Hôm nay,  

San Jose Dễ Đi Khó Về

04/05/200100:00:00(Xem: 206658)
Bài tham dự số: 02-235-vb0505

Ông Tân Ngố viết về nước Mỹ bài đầu là “Bên Bờ Freeway”, kể chuyện công việc của các công nhân mang áo mầu cam, chuyên chăm sóc freeway Mỹ, rất được bạn đọc yêu thích. Đáp lời “nhờ vả” của Việt Báo, ông đã giúp phần biên tập đặc biệt cho giai phẩm Việt Báo Tết Tân Tân Tỵ vừa qua. Sau đây là bài viết mới của ông, kể chuyện San Jose, đặc biệt là “đi đào ốc vòi voi ngoài cồn cát ở vùng vịnh San Francisco.”



Cách đây hơn bốn năm, tôi đến San Jose để làm việc một tháng. Bây giờ ‘’Đến hẹn lại lên‘’. Mà ở đây tôi đang rảnh, thế mà cũng chỉ một tháng là vội trốn về.
San Jose với đường xá mở rộng thêm nhiều, nhưng xe cộ vẫn kẹt cứng. Những khu kỹ nghệ to lớn với parking đậu đầy xe loại mắc tiền; Ánh đèn ở những khu thương mại chói chang, xứng danh là thung lũng điện tử nổi danh trên toàn thế giới. Ấy vậy mà bên cạnh những cao ốc, vẫn còn rất nhiều đất để hoang, có hoa vàng nở rộ và hai bên xa lộ, đôi khi ta còn bắt gặp vài chú nai đi ngơ ngác, nhất là đi lên hướng Saratoga, highway 9. Cảnh trí nơi này không khác gì Đà lạt, với núi đèo, thác suối. Tiếng lá reo hòa với tiếng suối róc rách, làm cho ta ngỡ rằng đã lạc vào chốn thiên thai.
Có lẽ vì không một ai than phiền với sở Animal Control, nên tuy là một thành phố lớn, nhưng nửa đêm về sáng, người ta vẫn nghe thấy tiếng gà eo óc gáy. Tôi phần thì nhớ nhà, phần thì bị bệnh mất ngủ, lại càng không ngủ được. Cảnh thổ ở bên quê nhà cứ lởn vởn trong trí, với bờ ao ruộng lúa. Mỗi lần nghe tiếng gà gáy, tôi lại nhớ bài thơ Nắng Mới của Lưu Trọng Lư :

Mỗi lần nắng mới hắt ven song
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không

Tôi nhớ mẹ tôi thuở thiếu thời
Lúc người còn sống tôi lên mười
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội
Áo đỏ người đưa trước dậu phơi

Hình bóng mẹ tôi chửa xóa mờ
Vẫn còn mường tượng lúc vào ra
Nụ cười đen nhánh sau tay áo
Trong nắng trưa hè trước dậu thưa.

Mẹ tôi còn sống, mà mỗi lần đọc bài thơ này là tôi muốn sa nước mắt, tôi thương cảm giùm những người mất mẹ.
Rất may cho tôi là lần này lên làm việc đúng vào dịp hãng có vài công việc được trả tiền theo đầu người, nghĩa là làm việc tà tà, không chuyên môn cũng được (Những công nhân này được gọi là Cà Đơ).
Dân Cà Đơ không lái được xe Heavy equipment, không biết chạy dây điện, cũng được trả ba bốn chục đồng một giờ. Tôi cũng thuộc diện Cà Đơ, nhưng may quá, được trả tới năm chục, nên khi cầm tấm check, nặng trĩu cả hai tay.
Lần này, tôi cũng có dịp đi làm chung với nhạc sĩ Trần Chí Phúc. Không biết nhạc của anh ta hay tới đâu, nhưng giọng ngâm thơ của anh vang lên, lẫn trong tiếng suối nơi Highway 9, đã làm ruột gan tim phổi tôi lộn tùng phèo :
Vú em như cái chũm cau
Cho anh bóp cái, có đau anh đền.
Nơi đây, phiá Tây Bắc San Jose, giữa rừng thông cao vút, có con đường nhỏ dẫn vào một trang trại trồng nho, mà những gốc nho già gần hai trăm tuổI, lớn bằng bắp vế, có cơ sở làm rượu Savanah Winery và tasting room. Lúc chúng tôi vào phòng nếm rượu, đã có dăm ba người Mỹ đang uống rượu trong những ly chân cao. Người phụ nữ rót rượu tươi cười giải thích từng màu sắc của từng ly rượu và nói rằng mỗi người khách phải trả bảy đô la. Chúng tôi đồng ý và sau khi uống đến ly thứ ba là đã thấy chếnh choáng. Rượu vang tuy coi vậy, nhưng độ rượu cũng mạnh ra gì.
Không biết là tại vì thấy chúng tôi mặc áo màu vàng trông hem hễ quá, hay tại nhìn thấy ông Chí Phúc và tôi đẹp trai quá, mà cô bán rượu, sau cùng không tính tiền. (Vì đi chung với ông Chí Phúc, nên bạn bè gọi tôi là Chí Phèo ). Số tiền rượu không phải trả, nếu đem mua bia, thì cả bọn uống cả tuần không hết.
Một hôm ủi đất kế bên mương nước, tôi bị giật mình vì con vịt trời vụt bay lên, khi nhìn trong đám cỏ có ổ trứng 12 cái. Tôi cũng chẳng muốn lấy trứng làm gì, nhưng nếu không dẹp ổ vịt qua một bên, thì không có chỗ mà làm. Hai con vịt cứ bơi qua, lội lại trên mương nước nên chúng tôi bảo nhau :
- Nếu không sợ bị phạt 500 đô, tụi mình vơ hai con vịt này về thì tối nay có tiết canh.
Ngồi nhìn hai con vịt, tôi lại nhớ tới ngày còn nhỏ (tôi có cái tật hay nhớ như vậy), ngồi làm vịt ở cầu ao, lúc làm bộ lòng, vì tính hay lơ đãng nên đàn cá lòng tong bu lại rỉa gần hết tôi mới nhớ ra, tức nổi xung lên, tôi cằm con dao phay chặt đại xuống mặt nước mấy phát, cả chục con cá đứt đôi nổi phều lên mặt nước. Cho đáng đời, ai biểu mày rỉa!


Hồi còn ở Orange County, có những cuối tuần tôi không biết đi đâu, làm gì cho qua ngày, nhưng những cuối tuần ở San Jose lại qua mau quá. Có lần, tôi được rủ đi đào ốc vòi voi ngoài cồn cát ở vùng vịnh San Fancisco.
Sáng thứ bảy, đoàn xe ba bốn chiếc nối đuôi nhau chạy lên hướng bắc. Tôi đi chiếc Ford F150 có kéo theo chiếc canô. Từ San Jose đến San Fancisco cũng hơn một tiếng đồng hồ. Xe rời freeway để theo đường nhỏ ngoằn ngoèo qua những nông trại nuôi trừu. Những trảng cỏ non bên sườn núi xanh như ruộng mạ, có vài ba con nai đứng ngơ ngác hiền lành.
Đến bờ biển, những người trong bọn chúng tôi chưa có license câu cá thì phải mua, tốn hơn mười đồng cho hai ngày . Khi cho tàu xuống bến rồi, chúng tôi phải chia ra làm ba toán để ra đảo cát mới đủ chỗ, vì tàu nhỏ.
Chiếc tàu chạy nhanh quá, nó phóng như bay trên mặt nước, chỉ 15 phút đã ra đến nơi. Anh trưởng đoàn giải thích :
- Ốc vòi voi, còn gọi là hến, là sò. Tiếng Mỹ gọi là Horse neck clam, mỗi con nặng hơn hai pound, có vòi lớn bằng nửa cổ tay và dài gần một gang. Nó nằm sâu dưới cát khoảng gần một thước Tây, cứ chỗ nào có cái lỗ cỡ bằng ngón tay, phọt nước ra, thì chắc chắn dưới đó có con hến... (Có tiếng cườI khúc khích). Mỗi người được bắt mười con một ngày, nhưng chúng ta mà bắt được năm con là đã khá lắm rồi, vì mỗi con ngoài chợ bán cũng gần hai mươi đô la.
Chúng tôi tản ra theo bốn toán, mỗi toán có một cái ống nhựa cứng, đường kính khoảng hai gang tay, và dài gần một thước, có hai dây quai để dễ kéo lên, trang bị thêm hai chiếc xẻng cán dài và mấy chiếc thùng đựng.
Mỗi lần có bước chân động trên mặt cát, là những vòi nước lại phụt lên, lỗ hến đầy dẫy không thể đếm xuể.
Cồn cát này chìm dưới mặt nước cả năm, chỉ trong mấy tháng hè mới lộ ra vào những ngày con nước nhỏ, mà cũng chỉ trong mấy giờ mà thôi. Lúc nước triều lên, có nhiều người vì mải mê với sò, với hến,vô bờ không kịp nên xuýt chết vì nước. (Nhưng không được gọi là hy sinh vì tổ quốc).
Đào sò là cả một nghệ thuật: Nhắm ngay cái lỗ, đào chừng vài ba xẻng cát, để cái ống vào rồi nhảy lên trên miệng ống mà nhún nhảy, để cho ống cắm sâu xuống cát. Tại sao lại phải dùng ống như vậy " Bởi vì nước với cát sẽ tràn lấp ngay sau khi ta nhấc xẻng lên, có cố gắng lắm cũng không thể đào sâu đến nửa thước. Vì có ống, nên khi móc cát phía bên trong ống, chúng ta chỉ cần ít phút là đã có thể sờ thấy vòi con hến rồi. Người không kinh nghiệm sẽ nắm lấy cái vòi mà kéo, nó thường đứt luôn, để laị nguyên con sò, mà con này rồi cũng sẽ chết vì cái vòi là bộ phận nó dùng để hút đồ ăn là phiêu sinh vật trong nước biển. Người đào cát phải biết khi nào nương tay, kẻo xẻng sẽ xén đứt luôn cái vòi voi của con sò, mà vòi này là chỗ ngon nhất.
Người đào đương nhiên mệt lắm, nhưng người ‘’mò sò’’ còn mệt hơn, phải nằm dài xuống mặt cát, tay thọc sâu để rờ rẫm xem cái vòi nằm nơi đâu. Khi bàn tay đã nắm được cái vòi, ngón tay trỏ phải nong cát chung quanh vỏ sò ra cho rộng, rồi vừa kéo, vừa lắc mà rút ra. Có nhiều khi con sò ở sâu qúa, người mò sò chui cả đầu vào ống, chỉ còn hai chân loi choi trên mặt cát, nên không có thế để lên, phải la toáng lên thì đồng bạn mới biết mà kéo ra khỏi ống. Lúc anh mò sò thoát ra khỏi miệng ống, mặt mũi lấm lem, tay nắm chặt con sò, thế mà trên môi lại còn nở nụ cười tình. Mặt tươi rói như ông Đại sứ.
Có anh bạn trong bọn chúng tôi, đi tìm những chỗ có hai lỗ ở bên nhau mà đào, thành thử anh ta cứ bắt được mỗi lần một đôi tình nhân sò hến.
Mới xế trưa, mà gió biển thổi mạnh qúa, những người ướt quần áo thì bắt đầu run vì lạnh. Chúng tôi đành ra về vì có lẽ mỗi người đã được cả chục con.
Tôi đã từng nhìn thấy con hến vòi voi nhiều lần được bày bán trong siêu thị, nhưng nhìn nó tôi hơi nhờn nhợn nên chưa ăn thử bao giờ.
Buổi tối hôm ấy, là lần đầu tiên tôi ăn, mà laị ăn sống theo kiểu Sushi, tôi mơí thấy vị ngon ngọt của nó. Hèn chi người Tàu, người Nhật đi đào đông quá. Nhưng họ được ít lắm, mỗi lần bắt được một con, cả bọn hò reo như đào được mỏ vàng. Còn bọn chúng tôi, nếu thả sức cho đào, có lẽ mỗi người sẽ được vài ba chục con, vì chúng tôi là chuyên viên đào mương, đào lỗ ngoài freeway của công ty Amland. Một công ty do người VN làm chủ lớn nhất (nói theo kiểu quảng cáo của những cơ sở thương mại VN), không những riêng ở Cali, mà còn trên toàn cõi Hoa Kỳ. Mà vì là công ty độc nhất, nên không có ai đứng hạng nhì. Sorry!

TÂN NGO

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,650,544
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã.
Ngay năm thứ hai của Viết Về Nước Mỹ, Việt Báo Online ngày 5 tháng Một, 2001, có phổ biến bài “Trái Tim của Đại Dương” của tác giả Minh Nguyệt.
Christina sinh năm 1975, chỉ 2 tháng trước ngày Sài Gòn sụp đổ. Ba bị tù csvn 10 năm. Gia đình qua Mỹ theo diện HO năm 1991, khi Christina được 16 tuổi.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tựa đề là dòng cuối của bài viết kể chuyện “Celine Dion hát ở Paris.” Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010.
Tác giả lần đầu dự Viết Về nước Mỹ. Như Nguyện định cư tại Mỹ 24 năm. Đã tốt nghiệp Đại học Tổng hợp. Hiện đang là cộng tác viên của Đài truyền hình Tuổi trẻ hải ngoại BYN 57.3 tại Houston,
Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tác giả là "Nhân Chứng Tai Nạn", phổ biến ngày 1 tháng Bẩy 2016, ngày bắt đầu năm thứ 18 của chương trình Việt Báo Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, quê hương, con người. Viết Về Nước Mỹ 2015, Y Châu nhận Giải Đặc Biệt.
Nhạc sĩ Cung Tiến