Hôm nay,  

Về Hưu

29/03/200100:00:00(Xem: 189279)
Bài tham dự số: 02-202-vb0330

Phán lệnh mới nhất của vợ là hai tháng nữa ông Hoàng sẽ được về hưu, mặc dù trước đó mấy tháng bà còn tính đi tính lại, hỏi thăm ý kiến người này, người kia về vấn đề quyền lợi và thiệt hại thế nào giữa một người về hưu khi đủ tuổi, và chưa đủ tuổi, kể cả vụ bảo hiểm sức khỏe.
Hiện tại sức khỏe ông Hoàng rất kém lại mang trong người một căn bệnh nan y, rất cần đến bác sĩ hoặc nhà thương, ngoài ra ông còn phải ăn uống kiêng cử, tập thể dục và đi châm cứu mỗi ngày.
Sau khi biết nếu đợi đúng tuổi và đóng thuế không gián đoạn, ông sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi nhưng ông phải đợi hơn năm nữa, tính từ nay cho tới thời điểm đó. Điều quan trọng được nhiều hay ít là ở ông chứ không phải nơi bà vì bà chỉ là diện ăn theo.
“Lệnh ông không bằng cồng bà”, ai nói thì ông Hoàng còn cải chứ bà nói thì chẳng dám, tánh ông xưa nay là vậy. Trầm tĩnh ít nói, hiền lành và chịu đựng giống hệt ông bố ngày xưa. Ông làm nhưng bà tính, bà bảo hơn năm nữa thì ông biết hơn năm nữa, cứ trưa xách cơm gói đưa theo, đêm mang hộp về rửa cho qua ngày đoạn tháng. Vậy mà chỉ sau chuyến đi Cali thăm vài thằng con trai, đang sinh sống bên ấy dịp Tết con rắn vừa qua, về đến nhà bà nói:
- Tụi nó đã tính toán rồi, ông bắt đầu xin nghỉ việc để hai tháng nữa về hưu.
Ngạc nhiên ông hỏi:
- Ủa! Sao bữa trước bà bảo phải đợi hơn năm nữa, tức là giữa năm hai ngàn lẻ hai tôi mới được nghỉ, mà sao nay mẹ con bà thay đổi đột ngột vậy"
Bà cắt nghĩa:
- Trước thì tính thế nhưng thấy sức khỏe ông mỗi ngày mỗi giảm, đầu óc lẩn thẩn, nhớ đó quên đó, chẳng biết có đợi đến ngày ấy không. Chúng nó bảo “Chúng con tất cả đã tụ về đây, giờ chỉ còn đợi ba nghỉ là ba mẹ bán nhà dọn về bên đây, ba mẹ lớn tuổi rồi lại nay đau mai ốm làm sao tụi con trông nom được”. Nhưng từ nay đến đấy tôi ở nhà chơi không thì buồn, ở đây với ông thì mất các con vì chúng nó lu bu làm ăn rất cần người phụ, mà qua với chúng nó thì khổ cho ông, đi về cứ lui cui một mình, đã vậy những lúc đau yếu không ai chăm sóc, nên dứt khoát thà rằng ăn ít đi một tí nhưng giải quyết được rất nhiều việc.
Hơn một năm hay hai tháng nữa chẳng thành vấn đề với ông. Từ ngày bước chân đến Mỹ ông lao động liên tục đã quen rồi. Có điều càng lớn tuổi ông càng thấy sức khỏe kém. Hồi trước còn trẻ mười hay mười hai tiếng một ngày với ông nghĩa lý gì, vậy mà bây giờ mỗi đêm sau tám tiếng, từ hãng về đến nhà ông cảm thấy như người hết hơi, ăn không thấy ngon mà ngủ cũng chẳng tròn giấc.
Sau khi nghe quyết định của bà, bấm đốt tay ông thấy như vậy chỉ còn chừng tám cái weekend nữa là sẽ vĩnh viễn không còn cảnh cơm ăn, cơm gói canh giờ đến hãng nữa. Đấy là giờ giấc ca làm của ông không bị ảnh hưởng giao thông, vì lúc ông đi thiên hạ đang làm việc còn giờ ông về đa số đã an giấc điệp.
