Hôm nay,  

Ước Mơ Của Uyển Sắp Thành Sự Thật

08/11/200100:00:00(Xem: 373270)
Xe hoa đầu tiên năm 1890, mở đầu cho cuộc diễn hành hoa hồng.

Người viết: NGUYỄN HỮU THỜI
Bài tham dự số: 02-392-vb41035

Tác giả đã góp nhiều bài giá trị và từng được trao tặng giải thưởng đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ nhất, 2000. Ông Nguyễn Hữu Thời là một chuyên viên computer, định cư tại Pasadena, Nam Calif, nơi hàng năm có cuộc diễn hành hoa hồng nổi tiếng thế giới. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

Pasadena chiều 31 tháng Chạp năm 1975. Tôi bước xuống xe buyt ở trạm 15 tuyến đường Arcadia đi về Pasadena góc Los Robles và Cordova sau một ngày làm việc thật mệt nhọc thì trời đã tối và mưa rơi lất phất, gió thổi nhè nhẹ.
Ánh đèn đường sáng bạc như cuốn theo gió dợn sống lang trong mưa bay. Thời tiết cuối năm ở đây sao kỳ lạ: khi lạnh, khi ấm, chợt nắng, chợt mưa vô chừng! Tôi còn phải đi bộ nhiều con đường nữa mới đến nhà và cảm thấy lạnh nên bắt đầu rảo bước.
Khi đến gần đại lộ Colorado tôi rất đổi ngạc nhiên thấy dọc hai bên đường có rất nhiều người lớn, trẻ em, nam thanh, nữ tú, kẻ nằm, người ngồi, kẻ này đứng, người kia đang len lỏi tìm lối đi, chỗ này con nít đang nô đùa, chạy nhảy, chỗ kia người lớn đang chuyện trò, cười nói vui vẻ cộng thêm với tiếng hát trong “radio” được mở lớn, tiếng rao hàng rong, tiếng gọi nhau ơi ới tạo thành một thứ âm thanh hổn lộn, xô bồ như chợ vỡ mặc cho mưa bay thưa hột, gió thổi hiu hiu thêm vào cái lạnh cuối mùa Đông xứ Mỹ.
Đó đây những tấm bạc ny lon đủ màu sắc căn lên tạm thời che mưa, quần áo, chăn mền ngỗn ngang, bừa bãi, ghế dài, ghế dựa sắp không có hàng lối. Rải rác dọc theo đại lộ có những đống lửa đốt lên từ lúc nào được che bởi những chiếc cái dù lớn, lửa cháy bập bùng, chập chờn khi cao khi thấp, lúc sáng, lúc mờ như cố tranh đua với những ánh điện đang tỏa ra cùng khắp.
Lưng chừng giữa những trụ đèn điện chạy dài hai bên đường treo lủng lẳng những bông hoa hồng thêu trên vải dày lớn bằng cái nón, màu sắc đỏ tươi không phôi pha bởi mưa gió, thời gian và làm tăng vẽ đẹp thêm cho thành phố. Những chiếc xe bán hàng rong như kẹo bông đủ màu, đậu phụng, bắp rang, “hot dog” trang hoàng kiểu cọ được các thiếu nữ, thiếu niên mặc những y phục đặc biệt đẩy xuôi, đẩy ngược dọc bên hai bên đường và cất lên những tiếng rao hàng vừa gọn, vừa ấm, vang lên từng hồi mời gọi làm tôi thấy lạ lùng và thích thú vô cùng! Tôi tự hỏi không biết người ở đâu ra mà đông vậy và họ tập trung dọc hai bên đường Colorado này để làm gì bất chấp cả thời tiết: lạnh, gió, mưa.
Mới hôm qua đây, tôi cũng đi làm về giờ này qua đây thấy đường phố vẫn bình thường kia ma! Tôi ngẩn ngơ đứng lại nhìn quanh quất không nhớ là bao lâu ngở ngàng, lạc lõng ở chỗ đông người xa la, rồi chậm chạp bước ra khỏi đám đông rẻ tạt vào một con đường khác và hăm hở đi nhanh về nhà hầu mong thuật lại cảnh lạ mắt vừa thấy cho cả nhà nghe.
Thời gian ấy là cuối năm đầu tiên chúng tôi tạm cư trên đất Mỹ (1975). Tôi đến đây từ trại tạm cư Indian Town Gap, tiểu bang Pennsylvania và được một nhà thờ Mỹ Methodist bảo trợ về Pasadena đúng ngày July 4 (ngày lễ Độc Lập của Hoa Kỳ) và sau khi nghỉ dưỡng sức được 2 ngày cùng là để làm những giấy tờ cần thiết xong, nhà thờ liền kiếm cho một công việc toàn thời gian, tuần làm sáu ngày, lao động mệt nghỉ, rã người, bơ phờ, mỗi lần xuống ca về nhà là ngất ngư con tàu đi, khập khểnh bước lên xe bus chân đá, chân siêu nên khi ở nhà thấy lúc nào rãnh là nằm lăn ra ngu. Vì vậy, tôi không có thì giờ tìm hiểu những gì đang xảy ra chung quanh mình: lối xóm, đồng hương, thành phố và sự sinh hoạt ở đất tạm dung này nên nhiều lúc tôi cảm thấy lẻ loi, bở ngỡ, lúng túng khi tiếp xúc với sự việc và người địa phương.
Vừa bước vào nhà, cháu gái lớn nhất của chúng tôi năm ấy lên bảy tuổi liền chạy ra reo lên:
“Ba đã về rồi. sao hôm nay ba về trể vậy"”
“Ba bị kẹt đường nhưng không phải kẹt xe mà là kẹt người con ạ. Người ngoài đường Colorado đông lắm. Aø, má con đâu rồi"”
“Má đang làm cơm ở dưới bếp đấy.”
Tôi kể lại những gì tôi đã thấy khi nãy ở đại lộ Colorado cho cả nhà nghe và ai cũng lấy làm lạ. Xong tôi điện thoại cho bà Barbara, người đại diện cho nhà thờ bảo trợ chúng tôi và vắn tắt kể lại để vơi đi phần nào nổi thắc mắc trong lòng, bà vui vẻ giải thích:
“Ông không nhớ ngày mai là mồng một “New Year” đấy à! Những người nằm ở đại lộ Colorado mà ông vừa thấy lúc nãy là họ đang đón đợi để mừng năm mới và chờ cho đến 8 giờ sáng mai để được xem tận mắt đoàn xe hoa hồng sẽ diễn hành qua đó. Họ là những người từ khắp nơi trên nước Mỹ, những người Pasadena và vùng phụ cận, những người ở Anh, Pháp, Hồng Kông, Thái Lan vv....tụ tập về đây đấy. Có nhiều người đã về đây trước cả tuần, thuê khách sạn trú ngụ hoặc ở trong những chiếc “trailer” lớn đầy đủ tiện nghi đậu nơi sân trường Pasadena City College hay các công viên.”
Rồi như một nữ giáo sư Sử say mê với công việc giảng dạy, trình bày, bà hăng hái và lấy làm hãnh diện thao thao kể lại lịch sử diễn hành xe hoa hồng đầu tiên ở đây.
Bà tiếp tục giải thích cho tôi biết diễn hành xe hoa hồng còn gọi là “Tournament of Roses”. Đó là một truyền thống tập tục của người Mỹ (American Tradition) được tổ chức hàng năm một cách long trọng và nhiều tốn kém tại thị xã Pasadena, tiểu bang California.
Nguyên là dịp lễ mừng năm mới 1890, ông Charles F. Holder, hội trưởng câu lạc bộ Valley Hunt ở Pasadena có sáng kiến đề nghị thêm vào chương trình đã có sẵn như: Nhảy rào, chạy đua, ném lao, liệng vòng, ngậm cái muỗng trên để cái trứng gà (an egg and spoon relay) là thi diễn hành xe hoa hồng.
Chiếc xe hoa đầu tiên được đem ra biểu diễn năm ấy là một chiếc xe ngựa do một con ngựa kéo và có kết hoa hồng chung quanh xe. Bánh xe bằng gỗ có niềng vòng sắt và được hai thiếu nữ mặc y phục trắng, có choàng vòng hoa hồng ngồi điều khiển đi lòng vòng quanh các đường Colorado và Orange Grove. Xe hoa này rất được mọi người hoan hô, cổ võ thích thú. Kể từ đó, mỗi đầu năm người Mỹ đều tổ chức thi diễn hành xe hoa hồng và nó đã trở thành truyền thống, tập tục của quốc gia.
Đến năm 1895 người ta thành lập Hội Diễn Hành Xe Hoa Hồng (The Tournament Of Roses Association) và hội này có nhiệm vụ điều hành tổ chức, nhận và xét đơn xin tham gia dự thi của các hội đoàn, thành phố, tiểu bang, của các quốc gia bạn và tuyển lựa Rose Queen (Hoàng Hậu Hoa Hồng) để ngồi trên chiếc xe hoa hồng đặc biệt dành cho thiếu nữ được trúng tuyển. Tục lệ này tồn tại mãi cho đến ngày hôm nay và ngày càng có nhiều hội đoàn, thành phố, tiểu bang quốc gia bạn tham dự.
Năm 1900 nhân kỷ niệm bước qua đầu thế kỷ XX thành phố Pasadena đã tiếp nhận 50,000 người từ khắp nơi về dự lễ mừng năm mới và xem diễn hành xe hoa hồng.
Ngày nay, cứ ngày mồng một đầu năm là có cả triệu người đến Pasadena để xem diễn hành và sau đó sân Rose Bowl xem trận chung kết đấu bóng bầu dục (Football) và hiện có gần 400 triệu người của 40 quốc gia trên thế giới xem cuộc diễn hành xe hoa và trận chung kết “football” qua hệ thống truyền hình Satellite.
Trước khi gác máy, bà còn khuyến khích tôi: “Nhà ông ở cách đại lộ Colorado có mấy con đường. Sáng mai ông bà nên dẫn các cháu ra xem. Tôi tin rằng chúng sẽ rất thích thú.”


“Cảm ơn bà. Chúng tôi sẽ ra đại lộ Colorado ngay đêm nay sau khi dùng cơm.”
“Good luck and Happy New Year.”
“Thank You and Happy New Year.”
Sau lần xem diễn hành hoa hồng đầu năm 1976, cứ mỗi dịp mừng ngày đầu năm dương lịch chúng tôi thức dậy sớm hơn thường lệ, điểm tâm qua loa rồi cùng nhà tôi bồng bế, dẫn dắt lũ trẻ đi xem diễn hành xe hoa.
Trong nhịp kèn trống rộn ràng, khi thấy những chiếc xe hoa của Trung Hoa, Thái Lan, Mã Lai, Tân Gia Ba, Nam Dương với những thiếu nữ Á Châu tươi đẹp ngồi trên đó xen lẩn giữa những chiếc xe hoa Hoa Kỳ, cháu gái lớn nhất của chúng tôi tên Quỳnh Uyển năm ấy mới lên bảy tuổi, thường kéo tay tôi xuống hỏi:
“Sao con không thấy chiếc xe hoa và đội nhạc của nước mình hả Ba"”
“Nước mình ở quá xa! Vả lại đã bị Cộng sản cưỡng chiếm mất rồi! Nước đã bị tạm chiếm, nhà đã tan, còn đâu nữa mà làm xe hoa để đi biểu diễn và dự thi hả con"”
Nghe tôi trả lời với giọng nhát gừng khác thường, nét mặt cháu xụ hẳn xuống. Đang vui cười, hớn hở, chỉ trỏ, nói chuyện huyên thuyên, cháu bỗng trở nên im lặng. Tôi cảm thấy hối hận vì mình đã lỡ lời nói ra sự thật làm cháu ngưng lại nỗi vui của tuổi thơ trong chốc lát! Tôi bèn giả lã nói qua chuyện khác.
Tôi thật không hiểu trong đầu óc non trẻ của cháu đang nghĩ gì lúc ấy!Những năm sau, cháu càng lớn càng đặt những câu hỏi càng khó trả lời, có năm cháu hỏi:
“Sao mình không hùn tiền lại để làm một chiếc xe hoa Việt Nam hả ba" Con mơ ước được thấy chiếc xe hoa của Việt Nam và con muốn ngồi trên chiếc xe hoa đó.”
Bộ con nói giởn chơi sao con! Làm sao đồng bào tỵ nạn mình hùn nổi để làm một chiếc xe hoa. Hơn nữa đồng bào mình chỉ có hơn một trăm ngàn người (thời gian năm 1975, 1976, 1977) và hiện ở rãi rác, tản mác khắp nước Mỹ và mới định cư ở đây chưa được bao lâu, công việc làm ăn chưa ổn định, làm thế nào góp lại được để làm một chiếc xe hoa" Con có biết giá tối thiểu một chiếc xe hoa dù đơn sơ cũng hơn trăm ngàn đồng đô la rồi đó. Có nhiều chiếc giá cả triệu đôla đấy con. Còn người ngồi trên xe hoa họ đều được chọn lựa kỹ không phải ai cũng được ngồi trên xe hoa đâu. Đó là một vinh dự và hãnh diện đấy. Còn cô thiếu nữ ngồi trên chiếc xe hoa đặc biệt mà người ta gọi là Rose Queen thì họ còn chọn lựa khó khăn gấp bội không khác gì tuyển chọn hoa hậu thế giới. Tuy nói vậy, nhưng sống trên đời mình có quyền ước mơ. Con cứ việc ước mơ đi biết đâu có ngày sẽ thành sự thật. “Còn Ba có ước mơ gì không"”
À! Con nhỏ này còn nhỏ mà khéo hỏi nhỉ"
“Ưø, ba có ước mơ các con chăm học, ngoan ngoãn và nước mình không còn Cộng sản nữa để ba trở về sinh sống và ở gần bên ông nội.”
*

Hôm nay, cháu Uyển đã lớn, đã có chồng có con và ra làm việc cho tiểu bang California sau khi tốt nghiệp đại học năm 1990.
Cháu đã quên hẳn mơ ước thấy được chiếc xe hoa hồng Việt Nam lăn bánh trên đất Mỹ lúc còn thơ ấu của những năm đầu tiên mới đến đây, tôi không nghe cháu nhắc gì đến nữa.
Đúng lúc ấy thì ngày 15 tháng 6 năm 2001 tôi đọc trên tờ báo Mỹ tên là Daily Bulletin có bài viết của ký giả Monica Rodriguez (Staff Writer) nhan đề: “Vietnamese Women gets parade wish” Culturtal House to float in Tournament of Roses after waiting 7 years. (người đàn bà Việt Nam đạt được lòng mong ước tham gia diễn hành xe hoa. Nhà văn hóa được dự cuộc thi xe hoa hồng sau bảy năm chờ đơi).
Tiếp theo, ngày 25 tháng 7 năm 2001 trên tờ Los Angeles Time có bài: “A Thank you bouquet to America” (Một bó hoa cảm ơn Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ” của ký giả Selica Kennedy Ross.
Những bài viết trên đều đề cặp và nói lên về một người đàn bà Việt Nam vượt biên tỵ nạn cộng sản tên là Madalenna Lài, 59 tuổi, hiện là Chủ Tịch Nhà Văn Hóa Việt Nam ở Pomona.
Bà Lài cùng bốn con nhỏ và 20 người Việt Nam khác trốn thoát Cộng Sản, vượt ra biển cả trên một chiếc ghe đánh cá nhỏ, thiếu nước, thiếu thực phẩm. Chiếc ghe trôi lênh đênh ngoài biển khơi mênh mông hơn một tuần lễ. Mọi người trên ghe đều đau ốm đói khát và thất vọng, ai cũng tưởng sẽ làm mồi cho cá. Đúng lúc thần chết gần kề thì được một chiếc tàu hải quân Hoa Kỳ cứu vớt và săn sóc thật chu đáo đưa vào trại tỵ nạn và sau đó được định cư ở Hoa Kỳ.
Bà Lài đến Mỹ được chánh phủ giúp đỡ cho học nghề và bà đã mở được một tiệm làm tóc, làm nail ở Pomona năm 1987. Chồng bà Lài là một tù nhân chính trị bị cộng sản VN giam giữ suốt 11 năm và mới được đoàn tụ với bà và các con năm 1990.
Theo bài báo, từ lâu, bà Lài có ước vọng được tham gia diễn hành xe hoa để có dịp nói lên một phần văn hóa Việt Nam và lời cảm ơn chân thành của mình và của những người tỵ nạn CSVN đến Chánh phủ và Nhân dân Mỹ đã cưu mang giúp đỡ phương tiện để xây dựng lại cuộc sống mới. Để thực hiện được ước vọng này, bà Lài đã phải bán căn nhà của bà tại Fontana để lấy tiền “Down payment” khi được Hội Diễn Hành Xe Hoa Hồng chấp nhận cho tham gia diễn hành sau bảy năm chờ đợi.
Bài báo có đăng hình bà Madalenna Lài ngồi giữa những bàn ghế ngổn ngan ở nơi cư ngụ mới và cũng là cửa tiệm “beauty shop” của bà trước kia với nét mặt lo âu, tư lự. Hình bên cạnh là chiếc xe hoa Việt Nam có dáng là chiếc ghe tượng trưng cho người Việt tỵ nạn. Phía trước mũi ghe là hình con chim hạc tượng trưng cho cái nhẹ nhàng, thanh tú, lòng vị tha, bác ái và vĩnh cửu của dân Việt. Phía sau là hình trống đồng Đông Sơn đã có từ mấy ngàn năm xưa chứng minh rằng người Việt đã có một nền văn hóa, văn minh lâu đời. Trên xe có ba thiếu nữ Việt Nam đại diện cho ba miền Trung, Nam, Bắc Việt Nam mặc y phục đặc biệt của mỗi miền đứng trước lá quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ là biểu tượng cho sự đoàn kết nhất trí của toàn dân Việt cương quyết chống ngoại xâm và Cộng sản vô thần. Lá quốc kỳ ấy đã phủ lên thi hài của bao chiến sĩ quốc gia đã hy sinh vì tổ quốc, vị quốc vong thân để bảo vệ tự do, cho sự toàn vẹn lãnh thổ, cho sự sống còn và hạnh phúc, ấm no của dân tộc Việt. Đằng sau lá quốc kỳ nổi lên khóm trúc tượng trưng cho quốc hồn, quốc túy và quyền uy của quốc gia.
Tôi không được hân hạnh quen với bà Madalenna Lài, chỉ được biết bà qua báo chí Việt Nam và Mỹ thường nhắc đến bà. Việc bà Madelenna cùng những người bạn tâm huyết trong nhà văn hóa và cộng đồng Việt Nam lăn xã vào để làm cho được một chiếc xe hoa hồng Việt Nam với một ý nghĩa xâu xa như tôi vừa trình bày ở trên thật là một kỳ công. Tôi biết thật khó khăn lắm mới được Hội Hoa Hồng Mỹ chấp nhận cho tham gia diễn hành dự thi vì phải hội đủ những điều kiện, tiêu chuẩn rất nhiêu khê phức tạp, đau đầu mà hội đã đề ra.
Chỉ nghĩ tới trong diễn hành hoa hồng sắp tới sẽ có sự tham dự của xe hoa Việt Nam, tôi đã rất xúc động. Tôi sẽ báo cho gia đình bé nhỏ của Uyển hiện ở San Deigo về Pasadena để xem chiếc hoa hồng đầu tiên của người Việt tỵ nạn Cộng sản lăn bánh trên đất Mỹ vào đầu năm Dương lịch 2002 để trọn được mơ ước của cháu lúc còn thơ ấu.
Tôi cũng chân thành cảm ơn và tỏ lòng ngưỡng mộ bà Madenna Lài, quý vị trong Nhà Văn Hóa Việt Nam và những người bạn đồng hương đã bỏ nhiều công sức, tiền bạc xây dựng được chiếc xe hoa hồng Việt Nam đầu tiên lăn bánh trên đất Mỹ. Đó là niềm hãnh diện cho người Việt chúng ta.
NGUYỄN HỮU THỜI

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,224,447
Nhạc sĩ Cung Tiến