Hôm nay,  

Đời Sống Hai Chiều

17/06/200200:00:00(Xem: 338655)
Người viết: Nguyễn Trần Diệu Hương
Bài tham dự số: 2-571-vb70615
Nguyễn Trần Diệu Hương là tác giả bài viết “Chương Cuối Của Cuộc Đời”, một trong những giải danh dự Viết Về Nước Mỹ năm 2001. Cô hiện sống và làm việc tại miền Bắc California. Sau đây là viết mới nhất của cô nhân lễ Father’s Day.
Tháng 10 đầu mùa thu ở Mỹ, ngày ngắn lại, bầu trời xám ngắt của mùa thu không ngăn được nỗi hân hoan của chúng tôi khi đón Ba Mẹ từ Việt Nam đến Mỹ thăm chúng tôi vài tháng.
Đây là lần đầu tiên mẹ đến Mỹ, nhưng ba đã đến đây từ thập niên 60, khi ba còn là một sĩ quan trẻ của quân lực VNCH tham dự khóa huấn luyện tham mưu cao cấp ở Camp Fort Benning, tiểu bang Georgia.
Hồi đó, ba mẹ mới lấy nhau, và chỉ có anh cả của chúng tôi ra đời. Hồi đó, theo lời ba kể, nước Mỹ vẫn còn một khoảng cách lớn giữa người da trắng và người da đen. Đó đây, trong những chuyến đón xe bus chạy khắp nẻo đường đất nước, người da đen rất nhẫn nhục và cam chịu, chỉ được ngồi ở nửa phần sau của xe bus, những hàng ghế đầu chỉ dành riêng cho người da trắng. Những bạn Mỹ cùng học với ba ở trung tâm Fort Benning còn khuyên ba không nên giao tiếp với người da đen. Hồi đó, ba và bác M mỗi cuối tuần đi chơi, trú ngụ trong Holiday Inn chỉ phải trả có 4 dollars mỗi ngày.
Bây giờ, gần 40 năm sau, nước Mỹ đón ba mẹ với nhiều đổi thay và tiến bộ, tiến bộ lớn nhất là không có một khoảng không gian phân đôi giữa những người Mỹ gốc Âu Châu, và những người Mỹ gốc Phi Châu. Khoảng cách đó vẫn còn, nhưng chỉ còn trong tâm tưởng. Đó là điều đương nhiên không thể tránh khỏi, vì con quạ bao giờ cũng lạc loài giữa bầy bồ câu trắng. Nhưng ít nhất, cơ hội đã mở ra cho tất cả mọi người, và không có những dấu hiệu phân chia rất đáng buồn của ngày xưa. Trên những cánh đồng màu mỡ của nước Mỹ, tất cả mọi loài chim quạ, bồ câu, se sẻ, chích chòe…đều có thể đến nhặt thóc, kiếm ăn đồng đều như nhau. Cuối ngày kiếm ăn, mỗi loài chim dĩ nhiên bay về tổ riêng của mình, ở đó sau cánh cửa đóng lại, trong khoảng trời riêng, có những tập quán và thói quen riêng cho mỗi loài chim.
Và chúng tôi đón ba mẹ với lòng hân hoan như nỗi vui được mảnh áo mới của thời thơ dại. Đó là tháng mười năm 2001, chỉ hai tuần sau ngày nước Mỹ bị quân khủng bố tấn công, cả thành phố Nữu Ước chìm trong lửa và nước mắt. Cho nên thủ tục hải quan kéo dài gấp mười lần thông lệ. Và chúng tôi không được đón ba mẹ ở bên trong, mà phải chờ ba mẹ ở bên ngoài Security check point.
Kỹ nghệ hàng không của cả thế giới bị ảnh hưởng nặng nề khi nước Mỹ, người khổng lồ của thế giới bị tấn công, các chuyến bay bị dồn lại, để giảm chi phí. Tôi đã phải gọi điện thoại cho văn phòng của Eva Airline ở Mỹ, chắc chắn là ba mẹ không bị bỏ lại ở phi trường Đài Bắc lâu hơn, do việc dồn chuyến bay. Đầu dây bên kia là một giọng nói tiếng Mỹ âm hưởng Đài Loan:
- Tôi có thể giúp gì được cho bạn"
Tôi đưa tên ba mẹ ra, và muốn chắc chắn là ba mẹ có tên trên chuyến bay từ Đài Bắc qua San Francisco như thời khóa biểu, và không bị gạt lại vì bất cứ lý do nào.
Nhân viên Eva cho biết danh sách đã lên nhưng nếu giờ chót có gì thay đổi, ba mẹ phải đi chuyến bay kế đó, trễ hơn bốn tiếng đồng hồ sau. Tôi không nén nổi kiên nhẫn, bắt đầu thực hành thói quen Hoa Kỳ "Khách hàng là vua" quát lên:
- Ba mẹ tôi ngoài 65, nếu Eva gạt ba mẹ tôi ra khỏi chuyến bay chính thức, Eva sẽ phải trả giá rất đắt cho chuyện này. Tôi sẽ gởi email cho khắp các potential clients của Eva, báo cho họ biết là lề lối làm việc này. Và khỏi phải nói, business của Eva sẽ bị ảnh hưởng như thế nào"
Qua đường dây điện thoại, tôi vẫn cảm nhận được sự bối rối của nhân viên Eva. Cô ta xin số điện thoại của tôi, và hứa sẽ gọi lại sau khi làm việc với văn phòng Eva ở Đài Bắc.
Nửa giờ sau, một nhân viên Eva khác gọi lại, với tiếng Mỹ nhẹ nhàng hơn, không quá nặng nề âm hưởng tiếng mẹ đẻ, cho tôi biết mọi việc được thu xếp ổn thỏa, ba mẹ sẽ được boarding đầu tiên trong chuyến bay đúng thời khóa biểu.
Thật ra trình độ anh ngữ của mẹ hơi bị hạn chế, nhưng trình độ tiếng Mỹ của ba dư thừa để đối đáp với nhân viên phi trường khi có trục trặc, nhưng chúng tôi vẫn lo.
Cuối cùng ba mẹ đến Mỹ đúng như thời khóa biểu, không gặp trở ngại nào trong thủ tục hải quan. Nhưng nhân viên phi trường San Francisco còn rất ngạc nhiên khi thấy một ông già á châu tóc bạc trắng, mang thông hành Việt Nam, nói tiếng Mỹ rất thông thạo, không cần thông dịch viên.
Thời gian ba mẹ lưu trú ở Mỹ là một khoảng thời gian rất hạnh phúc, tuy rất bận rộn của chúng tôi. Điện thoại reo liên tục, những người bạn của ba từ một "thời chinh chiến bảo vệ tự do" cả Việt lẫn Mỹ, những người bạn của mẹ từ một thời áo trắng Đồng Khánh liên tục thăm hỏi ba mẹ, làm chúng tôi càng thấm thía câu ngạn ngữ "Tình bạn như rượu chát, càng cổ xưa càng dịu ngọt" mặc dù không một đứa nào trong lũ con của ba mẹ đụng đến bia, rượu.
Cảm động nhất là tình thân của ba với bác DKL. Bác và ba cùng làm ở bộ tổng tham mưu trong những năm cuối cùng trước ngày mất nước. Bác luôn là cố vấn cho ba trong những vấn đề quân pháp, vì ngoài quân hàm của quân đội VNCH, bác còn là một luật sư. Trong những ngày cuối tháng tư đầy hoảng loạn, bác đưa kịp gia đình di tản. Khỏi phải nói đến vất vả của bác những ngày đầu đến Mỹ, như bao nhiều "người di tản buồn" khác, bác đã làm việc và cố gắng không ngừng để đưa đàn con nhỏ tới một trình độ khả dĩ của giai cấp trung lưu của Mỹ như hiện tại.
Khi con đò cuối cùng tới bến (người con út xong đại học), ông lái đò thư thả hơn, nhưng không gác mái. Bác bắt đầu nghĩ đến tình "huynh đệ chi binh" bằng một cố gắng không mỏi mệt, bác đã tìm ba bằng đủ mọi cách. Trước tiên bác viết thư về dò hỏi những người sống gần cư xá nơi gia đình chúng tôi cư ngụ đến tháng 4/75. Dĩ nhiên cố gắng này chỉ có "thư đi mà không có thư về" bác liên lạc với những người bạn đồng ngũ ngày xưa, dò hỏi bằng mọi cách mặc dù trong rất nhiều năm dài, bác đã phải chịu cảnh "tìm ai như thể tìm chim, chim bay biển Bắc, anh tìm biển Nam".
Một lần nào đó, qua tin từ một người bạn chung của ba và bác, bác biết được chúng tôi, các con của ba mẹ đã đến Mỹ như những thuyền nhân, và đang ở California. Từ Pennsylvia của miền Đông nước Mỹ, bác đã đến thư viện lấy "white book" của CA, tìm họ Nguyễn (một cái họ chung của hơn một nửa dân số VN) và tên của chúng tôi. Mỗi cuối tuần, bác lần lượt gọi điện thoại và tốn rất nhiều thì giờ và tiền bạc để tìm chúng tôi, nhưng vẫn không có kết quả, vì hồi đó (và mãi cho đến bây giờ) tôi vẫn trả mỗi tháng thêm 30 cents để tên mình không bị list trên niên giám điện thoại. Mỗi cuối tuần sau năm ngày làm công chức cho chính phủ từ năm 1975, người bạn già chân thành, đầy tình nghĩa của ba nhẫn nại ngồi bên điện thoại gọi từng người trùng tên với anh chị em của chúng tôi ở CA để tìm lại được ba tôi.
Bao cố gắng của bác đã không mang lại một kết quả cụ thể nào, kể cả việc bác đã nhờ một tổ chức tìm người ở Mỹ truy tìm chúng tôi, nhưng vẫn chưa có kết quả. Bác vẫn không đầu hàng, nhờ một người bạn khác, bạn của cả bác và ba, vừa đến Mỹ theo diện H.O số 1, có con học cùng lớp chúng tôi ngày xưa ở tỉnh lỵ Biên Hòa, bác tìm lại được chúng tôi. Lúc đó, chúng tôi đã tạm thời ổn định, đã học hành xong xuôi, bác không còn phải giúp đỡ chúng tôi, hay giúp đỡ ba, người bạn già đáng kính của ba quay về giúp đỡ những gia đình thương binh VNCH còn ở Việt Nam. Và bác với ba làm thành một cầu nối tình nghĩa, chuyển tiền về giúp những gia đình thương binh VNCH vẫn còn sống lầm than trên quê hương mình. Với chúng tôi, những đứa con phải xa cha mẹ, sống tự lập còn trong lúc tuổi vị thành niên, bác trở thành một "cố vấn tối cao" mỗi khi chúng tôi có những "trăn trở" trong đời sống. Kinh nghiệm, kiến thức và tình thân của bác đối với ba làm chúng tôi kính trọng và yêu thương bác như một người cha thứ hai, mặc dù chúng tôi chỉ mới gặp được bác và gia đình, một gia đình rất thành công và hạnh phúc, một lần duy nhất ở CA.
Ngày ba đến Mỹ, bác xin nghỉ hai tuần mời ba mẹ qua Philadelphia thăm miền Đông Hoa Kỳ. Vào thời điểm mà những chuyến bay ở Mỹ thường chỉ cất cánh với gần một nữa số ghế bỏ trống với cơn ác mộng của ba chuyến bay bốc cháy vẫn còn đậm nét trong lòng mỗi người Mỹ, ba mẹ đã du hành khắp 6 tiểu bang để tìm lại những ân tình rất quý hiếm ở một xứ sở vật chất, và thì giờ đã thành ưu tiên số một của đa số mọi người.

Chúng tôi chỉ có thể đưa được ba mẹ đến Security Check Point. Từ đó ba mẹ tự tìm lấy gate, tự lấy vé để boarding. Những năm tháng tù đày dài đăng đẳng trong các trại cải tạo của VC đã lấy đi của ba rất nhiều thứ, nhưng trình độ anh ngữ của một sĩ quan QLVNCH vẫn còn đó, chưa bị mai một nhiều, nên chúng tôi an tâm để ba mẹ bay khắp nước Mỹ một mình.
Thật tình chúng tôi cũng muốn lấy vacation "thắp tùng" ba mẹ, trước là để yên tâm hơn khi luôn được ở gần ba mẹ, sau là để được tận mắt thấy tai nghe tình bạn hiếm có của ba mẹ với bác, với những người bạn già đã trãi qua một thời niên thiếu, hay trung niên cùng ba mẹ, nhưng công việc và "nợ áo cơm" không cho phép chúng tôi đi cùng cha mẹ. Khi kinh tế đang bị trì trệ các công ty liên tục cắt giảm nhân viên để sống còn và giữ vững lợi nhuận, tất cả những nhân viên còn lại phải làm việc nhiều hơn, và không thể vắng mặt dài ngày. Do vậy, chúng tôi đành ở nhà và "vấn an" theo dõi hành trình của ba mẹ, qua điện thoại hay email.
Cuộc Mỹ du của ba mẹ rất là thông suốt, ở Philadelphia bác DKL đưa ba đi thăm nhiều tiểu bang ở miền Đông Hoa Kỳ và dĩ nhiên là không quên dừng lại rất lâu trước VietNam War Memorial ở DC. Đó là một bức tường bằng đá cẩm thạch đen dài khoảng 200 thước, với tên tuổi của tất cả những người lính Mỹ đã chết hoặc mất tích trong chiến tranh Việt Nam.
Khi chiến tranh Việt Nam có sự tham chiến trực tiếp của lính Mỹ, tôi còn chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt, vậy mà mỗi lần đứng trước bức tường cẩm thạch đen đó, tôi vẫn chùng lòng rơi nước mắt, không phải chỉ khóc cho những thanh niên trẻ phải chấm dứt cuộc đời ở lứa tuổi đầy sức sống, mà còn khóc cho thân phận nhược tiểu, bất hạnh của đất nước Việt Nam. Trường hợp này, cả ba và má đều trực tiếp tham chiến và làm việc với những sĩ quan cố vấn Mỹ và dù ít dù nhiều đều có tiếp xúc với một trong số những người mà tên họ được khắc sâu không những trên bức tường cẩm thạch đen, mà trong lòng của rất nhiều người, trong đó có những người lính già như ba và bác. Tôi không được có mặt cạnh ba và bác lúc đó, nhưng tôi biết hẳn bác và ba đã nghiêm trang chào kính những người bạn đồng ngũ một thời. Tấm lưng còng đi vì năm tháng, vì bao biển dâu cuộc đời của ba và bác hẳn đã thẳng lên với hào khí một thời và cái chào nhà binh vẫn đầy nét hào hùng từ hơn một thế kỷ trước. Đó là cái chào biết ơn dành cho những người đã nằm xuống cho một đất nước nhỏ bé, nghèo nàn ở bên kia bờ Thái Bình Dương.
Bác cũng đưa ba đi thăm cảnh chùa của bác lập ở Philadelphia. Chúng tôi chỉ được thấy hình ảnh của ba và bác những tấm lưng một thời khoác áo kaki, bây giờ khoác áo tràng màu lam thành kính trong trầm hương trước tượng Phật. Ngày bác và ba chia tay hẳn là lắm nổi bùi ngùi, bởi vì cả hai đều xấp xỉ ở tuổi "thất thập cổ lai hy".
Ở Houston, Texas mẹ được những gia đình hàng xóm ngày xưa đón tiếp nồng hậu, ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Một trong những gia đình đó, di tản từ tháng 4/75, không đủ tinh thần đối phó với cuộc biển dâu quá lớn, đã tan nát từng mảnh trong 3 năm đầu tiên ở Mỹ. Cô sang ngang với người bản xứ, chú sống một mình, ngày tháng càng trống vắng hơn khi chú vừa mới về hưu năm ngoái. Chú đã tâm sự với ba tôi, người chiến hữu, người bạn, người hàng xóm thân thiết một thời:
- Ngày xưa sĩ quan không quân nổi tiếng hào hoa, nhưng tôi chỉ có một "cô". Bây giờ tôi sống cũng một lúc với 4 cô: "cô độc" "cô quạnh" "cô đơn" và đôi lúc cả "cô hồn".
Ba mẹ cũng bùi ngùi, nhưng không biết làm gì để giúp được chú, như ngày xưa ba mẹ vẫn làm "trọng tài hòa giải" khi chú và cô to tiếng. Khi ba mẹ rời Houston, cả cô và chú đều đã nghỉ hưu, vẫn biếu ba mẹ một ít tiền gọi là "chút quà" để ba mẹ tùy nghi xử dụng. Chẳng những thế, cô chú còn gọi điện thoại qua CA, nói anh trai lớn đang sống ở thành phố kề cận nơi chúng tôi đang sống, nhắn nhủ:
- Hai bác ở Việt Nam qua chơi vài tháng, nhớ đến thăm.
Khi anh đến thăm, lại biếu tiền cho ba mẹ rất cung kính, rất Việt Nam.
- Chắc các anh chị đã mua sắm đủ cho hai bác, cháu xa VN gần 30 năm, không biết đời sống ra sao, chỉ xin biếu bác đem về VN để chi dùng lúc cần, các anh chị bên này chưa "tiếp tế" kịp.
Chúng tôi rất cảm động, không phải vì những tờ giấy bạc màu xanh mới toanh gia đình cô chú đã biếu ba mẹ, mà cảm động vì thấy một tâm tình, hầu như không tìm thấy được ở thế hệ chúng tôi.
Thời gian ba mẹ ở CA, chúng tôi được mắt thấy tai nghe nhiều gương sáng của thế hệ ba mẹ. Như bác T, một người bạn tù của ba trong các trại học tập cải tạo từ Bắc vào Nam mới đến Mỹ theo diện H.O vài năm nay, đời sống vẫn chưa ổn định đã lái một xe cũ kỹ, từ xa 40 dặm về thăm ba. Cả người lẫn xe đều cao tuổi, bác phải đi đường nhỏ, thay vì xử dụng frew way, giữa thời tiết mưa gió, tôi không biết làm gì hơn là chỉ biết cầu nguyện cho bác được "chân cứng tay mềm, thượng lộ bình an". Hay vợ chồng bác D. lái xe về thăm, đón ba mẹ lên chơi, chỉ được để "cùng ôn chuyện dài chuyện ngắn của thời son trẻ".
Để đền lại phần nào những ân tình hiếm quý đó, chúng tôi mở một tiệc lớn ở nhà có đầy đủ các món bác thích, để những vị sĩ quan oai hùng của một thời xưa cũ có dịp hàn huyên, nhớ lại một thời "huynh đệ chi binh" khi lá cờ vàng ba sọc đỏ vẫn là một biểu tượng chính thức cho một quốc gia trên bản đồ Liên Hiệp Quốc.
Tiệc kéo dài gần nửa ngày, cả chủ và khách đều đi gần hết hành trình của đời người. bác Ch đã ngoài 80 nhanh chân di tản từ 75, không bị hành hạ bởi những năm tháng tù đày lao nhục, vẫn khỏe mạnh, tinh anh, và vẫn lái xe đổi từ hệ thống xa lộ này qua free way kia rất vững vàng.
Chúng tôi ngồi ở góc phòng, vểnh tai nghe chuyện giữa ba mẹ và các bác và tự hỏi với những con người đầy tình nghĩa, hiểu biết như vậy, tại sao lại có biến cố tháng 4/75, nói về "cuộc biển dâu" những người một thời "cầm quân" chỉ biết lắc những mái đầu đã "muối nhiều hơn tiêu" bùi ngùi, đau xót.
Đời sống thường nhật của chúng tôi có sự đảo lộn rất lớn trong thời gian ba mẹ "Mỹ du", chúng tôi đi về quá khứ cùng ba mẹ hơn là hướng về tương lai như thông lệ. Đúng như một nhà văn đã nhận xét "Người trẻ sống bằng tương lai, người già sống bằng quá khứ".
Những ngày hạnh phúc đó, tất cả chúng tôi đều "đi trễ về sớm" và lúc có mặt ở sở thì chúi đầu vào PC, không có giờ surfing internet, không có giờ đi vòng quanh các office kế cận "gossipping".
Và ba mẹ đã chứng kiến cuộc sống rất cao, nhưng cũng đầy stress, và tất cả ở Mỹ. Nước Mỹ với ba mẹ không phải là Las Vegas hào nhoáng với những khách sạn lớn nhất thế giới, không phải là một St. Louis êm đềm với Gate of Arch, không phải là một San Diego ôn hòa với sở thú lớn nhất nước Mỹ, không phải là New York với tượng nữ thần tự do, biểu tượng của nước Mỹ không phải là Washington DC thủ đô quyền lực của nước Mỹ, và của cả thế giới, mà nước Mỹ với ba mẹ là nơi hạt giống ước mơ của ba mẹ nẩy mầm, cho hoa thơm trái ngọt, nơi chúng tôi được cưu mang, và được nuôi dạy thành người hữu ích cho cả hai quê hương.
Nước Mỹ với ba mẹ là giàn hoa giấy màu đỏ được trồng trước balcony là mùi dạ lý hương thơm lừng về đêm trên lối vào nhà tôi, là bông hoa quỳnh nở đúng nửa đêm trong vườn nhà đứa em kế, là luống rau thơm mộc mạc của quê nhà trong một góc vườn đứa em út, là mùi vị quê hương chúng tôi mang theo từ mô hình của căn nhà hạnh phúc trong cư xá trước tháng 4/75.
Nước Mỹ với ba mẹ là thân tình chất ngất của những người bạn của gần nữa thế kỷ, tuổi tác càng cao, tình nghĩa càng đầy.
Nước Mỹ với ba mẹ là những đứa con trưởng thành, có thể tồn tại ngang hàng với người bản xứ, được hít thở tự do và được ngẩng cao đầu làm người.
Chúng tôi học được rất nhiều điều trong 3 tháng ba mẹ thăm chúng tôi ở Mỹ, chúng tôi biết nhìn về quá khứ, trong khi hướng tới tương lai. Cả quá khứ và tương lai đều góp phần làm nên đời sống.
Nguyễn Trần Diệu Hương
Mountain View, June 02
(xin được kính dâng ba mẹ với lòng biết ơn chân thành của tất cả chúng con. Xin được kính tặng hai bác Doãn Kim Lai cùng tất cả các bác các chú đã một thời chia xẻ mọi "cay đắng, ngọt bùi" với ba mẹ chúng con).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,335,974
Tác giả lần đầu gửi bài Viết Về Nước Mỹ và cho biết tên thật là Trương Thị Anh Đào là tên thật. Năm sinh: 1962. Qua Mỹ theo diện ODP năm 2011.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của ông là một du ký chất chứa nhiều tâm sự tác giả.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001.