Những lúc mệt mỏi ông thường ước gì mình không phải đi làm nữa thì sướng biết mấy. Muốn ngủ đến giờ nào cũng được, muốn đi đâu tùy ý, nhất là làm gì cũng không phải canh chừng cái đồng hồ. Vậy mà bây giờ tới lúc sắp được nghỉ ông lại suy nghĩ và tự hỏi, nếu không phải đi làm thì ông sẽ làm gì với hai mươi bốn tiếng của một ngày một đêm.
Đêm nằm bắt tay lên trán, ông mới thấy thời gian quả thật như một mũi tên, chỉ cần phóng mạnh một cái là nó đi tuốt luốt, mới đó mà nay đã hai mươi sáu năm lưu lạc xứ người.
Ngày di tản ông chưa đầy bốn mươi, còn là một thanh niên cường tráng và ở vào cái tuổi sung sức nhất của đàn ông. Gia đình ông may mắn, ngày ra đi đã mang theo đủ vợ chồng và sáu đứa con, đứa lớn nhất mới mười hai và con út đang tập nói. Đúng ra cả như ông thì chẳng bao giờ nghĩ đến di tản, nhưng tất cả đều nhờ ở bà vợ. Bà thấy bạn bè, anh chị em ai nấy lo chạy bà cũng cuống lên, khăn gói giấy tờ, của cải và giục ông rút. Ông bình chân như vại nói:
- Đi đâu bây giờ" Nước mình mình ở. Đi ngoại quốc lơ ngơ, láo ngáo tiếng tăm ú ớ, vợ dại con thơ làm sao mà sống"
Bà bảo:
- Ông không đi thì ông cứ ở lại, mẹ con tôi đi, người ta sao mình vậy, họ sống mình sống, họ chết mình chết, hơi đâu mà lo bò trắng răng.
Đến nước này thì ông cũng đành chịu mà cùng bà bồng bế dắt díu, tay xách nách mang, gạt lệ từ giã mẹ già và các em, theo vợ đem các con ra đi. Gia đình ông may mắn bình an tới bến bờ, nhờ con tàu Trường Xuân to lớn với vị thuyền trưởng đầy kinh nghiệm và giàu lòng hảo tâm.
Khi đến đảo, với tâm trạng xa quê hương, mọi người trước lạ sau quen đã đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, hứa hẹn mai này khi định cư dù mỗi người mỗi ngả vẫn tiếp tục liên lạc với nhau, để coi vùng nào “Đất lành chim đậu” sẽ rủ nhau về ở cho ấm tình đồng hương.
Gia đình ông một vợ sáu con, của cải mang theo được vài chục lượng vàng, ít nữ trang và một số tiền đô. Vợ ông túng cỡ nào thì túng nhất định không tung ra, chỉ khi nào quá kiệt quệ mới chịu, bà bảo đồng tiền nó liền khúc ruột, mất tiền thì mất ruột, mất ruột thì chết. Đầu tiên ông được một gia đình người Mỹ già bảo trợ qua trung gian hội nhà thờ, tới tiểu bang Florida. Sau vài tháng, con cái họ cho vào trường, còn ông bà Hoàng được hai chân hái cam cho nông trại.
Sau hai năm trời, chồng hái vợ nhặt mặc dù lương không nhiều, nhưng vì các con còn nhỏ nhu cầu chưa tốn, vả lại ăn uống đã có phiếu thực phẩm do chính phủ tài trợ, vợ chồng ông cũng để dành thêm được một ít tiền. Liên lạc được người bạn, họ rủ về tiểu bang Louisiana nơi thành phố New Orleans, mà người Việt mình quen gọi là Ngọc Lân. Nơi đây gần biển, nên nhiều người đã sống bằng nghề làm biển, kẻ làm mướn, người làm chủ, đời sống cũng tương đối thoải mái hơn hẳn cái nghề hái cam của ông bà ngày trước.
Tuy chưa bao giờ làm nghề biển nhưng sẵn máu buôn bán, bà bàn với ông gom góp vốn liếng nếu thiếu xoay sở thêm mua cái tầu vợ chồng cùng làm, nếu cần mướn thêm ít người phụ, vì theo bà có làm ăn như vậy thì mới mau khá. Chứ như cái kiểu đi làm công lúc trước, thì nội nuôi đàn con ăn học cũng đủ hôïc máu rồi, làm gì có dư để dành để dụm. Ông đề nghị, không phải tay nghề nếu muốn làm thì cũng phải từ từ đi làm công để học nghề trước đã. Làm ăn cũng như đi học, muốn lên đại học cũng phải qua tiểu học, trung học và cuối cùng mới tới đại học, còn ai không theo thứ tự nhảy ngang tức là học đại chứ không phải đại học. Thấy ông nói có lý bà đành phải nghe. Dù gì trước khi chạy sang đây ông cũng đã là một thầy giáo, một Trưởng ty chứ đâu phải thứ dỏm.
Dọn về New Orleans, để đàn con ở nhà đứa lớn trông đứa bé, hai ông bà theo bạn bè đi đập sò, bóc ghẹ. Công việc này làm theo khả năng, nhanh được nhiều, chậm được ít, hai vợ chồng ngày nào về kiểm điểm, ông cũng đều thua bà về năng suất. Bà vẫn thường chê ông chậm chạp, làm cứ như ông thì cả đời chẳng dư. Biết sao bây giờ. Tay ông là tay cầm bút, cầm phấn chứ đâu phải cầm dao, cầm kìm. Phải từ từ ông mới quen được.
Chỉ được thời gian, thấy khả năng dậm chân tại chỗ của ông, bà liền đề nghị để nghề ghẹ đấy cho bà làm vì bà luôn luôn làm gấp đôi ông, còn ông nên đi theo thằng em út của bà, cậu ta đang đi Offshore cho một hãng dầu lớn cứ đi vài tuần lại về nghỉ ba bữa, một tuần. Lương thì được hãng gởi thẳng về nhà, ăn uống đã có hãng bao hết chẳng tốn một đồng, vậy là làm đồng nào ăn trọn đồng đó.
Thời ông làm offshore là thời gian bà thích nhất, ông muốn đi bao lâu thì đi, về lúc nào thì về, con cái và việc làm đã có bà lo miễn là hằng tháng bà cứ nhận check đều đều là được. Ở bất cứ nơi đâu cũng vậy, tình và tiền luôn luôn đi cặp, có tiền là có tình, không tiền thì tình cũng vọt mà không vọt thì cũng lơ lửng như con cá vàng. Hái cam, bóc ghẹ lương lậu ba cọc ba đồng thua kém, về nhà có gì ăn nấy, sổ mũi nhức đầu tự đi kiếm thuốc mà uống bà bảo bà còn nhiều việc phải lo, nhiều chuyện cần làm nên không săn sóc được. Thế mà từ ngày ông Hoàng đi offshore, lương cao lại chẳng tốn của nhà, mỗi lần về nghỉ ở nhà bà săn sóc ông tối đa. Muốn ăn sườn, có sườn, muốn ăn sò có sò, sò huyết, sò tiên, sò người cũng được bà OK, no problem. Nhận thấy điều ấy, nhưng ông nghĩ, thôi kệ bất cứ cái gì làm vợ con vui là ông thấy hạnh phúc, đưa sức lực ra để đổi lấy những nụ cười vẫn còn rẻ chán.
Làm offshore được ít năm, quen tàu, quen biển dành dụm được một số tiền, cũng là lúc các con ông mỗi ngày mỗi lớn cần đến sự có mặt của ông, ông lại được lệnh bỏ biển vào bờ. Không phải đi lính mà ông cũng có cấp chỉ huy, bảo tiến ông tiến, bảo lùi ông lùi, bất cứ hành động hay lời nói nào làm bà giận là hai cái tai của ông phải làm việc liên tục, vì thế ông cố gắng hết cở để bà vui lòng mà đừng làm phiền cuộc đời tị nạn của ông.


Chùi chân lên bờ, thời gian này đang là thời điểm của nghành grocery. Theo sự mách bảo và chỉ dẫn của ít người quen làm trước, bà mua được một tiệm bán thực phẩm. Loại tiệm này đa số nằm trong vùng Mỹ đen, khu chung cư hay những vùng đông dân lao động làm ngày nào xào ngày đó. Lon bia, gói thuốc, chai rượu, gói chip vv... cứ vậy suốt ngày ra ra vào vào. Có tiền thì xài cố đến khi đói rách thì đi ăn cướp. Nghề bán tạp hoá này dễ kiếm được đồng ra đồng vào, nhưng ngược lại vì phải giao tiếp hằng ngày với những thành phần ít học, ngày nào cũng đủ thứ bực bội, nhức đầu. Già cỡ tuổi ông, bà, cha, mẹ chúng cũng coi như pha, chửi thề liên tục, ăn cắp như chớp.
Từ ngày làm tiệm, tiền bạc thì có dư nhưng chẳng ngày nào ông Hoàng và vợ không xích mích. Bà chê ông lù khù không đủ bản lãnh để làm chúng sơ. Ông bảo, từ ngày cha “châm” mẹ đẻ tánh ông vẫn vậy, chứ đâu phải ông lười biếng, ông trách bà ham tiền bán rẻ sinh mạng. Có lần hai thằng đem súng vào dí, tuy mất chẳng đáng bao nhiêu nhưng nó làm bà tức tối, già cái đầu mà phải thua hai thằng nhóc đáng tuổi con mình.
Thế rồi chẳng biết bà mua được ở đâu khẩu súng, mang về bảo ông đút vào trong bụng đề phòng, chứ thấy không có súng tụi nó bắt nạt, được đà làm mãi. Ông kêu trời như bọng, ông than ngày xưa đất nước chiến tranh mà không thụ huấn quân trường, chẳng phải ôm súng. Bây giờ qua đây, mang tiếng đất nước tự do, văn minh, an bình mà bà đẩy ông vào tình trạng lúc nào cũng trong tư thế ứng chiến trăm phần trăm, thì làm sao sống nổi.
Súng bà đưa thì ông phải cầm nhưng ông bỏ nó vào ngăn tủ. Thỉnh thoảng nhớ đến bà hỏi;
- Súng đâu, ông có nghe tôi đút ở cặp quần không đấy"
Dối vợ ông nói:
- Thì tôi vẫn đeo nó đây chứ đâu, sao bà hỏi hoài vậy"
Biết chồng nói dối, nhưng bà cũng bỏ qua. Chẳng muốn dồn ông vào thế bực bội, bà pha trò:
- Thế súng của ông đeo ở trên hay dưới"
- Trên hay dưới, miễn đeo là được rồi, bà đừng thắc mắc.
- Nhưng tôi muốn biết súng ông bắn ra đạn hay ra nước"
Ông biết thỉnh thoảng thấy tội, bà cũng hay nói giỡn để ông vui nhưng cũng chỉ trong chốc lát, còn bực bội thì vẫn hằng ngày. Ông bảo làm nghề gì không làm, đi làm cái nghề sự sống và cái chết chẳng cách nhau bao nhiêu. Bà nói cả như ông thì không ai dám làm. Sống chết có số cả không làm nghề này thì làm cái gì bây giờ, nhặt cam người ta ba thúng ông được một, đập sò bóc ghẹ họ mười ông ba “pounds”. Bà còn nói, thấy chồng người ta mà ham còn chồng mình cứ như cục đất biết đi ấy.
Bà điều binh khiển tướng, kẻ ở dưới người ở trên, con cái đứa học chiều làm sáng, đứa học sáng làm chiều, mỗi người mỗi việc. Hàng “sale” thì bà lo, chỗ nào bán rẻ, tiệm nào bị cháy bán đổ bán tháo bà đều nắm trọn “coupon buy one get one free” bà chẳng thiếu cái nào, chợ nào hàng sale bán limit bà chỉ cần chạy ra chạy vào dăm lần cũng đầy xe.
Theo bà, buôn bán thì ai buôn chẳng được nhưng hơn nhau ở chỗ biết tính toán, biết mua rẻ bán đắt, vốn ít lời nhiều mới là hay là giỏi.
Cứ thế mặc cho ông than ông rên, bà cố kéo được tới đâu thì kéo, cho tới khi con cái lần lượt rời gia đình đi học xa, thiếu người trông nom bà mới chịu bán tiệm quay sang nghề khác cho vừa lòng ông.
Cũng chẳng phải bà là loại người chỉ biết tiền mà không có tình cảm, nhưng không chịu vất vả thì làm gì có ngày nay, nhiều lúc nhìn ông tóc càng ngày càng rụng, sợi nào còn thì trắng xóa, quần áo lôi thôi lốc thốc, bà chạnh lòng tự hỏi “vì ai nên nổi"”. Nhớ lại ngày còn ở trong nước, cuộc sống gia đình bà vui vẻ, hạnh phúc biết chừng nào. Ông đi làm mặc đồ Tây, áo sơ mi cà vạt, lái xe La Dalat. Bà chẳng phải làm gì hết chỉ ở nhà đẻ và nuôi con, vì sau khi cưới nhờ nội ngoại và anh chị em giúp đở, ông bà cũng mua được một dãy phố cho Mỹ mướn, nên tài chánh trong nhà thoải mái có kẻ ăn người ở.
Bán xong tiệm, xác thì nghỉ chứ đầu bà đâu nghỉ, bà lại dò la tìm kiếm việc khác để làm. Bà như người mang chứng bệnh khó chữa, ai mách thầy giỏi thuốc hay bà thế nào cũng thử và bà lại bàn với ông về vụ mua tàu đi biển, vì bà thấy rất nhiều người đang từ tàu một cào đổi sang hai cào một cách nhanh chóng, chứng tỏ nghề biển kiếm ăn dễ. Ông Hoàng biết, bàn với ông là bà bàn vậy thôi, chứ lời bà đưa ra như đinh đóng cột, ông chỉ còn cúi đầu xin theo.
Chẳng phải đợi lâu, chừng hơn tháng sau vào một buổi chiều đẹp trời, sau bữa cơm bà nói ông ra xem chuẩn bị xét lại tàu, mua lương thực, đổ dầu để cho tàu ra biển. Hỏi đến, bà bảo mới mua tàu hai dã của một ngư phủ kẹt tiền bán rẻ. Thế là ông lại từ bờ xuống nước, những chuyến đầu ông bà cùng thêm hai người phụ. Chưa quen lại việc gặp lại tháng biển động, tôm cá rủ nhau đi trốn mất tiêu. Mỗi chuyến về tới nhà, tính toán trừ chi phí bà bảo không băm vốn nhưng chẳng kiếm được đồng nào. Ráng thêm vài chuyến thấy lợi tức không được như ý, bà đề nghị “thôi để tôi mướn thêm một người nữa đi với ông, còn tôi kiếm cái khác trên bờ tôi làm.”
Thế là từ đó tàu ta, ta đi. Trời trong gió mát tha hồ mà hưởng, ông đưa theo giấy bút lúc rảnh lấy hứng từ trời xanh biển lặng mà làm thơ, viết văn, vì không có sự dòm ngó của bà. Nghề nào cũng có cái khổ của nó, trông vậy chứ không phải vậy, nghề biển đòi hỏi sức khỏe nhanh nhẹn, ăn ngủ chẳng có giờ giấc, loay hoay cứ lên dã xuống dã riết rốt cuộc ông cũng chẳng có thời giờ cho văn cho thơ, nhân công thì nay đứa này nghỉ, đứa kia làm eo, đã vậy chuyến nào về bà cũng than tính công, tính thời gian, tính vốn bỏ ra chẳng bỏ. Bà lại quyết định bán tàu vì cho rằng có lẽ tại ông chạm chạp nên mới thế. Ông bảo “Trời cho tôi chỉ có tới đó thôi, bà có cằn nhằn hay trách móc cũng đâu thay đổi được gì”. Tuy bà đăng báo bán tàu, nhưng trong thời gian chờ đợi ông vẫn cứ phải cho tàu ra biển, vì theo bà không được đồng to thì cũng phải có đồng nhỏ, tàu đậu một chỗ lấy đâu ra mà ăn tiêu rồi còn bảo hiểm này nọ. Cho đến một hôm, ông tình cờ nghe được ba thằng trời đánh làm cho ông, bàn tính với nhau một ngày nào đó chúng sẽ thẩy ông xuống biển, vì trong lúc làm việc bổn phận ông phải đôn đốc, giục giã và la hét. không làm vậy chúng nó cứ tà tà. Đưa sự việc về trình, bà bảo:
- Ối dào, chúng nó dọa ông đấy chứ bố đứa nào mà dám.
- Bố nó không dám mà chúng nó dám đấy bà ạ. Bà biết, bơi thì tôi không biết, lội thì cũng chẳng rành, chúng nó mà thảy xuống là tôi cứ từ từ mà chìm thôi, đã vậy mà còn mang tiếng “sinh đất tử nước” nữa. Ngoài đó, trời nước bao la hô hoán ai biết mà cứu, xúi tôi qua đây rồi bà đành để tôi chết lạnh dưới nước sao"
Suy nghĩ một hồi, bà nói:
- Thôi để tôi kiếm người bán rẻ, lỗ tôi cũng bán cho ông khỏi lo. Thật nhút nhát như ông chẳng làm nên trò trống gì.
Rồi chẳng biết bà tìm kiếm, gạ gẫm thế nào mà chỉ hơn tháng sau, bà bán xong cái tàu. Lần này ông lại tính với bà “Thôi, tuổi hai người càng ngày càng lớn, bệnh hoạn bắt đầu xuất hiện, để tôi kiếm hãng xưởng làm lấy bảo hiểm, còn bà muốn xoay sở gì ở ngoài tùy bà.” Thấy có lý lẽ, bà để ông đi xin việc thợ sơn ở một shipyard. Thế là từ đó ông Hoàng trở thành thợ sơn cho đến nay đã ngoài mười năm.
Trong thời gian ông làm hãng bà cũng đâu chịu ngồi không, bà mua được cái tiệm nhỏ đủ cho một người làm. Bà làm cho tới ngày tự nhiên cánh tay trái bị tê, không giơ lên cao được. Con cái năn nỉ mãi bà mới chịu bán tiệm nghỉ ở nhà hơn năm, thì nay tới phiên ông.
Nghĩ lại, hệtù như một cuốn phim quay chậm. Vào đời, trưởng thành, tốt nghiệp, dạy học, cưới vợ đẻ con rồi di tản qua Mỹ, chạy đua với cơm áo. Cứ như nghề dạy học của ông ngày xưa, thì thân xác ông giờ này đâu đến nổi tàn tạ, răng lợi cứ một cái ở hai cái đi. Dù sao, ông cũng cảm tạ Thượng Đế là con cái ông tất cả đã ăn học thành tài, trai có vợ gái có chồng. Vợ chồng ông tuy không được hạnh phúc đậm đà hay romantic, nhưng được cái một vợ một chồng không vướng phải những hoàn cảnh ngang trái như một số các bạn ông.
Với thời gian còn lại của tuổi xế chiều, ông sẽ có nhiều thì giờ nhàn rỗi để sáng lễ, tối kinh cầu. Ông sẽ tham gia những công tác xã hội, từ thiện mà trong thời gian qua ông không có thời gian để thực hiện. Ông cũng sẽ dồn nỗ lực để hoàn tất mấy cuốn sách ông đang viết dở dang và sau cùng, ông sẽ làm một chuyến về thăm lại quê hương, nhìn lại nơi chôn nhau cắt rốn. Vì đã gần hai mươi sáu năm, kể từ ngày bỏ nước ra đi ông tự coi như mình đã chết từ thời điểm ba mươi tháng tư năm bảy lăm. Ông thường nói với bạn bè như vậy trong những dịp hội họp.

VŨ CHÂU SA

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,798,096
Tác giả cho biết, “Trước năm 1975, tôi là giáo sư dạy tại trường trung học Lương văn Can , quận 8, Sài gòn.
Cùng với bài “Mười Lăm Năm ở Mỹ” đã phổ biến hôm qua, tác giả Minh Nguyệt Graves còn gửi thêm bài sau đây, cho biết bài được viết bởi ông chồng Carl Graves, một người Mỹ làm công chức tại Texas.
Tác giả qua Mỹ cùng với 2 con, theo diện đoàn tụ do cha bảo lãnh, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài “Chuyện Ông Mỹ có vợ Việt”, đã phổ biến 2 tuần trước.
Việt Báo thành kính tưởng nhớ Nhạc Sĩ Vũ Đức Nghiêm, một tác giả huynh trưởng từng góp bài Viết Về Nước Mỹ. Ông sinh ngày 30-6-1930 tại làng Hoành Nha, Giao Thủy, Nam Định, vừa từ trần tại San Jose,
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và sẽ nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO.
Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên, và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả có tên trong Danh Sách Chuing Kết Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975. Đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất hiện là cư dân Minneapolis, MN. Ông đã về hưu sau khi dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ.
Nhạc sĩ Cung Tiến