Hôm nay,  

Người Việt Xấu Xí

30/03/200200:00:00(Xem: 186621)
Người viết: Nguyễn John
Bài tham dự số: 2-499-vb50321
“Người Trung Quốc Xấu Xí” là tên một cuốn sách nổi tiếng của tác giả Bá Dương, đã được dịch ra Việt ngữ. Với tựa đề tương tự, “Người Việt Xấu Xi”, tác giả Nguyễn John đã cho thấy thêm cách nhìn riêng của ông. Tác giả cho biết ông sinh năm 1953 tại Việt Nam. Cử nhân Khoa Học tại Đại học Khoa Học Saigon. Không làm việc cho nhà cầm quyền cộng sản ngày nào mặc dù đã được bổ nhiệm sau khi tốt nghiệp đại học. Thuyền nhân tỵ nạn cộng sản tại Mã Lai năm 1979. Định cư tại Orange County từ năm 1979 đến nay. Tốt nghiệp AS Computer Technology, BS Computer engineering, MS Software engineering. Đã làm việc hơn 20 năm tại Hoa Kỳ trong đó gần 18 năm cho các hãng quốc phòng Mỹ. Tham dự liên tục các cuộc đấu tranh đòi hỏi tự do dân chủ cho Việt Nam từ khi đặt chân đến đệ tam quốc gia cho tới nay. Bài đăng 2 kỳ.

Dân tộc Việt Nam có 4 ngàn năm văn hiến. Người Việt Nam ta thông minh, cần cù, chân thật và giầu lòng nhân ái. Đàn ông Việt Nam luôn lấy ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín làm phương châm trong cuộc sống. Đàn bà Việt Nam thì xinh đẹp, hiền lành trong xã hội, đảm đang trong gia đình, chung thủy với chồng, luôn lo lắng cho con cái, vượng phu ích tử. Luôn lấy tứ đức, công dung ngôn hạnh làm gưong sáng. Nhưng ngoài những điều tốt đẹp trên trong Quốc Văn giáo khoa thư mà ta gọi là bản chất của dân tộc, trong đời sống hằng ngày có những điều không tốt mà ta tạm gọi là hiện tượng lẻ tẻ, có thể kể vài tính xấu của chúng ta đặc biệt trong gần 1.3 triệu người Việt Nam tại Hoa Kỳ như sau:
Đi trễ về sớm. Người Việt có cái tật đáng yêu là đi trễ nhưng lại về rất sớm. Ngay khi qua Mỹ vẫn không sao đổi được. Việc này không nói nhiều thì ai cũng hiểu. Hình như đi trễ mới tỏ ra là nhân vật quan trọng, còn đi đúng giờ là bị người khác coi thường.
Trong ngày đám cưới của bản thân người viết, đã tự nhủ phải nhất định khai mạc đúng giờ, nhưng cuối cùng cũng chẳng làm gì được. Không lẽ bắt đầu khi chỉ mới 5, 10 người mà lại toàn người nhà. Thôi đành cuốn theo chiều gió vậy.
Có lần đi dự đám cưới, trong thiệp mời 6:00, nhưng 7:30 mới bắt đầu, vậy mà 8:30 có người mới đến làm khốn khổ gia chủ. Cuối cùng 2, 3 người đến trễ ngồi một bàn mới. Gia chủ thì tay bắt mặt mừng nhưng trong lòng cũng rầu rĩ vì chỉ 2, 3 người ngồi một bàn nhưng nhà hàng
vẫn tính tiền nguyên bàn là 10 người.
Bây giờ nói về chuyện về sớm. Thông thường đám cưới đến khi bắt đầu cắt bánh là người ta lục đục ra về, do đó vụ chào bàn (để thâu tiền mừng) càng ngày càng sớm, bởi vì làm trễ quá người ta về hết. Người viết thấy nhiều lần, có người ăn được vài món vội đúng dậy bắt tay bắt chân rồi phơi phới ra về chẳng để lại tí gì cho cô dâu chú rể gọi là tiền mừng hay nói trắng ra là trả tiền phần mình ăn.
Trong các đại nhạc hội thì vừa loan báo bài chót chấm dứt chương trình
là người ta lục đục đứng dậy ra về. Còn trong các cuộc hội thảo hay thuyết trình còn thảm thương hơn vậy, thông thường mới nửa chương trình là phòng thấy vắng hẳn mặc dù trước đó không đủ ghế ngồi. Khó có cuộc hội thảo nào của người Việt mà số người còn ngồi lại đến cuối chương trình bằng lúc bắt đầu khai mạc. Trong khi đó các cuộc hội thảo của Mỹ số người bỏ về nửa chừng khá ít.
Tưng bừng khai trương, rồi âm thầm... đóng cửa. Hiện tượng này không phải chỉ xẩy ra cho thương mại người Việt mà ngay cả các thương mại Hoa Kỳ cũng vậy. Tuy nhiên ý người viết trong phần này là những cửa hàng mới bắt đầu thì làm ăn đang hoàng, sạch sẽ nhưng bắt đầu đông khách thì bắt đầu bê bối, giảm phẩm chất hay số lượng của món hàng xuống. Cuối cùng là dẹp tiệm.
Các cửa hàng siêu thị người Việt mới mở cửa trông khang trang và sạch sẽ thơm tho nhưng ít lâu sau bắt đầu có mùi nhất là trong quầy thịt. Ngược lại trong các supermarket của Mỹ, chỗ quầy thịt hoàn toàn không có mùi, mặc dù tiệm đã mở cửa hơn chục năm. Nhưng thật ra cũng khó trách các chủ tiệm Việt Nam vì bán quá rẻ so với chợ Mỹ và lại cạnh tranh nhau rất nhiều.
Trong phần này cũng kể đến nạn quen biết nên chặt thật đẹp. Người viết cũng là nạn nhân bởi một dịch vụ của vợ một người bạn rất thân. Cứ nghĩ là đi đâu cũng vậy, tới chỗ bạn bè không rẻ hơn thì cũng bằng người ngoài. Thành ra cứ làm không hỏi tiền bạc gì cả. Cuối cùng bị một vố không phải tởn đến già mà tởn đến kiếp sau, cũng không nỡ nói cho bạn biết vì ngại ngùng việc tiền bạc làm mất tình bạn bè. Vậy mà anh bạn tốt bụng vẫn thỉnh thoảng nói: "Cứ lại bà xã tao lo cho". Người viết đành cười trừ vì không muốn làm bạn mình ngượng cũng như mất lòng bạn bè.
Tinh thần vọng ngoại. Ai cũng biết chủ nghĩa cộng sản là xấu xa, cần phải có tự do dân chủ cho nhân dân Việt Nam. Khi người viết có dịp đàm đạo với nhiều vị người Việt, thấy khá nhiều người có chung một lập luận về chuyện đất nước. Chỉ một số không nhiều (nhưng cũng không ít) là "who care" thì không bàn đến ở đây.
Khá nhiều vị
có tâm trạng chờ đợi ; chờ Mỹ bật đèn xanh thì mình mới nghĩ phải làm gì tiếp. Tất cả đều mang chuyện các tổ chức đấu tranh quen mặt biết tin xưa nay đều không thành công vì chưa có phép của tụi Mỹ. Đó phải chăng là tinh thần vọng ngoại, việc nước mình mà mình không làm, phải chờ người ngoài bảo mình làm thì mới làm sao"
Người viết cũng thường nghe rất nhiều vị người Việt khoe không bao giờ đọc sách báo Việt Nam, đọc báo Mỹ hay coi TV đài CNN là đủ hết tin tức rồi. Nhưng có một khám phá mới của người viết mà trước nay chưa hề ai nói đến là trong những vị khoe không bao giờ thèm đọc sách báo Việt Nam đều trả lời rất thích ăn phở và ăn thường xuyên, chưa một vị nào nói ăn hamburger hay taco bell là đủ rồi cả.
Tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ. Tại các tiểu bang đông người Việt, không ai không nghe những lời than phiền về các hội hè cũng như cộng đồng người Việt tại đây. Nào là cộng đồng chúng ta không biết đoàn kết, ai cũng muốn làm chủ tịch cả, nào là không biết đi vào "main stream" của xã hội Mỹ. Nhiều người được hỏi tại sao ai cũng thấy những điều không tốt nhưng không ai đứng lên làm cái gì đó để thay đổi cho tốt hơn, thì 90% đều đưa câu "Tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ" ra làm chuẩn.
Người viết không hiểu người xưa khi viết câu đó phải cùng ý nghĩ như những người ngày nay nghĩ không" Thực sự mà nói nếu theo câu đó thì mới thực hành có nửa câu là xuống lỗ rồi thì làm sao trị quốc, chưa nói đến bình thiên hạ. Xét một cách kỹ càng hơn nữa thì thế nào mới gọi là tu thân xong, mà đã ai tự coi mình đã tu thân xong đâu, thì làm sao mà tề gia. Thế mà đa số người Việt mình rõ ràng là chưa tu thân đã tề gia rồi. Khối những nhân vật nổi tiếng trên thế giới thân chưa tu xong, gia chưa tề đủ nhưng đã bình thiên hạ rồi đấy. Còn ngay trong nước Việt Nam nhỏ bé của mình cũng có hằng hà sa số những anh hùng, anh thư, thân chưa hẳn đã tu được, gia cũng chưa tề xong mà đã trị quốc, bình thiên hạ. Cụ Phan Bội Châu phó mặc gia đình cho cụ bà, bôn ba khắp nơi trên thế giới để đấu tranh giành độc lập cho đất nước. Nguyễn Thái Học không biết thân đã tu xong chưa nhưng chắc chắn gia chưa tề gì cả mà cũng đứng lên chiến đấu cho tổ quốc dân tộc được vậy. Đến như hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị nếu phải làm theo cái công thức trên thì có lẽ phải lấy chồng mới, chờ con cái trưởng thành xong mới có thể đứng lên khởi nghĩa chống ngoại xâm.
Như vậy nếu muốn cái gì cũng tuyệt đối thì không bao giờ qua khỏi cái nấc thang tu thân. Muốn hiểu được ý nghĩ của người xưa thì phải hiểu theo thuyết tương đối vậy. Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc. Thân tu đến đó coi như xong rồi, vợ con nhà cửa đến đó coi như tạm đủ rồi, há gì không thể lo việc nước việc dân được.
Người viết có biết một vị xem chừng cũng chú ý đến những sinh hoạt của người Việt Nam. Ông ta hăm he sẽ ra hoạt động để thay đổi cho cộng đồng chúng ta tốt hơn. Cả chục năm nay vẫn nghe bài ca con cá ấy. Tôi có hỏi nhỏ, chừng nào anh ra giúp cho cộng đồng một tay, hay sinh hoạt trong các hội đoàn này nọ. Ông ta hứa hẹn "Để tôi thu xếp nhà cửa, vợ con đàng hoàng, xong là tôi sẽ dấn thân hoạt động cho đồng bào mình. Trả hết tiền nhà và con cái thành tài rồi mình có nhiều thì giờ, sẽ hoạt động hết mình".
Tôi nhẩm tính, nếu chờ cho con cái ông ấy xong trung học, rồi 4 năm đại học và trả xong cái nhà mới mua trên đồi Laguna Hills thì ông ta cũng vừa tròn 72 tuổi. Có nhẽ lúc ấy ông ta chỉ còn chống gậy đến các hội tương tế hậu sự hay hội cao niên để hỏi chỗ mua thuốc tê thấp trong uống ngoài xoa. Hay lúc đó sẽ dấn thân làm hội viên toàn thời gian trong nursing home (nhà dưỡng lão). Nếu ông còn may mắn khoẻ mạnh không chừng lúc đó tôi lại nghe bài ca con cá "Để tôi lo cho các cháu con thằng con trai út học hành xong xuôi, sẽ hy sinh dấn thân hoạt động cho cộng đồng mình". Lúc đó chắc hẳn ông ta khởi đầu ngày hoạt động bằng cái giấy chúc mừng 100 tuổi của Tổng Thống Hoa Kỳ gửi cho mỗi công dân vào ngày sinh nhật thứ 100.


Các ông cố vấn tối cao: Tôi nhiều lần mời những người quen tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng ngay cả các sinh hoạt không dính dáng phe nhóm đảng phái như du ca, tôn giáo, thiện nguyện xã hội v.v... nhưng rất nhiều người chỉ nhận lời làm cố vấn thôi. Thành ra trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư nói người Việt mình thông minh cũng đúng. Tôi thầm nghĩ không lẽ những người ngồi nhà không bao giờ làm gì trong xã hội Việt nam tỵ nạn cộng sản nhỏ bé này lại thông minh hơn và biết nhiều hơn những người hằng sinh hoạt từ năm này sang năm nọ hay sao.
Vậy thì cố vấn thì làm gì" Không lẽ mỗi khi cần xin giấy phép của city để làm gì thì phải cần ông cố vấn để hỏi city hall nằm đâu" Mỗi khi cần làm banner thì chạy lại hỏi ông cố vấn hỏi tiệm banner ở đâu" Các ông ấy chẳng quen biết ai, chẳng hiểu thủ tục hành chánh thì cố vấn là cố vấn cái gì"
Tôi cũng có anh bạn cũ thường khoe từng làm cố vấn cho nhiều tổ chức. Có lần tôi hỏi thử, làm sao có tiền để sinh hoạt trong hội đoàn. Ông cố vấn của tôi phán: "muốn có tiền thì phải gây quỹ". Tôi rất vô vàn cảm ơn lời cố vấn trên vì trước nay tôi cứ ngỡ là hội đoàn cần tiền thì cứ cầm súng vào ngân hàng chứ. Sau đó tôi hỏi gây quỹ bằng cách nào" Ông cố vấn phán: "Làm cơm gây quỹ, làm báo đăng quảng cáo hay mở đại nhạc hội". Tôi có nhờ ông cố vấn bán vé cơm gây quỹ, vé đại nhạc hội hay đi xin quảng cáo để in báo nhưng ông cố vấn nói ông chỉ giúp đỡ idea thôi còn các việc khác thì ông bận lắm.
Ối giời ơi, ông cố vấn ơi, con đã trải qua mấy cái vụ đó từ thuở tám kiếp nào rồi. Làm cơm gây quỹ thì năn nỉ bán vé muốn gẫy lưỡi, không phải lúc nào cũng thành công, nhiều khi huề vốn là mừng húm. Nhưng có khi cũng lỗ vì nhiều nhà hàng bắt phải đặt trước số bàn nhất định, không đi đủ cũng phải trả tiền. Bàn nào không ăn thì bỏ hộp mang về nhà. Bây giờ cơm gây quỹ không còn 10 món như đám cưới nữa, làm 10 món thì lỗ là cái chắc. Nhiều khi ngó số bàn tưởng lời nhưng khi thu tiền lại lỗ vì quý vị người VN không chịu ngồi chung cho đủ 10 người. Có bàn chỉ có 4,5 người vì để dành cho người quen không bao giờ tới. Ban tổ chức vẫn phải trả tiền nguyên bàn dù là chỉ có 4, 5 người một bàn.
Còn tổ chức đại nhạc hội thì còn phiêu lưu hơn nữa, lỗ lã là chuyện thường. Tôi biết tỏng tòng tong ông cố vấn của tôi chưa làm gì bao giờ nhưng ông khôn quá, chỉ nhận làm cố vấn nhưng không nhận những công việc mà ông cố vấn người khác làm như đi lấy quảng cáo, bán vé v.v... Có lần làm cơm gây quỹ có mang vé lại mời ông mua nhưng ông cố vấn không chịu mua. Đúng là khôn như ông cố vấn. Khôn như thế mới làm cố vấn được chứ.
Support của các ngài Dám Đốc (không sai chính tả đâu) nhưng không dám làm. "Cứ ra đi tôi sẽ support hết mình, yên trí tôi sẽ vận động tối đa để yểm trợ ông. Tôi đứng đằng sau yểm trợ thì có lợi hơn là chính thức ra mặt. Ông đừng có ngại, mình ngay thẳng, làm việc chung cho đồng bào, có chính nghĩa không sợ ai cả, cây ngay không sợ chết đứng".
Nhưng chỉ tuần sau người viết được hân hạnh nghe vị nói "sẽ vận động tối đa" và "sẽ support hết mình" nói trong một bàn tiệc đám cưới cạnh sát ngay bàn người viết, với những người ngồi chung bàn "Ối bọn xôi thịt đó làm ba cái chuyện ruồi bu, tôi để sức về VN chơi sướng hơn". Bây giờ nghe chữ "support" từ mấy vị VN nói thì sợ lắm rồi.
Gần 18 năm làm kỹ sư cho các hãng Mỹ tại đây, người viết hiểu được chữ support nghĩa là làm "thợ vịn". Nhưng chữ support của một số người VN thì nghĩa hoàn toàn khác hẳn. Chữ support của các vị này chỉ như là một bãi nước bọt thôi. Cái này hiểu theo nghĩa nào cũng đúng cả. Chỉ vài phút sau "support" sẽ tan thành mây khói. Sau đó thì nhà ai nấy về, không còn lưu luyến, nhớ nhung gì trong óc cả. Nếu có làm tiệc ở nhà hàng để gây quỹ sinh hoạt cho đoàn thể thì được trả lời "Tiếc quá tại sao lại làm tối thứ sáu, sao không làm cuối tuần ai cũng rảnh rang, còn thứ sáu đi làm về mệt quá làm sao đi làm được".
Nhưng nếu làm thứ bẩy thì lại nghe lời chối từ "Trời ơi ngày thứ bẩy bận quá, bà xã phải đi dự đám cưới con cháu, còn tôi mới làm overtime về mệt muốn chết, chắc thôi để lần sau. Tại sao không làm ngày khác mà lại làm thứ bẩy làm gì".
Nếu làm ngày chủ nhật thì trời vẫn bị gọi "Trời ơi, sao lại làm ngày chủ nhật, ai cũng bận lo chợ búa, sửa xe cộ, dọn dẹp nhà cửa. Ngoài ra buổi sáng đi lễ nhà thờ về mệt quá phải nghỉ ngơi lấy sức thứ hai đi cầy nữa chứ". Thỉnh thoảng cũng nhận được sự support theo hình thức khác như "Trời ơi sao không cho biết sớm, còn có 10 ngày nữa làm sao tụi này planning được, hôm đó đã nhận lời đi birthday con thằng bạn rồi". Nhưng nếu mời sớm hơn thì được trả lời: "Còn 3 tuần nữa mà lo gì, chừng nào gần đến ngày thì ông phone cho biết, tụi này chắc chắn sẽ tham dự, chứ nói sớm bọn này dễ quên lắm".
Qua mấy lần thấy ông trời bị gọi như vậy, nên cũng không dám mời nữa. Nhưng vẫn nghe "Trời ơi, sao mấy ông không phone tôi một tiếng, bọn này tuy rất bận nhưng cac sinh hoạt trong cộng đồng bọn này lúc nào cũng sẵn sàng support hết hai tay". Người viết chỉ còn biết gật gù như ghi nhận sự support rất vĩ đại đến tự đáy lòng của ông bạn. Nhưng thực sự vẫn chưa hiểu "support" của các ông bạn này là cái gì " Có nhẽ là support tinh thần.
Bệnh tào lao. Người Việt tại vùng được gọi là thủ đô tinh thần của người Việt tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại, có lẽ dễ bị bệnh tào lao hơn là khi ở quê nhà. Khi người viết vừa đặt chân đến xứ Hoa Kỳ, được một người bạn cũ kể chuyện hoạt động trong cộng đồng của anh ta. Vừa nghe vừa khâm phục, ngưỡng mộ và hãnh diện có ông bạn đã hy sinh dấn thân cho đồng bào tại cộng đồng này. Hơn mười năm sau người viết có dịp tham dự trong các sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam tại đây, tuy không nhiều nhưng cũng không ít, mới biết ông bạn mình bị bệnh tào lao. Những gì ông bạn mình thuật lại thì một thằng bé lên mười biết đọc chữ Việt cũng có thể lượm tờ báo free và thêm chút mắn muối, hành tỏi là thành một... quá trình hoạt động chình trị xã hội. Thỉnh thoảng gặp lại, ông bạn cũng vẫn kể theo điệu nhạc cũ. Người viết phải ngó thẳng mặt xem ông bạn mình có đang nói riễu không, nhưng ông bạn vẫn thao thao bất tuyệt, thỉnh thoảng đăm chiêu lo lắng cho những sinh hoạt cộng đồng đang bị trở ngại, khó khăn, cũng như những cuộc đấu tranh "trong óc tưởng tượng" với cộng sản của ông ta.
Sợ chính trị. Một số đông người Việt có dị ứng với chữ chính trị nên có một quan điểm đặc biệt về vấn đề này.
Người viết có anh bạn thường cho là tham gia vào các hội đoàn là một hình thức chính trị ngay cả những hội đoàn như hướng đạo, tôn giáo, ca nhạc, ái hữu, xã hội và các trung tâm Việt ngữ v.v... chưa kể đến những hội đoàn đấu tranh, đảng phái hay hội đoàn chuyên môn. Cái chữ "chính trị" dưới mắt anh ta là một cái gì xấu xa, khủng khiếp luôn luôn đi đôi với tham nhũng, tham công danh, bè đảng và sẽ kết thúc bằng lao tù, chết chóc, chiến tranh. Mỗi khi nghe đến hội hè là anh ta sợ như là đi ngang vùng bị bệnh dịch tả. Tâm trạng này cũng không phải là ít trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ nhất là trong những vùng có quá nhiều người Việt cư ngụ như California, Texas, Washington ....
Thích tặng nón cho người khác. Trong các cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại hình như có cái mốt tặng nón free (miễn phí) cho người khác quan điểm, hay nón nôm na là chụp nón cối hay chụp mũ. Hễ có hội hè, đoàn thể khác nhau là có màn đội nón cối cho nhau. Chả trách nào Việt kiều về nước đi tìm nón cối và dép râu để coi nó thế nào mà tìm mãi chẳng ra, bây giờ việt cộng nó toàn lái xe Mercedes nên không cần nón cối nữa. Mấy triệu cái nón cối cũ bèn xuất cảng ra ngoại quốc nhất là Paris, California và Texas thành ra chúng ta tha hồ tặng nón cối cho nhau.
Ai ra ngoài làm cũng có nón cối, chỉ những người nằm nhà là không được phát nón cối free. Đến năm 2000, cả thế giới đón mừng thiên niên kỷ mới, cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại chắc cũng đã cũng đổi mốt về kiểu nón. Bây giờ mốt nón cối xưa rồi, cộng đồng chúng ta dùng mốt mũ mới, đó là kiểu mũ "Mặt Trận". Anh không theo phe tôi tức anh là "Mặt Trận". Năm ngoái anh theo tôi thì anh không phải "Mặt Trận", năm nay anh không chơi với tụi tôi nữa tức anh là "Mặt Trận". Năm trước chị không theo tôi tức chị là "Mặt Trận", năm nay chị theo tôi tức là chị không phải "Mặt Trận". Bây giờ đi đâu cũng thấy người của "Mặt Trận" khiến người dân bình thường bị tẩu hỏa nhập ma. Người viết có chị bạn hỏi "Mặt trận giải phóng miền Nam của Nguyễn thị Bình nó qua Mỹ hoạt động hồi nào vậy " ".
Những điều kể trên chẳng phải là cá biệt mà chúng ta cũng thấy thông thường trong người Việt tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại. Người Việt Nam vẫn là một dân tộc anh dũng, thông minh và nhân hậu.
Biết dzồi khổ lắm nói mãi...
NGUYỄN JOHN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,006,443
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến