Hôm nay,  

“cha Bố Mày, Con Vàng!”

25/02/200200:00:00(Xem: 323553)
Bài tham dự số: 2-471-vb70217

Thụy Nhã là một trong những tác giả trẻ của giải thưởng Viết Về Nước Mỹ. Cô định cư tại Utah, học năm cuối Psychology, cùng lúc học Nursing, đi làm “thông tầm” suốt ba ngày cuối tuần. Bạn đọc đã nhớ Thụy Nhã với “Mắt Nâu”, “Im Đi Bà Ơi“, và “Check Point, Những Ngày Ta Mất Nhau”. Bài viết mới của cô là truyện ký đầy thương yêu về một bà nội Việt tại Mỹ, cho thấy hình ảnh đáng tự hào của gia đình Việt Nam đã khiến cho “Người y tá Mỹ trầm trồ nhìn cảnh bà già trầu Việt Nam được con cháu thương yêu.”

-Ba ơi, đêm qua con mơ thấy bà nội. Con chọc bà nội cười rồi bà nội chửi um lên "tiên sư cha mày", vui lắm ba.
-Ba cũng mơ thấy bà nội nữa con. Giấc mơ của ba đẹp lắm!
-Kể con nghe đi ba...
-Ba mơ thấy vừa đi xa về tới Đơn Dương, bà nội dọn cơm cho ba ăn. Bữa cơm có cá cơm kho tiêu, canh cà, ba ăn ngon miệng thiệt. Ba nhớ, ăn xong, bà nội còn đưa ba một gói xôi chè, bà nội dặn mang về làm quà cho tụi con.
-Ba ơi, sao con vẫn không có cảm giác bà nội đã mất. Lúc nào con cũng tưởng như bà nội còn đâu đó quanh con. Con nhớ bà nội lắm!
-Ừ, chính ba cũng vậy. Có nhiều lúc má con đi chợ mua hồng, ba ăn trái hồng mà cứ thấy nó ngọt ngào như trái hồng hỏa tiễn nội hay trồng. Những lúc đó ba cứ ngỡ bà nội vẫn còn, vẫn ở đó để chăm sóc cho ba, chăm sóc cho con như ngày nào.
-Thôi con đi ngủ đây. Không chừng tối nay con lại mơ thấy nội.


Con bé khập khiễng đập rầm rầm vào cái cổng sắt:
-Bà nội ơi, con về nè, mở cửa cho con đi.
-Con là đứa nào"
-Nội ơi, con nè, cái Vàng nè. Mở cửa lẹ, con mệt quá nội ơi.
-Con khỉ, chờ một chút. Bà của mày già rồi, không đi nhanh được con ạ.
Bà tất tả bước ra cổng mở cổng cho con nhóc tỳ. Lần đầu tiên theo xe đò về quê nội một mình, con bé sáu tuổi thấy bà của nó "sang trọng" trong quần lĩnh đen, khăn vấn cuộn tròn mái tóc nhuốm bạc. Sang nhất là bà còn có cả một chuỗi ngọc thạch xanh bóng. Nó xà ngay vào lòng bà nhõng nhẽo:
-Nội ơi, con đói quá hà!
-Vào đây ngay, nhà còn thịt heo đông với dưa hành con ạ.
Nghe tới món thịt đông, con bé chảy ngay nước miếng. Nó mơ màng nghĩ tới lớp mỡ trắng nhờ nhờ, cộng thêm nước thịt đông lại như thạch, chao ôi, thèm.
Con bé ngồi trước mặt nội và ăn liền hai bát lớn. Ăn xong nó hào hứng lấy câu chuyện làm quà "đáp lễ" bà nội:
-Nội ơi, kỳ này con học đứng hạng nhất.
-Giỏi, cháu bà giỏi.
Nó thích nhìn miệng bà khi bà nói chữ giỏi, mép môi bật ra dứt khoát, giọng Bắc kỳ đặc quánh như hàm răng lẫn những chiếc đen nhánh.
Nó tiếp tục kể lể:
-Ba con gây lộn với má con hôm qua. Ba con rượt má con chạy khắp xóm. Bà Tư thấy ba nhứ cây củi đòi đánh má, bả giằng cây củi trong tay ba rồi hông chịu trả.
Bà nội tủm tỉm nhìn con bé:
-Cha bố chúng mày, thương nhau cho lắm, cắn nhau đau. Đánh nhau như thế sao mày còn về đây được hả con"
-Má con sai con xuống để mét nội, với nhờ nội coi con mấy ngày để má con đi "xì gòn."
-Tiên sư cha mày, nói chuyện cứ như bà già. Thôi mày ăn xong chưa" Ăn rồi, ra ao rửa chân đi con, đi khéo không lại lộn cổ.
Nó vẫn bám bà, chưa chịu buông. Nó nhìn miệng bà cười, thắc mắc:
-Sao răng nội đen vậy nội. Nội ăn kẹo nhiều rồi răng nội đen hả nội. Ba dặn hông được ăn kẹo nhiều sao nội hông nghe"
Bà nó lại tủm tỉm cười, mấy cái răng đen lại hiện ra rõ mồn một. Bà gắt yêu:
-Vàng đi rửa chân ngay cho bà. Sao mày còn bé mà lắm chuyện thế con.
Nó lếch tếch ra cái ao trước nhà. Nhìn giàn thiên lý màu lục nhạt, cây hoa đại trắng ngát, mấy bông hoa củ chuối vàng tươm, nó khoát nước ào ào. Rửa xong, nó tót lên cây ổi sẻ, ních một bụng no cành, bà nó đang săm soi mấy trái trứng gà vừa nằm ổ lên tiếng:
-Cái Vàng, xuống đây ngay cho bà, mày tuổi con khỉ, leo lên đấy cây ổi của bà bị chua mất.
-Thôi, con thích nằm ở đây, ngủ luôn. Xuống dưới có muỗi, con hổng thích.
-Thế bà có trái trứng gà thối cho con, con thích không"
Con bé nghe trứng gà thối, tuột thoăn thoắt xuống đứng cạnh bà:
-Nội, đập trứng hấp lá mơ cho con đi nội. Con bị đau bụng rồi.
Bà biết lúc nào thích ăn trứng gà hấp lá mơ, nó đều nói bị đau bụng. Bà lựa thêm một trái trứng không trống rồi bước tới rặng chuối. Kề bên rặng chuối là dậu mơ, lá mượt như nhung. Đứng cạnh cái hàng rào này bà có thể thấy khoảng vườn bên dưới xanh um màu đậu đũa đang mùa và mấy cây hồng trái non nhú ra xanh biêng biếc.
Bà là gái Hà Đông, là vợ ông Tài Khang giàu có tiếng ở Hà Thành, là cô Mùi quanh năm gắn bó với ruộng lúa, con gà, cây chuối, cây hồng. Bà vào Nam năm năm tư, lúc ấy thằng Bi con trai nhớn vừa tròn mười tuổi. Cái thằng giống bố, tánh tình vừa lãng tử vừa cộc cằn.. Vào Nam, sau bao năm lăn lộn cùng chồng, cuối cùng bà và ông quyết định bám trụ ở Đơn Dương. Ở đây bà và ông tậu được vài thửa ruộng, vài mẫu đất ở Cà Tọt và căn nhà để thờ cúng ông bà này. Cô Mùi miệng cười lúng liếng của thôn Cổ Hiền ngày xưa nay đã già, tóc đã pha sương. Thằng Bi bây giờ đã có vợ, bốn đứa con. Đứa cháu nội đích tôn, con thằng Bi bây giờ cũng tròn mười bốn tuổi.
Bà vơ đại mớ lá mơ, thái sẵn để đó rồi chuẩn bị quang gánh ra chợ bán cà. Con bé đeo cứng chân bà tò mò: "Bà đi đâu đó"". "Bà đi chợ chiều, con đi không"" Con bé thích chí tử, la hét um sùm: "Con đi, con đi chợ", nói xong, nó thêm vào: "Đi xe ngựa nha nội, đi con ngựa bự bự á. Tới chợ nội nhớ mua bắp luộc cho con nữa nha nội".
Bà nó quang gánh trên vai, nó lon ton theo sau, đi tới đường cái, bà vẫy ngay chiếc xe ngựa. Người xà ích giật cương, con ngựa già ậm ừ dừng bước. Con bé leo tót lên xe, xà ngay vào lòng bà, hít hà mùi đất, mùi mạ non từ áo bà, nó kỳ nài: "Nội ơi, gãi lưng cho con". Bà đưa bàn tay sần sùi xoa xoa lưng con bé.
*
Thoáng chốc, chuyến xe thổ mộ ngày xưa đã chở con bé cách xa bà nội tới năm năm.
Năm nó mười một tuổi, một buổi sáng bà tới thăm nhà nó ở Bảo Lộc, dúi vào túi nó mấy đồng bạc kẽm rồi quay đi. Con bé nghe loáng thoáng mọi người nói bà đi Mỹ. Đi Mỹ là đi đâu. Hông biết ở đó có con ngựa, có bắp luộc hông"
Má dạy con bé viết thơ cho nội, nó viết hoài viết hủy mà hông bao giờ nhận được thơ bà nội, chỉ được thơ ông nội thôi. Ông nội viết thư cho ba, nói bà nội nhớ tụi nó, nhớ nhà. Kỳ quá. Bà nội nhớ nó nhiều vậy mà hông viết thư cho nó. Nó hay nhận được quà bà nội cho. Tết nào nội cũng lì xì, vậy mà nội hông bao giờ viết cho nó một chữ. Má nó giải thích vì bà nội già nên hông viết thơ được, nó không tin lời má nói vì ông nội cũng già nhưng ba nó vẫn được nhận thơ ông nội hoài đó thôi. Chẳng lẽ nội hông nhớ nó sao.. Nó cứ mang hoài nỗi khúc mắc trong lòng cho tới năm nó mười sáu tuổi. Bây giờ tới phiên nó được đi Mỹ.
Sau hai ngày bay, cuối cùng gia đình nó tới được Arizona, trạm dừng chân đầu tiên của hành trình di dân. Ông nội, bà nội bay qua từ Cali để cùng với gia đình chú thím đón gia đình nó ở Tucson. Xa bà nội năm năm, nó thấy bà có nhiều đổi khác. Tóc nội không còn vấn lên nữa mà cắt ngắn. Ngày xưa tóc nội sợi trắng sợi đen, bây giờ tóc trắng xóa. Nội thấy nó, nội cười. Ủa, răng nội ngày xưa cũng cái trắng cái đen, nhưng sao bây giờ trắng hết vậy ta. Nó ngẫm nghĩ một hồi mới chợt nhớ ra, à thì ra nội đã già. Ông nội vẫn như xưa, vẫn rắn rỏi, nhanh nhẹn. Con bé đi cạnh ông bà bỗng thấy mình cao lớn, năm năm rồi còn gì, nó bây giờ đâu còn bé như ngày xưa.
Bữa cơm đầu tiên tại nhà chú thím, con bé được ăn ngay món cà muối xổi do nội làm. Thêm món ruốc gà tây nội đã bỏ công cả đêm để xé thịt. Cơm nội nấu lúc nào cũng ngon. Con bé mừng quá vì ở xứ người mà vẫn được ăn thức ăn nội nấu, được nội thương yêu chăm sóc. Nó nhìn chung quanh bàn ăn rồi thắc mắc tại sao nội hông làm món thịt đông như ngày xưa. Nội bảo không ăn được đâu con, thứ ấy nhiều mỡ, ông nội mày bị cao máu. Nghe nội giải thích, con bé biết rằng bà nội thương ông nội lắm. Ông nội nói nhiều về chuyện học, ông nội mong mỏi con bé có thể hòa nhập vào cuộc sống mới. Bà nội kể lại chuyện từ Bắc vào Nam, kể chuyện lưu lạc khắp bốn phương cùng ông nội. Quái, những câu chuyện này con bé đã nghe hàng chục lần từ ngày còn bé tới giờ, nhưng sao bây giờ nghe lại vẫn thấy hay, thấy mới. Lâu lâu khi nói chuyện bà nội lại thêm vào tiếng OK. Chà, bà nội bây giờ nói chuyện giống Mỹ ghê. Bà nội ngồi ăn nhưng ánh mắt không ngừng coi chừng nó. Nội gắp cho nó miếng giò, dục nó và cơm cho nhanh. Bây giờ nỗi khúc mắc trong lòng nó mới nguôi ngoai vì nó thật sự biết rằng trong năm năm qua bà nội vẫn nhớ nó.
Ông bà nội chỉ ở lại với gia đình con bé tại nhà chú thím được một tháng rồi bay về lại Cali. Bây giờ con đường về nhà nội không còn xa như Mỹ-Việt Nam, nhưng cũng không gần bằng Đơn Dương-Bảo Lộc. Con bé mới sang, lạ nước, lạ cái nên phải dồn hết tâm trí vào việc học. Thỉnh thoảng nó gọi điện thoại hỏi thăm ông nội, bà nội để chắc chắn rằng hai người vẫn còn đó, vẫn OK. Cho đến một ngày, một ngày cuối năm nó nhận được cú điện thoại từ cô út:
-Vàng ơi, về đi, về gặp mặt bà lần cuối.
-Cô Xíu nói gì" Sao lại là lần cuối" Lần cuối là sao" Nội bị gì sao"
-Vàng ơi, bà yếu lắm rồi. Mấy hôm nay cô giấu bà, nói bà chỉ trúng gió sơ sơ, nhưng không phải đâu. Vàng phải về cho nhanh.


Nó choáng váng, bỏ hết mọi chuyện, xếp vội mớ hành lý bay ngay qua thăm bà.
Nội ơi, con về đây. Con lại một mình về thăm nội như ngày nào, chỉ khác lần này con gặp nội ở Rancho Cucamonga, không phải ở Đơn Dương. Chỉ khác là lần này con không được bám theo nội ăn chả trứng thối lá mơ, không được bám theo nội đi chợ chiều, không được ngồi trong lòng nội trên chiếc xe thổ mộ như ngày xưa. Nội ơi... chuyến bay tới trễ rồi. Tối nay nội có thức chờ cửa con không" Con nói nội đi ngủ đừng chờ cửa sao nội hông nghe" Nội mở cửa, tay run run bám chặt ổ khóa, bàn chân nhích từng bước, ngón chân bám chặt vào thảm. Nội, đừng buông tay con. Dựa vô người con nè, để con đỡ nội đi ngủ nha. Nội nằm xuống đây, nằm cạnh ông nội nè. Sao phòng nội lạnh quá. Nội nói có hai người già, khí âm nhiều hơn khí dương hả nội. Không sao đâu, con bóp chân cho nội ấm lại nha. Nội hỏi con học ra sao hả. Trời, tới giờ nội còn lo tới chuyện học hành của con. Con học được nội ơi, con vẫn ngoan, vẫn đi học đều. Nội khen con giỏi đi, con muốn nghe nội khen con học giỏi, con thích nghe giọng bắc kỳ đặc quánh của nội. Nội, sao nội ôm ngực... nội khó thở sao, nội thở không được sao" Sao nhịp tim nội chậm lại rồi. Ông nội ơi, cô Xíu ơi... nội... Trời. Gọi cảnh sát đi, gọi bệnh viện, gọi bác sĩ đi... làm cái gì đi... Đừng bỏ con, nội ơi!
Chiếc Ambulance gầm rú xé gió trong màn đêm. Lần thứ hai trong đời con bé được ngồi cùng xe với nội. Lần đầu tiên, nó nằm lọt thỏm trong lòng nội trên chiếc xe thổ mộ, bàn tay bà sần sùi ôm ấp nó, gãi lưng nó. Lần này, nội nằm bất động trên băng ca. Chiếc thổ mộ chậm chạp, bà nội khỏe khoắn, vai thồ quang gánh, chân bước thoăn thoắt, miệng cười đen nhánh màu răng. Chiếc Ambulance gào thét, phẫn nộ... nội nằm yên như đá, mắt nhắm nghiền, nội thở khò khè, khó nhọc, cái mặt nạ nhả oxygen không ngừng. Hình như nội đau, cả người nội co rúm. Con bé nâng cánh tay bà, xoa xoa bàn tay bà. Ôi bàn tay, bàn tay tận tụy...


Cassie tựa đầu vào vai con bé, em hỏi nhỏ: "Vàng, Vàng nghĩ nội có khỏi không"" Giọng em đầy xúc động. Biết phải trả lời em thế nào. Cơ thể nội bị tàn phá hết rồi. Phổi ứ đầy nước do hai quả thận mất chức năng đẩy lên. Tim bị ép lại co thắt từng cơn sau hai lần giải phẫu.. Nội có qua khỏi không" Em à, Vàng không biết đâu. Nhưng tụi mình thương nội, tụi mình ở bên nội hoài, vậy nội không thể xa mình được phải không em...
Cassie kể cho con bé nghe về những ngày đầu nội qua Mỹ. Em nói nội thích coi cải lương, thích nấu bún măng, thích mặc đồ cũ. Cassie kể chuyện cái khăn choàng em tặng nội sáu bảy năm rồi vậy mà nội vẫn để dành, không bao giờ mang cả. Nội là vậy đó. Quanh năm suốt tháng chỉ mặc vỏn vẹn vài bộ đồ hoa. Tiền bạc, quần áo nội cất hết để dành gửi người này, tặng người kia. Nội xa lìa miền Bắc để theo ông nội, nhưng trái tim nội vẫn nhớ về miền Bắc. Nơi đó nội còn có em, có chị, có cả nỗi nhớ niềm thương.
Con bé nhớ lúc còn ở Việt Nam, một hôm nhận được quà của nội từ Mỹ do cô Xíu mang về, nó cảm động muốn khóc. Món quà là cái áo len màu xanh ngọc do nội tự tay đan lấy. Cô Xíu kể lúc đó mắt nội đã yếu rồi, vậy mà nội vẫn ráng đan. Không phải chỉ mình con bé được áo. Anh nó, chị nó, những người em họ của các cô chú khác đều được. Xa cách mấy năm, nội không biết con bé lớn thế nào nên cái áo hở tay, hở bụng, nhưng nó yêu, nó quý cái áo ấy vô cùng.
"Nội ơi, em Cassie và con bóp chân cho Nội nè, Nội mau tỉnh lại với chúng con, nghe Nội." Con bé không ngừng kêu thầm. Vậy mà bà nội tỉnh lại thật.
Hôm nội tỉnh, con bé đang mơ màng trên nền đá hoa của bệnh viện. Em Chris lao ra hành lang gọi y tá, Cassie và con bé bò đến bên giường bà. Con bé nắm chặt bàn tay, em Cassie vuốt tóc bà. Nội ơi, con bé gọi khẽ khi thấy nội he hé ánh mắt. Nhớ xưa mỗi lần về thăm nội, khi bị té lên té xuống trầy trụa con bé thường khóc vì nhớ má. Mỗi lần vậy bà nội lại gãi lưng, lại vỗ về... Khi nửa đêm thức giấc con bé thường mò mẫm trong bóng tối để tìm hơi bà. Có bà ở đó nó mới an tâm ngủ tiếp. Hôm nay bà tỉnh dậy, mắt bà ngơ ngác nhìn quanh, rồi bà cũng nhìn thấy đông đủ lũ cháu.
Bà nội đã tỉnh, đã ăn được cháo trắng. Các anh chị em kêu nhau vào thăm, vây quanh bà nội. Người y tá Mỹ trầm trồ nhìn cảnh bà già trầu Việt Nam được con cháu thương yêu. Bầy em họ của con bé, đứa thì sinh ra, lớn lên ở Mỹ, đứa thì qua Mỹ quá sớm nên không đứa nào nói tiếng Việt ra hồn, vậy mà tụi nó vẫn thương nội khủng khiếp. Đang tới phiên Giao, người em họ lớn hơn con bé vài tuổi, dành được job bóp chân cho nội. Em Thái cầm máy quay phim, cả bọn cười nói tíu tít quanh bà. Em Thái nói nội cười để em chụp hình, nội kéo áo con bé, bảo đưa cho nội hàm răng giả. Cả bọn cười ngất, thương nội quá đi. Nội khỏe lại chút rồi, tụi cháu bắt đầu ba hoa. Con bé hỏi nội ăn cháo có ngon không, nội nói OK. Nội nói OK, vậy là nội tỉnh thiệt rồi, nội không sao rồi các em ơi. Chris dơ bộ bài rủ nội binh sập xám. Nội phỉnh em:
-Thôi đi cậu, cậu chơi thua thì cậu lại đòi trả tiền cho cậu. Chơi vậy chán lắm, tôi không chơi nữa đâu.
Anh con bé đứng đó vờ vĩnh:
-Tụi con biết nội giàu mà. Sắp tết rồi, nội phải để dành tiền lì xì cho tụi con nghe nội.
Nội nuốt một miếng cháo rồi nội chửi:
-Lì xì cha bố anh. Tết Tây chứ có phải Tết ta đâu mà lì xì. Mà anh lớn rồi đấy, cứ lông nhông mãi. Anh lấy vợ đi rồi tôi cho ba trăm mà mua con lợn quay.
Mấy anh chị em cười quá, thi nhau nhõng nhẽo với nội Con bé dành được chỗ đứng bên nội, đòi nội gãi lưng. Nội chăm chăm nhìn nó rồi buột miệng:
-Ơ cái con này. Hồi bé mày đen nhẻm gầy nhom, sao giờ nhớn mày nhìn cũng được gái quá chứ lị. Nhưng nghe bà bảo nhá con, chịu khó học hành, đừng bồ bịch ba lăng nhăng vội. Con gái nhớn phải ý tứ nhá con. Nhớn rồi còn đòi gãi lưng, không xấu hổ à"
Xấu gì nội ơi. Tụi con thương nội thấy mồ, được nội gãi lưng sướng thấy mồ. Sao con bé thích được nghe nội nói quá. Giọng nói của nội không trong, không trầm bổng, nhưng sao nghe thân thương, ấm áp. Con bé đòi bà đọc ca dao, vòi bà kể truyện cổ tích. Bà nhái giọng Nam, đọc cho mấy chị em nghe câu: "Vân Tiên cõng mẹ chạy dzô, đụng phải cái dzồ cõng mẹ chạy ra. Vân Tiên cõng mẹ chạy ra, đụng phải cột nhà, cõng mẹ chạy dzô". Cả bọn cười quá là cười, nhưng Nội chỉ đọc một chút đã than mệt.
Được lũ cháu đỡ nằm xuống, trước khi ngủ nội còn cẩn thận hỏi ông nội chúng mày đâu. Tội nghiệp ông nội mấy đêm rồi không ngủ. Nội chắt miệng: "Khổ, ông ấy già rồi còn ráng thức khuya." Nói xong, nội nhắm mắt, chìm dần vào giấc ngủ. Nội ngủ nhẹ nhàng, bình an. Những nếp nhăn trên khuôn mặt già yếu của nội bỗng thấy như dãn ra, nhạt đi, thương quá là thương. Nhìn nội ngủ, con bé như thấy lại chính nó những ngày còn bé. Kìa, cây ổi sẻ, dàn thiên lý trổ hoa, khu vườn ngập đầy rau lang, cải cúc xanh rờn, bụi mía đang trở mình lớn dậy, chuyến xe ngựa lóc cóc lăn bánh... Nhưng không phải chỉ ở Đơn Dương mà còn Bảo Lộc, còn Tucson, còn Rancho Cucamonga, bất kỳ nơi nào con bé đã đi qua, nó đều được bà nội chăm sóc thương yêu. Những thành phố đó in đậm bóng hình bà nội. Chỉ có Cổ Hiền, Cổ Hiền xa xôi con bé chưa một lần được đặt chân tới, Cổ Hiền thương yêu, nội chưa một lần trở lại, nhất định nội phải khỏe thật nhanh để dẫn con về Cổ Hiền nội nha.
Nhưng Nó có ngờ đâu, giấc ngủ đó của bà nội là giấc ngủ ngàn năm...
Đưa Bà Nội đi rồi, trở lại nhà, căn phòng cũ lạnh lẽo hơn. Ông nội ngồi một mình trong bóng chiều. Con bé vô phòng, lặng lẽ nhìn ông, không biết nói gì, cũng không biết làm gì. Nó áp má xuống tấm nệm giường cũ bà từng nằm, hít hà. Mùi dầu bạc hà quen thuộc bà nội thường dùng còn sót lại vẫn hăng nồng. Bỗng nhiên nó hiểu là nó không cần nói gì nữa. Trong ngôi nhà này, hơi hướm bà nội, hình ảnh bà nội vẫn mãi mãi đầy ắp. Này nhé, hai đứa em họ đang bi bô bài Lục Vân Tiên. Này nhé bình trà còn âm ấp nóng, thơm ngát mùi trà móc câu với những mao trà giòn rụm. Này nhé ông nội đang kiểm lại bộ bài coi có mất con nào không như những lần chuẩn bị binh bài với nội... Ông nội không khóc, cũng chẳng nói năng gì. Bà nội đâu có mất. Hơi hướm bà vẫn nồng ấm căn phòng. Ông nội thương yêu, bà nội chỉ xa mình một thời gian rồi bà nội lại về. Ông uống nốt ly trà đi, đừng giành phần bà nội nữa. Khi nào bà nội về con sẽ pha bình khác ngay, bà nội thích uống trà móc câu trong lúc đánh bài, con nhớ mà.
*

"Bà nội ơi. Con về nè. Bà nội mở cửa cho con đi." Tiếng gọi của con bé Vàng thơ dại ngày xưa đang lập lại trong lòng con bé. Nó lại thèm nghe bà nội chửi, nghe bà nội mắng. Nội ơi, nội chửi: "Cha bố mày, con Vàng" cho con nghe đi, con thèm nghe quá, con nhớ giọng nói của nội quá...
Mới đó mà một năm rồi đây. Ngày mai con Vàng lại "về quê." Về quê giỗ đầu bà nội... Tối nay hai bố con thao thức.
-Ba ơi, con nhớ nội quá. Con ngủ không được.
-Ngủ đi con, con sẽ gặp lại nội.
-Thiệt không ba"
-Thiệt chứ. Biết đâu chừng tối nay con gặp nội, nội lại lì xì cho con.
-Không tối nay thì ngày mai con cũng gặp lại nội hà ba. Con phải dụ khị nội lì xì tết Tây luôn mới được.
-Ừ ngủ đi con, đừng giở trò khỉ nữa. Lớn rồi, vẫn còn đòi bà nội lì xì.
Thụy Nhã
12/19/01

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,256,595
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Hai bà má của tôi -má ruột và má chồng- bây giờ ''ngon lành'' hết biết. Cả hai cụ đã là công dân Mỹ, công dân của một nước ''ngon lành'' nhất thế giới.
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến