Hôm nay,  

Chuyến Đi Bão Tố

05/10/200200:00:00(Xem: 133844)
Người viết: HOÀNG ĐÌNH MINH LONG

Bài tham dự số: 3003-656-vb51003

Tác giả 29 tuổi, hiện cư ngụ tại California; Công việc: Software Engineer cho hãng PerkinElmer. Lần đầu tiên tham dự Viết Về Nước Mỹ, ông gửi hai bài viết có nội dung liền lạc, gần như tiếp nối nhaụ. Từng chi tiết từ trên 10 năm đến Mỹ được kể lại tươi tắn, tinh tế và tử tế. Mong Hoàng Đình Minh Long sẽ tiếp tục nhịp viết đang có cho những kỷ niệm và kinh nghiệm của ông.

Tặng Ba và anh Cả

Với nỗi buồn phải xa quê hương còn nặng trĩu trong lòng, tôi bước lên chiếc máy bay TU-134 do Liên xô chế tạo đang chờ trên đường băng sân bay Tân sơn nhất.

Tôi được xếp ngồi cạnh một thiếu nữ nhỏ hơn tôi vài tuổi mà tôi chưa hề quen. Vì đang còn thương nhớ Tổ quốc thân yêu mà tôi đã sống mười tám năm, tôi chăm chú nhắm nhìn quê hương lần cuối qua khung cửa sổ máy bay. Quê hương mình quá đẹp với một màu xanh của lúa khu vực đồng bằng sông Cửu long.

Đang say sưa ngắm nhìn quê hương lần đầu tiên, và cũng là lần cuối cùng, từ trên không thì cô chiêu đãi viên hàng không Việt nam bước tới dãy ghế của tôi và cô thiếu nữ nọ, đặt xuống trước mặt chúng tôi một lon Pepsi và hai cái ống hút. Không biết vì ...tiết kiệm hay vì nghĩ hai chúng tôi là ...vợ chồng mà cô chiêu đãi viên chỉ cho một lon nước và hai ống hút. Cô bé bên cạnh nhanh nhẩu :

"Anh uống đi. Hồi nãy trước khi lên máy bay mấy đứa bạn học đi tiễn em có mua nước cho em uống rồi."

"Anh cũng không khát. Đang nhớ Việt nam quá, không uống nổi em ơi."

Thế rồi chúng tôi cùng hỏi chuyện nhau. Chẳng đứa nào... dám đụng đến lon Pepsi. Chẳng bao lâu sau thì máy bay đáp xuống Thái lan. Trước khi xuống, cô bé bảo tôi mang theo lon nước để lát nữa có khát thì uống, để lại uổng. Nghe có lý, tôi bỏ lon nước vào túi.

Vì là di dân từ Việt nam qua, chúng tôi không được đi cửa trước phi trường; chúng tôi leo xuống máy bay rồi chui qua một hàng rào kẽm gai vào một cái sân có mái tôn trên đầu. Theo các bạn tôi đi trước thì phi trường Bankok đẹp. Theo tôi thì cái sân chúng tôi bị... lùa vào chẳng khá hơn ga xe lửa Hòa Hưng Sàigòn tí nào. Mấy người đi chung bảo rằng vì mình ở Việt nam mới qua nên phải đi cổng sau. Chừng nào đi Mỹ, lúc đó mới được đi cổng trước, ở đó đẹp lắm.

Ngồi ngoài phi trường Bangkok đến trưa thì được phát cơm. Cơm và đồ ăn được đựng trong mấy cái hộp bằng foam rất đẹp. Ăn xong thấy mọi người vứt cái hộp vào thùng rác mà thấy tiếc; cứ muốn giữ lại để recycle.

Vào trại được hai hôm thì được thông báo là sáng hôm sau có cô giáo sẽ giảng dạy về cách hòa nhập vào cuộc sống ở Mỹ. Cô giáo là một người Việt nam, sống và làm việc tại Mỹ. Cô có chồng là Mỹ. Có lẽ muốn giúp dân mình nên cô qua đây để dạy người mình. Cô dạy từ cách ăn mặc cho đến cách đi xin việc.

Có một vài điều cô dạy mà tới ngày hôm nay, hơn mười một năm sau, tôi vẫn còn nhớ: người Mỹ rất sạch sẽ và lịch sự. Họ không...móc mũi ngoài đường, trong khi người Việt nam hay để móng tay út thật dài để...móc mũi cho nó...phê. Có lẽ hầu hết các học sinh của cô có trí nhớ kém hay... dốt quá hay sao mà qua bây giờ tại Mỹ, tôi vẫn thấy người Việt nam mình... móc mũi cứ như... thật ở ngoài đường, trước công chúng. Cô cũng dạy là người Mỹ không cắt móng tay trước mặt người khác. Cô kể rằng nỗi khi cắt móng tay, cô phải vào phòng tắm để chồng cô không thấy. Tôi cố gắng ghi trong lòng lời cô dạy để đem ra thực hành khi qua đến Mỹ.

Sau mười hai ngày trong trại, tôi cùng gia đình lên máy bay qua Mỹ. Vì số người ứ đọng trong trại quá đông, Cao ủy liên hiệp quốc quyết định thuê riêng một chuyến máy bay chỉ để chở di dân. (Thông thường, khoảng vài chục di dân Việt nam đi các chuyến bay cùng với khách ngoại quốc, đi cửa trước phi trường). Ngày hôm ấy, khoảng năm trăm di dân bồng bế nhau lên chiếc Boeing 747. Vì cả chiếc Boeing 747 chỉ chở toàn di dân, nên chúng tôi phải đi cổng sau, như khi vừa từ Việt nam qua. Thế là chúng tôi chẳng biết phi trường Bankok đẹp thế nào. Nhân viên Liên hiệp quốc, qua lời thông dịch của một di dân Việt nam, yêu cầu mọi người xếp hàng một rồi lần lượt bước qua hàng rào để lên máy bay. Trong chuyến bay này cũng có vài chục người Miên đi cùng. Họ xếp một hàng riêng cạnh hàng người Việt nam.

Khi nhân viên phi trường mở cửa hàng rào kẽm gai để chúng tôi bước qua rồi trèo lên máy bay, dân Việt nam mình bắt đầu chen lấn xô đẩy để... xí chỗ ngon trên máy bay. Cảnh tượng chen lấn xô đẩy nhắc nhớ tôi hình ảnh xếp hàng mua vé xem phim "Cánh cửa mở rộng" tại rạp Minh Châu hồi năm 1979 hay cảnh má tôi phải xô lấn ở bến xe miền đông để mua vé xe đi thăm ba tôi trong trại cải tạo.

Mặc cho nhân viên phi trường la hét rằng không cần chen lấn, máy bay có đủ chỗ cho mọi người, dân Việt ta, trong áo veston cà vạt, hoặc áo dài, áo đầm, cứ... vật lộn nhau để mình được lên máy bay trước. Gia đình tôi, có lẽ vì an phận, cho nên đứng cuối hàng quan sát, chẳng cần tham gia... cuộc vui. Trong tiếng la hét ốn ào của dân mình, tôi quan sát hàng bên cạnh của các bạn Miên: họ im lặng, trong tật tự, từng người một, kẻ trước người sau, họ bước lên máy bay. Họ nhìn sự chen lấn xô đẩy của người Việt nam với một con mắt đầy ngạc nhiên pha một chút khinh thường. Thấy những người dân của nước Miên nhỏ bé láng giềng trật tự, lịch sự lên máy bay, tôi quá xấu hổ khi nhìn lại cảnh tượng hỗn độn trong hàng Việt nam.

Cuối cùng thì mọi người cũng lên máy bay, tôi và gia đình là những người sau cùng bước vào máy bay. Một lần nữa, cảnh tượng trong máy bay làm tôi xấu hổ: tiếng chửi bới la ó giành chỗ ngồi. Các cô chiêu đãi viên hàng không người Mỹ, trán đầy mồ hôi vì lo sắp xếp chỗ ngồi cho di dân, nhìn nhau lắc đầu. Khi chúng tôi vào được lòng máy bay thì đã hết chỗ ngồi. Chúng tôi định ngồi xuống ba cái ghế ngay cửa ra vào thì một cô chiêu đãi viên ngăn chúng tôi: "Các bạn không được ngồi đây. Chỗ này dành riêng cho những ai có thể nói và nghe tiếng Anh để giúp chúng tôi mở cửa máy bay khi gặp tai nạn." Tôi bảo cô rằng chúng tôi hiểu tiếng Anh. Thế là cô cho chúng tôi ngồi ngay chỗ ấy. Hóa ra, chúng tôi lên sau cùng nhưng lại được chỗ tốt nhất, vì trước mặt chúng tôi là lối ra vào nên chúng tôi tha hồ duỗi chân tay mà không vướng ghế người ngồi trước.

Chỗ chúng tôi ngồi gần chỗ các cô chiêu đãi viên ngồi. Khi máy bay đã cất cánh, một cô hỏi tôi :"How long did you have to wait to come to the US"" (Phải mất bao lâu từ ngày làm giấy bảo lãnh anh mới được đi Mỹ"). Tiếng anh... tiếng em của tôi lúc bấy giờ còn tệ quá, tôi lại tưởng cô ta hỏi chúng tôi phải ở Thái bao nhiêu lâu. Tôi trả lời: "12 ngày". Sau khi cô ta giải thích tôi mới cho cô biết rằng chúng tôi phài mất tám năm chờ đợi. Sau khi trao đổi một hồi, cô cho biết rằng chiếc máy bay chúng tôi đang đi là dùng để chở lính Mỹ. Nhưng vì người di dân Việt nam quá ứ đọng tại Thái lan, nên chính phủ Mỹ thuê bao chiếc máy bay ấy để chở di dân.

Từ Bankok máy bay chở chúng tôi đáp xuống ĐÕài loan để lấy thêm nhiên liệu và thức ăn. Chúng tôi được phép xuống máy bay để nghỉ ngơi trong vòng hai tiếng. Má tôi kể: khi vào nhà vệ sinh tại phi trường Tapei, gạch lát bóng đến nỗi các bà Việt nam tưởng là Đài Loan ở dơ để nước ngập nhà cầu lênh láng. Sau khi biết mình lầm, các bà kháo nhau "Thì ra người ta lát gạch sạch bóng như phòng khách nhà giàu mình ở Việt nam".

Sau khi nghỉ ngơi, máy bay bay mười mấy tiếng đồng hồ để tới... Alaska. Vì chỉ cần lấy xăng, chúng tôi không được xuống máy bay để nghỉ ngơi như tại Đài loan. Ngồi trên máy bay nhìn ra ngoài, trời tối om. Một điều lạ xảy ra khi máy bay cất cánh: khi đậu trên phi đạo, trời tối đen như mực; máy bay vừa cất cánh được năm phút, tự nhiên bầu trời sáng choang, mặt trời chói chang trước mắt. Mọi người đều ồ lên ngạc nhiên, cô chiêu đãi viên giải thích rằng máy bay chúng tôi vừa vượt qua lằn ranh giữa ngày và đêm.

Sau vài giờ bay, máy bay chuẩn bị đáp xuống phi trường San Francisco. Mọi người, qua thông dịch viên, được thông báo là chuẩn bị rời máy bay, nhưng phải đợi khi nào máy bay dừng hẳn mới được bỏ dây an toàn. Chỉ cần nghe là máy bay sắp đáp xuống đất Mỹ, bà con ta lại nhao nhao cả lên. Một số người bỏ dây an toàn để dễ nhìn qua cửa sổ máy bay. Tội nghiệp các chiêu đãi viên lại một phen vất vả nhắc nhở.

Sau khi xuống phi trường San Franciso, chúng tôi phải làm thủ tục nhập cảnh Hoa kỳ. Một cô nhân viên, người Việt nam, mang giấy tờ cho chúng tôi điền vào. Ông anh của tôi, phần vì mệt, phần vì sợ làm sai bị tống cổ ra khỏi Mỹ, liền hỏi cô nhân viên Việt nam: "Điền đơn bằng tiếng Anh hay tiếng Việt"" Cô ta chống nạnh quát: "Anh muốn điền bằng tiếng gì tôi cũng chấp hết; Anh, Pháp, Miên, Lào gì cũng được." Có lẽ cô ta nghĩ rằng ông anh tôi mới Việt nam qua mà bày đặt khoe tài tiếng Anh với cô, một người sống ở Mỹ lâu năm.

Tội nghiệp ông anh tôi, chỉ vì được cô giáo bên Thái Lan dạy rằng ở Mỹ cái gì không hiểu thì phải hỏi, đừng theo lối Việt nam, cứ im lặng mà làm, cho nên mới te te hỏi để bị... xạc cho một hơi. Giờ nghĩ lại thấy lòng buồn rời rợi: người Mỹ, như các cô chiêu đãi viên Mỹ, thật vui vẻ giúp đỡ những người da vàng mũi tẹt Việt nam mình; trong khi người đồng hương với nhau lại hách dịch với nhau. Dân tộc Việt nam đau khổ quá nhiều cũng vì lý do này: dân cùng một giòng máu nhưng không hề yêu thương tôn trọng nhau.

Sau khi làm thủ tục nhập cảnh xong, chúng tôi phải... cuốc bộ gần nửa tiếng đồng hồ, đi từ bên này phi trường qua bên kia phi trường. Tới nơi, chúng tôi mệt lả vì vác đồ nặng mà đi quá xa. Mồ hôi nhễ nhại, cộng thêm gần một ngày không tắm, tôi... ngứa nhưng không dám... gãi vì nhớ lời cô giáo ở Thái lan. Tôi sợ người Mỹ cười. Vì ba tôi ở Los Angeles, chúng tôi phải đợi chuyến bay từ San Francisco về Los Angeles.

Khoảng hai tiếng sau, chúng tôi leo lên chiếc Boeing 727 của hãng United Airline. Trời hôm ấy nhiều mây, máy bay lại nhỏ nên chuyến bay rất dằn. Tôi sắp sửa ói tới nơi, thì thiếp đi vì quá mệt. Khi được mẹ tôi đánh thức dậy thì máy bay đang từ từ cập vào bến. Thế là đã đến nơi. Ngoài phòng chờ, chắc ba, anh cả và các bác tôi đang chờ. Ông anh tôi vì yếu hơn tôi nên... tặng cho tôi hết đống hành lý, chạy ra ôm chầm lấy ông anh cả. Mẹ tôi thì được ba tôi ôm lấy và tặng cho một bó hoa thật to. Còn thằng tôi thì tay xách nách mang, mãi một hồi mới ló mặt ra. Gặp lại người thân, mọi người đều mừng mừng tủi tủi. Chỉ có mỗi thằng tôi, vì quá mệt với đống đồ, không còn biết xúc động là gì.

Sau hơn nửa giờ lái xe, chúng tôi về đến nhà. Ba tôi đãi mọi người món cháo gà. Ông kể rằng, cách đây hơn một tuần, ông được báo là má và chúng tôi sẽ qua tới vào thứ hai. Ông lo nấu nướng thật thịnh soạn, chuẩn bị đón chúng tôi cũng như để đãi các bác. Thế rồi, sáng thứ hai, nhân viên INS gọi lại nói rằng chuyến bay bị hoãn lại. Tội nghiệp ba và anh cả tôi phải... nhậu hết. Thứ tư ông lại được báo rằng chúng tôi sẽ qua tới thứ sáu. Ông lại nấu đồ ăn chuẩn bị. INS lại gọi báo rằng chuyến bay bị hoãn nữa. Thế là ông và anh cả tôi lại phải nhậu lần nữa. Đến lần cuối khi được báo tin rằng nhà tôi sẽ qua đến thứ tư ngày 12 tháng 8, sợ bị... nhậu hụt như những lần trước, ba tôi chỉ nấu nồi cháo gà, để lỡ phải nhậu, thì chỉ phải húp thôi. Lần này thì nhà tôi qua thật, thế là chúng tôi chỉ có cháo húp.

Giờ đây, hơn mười một năm sau, tôi vẫn còn nhớ như in cuộc hành trình của gia đình tôi qua Mỹ. Những khi đi chợ Việt nam, thấy người Việt chen lấn xếp hàng mua cá, tôi lại nhớ đến những người Miên tại phi trường Bankok năm nào. Những khi gặp vài người Việt Nam hách dịch, tôi lại nhớ cô nhân viên tại phi trường San Francisco. Tuy nhiên, dù vẫn nhớ bài học của cô giáo tại Thái lan, nhưng tôi vẫn tự nhiên... gãi mỗi khi ngứa vì bị muỗi chích.

Biết đến khi nào người Việt nam mới biết bỏ những tật xấu để yêu thương và tôn trọng nhau.

Hoàng Đình Minh Long

Ý kiến bạn đọc
10/07/201120:53:52
Khách
ặc.. ặc..!!! đọc bài của bạn lúc nào cũng khiến tôi cười... Cảm ơn bạn đã tặng tôi những giây phút thoải mái và cả những phút giây trăn trở...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,242,100
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến