Hôm nay,  

Tên Mỹ Tên Việt

03/08/200100:00:00(Xem: 252338)
Bài tham dự số: 02-312-vb0731

Ngay khi vừa đặt chân đến nước Mỹ mới có ba tháng, ông Chín đã vội vàng thực hiện ngay giấc mơ hằng ấp ủ từ lâu năm của mình: bỏ tên Việt, lấy tên Mỹ.
Ông vốn là người rất sùng bái nước Mỹ, người Mỹ. Tất cả những gì thuộc về Mỹ hoặc liên quan đến Mỹ, đối với ông đều là number one tuốt luốt, không thể chê vào đâu được! Có thể nói đây là một chứng bệnh, cũng tựa như bệnh tôn thờ các thần tượng ca nhạc của giới trẻ vậy. Và chứng bệnh này ông đã mang từ hồi trước
1975, lúc quân đội Mỹ đang tham chiến ở Việt Nam. Ông rất mê các sản phẩm của Mỹ, từ cuộn giấy chùi đít, đến cái búa, cây đinh, chiếc xẻng cá nhân, lon nước ngọt, những tấm ván ép, những tảng thịt gà đông lạnh v..v..

Hồi trước 1975, ông đã từng đi làm cho hãng thầu RMK của Mỹ tại Việt Nam nên ông đã được hân hạnh thưởng thức những sản phẩm vật chất tuyệt diệu này của Mỹ. Lúc ấy ông thường nói với bạn bè, vợ con:
- Đồ của Mỹ là bền chắc suốt đời, không chê vào đâu được! Made In USA là number one! Cây đinh của nó làm bằng thép già, thứ thiệt, đóng vào đâu cũng được. Mẹ kiếp, cây đinh của mình làm bằng thép non, chưa đóng đã queo! Cái búa của nó cầm đóng thật là êm tay, cú nào chắc cú đó, còn búa của mình vừa mới đóng có vài cái đã sút cán, đầu búa bị tà vẹt vì thép non xèo, chẳng ra cái giống gì cả!
Và ông thường rút ra kết luận:
- Thằng Mỹ nó giàu cho nên sản phẩm của nó làm ra đều bền chắc.Hèn chi nó là bá chủ thế giới cũng là phải!
Từ chỗ sùng bái Mỹ, ông đã có ước mơ một ngày nào đó ông được đặt chân lên cái thiên đàng hạ giới này một lần, "xem dân cho biết sự tình", cho thỏa lòng thỏa dạ, rồi có chết cũng mãn nguyện! Nghe nói ở bên Mỹ khỏi cần phải đi làm, chỉ cần đi bới thùng rác thôi cũng đủ sống qua ngày! Còn đàn bà thì ở bên đó rất nhiều, ai cũng xinh tươi trẻ đẹp, chỉ cần làm quen sơ sơ là có thể mời họ về nhà ân ái được rồi! Thế nhưng bỗng nhiên xảy ra biến cố 1975, giấc mơ của ông Chín tắt ngúm.
Sau năm 1975, gia đình ông vô cùng khốn khổ. Bản thân ông bị đi cải tạo vì bị ghép vào tội làm CIA cho Mỹ! Thật là oan ông địa cho ông Chín quá, bởi vì ông chỉ là một công nhân quèn làm cho hãng thầu RMK của Mỹ, chuyên xây cất các căn cứ quân sự Mỹ và làm đường xá tại các tỉnh ở miền Nam Việt Nam. Có một lần ông được đưa vào làm tại một căn cứ ra đa rất lớn của Mỹ ở bãi biển Tiên Sa, Đà Nẵng. Lúc về nhà ông thường khoe nhặng lên là ông làm đài ra đa chuyên về không thám, kiểm soát luôn cả ba nước Việt Miên Lào. Vạ mồm vạ miệng, sau năm 1975, những thằng việt cộng nằm vùng trong xóm chụp luôn cho ông cái mũ "CIA", thế là ông bị đi cải tạo 5 năm! Vả chăng vấn đề cũng phần nào do sự ganh ghét. Nhờ đi làm cho Mỹ và kiêm luôn chuyên ăn cắp đồ Mỹ đem bán cho nên gia đình ông tương đối giàu có trong xóm, xây được nhà lầu ba tầng. Những thằng việt cộng nằm vùng đạp xích lô ghét ông là phải!
Tuy nhiên, nếu nhìn đời theo triết lý "Tái Ông Thất Mã" *, may là rủi và rủi là may thì sự việc 5 năm đi cải tạo của ông Chín chính là tiền đề may mắn cho giấc mơ hằng ấp ủ lâu năm của ông: năm 1992 toàn gia đình ông được sang Mỹ định cư theo diện HO! Thế là giấc mơ của ông Chín đã thành sự thật! Chỉ ba tháng sau khi ổn định đời sống trên đất Mỹ, một hôm ông Chín triệu tập gấp bốn đứa con ông lại. Bằng một nét mặt rất nghiêm trang và giọng nói trịnh trọng, ông Chín nhập đề:
- Các con có biết vì sao hôm nay ba "đại hội" các con lại như vầy không"
Mấy đứa con ông Chín chưa biết ất giáp gì, đứa nào đứa nấy đều ngơ ngơ ngáo ngáo. Thằng Cầu 17 tuổi, lớn nhất, hỏi thăm dò:
- Chắc là có chuyện gì quan trọng phải không ba"
Ông Chín bèn đi một đường quan trọng hóa vấn đề:
- Tất nhiên là quan trọng rồi. Chuyện này có can hệ đến tương lai của các con. Ba quyết định làm chuyện này để tương lai của các con được tuơi sáng ...
Nghe ông Chín mào đầu, mấy đứa con ông hớn hở, nhao nhao hỏi tới tấp:
- Chuyện gì vậy ba" Chắc là ba trúng số"
- Ba định mua xe hơi cho tụi con" Hay ba định "mu" (move) đi chỗ khác"
- Ba mua xe hơi đi ba, chở tụi con đi chơi, đi học bằng xe buýt cực quá!
Ông Chín xua tay:
- Không, không phải như vậy. Chưa mua xe được. Mới qua còn nghèo chết mẹ tiền đâu mua xe!
Nói xong ông Chín đưa mắt nhìn từng đứa con một cách kỹ lưỡng như vị tướng duyệt hàng quân danh dự:
- Nghe đây, thằng Cầu, con Dừa, thằng Đủ, con Xoài, kể từ nay ba sẽ đặt cho mỗi đứa một cái tên Mỹ!
Bốn đứa cùng nhao nhao lên:
- A aa .... aaa .... Ba đặt tên Mỹ cho tụi con"
Ông Chín có bốn đứa con, xen kẽ hai nam hai nữ: lớn nhất là thằng Cầu, 17 tuổi; kế đến là con Dừa, 12; thằng Đủ, 10; và con Xoài 8 tuổi. Sở dĩ ông đặt tên trái cây cho bốn đứa con vì lý do sau: ông chỉ cầu mong ông bà trời phật phù hộ cho ông có cuộc sống tạm đủ là mừng rồi, không dám mơ ước giàu có, cao sang làm chi! Cuộc sống đạm bạc, miễn sao gia đình luôn êm ấm, hòa thuận, con cái ngoan
ngoãn, hiếu thảo là ông mừng.
Và sự cầu mong của ông có lẽ được ứng nghiệm, bởi vì tuy đã qua Mỹ nhưng vợ con ông vẫn rất đàng hoàng, sống rặt theo truyền thống Á Đông, chưa hề có biểu hiện muốn "hạ bệ" nguời cha xuống bậc chót của nấc thang xã hội! Theo ông được biết, tựa như sĩ, nông, công, thương, bốn giai cấp căn bản trong xã hội phong kiến, xã hội tư bản Mỹ cũng có bốn "giai cấp" tương tự, đó là: thứ nhất trẻ em, thứ nhì đàn bà, thứ ba là chó, và cuối cùng là ... đàn ông! Ông biết có gia đình HO khi vừa đặt chân xuống phi trường bên Mỹ thì bà vợ đã chỉ mặt ông chồng nói dằn mặt: " Kể từ nay anh ... hết thời rồi. Anh nên nhớ tôi là ... đàn bà đó nghe! Ở xứ Mỹ này đàn bà là ... quý lắm! Đụng tới tôi là tôi kêu nine one one liền!" Nhưng ông Chín vẫn còn có phước, chưa bị rơi vào hoàn cảnh đáng tự tử như vậy. Vai trò của ông vẫn sáng ngời trong gia đình. Mọi việc từ nhỏ tới lớn đều do một tay ông sắp đặt. Ông tựa như vị tướng tư lệnh, mỗi khi phán điều gì, vợ con đều răm rắp tuân phục.
Thằng Đủ là đứa đầu tiên hoan nghênh quyết định rất sáng suốt của ông Chín:
- Hay quá ba ơi, ba đặt cho tụi con tên Mỹ đi. Ba biết không mấy tụi bạn cứ chọc quê cái tên của con hoài. Hồi ở Việt Nam con đã bị chọc quê nhiều, qua đây vẫn còn bị. Có đứa nó dịch tên con sang tiếng Mỹ, nó gọi con là thằng ... Fuck!!!
Ông Chín bèn đi một đường luân lý giáo khoa thư:
- Các con nghe đây: ba đặt tên Mỹ cho tụi con là có lý do chớ không phải ba muốn chối bỏ cội nguồn tổ tiên ông bà mình. Nhập gia tùy tục, mình đã sang nước Mỹ rồi thì mình phải kiếm cách hội nhập vào xã hội của nó càng nhanh càng tốt. Để chi" Để dễ thành công, kiếm được nhiều tiền, gởi về giúp bà con cô bác của mình còn đang nghèo khổ bên quê nhà ...
-Bốn đứa con ông Chín chăm chú lắng nghe những lời giảng giải của ông. Dưới cái nhìn của chúng, ông vẫn là một ngôi sao sáng chói trong gia đình. Ông giỏi tiếng Mỹ nhất nhà, dù là tiếng Mỹ bồi, nhờ trước 1975 ông đã từng đi làm cho Mỹ gần 10 năm. Mấy đứa con ông thuộc thế hệ "cháu ngoan bác Hồ", trưởng thành sau 1975, không được học tiếng Mỹ vì đó là ngôn ngữ "phản động"! Mãi đến sau năm 1985, thời kỳ "đổi mới tư duy", chúng nó mới học được dăm ba chữ thì lại theo cha sang định cư bên Mỹ. Trong gia đình ông, mọi vấn đề giao dịch với xã hội bên ngoài, nhất là đối với các cơ quan của chính phủ, đều do ông Chín đảm trách và kiêm luôn thông phiên dịch cho vợ con. Ông luôn lấy cái background 8 năm làm việc cho hãng thầu RMK Mỹ để giảng giải cho các con ông hiểu biết về nước Mỹ và người Mỹ:
-Ba đã từng làm việc cho tụi Mỹ 8 năm trời rồi, ba rành tụi nó lắm! Có nhiều cái đối với người Việt mình là rất hay, rất tốt nhưng đối với tụi Mỹ lại là number ten! Chẳng hạn như tên Việt Nam của mình là Dũng hay là Dung. Dũng có nghĩa là can đảm, gan dạ, còn Dung có nghĩa là nết na, hiền thục. Ý nghĩa hay biết chừng nào, vậy mà đối với Mỹ, cái chữ "dung" có nghĩa là ... cục cứt!!!
-Vừa nghe ông Chín giải thích xong, bốn đứa con ông đồng cười rộ lên. Ông Chín hứng chí giảng tiếp:
- Thiệt đó chớ, ba có ông bạn tên là Nguyễn Hùng Dũng. Cái tên hay vô cùng, vậy mà khi sang Mỹ đi làm, mỗi khi đọc tên ông, tụi Mỹ cứ bật cười hô hố! Ông không nỡ bỏ cái tên hay, đẹp mà cha ông đã đặt cho ông. Vì vậy khi nhập quốc tịch, ông đã xin sửa tên ông lại thành ra chữ "Dzung". Đệm thêm chữ Z vào để nó khỏi còn mang nghĩa xấu theo tiếng Mỹ! Ngoài ra tên của mình là Loan cũng là hay lắm nhưng tiếng Mỹ lại có nghĩa là món nợ! Tên "Phúc" hay "Phước" của mình làm cho tụi nó liên tưởng tới chữ "Fuck", tụi nó cứ cười hoài! Còn những tên Việt của mình như Xuyên, Thuyên, Chuyên, Quyên, Uyên, Trường, Oanh v..v.. đối với tụi Mỹ khó phát âm, khó nhớ, gây trở ngại trong vấn đề giao tiếp....
Thằng Cầu nêu thắc mắc:
- Vậy tên tiếng Việt của tụi con có ý nghĩa gì đối với tiếng Mỹ không ba"
Ông Chín đáp:
- Không có ý nghĩa gì hết nhưng hơi khó phát âm, nhất là cái tên Xoài. Ba đã giảng cho các con hiểu ý nghĩa vì sao ba đặt tên trái cây cho bốn đứa. Sống ở đời mình đừng có tham lam thì ông bà sẽ thương, sẽ độ cho tụi mình. Đó là lý do vì sao mỗi lần đến ngày giỗ tết, ba dặn má các con đi chợ phải mua cho đủ bốn loại trái cây về cúng, đó là trái mẵng cầu, trái dừa, trái đủ đủ và trái xoài!
Nói đến đây ông Chín bỗng cao hứng xổ ra một câu "nho chùm" làm bốn đứa con lác mắt:
- Cụ Nguyễn Công Trứ đã từng nói: "Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc", có nghĩa là biết đủ, hài lòng với cái đủ thì là đủ! Tên của bốn đứa con tượng trưng cho triết lý sống của ba ở đời, đó là "Cầu Vừa Đủ Xài". "Vừa" tức là trái dừa đó, phát âm theo giọng miền Nam. Chữ "Xài" cũng vậy, người miền Nam gọi trái Xoài là "Xài" ...
Tuy nhiên có một lần bà vợ ông Chín đã làm cho ông bực mình, đập bể hết mười mấy cái chén, dĩa. Số là tết năm đó bà ta đi chợ mua bốn loại trái cây về cúng như mọi năm nhưng rủi cho năm đó không hiểu vì bị mất mùa hay sao đó mà tuyệt nhiên không có một trái mãng cầu nào hết. Bà ta đi lùng khắp chợ cũng không thấy. Bù lại, tết năm đó bỗng nhiên chôm chôm được mùa, bày bán nhan nhản khắp chợ, giá lại thật là rẻ. Nhìn thấy những chùm chôm chôm tươi rói, đỏ au, bà thấy ham quá và nảy ra ý định mua chôm chôm thay cho mẵng cầu. Thế là bà ta mua vài ký chôm chôm cùng với các trái dừa, đu đủ và xoài để về cúng. Nhưng khi về nhà, dọn trái cây lên bàn thờ để chuẩn bị cúng thì ông Chín phát hiện ra sự kiện bất ngờ này. Ông đùng đùng nổi giận, chửi mắng bà vợ thậm tệ:
- Bà ngu như con bò, đúng là vô ý thức, bà thử ghép tên bốn loại trái cây này lại xem nó thành ra câu gì" Bà muốn cả nhà mình "chôm vừa đủ xài" phải không" Bà muốn tui phải đi ăn trộm phải không"
Tiếp theo đó là một màn chén bay, dĩa bay làm bà Chín tởn hồn, không bao giờ dám quên bài học năm đó!
Con Xoài nghe ông Chín nói vậy, bèn hỏi:
- Vậy ba đặt tên Mỹ cho con là gì vậy ba"
Ông Chín ngồi bật ngửa trên ghế, rút trong túi ra một tờ giấy có ghi các tên Mỹ, chìa ra cho mấy đứa con xem:
- Đây nè, ba đã làm xong hết rồi, theo thứ tự từ trên xuống dưới, ba sẽ có tên Mỹ là "Zon" (John), má tụi bay tên là "Kim Bớ Lì" (Kimberly), thằng Cầu tên là Mai Cồ (Michael), con Dừa tên là " Lin Đà" (Linda), thằng Đủ tên là "En Đì" (Andy), con Xoài tên là "Nan Xì" (Nancy) ...
Bốn đứa con cùng hớn hở reo lên:
- Hay quá, ba đặt cho tụi con tên Mỹ!
Thằng Đủ thích chí cười vang:
- Vậy là kể từ nay con tên là En Đì. Cái tên này nghe "sang" quá ba ơi!
Ông Chín cũng pha trò:
- Ờ, vậy là từ nay mày hết còn sợ bạn mày gọi mày là thằng ... "Fuck" nữa!
Con Dừa bày tỏ sự hân hoan của mình:
- Con thích tên Linda lắm, nghe thật là dễ thương! Cái tên "Dừa" sao nghe kỳ kỳ quá phải không ba"
Ông Chín nói:
- Ba mong con mai mốt cũng nổi tiếng như ca sĩ Linda Trang Đài vậy!
Thằng Cầu bỗng lại nêu thắc mắc:
- Ba à, vậy làm sao mình sửa tên trên giấy tờ được"
Như đã chuẩn bị sẵn, ông Chín tuôn ra một tràng:
- Mình phải đợi khi được vào quốc tịch Mỹ, lúc ấy mình sẽ xin đổi tên. Còn bây giờ cứ dùng các tên Mỹ này, nói là đó là tên thường gọi của mình, gọi riết rồi thành ra quen. Dùng các tên Mỹ này có cái lợi là khi tụi Mỹ hỏi mình What's your name, mình nói tên mình là Mai Cồ, En Đì hay Kim Bớ Lì là tụi nó hiểu liền. Còn nếu nói tên Việt Nam, nó bắt mình phải đánh vần, phiền phức lắm, đôi khi mình đánh vần một đằng, nó ghi một nẻo! Ngoài ra khi mình điền "phom" (form) để "áp lai" (apply) cái gì, xài tên Mỹ cũng có cái lợi, đó là tránh được sự kỳ thị, hoặc khi mình "o đờ" cái gì đó, mình nói tên Mỹ với số phone, địa chỉ là tụi nó mang tới nhà mình lẹ lắm. Có nhiều thằng chó đẻ, kỳ thị, thấy tên ngoại quốc là tụi nó giao hàng chậm trễ!!!
Đó là lý do chính mà ông Chín giải thích cho mấy đứa con. Còn một lý do nữa mà ông không tiện nói ra, đó là ông dùng tên Mỹ để mai mốt ông làm Việt kiều, áo gấm về làng, dợt le với thiên hạ! Ông sẽ in tấm các-vi-dzit như sau: Mr John Nguyen, phone ...., fax ..., e-mail ... thì oai biết chừng nào! Người ta sẽ biết ông là Việt kiều, vì họ và tên của ông đã bị đảo ngược và không có bỏ dấu,
thái độ cư xử của thiên hạ đối với ông chắc chắn sẽ khác! Ông đang mơ đến ngày vinh quang đó và đang tích cực chuẩn bị từng ngày!


Thực tình mà nói, ngoài tinh thần vọng ngoại, ông Chín có ý đổi tên Việt thành tên Mỹ vì ông đã gặp nhiều trở ngại trong vấn đề giao tiếp. Bài học đầu tiên lúc ông mới đặt chân đến Mỹ, tại văn phòng sở di trú như sau: Hôm đó thằng counsellor cho ông cái hẹn lúc 11 giờ sáng. Ông đến thật sớm, ngồi tại phòng đợi. Thôi thì đủ mọi sắc dân hết, da đen , da trắng, da vàng, da nâu, đến từ mọi lục địa trên thế giới. Tất cả khoảng hơn 100 người, ngôn ngữ đủ loại tuôn ra hầm bà lằng, thật đúng là Hợp Chủng Quốc! Cứ khoảng 20 phút, con nhỏ thư ký lại ra, cầm danh sách đọc tên khoảng 10 người, mời vào gặp các tham vấn viên. Ông Chín ngồi chờ mãi mà không thấy người thư ký đọc tên ông ta. Ông chờ cho đến gần 2 giờ trưa, lúc đó trong phòng đợi chỉ còn có 5 người mà cũng không thấy người thư ký xướng tên mình. Ông sốt ruột quá, hay là nó bỏ sót tên mình" Không có lẽ, vì tờ giấy hẹn ông còn cầm chắc trên tay, ghi thật rõ họ và tên ông: Mr Khanh Van Nguyen. Ông họ Nguyễn, tên trên giấy tờ là Khánh. Thỉnh thoảng ông nghe người thư ký gọi to hai ba lần "Mr Uyen"" nhưng không thấy có ai đứng dậy. Chắc là một ông Việt Nam nào đó đã ngủ quên ở nhà. Thật là tệ, chỉ có việc đi lãnh tiền trợ cấp không thôi mà cũng làm biếng! Sang được xứ Mỹ rồi, con người đâm ra hư hỏng hết!
Cuối cùng chỉ còn sót lại có 5 người, ông Chín chịu không nổi, đánh bạo đến hỏi người thư ký vì sao không có tên" Người thư ký rà danh sách rồi hỏi ông Chín: "Are you Mr Khanh Van Nguyen" Is that you""
Ông Chín mừng quá "yes yes" lia lịa. Người thư ký giơ hai tay lên, tỏ ý thất vọng và nói: "Tôi đã gọi tên ông rất nhiều lần, tại sao ông không trả lời"" Đến lúc này ông Chín mới vỡ lẽ ra là nó gọi last name của mình, và vì chữ "Nguyễn" hơi khó phát âm nên nó đọc thành ra là "Uyên"!
Sau này ông được biết thêm là các chữ Mr, Mrs và Miss luôn luôn đi kèm theo cái họ của mình hoặc trong trường hợp dùng luôn cả họ lẫn tên. Mr Nguyen hoặc Mr Khanh Van Nguyen. Chữ Mr kèm theo last name chỉ dùng trong những trường hợp trang trọng, nghi thức xã giao. Đàm thoại thông thường thì lại gọi thẳng tên (first name)! Lúc bấy giờ trong đầu ông cứ đinh ninh nó sẽ gọi "Mr Khanh"", thì ông sẽ hãnh diện đáp to "Yes I am"!
Đúng là cái xứ Mỹ, nhiều chuyện ngược ngạo quá! Mình gọt trái cây, mình gọt xuôi, nó lại cầm con dao gọt ngược! Sao mà "ngu" quá vậy! Ông Chín còn nhớ đến một người bạn cũng gặp trở ngại về tên gọi như ông: Số là người bạn ông mới sang Mỹ, tình nguyện dạy một lớp tiếng Việt cho trẻ em Việt. Ông bạn này, tên là Thời, thường than phiền với ông Chín: "Tụi trẻ ở đây "hỗn láo" quá, nó cứ gọi thẳng tên mình ra, không có thưa gởi gì ráo! Chẳng hạn như:"Hello Thoi, how are you"", hoặc "Thoi, I don't understand, please explain again!", hoặc "Thoi, can I go out"" Đáng lẽ nó phải gọi tôi là 'Mr Thoi' mới đúng chớ!"
Đó là bài học nhớ đời đối với ông Chín. Từ đó trở đi ông luôn ghi nhớ trong đầu là ngoài tên Khánh, ông còn có một tên gọi nữa là "Mr Uyen"!!!
Đó là rắc rối về cái họ, còn đến cái tên của ông cũng gặp rắc rối không kém. Tên Việt Nam của ông là Khánh, viết theo kiểu Mỹ không bỏ dấu là Khanh. Vậy mà cứ 10 thằng Mỹ thì hết chín thằng viết sai tên ông thành ra là "Khan", không có chữ 'h' sau cùng! Thậm chí có những lần điền đơn xin số điện thoại, thuê cable truyền hình, xin thẻ credit card, ông đã ghi rất rõ ràng tên ông là "Khanh", vậy mà cứ bị những đứa thư ký chết tiệt nào đó bỏ bớt chữ 'h' sau cùng! Tức chết đi được! Nhất định là phải có "something wrong" rồi! Ông Chín phải bỏ công ra tìm hiểu thì mới vỡ lẽ ra như thế này: Hồi thế kỷ thứ 12, Thành Cát Tư Hãn (Genghis Khan) chinh phục toàn bộ Châu Âu, gần hết Châu Á và Châu Phi. Nơi ông ta dừng chân lâu nhất là vùng Trung Á, gồm các quốc gia theo Hồi giáo như hiện nay. Tên "Khan" của ông đã được lưu truyền lại cho đến nay, nhất là những sắc dân thuộc khối Ả Rập. Khi người Mỹ hỏi tên ông là gì, ông đáp tên là "Khanh", họ liền liên tưởng đến cái tên ... Ả Rập, chẳng hạn như Ali Khan! Cũng với lý do đó, cho nên những cô thư ký khi đọc đơn từ của ông, thấy tên "Khanh", nghĩ rằng ông "Ả Rập" này lẩm cẩm đánh máy thừa chữ 'h', nên các cô tự động bỏ bớt chữ 'h' giùm ông cho đúng cái tên ... "Ả Rập"!!! Thật là tai hại quá! Đó là chưa kể nhiều người Mỹ vốn có ác cảm với thành phần Hồi giáo vì những người này thường đặt bom khủng bố người Mỹ!
Nhiều lý do tổng hợp lại khiến ông Chín phải đi đến quyết định đổi tên, mong mỏi cuộc đời mình sẽ được tươi sáng hơn.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, mới đó mà 5 năm đã trôi qua một cái vèo. Nhờ học bài thật kỹ cho nên ông Chín đã thi đậu quốc tịch một cách dễ dàng. Giám khảo của ông là một bà Mỹ trắng chừng 40 tuổi, đẹp, vui tính, cởi mở. Sau khi tuyên bố ông Chín đã thi đậu, bà hỏi thêm một vài câu:
- Ông có muốn đổi tên khi tuyên thệ không"
Ông Chín trả lời một cách dứt khoát:
- Không!
Có lẽ thấy ông là người Việt nên bà giám khảo hơi tò mò, hỏi thêm:
- Ông có thể cho tôi biết cảm tưởng của ông về nước Mỹ sau thời gian 5 năm ông đã định cư tại đây"
Lúc này trình độ Anh ngữ của ông Chín đã khá hơn nhiều nên ông có thể trả lời bà giám khảo một cách khá suông sẻ:
- Tôi có hai điều, một điều rất thích nước Mỹ và một điều rất ghét nước Mỹ!
Bà giám khảo nói:
- Xin ông cho biết cụ thể hơn"
Ông Chín nói tiếp:
- Điều làm tôi rất thich nước Mỹ, và tôi cho là yếu tố cực kỳ quan trọng, đó là cái thể chế chính trị của nước này, theo đó, quyền tự do, dân chủ của con người được tôn trọng tới mức tối đa. Quốc gia được thành lập trên căn bản tam quyền phân lập thật rõ ràng, hành pháp, lập pháp và tư pháp, ba thằng kiểm soát và khống chế lẫn nhau chặt chẽ. Nhiệm kỳ tổng thống chỉ có 4 năm, tài giỏi tới cỡ nào cũng chỉ làm được hai nhiệm kỳ, 8 năm là về vườn! Tôi tin rằng không có ai là thánh sống hết. Càng ngồi ở chức vụ lâu thì sớm muộn gì cũng nảy sinh ra nhiều điều tệ hại, tham nhũng! Đó là lý do vì sao nước Mỹ giàu mạnh nhất trên thế giới. Tôi rất ghét những nước nào, dù là tư bản hay cộng sản, có những thằng lãnh tụ ngồi ở ghế tổng thống hay chủ tịch tới ba bốn chục năm! Nước Mỹ ví như một vườn hoa có cả ngàn loại hoa khác nhau, tất cả đều được tự do khoe hương, trổ sắc. Thể chế chính trị tự do và phóng khoáng đã khuyến khích các nhân tài phát triển tối đa và đồng thời thu hút nhân tài từ nhiều nước khác. Người Mỹ chính cống, cứ tạm gọi như vậy, tính từ thế hệ thứ ba trở đi, hình như ít có ai thông minh kiệt xuất. Đa số họ thích làm việc tà tà và enjoy life! Những nhà bác học và những thiên tài lỗi lạc đủ mọi ngành, đa số là những di dân từ các nước khác tới .... Chính những thành phần này đã đem lại cho nước Mỹ ngôi vị vô địch về khoa học, kỹ thuật trong gần một thế kỷ qua. Như vậy cốt lõi của vấn đề là cái thể chế chính trị. Nó đẻ ra tất cả. Giàu sang cũng từ nó mà
ra. Có tự do là hầu như có tất cả. Một khi tim óc của con người không bị bóp nghẹt thì nó có thể sản xuất ra những dạng năng lượng hầu như vô tận, có thể làm nên một quả địa cầu thứ hai!!!
- Ông Chín nói một hơi những ưu tư của ông về nước Mỹ mà ông đã suy nghĩ nhiều từ 5 năm qua. Trong đầu ông luôn luôn có câu hỏi "Tại sao nước Mỹ giàu như vậy"" Ông đã tiếp xúc và làm việc với người Mỹ kể từ năm 1967, lúc đó ông mới có 25 tuổi. Ông thấy đa số họ đều ở dạng thường thường bậc trung, nghĩa là không quá siêng năng mà cũng không quá thông minh, lỗi lạc, nếu không muốn nói là có nhiều thằng hơi ... đần! Bà giám khảo tỏ vẻ rất đồng ý với những nhận xét của ông Chín. Bà mỉm cười thật tươi và hỏi tiếp:
- Thế còn điều ông rất ghét nước Mỹ"
Ông Chín nói luôn không cần suy nghĩ:
- Đó là những thằng ... ngu làm ra luật pháp để đưa đàn ông xuống dưới đáy xã hội, thua cả con chó!
Bà giám khảo bật cười thành tiếng trước nhận xét hơi ngộ nghĩnh của ông Chín. Bà bắt tay ông và chúc ông mọi điều tốt đẹp. Sau đó ông Chín ra về, lòng cảm thấy vô cùng hân hoan thơ thới. Tuy
nhiên có một vấn đề khiến cho những người bạn của ông thắc mắc, đó là trước đây, ông Chín rất mong muốn được đổi tên Việt thành tên Mỹ, vậy mà 5 năm sau, bỗng nhiên ông và toàn thể vợ con ông đều thay đổi lập trường 180 độ. Bạn bè xúm lại hỏi ông thì ông giải thích như sau:
- Sau 5 năm sống trên xứ Mỹ này, tôi đã thay đổi lập trường. Nước Mỹ là một vườn hoa có ngàn hoa đua nở, mỗi đóa hoa có một nét đẹp riêng biệt. Tất cả tạo thành một bức tranh tổng hợp tuyệt vời. Đó chính là nét độc đáo của nước Mỹ. Cái tên Việt Nam của mình cũng là một đóa hoa, cũng có cái hay, cái lạ của nó. Mắc mớ gì mình phải bắt chước Mỹ, lấy tên Mỹ, chạy theo Mỹ" Tên Việt Nam khó đọc, khó phát âm thì bắt nó phải học, phải nhớ cho quen! Nếu mình thật sự nổi trội thì tự nhiên tụi Mỹ phải theo mình! Có người Mỹ nào mà không biết đến những cái tên quen thuộc, chẳng hạn như Honda, Acura, Mazda, Toyota, Yamaha, Suzuki, Sony ... v..v.." Mấy cái tên Mitsubishi, Matsushita khó nhớ lắm chớ! Tại sao người Nhật làm được mà mình làm không được" Cái tên của thằng tài tử điện ảnh Mỹ gốc Đức dài lằng nhằng, đọc muốn trẹo cả lưỡi: Schwarzenegger .... Vậy mà dân ghiền xi nê không ai là không biết nó! Bởi vậy, sau khi suy nghĩ kỹ, tôi quyết định không đổi tên nữa, mấy đứa con của tôi cũng vậy. Người Mỹ nó muốn biết mình thì nó phải thuộc tên mình. Vấn đề là làm sao mình phải nổi trội, vươn lên để xứng đáng cho người ta để ý !!! Mấy cái tên Cầu, Dừa, Đủ, Xoài là đẹp lắm, không có Mai Cồ, mai kiếc, Lin Đa, lin điếc gì hết!!!
Đó là lý luận của ông Chín. Ngoài ra có những thực tế va chạm ngoài đời đã làm cho ông không muốn mang tên Mỹ nữa. Số là có lần ông đến tiệm đo mắt kiếng, xin đo mắt. Cô thư ký người Mỹ hỏi tên ông để ghi vào danh sách chờ, ông Chín phang luôn tên "John" cho tiện. Tất nhiên là tiện cho ông lúc đó nhưng tổ đã trác ông vì khi ông bác sĩ Mỹ mời ông vào, thấy ông tên là John, tưởng ông
là dân Mỹ thứ thiệt từ bao nhiêu đời, cho nên ông bác sĩ Mỹ cứ "coỏng" tiếng Mỹ thoải mái, thao thao bất tuyệt! Ông Chín tái mặt, ấp úng như gà nuốt giây thun. Thấy vẻ mặt sượng sùng, nghệt ra
của ông Chín, ông Mỹ biết rằng ông Chín không hiểu ... Thì ra là John ... dỏm! Thêm một vài lần nữa ông Chín nói chuyện qua điện thoại, cũng uỡn ngực xưng danh là "John", làm mấy người Mỹ tưởng
là "đồng hương", họ tuôn tiếng Mỹ ra làm ông ... điếc lỗ tai, nghe thì có nghe rất nhiều nhưng không hiểu gì trớt! Chẳng thà mình cứ xưng tên Việt Nam, nó biết mình không phải là người bản xứ, nó
nói chậm thì cũng đỡ khổ!
Thêm một thùng nước lạnh nữa xối lên đầu ông Chín khi ông tình cờ biết được trong tiếng lóng của Mỹ, chữ "John" có nghĩa là những khách làng chơi, nơi những khu phố đèn đỏ! (Red light district - Khu chơi bời, trác táng) Thì ra tên John cũng chẳng phải là hay ho, cao sang gì! Ông nghe nói có những "John's School" là trường học dành cho những khách đi chơi điếm, bị cảnh sát bắt. Trường học này cũng từa tựa như trường Phục Hồi Nhân Phẩm của cộng sản vậy, nơi đó các học viên phải học về nếp sống văn minh!
Khi ở Mỹ được hơn hai năm, được cấp thẻ xanh, ông Chín vội bay về Việt Nam một tháng. Dĩ nhiên là ông có đem theo những tấm cạc-vi-dít, có in tên "John Nguyễn" để hù thiên hạ. Nhưng vào thời điểm năm 1995, hào quang của Việt kiều đang bắt đầu bị lu mờ. Nhiều người về quá cho nên đâm ra nhàm, vả chăng đời sống ở Việt Nam cũng đã khá hơn lúc trước. Có lần ông cùng với mấy người bạn
ghé vào một tiệm ăn ở thành phố Đà Nẵng. Sau khi uống một vài chai bia, nhậu lẩu dê, ông cao hứng kể chuyện bên Mỹ cho mấy người bạn và ba bốn cô tiếp viên nghe. Mấy cô lắng nghe ông kể chuyện rất chăm chú, có cô còn âu yếm lấy khăn nóng có tẩm nước hoa thơm lừng ra lau mặt cho ông và rót thêm bia cho ông uống, để có thêm hào hứng mà kể chuyện xứ Mỹ sang giàu ... Lúc ra về, nhà hàng đã thân ái đưa cho ông một cái giấy tính tiền với giá cắt cổ: gần 200 đô! Ông Chín bị đau như bò đá nhưng vẫn cố cắn răng móc bóp trả. Không lẽ mình là Việt kiều "sang trọng" mà lại đi kỳ kèo vài trăm đô" Đau hơn nữa là khi bước ra xe, ông Chín nghe từng tràng cười hô hố vang ra từ bên trong tiệm. Ông nghe thật rõ một câu nói của một thằng khốn kiếp nào đó nói thật lớn: "ĐM, Việt kiều thì tính theo việt kiều, cho biết mặt!"
Từ đó ông tởn tới già. Cái bệnh háo danh chỉ làm cho ông khổ. Ông bắt đầu co cụm lại và ý thức thật rõ về thân phận của mình. Tốt nhất là phải giữ lại cái gốc của mình. Ông tin rằng có rất nhiều người cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự như ông. Rồi một vài thập niên nữa chắc chẳng còn ai háo hức muốn lấy tên Mỹ làm chi nữa, vì lúc ấy cộng đồng người Việt đã lớn mạnh, có chỗ đứng ngang hàng với những sắc dân khác trong xã hội Mỹ. Và chưa biết chừng lúc ấy lại có phong trào người Mỹ đua nhau lấy tên ... Việt Nam! Biết đâu chừng" Lúc ấy những cái tên Việt Nam như Hùng, Dũng, Loan, Hoa, Tuyết, Mít, Xoài Ổi gì đó vân vân, tha hồ mà có giá!!! Ông thầm cám ơn Thượng Đế đã ban phước cho gia đình ông sau 5 năm sống ở Mỹ vẫn chưa bị chia lìa, tan nát. Vợ ông vẫn là người đàn
bà hiền thục, các con ông vẫn ngoan ngoãn, hiếu thảo. Khi ông giảng cho chúng về sự thay đổi lập trường của ông, không lấy tên Mỹ nữa, chúng hoàn toàn đồng ý.
Từ đó những cái tên Cầu, Dừa, Đủ, Xoài vẫn tiếp tục xuất hiện trên những bảng danh dự treo trong các trường trung học và đại học, sánh vai, chen lẫn với những cái tên Mỹ khác như Michael, Linda, Andy, Nancy ...

MINH TRANG

CHÚ THÍCH:

*Tái Ông Thất Mã:

Trong Cổ Học Tinh Hoa có đăng truyện này, nội dung như sau: Tái Ông có một con ngựa, một hôm con ngựa bỗng bỏ đi đâu lạc mất. Người hàng xóm đến an ủi ông về sự rủi ro. Tái Ông nói:"Biết đâu đó lại là cái may"" Quả nhiên, một thời gian sau con ngựa cũ của ông trở về và lại rủ thêm một con ngựa nữa. Người hàng xóm lại đến chúc mừng ông. Nhưng Tái Ông nói:"Biết đâu đó chính là cái rủi""
Quả nhiên thằng con trai của ông thấy có con ngựa mới, bèn leo lên cỡi thử, bị té gãy giò. Nguời hàng xóm thấy vậy bèn sang chia buồn. Lần này Tái Ông lại nói: "Biết đâu đó lại là cái may""
Quả nhiên, trong năm đó đất nước bị loạn lạc, triều đình ra lệnh toàn bộ thanh niên phải đi lính, chống giặc xâm lăng. Thằng con trai của Tái Ông nhờ bị què giò cho nên được miễn lính, hai cha con ở nhà, chung sống bên nhau.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,213,090
Với bài "Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine", tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thểm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm - thường gọi đùa là giải á hậu - Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới của cô.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông. Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu.
Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20 trân trọng chào mừng thêm một người viết mới. Theo bài viết, từ 1978, Ngọc Ánh đã là tác giả những trang nhật ký của một nữ sinh viên viết từ Sài Gòn, được đăng trên bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại tại San Diego. Và từ 1979 thì cả nhà người viết đi tù. Người chồng bị kết án tử hình. Cháu bé mới sinh một tuổi theo mẹ vô nhà tù. Nhưng hơn 10 năm tù đày cộng sản không làm bà gục ngã. Và rồi, tình yêu đến... Thư kèm bài, bà viết “Tôi tên thật là Trần Ngọc Ánh, hiện đang sống tại thành phố Victorville, CA. Lần đầu tiên tôi viết bài tham dự "Viết về nước Mỹ" và hy vọng sẽ có nhiều bài viết về chủ đề này gởi đến Việt Báo trong năm nay...” Khi thêm bài mới, mong tác giả bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” tác giả Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng. Năm 15 tuổi vượt biên cùng một người anh, tới Mỹ năm 1986 và thành công dân Mỹ với tên Crystal H. Vo. Cô hiện là cư dân San Gabriel, CA. và làm việc tại Sở Xã Hội Quận Hạt. Trong những năm ngừng viết về nước My,õ cô kết hôn, thành con dâu một gia đình Mỹ và đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau đây là bài viết mới nhất của cô sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016. Với sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, bà có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, là bài viết mới nhất, khi tác giả bay từ Arkansas về họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Và...
Chỉ với bài viết đầu tiên, tới vào tháng cuối, Tác giả đã nhận giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau bài đầu tiên, bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây là bài viết của cô về lần đầu họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1953, tốt nghiệp Sư Phạm Sài Gòn khóa 12. Vượt biên sang Mỹ 1982, và từ đó tới nay định cư tại San Jose; Nghề nghiệp: Mechanical Designer, về hưu tuổi 65. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện vui về nhóm bạn trường Sư Phạm Sài Gòn, khóa cuối cùng, ra trường năm 1975, kèm lời ghi của tác giả: “Thân tặng các bạn lớp Nhất 9/Nhị 15, khóa 12 (1973-75) Sư Phạm Sài Gòn.”
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tháng Bảy, mùa Vu Lan, xin mời đọc bài viết về Mẹ của Minh Nguyệt Graves. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến