Hôm nay,  

Bảo Tồn Di Tích Lịch Sử

15/08/200200:00:00(Xem: 193739)
Người viết: Xuân Phượng
Bài tham dự số: 2-615-vb70810


Tác giả Xuân Phượng, tên thật Hoàng Ngọc Hoa, hiện đang gtiữ chức Phụ tá gGiám đốc Quản trị thành phố (Assistant to City Manager), kiêm quản trị và tái thiết (Community Redevelopment Agency) tại một thành phố phía Nam tiểu bang Florida. Bài viết của ông kể lại công việc và những suy nghĩ của ông trong tiến trình bảo tồn và trùng tu toà thị chính, một công trình kiến trúc cổ của thành phố. Ước mong những bậc thức giả đang lưu tâm tới số phận những di tích lịch sử trong nước Việt Nam có dịp “chia sẻ” tâm sự âu lo của tác giả bài viết đặc biệt này.

*

Lễ khánh thành Toà Thị Chính sau khi hoàn tất chỉnh trang (May 11 2002). Hình trên là các nghị viên, giám đốc quản trị thành phố đứng trước cổng chính trước giờ cắt băng khánh thành. Riêng vị nữ nghị viên trong hình là County Commisioner.



Hình trên, Toà Thị Chính thành phố, kiến thiết năm 1927, vào ngày lễ khánh thành. Phía góc phải là cây phượng vĩ, kế bên là thư viện thành phố.

Còn nhớ ngày 29 tháng 4 năm 1975, hắn bị "kẹt" trong phi trường Tân Sơn nhất cùng với gia đình, đạn pháo kích rơi trong cư xá Nữ quân nhân không xa bao nhiêu khu "bunker" hắn đang tránh đạn. Thế rồi sáng sớm, hắn cùng ông anh cũng bò ra được phi đạo, nhảy lên chiếc phi cơ C-130 cuối cùng rời khỏi phi trường, thẳng tiến Utapao, cất cánh trên "taxiway", phi đạo chính đã hư hại nặng vì đạn pháo kích từ nhà Bè cả đêm hôm trước. Hắn biết cuộc đời hắn đã thay đổi hẳn từ đây...

Định cư tại một thành phố không nhiều người Việt, nhưng lại có một trường Đại học lớn nhất nhì tiểu bang, hắn khăn gói xin đi học với không đầy mấy trăm đô trong túi anh hắn cho, số vốn tiếng Anh ít ỏi thâu thập được từ Hội Việt Mỹ tại Saigon khi hắn còn là sinh viên Luật khoa năm thứ hai, chỉ đủ để nói và nghe bằng tay, nhưng rồi đâu cũng vào đó, trời thương kẻ khù khờ, bà "counselor" của trường giúp hắn gởi dịch văn bằng, giúp điền đơn cho học bổng dành cho sinh viên nghèo, thế là hắn đủ tiền trả tiền nhà, học, còn dư thì giờ thì làm thêm chương trình "work study" có tiền đi đánh bida hay bowling trong khu giải trí của trường. Ra trường, với mảnh bằng, hắn xách chiếc xe cũ mèm Mazda RX2 định làm một chuyến du lịch vòng quanh nước Mỹ, khởi hành từ phía Đông nam, hắn ghé thành phố New Orleans, rồi Houston, sau đó chuyển lên hướng Bắc, đến cách thành phố nổi tiếng âm nhạc Nashville còn hơn trăm miles thì hắn cảm thấy xe hơi đảo, nhìn về phía trước, một chiếc bánh xe đang lăn song song với xe hắn, đó là cái bánh xe sau bên trái của hắn đã rời ra... Xin đi quá giang là điều hắn sợ, nhưng không còn cách gì khác hơn, hắn tìm đến trạm xăng gần nhất để tìm cách câu chiếc xe cà tàng của hắn về sửa, sau một ngày chờ đợi, kiếm được đồ cũ trong nghĩa địa xe hơi, hắn lên xe, tiếp tục đi về hướng Tây, ngừng lại thành phố Kansas City, miền Trung nước Mỹ. Ở một tuần, thấy không phải đất lành chim đậu, hắn chuyển về hướng Đông, trực chỉ Thủ đô Hoa kỳ, chứ không tiếp tục hướng tây, vì hắn biết Cali đi dễ khó về... lại phải băng qua sa mạc với con ngựa sắt đã long móng...thế là duyên phận đưa đẩy hắn về hướng thủ đô, vì nghĩ rằng bất cứ quốc gia nào, thủ đô cũng đẹp. Đúng như hắn dự đoán, thủ đô Hoa thịnh đốn thật trù phú, chỉ một lần đi trên xa lộ dọc bờ sông Potomac, hắn đã cảm hứng làm được nhiều bài thơ con cóc. Thôi thì đành chọn nơi nầy làm khởi đầu cho cuộc sống tạm cư, mà mấy năm đèn sách hắn chẳng có dịp đi đây đó.

Làm được mấy năm, tạo được căn nhà, chiếc xe, hắn lại thấy đời sống thành phố lớn xô bồ, đi làm và về nhà mất hơn ba tiếng đồng hồ lái xe, mới thấy thấm thía câu thơ: ta dại ta tìm nơi vắng vẻ…
Ở Mỹ làm nhiều thì tiêu càng nhiều, muốn được yên tĩnh tạo dựng mái ấm gia đình, hắn tình nguyện chuyển về chi nhánh của hãng vừa mở tại Florida, nơi đây không xa lạ với hắn, thầm nghĩ chuyển đi chuyển lại công việc ở Mỹ đâu cũng thế, đời sống tại đây nhàn hạ hơn, gần anh chị em, khí hậu tương đối giống Việt Nam làm hắn đỡ cảm thấy nỗi nhớ xa quê hương. Hoài bão của hắn là vẫn làm sao một ngày thanh bình, với kinh nghiệm học hỏi được, về đóng góp xây dựng lại phần nào quê hương đổ nát điêu tàn, quê hương vẫn là những gì đẹp nhất trong lòng hắn từ ngày hắn ra đi, nên khi thấy có một thành phố cần người lo về Kiến thiết và thiết kế đô thị, hắn nộp đơn ngay, nghĩ rằng học hỏi nghề nầy một ngày thanh bình về giúp nước thì hết sẩy.

Thế là hắn đổi "job", vào làm chương trình chỉnh trang, tái kiến thiết đô thị. Ba năm sau, với số vốn kinh nghiệm, hắn được thăng chức làm phụ tá Giám đốc Quản trị thành phố lo về chỉnh trang.

Cũng nên biết qua, đây chỉ là một thành phố nhỏ dưới 20 ngàn dân, phân nửa là thiểu số đến từ các quốc gia Nam Mỹ, có cả người Việt, nằm ven bờ biển phía Đông. Cả thành phố không quá 3 dặm vuông, thành phố hắn ở có được một bến tàu, 2 công viên, một trường học, và khu thị tứ mà mọi người gọi là "downtown", một tòa thị chánh đã được xây từ năm 1920, vì vậy được gọi là thành phố lịch sử cổ kính ký danh qua tiểu và liên bang. Tiền của chính phủ trợ cấp cho thành phố để bảo tồn, cải thiện các di tích lịch sử nầy rất nhiều.

Nhìn người lại nghĩ đến ta, hắn buồn cho thành phố Huế cổ kính nghìn năm của hắn, ngày càng tàn tạ, quỹ quốc tế có trợ cấp thì cũng chẳng có cơ quan chính quyền nào bỏ thì giờ nghiên cứu các công trình lịch sử nầy, để bảo trì và gìn giữ cho các thế hệ sau.

Với người ta, xây lại tòa thị chánh mới chỉ tốn chừng hơn một triệu rưỡi, mà họ chịu khó bỏ ra hơn gấp đôi số tiền đó để bảo tồn. Muốn sửa chữa các di tích lịch sử nầy, họ bỏ ra hằng năm nghiên cứu, xin phép xây cất phải qua hội đồng quản trị thành phố, dẫn đầu là vị thị trưởng, rồi cơ quan bảo trì di tích lịch sử của tiểu bang, chưa kể phải hoàn thành đồ án dưới sự giám sát của một hội đồng bảo quản di tích lịch sử, phải có lối ra vào và phòng vệ sinh cho người tàn tật sử dụng, vì các kiến trúc thời xưa thường không có nhiều phương tiện như ngày nay, điện, nước, hệ thống thoát nước, nhà vệ sinh, cửa sổ chịu được gió bão và nhất là hệ thống máy điều hòa không khí.

Rất nhiều thử thách trong giai đoạn hoàn thành dự án. Theo đồ án mà gỡ ra, nào ai biết mấy cụ xưa, xây nhà không cần sắt hay béton làm sườn. Thời xưa dùng toàn gỗ và gạch, bọn con cháu khi dỡ ra, sợ hết hồn. Kỹ sư tạo tác phải lo cho nhà đừng sập, lại không được làm hư hại những viên gạch cũ, vì thế công trình tu bổ tốn rất nhiều thời giờ.

Cách đây hai mươi mấy năm, họ đã chỉnh trang lại tòa thị chánh nhiều lần, nhưng chỉ có thể gắn thêm hệ thống quạt trần cho mát chứ không dám làm thêm hệ thống điều hòa không khí. Với kỹ thuật tân tiến ngày nay, các kỹ sư về hệ thống lạnh đã có thể chạy những ống dẫn nhiệt và lạnh nhỏ trên trần nhà. Nhưng vì trần nhà các cụ xưa xây không có chỗ hở nhiều, thế là họ phải tạo ra hệ thống trần nhà giả để có thể mang hệ thống lạnh và sưởi cho toàn khu.

Với một đồ án về bảo tồn di tích lịch sử, sẽ có nhiều câu hỏi, mà sự trả lời chỉ xảy ra khi nhìn thấy, không đoán trước được trên giấy tờ như các đồ án mới. Chỉ mới hơn hai trăm năm lập quốc nên người Mỹ không có các di tích lịch sử lâu đời như Á châu, Âu châu, tuy nhiên việc bảo tồn văn hóa qua các di tích lịch sử cho chúng ta thấy họ biết quý trọng các di tích do cha ông để lại, một phần của văn hóa mà ngày càng bị kỹ thuật tiến bộ làm lu mờ và dần dần mất đi. Trong khi đó lại có kẻ ngông cuồng ở A Phú Hãn tàn phá di tích lịch sử đã tồn tại hơn hai ngàn năm, những di tích mà ta có thể cho là di tích lịch sử kỳ quan của thế giới, quốc gia nào may mắn mới có được.

Từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác, hắn không ngờ mình phải đối đầu với những sự kiện trước mắt. Sau 80 năm tòa thị chánh được cấu tạo, thế hệ trước hắn đã không thể bảo trì nền nhà bằng gỗ "maple" vì khí hậu, nên họ dùng nhựa đường trải lên một lớp vinyl. Sau đó khoảng thập niên 70, họ lại trải lên một lớp thảm dầy, đục xuyên qua các bức tường bên ngoài để gắn các máy lạnh nhỏ. Ngày hôm nay, hắn, đại diện cho thế hệ mới, phải lột bỏ lớp thảm, rồi gỡ lớp vinyl cùng với lớp keo asbestos mà với kỹ thuật tân tiến không chấp nhận vì sự ô nhiễm do các hóa chất bị cấm sử dụng ngoài thị trường.

Ấy thế là lớp sàn gỗ được đánh bóng cẩn thận, 3 lớp sơn không mầu được phủ lên để bảo trì mà với kỹ thuật tối tân ngày nay, các phụ nữ đi guốc nhọn cao cũng không làm trầy lớp bóng nầy. Bây giờ cả tòa nhà đã được máy điều hòa không khí chạy ngày đêm, nên vấn đề bảo trì lớp sàn gỗ không còn khó khăn như trước. Các vị tiền bối trước hắn đã phải trải thảm để giải quyết tình trạng khí hậu ẩm ướt của tiểu bang.

Vì là tòa thị chánh, với thế kỷ 21 và tình trạng dân chủ tại Mỹ, con cháu trong làng ngồi nhà cũng có thể xem trực tiếp truyền hình các buổi họp hàng tháng của Hội đồng quản trị thành phố chứ không như các cụ xưa, phải lễ mễ khăn gói đi họp làng. Hội Đồng Quản Trị Thành Phố thường gồm có thị trưởng, phó thị trưởng, ba vị nghị viên được dân bầu. Một luật sư và Giám đốc thành phố được mướn để làm con thoi giữa dân và năm vị dân cử. Chính vì hệ thống trực tiếp truyền hình nầy làm hắn đổ mồ hôi hột. Không những không có chỗ cho dây cáp chạy, dây cáp lại phải nằm riêng ngoài hệ thống dây dẫn điện và điện thoại. Tất cả phải chạy vào một phòng nhỏ có máy lạnh, nơi tất cả hệ thống máy móc chuyển về đài truyền hình. Phòng nầy được bảo quản an ninh để phòng ngừa kẻ phá hoại. Hắn ngẫm nghĩ xa vời thế hệ trẻ trong tương lai khi trùng tu lại phải làm một màn chửi rủa mấy ông già chạy dây nhợ tùm lum. Bây giờ không cần dùng "dây" nữa, mà là thời đại của "không dây" (wireless). Tuy nhiên nhờ vào kỹ thuật tân tiến mà sự trùng tu và bảo tồn di tích có phần nào dễ dàng hơn.

Việc trùng tu các cánh cửa bằng gỗ lim cũng gây nhức đầu không ít. Với thời gian, trị giá đã tăng nhiều, còn chưa kể những người thợ mộc xưa, tỉ mỉ chi tiết vì có thì giờ và giá lao động rẻ, đã làm một cách rất công phu. Hắn nghĩ ra cách đúc nguyên cánh cửa bằng kim loại, bỏ chất cách nhiệt bên trong, bên ngoài trông y hệt như cánh cửa gỗ, lại lâu hư, nhưng văn phòng phụ trách bảo tồn di tích của tiểu bang lại không chấp nhận ý kiến đó, vì nét sơn sẽ không giống như thời xưa... Nước sơn thì họ dùng máy điện toán, cho "scan" lên lớp sơn cũ, được tính bằng máy để giống gần như nước sơn lúc tòa nhà mới xây.

Mái ngói sau 80 năm đã bị hư hại, các tiền bối trước hắn vì muốn khỏe, lại ít tiền nên cho thay thế bằng lớp mái nhà gọi là "shingles". Bây giờ trùng tu cho giống thời xưa, hắn phải cho thợ lật ra, khám phá mới là vài nhà không chịu được sức nặng của lớp ngói mới. Thế là lại thêm một màn tính toán của các kỹ sư công chánh, thêm sắt chỗ này, nối gỗ nơi kia, rồi cũng xong, lớp mái ngói đỏ thay thế mái cũ đã làm tòa thị chánh trở thành hùng vĩ thêm, cây phượng vỹ rũ bóng trước sân làm hắn chợt nhớ đến ngôi trường trung học một thời oai hùng nơi chôn nhau cắt rốn, giờ đây đã tàn tạ theo tháng ngày. Liệu có ngày nào họ trùng tu lại các di tích ấy như hắn đang làm, suy nghĩ lại càng làm hắn buồn thêm.

Thành phố hắn ở, muốn có thêm tiền để trùng tu bên ngoài tòa thị chánh, chính phủ không trợ cấp ngân khoản nầy. Tại sao không nghĩ cách vận động để cư dân đóng góp" Sau cùng, thành phố đã tổ chức bán gạch, mỗi viên gạch trị giá tùy theo người tặng, tên cá nhân, đoàn thể hay gia đình, sẽ được khắc lên và lót ở hai bên lối vào cổng chính, chuyện nầy có lợi cho cả đôi bên, người có tiền, kẻ có danh, tên khắc bảng vàng theo lối Mỹ, hắn thâu thập ý kiến nầy khi đi thăm ngôi chùa Tây Lai tại Cali, và nơi du lịch Disney World nổi tiếng của Hoa kỳ tại Orlando, có người không ngần ngại đặt mua cả mấy chục viên gạch, khắc tên ông bà cha mẹ...Thế là có tiền hoàn tất dự án khỏi phải ngữa tay xin hay cầu viện ai.

Tóc đã muối tiêu, ngày về hưu không xa, nhưng hắn vẫn thấy rằng như mình còn trẻ lắm, hắn vẫn ước ao một ngày kia, chính mắt hắn thấy, tai hắn nghe, tay hắn sờ sẫm được trên các miếng gạch rêu phong, nơi hắn sinh trưởng, mà các di tích nầy sẽ được bảo tồn, trùng tu một cách đứng đắn, đúng theo tiêu chuẩn mà hắn nghĩ bất cứ một hội bảo tồn và trùng tu di tích lịch sử nào cũng có thể chấp nhận được, chứ không phải có tiền, thay vì trùng tu đúng sự thật, lại mang làm cổ kim hòa điệu, trông chẳng giống ai.

Mong rằng ngày ấy không xa, bỗng hắn nghe có người nói bên tai: Thưa ông, cánh cửa đã gắn xong... Hắn chợt bừng tỉnh, thì ra hắn đã nằm mơ... một giấc mơ mà hắn bỗng ao ước trở thành sự thực hơn bao giờ hết.

Xuân Phượng

Mùa Hè 2002

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,683,754
Tác giả tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection
Chủ Nhật 13 tháng 8, 2017 là họp mặt Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười tám, trong khi các bài viết của năm thứ mười chín -2017-18- đã bắt đầu phổ biến từ 1 tháng Bảy.
Năm Đinh Dậu 2017, theo âm lịch, là năm nhuận 2 tháng Sáu, nhưng mùa Vu Lan báo hiếu đã bắt đầu. Bài nầy được viết để nhắc nhở đóa hoa hồng màu trắng là biểu tượntg để tưởng nhớ đến người mẹ quá cố.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và sẽ nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả đã về hưu một nửa. Làm việc cho hãng làm máy bay. Hiện sinh sống tại Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Ngôi Nhà Mới tại Quận Cam”, đã được phổ biến từ tháng Ba 2014.
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Có thể bạn đã tới hoặc đã đọc về Venice, mà không dè thành phố du lịch kỳ thú này là một công trình của đám dân tị nạn. Mời đọc thêm du ký mới viết của Nguyễn Tài Ngọc.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc.
Tác giả lần đầu góp bài Viết Về Nước Mỹ với cách nhiòn cách viết vui vẻ, sống động. Mong ông tiếp tục viết và vui lòng bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Nhạc sĩ Cung Tiến