Hôm nay,  

Nghề Bỏ Báo Tai Quận Cam

29/07/200200:00:00(Xem: 173801)
Người viết: VY VÚT

Bài tham dự số: 2-602-vb30723

Tác giả họ Vũ, hiện cư trú tại Garden Grove, từng hành nghề bỏ báo, cả báo Mỹ lẫn báo Việt tại quận Cam. Sau đây là bài viết về kinh nghiệm giúp đưa tờ báo hàng ngày tới tận tay độc giả.

Nghề bỏ báo của dân Việt tại quận Cam tựu trung chỉ phục vụ cho hai loại báo là báo Mỹ và báo Việt. Tôi xin nói về báo Mỹ trước rồi báo Việt sau.

Nói về báo Mỹ thì có hai tờ báo lớn là LA Times và Register. Các cơ sở phát hành của hai tờ báo này rất nhiều nơi, không thể nào kể hết,
chỉ xin nêu tượng trưng công việc của một cơ sở trong đó có những người bạn Việt mình đang làm việc, thí dụ cơ sở phát hành báo OC. Register tại vùng Newhope, Huntington Beach.

Thông thường job tại các nơi này đều đầy hết rồi, muốn xin việc phải đến làm đơn và chờ trên danh sách khi nào có người nghỉ việc có chỗ trống thì mới được gọi đến và sẽ được phỏng vấn, mà phỏng vấn rồi cũng chưa chắc được đi làm ngay, đôi khi có người kinh nghiệm hơn mình, có ưu thế được mướn hơn thì mình vẫn lọt sổ và cứ chờ, và rồi chờ hoài
cũng không thấy gì hết. Tốt nhất là phải có người quen đem vào giới thiệu với chủ thì mới hy vọng được nhận việc ngay. Apply job tại bất cứ hãng xưởng nào xứ Mỹ này thường là như vậy.

Sau khi được nhận việc rồi, bạn phải chuẩn bị tinh thần để ngày hôm sau bắt tay vào việc.

Thức dậy từ 2 giờ sáng, ngày đầu tiên đến sở bạn sẽ được một nhân viên kỳ cựu thâm niên của hãng phụ trách hướng dẫn huấn luyện vài ngày trước khi đủ khả năng làm việc một mình trên lộ trình giao báo. Trước hết, tới một cái bàn trống,
bên cạnh là một cái máy cột báo, cắt dây nylon. Bạn đến nơi để báo gần đó ôm về một số báo khoảng từ 250 đến 300 tờ báo để đi bỏ cho một khu trách nhiệm (route). Tờ báo Mỹ hàng ngày có hai xấp , xấp báo trang chính và xấp phụ trang, cả hai xấp đều dầy cui, thường gấp đôi gấp ba tờ báo Việt mình. Nhập chung hai xấp, cuộn đôi, đưa ngang máy, xẹt một cái,
sợi dây cuốn lại rồi cắt.

Thấy thì đơn giản nhưng nếu không quen tay, cột xong tờ báo thường lỏng le, khi quăng sẽ sút ra hết mỗi nơi một tờ. Lính mới tò te như tôi, lần đầu tiên cột báo mất hàng giờ, trong khi đó người quen tay làm như máy chỉ hết nửa giờ là xong một route báo. Cột xong, chất báo lên xe, với 300 tập báo đầy nhóc một xe loại du lịch bốn cửa. Sau đó nhận một xấp giấy ghi địa chỉ nơi bỏ báo và đi cùng huấn luyện viên. Xấp giấy ghi địa chỉ nơi bỏ báo có ghi rõ các hướng đi từ đường này qua đường kia, từ điểm khởi hành, đi thẳng hay quẹo trái nơi này, quẹo phải nơi kia, bỏ qua đoạn đường này qua khu vực khác..v..v..

Ngày đầu tiên tôi chỉ phải ngồi bên cạnh huấn luyện viên quan sát cách điều khiển xe trên lộ trình, cách quăng báo từng nhà và ghi nhớ từng địa chỉ cho quen. Bản hướng dẫn chỉ cho người lái xe bỏ báo các nhà trên một con đường thường bắt đầu số nhà bên trái trước, đi hết các số nhà bên phía đó xong quay vòng trở lại để bỏ phía bên kia, như vậy luôn luôn phải đi ngược chiều xe chạy trên con đường bỏ báo.

Xin nhấn mạnh một điều, phải là tay lái hay, nhào xe vào sát lề đường ngay địa chỉ đó, quăng xong, lượn xe ra,
tránh xe đậu lề đường, lại đến nhà kế tiếp cứ thế lượn ra lượn vào, phải nhanh tay, nhanh mắt để khỏi ủi vào xe đậu dọc đường, cũng may là giờ đó rất ít xe chạy ngược chiều nên cũng đỡ nguy hiểm. Tôi hỏi người hướng dẫn:

- Đi như vậy là phạm luật giao thông, nếu gặp cảnh sát thì sao"

- Nếu thấy đèn xe ngược chiều phải đứng lại, không nhúc nhich để chờ xe kia biết lối tránh đi qua xong hãy chạy tiếp, còn hung thần cảnh sát cũng thông cảm cho dân bỏ báo nên không cho ticket.

Vừa lái xe vừa quăng báo, anh ta nói: phải dùng thế bằng tay trái ném sao cho tờ báo rơi ngay trước sân nhà, không được nằm trên đường đi (driveway) trên bãi cỏ hay nằm dưới gầm xe đậu trước nhà để xe, đôi khi khách hàng đòi hỏi tờ báo phải nằm ngay trước cửa ra vào.

Muốn cho tờ báo bay vèo đúng chỗ, phải cầm cho cái sống lưng cuốn báo quay ra phía ném sẽ không bị mất trớn, nếu mặt trước của cuốn báo quay ra ngoài sẽ bị bọc gió cản lại, rơi không đúng theo ý muốn. Động tác này đòi hỏi vừa có sức lực, vừa khéo léo khỏi mất nhiều thì giờ nếu phải đậu xe rồi bước xuống, không kịp thời hạn ấn định. Điều lệ đặt ra cho người bỏ báo là phải làm xong một route trước 6 giờ sáng
để kịp có báo cho khách trước khi đi làm và nếu sau 6 giờ xe bắt đầu xuất hiện đông đảo càng khó cho việc lái xe đi bên phía trái. Ngồi quan sát anh ta lái xe lượn vào lượn ra từng địa chỉ, tránh né từng chiếc xe đậu bên lề, quăng báo như máy, chính xác, lanh lẹ,
thấy muốn chóng mặt, nhủ thầm không biết bao giờ mình mới làm được như vậy. Chỉ khoảng một giờ ba mươi phút là xong một route.

Anh ta cho biết thêm một kinh nghiệm: Đến nơi mỗi nhà nên để ý có đặc điểm gì đáng ghi nhớ cho dễ nhận ra lần sau, như chiếc xe của chủ nhà có gì đặc biệt kiểu dáng, màu sắc, .hoặc cây kiểng, hoặc khung cửa. Có những khu nhà house, số nhà thường nhẩy 10 số từ nhà này sang nhà kế bên, thí dụ nhà số 7789 thì nhà kế bên sẽ là 7799 tiện cho mình ước chừng khoảng cách để bỏ báo không cần nhìn xuống số sơn bên lề đường đôi khi mờ nhạt hay trời tối không thấy rõ. Cách nhận định như vậy cần phải có trí nhớ tốt và sắc bén vài lần sẽ quen ngay.

Ngày hôm sau, tiếp tục hiện diện tại sở lúc 2 giờ 30. đến ngay một cái bàn trên đó đã để sẵn một dãy các báo cáo cho từng route biết ngày hôm nay có chi tiết gì thay đổi như chủ nhà nào ngưng lấy báo, thêm địa chỉ mới yêu cầu, khách hàng muốn báo phải bọc bao nylon vì nước tưới cỏ làm ướt, phải để báo ngay trước cửa ra vào..v..v..Sợ nhất là các báo cáo của khách khiếu nại báo rơi rãnh nước không đọc được, không nhận được báo hoặc vì mình quên, hoặc nhầm nhà, hoặc bị ai lấy mất. Những khiếu nại này sở phải có người đi giao đền cho khách hàng ngay khi nhận tin, sau đó sẽ trừ tiền công của người giao báo, cứ mỗi lần như vậy bị trừ 5 dollars trên paycheck, nếu trong vòng 15 ngày, hai lần mất báo bị trừ gấp đôi. Tôi đặt câu hỏi :

- không phải lỗi người giao báo mà vì ai lấy mất cũng phải chịu trách nhiệm sao"

- Nếu xẩy ra mất hoài, hãng cũng sẽ biết là có người lấy và phái người theo dõi, đồng thời ghi trên tờ báo cáo là phải kèm theo tờ báo giao địa chỉ thường bị mất báo với một tờ giấy màu vàng gọi là "stop thief" trên đó cảnh cáo kẻ cầm nhầm báo cũng sẽ bị tội hình sự. Sáng sớm nào đọc tờ báo cáo mà thấy nhiều chi tiết khiếu nại sẽ buồn năm phút, nếu thấy chữ no complain to tướng thì rất vui , đã xong được một ngày làm tốt công việc. Mỗi tuần vào ngày chủ nhật ai cũng ngán sợ vì xấp báo dầy, nặng gấp ba ngày thường, chở một chuyến xe không hết, ai cũng phải đi làm hai chuyến tốn nhiều thời gian hơn rất nhiều, nhưng bù lại, ngày hôm đó được quyền đến trễ lúc 3giờ 30 và xong trễ lúc 7giờ thay vì phải xong trước 6 giờ ngày thường. Đến hãng không phải tự cột báo vì hãng đã mướn nhóm người (riêng ngày chủ nhật) bỏ bao và cột sẵn, chỉ việc nhận và di giao . Quăng báo ngày chủ nhật ai cũng oải cánh tay và mệt hết cỡ, bở hơi tai.

Chuyện vui trong nghề bỏ báo Mỹ : Một người bạn trung niên tuổi ngoài bốn mươi rất yêu nghề, hành nghề bỏ báo từ hơn mười năm nay, vẫn kiên trì giữ nghiệp vì cảm thấy thú vị khi sáng sớm thức dậy hít thở không khí trong lành, lái xe ban đêm một mình trên đường phố thoải mái, nghe đài phát thanh VN buổi sáng nhiều tin tức, truyện vui tranh cãi hấp dẫn,
hay nghe nhạc tình cảm, du dương phát ra từ băng cassette trong xe lấy làm thích thú,
vừa lái xe vừa nhâm nhi ly trà, phì phèo điếu thuốc lá thơm. Chỉ cần chịu khó trong vài tiếng đồng hồ
buổi sáng xong về
nghỉ khoẻ. Nếu tính giá trị đồng lương cũng tương đương với một công việc 10 đồng một giờ,
mà không lệ thuộc chỉ huy của ai, một mìng tự tung tự tác miễn là chu toàn nhiệm vụ. Nếu muốn làm thêm job khác cũng còn dư thời gian cả một ngày làm việc. Rất nhiều người hiện nay vẫn kiêm luôn cả hai việc. Tôi cũng thấy cả hai vợ chồng cùng đi làm việc này, mỗi người nhận một route. Thực là kiên trì và cần mẫn. Hai anh chị này đã có nhà cao cửa rộng, xe đẹp, tiền bạc rồi rào sung túc đòi sống thoải mái như ai. Sách có câu " Đại phú do thiên, tiểu phú do cần là vậy.

Một chuyện khá tiếu lâm xẩy ra do một vị cao niên khoảng trên dưới 60. Vị này nhận việc từ ngày đầu tuần, thứ hai, số báo đem giao 250 tờ ngày thường cũng nhẹ, đủ sức và đủ thì giờ làm xong được. Đến ngày chủ nhật không ngờ tờ báo vừa dầy vừa nặng gấp ba,
chất lên xe một chuyến không hết, vả lại cảm thấy không thể nào kham nổivới tuổi già sức yếu,
báo đã lỡ chất lên xe rồi không thèm bỏ xuống, tức mình lái xe chạy luôn về nhà bỏ đó, quit job ngay mà cũng không thèm trở lại sở nữa, báo hại hôm đó sở phải vội vàng phái người khác kịp thời đem giao đủ số báo của nguyên một route, khách hàng khiếu nại tứ tung trễ giờ mà chưa có báo. Thế mới biết công việc này tuy dễ nhưng cũng khá nặng nhọc,
không dẽ gì người sức yếu kham nổi.

Riêng tôi, tập tễnh bước chân vào nghề, được huấn luyện xong hai ngày, đến ngày thứ ba hãng giao thử cho đi một mình,
một nửa route 150 tờ. Tiêu mất hơn nửa thời gian đầu mới cố gắng quăng xong được một khu phố vì chưa quen lắm vả lại sức yếu không thể ném tờ báo qua khỏi lằn đường đi, cứ phải đậu xe lại, bước ra ngoài lấy thế ném nên đã mất nhiều thời gian. Qua khu phố khác, vào dẫy nhà condo tìm một địa chỉ mãi không thấy, chạy loanh quanh một lúc lạc mất đường hướng, nhìn đồng hồ chỉ còn nửa giờ nữa là tới hạn 6 giờ mà báo trong xe còn cả phân nửa chưa giao, thấy không còn cách gì làm xong được bèn phải chạy ngược trở về hãng giao trả người huấn luyện nhờ đi giao nốt cho kịp. Tự nghĩ báo ngày thường mới chỉ có số lượng 150 tờ mà làm còn không xong,
đến ngày chủ nhật số lượng gấp đôi, dầy,
nặng gấp ba thì chỉ có nước ngồi ngó chứ làm gì được. Thôi đành ngậm ngùi tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Số tôi không có duyên nợ với nghề đi bỏ báo Mỹ, hai lần thử hành nghề mà không xong. Lần trước cách nay 18 năm (1984), lúc đó mới nhập cư tỵ nạn tại quận cam này, chưa có việc làm chính thức và còn sung sức nên gia nhập nghề này tương đối dễ dàng khả thi. Làm việc mới được hơn tháng,
gặp một ngày xui xẻo,
lái xe cũng kiểu lượn qua, lượn lại, vô ý chẳng may đụng phải chiếc xe đậu lề đường. Đang lúc tối trời không ai thấy, xe lại không có bảo hiểm, làm liều hit and run. Thế rồi tự kỷ ám thị, cảm thấy ngán công việc này quá bèn xin nghỉ việc luôn. Qua một thời gian khá lâu hành nghề thợ điện

cho đến gần cuối năm 2001, kinh tế nước Mỹ suy thoái, lại thêm nạn khủng bố 911, nhân số thất nghiệp gia tăng trong đó có tôi. Lúc này khó kiếm được việc làm như cũ nên cố gắng thử thời vận gia nhập nghề "làm báo" Mỹ lần nữa xem sao. Nhưng rất tiếc, lực bất tòng tâm, lại thêm một lần thất bại thứ hai, đành phải bỏ cuộc hẳn.

Bỏ cơ sở báo Mỹ, chạy qua làng báo Việt thử tìm việc làm thì vừa dịp may đọc mục rao vặt thấy cần người giao báo vùng Long Beach, bèn gọi phone xin việc. Rất may gặp được ông chủ hiền lành tốt bụng, sau vài câu phỏng vấn trên phone được nhận việc ngay và hẹn hôm sau đến địa điểm lãnh báo đi giao. Ba ngày đầu cũng được huấn luyện,
đi chung với người chỉ dẫn các địa điểm cho biết chỗ, sau đó đi giao một mình, lần này quen việc ngay không chút trở ngại.

Gia nhập làng báo Việt mình mới thấy ta về ta tắm ao ta,
dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn. Thực vậy, so sánh với báo Mỹ, công việc giao báo Việt rất nhẹ nhàng, đơn giản và thoải mái. Không phải thức dậy sớm lắm,
6 giờ sáng
mới phải hiện diện nơi lãnh báo, không phải
đi giao hàng mấy trăm địa chỉ như báo Mỹ.

Tờ báo nhẹ hơn, mỏng hơn, lại được bó sẵn từng bó 50 tờ từ nơi nhà in phát ra nên không tốn thì giờ cột báo, cứ việc ôm chất lên xe đủ số lượng đem giao, 1000 tờ là 20 bó, chất lên xe chỉ choán hết một góc.

Một route chỉ có khoảng ba, bốn chục địa chỉ, mỗi nơi số lượng giao tùy theo yêu cầu, nơi 100, 25, 35, 40, 10, 15...vào một khu thương mại có cơ sở Việt nam thường giao 4, 5 địa chỉ cùng một khu khỏi phải đi xa, đi nhiều. Chạy xe một vòng từ khu này sang khu khác không mất bao nhiêu thì giờ, nhẹ nhàng cầm xấp báo đặt ngay trước cửa tiệm,
không phải dùng sức ném từng tờ, từng địa chỉ như đi quăng báo Mỹ, không sợ bỏ sót,
không sợ lầm không lo bị khiếu nại mất hay không nhận được báo. Thực là khoẻ re,
không có công việc nào thoải mái nhẹ nhàng bằng.

Bác Phạm Long đài Little Saigon Radio vẫn thường ngỏ lời cám ơn và tội nghiệp cho những vị đi bỏ báo buổi sáng, thực ra người đi bỏ báo Mỹ đáng tôi nghiệp thật, chứ báo Việt, theo tôi biết,
vì đang ở trong nghề, thì không đến nỗi nào, lại còn lấy làm sung sướng được góp chút sức mọn phục vụ cho ngành báo chí Việtnam hải ngoại.

Một vấn đề cũng khá quan trọng và cần thiết cho nghề bỏ báo là con trâu sắt (xe hơi, phương tiện chuyên chở). Con trâu này tuy bằng sắt nhưng hàng ngày phải chuyên chở cả 500 pound có khi 1000 pound ngày chủ nhật, chạy tới chạy lui, tay lái liên tục xoay trái xoay phải, máy và hộp số chạy không ngừng, liền mấy tiếng đồng hồ với tốc độ chậm, hao mòn cơ khí cũng đáng kể,
thêm nữa vỏ xe mài miết
dưới đường hao mòn không ít. Dùng xe mới thì bảo đảm không bị nằm đường, trễ nải công việc, nhưng tội nghiệp và uổng phí chiếc xe. Dùng xe cũ lại lo nhiều trở ngại về máy móc sẽ xẩy ra, khó lường trước được. Nghề nào nghiệp nấy, cũng đành phải hao tâm tổn sức suy tính và tốn tiền săn sóc chu đáo con trâu sắt mới mong hoàn tất tốt công việc được.

Trên đây chỉ là một ít sự kiện thâu thập bằng mắt thấy, tai nghe bạn bè thuật lại trong khoảng thời gian không lâu kẻ hèn này mới gia nhập nghề đi bỏ báo,
kể lại hầu quý vị đọc chơi cho vui, rất mong quý vị cao thủ, thâm niên trong nghề bổ túc thêm cho những điều còn thiếu sót.

Vy Vut

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,818,515
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức Đà Nẵng từ 1969- 1975. Đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Tựa đề bài viết mới của bà là tên một ca khúc Trịnh Công Sơn.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Bài mới nhất, tác giả viết về Lễ Tạ Ơn đang tới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Cô tên thật Trần Minh Châu, 38 tuổi, quê quán Sài Gòn, định cư tại Mỹ mới hơn 6 tháng theo diện kết hôn, hiên đang sinh sống tại Hillsboro, tiểu bang Oregon. Đã tốt nghiệp cử nhân Anh văn tại Đại học Tổng hợp Sài Gòn. Công việc trước đây tại Viêt Nam là biên dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt, và công việc hiện tại là nội trợ, đang tìm việc làm phù hợp.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Bài Phan mới viết là tùy bút về mùa Lễ Tạ Ơn đang tới.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả bắt đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông sinh năm 1944 tại Thừa Thiên, Huế, cựu học sinh Nguyễn Tri Phương, Quốc Học. Trước 1975, là cảnh sát quốc gia. Cựu tù cải tạo. Làm rẫy vùng kinh tế mới. Đến Mỹ theo diện HO từ 1993, ông có 12 cuốn sách đã xuất bản. Bài viết mới là tự truyện của một “ông nhà văn kiêm thằng bỏ báo” như bạn hữu thân tình gọi tác giả.
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài “Nước Mỹ là nhà của Mị” ký tên thật là Quynh Gibney. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego và sau đây là chuyện về công việc cô đang làm: thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang.
Đây là một bài mới tác giả viết về tâm trạng của con cái khi phải đưa cha mẹ già vào nursing home. Tác Giả tham dự VVNM năm 2015, được giải danh dự trong năm đầu (2016) và giải “Vinh danh tác phẩm” ( Á khôi) năm 2017. Ông là một chuyên viên về hưu, đang định cư tại Orange County.
Nhạc sĩ Cung Tiến