Hôm nay,  

Thưa Ba, Bây Giờ Ba Có Thể Yên Tâm...

16/05/200200:00:00(Xem: 153643)
Người viết: Nguyễn Thị Liên Chi
Bài tham dự số: 2-543-vb50516
Mùa hè, mùa ra trường, đánh dấu một chặng đường khó quên cho những người tốt nghiệp đại học. Tác giả Nguyễn Thị Liên Chi, 30 tuổi, cư trú tại Corona, là người vừa làm (kế toán viên cho Toà Thị Chính Corona) vừa học, và mùa hè này, tốt nghiệp hạng danh dự cử nhân kế toán tại đại học Fullerton. Chặng đường vừa làm vừa học của Chi được kể lại bằng lối viết chân tình, mộc mạc mà dễ làm xúc động lòng người. Mong Chi sẽ tiếp tục viết thêm và mong bài viết của Chi sẽ gợi ý cho nhiều bài viết khác nhân mùa lễ tốt nghiệp đại học đang tới.
+

Cuối cùng thì gia đình chúng tôi cũng đã đặt chân đến được vùng đất hứa sau cuộc hành trình dài đầy lo âu, mệt mỏi. Gia đình tôi được bảo lãnh sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình (ODP).
Hơn mười năm chạy ngược chạy xuôi lo giấy tờ xuất cảnh bên Việt Nam, đến ngày được cấp xuất cảnh chính thức thì ba tôi đã không còn nữa.
Ba tôi vốn rất khoẻ mạnh.
Có lần ba tôi đạp xe đạp từ Sài Gòn xuống tận Mỹ Tho để thăm gia đình anh tôi. Ngoài ra, chuyện đạp xe từ Saigon về quê nội tôi ở Thủ Dầu Một một hay hai lần trong tuần là chuyện rất bình thường đối với ông.
Nhưng hai cơn tai biến mạch máu não liên tiếp đã quật ngã ba tôi.
Có lẽ nhờ ba phù hộ nên sau đó mọi việc diễn ra khá suông sẻ.
Rồi ngày ra đi cũng đến.
Lúc đó tuy rất buồn phải xa quê hương, xa những người thân và bạn bè, lòng tôi tràn đầy hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn nơi miền đất hứa, dù chưa hề biết trước mình sẽ sống như thế nào và làm gì trong những ngày sắp tới.
Đây là bước ngoặt quan trọng đối với một cô học sinh vừa tốt nghiệp trung học.
Tôi đến Hoa Kỳ vào ngày cuối cùng của tháng Năm. Tôi ngạc nhiên lắm khi trời vẫn còn nắng tới khoảng bảy, tám giờ tối. Dọc đường từ phi trường Los Angeles về nhà anh tôi ở thành phố Santa Ana, mắt và miệng tôi làm việc không ngừng. Cái gì cũng mới, cũng lạ và đẹp quá. Nhưng thích nhất là cái cửa nhà xe của nhà anh tôi tự động mở lên khi xe của anh còn cách nhà một khoảng rất xa.
Chị dâu chở tôi đi Target ngay buổi chiều hôm ấy để sắm sửa cho mọi người một vài đồ dùng cá nhân. Target thiệt là bự! Tôi chạy tới lui lăng xăng, nhìn ngắm những món đồ bày trên kệ, trầm trồ không ngớt, không hề thấy mệt chút nào sau chuyến bay dài trên 20 giờ đồng hồ. Hèn chi người ta nói ở Mỹ sướng không đâu bằng!
Liên tiếp những tuần lễ sau đó, xen kẽ với việc bận rộn đi hết cơ quan này tới văn phòng kia để chu tất những giấy tờ cần thiết cho việc cư trú, tôi được anh chị tôi dẫn đi chơi rất nhiều nơi, nào là Disneyland, Universal Studios, Huntington Beach, Newport Beach, và nhiều nhiều nữa mà tôi không thể nào kể hết ra đây được. Tôi như được sống trong những giấc mơ thần tiên mặc dù không ít lần tôi cảm thấy tiếc vì cái vốn tiếng Anh ít ỏi của mình không đủ để hiểu được lời chỉ dẫn của người dẫn đường.
Rồi đến những lần tôi được ăn thả dàn ở nhà hàng “líp ba ga” (buffet), hay thưởng thức những cái bánh hamburger và món khoai tây chiên ngon tuyệt cú mèo của McDonald trên đường ra biển chơi buổi tối. Cuộc sống như vậy thì còn gì sung sướng cho bằng!
Nhưng cuộc sống của tôi trên đất mới không phải chỉ toàn màu hồng. Ông bà ta thường nói, “chị em dâu như bầu nước lã.” Cũng đến lúc chị dâu tôi cảm thấy bực mình khó chịu vì sự có mặt của chúng tôi.
Chị bắt đầu để ý và phàn nàn với anh tôi về những lỗi lầm nhỏ nhặt chúng tôi vô tình phạm phải chỉ vì không hiểu cách sống ở Mỹ. Ví dụ không nói “cảm ơn” mỗi lần chị ấy đưa cho tôi một vật gì đó.
Sau đó là những lần “ngồi xuống nói chuyện” với anh tôi về cách cư xử, cách sống tại Mỹ, mà đặc biệt là phải làm sao cho vừa lòng chị dâu.
Ba má con tôi cố gắng chịu đựng được gần một năm, cuối cùng cũng phải dọn ra “share” một căn phòng nhỏ để ở.
Từ năm đó, cứ mỗi năm là ba má con tôi dọn nhà một lần. Tôi dùng chữ “nhà” cho có vẻ sang trọng, chứ thật ra chỉ là dọn phòng mà thôi, vì không chịu nổi những người chủ nhà từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Khi thì vì chủ nhà tổ chức tiệc mỗi cuối tuần, hát karaoke và đánh bài đến khuya quá nửa đêm; khi thì vì căn phòng ba má con tôi mướn quá chật chội, không tránh khỏi xích mích lúc nấu ăn, dọn dẹp, vân vân và vân vân.
Đó là về việc gia cư của tôi.
Nhưng nếu chưa an cưÕ thì không thể nào lạc nghiệp được, nên công việc làm của tôi cũng không kém phần lận đận.
Cuối năm 1991, năm đầu tiên gia đình tôi định cư ở Hoa Kỳ, nhờ “quen biết lớn” nên tôi kiếm được việc cho nhà hàng “Ong Chúa” trong khu Phước Lộc Thọ.
Nghề nghiệp đầu tiên trong đời tôi là waitress, hay còn gọi là bồi bàn. Tuy buồn vì cái “job title” không được cao sang, nhưng số tiền lương 35 đồng một ngày (xin nhắc là toàn bộ tiền típ của khách sẽ được bà chủ giữ trọn) mà bà chủ nhà hàng hứa hẹn đã làm cho tôi vui vẻ cất nỗi buồn của mình. Vì tôi biết với số vốn Anh ngữ ít ỏi gom góp được ở Việt Nam, mà phần lớn là về ngữ pháp, tôi làm sao dám đi xin việc tại các hãng Mỹ. Còn về “job description” của tôi thì cũng không khó lắm: dẫn khách vào bàn, ghi món ăn, làm nước giải khát, bưng đồ ăn, dọn bàn, rửa ly, đổ rác, giữ cho phòng vệ sinh (cả nam lẫn nữ) luôn sạch sẽ, lau nhà, hút bụi, lau khô muỗng đũa, và đương nhiên là phải làm những công việc trên một cách vui vẻ, tươi tắn để không làm phiền lòng khách hàng. Bà chủ cũng có nhắn nhủ chúng tôi rất ngọt ngào “khi nào các con không có việc gì làm (!) ở trên đây thì nhớ xuống bếp coi các cô chú có cần phụ gì không, tội nghiệp họ lắm các con.” Do đó công việc phụ của chúng tôi là: rửa chén, lặt rau và nhiều công việc không tên khác nữa. Giờ làm việc: từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối, sáu ngày trong tuần. Nhà hàng “khoản đãi” chúng tôi mỗi ngày một bữa ăn trưa, giờ ăn không nhất định, tùy theo số lượng khách ra vào. Những bữa điểm tâm thậm thụt của chúng tôi thì còn phải tùy thuộc vào lòng hảo tâm của các cô chú trong nhà bếp và sự vắng mặt của bà chủ.


Công việc làm tuy có cực nhưng dần dà rồi cũng quen việc. Duy có một việc tôi vẫn chưa quen được, nói đúng hơn là rất sợ, đó là phải ghi món ăn cho khách ngoại quốc.
Mấy đứa tôi cứ đùn đẩy qua lại không đứa nào chịu ra tiếp khách hết trơn.
Một lần khác, trong lúc gấp bưng đồ ăn lên cho khách, tôi bị vấp té nhào tới mấy bậc thang.
Tôi đau quá mà không dám nói, vẫn phải cố gượng làm việc vì sợ bà chủ đuổi.
Năm hết, Tết đến, sáng mùng Một tôi đi đến nhà hàng với hy vọng bà chủ sẽ lì xì chúng tôi vào buổi tối, nên cả ngày hôm ấy tôi làm việc không biết mệt.
Nhưng hỡi ơi, sau 16 giờ đồng hồ làm việc cực khổ gấp đôi ngày thường, chúng tôi ra về tay không. Không bao lì xì đỏ, bụng trống không, không bánh, không mứt. Thật là thê thảm!
Được một năm thì nhà hàng đóng cửa vì quá ế. Thất nghiệp, nằm nhà than thở khoảng hơn một tháng thì tôi được nhận vào làm tại một hãng Mỹ, nghề “assembly.” Nghề này so với nghề nhà hàng trước đây thì hơn rất nhiều.
Giờ giấc ổn định, lương căn bản, bảo hiểm sức khỏe đầy đủ, lại được nói tiếng Mỹ với những người Mễ, mặc dù gần như trong mỗi câu tiếng Anh họ đều có xen vào vài tiếng Tây Ban Nha để có thể diễn tả hết ý nghĩ
của họ.
Bà xếp của tôi là người Việt Nam. Bà ta trở thành xếp cũng nhờ “sống lâu lên lão làng.” Tuy là người Việt Nam, nhưng bà ta luôn luôn đứng về phía người Mễ, vì họ chiếm đại đa số.
Có một điều giống nhau giữa tôi và bà ta, chúng tôi có cùng tên Chi.
Tôi là Liên Chi, bà ta là Kim Chi. Chính sự giống nhau làm cho tôi rất bực bội. Ngày đầu tiên nhận tôi vào, bà ta nói thẳng với tôi rằng mọi người sẽ gọi tôi là Liên chứ không là Chi, vì không thể có hai người tên Chi được. Thật là bất công!
Càng ngày tôi càng hiểu rõ hơn là chỉ có đi học tôi mới có thể tiến thân được.
Tôi quyết định bắt đầu với trường Lincoln và lớp ESL (English as a Second Language-Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai). Lần đầu tiên đi vào trường học ở Mỹ, tôi hồi hộp quá. Nhờ số vốn ngữ pháp học được ở Việt Nam, tôi được sắp vào lớp ẪintermediateỮ, nhưng phải qua một lần phỏng vấn với người cố vấn của trường. Vậy là tôi trượt. Vì khi vào gặp ông counselor người Mỹ tôi không trả lời được câu hỏi nào hết, chỉ đứng cười “mỉm chi cọp”, ông ta bực mình quá nên sắp xếp cho tôi quay lại một ngày khác để gặp cố vấn người Việt Nam.
Tôi bắt đầu đi học lớp ESL căn bản nhất.
“Có công mài sắt, có ngày nên kim.” Ngày qua ngày tôi cũng vượt qua được những trở ngại lúc ban đầu và quen dần với trường mới, lớp mới. Từ giã trường nhỏ Lincoln, tôi lên trường đại học cộng đồng Rancho Santiago College (RSC). Sau 5 năm vừa đi học full-time, vừa đi làm full-time cho một hãng lắp ráp máy vi tính nhỏ ở Tustin tôi từ giã trường RSC để tiến lên trường đại học Fullerton.
Cũng trong thời gian chuyển trường này tôi bắt đầu cuộc hành trình kiếm việc làm.
Lần này, với kinh nghiệm làm việc văn phòng và mảnh bằng Associate in Science về kế toán, tôi quyết tâm lập nghiệp ở một hãng xưởng lớn, có hệ thống làm việc hẳn hoi, chứ không như cái công ty “one man band” ở Tustin của tôi.
Công bằng mà nói, việc làm ở công ty này đã giúp tôi học hỏi được rất nhiều.
Tại đây, tôi vừa làm thư ký văn phòng, kế toán, đặt mua vật liệu, nhận hàng vào,
vừa bán hàng, giao hàng tận nhà cho khách hàng lúc cần, đóng thùng hàng để gửi ra cho khách hàng ở các nơi khác.
Sau khi trải qua nhiều lần phỏng vấn và không được chấp nhận ở các hãng tư, tôi xoay ra tìm cơ hội ở các cơ quan chính phủ với vài hy vọng mỏng manh.
Tôi còn nhớ khuya hôm ấy tôi và chị tôi hì hục điền lá đơn xin việc làm dài ngoằng trên Internet của thành phố Corona nơi tôi cư ngụ vì hôm sau là hạn chót nộp đơn.
Họ có một chổ trống cho phụ tá kế toán.
Vài ngày sau tôi nhận được thư gọi đi thi viết. Tôi hăm hở lên đường, không quên van vái ba tôi, cầu xin Người phù hộ. Đến nơi thì tôi xuống tinh thần vì phòng thi đầy kín người, trên dưới 150 người dự thi, nhìn quanh quất không thấy người Việt Nam nào hết, chỉ toàn Mỹ với Mễ. Khi người coi thi cho biết họ sẽ chọn ra mười người cao điểm nhất để phỏng vấn đợt một, tôi tự hỏi, “Không biết có hy vọng gì không đây hay chỉ là thất bại như những lần trước",” rồi lại nghĩ, thôi kệ, cứ ráng hết sức mình đi, cùng lắm là không được chọn, có mất mát gì đâu mà sợ.
Kết quả là tôi được gọi đi phỏng vấn đợt một, rồi đợt hai và được nhận vào làm.
Tôi làm việc chăm chỉ, tuân theo mọi qui luật một cách nghiêm chỉnh, luôn tỏ ra hăng say trong khi làm việc và cố gắng hoàn chỉnh công việc được giao trong thời gian ngắn nhất. Vì vậy, chỉ trong vòng ba năm tôi được đề bạt hai lần (và dĩ nhiên tiền lương cũng được tăng theo).
Ba má con tôi nay đã không còn phải “chia phòng” ngủ chung nữa vì chúng tôi đã tậu được một căn nhà xinh xắn thuộc thành phố Corona, chỉ cách chỗ làm của tôi chừng 5 phút lái xe. Quan hệ giữa người anh đã bảo lãnh gia đình tôi sang Mỹ và chúng tôi đã không còn căng thẳng nữa. Thêm vào đó, cả hai chi em tôi đều cùng tốt nghiệp
đại học Fullerton với phần thưởng tối ưu, danh dự vào mùa hè năm nay.
Bây giờ tôi có thể nhớ Ba, gọi Ba, thưa với Ba điều làm Ba an lòng “Ba ơi, con đã có việc làm tốt, hai chị em đều học hành thành đạt, Má và chúng con đã có được căn nhà øxinh xắn ngay trên đất Mỹ. Tuy con không trở thành bác sĩ như ý nguyện của ba lúc sinh thời, nhưng con tin chắc là ba cũng đang rất vui về những gì con gái út của ba đạt được hôm nay. Ba yên tâm về con, nghe Ba.”
NGUYỄN LIÊN CHI

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,994,411
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến