Hôm nay,  

Cha Tôi

26/03/200100:00:00(Xem: 167067)
Bài tham dự số: 02-200-vb0327


Lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tôi thấy Cha tôi khóc là khi người ta báo cho Cha cái tin sét đánh đó. Mẹ tôi và đứa em gái út cùng với sáu người không may mắn khác đã mất tích dưới lòng biển đen lạnh. Chiếc ghe nhỏ mà đáng lẽ phải đưa Mẹ và các em đến chiếc thuyền lớn ngoài biển, đã bị mưa gió vùi dập và chìm đắm giữa đường. Cha tôi chết đứng một đỗi rồi ôm mặt khóc. Vì còn bốn đứa con còn lại, Cha bắt buộc phải ra đi, tiếp tục cuộc hành trình vượt biển tìm tự do, sau khi đã phải trả một giá quá đắt.

Chúng tôi được đến Mỹ tháng 4 năm 1979, sau sáu tháng buồn khổ ở trại tị nạn Mã Lai. Vùng đất buồn tẻ của thành phố Des Moines, Iowa chào đón chúng tôi bằng cái lạnh buốt da. Với những người mới đến từ cái xứ mà ngày nào cũng nóng oi ả, thì cái khí hậu mùa xuân của nơi này vẫn là rét mướt. Chúng tôi ngơ ngác nhìn cảnh vật chung quanh. Trước đó tôi lúc nào cũng tưởng tượng mọi thành phố trên nước Mỹ đều huyên náo, nhộn nhịp như thành phố Nữu Ước. Dĩ nhiên Des Moines hoàn toàn khác sự tưởng tượng của tôi.

Chiếc xe của người bảo trợ đưa chúng tôi đi qua những con đường vắng. Tôi đã thất vọng khi không thấy những ánh điện neon, những đoàn người tấp nập đi trên đường phố. Thay vào đó là cả một bầu không khí tĩnh mịch u sầu, những hàng cây lạ mắt, những bảng tên đường không đọc được. Tôi tự hỏi lòng không biết tương lai mình sẽ ra sao ở cái quê hương mới này.

Cha tôi đã không tỏ vẻ thất vọng hay buồn nản mà lại nhìn chúng tôi mỉm cười trấn an. Xe đưa chúng tôi tới một cái apartment nhỏ, cũ rích của một khu phố nghèo. Mấy chị em tôi hăm hở chạy lên thăm dò cái tổ ấm mới. Chỉ có hai phòng ngủ xâïp xệ, một phòng tắm nhỏ và gia tài mới của chúng tôi là một cái tivi trắng đen nhỏ cũ kỷ của hội từ thiện cho. Chỉ chừng đó thôi, nhưng so với cuộc sống mà chúng tôi đã phải trải qua ở Mã Lai, thì nơi này cũng có lý lắm.

Tâm hồn non nớt của mấy chị em tôi dễ dàng trở nên hân hoan với cuộc sống mới của mình. Còn Cha tôi thì sao" Tôi không hề biết và cũng không hề hỏi. Chúng tôi bận với niềm vui trẻ dại mà quên cái cô đơn của người Cha goá bụa của mình.

Cha tôi không hề than thở hay tỏ vẻ lo buồn trước mặt chúng tôi. Không bao lâu thì Cha tôi phải đi làm để lo cho miếng cơm manh áo. Cha tôi chia công việc cho mấy chị em ở nhà làm. Tôi là con gái lớn nên được phần nấu cơm. Nhỏ em gái kế thì rửa chén. Thằng em trai thứ tư thì phải lo hút bụi, đổ rác, còn đứa em trai út thì chỉ việc lo dọn bàn.

Tôi lúc đó đã 14 tuổi đầu, nhưng vì hồi ở nhà được Mẹ cưng nên tới chừng tuổi đó tôi vẫn không hề biết nấu một nồi cơm. Đến giờ phút đó không còn ai nữa thì tôi phải nấu đại. Cha tôi cười bảo tôi nấu ăn như con nít nấu đồ chơi. Cha tôi nói là đồ ăn tôi làm để Cha mang theo đi làm ăn thì Cha luôn phải tìm một góc vắng nào đó mà ăn một mình vì sợ thiên hạ thấy họ cười. Bà bảo trợ thấy tôi kho thịt thì la lên bảo “ÄCon ni mi kho thịt chi mà tục tỉu rứa!”Ï chỉ vì tôi đã không biết thắng nước màu nên thịt trắng nhách.

Cha tôi lặn lội đi tìm mua được một quyển sách dạy nấu ăn, hăm hở mang về cho tôi. Chắc Cha đã hy vọng rằng không bao lâu tôi sẽ trở thành một cô nội trợ đảm đang, hay ít ra sẽ không còn làm Cha tôi xấu hổ khi ăn với thiên hạ nữa. Không may cho Cha là tôi lại không phải là thứ công dung ngôn hạnh vẹn toàn, thêm vào đó cái quyển sách dạy nấu ăn đó toàn dạy những món độc như Sò Huyết Nướng hay Bê Thui, thì hởi ôi làm sao mà tìm được những thứ đó giữa đồng vắng của Des Moines, Iowa"

Sau một thời gian, tài nấu ăn của tôi vẫn không tiến triển được chút nào, nên tôi bị Cha cho giáng cấp xuống rửa chén và nhỏ em được lên làm đầu bếp. Điều đó chẳng làm tôi bận lòng chi lắm, vì khỏi phải nặn óc để nghĩ phải nấu món gì mỗi ngày là tôi mừng lắm rồi.

Khi Cha tôi bận vừa đi làm vừa đi học thêm Anh Văn thì chúng tôi cũng trở lại ghế nhà trường. Chúng tôi được học ở một trường công giáo nhỏ. Ở đó chỉ có hai gia đình người Việt khác, nên trường không có lớp dạy ESL. Hồi ở trại chúng tôi có học sơ sài chút đỉnh Anh Văn đủ để biết trả lời “ÄI am fine, thank you” khi người ta hỏi “ÄHow are you"” còn nếu họ có hỏi thêm gì nữa thì chỉ biết nhe răng khỉ ra mà cười trừ. Tôi nhớ nhỏ em mỗi lần nhìn bài thi mà cứ rơi lệ vì không hiểu gì để mà làm. Nhưng không bao lâu thì chị em tôi cũng làm quen với nếp sống Mỹ, với ngôn ngữ Mỹ. Chúng tôi có thể dạn dĩ mà đi chợ búa một mình. Có điều là hai chị em tôi không thích trả tiền vì xấu hổ khi phải trả tiền bằng foodstamp.

Chúng tôi tự biết mình là những người nghèo, đi xe cũ, ở cái nhà xụp xệp mà ban đêm có khi chuột bò lên mình đi dạo, nên chúng tôi hay mặc cảm. Cha khi đó thì đi làm đầu tắt mặt tối. Có nhiều đêm mấy chị em ở nhà một mình xem phim ma, tối ngủ sợ quá thì bốn chị em chui vô chung một giường. Có đêm Cha tôi về thức chúng tôi dậy để tới cửa sổ xem mưa đá đang rơi. Dù bận rộn, nhưng Cha tôi lúc nào cũng ráng dành thì giờ cho chúng tôi. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng được đi picnic, ra hồ chơi. Chúng tôi cũng được may mắn là có một bà người Mỹ rất thương chị em tôi, nên đến nhà dạy chúng tôi Anh Văn và đưa chúng tôi đi đây đó. Ngoài ra chị em tôi còn được một bà sơ già ở trường thỉnh thoảng cũng đưa đi chơi. Cha tôi thì cũng có vài người bạn Việt Nam để tâm sự và đến Noel hay những dịp lễ nào khác thì cũng tụ họp đến nhà để vơi niềm viễn xứ. Không bao lâu thì Cậu tôi sang nên gia đình chúng tôi đỡ quạnh quẻ hơn.

Khoảng ba năm sau, Cha tôi mua được một ngôi nhà ở Norwalk, vùng ngoại ô Des Moines. Căn nhà này không to lớn gì, nhưng cũng có đến bốn phòng ngủ và nhà thì mới cất. Cha tôi đưa chúng tôi đi mua sắm và cho phép chúng tôi chọn màu thảm, màu sơn tường. Chị em tôi rất đổi vui mừng, hớn hở với ngôi nhà mới của mình.

Không còn nữa, chuột bò lên người, không còn nữa những toilet cũ rích. Cha tôi tìm được hoa Uất Kim Hương để trồng trước nhà. Cha không nói, nhưng chúng tôi biết Cha trồng bông đó vì nó cùng tên với Mẹ. Ngoài ra Cha còn trồng hoa hồng và em trai tôi lại được dịp dùng máy cắt cỏ như một đồ chơi mới lạ. Chị em tôi cũng đi làm thêm cuối tuần và trong những mùa hè. Hai chị em lớn thì được làm ở thư viện, hai đứa em nhỏ thì đi bỏ báo. Cha tôi cho mỗi đứa mở chương mục tiết kiệm riêng, khuyến khích chúng tôi để dành tiền. Cha cũng không quên dặn dò là việc học lúc nào cũng trên hết.

Mùa hè năm 1984 cả gia đình lái xe sang tiểu bang Washington để thăm bạn cũ của Cha Mẹ chúng tôi. Không hiểu là vì sau lần gặp gỡ bạn bè, Cha tôi cảm thấy thích sống gần bạn hay là vì Cha tôi đã yêu những cơn mưa của vùng Tây Bắc này mà sau chuyến đi chơi về thì Cha tôi quyết định dời nhà sang Olympia Washington. Thế là gia đình tôi lại cuốn gói ra đi, bỏ lại ngôi nhà mới, bỏ lại rất nhiều tài sản mà Cha mới sắm cho căn nhà của mình, bỏ lại những kỷ niệm buồn vui của quê hương thứ hai này. Chúng tôi lại đi học, và Cha tôi lại đi làm. Giòng đời tưởng lại êm đềm trôi, nhưng gió lại nổi và sóng lại dồn dập...

Không bao lâu thì mọi người đều bắt đầu nhận thấy có nhiều sự khác thường ở Cha. Nhiều khi đi làm ve, thay vì đi vào nhà thì Cha tôi cứ ngồi ngoài xe, lâu lâu lại bóp kèn. Khi đi làm thì Cha không còn chăm chú vào chuyện làm nữa.

Cha tôi đã như người mất hồn. Mọi người cứ đoán rằng chắc nổi đau buồn mất vợ, mất con lâu nay đè nén trong tim giờ đã nổ tung ra quật ngã Cha tôi. Tôi không nhớ là tôi có hề hỏi han Cha tôi điều đó. Chắc là không, vì tôi rất sợ nhắc lại chuyện đau lòng đó, rất sợ gợi lại vết thương chưa hề lành. Cha tôi trong khi đó thì không một lời than vản. Chúng tôi mãi lo học hành. Cha thì cứ lặng lẽ trong trạng thái cô đơn.

Cuối niên học đó, tôi và đứa em gái ra trường trung học. Sau đó thì Cậu tôi đưa Cha tôi và hai đứa em trai sang miền nam California nơi gia đình Dì tôi ở để may ra Cha tôi được thay đổi không khí và tâm thần khỏe hơn. Nhưng Cha vẫn không đở hơn, sau nhiều lần đi châm cứu, nhiều lần đi Bác Sĩ tâm thần.

Đến lúc tôi ở đại học năm thứ hai thì người ta mới khám phá ra rằng Cha bị brain tumor. Lúc đó thì cái bướu đã chiếm mất 2/3 của não. Họ mổ ngay lập tức.

Sau cuộc giải phẫu, cái bướu lấy ra rồi, nhưng Cha tôi thì mãi không bao giờ được trở lại như lúc bình thường. Cha bị liệt mất một bên người và trí nhớ thì giới hạn. Cha có thể nhớ những chuyện cũ xa xưa nhưng không thể nhớ ngày hôm qua đã làm gì.

Tháng ngày trôi qua, lúc bốn chị em tôi đều ra trường đại học thì Cha tôi không còn nữa. Cha ra đi lặng lẽ, u buồn như cuộc đời cô quạnh của Cha. Cha tôi chết một mình trong khu nhà dưỡng bịnh ở miền nam California, hưởng thọ được 57 tuổi. Cuộc đời gian khổ của Cha tôi đến đó thì đứt đoạn. Cha ra đi ôm trọn một mình những đau đớn dằn dặt của cơn bịnh, những hiu quạnh của cuộc đời vào giấc ngủ thiên thu. Chị em tôi mang tro của Cha về quê hương chôn bên cạnh mộ Mẹ.

Ôi Cha Mẹ tôi một đời cực khổ vì con, hy sinh tất cả chỉ vì tương lai của các con, vậy mà khi các con thành danh như Cha Mẹ mong ước thì Cha Mẹ đã không còn trên cõi đời này nữa. Chúng tôi đã không làm được gì để gọi là báo hiếu. Bao nhiêu lần rồi tim tôi đã nhói đau, nước mắt đã rơi vì nghĩ đến những thiếu sót đối với Cha, những chuyện mình nên làm mà đã không làm" Nhưng dù tôi có khóc một dòng sông, tim có đau thêm vạn lần nữa thì cũng không thể nào bù với những nỗi đau Cha tôi đã gánh chịu.

Cha ơi, tạ ơn Cha đã cho chúng con tình yêu vô bờ bến!

Nguyễn Phạm Minh-Châu

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,025,019
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến