Hôm nay,  

Trên Bước Đường Đi Tìm Tự Do

25/11/200100:00:00(Xem: 188565)
Người viết: Huỳnh Văn Thịnh
Bài tham dự số: 02-402-vb4106

Tác giả Huỳnh Văn Thịnh, cựu sĩ quan VNCH, cựu tù nhân chính trị, tới Mỹ theo diện HO, hiện định cư tại thành phố Chadler, AZ. Oâng cho biết đây là lần đầu tiên ông cầm bút và đã chứng kiến những cảnh di tản bi thảm đường bộ và tầu biển từ miền Trung vào Nam. Bài viết được tác giả ghi “Kính dâng lên hồn Cha lòng tưởng nhớ của con.”

Cuộc chiến Việt Nam được xem như đã chấm dứt từ hai mươi sáu năm qua, nhưng vẫn còn đó nổi đau mất mát, tang thương.

Mùa xuân 1975, con đường từ Lộc Ninh về Chơn Thành, con đường từ Ban Mê Thuộc, từ Kom Tum, từ Pleiku xuống Nha Trang, qua Đà Lạt, từ Huế vào Đà Nẵng, từ Quảng Ngãi ra Chu Lai, từ Qui Nhơn, Phú Yên vào Nha Trang đến Long Khánh đã biết bao sinh mạng bỏ mình vì tự do"

Sau 30/4/75, người Việt vẫn tiếp tục đi tìm tự do. Những con đường xuyên rừng qua biên giới Lào, Campuchia, có bao nhiêu người nằm xuống" Bao nhiêu sinh mạng nằm dưới đại dương" Bao nhiêu người bị hải tặc đánh đập, cưỡng hiếp" Bao nhiêu người bị hành hạ bức tử trong các trại tỵ nạn khi chưa đến bến bờ tự do.

Tôi chắc rằng trong mỗi gia đình Việt Nam, không nhiều thì ít, không gần thì xa, cũng có người thân từng là nạn nhân của cuộc chiến bi thương vừa qua. Gia đình tôi cũng vậy.

Hôm ấy là chiều 24/3/75. Tại hậu cứ của tiểu đoàn, tôi nhận được lệnh của Tiểu Khu Quảng Ngãi là phải thiêu hủy tất cả các tài liệu quan trọng, đổ đầy xăng nhớt cho các xe và chờ lệnh tiểu khu. Sau khi đã hoàn tất các chỉ thị, tôi lấy Honda chạy về nhà xem tình hình ở thị xã thế nào"

Tưởng cũng nên nhắc lại, tình hình an ninh của miền Nam trong cuối tháng 3/75 xem như rất tồi tệ. Từ sau khi tỉnh Bình Long và Phước Long bị thất thủ kế đến là các tỉnh Tây Nguyên, dân chúng ở các tỉnh miền Trung rất giao động. Những ai có điều kiện đều tìm cách chạy vào miền Nam. Riêng phần quân đội và công chức thì có lệnh phải túc trực tại đơn vị và nhiệm sở. Mẹ tôi và các em tôi cũng tìm ghe vào Qui Nhơn cách đó 5 ngày. Còn lại tại Quảng Ngãi có cha tôi, vợ con tôi và tôi. Tình hình chung là như vậy, nhưng tình hình an ninh tại Quãng Ngãi nói riêng vẫn còn khả quan. Hai ngày trước tôi vẫn còn đi tiếp tế cho tiểu đoàn đóng tại Sa Huỳnh, các quận đồng bằng quân đội vẫn còn trấn giữ vì vậy dư luận rất ngạc nhiên khi có lệnh di tản.

Khi tôi từ hậu cứ về đến gia đình thì đã có nhiều người trong nhà. Ngoài Cha tôi và vợ con tôi, còn có anh vợ tôi và người cậu cùng mấy người bạn ông ta làm chung ở sở Bộ chỉ huy Cảnh sát tỉnh. Mọi người đang bàn thảo kế hoạch di tản. Theo cậu tôi cho biết thì bộ chỉ huy cảnh sát được lệnh thiêu hủy hồ sơ mật sau đó lên hợp toán cùng đoàn xe của tiểu khu và theo sự điều động của tiểu khu.

Sau bữa cơm đạm bạc với cá mặn và rau mắm, mọi người chúng tôi chuẩn bị hành trang đơn sơ với túi xách gọn nhẹ. Cha tôi xách thêm một chiếc radio để nghe tin tức chiến sự, vợ tôi phải bồng con gái tôi mới 5 tháng nên mang ít hành lý hơn, tôi mang bù cho vợ con tôi.

Rời nhà, chúng tôi ra đến bộ chỉ huy cảnh sát vào giờ ấn định. Lúc bấy giờ trước cổng bộ chỉ huy đã chật ních người. Một hồi còi hụ vang lên, từ trong bộ chỉ huy cảnh sát một đoàn xe chạy ra, đám đông bên ngoài chạy ùa tới và leo nhào lên xe. Tuy nhiên số người thì quá đông mà số xe thì có hạn. Không còn chỗ nào để leo lên xe nữa, đám đông vẫn cứ bám vào thành xe, hoặc chạy theo phía sau xe. Làn sóng người càng ngày càng đông. Người ta chen lấn, xô đẩy nhau, kêu gào la thét. Ai nấy cố chạy về phía trước dù không biết phía trước mình sẽ đi về đâu"

Ngay trong lúc này ông anh vợ tôi và ông cậu tôi cũng đã lạc mất trong đám đông hỗn độn. Chỉ còn có cha tôi, tôi và vợ tôi bồng con nắm tay nhau đi cùng mà thôi.

Đám đông hỗn loạn tiếp tục di chuyển về phía trước, khi qua khỏi bưu điện, thêm những toán người gia nhập. Tiếng cửa sắt kéo lại, tiếng còi xe inh ỏi, tiếng trẻ khóc thất thanh, tiếng gọi lạc người thân tạo thành một thứ âm thanh kinh hoàng hỗn tạp. Chạy về đâu" Vào Sa Huỳnh, xuống Phú Thọ, ra Chu Lai, những nơi hy vọng có tàu thủy chở được"

Xuống đến ngã tư chính, đám đông di chuyển về hướng cầu Trà Khúc, như vậy là chạy ra Chu Lai rồi. Di chuyển đến cây xăng ông Tiệp thì có nhiều xe GMC dừng ngay trên mặt lộvì không còn một khoảng đường trống nào để chạy được nữa. Người ở các nơi càng ngày càng đổ về con đường Quang Trung.

Đến đầu cầu Trà Khúc, cha tôi đưa chiếc radio cho người chạy bên cạnh, bởi cha tôi đã quá mệt không còn xách nổi và có lẽ lúc này cũng không cần nghe tin tức chiến sự qua đài BBC nữa.

Tôi bồng lấy con gái từ tay vợ và nghe hơi thở từ lồng ngực nó rất yếu, nhưng thân nhiệt nó vẫn còn ấm, có lẽ vì chen chúc giữa đám đông nên nó một phần bị ngộp thở. Cả nhà tôi tách khỏi đám đông cho con tôi được thoáng mát. Một lúc sau con tôi thở đều trở lại, chúng tôi lại gia nhập đám đông qua bên kia cầu Trà Khúc. Trên cầu những luồng gió từ biển đông thổi vào làm không khí dễ thở hơn và cũng bớt đi cái hãi hùng từ khi mới vừa xuất phát đến giờ.

Đám đông di chuyển qua khỏi quận Sơn Tịnh thì bắt đầu loãng dần vì hai bên đường quang đãng. Đi thêm một cây số nữa thì ngưng lại, vì phía trước là một đoàn xe đang đậu. Thì ra đang có chạm súng tại Bình Liên giữa lực lượng biệt động quân và cộng quân. Tại bãi đậu của toán xe thuộc các đơn vị quân đội và cơ quan hành chánh tỉnh Quảng Ngãi, dân chúng trên đường di tản dồn đến ngày càng đông. Trung tá Lộc tham mưu trưởng tiểu khu cùng ban tham mưu đang điều động các đơn vị đặc nhiệm phối hợp với các đơn vị Biệt động quân, Trung đoàn 4, Thiết đoàn 4 phá vỡ gọng kềm địch quân và mở đường đi thẳng ra căn cứ Chu Lai.

Tiếng máy bay gầm thét, tiếng đại bác ì ầm, hỏa châu soi sáng một góc trời Bình Liên, cuộc chạm súng vẫn tiếp diễn…

Đến một giờ sau, tiếng súng bắt đầu thưa dần và ngưng hẳn, có thể địch quân đã rút lui. Đoàn xe lại tiếp tục lên đường, dân chúng cũng di chuyển theo. Trong đoàn xe ấy, thật tình cờ có cả xe của hậu cứ tiểu đoàn tôi. Người tài xế mừng rỡ gặp được gia đình tôi và chúng tôi lên xe tiếp tục di tản.

Dưới ánh sáng nhạt nhòa của vầng trăng thượng tuần, tất cả các xe đều tắt đèn để tránh việc ánh sáng đèn làm mục tiêu cho địch, quân và các xe tăng tốc độ tối đa để mong vượt qua những đoạn đường nguy hiểm. Ra đến Bình Liên đoàn xe phải giảm tốc độ để tránh những chướng ngại của bãi chiến trường vừa mới xảy ra. Bên vệ đường, những chiếc chiến sa còn đang bốc cháy, xác của địch quân, xác của quân ta nằm ngổn ngang trên chiến địa. Trên đường di chuyển, thỉnh thoảng có những chiếc xe bị phục kích bắn cháy, chiếc ấy dừng lại và những chiếc khác tiếp tục chạy thẳng.


Khoảng 4 giờ sáng ngày 25 tháng 3 năm 1975, đoàn xe và dân chúng đều dừng lại vị trí cách quận Bình Sơn một cây số. Nơi đây đang có chạm súng giữa hai bên. Trong cuộc giao tranh này có một số đơn vị quân đội đã mở đường máu vượt vòng vây địch quân hướng về Chu Lai, một số đơn vị ở lại ngăn địch cho đơn vị bạn đi trước. Tuy nhiên lực lượng địch quân ngày càng tăng viện đông hơn, và với quyết tâm tiêu diệt sức kháng cự của các lực lượng ta. Bây giờ thì chiến trường không còn cách xa dân chúng nữa, mà diễn ra ngay giữa đám đông người di tản. Ai nấy cố tìm một nơi an toàn để tránh né đạn bom, tiếng đạn của đôi bên bay vèo trên đầu. Một hai rồi nhiều trái đạn súng cối rơi vào giữa đám đông, những thân người nằm xuống, những tiếng thét bí ai.

Nhận thấy rằng chiến đấu trong một hoàn cảnh hoàn toàn bất lợi. Không thể nào phá nổi gọng kềm của đối phương với một lực lượng không tương xứng, lại nữa tình trạng đạn dược mỗi lúc một vơi dần, tổn thất nhân mạng của đôi bên kể cả dân chúng ngày càng tăng, các lực lượng chiến đấu của ta đành buông tay súng.

Địch quân tịch thu súng đạn, buộc mọi người phải di chuyển về quận lỵ Bình Sơn. Những người bị thương được chiến hữu, thân nhân tìm mọi phương tiện tự chế để khiêng, cõng, hoặc dìu về bệnh viện Bình Sơn mà không biết ở nơi đó có còn ai làm việc hay không" Những người bị tử thương thì thân nhân tìm phương tiện để đem về quê quán. Một quang cảnh hổn độn, thê lương, hãi hùng, bi thiết.

Đến 1 giờ trưa tất cả quân nhân và dân chúng bị tập trung tại khu vực thị trấn châu ổ. Thình lình một toán oanh tạc cơ xuất hiện trên bầu trời Bình Sơn, tất cả các lực lượng công quân trốn vào các công sự. Thừa dịp này một số người cố luồn lách trốn thoát tìm đường ra Chu Lai, gia đình tôi có mặt trong toán người đó. Băng qua những xóm nhà, vượt qua những cánh đồng, chúng tôi ra tới cầu Nước Mặn vào khoảng 4 giờ chiều. Từ đây các nút chặn của công quân không còn nữa, chúng tôi đi thẳng đường lộ.
Phần đói bụng phần khát nước, có người không còn giầy dép lại phải đi trên đường nhựa nóng bỏng của trời tháng ba nên mọi người có vẻ bơ phờ mệt mỏi, nhưng họ đều phải cố gắng đi về phía trước, mong đến được bến bờ tự do.

Rồi cổng căn cứ Chu Lai cũng đã hiện ra. Chúng tôi đến đây khoảng 6 giờ tối. Cổng lớn đã đóng lại, chỉ chừa một lối đi nhỏ cho từng người một bước qua, đề phòng các lực lượng địch quân tràn vào. Trên đường di chuyển ra bến tàu, con gái tôi quá đói vì vợ tôi không còn sữa cho nó bú, nó quay ra nắm đại tay những người đi bên cạnh bỏ vào miệng mút lấy mút để. Cha tôi xót ruột cho cháu nội:

- Thật tội nghiệp cho cháu tôi quá! Cả một đêm một ngày đói khát. Thôi thì cố gắng lên, vào được cổng căn cứ rồi coi như đã thoát hiểm.

Trong khu vực bến tàu, cả một rừng người tràn ngập trên bãi biển. Người ta đi tới đi lui, đưa mắt ngóng về nơi chân trời xa trên mặt biển mong chờ bóng dáng những chiếc tàu cứu nạn. Trong đám đông đó gồm các đơn vị thuộc sư đoàn 2 bộ binh, liên đoàn 11 biệt động quân, thiết đoàn 4, tiểu khu Quảng Ngãi, tiểu khu Quảng Tín. Nhiều thực phẩm trong kho được đem ra phân phát cho quân nhân và dân chúng di tản.

Bây giờ là 7 giờ tối, căn cứ Chu Lai lại rơi vào tình trạng hỗn loạn, đạn phá cộâng quân đã bắn vào khu vực kho bãi và bến cảng. Lại xác người nằm xuống, lại máu đào tuôn chảy, lại thân người bị thương. Người ta nhốn nháo, xôn xao chạy tìm nơi trú ẩn. Mà tìm được chốn nào an toàn nơi bãi biển trống trơ với khối lượng người đông ngần ấy. Trong cảnh tượng hãi hùng hổn loạn ấy, đám đông như những con cá nằm trên thớt, sẵn sàng làm mồi cho súng đạn.

Bỗng từ xa ngoài biển khơi một chấm đen xuất hiện, chấm đen ngày càng lớn dần lớn dần. Thì ra một chiếc tàu thủy từ từ tiến vào cửa biển. Tất cả mọi cặp mắt đều đổ dồn về hướng chiếc tàu, người ta nôn nóng sao cho chiếc tàu di chuyển nhanh hơn, nhanh hơn chút nữa. Sao mà nó di chuyển quá chậm. Thời gian như ngưng đọng. Người ta mong được thoát khỏi cái cảnh tượng hãi hùng đau thương hiện tại càng sớm càng tốt. Đám đông không chờ được nữa, gia đình tôi cũng vậy. Chúng tôi lội xuống nước từ từ đi ra, mong là mình sẽ là những người gần nhất khi tàu cặp vào bờ. Lội ra đến lúc nước gần tới ngực, chúng tôi dừng lại để chờ đợi. Con tàu vẫn từ từ tiến vào bờ, ngày càng rỏ dần, rỏ dần.

Đó là chiếc Dương Vận Hạm 505 của hải quân Việt Nam. Con tàu dừng lại ở độ sâu không thể vào được nữa cửa tàu từ từ mở ra, làn sóng người ùa tới, người ta xô đẩy nhau, đạp nhau bằng mọi cách để lên tàu. Một số người khỏe mạnh đứng gần cửa tàu thì lên được. Những người yếu đuối hoặc trẻ em bị giạt qua một bên hoặc bị đè chết trước cửa tàu. Hiện tượng rối loạn cứ tiếp diễn, nên số lượng người lên tàu thì ít mà số người tử vong vì chen lấn đè đạp lên nhau thì nhiều. Trước tình trạng quá sức nguy hiểm như thế, hạm trưởng đã cho lệnh đóng cửa tàu lại.

Gia đình tôi đứng xa cửa tàu nên không có ai lên tàu được. Chúng tôi đứng sát vào và nắm tay nhau trong cái biển người lô nhố ấy. Bây giờ tất cả mọi người vất hết hành lý, tôi bồng lấy con gái từ tay vợ tôi. Tuy cửa tàu đã đóng nhưng số người ở trên bờ lôi xuống biển càng lúc càng nhiều. Người ta tiếp tục xô đẩy nhau, chen lấn nhau, mỗi lần như vậy những người nào yếu đuối không gượng nổi phải chìm xuống nước và mỗi lần xô đẩy như vậy, cha tôi đều la lên:

- Đừng chen lấn nữa! Kẻo đè chết cháu tôi.

Trong hoàn cảnh nguy hiểm như vậy, nhiều người đã lỡ xuống biển rồi, muốn trở lên bờ cũng không còn được nữa, bởi vì rừng người đã nêm kín không còn lối nào trở lại.

Thủy triều càng lúc càng dâng cao, mực nước lên dần đến ngực, rồi ngang vai. Tôi đưa con gái tôi ngồi trên vai và nắm chặt tay cha tôi, vợ tôi nắm chặt tay tôi. Một cơn sóng lớn xô vào, nhấc bổng mọi người cuốn theo dòng nước. Tôi ôm chặt con tôi, cố ngoi lên mặt biển, tay chúng tôi đã rời nhau, tôi vừa ẳm con vừa bơi vừa đưa mắt tìm cha và vợ. Dưới ánh trăng mờ mờ soi chiếu, tôi chỉ thấy cả rừng người trồi lên sụp xuống mặt biển. Một làn sóng nữa đã vô tình xô dạt tôi đến bên thân tàu và thật tình cờ làn sóng ấy cũng đẩy vợ tôi dạt gần đến tôi. Tôi đưa con gái cho vợ tôi bồng và cố bơi mong tìm được bóng dáng cha tôi. Nhưng vô vọng, biết tìm đâu ra được cha tôi trong cái biển người lặn hụp nổi trôi kia. Cha tôi đã vĩnh viễn ra đi trên con đường tìm tự do vào đêm ấy.

Khoảng tuần sau thì ngư phủ vớt được xác cha tôi và chôn tại bãi biển Kỳ Hà. Sau đó gia đình tôi tìm được mộ cha nhờ những vật dụng và giấy tờ trong người cha tôi mà những người chôn cất trao lại. Gia đình tôi cảm tạ họ và đem cha về cải táng ở Sông Vệ.

Bây giờ thì đã hai mươi sáu năm trôi qua. Sau bao nhiêu năm tôi bị tập trung cải tạo, rồi những năm tháng trong vùng kinh tế mới, cuối cùng gia đình tôi cũng đã đến đươc bến bờ tự do. Đứa con gái 5 tháng của vợ chồng tôi ngày đó bây giờ đã 27 tuổi. Nó đã lập gia đình và có 2 con, vợ chồng tôi đã có hai cháu ngoại.

Aáy thế mà hình ảnh cha tôi trong đoạn đường cuối cùng đi tìm tự do như vừa mới hiện ra ngày hôm qua.

Arizona tháng 11/01
HUỲNH VĂN THỊNH

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,246,390
Chương trình Việt Báo Viết Về Nước Mỹ khởi sự từ Tháng Năm năm 2000. Ngay trong những ngày đầu tiên, có bài “Gia Đình Tôi Tới Mỹ” của Nguyễn Thị Phi Phượng. Tác giả ngày ấy vừa định cư Mỹ 4 tháng.
Sau Lễ Mẹ, ngày Thứ Hai 29 sắp tới sẽ là Lễ Chiến Sĩ Trận Vong. Mời đọc thêm một bài viết mới của Phan. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và được giải danh dự. Bài viết mới nầy là một bút ký viết về đời sống các sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ trong lúc Miền Nam bị sụp đổ năm 1975.
Tác giả đã nhận Giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ, 2003 với bài viết “Cái Chăn Mỹ và Con Gái Họ Đinh”, thể hiện nhiều thao thức của người phụ nữ Việt sống qua thời di cư, chiến tranh, di tản, làm vợ, làm mẹ trên đất Mỹ.
Tác giả sinh ra và lớn lên tại thành phố Hội An, Tỉnh Quảng Nam; Cựu nữ sinh Trung Học Trần Quý Cáp, Hội An, niên khóa 1964-1972. Chồng là một quân nhân trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa,
Tác giả là một cựu sĩ quan Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đã nhận giải tác phẩm xuất sắc Viết Về Nước Mỹ 2006 với truyện kể về hai chàng sĩ quan Mỹ gốc Việt thuyền nhân:
Nước Mỹ đang là mùa ra trường, và ngày 18 tháng Sáu 2017 sẽ là Father's Day in 2017 is on Sunday. the 18th of June (18/6/2017). Xin mời đọc bài Viết về nước Mỹ đầu tiên của Tín Thất Tôn.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corpo-ration;
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, giáo sư hồi hưu. Ông bà hiện là cư dân Brooklyn Park, Minnesota. Ông đã từng dạy ESL và Song Ngữ tại Hệ Thống Giáo Dục Công Lập Minneapolis và Ngôn Ngữ Việt Nam tại Đại Học Minnesota.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia. Ông góp bài Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua và đã ấn hành 4 tập truyện ngắn.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến