Hôm nay,  

Toi Và Nước Mỹ

23/12/200100:00:00(Xem: 262753)
Bài tham dự số: 02-424-vb41219

Tác giả Duy Nhân sinh năm 1947, cựu chuyên viên Ngân Hàng Quốc Gia, cựu thiếu uý QLVNCH. Nghề nghiệp tại Mỹ: assembler, hiện cư trú tại Chicago. Lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ, ông gửi 2 bài viết, cả hai đều thể hiện sự tinh tế trong cách nhìn cách viết. Sau đây là bài viết thứ nhất của ông.

Thế là tôi đã sống ở Mỹ được 6 năm. Thời gian không nhiều nhưng cũng đủ cho tôi hiểu một cách tương đối về nước Mỹ.

Mỹ là một quốc gia giàu mạnh, có nền khoa học kỹ thuật hiện đại. Mặc dầu mới thành lập nước có 225 năm, Mỹ đã xây dựng được nền Tự Do, Dân Chủ mà con người hằng mơ ước. Mỹ sẳn sàng mở rộng vòng tay để đón nhận mọi chủng tộc, sắc dân vào nước mình. Từ 20 ngàn năm trước, người Indian đến miền đất Western Hemisphere đầu tiên, nay được xem là Native Americans, người Mỹ chính gốc. Người Mỹ ngày nay có gốc gác từ mọi Châu lục: Âu Châu, Phi Châu, Châu Mỹ La tinh, Á Châu, Ả Rập, Hồi Giáo..v.v.. Mỹ đang cưu mang đùm bọc, che chở cho hơn 1 triệu 300 ngàn người Việt Nam, đã tạo công ăn việc làm cho họ, giúp con em họ được học hành, nay nhiều người đã đỗ đạt, thành danh ở mọi lãnh vực trong chánh quyền cũng như ngoài xã hội. Dương Quốc Việt, mới 28 tuổi đã làm Giám Đốc đặc trách Á Châu sự vụ tại tòa Bạch ốc. Đinh Đồng Phụng Việt, 33 tuổI là phụ tá Bộ Trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ. Người ta thường nói, Mỹ là đất nước của cơ hội, là đất hứa, là thiên đàng. Đa số người Việt còn nhận nơi này làm quê hương thứ hai.

Vậy mà tôi vẫn không thích nước Mỹ. Ngay từ năm 1970 tôi đã làm thông dịch viên cho Trung Tâm thẩm vấn, bên cạnh các cố vấn Mỹ của một tỉnh gần Sài Gòn. Khi người Mỹ rút đi, tôi đã từ chối không đi theo họ. Đến tháng 3 năm 1975 khi Cộng Sản bắt đầu lấn chiếm các tỉnh miền Trung, tôi đang làm việc ở Ngân Hàng Quốc Gia, 17 Bến Chương Dương Sài Gòn. Nếu muốn, thì tôi cũng có thể đi cùng với nhân viên của các Ngân hàng nước ngoài. Là sĩ quan biệt phái, đã đi tù Cộng Sản nhiều năm tôi cũng từ chối đi Mỹ theo diện HO. Như bao nhiêu người khác, tôi vẫn khát khao Tự Do, Dân Chủ. Tôi không ưa Cộng Sản nhưng tôi cũng không thích Mỹ. Là nạn nhân của Cộng Sản nhưng hơn 25 triệu đồng bào miền Nam đồng thời cũng là nạn nhân của Mỹ, bị Mỹ phản bội, bỏ rơi vì quyền lợi riêng tư của họ, vì sự tính toán trong chiến lược toàn cầu của họ.

Cho đến hơn 20 năm sau ngày mất nước, tôi mới đồng ý đi Mỹ do người em vợ bảo lãnh, là để cho các con tôi có diều kiện học hành tốt hơn, tôi không muốn Cộng Sản nhồi nhét vào đầu óc con tôi Chủ Nghĩa Mác lê-nin, một thứ Chủ nghĩa ngoại lai, phi dân tộc. . . Như vậy, tôi đi Mỹ chỉ là "đi theo", là tạm thời. Nước Mỹ đối với tôi chỉ là đất tạm dung, nó không phải là 'nơi chôn nhau cắt rốn' của tôi.

Ở Mỹ, con cái đến 18 tuổI thì được tự do, có thể thoát ly khỏi gia đình, khỏi vòng tay cha mẹ, để sống với boyfriend hoặc girlfriend và có con, khỏi phải làm đám cưới. Điều này thật là trái với phong tục, tập quán Việt Nam. Tôi không thích những kênh truyền hình chuyên về Sex, lúc nào bật lên cũng thấy những cảnh làm tình dâm ô, đồi trụy. Tôi không thể nào tưởng tượng được trẻ em, học sinh khi chúng xem phim này. Tôi muốn tuổi trẻ, nhất là học sinh bao giờ cũng phải sống hồn nhiên, ngây thơ, trong trắng theo lứa tuổi của chúng. Tôi không hiểu suy nghĩ của tôi có cổ hủ lắm không" Có còn thích hợp với đời sống ở Mỹ không" Tôi xót xa khi đọc báo thấy trẻ con dùng súng giết nhau hàng ngày ở các trường trung học trên toàn nước Mỹ. Thống kê cho thấy hơn phân nửa gia đình có con không cha, không mẹ, hoặc không có cả cha lẫn mẹ. Thống kê cũng cho thấy so với dân số, nước Mỹ là nước tiêu thụ số lượng xì ke, ma túy nhiều nhất thế giới.

Khi còn ỡ Việt Nam tôi nghĩ rằng nền dân chủ ở Mỹ là mẫu mực. Thực tế chứng kiến cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ lần thứ 43 vừa qua, tôi mới biết là nền Dân Chủ đó còn quá nhiều khập khễnh. Tổng Thống đắc cử George W. Bush không phải là người được đa số dân chúng Mỹ lựa chọn ủng hộ. Sự đắc cử không được vẻ vang. Cuộc bầu cử có điều gì đó không được trung thực, trong sáng. Hôm 20-05-2001 khi đọc báo được biết Bộ Trưởng NộI Vụ Mỹ Gale Norton ngỏ lời cám ơn 4,3 triệu thành viên của hội súng trường quốc gia NRA, đã giúp đỡ cho ông Bush đắc cử Tổng Thống. Như vậy, tôi không hiểu khi đứng trước quyền lợi của đa số dân chúng và quyền lợi của thiểu số tư bản tài phiệt có nhiều thế lực thì ông Bush sẽ nghiêng về bên nào"

Sống ở Mỹ mà tôi vẫn mơ về Việt Nam, nghĩ tới 76 triệu đồng bào đang sống lầm than, khổ ải dưới sự cai trị độc tài Cộng Sản. Đã 6 năm nay, tôi vẫn chưa quen với thức ăn Mỹ. Tôi vẫn nhớ sầu riêng, chôm chôm, măng cụt Long Thành, quê cha tôi, và nhớ dòng sông rợp bóng dừa, có hoa tím lục bình ở Mỹ Tho, quê mẹ tôi. Mỗi năm gần Tết tôi đều về Việt Nam để tảo mộ ông bà, cha mẹ. Mỗi khi nghe tiếng tiếp viên báo là phi cơ đã vào không phận Việt Nam thì tôi lặng người đi vì xúc động. Từ trên phi cơ, nhìn qua cưả sổ, tôi thấy đường xá ngoằn ngoèo, nhà cưả lụp sụp, lũy tre làng tiêu điều, xơ xác. Tôi thấy lòng mình dâng lên một niềm chua xót, đắng cay và thương cảm dạt dào. Ở Mỹ, tôi chưa lần nào có được cảm xúc tương tự như vậy. Ngược lại, cứ phải chạy theo tốc độ của đời sống công nghiệp đã tự động hoá hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, đã biến tôi thành một người máy. Tôi không còn nhìn thấy tuyết đẹp và nên thơ như tưởng tượng, mà chỉ thấy nó giá băng, lạnh lẽo và nhớp nhúa, đôi khi là một sự kinh hoàng, nhất là khi phải đối đầu với những trận bão tuyết dài ngày.

Vợ và các con tôi đã vào quốc tịch, đã trở thành công dân Mỹ, còn tôi thì chưa nộp đơn. Vì chuyện này mà vợ tôi cứ cằn nhằn tôi mãi:

- Mình ngày càng lớn tuổi. Đường về Việt Nam thì xa dịu

vợI, ngày về vẫn chưa thấy đâu. Sao anh không vào quốc tịch như mọI ngườI" Sao không ráng mà hộI nhập vào nước Mỹ " Sao không làm Ềô vờ thamỂ như ngườI ta" Sao không ăn thức ăn Mỹ " Sao... "
Nhiều cái ỀsaoỂ quá. Tôi biết trả lờI sao đây. Tôi nói:

- Thì em thấy đó. Anh đã cố gắng ăn bi gíà (pizza), đô nất (donut), ham bơ gơ, xúc xích, nhưng đâu có được. Thì đành trở về với... nước mắm thôi.
Nghe tôi nói thế, vợ tôi im lặng. Rồi bất ngờ chuyển sang đề tài khác:
- Là giáo sư Anh văn ở Sài Gòn. Từng làm thông dịch viên cho Mỹ mà em thấy anh thích nói tiếng Việt hơn tiếng Anh. Khi nghe điện thoại, thì anh cứ Alô, ( mà không Hello) thì làm sao Mỹ nó hiểu anh, làm sao anh hòa hợp vớI mọI người.
-
Lần này thì vợ tôi không dùng từ "hội nhập" nữa mà dùng từ "hoà hợp" nghe nhẹ nhàng hơn. Nàng thật là tinh tế. Từ lâu tôi cứ Alô trên điện thoại mà tôi không biết. Thật ra, đây chỉ là chuyện nhỏ. Vấn đề là, tôi chỉ là tôi, chứ làm sao tôi giống ngườI khác được. Tôi không thích làm công dân Mỹ, dầu chỉ là ỀMỹ giấyỂ, Mỹ trên giấy tờ; một khi tôi không hộI nhập được vào xã hộI Mỹ. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng để sống hòa hợp vớI mọI ngườI đó chứ. Các con tôi thì không cằn nhằn tôi như mẹ, mà chúng thuyết phục tôi một cách cụ thể hơn. Con gái tôi nói:
- Ba vào quốc tịch đâu có hại gì mà còn có lợi về nhiều thứ. Nếu là công dân Mỹ, khi về hưu, ba muốn sống ở Việt Nam thì hàng tháng Mỹ sẽ gởi tiền retire cho ba.

Con tôi nói đúng. Là công dân Mỹ, tôi được hưởng nhiều quyền lợI về an sinh xã hộI và các quyền lợI khác mà các thường trú nhân không được hưởng. Tôi nói:
- Ba cũng biết vậy. Nhưng hiện thời ba thấy chưa cần. Để từ từ ba tính.
Không đợi tôi nói hết câu, con gái tôi phản ứng nhanh:
- Cái từ từ của ba không biết đến năm nào.
Con trai tôi thì dịu giọng hơn:
- Biết đâu có một biến cố bất ngờ nào đó làm thay đổi tư tưởng của ba, làm cho ba xúc động. Ba sẽ vào quốc tịch và nhận nơi này làm quê hương.
Không ngờ con trai tôi lại nói đúng tâm trạng của tôi. Nhưng tôi vẫn nghĩ, làm gì có biến cố bất ngờ, trừ khi là phép lạ.

2
Điều mà người ta không bao giờ ngờ đã xãy ra. Đó là ngày 11 tháng 9 năm 2001.
Hôm ấy bầu trời mùa thu ở Nữu Ước rất đẹp. Gió nhẹ, nắng ấm 70 độ. Thật là lý tưởng cho khách bộ hành, những ngườI đi mua sắm, những người làm việc tại thủ đô tài chánh và văn hoá nước Mỹ. Bổng một chiếc Boeing 767 cất cánh từ thành phố Boston bay đến, đâm thẳng vào tháp hướng Bắc của trung tâm mậu dịch thế giớI ( World Trade Center) cao 110 tầng. Trên phi cơ có 81 hành khách và phi hành đoàn 11 ngườI. Lúc đó là 8 giờI 45 phút giờ miền đông.

Trong lúc cả nước Mỹ bàng hoàng không hiểu chuyện gì đã xảy ra, thì 18 phút sau, một chiếc Boeing 767 khác cũng cất cánh từ Boston đâm vào tháp hướng Nam của W.T.C. Trong máy bay có 56 hành khách và phi hành đoàn 9 người. Lúc đó, Tổng Thống Bush đang ngồi trong một phòng học lớp 2 ở thị xã Sarasota, Florida, đang sinh hoạt cùng các em học sinh 7 tuổI, xem các em tập đánh vần. Đổng lý văn phòng Bạch ốc Andrew Card Jr. bước vào, ghé sát tai Tổng Thống, nói nhỏ. NgườI ta thấy ông biến đổI sắc mặt. Lúc 9:30, Tổng Thống mở cuộc họp báo khẩn cấp tại trường học Sarasota và thông báo vớI quốc dân qua máy truyền hình:

Hôm nay đã xảy ra một thảm kịch cho quốc gia. Một vụ khủng bố tấn công đất nước chúng ta do những kẻ hèn nhát dấu mặtÅ.

09 phút sau khi Tổng Thống tuyên bố tấn thảm kịch quốc gia thì một phi cơ Boeing 757 từ phi trường Dulles International của thủ đô Washington bay về LosAngeles, đã đâm vào khu E của Ngũ Giác Đài. Trên phi cơ có 58 hành khách và phi hành đoàn 6 người.
Lúc 10 giờ 10 phút lại có tin một chiếc Boeing 757 cất cánh từ phi trường Newark, NewJersey bị rớt cách Pittsburgh 80 dặm về hướng Tây Nam. Trên phi cơ có 38 hành khách và phi hành đoàn 7 người. Nhiều sự kiện cho thấy chiếc máy bay này dự định sẽ đâm thẳng vào toà Bạch Ốc. Nhưng gặp phải sự chống trả quyết liệt của hành khách, nên bọn không tặc đã không thực hiện được ý định điên cuồng rồ dại của chúng.

19 tên không tặc đã cướp 4 máy bay Boeing của hai hãng hàng không American Airlines và United Airlines. Chúng thuộc nhóm khủng bố Ả Rập trong tổ chức Alqueda do Osama Bin Laden cầm đầu, được bọn cầm quyền Taliban ở Afghahistan che chở. Đó là những tín đồ Hồi Giáo cuồng tín, cực đoan, bài ngoại, chống lại văn minh Tây Phương mà Mỹ là hiện thân của nền văn minh đó.

Từ 8 giờ 45 đến 10 giờ 10, nghĩa là chỉ vỏn vẹn có 1 giờ 25 phút, đã làm thay đổI cả lịch sử Hoa Kỳ và thế giớI, cũng như trật tự đỵa lý chính trị Thế GiớI, làm thay đổI hẳn nếp sống, nếp nghĩ của ngườI dân. Trước đây, bà Madeline Albright, cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ đã từng tuyên bố trong niềm hãnh diện: ỀHoa Kỳ phải là một quyền lực ở Châu Âu, ở Á Châu, phải dìu dắt nước Nga đến Dân Chủ, phải củng cố hoà bình tại Trung Đông, phải đánh và thắng cuộc chiến tranh chống tộI ác trên khắp thế giớI, phải chống lại sự khủng bố trên thế giớI, phải tận diệt nghèo đói và bênh tật, phải chăm sóc những ngườI tị nạn và bảo vệ sức khoẻ của các em nhi đồngỂ. Hoa Kỳ chưa làm gì cả mà bọn khủng bố đã ra tay trước. Tấn công ngay vào biểu tượng sức mạnh tuyệt đối của siêu cường Hoa Kỳ, tấn công ngay vào thủ đô của trung tâm tài chánh thế giớI, là niềm kiêu hảnh tượng trưng cho sự giàu mạnh và văn minh của Hoa Kỳ. Thế giớI trong tương lai sẽ không còn lấy cộng sản hay tư bản để phân chia ranh giớI mà sẽ chia làm hai bên: một bên là khủng bố, và một bên là chống khủng bố. Cách đây 2 thập niên Hoa Kỳ đã giúp các nhóm du kích hồi giáo, đã huấn luyện cho Osama Bin Laden đánh bại Liên Xô ở Afghanistan. Giờ đây thì ngược lại. Ngày 20 - 09- 200, tại quốc hộI lưỡng viện, trước ngoại giao đoàn, Tổng Thống Bush nói: Hoặc là các bạn đứng về phe chúng tôi hoặc là các bạn đứng về phe quân khủng bố. Hướng về dân chúng, Tổng Thống nói: Ngày 11- 9 - 2001, là một ngày mà nhân dân Hoa Kỳ sẽ không bao giờ quên cũng như họ sẽ không bao giờ quên ngày 7- 12- 1941của trận Trân Châu Cảng ( Pearl Harbor) làm thiệt mạng 2400 ngườI.

Lần này thì như địa ngục diễn ra giữa trái tim thành phố. Từ màn ảnh truyền hình, lúc 9 giờ 5 phút tôi nhìn thấy rõ chiếc Boeing 767 bình thản đâm vào tháp thứ hai của cao ốc W. C. T. Hai toà nhà cao ốc và Ngũ Giác Đài bốc cháy. Khói đen cao ngất, phủ cả một góc trời. Rồi thì hai toà cao ốc từ từ sụp xuống. Cảnh tượng xảy ra như trong ảo giác hay như trong phim ảnh vì nó vượt quá sự tưởng tượng của con người. Xe cộ và ngườI bị các khối bê tông đè bẹp, các cửa kính bung vỡ. 200 ngàn tấn thép nóng chảy, đổ ra các vỉa hè, con đường, rượt theo các khách bộ hành, kêu la thảm thiết, chạy toán loạn cùng vớI xe cộ đủ loại, trong đám bụi mù trắng xoá của bê tông, thạch cao, tro tàn và đủ mọI thứ. Trước sức nóng trên 2000 độ, trên bước đường cùng, từ trên các cao tầng, nhiều ngườI nhảy qua cửa sổ cách mặt đất hàng trăm mét như là hy vọng cuối cùng. Nhưng than ôi! Họ đâu phải là những cánh chim. Bà Barbara Olson, bình luận gia đài truyền hình Fox News, có mặt trên chiếc phi cơ đâm vào Ngũ Giác Đài. Trong những giây phút cuối của đờI mình, vẫn bình tĩnh, cố gắng dùng điện thoại di động gọI về cho chồng để nói lờI yêu thương cuối cùng. Nhiều hành khách trên những chuyến bay khác cũng làm như bà. Tôi không thể cầm được nước mắt khi nghe những đoạn băng nghi lại lờI nói của họ. Tôi thấy thương những hành khách trên các chuyến bay, những nhân viên làm việc ở Ngũ Giác Đài, những lính cứu hoả, tất cả hơn 6000 ngườI thuộc 80 quốc tịch khác nhau. Trước đó vài giờ, họ đâu biết mình đang đi trên những chuyến bay cuối cùng, họ đâu biết những chuyến bay định mệnh sẽ đưa mình vào hư vô, biến mình thành các bụi như Đức Chúa TrờI đã phán khi Adam nhận bản án phạm tộI.

Sau vài ngày xãy ra biến cố thì tôi đi hiến máu và đến các nhà thờ trong vùng để cầu nguyện cho ngườI chết. Tôi cầu nguyện cho họ được Đức Chúa TrờI đón nhận và cứu rỗI, để họ không còn đớn đau, phiền muộn do khủng bố bất công và tộI ác. Ở nước Chúa, họ sẽ được sống đờI đờI hạnh phúc. Khi cầu nguyện cho những nạn nhân thì tôi có một xác tín mạnh mẽ rằng, mặc dầu thân xác họ đã trỡ thành cát bụi nhưng linh hồn họ sẽ được lên thiên đàng, điều mà trước đây tôi không tin. Khi đến các nhà thờ cầu nguyện, tôi mớI ý thức được rằng tôi đã đến gần vớI Chúa. Tôi đã đặt một chân lên chiếc cầu làm bằng chính thân xác Chúa Jêsus Christ, dẫn đến Đức Chúa TrờI Giê Hô Va. Điều quan trọng đó đã xảy ra từ con tim trong giây phút xúc động nhất chứ hoàn toàn không do nhận thức, lý luận và chứng minh. Vì tôi đã làm điều đó gần hết cuộc đờI mà vẫn không có kết quả. Sau biến cố, tôi đã dành nhiều thờI giờ hơn để đọc kinh thánh.

Tôi cũng thấy thương Tổng Thống Bush. Cầm quyền mớI 8 tháng mà biết bao điều xảy ra. Nhậm chức đúng vào lúc nền kinh tế bắt đầu tuột dốc và suy thoái sau một chu kỳ 8 năm phát triển vượt bực. Một kế hoạch cải tổ quốc phòng dự tính kéo dài cả chục năm để bảo đảm cho Hoa Kỳ một ưu thế quân sự vững chắc. MọI việc chưa bắt đầu thì chiến tranh khủng bố mang màu sắc tôn giáo lại xãy ra giữa lòng thủ đô nước Mỹ. Đây là một thách đố nặng nề nhất dành cho một Tổng Thống từ hơn 50 năm nay. Bọn cuồng tín đã lợI dụng nền Tự Do của Mỹ để tấn công vào chính nền Tự Do đó. Đó là nỗI đau. Kết quả thăm dò công bố ngày 24-09-2001 cho thấy hơn 90% dân số Mỹ, trong đó có tôi, ủng hộ Tổng Thống Bush trong mọI biện pháp chống và tiêu diệt khủng bố ở khắp mọI nơi trên thế giới. Trong giờ phút đau thương của đất nước, mọI ngườI đều đoàn kết, không phân biệt đảng phái, chính kiến, tôn giáo hay sắc tộc. Ai cũng hãnh diện mình là công dân Hoa Kỳ, muốn cống hiến nhiều nhất để phục vụ và bảo vệ đất nước. Christian Andressen 29 tuổI ở San Diego đã phát biểu: ỀNhững hành động anh hùng và tinh thần cao cả trong khi và sau khi xảy ra thảm kịch nhắc nhở tôi rằng chúng ta không sống trong nước Mỹ mà chính là nước Mỹ đã sống trong chúng ta.

Trước đây, tôi như kẻ sống bên lề nước Mỹ. Giờ đây tôi đã hiểu và muốn chia sẻ tư tưởng của Andressen. Tức là chúng ta không sống bàng quan trong nước Mỹ mà nước Mỹ phải ở trong tim mọI ngườI chúng ta. Chúng ta đau cái đau nước Mỹ. Chúng ta tổn thương khi nước Mỹ bị tổn thương, và chúng ta mất mát khi nước Mỹ mất mát. Trước đây, tôi nghĩ là đã hiểu nhiều về nước Mỹ, thật ra tôi chưa hiểu được bao nhiêu. Sau ngày 11-09-2001, tôi bỏ nhiều thì giờ hơn để đọc sách và nghiên cứu lịch sử nước Mỹ thì biết được có nhiều điều rất đáng khâm phục về nước Mỹ. Thực hiện chính sách của Tổng Thống Truman, sau đệ nhị thế chiến, Mỹ đã giúp 31 tỷ đô la cho 12 quốc gia Âu Châu, 11 tỷ cho các quốc gia Á Châu để tái thiết đất nước và phát triển. Hiện nay mỗI năm Mỹ đều dành ra hàng trăm tỷ viện trợ cho các quốc gia nghèo, kém mở mang. Thực phẩm thặng dư của Mỹ đã nuôi sống hàng trăm triệu ngườI đói khát trên thế giớI. Mỹ luôn mở rộng vòng tay cứu trợ mọI nạn nhân chiến tranh, thiên tai ở tất cả mọI nơi. Cuộc khủng hoảng tài chánh ở các nước Á Châu xảy ra mùa thu năm rồi, cũng chính Mỹ chứ không phải Nhật hay Trung Quốc đứng ra cứu nguy các nước đó. Vậy mà khi tuyến đường sắt Pensylvania bị hư hại nặng cả Pháp, Đức và Ấn Độ không ai cho Mỹ mượn ngay cả một cái toa xe để xài tạm, mặc dầu trước đó khi tuyến đường xe lửa ở Pháp, Đức và Ấn Độ bị hư hại, thì chính nước Mỹ đã trùng tu lại. Ngay cả đối vớI trận động đất kinh hoàng ở SanFrancisco trước đây, cả thế giớI dường như không biết đến.

Cuộc đờI sao quá bất công đối vớI Mỹ "! Thảm họa ngày 11-9-2001 đã gây cho Mỹ hơn 6000 ngườI chết, 5000 người bị thương và thiệt hại vật chất hàng trăm tỷ. Vậy mà tôi chưa thấy một quốc gia nào nghĩ tớI việc cứu trợ, giúp đỡ nạn nhân. Ngược lại, Mỹ vẫn tiếp tục thả dù lương thực và vật dụng cứu trợ nhân dân Afghanistan trong khi truy lùng Osama Bin Laden và đồng bọn. Hưởng ứng lờI kêu gọI của Tổng Thống Bush, mỗI trẻ em Mỹ đều dành ra một đồng để giúp đỡ trẻ em Afghanistan.
Điều cuối cùng tôi đã làm sau biến cố là nộp đơn thi quốc tịch Mỹ, không phải để hưởng các chính sách chế độ của Mỹ mà chỉ để làm công dân Mỹ, để được hãnh diện là ngườI Mỹ.

Chicago, ngày 15-12-2001
DUY NHÂN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,304,207
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo