Hôm nay,  

Người Lính Năm Xưa

07/11/200200:00:00(Xem: 323987)
Người viết: LÊ NHƯ ĐỨC

Bài tham dự số: 2-589-vb70706

Lê Như Đức là tác giả nhiều bài Viết Về Nước Mỹ rất được người đọc quí trọng.
Ông sinh năm 1962 tại Saìgòn, Việt Nam.Nghề Nghiệp hiện tại: Kỹ sư cơ khí cho Boeing, thành phố Houston. Gia Đình: Vợ và hai con gái, Học vấn: Cao học cơ khí. Sau đây là bài viết mới nhất của ông. Bài đăng 2 kỳ.

*

Tôi gặp anh là duyên số. Anh gặp tôi là cố tình. Dù duyên phận hay cố ý, tôi vẫn luôn sung sướng khi biết được anh. Cho dù chỉ ở với anh chưa đến hai ngày tôi vẫn nhớ mãi những kỷ niệm thật đậm đà, nhẹ nhàng đến từ anh, từ gia đình anh và cả từ thành phố anh ở, El Paso.

Tháng 7 năm 1998, gia đình tôi qua California làm. Công ty chỉ cho gia đình tôi bốn người mướn một cái xe. Khi tôi lái xe đi làm, vợ con tôi bị treo giò, nằm ở nhà ngóng. Nhiều khi cần đi chợ hay đi học, vợ tôi lại phải chở tôi tới sở sáng sớm. Nhìn hai cô con gái còn ngái ngủ phải thức dậy sớm, tôi chịu hết nổi. Một buổi chiều thứ năm, nhân nghỉ lễ cuối năm, tôi phóng ra phi trường, lấy vé bay về Houston rồi một mình lái xe qua lại California.

Đường từ Houston qua tới Huntington Beach dài khoảng 1550 dặm Anh. Tôi tính lái đi tổng cộng hai ngày, rời Houston từ sáng sớm hôm thứ sáu và sẽ tới California vào chiều thứ bẩy. Theo lịch trình thì ngày đầu tiên tôi sẽ lái một nửa, khoảng hơn 750 dặm tới thành phố nằm tận cùng của tiểu bang Texas, El Paso. Tôi sẽ tìm một quán ăn Việt nam, dùng bữa cơm chiều thật xôm tụ để lấy sức rồi kiếm một khách sạn nghỉ qua đêm. Sáng hôm sau thức dậy lúc mặt trời chưa mọc, vừa phóng xe đi vừa ăn sáng thì có lẽ sẽ tới California trước bữa cơm chiều.

Có lẽ đối với dân Mỹ thì bữa cơm chiều là quan trọng nhất. Thường thì người Mỹ ăn trưa trong sở làm. Một miếng bánh mì sandwich kẹp vài ba miếng thịt nguội, một trái táo và lon nước ngọt. Có người bỏ luôn bữa trưa, chỉ ăn bữa sáng thật nhiều rồi nhịn cho tới bữa ăn chiều.

Với dân Việt nam thì ba bữa sáng, trưa, chiều đều quan trọng như nhau. Ngày còn nhỏ, tôi nhớ sáng sáng thường làm một bụng đầy trước khi đi học. Lúc thì cơm tấm, khi lại bánh xèo, nào bánh tầm bì, nào bánh cuốn rồi bánh mì thịt nguội. Trưa đi học về, cả nhà quay quần chung quanh bàn ăn với đầy đủ các món trước khi làm một giấc ngủ trưa dài. Chiều, trời chưa tối gia đình chúng tôi lại quay quần chung quanh bàn ăn một lần nữa. Thỉnh thoảng ngủ trưa dậy tôi lại ra đầu xóm làm một tô bánh canh giò heo nóng hổi. Tối khuya, có lúc bố tôi kêu đói, anh em chúng tôi lại lục đục lên xe đi tới quán mì. Không mì xào cây dừa thì cũng mì xào cây me. Cây nào anh em chúng tôi cũng xơi. Tính tới tính lui, tôi nhớ có ngày ăn đến năm lần. Anh em chúng tôi vẫn không mập.

Qua đến Mỹ, ngày ngày phải đi làm tám tiếng, nên buổi trưa đối với tôi giấc ngủ quan trọng hơn miếng ăn. Do vậy bữa ăn chiều phải thật thịnh soạn, phải đầy đủ chất bổ dưỡng. Với bữa sáng, nhiều khi ly cà phê cần thiết hơn miếng bánh mì. Tuy nhiên phải có một chút xíu vô bụng thì mồm miệng mới thơm tho, ăn nói mới thông. Ngày còn nhỏ, bố tôi thường dậy anh em chúng tôi sáng phải có chút gì vô bụng để bịt cái hơi hôi, thông từ ruột đi lên. Cho dù mình có đánh răng, nạo lưỡi hay xúc nước thơm cách mấy, không có chút gì vô bụng, mở miệng nói vẫn nặng mùi. Mùi hôi xông từ bao tử, từ ruột non, ruột già đi lên không thuốc thơm nào trị được. Chỉ cần một miếng bánh donut nho nhỏ hay nửa củ khoai lang đóng cái cửa thông hơi, hơi miệng bảo đảm sẽ không bay mùi. Cà phê chỉ để tỉnh ngủ chứ không chữa được hết mùi. Do đó tôi thường chỉ ăn một chút xíu vào buổi sáng sớm để ăn nói cho ngọt ngào chứ chẳng phải cho no. Bữa ăn trưa thường lè phè, có ít ăn ít, có nhiều ăn cũng ít để lẹ cho giấc ngủ trưa. Tất cả tôi đều tập trung vào bữa ăn chiều. Tôi phải tới El Paso và California trước bẩy giờ tối để sửa soạn cho bữa cơm chiều.

Tôi tới El Paso sớm hơn dự tính, trước sáu giờ chiều. Kiếm được một khách sạn thuận tiện nằm cạnh quốc lộ số 10. Quốc lộ số 10 có lẽ tất cả dân của mọi tiểu bang phía nam nước Mỹ ít nhiều cũng phải một lần đi qua. Nó chạy từ tiểu bang Florida qua tới California. Nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương. Cái khách sạn be bé xinh xinh, chỉ có khoảng năm chục phòng là cùng. Tôi thích chọn khách sạn nhỏ với một tầng trệt để đậu xe ngay trước cửa phòng, khỏi mất công khiêng đồ lên xuống. Đi với vợ con thì tôi phải chọn khách sạn lớn, đầy đủ tiện nghi vì con tôi thích cầu thang máy và vì vợ tôi sợ không được an toàn.

Vừa lấy được phòng ngủ là tôi vội tìm cuốn sách niêm giám điện thoại. Hầu như ngày nay bất cứ cuốn sách niêm giám điện thoại của mọi thành phố trên đất Mỹ đều có họ Nguyễn và bất cứ người Việt Nam tỵ nạn Cộng sản cũng đều có họ hàng sống ở Cali. Lựa một tên thật bình thường tôi bấm số hỏi địa chỉ nhà hàng Việt Nam. Đầu dây bên kia, giọng người đàn bà trả lời ngắn một tiếng Hello. Tôi lên tiếng :

- Xin lỗi có phải nhà Việt Nam không ạ "

Người đàn bà ngập ngừng giây lát rồi bập bẹ trả lời tôi:

- Ông ..đợi ..chút ..chút.

Khoảng hai phút sau, giọng người đàn ông vang trong điện thoại:

- A-lô, ai đó "

Tôi lập lại câu hỏi cũ :

- Xin lỗi có phải nhà Việt Nam không ạ "

- Đúng vậy. Anh tìm ai "

Tôi vội giải thích:

- Thưa anh, em lái xe từ Houston qua Cali, giữa đường ngừng nghỉ ở El Paso tối nay. Em muốn tìm một quán ăn Việt Nam. Em coi trong cuốn điện thoại thấy tên anh nên gọi hỏi đường. Anh có thể chỉ giúp em quán ăn Việt ở vùng này "

Người đàn ông cười trả lời:

- Vùng này có vài quán nhưng họ lại nấu lai theo kiểu Mễ để câu khách Mỹ, khách Mễ. Chú ăn không được như ở Houston hay Cali đâu. Có một tiệm tạm tạm được nhưng đường đi lại hơi khó, tiệm lại không có bảng hiệu rõ ràng. Chú hiện giờ đang ở đâu"

Tôi nói tên khách sạn của tôi đang mướn. Người đàn ông tiếp:

- Anh biết chỗ chú ở rồi. Cũng gần nhà anh thôi. Chú đợi khoảng mười lăm phút anh tới dẫn chú đi.

Tôi chưa kịp trả lời chỉ nhờ anh chỉ đường để khỏi làm phiền thì anh đã nhanh cúp điện thoại. Nằm dài trên cái giường to nhìn lên trần nhà, tôi nghĩ vớ vẩn đến người đàn ông kỳ lạ này. Mình chỉ hỏi đường, anh đòi tới dẫn mình đi. Chưa kịp nói số phòng, anh đã cúp phôn. Hình như anh đã biết tôi là ai và sẽ phải làm gì. Tôi bước vào phòng tắm xả nước nằm ngâm mình cho bớt cơn mệt nhọc sau hơn mười tiếng đồng hồ lái xe mà lòng vẫn băng khoăng nghĩ tới người đàn ông lạ kỳ này.

Chưa đầy mười lăm phút, điện thoại phòng tôi reo vang. Tôi nghe giọng anh vang rền trong máy:

- Chú ra văn phòng chính của Hotel. Anh đang đợi chú ở ngoài này đây.

Vẫn vội vã như lúc trước, tôi chưa kịp trả lời, anh đã cúp điện thoại. Tôi khóa trái cửa phòng, lững thững đi ra văn phòng của khách sạn tôi đang mướn. Ngay chỗ quầy làm giấy tờ cho mướn phòng, một người đàn ông Việt Nam tuổi dễ qúa năm mươi, người to lớn, đang đứng phân trần với nhân viên của khách sạn. Tôi bước lại gần thấy họ nói với nhau bằng tiếng ...Mễ. Người đàn ông Việt Nam bỗng nhiên ngưng nói, quay qua nhìn tôi như ra lệnh:

- Chú đưa credit card cho nó đi. Nó bằng lòng hoàn lại tiền phòng cho chú rồi. Nhà anh dư phòng, chú tới ở đêm nay, đỡ được hơn sáu chục bạc.

Tôi ú ớ chưa biết trả lời ra sao, thì anh lại tiếp:

- Chú mới mướn phòng chưa được nửa tiếng đồng hồ nên có quyền lấy lại hết tiền.

Anh nhìn cái đầu ướt của tôi rồi cười hì hì:

- Theo luật thì chú không được tắm đâu. Nhưng anh nói với tên ngố này chú chưa đụng gì đến đồ trong phòng. Ngay cả cái thùng rác. Lẹ lẹ lên không nó đổi ý, lại mất công giải thích. Mình phải đánh thật mau, rút thật lẹ mới được.

Tôi ngập ngừng:

- Anh đừng lo. Tiền khách sạn, công ty của em sẽ hoàn lại. Ngay cả tiền ăn dọc đường nữa. Em chỉ cần tìm tiệm Việt Nam để ăn tối nay.

Anh lắc đầu, quơ tay liên tục:

- Có trả cũng về nhà anh ở. Vừa rộng rãi, thoải mái, vừa an toàn đóng quân hơn nơi đây nhiều. Chú nghe anh nói, đưa credit card cho nó đi.

Thấy anh hối mấy lần, tôi phải đưa thẻ tín dụng của tôi cho người nhân viên khách sạn. Hình như anh ta cũng không muốn cãi lộn bằng tiếng Mễ với người Việt nữa nên nhận lấy thẻ nhanh nhẹ quẹt vào máy, trả tiền lại cho tôi trong tích tắc. Khi người nhân viên khách sạn đưa tờ biên nhận hoàn lại tiền cho tôi, anh cẩn thận nhắc nhở:

- Chú coi cho kỹ đó. Lộn tới Cali gọi kiện nó không chịu trả đâu. Có lấy lại được thì cũng tốn gần hết tiền cho điện thoại long distance. Đừng để địch nắm đằng chuôi.

Anh theo tôi về lại phòng ngủ để dọn đồ đạc ra xe. Vừa đi anh vừa tự giới thiệu mình:

- Anh ở đây dễ cũng tới hai chục năm hơn. Ngày xưa lúc mới qua cũng trấn ở Cali một thời gian. Rồi không thích ồn ào bay về đây ở ẩn. Án binh bất động.

Tôi cười tiếp lời anh:

- Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người xuống phố Bô-sa.

Anh cười lớn lặp lại câu thơ ... thẩn của tôi rồi bỗng thấp giọng:

- - Đây đàn bà Mễ nhiều lắm, lại chịu đàn ông Việt mình nên không phải là nơi vắng vẻ đâu. Chú nhớ đấy, đàn bà Mễ hành quân còn mạnh hơn cả cánh ta ở Cali nhiều.

Tôi khuân đồ ra xe rồi lái theo anh về nhà. Nhà anh cách cái khách sạn tôi mướn chỉ khoảng năm dặm Anh thôi, nhưng trời đã xẩm tối nên anh lái thật chậm sợ tôi theo không kịp. Khi tôi tới được nhà anh thì đường phố đã lên đèn, nhà nhà đều đèn đuốc sáng trưng. Trước cửa nhà, một người đàn bà và hai đứa con trai vội mở cửa ra đứng đón khi nghe tiếng còi xe anh bấm lúc chúng tôi đậu xe vào bãi đậu xe của nhà.

Căn nhà anh vừa vặn, xinh xắn sơn mầu xanh nhạt. Vườn trước rộng mênh mông với bãi cỏ lớn, hợp đúng tiêu chuẩn của tiểu bang Texas. Một cây cổ thụ lâu đời mọc giữa bãi cỏ như che phủ lấy căn nhà. Thân cây cắm hai lá cờ: cờ Việt Nam Cộng Hòa và cờ Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Trước cửa vào nhà là một dãy hàng hiên dài với cái ghế xích đu treo lủng lẳng và vài ba cái ghế nhựa mầu xanh lá cây đậm để ngổn ngang gần cửa ra vào.

Anh mở cửa xe bước xuống, hai đứa bé chạc mười tuổi chạy vội ra ôm anh. Chúng nhìn tôi lễ phép khoanh tay chào. Giọng Việt nghe rõ ràng. Người đàn bà đứng yên nơi cửa chào đón. Từ xa tôi cũng đã nhận đoán chị không phải người Việt Nam qua vóc dáng cao lớn của chị. Nếu mang giầy hơi cao gót, tôi chắc chắn chị sẽ cao hơn anh. Mái tóc hơi ngả mầu vàng, chị trông lối bốn mươi hơn.

Thường thường, người đàn bà Mễ không giữ được thân hình thon gọn sau khi lấy chồng sinh con. Có lẽ vì dân Mễ thích ăn đậu, ưa ngồi nhiều nên dễ phì. Người đàn bà Mễ đang đứng trước mặt tôi là một ngoại lệ. Dáng chị cao lớn nhưng không xồ xề, thân người to nhưng không thô, tay chân dài nhưng không thừa thãi. Chị nhìn tôi mỉm cười nhẹ, nói bập bẹ vài ba câu xã giao tiếng Việt:

- Mời anh vô nhà. Mời anh nghỉ. Anh đi xe có mệt không"

Tôi có bạn gốc Mễ, được dạy nói vài câu xã giao vớ vẩn, nên trả lời câu hỏi của chị bằng tiếng Mễ. Anh và chị đều cười to khi thấy tôi pha trò. Hai đứa bé không hiểu mấy nên ngẩn mặt tò te. Có lẽ anh ít bạn tới nhà chơi nên chúng có vẻ không được tự nhiên với tôi nhiều. Riêng anh và chị thì thoải mái hơn. Anh vừa kéo lê cái va-li hành lý của tôi vào nhà vừa chỉ chị và hai đứa con giới thiệu tên:

- Đây là Silvia. Tụi nhỏ tên An và Lộc. Chú đóng quân ở đây rộng rãi không sướng sao. Tội chi ẩn vào cái Hotel đó. Anh nói chú nghe. Nhân tiện chú đi ngang qua đây, ở chơi với anh mấy ngày rồi hãy về Cali.

Tôi cười thoái thác ngay:

- Anh cho em ở một đêm thôi. Mang phải lên đường. Em có nhiều chuyện lắm. Sáng thứ hai đi làm sớm, không ở lâu được đâu. Khi lái xe về lại Houston, có nhiều giờ hơn em sẽ ở lâu hơn.

Anh lắc đầu liên tục:

- Mấy khi có dịp. Chú đừng dùng kế hoãn binh. Mai thứ bẩy chú ở lại đây một ngày. Sáng sớm chủ nhật lái xe đi sớm, tới Cali vào lúc xế chiều. Sáng thứ hai dậy đi làm lại. Anh tính chú thấy sao"

Tôi vẫn lắc đầu từ chối :

- Mệt lắm anh ạ. Em muốn tới sớm, có một ngày nghỉ cho khoẻ.

- Thanh niên như chú thì đánh đấm Việt cộng sao nổi. Tới Cali chỉ cần ngủ một đêm thôi là mai có thể đi làm được rồi. Ngày xưa đi đánh giặc, chúng tôi chỉ ước được vài tiếng nghỉ mà chả có. Nhiều khi thức trắng đêm đến sáng thức tiếp. Ngủ nhiều là có thể ...ngủ luôn.

Thấy anh có lòng, tôi im lặng chấp nhận. Tính tôi dễ dãi. Ngày xưa, lúc mợ tôi còn sống thường nói tôi là con cừu, muốn sao cũng được, không thích làm trái ý ai.

Trong nhà anh đồ đạc bầy đơn sơ, không kiểu cách mấy. Phòng khách nhỏ với bộ nghế xa lông có lẽ trên chục năm hơn đã ngã mầu xanh lá cây đậm thành lạt. Cái vô tuyến truyền hình đặt góc phòng cũng kiểu xa xưa với hai cây ăn-ten cao lêu nghêu để trên nóc. Dàn máy nhạc cũ kỹ để cạnh với cái gía nhỏ đựng dĩa và băng nhạc. Phía trong là nhà bếp bốc khói nghi ngút. Tôi ngửi được mùi bún riêu thoang thoảng cộng lẫn mùi nồng nồng của mắm tôm. Phía trái của phòng khách là phòng ăn với cái bàn gỗ mầu vàng nhạt và sáu cái ghế đặt chung quanh. Hai đứa bé lo phụ mẹ bầy chén đũa lên bàn. Người đàn bà Mễ đương hý hoáy nấu đồ ăn Việt Nam trong bếp. Anh nhìn tôi quảng cáo:

- Hôm nay anh cho chú thưởng thức món bún riêu nổi tiếng của vùng này. Đặc sản thuần túy của dân Việt Nam do đầu bếp... ngoại quốc nấu. Chả có tiệm nào ở đây nấu đồ ăn Việt Nam bằng Silvia đâu. Khỏi phải đi đâu kiếm tiệm chi cho mất công. Nhà này là tiệm ăn số một của vùng El Paso.

Trong cuộc đời, tôi may mắn sống nhiều nơi, đi nhiều chỗ và cũng được ăn nhiều món lạ. Có thể nói tôi rất hài lòng khi có được một cuộc sống đa dạng và trôi nổi. Tôi đã từng sống trong tù vượt biên, lúc lang thang ngủ trên nóc xe lửa cả tháng trời, khi lại nằm trong khách sạn thật sang trọng, mắc tiền tuần lễ hơn. Từng phá rừng Long Khánh, đốn cây trên đảo tỵ nạn Mã Lai, rồi một ngày lại được ngồi họp trong những phòng ốc tối tân nhất của thế giới. Có lúc khổ cực phải bươi khoai mì ăn sống, nhiều khi tôm hùm, đồ biển lại ngập bàn. Đi nhiều, thấy nhiều, nhưng có lẽ hình ảnh người đàn bà Mễ có chồng Việt Nam đứng trong bếp nêm nước mắm vô nồi bún riêu là một thích thú đặc biệt nhất trong cuộc sống lưu vong của tôi. Nó vừa là hình ảnh của một sự buồn bã chia cắt sống lưu lạc nơi xứ người phải lấy vợ ngoại quốc, vừa lại là một sự kết hợp hạnh phúc giữa các sắc dân nơi vùng đất tạm dung. Nó là sự chấp nhận thay đổi với cuộc sống mới nhưng lại không quên được quê hương qua những mùi vị của chai nước mắm, của lọ mắm tôm. Silvia sẽ mãi mãi không nấu bún riêu ngon bằng chị tôi hay vợ tôi nấu. Nhưng chiều hôm đó tôi đã có được một bữa ăn đầy hương vị của đất nước tôi. Tô bún của tôi có cả rau muống chẻ, có tía tô, kinh giới, có hành phi cháy dòn, và có đậu hũ chiên chấm nước mắm nguyên chất hiệu một con cua. Tôi còn nhớ mãi lời anh dặn:

- Nước mắm phải là đúng hiệu một con cua, tuy hơi đắt nhưng ăn mới đúng điệu. Ba con cua rẻ hơn nhưng không đậm đà bằng. Nước mắm mực chỉ dùng để nêm vô nồi nước lèo chứ không thể chấm ăn được. Chú nhớ đấy.

Buổi tối mùa đông trời El paso chuyển lạnh xuống thật mau. Anh và tôi bước ra ngoài hàng hiên trước nhà ngồi ghế xích đu, uống cà phê phin, ngắm trời xứ người. Hai lá cờ, Mỹ và Việt, gió lộng thổi tung bay phần phật trước mặt chúng tôi. Hình như tối nào sau bữa cơm chiều anh cũng đều ra đây ngồi ngắm chúng. Đã hơn hai mươi năm sau ngày nước mất, hình ảnh cuộc chiến vẫn chưa phai nhòa trong anh.

Ngồi càng lâu sương khuya xuống càng đậm, anh càng ít nói. Giọng anh lạc hẳn khi hỏi tôi hay tự hỏi chính mình:

- Tại sao một quân đội hùng mạnh, thiện chiến vào bậc nhất của thế giới lại vất súng đầu hàng một lũ người ngu dốt, người không ra người, ngợm chả ra ngợm" Không bắn được một viên đạn mà phải bỏ chạy. Cho đến giờ nghĩ lại anh cũng không thể tưởng tượng nổi ngày đó lại đến qúa mau như vậy.

Tôi chưa nghĩ được câu trả lời thì anh lại lẩm bẩm tiếp:

- Nếu nói Mỹ cố tình sắp đặt thì tại sao những tướng lãnh, chỉ huy của mình lại nghe họ bỏ súng đầu hàng. Mình vẫn còn dự trữ đạn dược dùng cả năm trời cũng chưa hết mà.

Đêm càng khuya càng lạnh. Anh vẫn ngồi yên lặng trên cái ghế xích đu, trầm tư nhìn hai lá cờ nghĩ về cuộc chiến năm xưa. Anh đã ngồi như vậy mỗi buổi tối suốt hơn hai mươi năm qua.

Cuộc chiến đã kết thúc, nhưng nó vẫn hằng in đậm trong tâm hồn của kẻ tới chiếm lẫn người ra đi. Ai ai cũng thấy cái thất bại của phe mình, cái gía phải trả cho cuộc tương tàn. Đoàn quân chiến thắng kéo từ rừng rú về thấy được sự phồn thịnh, tự do của những người bỏ cuộc. Kẻ mệnh danh đi giải phóng người trông thật ngu ngơ, tồi tàn hơn người được giải phóng. Người vất súng bỏ chạy uất ức thua vì sự ngu dốt của quân đội Bắc phương, sự lừa bịp của đám lãnh tụ về một chủ nghĩa không tưởng. Cả hai bên, thắng và thua, cũng đều thua đậm trong cuộc chiến. Người lính bên tôi ngày ngày ngồi ôm đầu trách mình sao bỏ súng qúa nhanh. Người lính bên kia, xưa lấy thân lấp lỗ châu mai, chống Mỹ cứu quốc nay đứng ngẩn ngơ nhìn các lãnh tụ mà một thời mình sùng bái hèn hạ dâng không đất cho đàn anh kết nghĩa ruột thịt. Thật thương cho sự hy sinh của người thua và tội nghiệp cho sự ngu dốt của kẻ chiến thắng.

Tôi chậm rãi bâng khuâng trả lời câu hỏi của anh:

- Có thể chúng ta thua vì bọn chúng quá... ngu chăng "

Sau ngày nước mất, tôi có được nghe một câu chuyện thật khôi hài, đầy mỉa mai về một cán bộ cấp tá vào miền Nam thăm người em trai của mình. Ông mang chức vụ trung tá chỉ huy cả một sư đoàn sao đỏ tới thăm em chỉ là một công chức quèn của chế độ cũ với chiếc túi xách nặng chĩu trên vai. Vì lịch sự, gia đình người em không hỏi gì về cái túi cả. Một tuần sau, chả thấy người anh nhắc gì đến nó, vợ người em thắc mắc nhờ chồng hỏi vì sợ bác có đồ dơ áy náy không dám nhờ giặt dùm. Người anh đỏ mặt ấp úng chối quanh. Người em vội mở túi xách ra thấy toàn giấy báo cũ xếp thật
gọn gàng. Người anh đành thú thật:

- Nghe chúng tuyên truyền trong nam Mỹ, Thiệu rất ác, người dân khổ sở thiếu thốn mọi thứ. Ngay cả giấy đi cầu cũng không cho, bắt phải chùi bằng lá chuối nên đít ai cũng lở không ngồi được. Mỗi ngày tôi lấy báo cũ trong sư đoàn tích lại, tính vào đây cho gia đình chú. Vào đến đây thấy nhà cửa của chú tôi mới biết mình cũng bị tên chính ủy sư đoàn lừa luôn.

Một vị sĩ quan mang cấp bậc trung tá mà còn ngây thơ và đần độn đến nỗi bị lừa phỉnh một cách ấu trĩ như vậy thì thử hỏi tại sao không có cả một quân đội chục triệu quân ngu dốt cứ đâm đầu sinh Bắc tử Nam cho vài tên ác độc, bịp bợm ngồi hưởng lộc tại Bắc bộ phủ.

Nghe xong câu chuyện của tôi, anh gật đầu đồng ý:

- Cùng có thể lắm. Chúng ta thua vì chúng qúa ngu. Ngu không tưởng được nên mới nghe lời dụ dỗ thật nhảm nhí như vậy. Càng ngày càng đói nhe răng mà lúc nào cũng mơ sống trong thiên đường cộng sản, đồ
ăn vất đầy đường không ai thèm lượm. Thật là ...ngu. Nhưng mà nếu nói mình thua vì chúng qúa ngu thì ai mà tin được.

Buổi sáng tôi thức giấc trễ hơn mọi ngày vì El paso trễ hơn California một múi giờ đồng hồ. Cả gia đình anh thức giấc từ lâu. Họ đã dùng xong bữa ăn sáng và đang ở vườn sau tưới cây, nhặt cỏ. Hơn một phần ba vườn, anh làm nhà kính bao chung quanh để trồng rau miền nhiệt đới. Tôi trông thấy được cả những cọng rau muống thật to và dài. Anh chỉ tôi, hãnh diện khoe:

- Chú thấy đấy. Mùa nào gia đình anh cũng có đầy đủ các loại rau. Chỉ cần chịu khó một tí là tha hồ có rau tươi ăn quanh năm. Còn các bà thì càng dễ hơn. Cứ huấn luyện vài lần thì Mỹ, Mễ gì cũng nấu được bún ốc, quấn được chả
giò ngay. Nếu biết cách chỉ huy là xong thôi.

Trưa hôm đó tôi được ăn bánh xèo, quấn rau cải đắng chấm nước mắm pha nhạt. Anh còn bẻ cho tôi vài ba quả ớt tươi trồng trong nhà kính của anh. Buổi chiều xuống chúng tôi lại ra ngồi trước cửa ngắm trời và nghe anh kể chuyện chinh chiến năm xưa. Chúng tôi lại kết thúc câu chuyện bằng câu hỏi của ngày hôm qua:

- Tại sao một quân đội hùng mạnh, thiện chiến vào bậc nhất của thế giới lại vất súng đầu hàng quá nhanh"

Trước khi đi ngủ anh còn cẩn thận lôi ra cho tôi coi bộ đồ trận anh mặc trong ngày bỏ nước ra đi từ đáy chiếc rương cũ. Nó được xếp thật ngay ngắn với cái mũ bê rê đỏ đặt lên trên. Anh đã sửa soạn để mặc lại nó trong ngày ra đi lần thứ hai: trở về nước hay từ bỏ kiếp làm người. Không một bộ đồ nào khác anh muốn mặc. Một ngày khoát bộ quân phục làm người lính Việt Nam Cộng Hòa, một đời chỉ muốn chết cho tổ quốc, cho quê hương. Tôi sờ nhẹ lên mép của cái áo như thấy được cả một cuộc chiến trôi nhanh qua. Mùi thuốc súng và mùi mồ hôi thoang thoảng đâu đây. Tôi nhìn anh, thương thật nhiều cho người lính của nước tôi năm xưa.

Sáng hôm sau, ngày chủ nhật, tôi dậy sớm để sửa soạn cho nửa cuộc hành trình còn lại. Gia đình anh cũng vẫn dậy sớm hơn tôi. Anh giúp tôi mang hành lý ra xe. Hai đứa bé ôm chân mẹ đứng trước cửa nhà nhìn ra im lặng. Anh đứng cạnh cửa xe tôi bùi ngùi chúc:

- Chú đi đường bình an.

Tôi gật đầu đáp lại lời anh:

- Anh, chị và hai cháu khoẻ luôn.

Anh nhìn tôi một lúc bỗng dưng mỉm cười hỏi tôi câu cuối:

- Chú còn thắc mắc gì về anh cứ việc hỏi, không đi đường suy nghĩ vớ vẩn dễ đụng xe. Con người của chú mang nhiều tình cảm, hay suy nghĩ.

Tôi ngần ngừ giây lát, không nhìn anh, ấp úng hỏi:

- Một điều em không hiểu. Người như anh, tại sao có người lại ...chê, bỏ ...anh đi.

Anh im lặng nhìn về hướng trước như ôn lại quá khứ rồi chậm rãi trả lời:

- Những ngày mới qua còn thiếu thốn khổ cực. Lại thêm cái buồn mất nước, cái nhục thua trận. Nhiều khi anh nóng nẩy, có lời lẽ không được nhẹ nhàng. Lỗi do anh cả.

Lời anh ngắn, nhưng tôi thấy được cả nôĩ khổ dài bao năm của người lính nước tôi đã trải qua: nước mất đến nhà tan. Tinh thần lẫn thể xác đều tổn thương. Anh trầm tư thêm giây lát rồi bỗng vỗ mạnh vào thành xe tôi nói to:

- Chú đi không trễ. Khi nào muốn trốn đời, về lại El Paso tìm anh.

Tôi từ từ lái xe ra khỏi sân. Ngoái lại nhìn mọi người lần cuối như muốn thu tất cả hình ảnh vào trong lòng. Xe tôi đi xa vẫn thấy anh đứng yên đấy. Nhìn qua cái kính chiếu hậu hông xe, tôi thấy được cả cái ghế xích đu mà chiều chiều anh ngồi vò đầu nhìn hai lá cờ để tìm câu giải đáp về một cuộc chiến đã tham gia. Hai lá cờ vẫn lộng gió tung bay như thách thức câu trả lời. Hai đứa bé vẫn ôm chân mẹ đứng nhìn hiện lờ mờ trên kính sau anh. Tên của chúng gợi tôi nhớ đến hai câu thơ nói về một địa danh đẫm máu và một binh chủng bách thắng mà năm xưa, một lần đã được ghi vào quân sử.

An Lộc địa sử lưu chiến tích,

Biệt Kích Dù vị quốc vong thân.

Houston, July 4 năm 2002

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,259,102
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến