Hôm nay,  

Người Già: Tình Và Tiền

03/09/200200:00:00(Xem: 275493)
Người viết: Khanh Phan
Bài tham dự số: 2-629-vb20826


Bà Khanh Phan, một kỹ sư Việt sống và làm việc tại Louisville, KY, đã góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ. Bài viết của bà thường có đề tài rõ ràng, thể hiện nhiều suy nghĩ, kinh nghiệm sách vở và đời sống. Bài viết “Chồng Tôi Bị Sạn Thận” của bà rất được hâm mộ, đã thành một gợi ý chung cho nhiều bài viết khác. Sau đây là bài viết mới nhất của ba về người già ở Mỹ, ghi nhận nhiều chi tiết øđặc biệt, từ tình gia đình tới tiền già.

Ông A, 62 tuổi, được lãnh tiền già.

Bà B, 66 tuổi không xin được tiền già.

Ông C, 50 tuổi đã được tôn lên lão làng.

Bà D, 35 tuổi được lên chức bà ngoại.

Có anh nọ tâm sự với một người bạn về cô bạn gái mới quen độ 25 tuổi. Anh bạn cho ý kiến "con nhỏ đó coi già quá". Cái mặt của cô ta trông lớn tuổi như chị hay má gì đó của anh ta.

Có người bảo "người già như con nít." Người già đó được coi như là một đứa con nít ở chổ là không làm gì được, phải được đút cho ăn, giúp cho việc đi đứng. Người già nói trước quên sau giống như đứa bé đang học nói học nghe.

Có người còn định nghĩa già là chẳng còn làm gì được nữa vì tay chân quờ quạng và đầu óc không còn minh mẫn. Vậy sao đứa bé 5 tuổi bị tàn tật không làm gì được, không gọi là người già"

Mới đây ở bên Nam Phi hay Indonesia gì đó, có một cụ đã 79 tuổi vừa cưới một cô vợ thứ bảy, với hy vọng sẽ được một cậu con trai vì 6 cô vợ kia sinh cho ông 30 người con toàn là gái.

Bốn người bác của tôi nay đã ngoài 70 tuổi mà lưng vẫn chưa còng, răng chưa rụng, vẫn chưa bị mất trí nhớ, vẫn còn đi máy bay đường xa, vẫn còn trông cháu nội, cháu ngoại được.

Như vậy tùy hoàn cảnh mỗi người họ được xếp vào diện người già hay chưa già.

Qua xứ Mỹ, dù một người không biết tiếng Mỹ, ăn toàn đồ ăn Việt, không nhiều thì ít vẫn bị ảnh hưởng lối sống Mỹ. "Nhập gia tùy tục" và "gieo giống nào, gặt giống nấy" là hai câu phương châm mỗi lứa tuổi qua Mỹ phải áp dụng.

Thuở 1975-1990 thì luật trợ cấp còn quá mới và tương đối dễ xin. Nhưng lúc đó người Việt lớn tuổi ở Mỹ không là bao nhiêu. Nên 62 tuổi là coi như được lãnh tiền già, không khó khăn, rắc rối như bây giờ.

Luật trợ cấp mới có năm 1935 và Medicare có năm 1965. Càng ngày đời sống ở Mỹ càng phức tạp, nên luật lãnh tiền xã hội cũng thay đổi dần. Những người Việt qua Mỹ thuở đó trong lứa tuổi 20-50 và thêm nhiều người lớn tuổi đoàn tụ gia đình theo diện di dân tạo nên số người Việt lớn tuổi càng nhiều trên đất Mỹ. Mỗi người một hoàn cảnh, ở khác tiểu bang với nhau nhưng qua điện thoại và bưu điện thì rất nhiều người hoang mang không hiểu sao bà này được lãnh nhiều, bà kia lãnh ít. Ông này được ông kia không được. Các cụ ở gần nhà tôi, ngay cả bà mẹ tôi cũng thắc mắc mãi tiền già. Có người còn lo lắng là phải về Việt Nam sống vì họ nghĩ họ không được tiền già như trường hợp một vài người chỉ lớn hơn có vài tuổi.

Ta thường nghe "người già ở Mỹ cô đơn" hay "người già ở Mỹ bất hạnh," "người già không còn làm gì được nữa nên ta dẹp họ qua một bên, cho vào viện dưỡng lão". Tôi nghĩ mãi không biết chuyện gởi cha mẹ vào viện dưỡng lão có giống chuyện gởi con vào nhà trẻ" Tôi chỉ thấy vài điều khác rõ rệt là đứa con được đón sau giờ cha mẹ đi làm về còn cha mẹ thì có thể ở tạm trong đó ngày nào hay ngày nấy. Một điều khác gởi con vào thì tốn tiền nhưng gởi cha mẹ vào thì không (trường hợp cha mẹ đã có thẻ y tế và tiền già). Và một điều nữa là bị tội với pháp luật nếu hành hạ con cái (child abuse) nhưng không có luật nào bảo cấm không được đối xử tệ với cha mẹ già (Old parent abuse) nên phải đón con và còn phải trông nom con cái nữa.

Nhưng, ta cũng thường nghe nói "người già ở Mỹ được lãnh tiền già" hay "người già ở Mỹ sướng vì được tự do không còn bận bịu với con cháu, tha hồ làm gì thì làm". Trong khi đó đại đa số người Việt lớn tuổi đương thời trông vào trả hiếu hay báo hiếu của đàn con. Nhưng nếu "gieo giống nào gặt giống nấy" thì ta mong báo hiếu cỡ nào"

Tôi có quen một người bạn Mỹ năm nay được 48 tuổi, chưa vợ, nhưng vẫn còn bà mẹ già bệnh tật và ông anh đã có vợ ở tiểu bang xa xôi khác. Anh ta có lần hỏi tôi "Cô có nghĩ ta ác độc khi ta không lo cho ba má của ta"" Tôi trả lời ngay, không suy nghĩ là "Có". Anh ta chê tôi có đầu óc trẻ con. Rồi anh kể rằng má anh ta sinh ra có hai đứa con sanh đôi. Khi mới 18 tuổi thì ba má đuổi hai thằng con ra khỏi nhà, bắt tự lập. Ông anh thì xin đi lính, còn anh ta thì hận đời nên xin việc làm sống qua ngày.

Không bao lâu sau đó thì ba anh ta mất. Tài sản duy nhất để lại
cho anh ta là một cái đồng hồ treo tay. Bà má vẫn tung tăng với đời nhưng không tái giá. Bà mới vừa 62 tuổi thì về hưu, lãnh tiền hưu trí và tiền gia,ø lại mang một cái bệnh tiểu đường nặng đến nổi không lái xe được nữa. Mặc dù căn nhà bà đang sống đã trả xong số nợ 30 năm, tiền lãnh được bà không còn đủ để mướn người hay taxi đưa bà đi bác sĩ, mua thuốc hay đi chợ, đi mua sắm. Bà quay lại nhờ anh ta vì anh ta là người thân duy nhất của bà sống gần bà. Anh ta không những không giúp bà mà còn nhắc lại chuyện sinh nhật thứ 18 của anh ta. Bà nói thôi quên chuyện cũ đi. Anh ta nhất định không quên và không giúp.

Nghe anh kể chuyện, tôi nói thôi thì coi như bà ấy là một người già yếu bệnh tật xa lạ, giúp bà ấy đi biết đâu bà ấy chết thì cái nhà đó thuộc về của anh. Anh nói tờ di chúc đã nói rõ là cái nhà mẹ anh sẽ thuộc về ông anh vì đời lính chưa có nhà còn anh ta đã có nhà rồi. Sau đó vì tôi phải dọn nhà nên không còn gặp anh ta để coi kết quả tình mẹ con của anh như thế nào. Qua câu chuyện này ta thấy rõ chuyện báo hiếu còn tùy thuộc vào chuyện gieo giống ngày xưa.

Một bà hàng xóm người Mỹ vừa được 62 tuổi mà đã ly dị chồng từ lâu, ở với đứa con gái cũng ly dị chồng và ba đứa cháu ngoại còn nhỏ. Ba chúng nó nghèo nên gởi tiền nuôi chúng nó không được bao nhiêu, mà chúng nó phải đi làm. Bà chưa được 65 tuổi để lãnh tiền già nhưng vì thương con cháu bà hy sinh. Bà đổi việc full time thành part time và bà xin chánh phủ cho lấy tiền già trước. Giờ còn lại bà chăm sóc đàn cháu. Ngày xưa mới tốt nghiệp trung học bà đã lấy chồng. Bà không đi làm ở nhà chăm sóc chồng con. Sau khi ly dị bà tiếp tục đi làm chăm sóc bốn người con. Vì không sự nghiệp nên công việc của bà từ một đồng lương rất thấp và bây giờ bà vẫn không giàu, nhưng cái tình nghĩa bà có nhiều. Bù lại tất cả mấy đứa con và cháu đều kính trọng bà, thương yêu bà. Những đứa con cháu phải đi làm việc ở nước ngoài vẫn thường xuyên gởi về cho bà tiền và quà. Và một điều rất hiếm là bà má chồng bà ấy vẫn còn sống và vẫn yêu thương bà hết mình. Bà đã ly dị từ lâu nhưng bà vẫn tới lui chăm sóc bà mẹ chồng như bà mẹ ruột của bà.

Một bà Mỹ khác năm nay đã 75 tuổi, rất già yếu, nhưng vẫn ở một mình trong một căn nhà lớn. Chồng bà mới mất một vài năm. Ngày xưa chồng bà là kỹ sư và bà là một cô giáo nên tiền hưu trí và tiền già bà lãnh rất nhiều. Bà cũng đã trả xong nợ cái nhà. Bà chỉ có một con gái và cũng đã có chồng con và nhà riêng. Có lần tôi dắt hai đứa con đi thăm bà, bà rất vui và hình như bà đứng đợi ở cửa trước giờ hẹn từ lâu. Bà không chịu về ở chung với đứa con gái vì không muốn làm phiền con cháu. Bà không muốn vào viện dưỡng lão vì bà có khả năng và có thể ở nhà một mình được. Mỗi tuần có y tá đến chăm sóc cho bà. Và mỗi tuần có một ngày con cháu dành nguyên một ngày chở bà đi mua sắm, bà ngủ lại đêm đó để vui cùng con cháu.

Cách đây vài năm, nghe tin một người bạn học chung vừa định cư tại Mỹ. Tôi và ông xã cùng các con lái xe 12 tiếng qua thăm. Ngày còn ở Việt Nam, tôi chỉ chào má anh ta mà chưa nói chuyện một lần. Thế mà nghe tôi đến, bác ấy đã ra đầu ngõ đứng đợi từ lâu trong lúc bên ngoài đã 9-10 giờ đêm và lạnh nữa. Trong buổi hội ngộ tôi không nói gì nhiều với anh bạn cũ nhưng dành cho bác nói thật nhiều. Bác mới qua Mỹ có vài tháng theo diện đoàn tụ. Con bác thì bác sĩ, kỹ sư, thợ, chủ nhà hàng đều có đủ và ở gần nhau, bác cần gì là đàn con lo ngay. Nhưng bác thấy rất cô đơn vì suốt cả ngày con cháu đều đi học, đi làm. Người đi làm về thì còn lo con cái, kẻ đi học thì lo bài vở. Hàng xóm thì toàn Mỹ, bác nói qua Mỹ mới biết là bác điếc, câm và què vì không hiểu, không nói được tiếng Anh và không chạy được xe, và cái loại tàn tật này thì không xin được tiền tàn tật. Bác cũng tới tuổi chưa lãnh được tiền già mà cũng không đi làm được. Bác ráng đợi vài năm thì bác được lãnh tiền già có lẽ sẽ vui hơn. Nhưng khi bác lãnh được tiền già rồi thì cái sự cô đơn không còn chịu được nữa, bác đi về lại Việt Nam sống với đứa con còn kẹt lại.

Cách đây độ 12 năm tôi nghe tin một gia đình người hàng xóm định cư ở Mỹ. Vội lấy một tuần vacation đi về hướng tiểu bang bác ấy ở để thăm bác luôn thể. Vừa thăm vừa hỏi chuyện nhà.

Bác trai thì đi học cải tạo cùng trại với ba tôi, nên tôi chưa bao giờ gặp mặt lúc còn ở Việt Nam. Nhưng bác gái là bạn thân của mẹ tôi và đứa con út của hai bác lại là bạn cùng học với đứa em gái út tôi. Khi bác qua Mỹ thì bác trai đã gần 60 tuổi và bác gái thì mới ngoài 40. Bác gái đẹp quý phái, cái đẹp mà tôi thường ngưỡng mo.ä Trong trí tôi bác là một người đàn bà đẹp tuyệt vời. Với cái tuổi đó và đẹp như vậy thì có bao nhiêu cái cám dỗ nhưng bác vẫn một lòng với bác trai. Mặc dù theo diện H.O nhưng gia đình bác được hổ trợ bởi gia đình người em. Sau buổi thăm, khi ra về, ra vừa khỏi cửa là bác đóng cửa nhà lại, không tiễn chân tôi ra xe. Nhưng khi xe tôi từ từ ra khỏi nhà thì tôi thấy cái cửa sổ, 5 cái đầu chụm vào nhau nhìn xe tôi khuất dần. Khi về tới nhà tôi lại nhận được thư bác gái, bác muốn tôi nói chuyện với đàn con của bác và bác mong con bác vào đại học, nên người hữu dụng. Cuối cùng bác được toại nguyện. Bác trai đã về hưu vài năm nay, bác gái vẫn đi làm. Con cái đã lâp gia đình có đứa ở xa có đứa ở gần nhưng hai bác rất vui vẻ hạnh phúc bên nhau.

Sau đó vài năm tôi có trở về California thăm lại những người quen cùng sinh hoạt cộng đồng ngày xưa ở California. Đến nhà bà cô ruột xong, tôi nói muốn đi thăm gia đình bác A, thì cô nói thăm bác trai hay gái. Thì ra họ đã ly dị mặc dù tuổi đã ngoài 50. Tôi hỏi cô một gia đình thứ hai thì cô trả lời tương tự. Đến gia đình thứ ba thì cũng vậy luôn. Tôi không hỏi nữa và không còn muốn thăm ai vì thấy buồn quá. Các con của ba gia đình này cũng buồn lắm, tất cả đều lập gia đình và đi thật xa để khỏi thấy cha mẹ thay lòng đổi dạ.

*

Nói đến viện dưỡng lão thì người Việt Nam lớn tuổi ai cũng sợ. Viện dưỡng lão có cái hay là cha mẹ già không trông nom được nên gởi vào đó có người trông nom. Nhưng tốn tiền và tiền con cái chỉ gởi đươc khi cha mẹ có thẻ y tế bao trả. Còn mướn y tá về nhà chăm sóc thì ít nhất phải trả 16 đồng một giờ. Hai vợ chồng đều đi làm để người già ở nhà ai lo cho miếng ăn, ai dắt đi tiêu đi tiểu. Và có lỡ bị lẩn trí người già chơi lửa đốt nhà thì sao" Người Mỹ già cô đơn trong viện dưỡng lão vì ít gặp được con cháu. Nhưng nếu còn nói được thì còn tâm sự, nói chuyện phiếm với người bạn già cùng viện. Còn người già Việt Nam không cùng ngôn ngữ thì sợ là phải. Cái tệ khác là một số viện dưỡng lão bỏ bê hoặc đối xử tệ hại với người già, có những đứa con quên hẳn cha mẹ còn sống trong viện dưỡng lão.

Một số người già Việt Nam qua Mỹ lẩn quẩn trong bốn bức tường. Ngày thì trong bốn bức tường của cái nhà. Tối về trong bốn bức tường của cái phòng. Nhưng ít ra còn thấy được con cháu lúc chiều về. Thật là một diễm phúc nếu hoà thuận được cùng con dâu, hay rể. Và một cái may hơn là còn khỏe mạnh không bệnh tật. Nhưng dù sao vẫn phải sống trong sự đợi chờ. Đợi con cháu về, đợi con cháu chở đi đây đó. Cái không vui là nếu các cháu không nói đươc tiếng Việt nhiều. Có thương các cháu bao nhiêu người già vẫn là người xa lạ.

Có nhiều người già nhưng vẫn còn có thể làm được một số việc nhà. Thế là như một đầy tớ không công cho các con, rể hay dâu. Ngày thì trông cháu lo cơm nước, rửa chén, rửa bát, dọn dẹp nhà cửa. Con và dâu hay rể về là ngồi trên ăn trước cho người già cho trẻ ăn rồi ăn sau như nhiều gia đình đối xử với người đầy tớ trong nhà vậy.

Có một cụ bà được lãnh tiền già bèn vào chùa Phật để gởi lòng vào đức tin. Vì không xài tiền nhiều nên mỗi tháng cụ cho một đứa cháu nghèo nhất trong các cháu. Khi cụ còn sống thì đứa cháu này tới thăm thường xuyên lắm. Ngày cụ mất thì vì không muốn chi tiền chôn cất cụ dù lúc đó đã khá giàu, mà còn lấy lý lẽ là các anh chị lớn hay con cái phải lo. Rõ là cụ tu chưa tu đến lúc tội căn được tiêu trừ để chết được thảnh thơi. Hay ta có thể nói cụ không được gia đình đứa cháu đền ơn.

Có một gia đình từ cha mẹ đến con cái đều đi làm. Có vài đứa con làm Nail có vài đứa làm chủ vài tiệm Nail. Đứa nào làm nail cũng khoe là làm 5000-6000 đô mỗi tháng, đứa không làm nail thì 30,000-40,000 đô mỗi năm ,
không đứa nào có một trình độ đại học. Thế mà khi ông bố mất bà mẹ muốn chôn chồng nhưng không đủ tiền. Đám con "giàu" thì bảo thiêu xác cha vì sợ quan tài cha chôn ở nghĩa trang sẽ bị mất cắp! Có lẽ vì ai cũng lo làm giàu không có thì giờ bảo tồn tình gia đình và không có thì giờ đi viếng mộ! Có lẽ bà mẹ này thấy trước chuyện gì sẽ xảy ra khi bà mất đi như chồng bà.

Ngày tôi mới qua Mỹ có xin vào một hãng làm. Hãng này rất đông người Việt và Tàu. Người Mỹ lác đác có vài người và 1/3 là người Mễ.

Lần đầu tiên năm đó tôi thấy tổ chức Halloween trong hãng. Ai mặc đồ hóa trang hay nhất sẽ được tặng một món quà. Bà xếp là một người đàn bà Mễ đầy thiên vị, bà đã chấm cho một cô Mễ thắng cuộc. Cô này chỉ có mặc ở ngoài một cái áo thung đen rộng thùng thình với mặt đầy kim tuyến và trang sức. Khi cô đứng lên trình diễn y phục hóa trang thì chỉ có đám Mễ vỗ tay. Trong khi đó có một bà Mỹ trắng già đã gần 70 đi làm cho vui, mặc bộ đồ chính bà khâu từng mảnh vải nhỏ như áo rách vá đầy vẩy. Bà hóa trang rất hay nên rất nhiều người vỗ tay tán thưởng. Nhưng bà không được một giải gì hết. Người Việt Nam thấy sự bất đồng và "kính lão đắc thọ" nên họp lại nhau hùn một ít tiền. Một anh lớn đứng ra đại diện trao cho bà một giải hơn một trăm đồng tiền mặt. Bà cảm động rơi nước mắt và cả đám Mễ quê quá yên lặng hết giờ làm còn lại. Bà Mỹ này được người Việt và Tàu mến chuộng vì bà không kỳ thị, gặp ai cũng tươi cười chào hỏi. Rõ là cho tình trước đươc tiền sau.

Tình của người già có được hay không là do "gieo giống nào gặt giống nấy" hay nó cũng là một nhân quả của một kiếp người.
Đó là cái quả "báo hiếu" sẽ được đền đáp khi mình tay yếu chân mềm. Nếu không có khả năng thì đừng đối xử tệ bạc, chia loan rẽ thúy vợ chồng của con cái. Con cái sẽ không thấy mình là người bất cần, cái tình già có được là do cái tình mình xây dựng, bảo bọc từ lúc thiếu thời.

Tình lúc nào cũng đi với tiền. Lúc nó đi trước, lúc nó đi sau. Nhiều người chỉ cần có một khối tiền, không cần nhọc nhằn đi kiếm tình cũng chạy theo sau rối rít. Nếu tình đi đúng hướng thì tiền cũng theo sau.

Chúng ta sinh ra lớn lên, đi làm. Nhưng ở Mỹ chúng ta đi làm không phải để tậu nhà, tậu xe, cưới vợ đẹp, có con ngoan. Mà đó là do chính chúng ta góp để dành lại cho khi chúng ta không còn đi làm được nữa.

Mỗi lần lãnh lương quý vị sẽ thấy có kèm một tờ ghi rõ tiền đóng thuế, đóng cái này cái nọ rồi còn lại bao nhiêu. Trong đó có hai phần quan trọng là Social security (có hãng để SSW) và Medicare, có hãng để chung là FICA. Medicare là khoản tiền chánh phủ lấy mỗi check lương để khi về già chánh phủ cho thẻ medicare xài. Còn Social Security là cái tiền người Việt mình hay nói là tiền già.

Mỗi lần lãnh lương, chánh phủ giữ tiền FICA 7.5% của cái check thì hãng của quý vị đóng thêm cho quý vị 7.5% (tổng cộng 15%). Mình qua Mỹ thì "nhập gia tùy tục" ráng nhận Mỹ là quê hương thứ hai của mình và yêu cái quê hương này đi vì có thể nó là quê hương chính gốc của con cháu mình sau này. Đi làm tiền mặt, quý vị không phải đóng tiền này, nhưng không được hưởng về sau và đã làm giàu cho người mướn quý vị một phần. Chưa kể là có thể bị bắt chẹt hay bắt nạt. Đó cũng là một hành động trốn thuế, khai gian và a tòng theo thủ đoạn của chủ mướn hay chủ hãng. Và lỡ bị thất nghiệp thì không xin được tiền thất nghiệp.

Cứ mỗi năm làm việc thì chánh phủ cho một số credit và tối đa là 4 credits mỗi năm. Thông thường thì hơn 800 đôla được một credit. Đủ 40 credit thì chắc chắn tiền già sẽ có trong tay khi đến tuổi "già". Có người lương thấp nên mỗi năm không đủ credit phải làm trên 10 năm mới đủ. Những ai sinh sau 1928 thì phải đủ 40 credits. Còn những ai sinh trước thì số credit ít hơn. Có người đã đến tuổi già nhưng chưa có đủ credit, phải đi làm thêm. Nhưng tùy thuộc vào số lương của mỗi người tiền già sẽ lãnh được là bao nhiêu. Lương càng cao lãnh tiền già càng nhiều. Tiền này cũng hay ở chỗ là lỡ bị tàn tật không tiếp tục làm việc được thì vẫn được chính phủ cho lãnh mặc dù số credit chưa đủ và chưa tới tuổi đươc lãnh tiền già.

Nếu tới 62 tuổi nhưng chưa tới 65 tuổi để lãnh tiền già mà đã đủ số credit chánh phủ sẽ cho lãnh trước. Nhưng số tiền lãnh hàng tháng lúc 65 tuổi hay lớn hơn sẽ giảm đi. Năm ngoái hay hai năm rồi chánh phủ bắt đầu cho những người trong trường hợp này muốn đi làm thêm bao nhiêu cũng được lãnh chứ không còn hạn chế là nếu đi làm trên bao nhiêu ngàn mỗi năm thì không xin đươc tiền già sớm khi mới 62 tuổi như những năm trước đó.

Nếu quý vị muốn biết hay muốn coi chánh phủ ghi nhận tiền quý vị đóng góp đúng hay sai, khi nào quý vị được lãnh và lãnh bao nhiêu thì viết thư về địa chỉ:

Social Security Administration

Ofiices of Earnings Operations

P.O Box 33026

Baltimore, MD 21290-3026

Nhớ ghi tên họ địa chỉ và năm sinh cùng số an sinh xã hội và xin họ gởi cho tờ "Your social security statement"

Tiền này vẫn bị đóng thuế nếu quý vị chưa đến 70 tuổi. Nếu quý vị lãnh 1000 đô mỗi tháng thì 850 đô (85%) phải khai thuế. 15% số tiền lãnh được không phải đóng thuế vì 15% đó chánh phủ đã lấy trước của quý vị lúc quý vị còn đi làm. Nhưng có người lương thấp thì chỉ có 50% số tiền lãnh được phải đóng thuế. Thí dụ nếu lãnh 600 đô mỗi tháng thì 300 đô phải đóng thuế. Số phần trăm này tùy thuộc vào số lương khai thuế cuối năm của từng cá nhân hay cùng một hộ gia đình. Thí dụ nếu lương trong khoảng 25,000 đến 34,000 thì quý vị đóng tối đa 50%. Nếu trên 44,000 thì tối đa là 85%. Có người lãnh vài ngàn một tháng. Lương càng nhiều, được lãnh nhiều nhưng đóng thuế cũng nhiều. Nếu quý vị sinh trước 1938 thì 65 tuổi được lãnh tiền này. Nếu sanh sau 1959 thì đợi đến 67 tuổi mới gọi là "già". Còn tuổi khoảng giữa 65-67 được lãnh tiền già.

Ngoài tiền này quý vị còn lãnh được tiền hưu trí (pension) trong hãng quý vị làm. Có hãng cho quý vị thêm 1 đồng hay 50 xu nếu quý vị để vào trương mục hưu trí một đồng. Nếu không có lập ngân quỹ hưu trí thì sẽ không được lãnh tiền hưu trí. Tùy hãng sẽ cho quý vị lãnh tiền hưu trí lúc nào. Có hãng đợi tới khi quý vị lãnh tiền già, cho lãnh một lượt. Có hãng cho quý vị lãnh sau khi làm liên tục cho hãng 35 năm năm mặc dù tuổi mới ngoài 50. Thông thường ta gọi là về hưu sớm (early retirement) và theo luật thì phải làm cho hãng ít nhất 5 năm. Nếu không đủ 5 năm thì khi quý vị nghỉ làm hãng sẽ trả lại tiền quý vị đã đóng vào quỹ hưu trí.

Trong xã hội Mỹ vẫn còn nhiều người suốt cuộc đời không có đi làm. Những người này phải lo cho chồng con bệnh tật hay cha mẹ già yếu. Nhất là giới phụ nữ, khi đi làm lương thấp hơn và số năm đi làm lại ít hơn phái nam vì phải ở nhà trông con. Và một số người đã đến tuổi được lãnh tiền già nhưng chưa đủ số credits. Hay một số người có công ty hay làm chủ một tiệm nào đó, mặc dù không bị tàn tật, đến tuổi 65 chính phủ vẫn cho lãnh và tiền này gọi là SSI (Supplemental Security Income). Dĩ nhiên là phải thật nghèo, không tài sản, không có tiền nhiều thì mới được và được ít nhất là 500 đô mỗi tháng tùy theo tiểu bang. Ngoài ra chánh phủ còn có thể cho Food Stamps hay cho chương trình subsidized housing. Không cần phải có quốc tịch Mỹ mới xin được, chỉ cần có giấy tờ sống ở Mỹ hợp pháp và phải 65 tuổi trở lên. Chính vì vậy nhiều bác qua diện H.O chưa đi làm ở hãng Mỹ một giờ vẫn được lãnh tiền già loại này. Các cụ cứ nghĩ là tại mấy ông theo diện H.O. Luật của Mỹ đặt ra không có cho riêng một người tỵ nạn Việt Nam nào.

Mặc dù có người được lãnh tiền già, tiền hưu trí nhưng số tiền không đủ chi tiêu hàng tháng. Nhất là những người lớn tuổi có con còn nhỏ, những người chưa trả xong tiền nhà. Ngay cả phải chờ đến đầu tháng có tiền mới đi mua thuốc uống. Họ phải tính từng xu cho mỗi bữa ăn, cho mỗi viên thuốc. Chính vì vậy có nhiều nhà hàng và các tiệm bán thực phẩm hay có giảm giá cho người già. Hầu hết là họ cho 50-55 tuổi trở lên. Cũng vì thế mà nhiều người chơi Stock, mua bonds, buôn bán, lập công ty, mua bảo hiểm nhân mạng, bảo hiểm nhân thọ vv…họ hy vọng khi về già có lợi tức riêng thêm vào số tiền già lãnh được. Cái dễ nhất không sợ thua thiệt thì mua US saving bonds ở nhà băng. Tùy vào tiền lời ấn định mỗi năm của chánh phủ thì dựa vào số năm số tiền sẽ trở thành gấp đôi. Có lần tôi mua chỉ để sau 5 năm đươc gấp đôi. Và sau năm năm đó kẹt tiền lấy ra xài khỏe ru. Tiền lời khi lấy ra không bị đóng thuế tiểu bang và địa phương (State tax và Local tax). Còn tiền mua thì đã đóng rồi khi lãnh lương nên không bị đóng thuế nữa. Chỉ có cái kẹt là phải đợi theo thời gian ấn định mới lấy ra được.

Có đi làm đóng thuế thì mới làm tròn bổn phận một công dân. Và có như vậy vẫn lợi hơn là không đi làm hay làm lãnh tiền mặt. Trong vài trường hợp, người còn sống vẫn được lãnh tiền xã hội của người đi làm và chết nếu là vợ hay chồng ít nhất 10 năm. Và nếu con dưới 18-21 tuổi tùy tiểu bang và trường hợp, cũng được lãnh. Như vậy khi lấy nhau chưa đủ 10 năm đừng ly dị vội! Có trường hợp chính phủ còn giúp cho vài trăm để lo chôn cất.

Có một đôi vợ chồng già chung sống với nhau nhưng rất nghèo. Bỗng một hôm ông chồng chết trước. Theo luật Mỹ thì không thể làm đám ma ở nhà và phải đem ra nhà quàn. Vì không có tiền nên bà quyết định thiêu xác chồng. Sau ngày đã làm đám ma xong bà về nhà chờ nhà quàn gọi đi lấy tro tàn. Một buổi sáng mở cửa bà thấy một bao to trước cửa nhà, mở ra mới thấy xác chồng. Bà gọi nhà quàn hỏi lý do thì họ trả lời rằng họ đợi hoài chưa thấy bà trả tiền dịch vụ lo đám ma. Dĩ nhiên là chiếu theo luật thì nhà quàn bị kết tội làm việc thiếu vệ sinh. Còn bà đang đau lòng vì sự ra đi của ông chồng lại thêm cái hậu quả của cái nghèo.

Ở Mỹ cái đám cưới và cái đám tang là hai cái tốn kém nhất: tốn tiền, tốn thời gian, tốn nụ cười và tốn nước mắt. Chính vì vậy đám ma hay đám cưới bao giờ cũng tạo nên sự căng thẳng thần kinh cho nhiều người. Nhiều cha mẹ muốn cho được nở mặt nở mày hay những đua đòi của cô dâu chú rể đã tạo ra một đám cưới linh đình, để rồi có nhiều cặp đổ vỡ vì không trả nổi tiền nợ. Xử dụng tiền không đúng chỗ là mất tình. Có nhiều cha mẹ có tiền cho con xài thả cửa, không nghĩ đến ngày mai. Tại sao không dành một chút tiền nào đó để khi nhắm mắt lìa đời thì con cái khỏi phải lo lắng về tiền chôn cất. Mỗi một đám tang tốn vài ngàn đến vài chục ngàn. Có nhiều gia đình theo đạo không được thiêu xác phải mua phần đất cho ngôi mộ hay nấm mồ còn cái nghèo thì lấy tiền đâu ra. Người già là tuổi gần đất xa trời hơn người trẻ nhưng có ai chuẩn bị cho mình một cái chết!

Thiếu tế nhị khi đề cặp đến việc chôn cất khi người già vẫn còn sống. Và người già cũng sợ, không muốn nghe những chuyện gần đất xa trời. Nhưng cái thực tế là mình cứ lo trước thì khi nhắm mắt lìa đời con cháu khỏi phải lo tính đủ điều mà mình thì thả hồn nơi miền cực lạc hay ngủ ngon giấc ngàn thu.

Có một bà nọ, ngày xưa nhà rất giàu. Sau 1975 thì như những người giàu khác bị nghèo nhưng cũng đươc vài đứa con đi ngoại quốc. Bây giờ già ấy sinh tật. Đòi con cái phải báo hiếu. Bà muốn về Việt Nam sống nhưng bắt con bà xây cho bà một cái nhà lầu thật lớn. Bà kể nào là công sinh thành, nuôi từ lúc bé còn cho tiền đi vượt biên. Trong đàn con có một đứa sợ mang tội bất hiếu nên về Việt Nam xây cho bà một cái nhà như ý của bà. Vợ chồng đứa con bà phải ly dị. Sung sướng gì thân già mà chia đôi rẽ thúy đời con!

Bây giờ ta chưa già, ta nên ăn ở cho có tình và tính toán thu xếp cho có tiền. Nếu ta già rồi, ta không được như ý, thì đừng trách ai vội.
"Nhập gia tùy tục" và gieo giống tốt sẽ gặt giống lành là cái nguồn lợi cho mai sau khi tuổi xế chiều. Ta còn trẻ còn tung tăng nên ta chưa thấy hay hiểu rõ cái tâm trạng lo lắng tình và tiền của một người già. Một kiếp người có "sanh, lão, bệnh, tử" nhưng người già có hai chữ tình và tiền để tâm. Tình và tiền lúc nào cũng đi chung. Ta còn trẻ ta rượt theo tình và tiền. Về già ta bắt được tình và tiền hay không là do ta.

Khanh Phan

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,297,866
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến