Hôm nay,  

Thông Dịch Trong Phòng Hộ Sinh

30/07/200200:00:00(Xem: 174169)
Người viết: PHẠM NGỌC BÍCH
Bài tham dự số: 2-579-vb20624

Tác giả Phạm Ngọc Bích đến Mỹ năm 1992, học ở Philadelphia, Pennsylvania, đậu cử nhân ngành điện tử tại đại học Drexel, hiện cư trú tại tiểu bang Vermont và làm việc kỹ sư cho hãng IBM Burlington.

Trong thư gửi Việt Báo, bà Bích viết, “Câu chuyện ‘Lấy chồng Mỹ không quên văn hóa Việt’ của chú Hải Triều (Bài viết dự thi đợt II số 2-487-vb70309) đã là động cơ thúc đẩy tôi viết. Tôi chính là nhân vật Thanh Vân trong câu chuyện đó.” Chuyện về người chồng Mỹ đã được bà Bích kể trong bài viết "Chàng rể số một": Ted bây giờ là giáo sư trường đại học UVM, tiểu bang Vermont.

Sau đây là bài Viết Về Nước Mỹ thứ ba của bà Bích:

Khánh Vân nắm chặt tay tôi. Nàng siết mạnh đến nỗi làm cho các ngón tay của tôi tê cứng. Phía bên kia, đối diện với tôi là Tâm, chồng nàng cũng đang nắm tay Vân vỗ về, an ủi vợ. Khánh Vân đang ở trong cơn đau đớn, nàng đang phải đối diện với những giây phút gian nan nhất của người sản phụ.

Vợ chồng Khánh Vân được bảo lãnh đến sinh sống tại Hoa Kỳ. Cả hai đều biết chút ít tiếng Mỹ nhưng không đủ để họ có thể sử dụng trong hoàn cảnh này. Bản thân tôi cũng không rành rẽ những từ ngữ chuyên môn về y khoa nhưng thông dịch những câu thông thường như nói cho bác sĩ biết đau như thế nào hoặc dịch lại lời của bác sĩ nói khi nào phải rặn, khi nào phải thở nhanh mạnh, khi nào thở đều đặn. . . thì tôi có thể làm được. Vì vậy trước lời yêu cầu của vợ chồng Khánh Vân, tôi đã nhận lời làm thông dịch trong phòng hộ sinh giúp Khánh Vân.

Cô y tá Mỹ bước vào và mở đầu công việc của tôi. Cô nhờ tôi hỏi Vân nhiều câu hỏi như Vân có uống thuốc dưỡng thai thường xuyên không" Vân có nhức đầu không" Có cảm thấy buồn nôn không"... Những câu trả lời của Khánh Vân cho thấy nàng khỏe mạnh, bình thường. Tuy vậy Tâm vẫn tỏ ra bồn chồn, lo lắng.

Đã gần đến lúc sanh Khánh Vân được bác sĩ khám lại. Cô y tá cho biết cửa mình đã mở 10 cm và đã có thể nhìn thấy đầu đứa bé. Đây là lúc sản phụ phải rặn thật mạnh để đẩy đứa bé ra. Vân cố gắng rặn. Nàng cắn răng chịu đau, không la hét như nhiều sản phụ khác. Trong lúc đó thì chồng nàng đứng bên cạnh liên tiếp lau mồ hôi trên trán cho vợ.

Bác sĩ cho sử dụng máy siêu âm (ultrasound) để quan sát cử động và nhịp tim của đứa bé. Máy này cũng cho mọi người thấy đứa bé là một bé trai. Khi biết được điều này thì hai vợ chồng Khánh Vân nhìn nhau mỉm cười. Từ khi Khánh Vân còn đang mang thai thì họ đã đoán như vậy căn cứ vào kinh nghiệm của các bà mẹ đã sanh đẻ nhiều lần. Họ nói bụng nhọn là con trai, bụng tròn là con gái. Bụng bầu của Khánh Vân nhọn nên nàng sẽ sanh con trai.

Mọi việc đang tiến hành đều đặn thì đột nhiên cô y tá nhìn lên màn hình đo nhịp tim của thai nhi và cô hốt hoảng khi thấy nhịp đập bắt đầu giảm xuống 120 nhịp rồi 110 nhịp mỗi phút. Cô nói cô phải đi gọi bác sĩ ngay. Cô cũng nói vội và nhờ tôi giải thích với Khánh Vân rằng nhịp tim của đứa bé giảm có nghĩa là đứa bé không thoải mái và vì vậy cần phải cho đứa bé ra khỏi bụng mẹ càng nhanh càng tốt.

Khánh Vân ở trong phòng sanh đã hơn 24 giờ và nàng cũng đã cố gắng rặn cả tiếng đồng hồ nhưng vẫn chưa sanh được. Bác sĩ nhờ tôi giải thích cho hai vợ chồng Khánh Vân biết vì đầu của thai nhi to quá nên Khánh Vân không thể sanh bình thường như những bà mẹ khác. Bác sĩ đề nghị giải phẫu để lấy đứa bé ra. Sau khi nghe những lời thông dịch của tôi, Khánh Vân lo sợ và bật khóc. Tôi đã phải trấn an nàng rằng y khoa của Mỹ tiến bộ, bác sĩ Mỹ tài giỏi và bệnh viện trang bị đầy đủ dụng cụ tối tân cho nên chẳng có gì phải quan ngại. Lại thêm có thuốc giảm đau, có nước biển trợ sức thì sợ gì.

Khánh Vân vẫn khóc và nàng mếu máo nhờ tôi hỏi bác sĩ những điều thắc mắc của nàng. Khánh Vân nói nàng theo đúng lời dặn của bác sĩ. Nàng ăn nhiều, uống nhiều sữa, ăn thịt bò... Nàng chịu khó uống vitamins, calcium, protein . Nàng ngủ nhiều, tránh làm việc nặng và đi dạo mỗi ngày sao lại gặp trục trặc khi sinh nở. Nàng cũng nói gia đình thường khuyên nàng không nên ăn nhiều vì sợ thai nhi trong bụng phát triển bự con sẽ khó sanh. Nàng tưởng chỉ khó sanh một tí thì nàng sẵn sàng chịu đựng miễn là đứa con sanh ra được mập mạp khỏe mạnh, nàng đâu có ngờ đến nỗi phải mổ. Nàng hỏi có phải những điều nàng đã làm trong thời gian mang thai là sai hay không. Tôi đã dịch tất cả những thắc mắc của nàng cho bác sĩ. Vị bác sĩ tươi cười nhờ tôi nói cho Khánh Vân biết nàng không làm điều gì sai cả, ăn uống đầy đủ, ngủ nghỉû, dưỡng thai, đi dạo ... là điều tốt cho đứa bé mà bất cứ bà mẹ nào khi mang thai cũng phải làm như vậy. Khánh Vân bị giải phẫu chỉ vì cái đầu của thai nhi to quá mà cơ thể của nàng lại nhỏ nên không sanh được. Ông còn pha trò rằng đứa con của họ sau này có thể trở thành cầu thủ đá bóng vì cháu to, khỏe ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ. Những lời của bác sĩ cuối cùng đã làm cho Khánh Vân yên tâm hơn, nàng đồng ý để cho bác sĩ giải phẫu.

Bác sĩ cùng nhóm y tá bắt đầu làm việc. Họ nhờ tôi nói với Khánh Vân không nên cử động để họ gắn kim và ống "tube" có thuốc giảm đau vào phía sau lưng Khánh Vân. Thuốc này sẽ làm cho Khánh Vân không còn cảm giác trong lúc họ tiến hành ca mổ Mặt khác họ cũng chuyền nước biển để trợ sức cho Khánh Vân.

Khi các cô y tá di chuyển Khánh Vân đến phòng giải phẫu, Tâm và tôi cùng đi theo. Tại phòng giải phẫu, họ bắt chúng tôi đeo găng tay cao su, mang mặt nạ và mang thêm giày của bệnh viện bên ngoai giày của mình. Có lẽ họ muốn chúng tôi làm như vậy để đề phòng lây nhiễm. Tâm và tôi được yêu cầu đứng phía sau một bức chắn cao ngang cằm của tôi. Từ vị trí này, chúng tôi có thể thấy tất cả diễn biến của cuộc giải phẫu. Khi ca mổ bắt đầu, tôi kinh ngạc mở to mắt và miệng há hốc trong lúc Tâm trông thảm não gần như muốn ngất xỉu vì thương vợ. Chúng tôi thấy Khánh Vân mất nhiều máu quá.

Lần đầu tiên chứng kiến một cuộc giải phẫu và nhìn thấy máu me lênh láng, tôi không khỏi hoảng sợ, đầu óc choáng vángï. Nhưng rồi tôi đã phải lấy hết can đảm để giúp mình bình tĩnh. Tôi biết là người thông dịch, tôi cần phải tỉnh táo để có thể dịch chính xác những lời nói của bác sĩ cho bệnh nhân cũng như những lời của bệnh nhân muốn nói với bác sĩ. Việc thông dịch chính xác là điều quan trọng vì nếu sai sót có thể đem đến tai hại. Tôi đang theo dõi thật sát việc làm của toán giải phẫu cũng như phản ứng của Khánh Vân bỗng nghe nàng la lên vì đau đớn. Trong đầu tôi nghĩ ngay có lẽ thấy Khánh Vân dáng người nhỏ bé, bác sĩ không dám cho nhiều thuốc giảm đau nên Khánh Vân mới bị đau như vậy. Vân nhờ tôi nói cho bác sĩ biết nàng cảm thấy rất đau ở chỗ mổ, giống như bị dao cắt. Tôi lập tức chuyển đạt lời nói của Khánh Vân cho bác sĩ nhưng khi chưa kịp nói hết câu thì bác sĩ đã kéo ra khỏi cơ thể của người mẹ một hài nhi đỏ hỏn, cứng cáp. Bác sĩ vỗ vào mông đứa bé cho khóc to rồi ông trao lại cho Tâm. Tâm đỡ lấy con vừa cười vừa khóc vì sung sướng. Vợ chồng họ đã có được đứa con trai đầu lòng.

Bác sĩ khâu lại chỗ mổ thật nhanh chóng và tài tình rồi oÂng hỏi Khánh Vân cảm thấy thế nào. Khánh Vân chỉ biết nói "thank you" rồi nhờ tôi nói thêm với bác sĩ "Tôi khỏe, vui và hạnh phúc lắm". Ca mổ đã hoàn tất tốt đẹp và cuối cùng thì đã được mẹ tròn con vuông. Tôi thở phào nhẹ nhỏm, cảm thấy như chính mình mới vừa tai qua nạn khỏi. Tôi cũng thấy vui vì vừa làm xong nhiệm vụ của một thông dịch viên bất đắc dĩ.

Trên đường theo xe đẩy Khánh Vân đến phòng tịnh dưỡng, tôi trông thấy ba cô y tá đang đi bộ trong hành lang bệnh viện. Các cô mặc đồng phục trắng, đi giày trắng, trên tay cầm mấy cuốn sách. Hình ảnh của họ làm tôi nhớ lại thời kỳ tôi còn là nữ sinh ở Việt Nam. Tôi có hai cô bạn thân và lúc nào chúng tôi cũng đi chung với nhau. Tôi còn nhớ có lần bộ ba chúng tôi mặc đồng phục áo dài trắng lặn lội trời mưa để đến lớp học tiếng Anh cho kịp giờ. Chúng tôi đã trải qua những giờ học ngữ pháp khô khan và phải nhai đi nhai lại cho thuộc một bản động từ bất qui tắc. Những từ ngữ tiếng Anh hồi đó dường như vô nghĩa đối với chúng tôi. Có lần tôi nói với hai cô bạn rằng không biết mình học tiếng Anh là ngôn ngữ của các nước ở cách xa mình hàng ngàn vạn dặm để làm gì. Tôi đâu có ngờ rằng một ày nào đó tôi sẽ sinh sống ngay trên đất nước sử dụng ngôn ngữ này.

Hình ảnh của ba cô y tá và những kỷ niệm ở lớp học Anh ngữ thuở nào còn mãi trong đầu cho đến lúc tôi rời khỏi bệnh viện. Tôi không thể ngờ rằng cái ngôn ngữ mà tôi nghĩ là xa lạ kia bây giờ lại có một vai trò quan trọng trong cuộc sống của tôi. Ngôn ngữ ấy đã quyết định sự thành công cho chính bản thân tôi và cũng cho tôi cơ hội để giúp cho người khác nữa.

Phạm Ngọc Bích

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,060,116
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến