.

Không có thời gian nào Vermont đẹp cho bằng mùa lá đổi màu. Hàng năm Vermont đón nhận nhiều người đến từ nước Mỹ và từ nhiều nơi trên thế giới. Họ quay phim, chụp hình và nhìn ngắm cảnh đẹp của mùa lá đổi màu. Tôi có dịp nói chuyện với một cư dân ở Montréal, Canada. Ông ta nói thích sang Mỹ vào mùa thu để xem lá đổi màu. Ông say sưa nói về cảnh đẹp của mùa đổi màu lá. Ông nói vào một buổi chiều êm ả, thả bộ theo một con đường vắng, tai nghe chim hót, mắt chiêm ngưỡng những cánh lá muôn màu muôn sắc ở dọc hai bên đường thì chẳng khác gì lạc vào chốn thần tiên.

Dân số Vermont rất khiêm tốn, chỉ có 608,827 người. Nam nữ có tỷ lệ ngang ngửa. Đàn ông chiếm 49%, đàn bà 51%. Dân chúng ở đây dường như nghiêng về đảng Dân chủ. Ông Bernard Sanders, một người có khuynh hướng xã hội, được bầu vào Hạ viện dưới danh nghĩa độc lập nhưng ở tại Quốc hội ông lại hành sử như một người của đảng Dân chủ. Có lẽ vì vậy mà ông đã giữ được chiếc ghế ở Hạ viện liên tiếp từ năm 1990 đến nay. Theo hiến pháp nước Mỹ mỗi tiểu bang được bầu hai đại biểu vào Thượng viện còn số đại biểu trong Hạ viện thì tùy vào dân số của tiểu bang.

Vermont là tiểu bang dân số ít nên chỉ có một Dân biểu mà lại có đến hai ông Thượng nghị sĩ. Thượng nghị sĩ Patrick Leahy thuộc đảng Dân chủ được bầu vào Thượng viện từ năm 1974 và liên tiếp đắc cử. Hiện ông đang phục vụ ở nhiệm kỳ thứ 5 với chức vụ chủ tịch ủy ban Tư pháp Thượng viện. Thượng nghị sĩ James Jeffords thuộc đảng Cộng hòa khi được bầu vào Thượng viện năm 1988 và đang phục vụ ở nhiệm kỳ thứ 3 với chức vụ chủ tịch ủy ban Môi sinh và Tiện nghi Công cộng. Ông Thượng nghị sĩ có đai đen Thái cực đạo này đã gây sóng gió tại thượng viện một thời khi ông quyết định rời khỏi đảng Cộng hòa khiến cho đảng Cộng hòa mất đi ưu thế tại Thượng viện.

Thống đốc Vermont, ông Howard Dean là người của đảng Dân chủ. Ông là một bác sĩ, vợ ông cũng là bác sĩ nhưng ông thích làm chính trị hơn là nghề thầy thuốc. Ông Dean năm nay 53 tuổi được bầu vào chức vụ chóp bu của tiểu bang từ năm 1991 và liên tiếp được bầu lại cho đến nay. Hai năm trước, ông Dean đã ký một đạo luật cho phép những cặp đồng tính được sống với nhau như vợ chồng. Ông đã làm một việc mà đa số dân chúng Vermont không tán đồng và hầu hết các tiểu bang không chấp nhận. Ông biết rõ điều đó cho nên vài tháng trước đây ông đã nói trên đài NBC rằng nếu ông có được làm Tổng thống, ông sẽ không thúc đẩy một đạo luật như vậy trên phạm vi liên bang mà để cho các tiểu bang tự quyết định. Hiện nay Howard Dean đang đi đây đi đó, ráo riết vận động với hy vọng được đảng Dân chủ đề cử làm ứng viên ra tranh cử để đánh bại Tổng thống Bush trong cuộc chạy đua vào tòa Bạch ốc nhiệm kỳ sắp tới.

Chính trị dường như không phải là mối bận tâm đối với cộng đồng người Việt tại Vermont. Nhiều người đã có quốc tịch Mỹ nhưng ít người quan tâm đến việc bầu bán và chẳng có mấy ai bước đến phòng phiếu trong mùa bầu cử.

Theo thống kê của cuộc kiểm tra dân số năm 2000 thì ở Vermont có 980 người Việt Nam. Ít hơn người Tàu (1330) nhưng nhiều hơn Ấn Độ (858) Đại Hàn (669), Nhật (403) Phi Luật Tân (328) Tây Tạng và một vài sắc dân Á Châu khác.

Người Việt Nam đầu tiên có mặt tại Vermont là vào khoảng năm 1980. Về sau số người Việt tăng dần do chương trình con lai, HO và những ngừơi đến Mỹ theo diện đoàn tụ. Có người đến Vermont rồi bỏ đi nhưng cũng lại có những người đến sinh sống tại Vermont từ những tiểu bang khác. Hiện nay có khoảng chưa đầy 200 gia đình Việt Nam ở Vermont và khoảng 1/3 số gia đình này đã mua nhà.

Người Việt có mặt trong hầu hết hãng xưởng trong vùng đông dân cư nhất của Vermont. Từ công ty high tech IBM cho đến ngân hàng, cơ sở sản xuất, lắp ráp, nhà in, các hãng xe, cơ sở chế biến thực phẩm, khách sạn, nhà hàng v.v. đều thu nhận người Việt.

Sẵn có tính cần cù, chịu khó, người Việt thường được các chủ hãng tin cậy. Dù trong thời buổi kinh tế suy thoái, nhiều người không tìm ra việc làm, vẫn có nhiều người Việt ở Vermont làm hai jobs.

Toàn Vermont chỉ có vài quán ăn, vài cửa tiệm bán thực phẩm Việt Nam và một số tiệm làm nail do người Việt làm chủ. Không có tiệm vàng, hớt tóc, uốn tóc của người Việt vì vậy người Việt phải đến các tiệm Mỹ hay phải đi Boston hoặc sang Montréal (Canada). Thường thì bà con thích đi Canada hơn vì chỉ bằng nửa đường đi Boston, Canada lại có casino cho những ai muốn thử vận đen đỏ. Chỉ có vận đen thì đúng hơn vì tôi chưa nghe ai nói gặp vận đỏ. Tôi thà mang tiếng cù lần chứ không muốn bị cháy túi vì cái quan niệm "ở đời cái gì cũng phải biết" như đã có người nói với tôi. Nhưng đi Canada có cái bất tiện là nếu muốn mua trái cây đem về dùng lại không được phép đem vào Mỹ. Lúc đầu nhiều bà con qua Canada thấy trái cây Việt Nam ngon quá mua đem về, đến trạm kiểm soát biên giới bị tịch thu vất vào thùng rác. Bị một vài lần bà con tính toán kỹ hơn, rủ nhau đi Canada ăn một bụng nhãn, vải, chôm chôm, sầu riêng . . . cho đã thèm chứ không đem về nữa.

Chúng tôi cũng thích đi Canada. Lúc đầu là đi thăm viếng những nơi nổi tiếng như nhà thờ Notre Dame, đền thánh Giuse, vườn bông, sở thú v.v. về sau chúng tôi đi Canada chỉ với mục đích đi chợ. Chúng tôi thích đi chợ ở Montréal vì chỉ mất chưa đầy hai tiếng lái xe mà ở đây có bán đủ mọi thứ cho nhu cầu của người Việt, giá lại rẻ. Tính theo giá đơn vị thì hàng hóa bên Canada rẻ hơn bên Mỹ. Đã vậy 1 đồng tiền Mỹ thường đổi được 1.5 đồng Canada. Tôi thấy có nhiều người ở bên Canada thích tiền Mỹ hơn là tiền Canada. Một vài nơi chúng tôi hay lui tới mua hàng, chủ tiệm luôn luôn yêu cầu chúng tôi trả bằng tiền Mỷ. Một anh bạn của tôi sinh sống ở Montréal nói rằng đồng tiền Canada trông giống như những giấy quảng cáo trong các hộp thuốc cao đơn hoàn tán (dĩ nhiên anh chỉ nói đùa).

Đi chợï bên Canada rất có lợi do hối suất của đồng tiền. Thay vì đi chợ Mỹ nếu đi chợ ở Canada thì có thể mua được số hàng gấp rưỡi hay hơn với cùng một số tiền chi tiêu. Nhưng cũng đừng mua thứ gì không được phép mang vào Mỹ như trái cây và những loại củ, nếu không sẽ bị tịch thu liệng vào thùng rác thì sẽ tiếc hùi hụi. Theo nguyên tắc mỗi xe qua trạm chỉ được mang 50 pounds nhưng đôi khi chúng tôi mua nhiều hơn. Nhân viên thuế quan thấy mua nhiều hàng thì họ xét nhưng không có những mặt hàng bị cấm thì cũng chẳng sao. Có lúc nhân viên kiểm soát hỏi chúng tôi có restaurant hay sao mà mua nhiều vậy" Khi được giải thích chúng tôi có một big family gồm chúng tôi và các con đã có gia đình thì họ chỉ cười. Cũng có khi nhân viên xét hàng lại chỉ đứng nghe chúng tôi giải thích sẽ làm gì với xương đuôi bò, những chiếc chân giò heo, với cá thu, với lá chuối, lá giong ... rồi cho đi chứ chẳng khám xét gì.

Hồi đầu tháng Bảy vừa qua, nhân được nghỉ, vợ chồng tôi rủ nhau đi Canada. Cũng như những lần trước, chúng tôi phải ngừng xe tại trại trạm kiểm soát biên giới để cho nhân viên hữu trách hỏi hay xét xe nếu họ thấy cần thiết. Nhân viên kiểm soát đang ngồi trong trạm hôm đó là một cô gái rất trẻ. Cô tươi cười chào chúng tôi rồi cũng hỏi những câu hỏi để mà hỏi, chẳng hạn có đem chất alchohol hay vũ khí vào Canada không... Sau đó cô đưa trả lại chúng tôi sổ passport trên đó cô để hai chiếc pin có hình quốc kỳ Canada để chúng tôi gắn lên áo. Tôi đỡ lấy sổ passport và hai chiếc pin này vừa nói cám ơn. Tuy trong lòng có hơi thắc mắc nhưng tôi và vợ tôi đều không hỏi gì. Xe rời trạm và chúng tôi tiếp tục trên phần đất Canada để đến Montréal.

Khi chúng tôi tới nơi thì lại một ngạc nhiên nữa. Các tiệm vàng là nơi chúng tôi thường đổi tiền đều đóng cửa, tìm kiếm mãi mới ra một chỗ đổi tiền. Hỏi ra mới biết hôm đó là ngày Quốc khánh Canada cho nên rất nhiều cửa tiệm không mở cửa. Lúc đó tôi mới nhớ ra trong tháng Bảy có ba quốc gia lớn kỷ niệm Quốc khánh: ngày 1 là Canada, ngày 4 là Mỹ và ngày 14 là Pháp.

Theo báo chí thì lúc Tổng thống Bush mới đắc cử, Thủ tướng Canada là ông Chretien tỏ ra lạnh nhạt. Tuy vậy Canada cũng đã sát cánh với Mỹ trong cuộc chiến chống khung bố bằng cách gửi quân tham chiến ở A Phú Hãn nhưng hiện nay Canada không ủng hộ Mỹ trong ý định tấn công Iraq. Gần đây Thủ tướng Chretien nói rằng ông chưa thấy có tang chứng biện minh cho việc Canada hỗ trợ Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh chống Iraq. Tuy nhiên mậu dịch giữa hai nước rất náo nhiệt. Tin tức báo chí cho biết trao đổi thương mại và dịch vụ giữa hai nước lên đến 1 tỉ 300 triệu đô la mỗi ngày.

Vì thường đi Canada, tôi có dịp so sánh về nếp sinh hoạt nơi mình ở với nước láng giềng. Tôi nghe nói Canada có chính sách y tế miễn phí cho mọi người dân thật hấp dẫn nhưng cũng nghe nói có nhiều người Canada sang Mỹ làm việc vì lương ở Mỹ cao hơn. Tôi nhận thấy giữa Vermont và Canada có một số khác biệt. Chẳng hạn trên các highway của Mỹ khi có đường cắt ngang thì người ta sẽ làm cầu băng qua bên trên highway hay là chung ở dưới highway để cho xe cộ đường ai nấy chạy, không bên nào phải ngừng lại. Ở bên Canada thì không phải vậy (tôi chỉ muốn nói đoạn đường đến Montréal, những nơi khác thì tôi không rõ), thỉnh thoảng tôi gặp những con đường cắt ngang highway mà không có cầu băng qua bên trên hay chung phía dưới highway cho nên đang chạy trên highway cũng gặp đèn đỏ phải ngừng lại.

Tôi thấy kỷ luật lái xe cũng khác. Lái xe ở Vermont khi muốn sang lane thì phải signal rồi còn phải nhìn ra sau để chắc chắn không có xe mới được qua. Ở Montréal tôi thấy xe chạy loạn xạ, luồn qua lách lại, chẳng cần signal, chẳng cần coi ngó, muốn qua là qua, thấy mà chóng mặt. Lái xe ở Montréal không được phép quẹo phải khi đèn đỏ. Nhiều lần đi Montréal tôi cứ quẹo tỉnh bơ như ở bên Mỹ về sau mới được biết ở Montréal không cho phép còn những nơi khác của Canada thì được. Cũng may chưa bị cảnh sát Montréal hỏi thăm sức khỏe. Tôi thấy xe cộ bên Canada ban ngày cũng mở đèn. Tôi có đem thắc mắc này hỏi một người bạn ở đây thì anh nói chẳng có luật lệ nào bắt như vậy, khi cho xe nổ máy thì đèn tự động bật sáng chứ chẳng cần mở. Tôi nghĩ đó cũng là một đòi hỏi các hãng xe khi nhập xe vào Canada chứ ở chỗ tôi đâu có xe nào khi nổ máy thì đèn tự động sáng đâu"

Trên đường đến Montréal chúng tôi phải qua cầu Champlain là cây cầu nằm trên một con đường huyết mạch, xe cộ chạy như mắc cửi. Cầu này khá dài nhưng chỉ có bốn nhịp có vòm chằng chịt những sắt là sắt, giống như cầu Bến Lức ở bên Việt Nam, phần còn lại thì giống như là đường bình thường. Chính bốn cái nhịp có vòm sắt đó làm cho tôi thắc mắc mỗi khi chạy qua cầu. Tôi lấy làm lạ là tại sao một cây cầu quan trong như vậy mà để cũ mèm, han rỉ trông mất mỹ quan. Lần đầu tiên khi tôi đưa ra thắc mắc thì bà xã tôi đoán có lẽ người ta đang xin tài khoản. Một thời gian sau đi qua thấy cầu vẫn vậy thì bà xã lại đoán có lẽ xe cộ chạy tấp nập ngày đêm nên việc sơn phết cũng khó khăn. Nhưng rồi hai ba năm sau cây cầu vẫn không có gì thay đổi. Tôi không tin rằng không có tài khoản để sơn cây cầu, tôi cũng không nghĩ rằng vì xe cộ tấp nập mà không thể làm công việc tu bổ cho cây cầu. Tôi nghĩ bụng nếu cây cầu ấy nằm trên đất Mỹ thì lúc nào cũng được sơn bóng láng chứ chẳng bao giờ phải đợi cho đến khi bị rỉ sét như vậy. Đúng là mỗi nơi có cách suy nghĩ khác nhau, có cách làm việc khác nhau.

Luật ở Vermont không cho phép hút thuốc ở nơi đông người như nơi làm việc, trong rạp hát, trên xe, trong tiệm ăn . . . Muốn hút thuốc thì phải ra ngoài, bất kể là mùa hè hay mùa đông. Nhiều nơi còn quy định hẳn một khu riêng biệt ở ngoài trời cho những người hút thuốc. Vào những ngày lạnh giá, tuyết rơi túi bụi nhưng dân nghiền vẫn phải ra bên ngoài, đứng co ro run rẩy với điếu thuốc trên tay, trông thấy thật tội nghiệp. Ở Montréal thì không như vậy, người ta hút thuốc ở khắp nơi. Trong tiệm ăn thực khách cứ tự do nhả khói khiến cho những thực khách khác không chịu được khói thuốc thật khổ sở nhưng cũng rán mà chịu!

Nói chung, Vermont không có những công trình kiến trúc đồ sộ, không có những địa điểm nổi tiếng, cũng không có chế độ y tế quốc dân như ở Montréal nhưng sao tôi vẫn thấy thích ở Vermont hơn. Mỗi khi đi Canada về, dù xe chạy trên cùng một con đường nhưng khi qua khỏi trạm kiểm soát biên giới, vừa bước vào phần đất của Mỹ là tôi cảm thấy như đã ở nhà. Tôi cảm thấy an toàn hơn, thoải mái hơn.

Thế mới biết quê hương, dù chỉ là quê hương thứ hai cũng làm cho ta nhung nhớ, quyến luyến khi đi xa và cho ta cảm giác khoan khoái dễ chịu khi về gần.

Hải Triều

Ý kiến bạn đọc
18/12/202121:35:15
Khách
cialis price https://cialiswithdapoxetine.com/
12/08/201821:02:00
Khách
ở đâu quen đó thôi bác ơi ,tôi ở Montreal nhưng cũng đã từng qua sống vài tiểu bang cũa Mỹ như Cali , New Jersey, Taxas , North carolina, SF , nhưng mỗi khi về lại nhà ở Montreal , tui mới thấy chính là nhà cũa mình , đất nước nào cũng có cái hay và cái dở ......
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,014,850
Nhạc sĩ Cung Tiến