Hôm nay,  

“mr Right” Em Đã Tìm Được Anh

16/06/200100:00:00(Xem: 172743)
Bài tham dự số: 02-272-vb0616


“Mùa xuân này ta vẫn cô đơn
Lặng lẽ phóng xe giữa dòng người xuôi ngược
Thiên hạ từng đôi từng đôi ríu rít
Bỏ quên ta bên gió bụi hè đường.

....Anh yêu ơi! Anh là ai"
Anh ở phương nào"
Đang vui sướng bình yên
hay khổ đau khắc khoải"
Có biết chăng một người con gái
Đang mỏi mắt ngóng chờ
dù chưa biết mặt, quen tên.

...Mùa xuân này em vẫn cô đơn
Vì một nửa của em em chưa tìm thấy
Anh yêu ơi, anh là ai vậy"

Những dòng thơ trên đây tôi đã tình cơ đọc được trong mục “Tìm bạn bốn phương.”
Một cô gái tuổi từ 31-35, đang tha thiết muốn tìm một người bạn trăm năm, đã viết kèm bài thơ này với dòng chữ ad của cô. Bài thơ đã làm tôi xúc động, và ký ức về một thời con gái đầy những trăn trở, mong chờ và hy vọng về một người con trai chưa từng gặp mặt chợt ùa về trong tâm trí tôi...
Tôi còn nhớ, vào khoảng tuổi dậy thì, bọn con gái trong xóm tôi hay tụm năm tụm ba để “tán dóc” và đề tài “khoái khẩu” nhất của chúng tôi là bàn về “hoàng tử bạch mã” trong mộng. Một hôm, Tiên, một đứa trong đám bạn, nói một cách rất trịnh trọng:
“Ê tụi bay, tao biết cách làm sao để biết mặt người chồng tương lai của mình rồi đó, tụi bây muốn biết không"”
Cả đám lao xao, cùng đồng thanh la lên:
“Muốn biết chứ, dĩ nhiên là tụi tao muốn rồi, được biết mặt “anh” thì còn gì bằng!”
Cách mà Tiên nói cũng khá đơn giản, nhưng hơi “kinh dị”. Cần phải chuẩn bị một cái gương nhỏ, một cây đèn cầy, và một trái cam, rồi bóc vỏ trái cam nhưng chỉ bóc phân nửa, xong rồi đậy kín trái cam lại. Chờ đến lúc 12 giờ khuya thì thắp nến, mở vỏ trái cam ra, để trước mặt và khấn vái “thần linh” (cũng không biết là thần nào nữa) và nhìn vào gương. Lúc đó, theo lời Tiên nói, thì thay vì nhìn thấy chính mình trong gương, chúng tôi sẽ nhìn thấy “người ấy”. Tiên còn nói là ngắm nghía “anh” xong rồi thì nhớ che kín trái cam lại rồi mới thổi tắt đèn cầy, nếu không khuôn mặt của người đó sẽ lưu lại trong gương vĩnh viễn!!!
Tối hôm đó, tôi “sắm sửa” đầy đủ những thứ Tiên đã “truyền” và háo hức chờ đến 12 giờ khuya. Đúng giờ thiêng, tôi run run bóc vỏ trái cam, thắp đèn cầy, và van vái “thần linh” cho tôi được biết mặt “anh”. Nhưng “than ôi” đến giờ phút “quyết định vận mạng” thì “con thỏ đế” của tôi lại xuất hiện và phản đối dữ dội. Mà “kinh dị” thật đó, giữa đêm khuya vắng lặng và rờn rợn vì ánh lửa nến lập lòe, tự dưng lại nhìn thấy một cái mặt xa lạ nào đó trong gương, chắc là hãi hùng lắm. Tôi chịu thua, nhắm tịt mắt lại (nhưng không quên đậy kín trái cam và tắt đèn cầy) và chạy một mạch vô mùng nằm trùm mền kín mít.
Sáng ra cả đám tụ tập lại thì mới biết là không một đứa nào dám ngắm “anh” ngay cả cái đứa “bày đầu”. Vậy là hình ảnh của anh vẫn còn bị bao phủ, và chúng tôi vẫn tiếp tục tưởng tượng, vẽ vời về người chồng tương lai của mình.
Thời gian trôi qua, đám bạn gái ở xóm của tôi lần lượt chia tay nhau, mỗi đứa được gia đình bảo lãnh đến một nơi. Cho đến ngày ra đi, đứa nào cũng còn “available” và vẫn luôn ôm ấp một hình ảnh đẹp riêng cho mình.
Riêng tôi, lúc “khăn gói lên đường” một trong những mục đích quan trọng của tôi là phải tìm cho được “Mr Right” vì lúc đó tôi đã 25 tuổi rồi.
Những ngày đầu đến Mỹ, tuy phải lo lắng nhiều việc, tôi vẫn không quên chuyện “chiêu phu”. Có một số người quen giới thiệu cho tôi vài anh bạn, nhưng tôi vẫn không tìm ra chút “tia sáng cuối đường hầm” nào. Tôi cứ ngồi chờ, chờ mãi...
Một hôm, trong một buổi học ESL, chúng tôi được học về đề tài “Dating Practices in the United States”. Bài essay hôm đó cho rằng “women can brighten their lives by talking the initiative with men” (người phụ nữ có thể làm rạng rỡ cuộc đời của họ bằng cách “làm quen” với đàn ông- chỗ này tôi dịch hơi “thoát” một chút). Tôi thấy bài học này cũng hay hay “talking the initiative” thì mình sẽ có nhiều cơ hội quen được với người đúng như ý muốn của mình, còn hơn là cứ thụ động chờ... những người mình không thích đến làm quen với mình. Nhưng như vậy có “ngược đời” lắm không" Trâu phải tìm “cột” chứ cột nào lại đi tìm trâu! Nhưng nếu “cột” cứ chờ hoài mà “trâu” vẫn không đến thì sao" Hay mình cứ thử làm một cái “cột” mọc thêm hai chân đi tìm “trâu” tức là “làm quen” trước theo kiểu American women xem sao" Và tôi quyết định là sẽ “trổ tài” làm quen khi gặp đúng người.
Once upon a time...
Vào một buổi trưa cuối hè oi bức, tôi đang ngồi bó gối... ”chờ thời” thì chuông điện thoại reo. Em gái tôi trả lời phone và gọi tôi inh ỏi “Chị ơi, có anh nào tìm chị nè”. Anh nào đây, chắc lại mấy anh bạn đã không cho tôi thấy một chút “tia sáng cuối đường hầm” nào chứ gì. Tôi nhấc phone, và tim tôi bỗng dưng đập loạn xạ vì một giọng nói thật là trầm ấm vang lên ở bên kia đầu dây.
“Anh tên Hoàng, anh muốn nói chuyện với Hà Nguyễn”.
“Dạ, em là Hà đây” Tôi trả lời, hồi hộp chờ xem anh sẽ nói gì với tôi, một “lời tỏ tình cuối mùa hạ” chăng"
“Anh làm việc ở Heath Care Agency của Orange County, anh muốn hỏi em tại sao kết quả thử nghiệm TB Test của em là positive mà em lại không chịu đến lấy thuốc để uống" Em có biết là bệnh lao...”
Ôi trời ơi, thì ra anh gọi tôi để nói về...bệnh lao!!!
Trong vòng 10 phút, anh thao thao bất tuyệt giảng cho tôi nghe về những con vi khuẩn gây ra bệnh lao và về việc tôi có thể mắc căn bệnh ghê gớm này nếu tôi không uống thuốc. Tôi nghe mà không hiểu gì về những điều anh nói. Căn bệnh lao dù có nguy hiểm cách mấy cũng không làm tôi chú ý đến, vì tôi đã dồn tất cả tâm trí vào việc phải làm sao để người có giọng nói ấm áp kia sẽ thuộc về mình mãi mãi. Chợt nhớ ra bài học “talking the initiative” tôi cắt ngang bài học về bệnh lao của anh và nói:


“Anh Hoàng nè, em thích nghe anh nói chuyện lắm, nhưng nếu chỉ nói về bệnh lao không thì thật là... Anh có thể cho em số phone để em gọi anh và mình sẽ nói về những chuyện khác thích thú hơn, được không anh"”
Anh hơi “chung hửng” trong vòng vài giây, nhưng rồi anh cũng cho tôi số điện thoại của anh.
Suốt tuần lễ kế tiếp, từ Thứ Hai đến Thứ Bảy, tối nào tôi cũng gọi anh nhưng không lần nào được gặp anh cả. Tôi chán nản đoán là anh đã có người yêu rồi, chứ nếu không thì sao tối nào cũng đi đến khuya vẫn chưa về. Tôi định thôi không gọi anh nữa, nhưng lại nghĩ mình gọi anh hết sáu ngày rồi, thôi cứ gọi nốt ngày mai nữa cho đủ “bảy ngày đợi mong” luôn.
Sáng chủ nhật, tôi nhấc điện thoại uể oải bấm số gọi anh lần cuối cùng. Chuông reo khá lâu... và “Hello”. Ôi, đúng là giọng nói ấm áp đó rồi! Tôi cuống quít nói “Anh là anh Hoàng phải không" Em là Hà đây.”
“Hà nào vậy" Xin lỗi em, anh không nhớ ra em là ai”
Trời ạ, “bảy ngày đợi mong” để rồi được một câu trả lời vậy sao. Khổ thân tôi, phải mất một lúc lâu để nhắc cho anh nhớ tôi là ai, và khổ nhất là nhắc đến cái chuyện “ngược đời” là tôi đã xin số điện thoại của anh.
Sau lần nói chuyện đó, mỗi tối anh đều gọi tôi. Anh nói rằng anh rất thích cách nói chuyện hiền lành của tôi, cùng với những tiếng “dạ” ngọt ngào mà anh rất ít khi được nghe, vì phần đông các cô gái Việt Nam định cư ở Mỹ lâu đều đã thay bằng tiếng “Yes” hay “OK” rồi.
Rồi lần gặp gỡ đầu tiên cũng đến. Cũng giống như giọng nói trầm ấm của anh, dáng vẻ của anh đầy nam tính. Đó là một người đàn ông có khuôn mặt cương nghị và rắn rỏi thậm chí hơi “dữ dằn” một chút. Tuy nhiên, cộng thêm với vẻ “dữ dằn” đó là một đôi mắt khá “ướt” và hai lúm đồng tiền rất sâu.
Ngay từ đêm đầu tiên gặp nhau tôi đã “rớt” vào vòng tay cứng cáp, cuồng nhiệt và ấm áp của anh, và tôi biết là anh sẽ không “buông” tôi ra, còn tôi thì cũng sẽ nằm yên ở đó mãi
....And we live happily ever after
Đến đây lẽ ra là tôi phải kết thúc câu chuyện về Mr Right của tôi, nhưng tôi xin được kể thêm vài “chuyện bên lề.”
Đám bạn hàng xóm thời con gái của tôi đều đã gặp được Mr Right của tụi nó rồi, nhưng “đường đến La Mã” của tụi nó rất là dễ dàng, không đứa nào phải biến thành một cây “cột biết đi” như tôi cả. Tụi nó gặp được Mr Right là nhờ người quen giới thiệu, hoặc là cùng đi học hay làm chung. Không những không thương cho hoàn cảnh “khó nhọc” của tôi, tụi nó còn hay hỏi đùa “Mày có nhớ ngày xưa đứa nào đi “làm quen” đều bị chọc là “Làm quen con chó leng keng, con chó thổi kèn, con chó làm quen” không" Anh Hoàng có nói mày như vậy không"
Tôi trả lời: “anh không có nói như vậy, nhưng mỗi lần cãi nhau, chuyện gì anh và tao cũng làm hòa được, chỉ có một chuyện mà tụi tao không thể nào “xử huề” được, đó là ai đã “dụ” ai. Đúng là tao có “làm quen” với ảnh thật, nhưng lúc gặp nhau, chính ảnh là người đã “tóm” tao bằng vòng tay rắn chắc của ảnh kia mà.”
Tôi cũng kể cho tụi nó nghe là Mr Right của tôi cũng không hoàn toàn giống như hình ảnh mà tôi thường vẽ vời về “anh” đâu, nhưng không vì thế mà anh biến thành “Mr Wrong”.
Hồi đó, cả bọn chúng tôi đều mơ là người chồng tương lai của mình là những người có dáng dấp nghệ sĩ, tối tối ôm đàn guitar vừa đàn vừa hát những bài tình ca lãng mạn để “ru” chúng tôi. Mr Right của tôi thì ngược lại. Dáng dấp của anh là dáng “võ sĩ” chứ không phải “nghệ sĩ”. Anh rất thích hát nhưng lại hát nhưng lại hát nhạc tình cảm lãng mạn bằng một giọng hùng hồn như là đang “tập trận”, và những bài nhạc anh hát thường rất là “trật rơ”. Lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau là một đêm trăng rằm sáng vằng vặc, vậy mà anh cứ luôn miệng hát bài “Em đến thăm anh đêm ba mươi.” Còn trên đường chúng tôi đến nhà hàng trong ngày cưới thì anh lại hát nghêu ngao mãi mấy câu “Thôi là hết chia tay từ đây. Tình duyên mình có bấy nhiêu thôi”.
Trong những lúc chúng tôi “mùi mẫn” nhất, thì anh rất thích... kể chuyện tiếu lâm, một điều mà trước đây tôi rất ghét vì cho rằng không lãng mạn chút nào. Nhưng từ ngày quen anh, tôi đã quen những chuyện tiếu lâm này và bây giờ thì tôi đã “ghiền” rồi. Ngày đầu gặp nhau, anh đã làm cho tôi cười ngặt nghẽo với chuyện “nàng công chúa thật ngu” sau đây:
“Ngày xưa có một nàng công chúa thật ngu, ai kể chuyện gì nàng cũng không biết chán. Nhà vua bèn ra lệnh ai làm cho con gái ông ta chán thì ông ta sẽ chia cho nữa giang san. Có một chàng lính liền đến kể rằng... ngày xưa có một nàng công chúa thật ngu, ai kể chuyện gì...” Và anh cứ lập đi lập lại mãi như vậy với một giọng điệu lên bổng xuống trầm, làm cho “nàng công chúa” ngồi kế bên phải cười như nắc nẻ.
Bây giờ thì câu chuyện “nàng công chúa thật ngu” đã được anh “cải biến” để trêu chọc tôi. Chuyện kể rằng: “Ngày nay có một con nhỏ thật ngu, anh kể chuyện gì nó cũng không biết chán. Anh bèn ra một giải thưởng là nếu anh kể chuyện gì mà con nhỏ đó chán thì anh sẽ tặng cho nó một chiếc nhẫn hột xoàn “bự” rồi anh lại kể rằng... ngày nay có một con nhỏ thật là ngu, anh kể chuyện gì....
Mr Right ơi, “con nhỏ thật ngu” đã không ngại “công lao khó nhọc” để tìm ra anh, thì bây giờ nó sẽ tiếp tục...”ngu” để được nũng nịu mãi trong vòng tay yêu thương của anh.
Và cũng kể từ lúc “talking the initiative” với anh, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông lúc nào tôi cũng là một cây “cột” được sưởi bởi hơi ấm của chàng “trâu” yêu dấu của tôi, chứ không còn phải đứng một mình bơ vơ lạnh lẽo “bên gió bụi hè đường... giữa dòng người xuôi ngược” nữa.

Nguyễn Hà
Thương tặng ông xã để kỷ niệm mười năm ngày em “tìm được” anh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,003,167
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến