Hôm nay,  

Một Đoạn Hồi Ky

13/03/200100:00:00(Xem: 220125)
Bài tham dự số: 02-188-VB0314

Năm 1973 tôi ra thăm toán Tác chiến điện tử tại LĐ1ND, ở bờ Nam sông Mỹ Chánh thuộc tỉnh Quảng Trị. Trên đường về xe Jeep bị lật ở khúc cua quẹo ngay chân cầu Phong Điền khiến lưng tôi chạm nhằm viên đá, gây chấn thương cột sống! Thế là cuộc đời gãy gánh giữa đường!
Những ngày ở bệnh viện buồn chán, may nhờ có mấy đứa con vô chơi nên tôi cảm thấy yêu đời dần dần và tự nhủ thầm: hãy bỏ mọi ước mơ ảo tưởng, không nhìn về quá khứ để than thở, hối tiếc; mà nên bằng lòng thực tại, để cố ngoi lên trong khả năng hạn chế của mình.
Thân thể tuy bất toàn nhưng không có nghĩa là cuộc đời đã chấm dứt; đôi chân không đi được nhưng khối óc vẫn còn nguyên vẹn. Sau khi nghĩ thông suốt, tôi thường tự an ủi “Ôi thế gian nầy còn biết bao nhiêu người đau khổ hơn mình; tại sao họ chịu đựng được, còn mình đường đường là nam nhi, sá gì.”
Nhờ vậy tôi cảm thấy thoải mái và xin xuất viện về nhà để gia đình tránh khỏi cảnh một kiểng hai quê, hòng có dư chút đỉnh mua sữa cho cháu Thiện hiện còn quá thơ dại.
Sau khi về nhà được một tháng, tôi hành nghề thu mua sắt vụn. Hết thu mua sắt vụn, bà xã tôi xoay qua nghề bán gạo. Bán gạo được vài tháng thua lỗ gần hết vốn, vì không có địa thế tốt, tôi lại chuyển qua nghề bán củi bìa. Từ việc bán củi bìa, nay đã có hai giàn cưa máy chạy ngày đêm; từ việc bán nẹp giờ đây có thể đóng thùng và nhận vô bao bì xuất khẩu. Thợ đóng thùng từ hai người lên mười hai người, ai cũng cố đóng nhanh để chiều nhận nhiều tiền, phụ giúp gia đình được thêm sung túc. Nhưng! Sau ngày 30/4/75, tôi lại bị gãy gánh giữa đường! Những người mạnh mẽ còn chịu không kham, huống chi gia đình tôi. Đồ đạc trong nhà tiêu dần, đồng hồ, Honda, ngay cả nhẫn Truyền Thống Võ Bị cũng đem ra bán sạch.
Hết buôn lợn rồi lại lo quấn thuốc lá để 5 giờ sáng, bà xã leo xe đò Hốc Môn ra Chợ Lớn dành chỗ trải dưới đất bán chui. Bán thuốc lá cũng không xong, tương lai mù mịt, tôi không giúp được gì cho gia đình, lúc nầy tư tưởng đầy bi quan, tinh thần xuống dốc đến cùng cực!!!
Tôi mua một chiếc xe cải tiến. Với xe có gắn máy PC-50, hằng ngày tôi và con ra chợ Tân Bình mua bo bo, đổi mì sợi tại các Hợp Tác Xã, hoặc đến hỏi mua từng nhà. Từ đó có đồng tiền vô ra giúp đỡ phần nào cho gia đình, tôi hết tự ti mặc cảm.
Có lần vô Tân Phú mua bo bo, khi đủ bao thì chở ra Chợ Lớn, qua đường Cầu Tre gập ghềnh khó đi. Hôm đó, vì mua được nhiều, tôi hăng hái chạy tới chạy lui vô Chợ Lớn bán hàng nhiều chuyến. Đến 8 giờ tối về tới nhà, mới phát hiện gót chân phỏng sưng to nặng tới thấu xương (thịt gần như bị chín luôn)!
Thấy mấy người Tàu từ Kampuchia tị nạn ở xóm Tân Việt gần nhà, hằng ngày họ chở bo bo đi xay thành bột, bán cho các lò bánh mì từng thùng phuy. Tôi liền mướn cháu Đại, khoảng 15 tuổi, đứng máy để xay bo bo gia công. May quá, máy xay ra bột nhuyễn và trắng nên được khách hàng thích, từ đó máy chạy suốt ngày đêm, bà xã phấn khởi.
Từ việc xay gia công, tôi nghĩ ra ý mua bo bo về xay để bán bột trực tiếp cho các lò thùng phuy, rồi tôi đem mẫu cho các lò bánh mì lớn. Lúc đầu thật khó khăn, vì họ có người bỏ mối sẵn, nhưng tôi không nản chí, cố gắng tìm xác mì trắng, rồi cứ đi vòng vòng từ các lò Nguyễn Huệ,... ở Phú Nhuận, tới lò Đồng Khánh ở Chợ Lớn. Lúc đầu được một lò, rồi hai, ba, bốn,...dần dần hầu hết các lò ở Sàigòn đều là khách hàng của tôi.
Tôi lo chạy vòng ngoài, lúc đi xa lộ đón mua bột và xác mì, chẳng may xe bị gãy cốt gần rơi bánh sau. Cháu Thành (con thứ, lúc đó được 8 tuổi) phải hì hục đẩy xe từ bên kia dốc cầu xa lộ. Cầu nầy dài khoảng 1000 thước và dốc rất cao! Tội nghiệp cháu nhỏ tuổi ốm yếu mà phải đẩy chiếc xe cọc cạch nặng nề, tôi thì không thể xuống để xe nhẹ bớt phần nào!
Đã vậy lại còn gặp thêm chuyện xui xẻo nữa chứ. Số là khi Thành đang lo cặm cụi đẩy xe lên dốc, tới gần giữa cầu có cục đá to; tôi vừa lo lách tránh, chưa kịp kêu thì chân cháu đã vấp vào, làm ngón cái bị trúng chảy máu ròng ròng; mà Thành vẫn phải bậm môi, cắn răng nhịn đau tiếp tục đẩy. Vì nếu ngừng thì xe tuột dốc càng nguy hiểm thêm. Lòng tôi lúc ấy đau đớn đứt ruột! Cháu cứ để cho máu chảy và tiếp tục đẩy thêm gần 1 cây số tới phía bên nầy dốc cầu mới có chỗ sửa xe,và kiếm thuốc băng tạm vết thương! Thật là tội nghiệp con hết sức, mới từng ấy tuổi đầu mà đã chịu nhiều đắng cay!
Nhân dịp năm Quốc tế người tàn tật (1980), có diện cho xuất cảnh chữa bệnh. Nhờ sự bảo lãnh, tôi và vợ con được lên đường sang Hoa Kỳ. Từ đây, chúng tôi không khác gì con chim xổ lồng, tung cánh giữa sự đùm bọc, che chở của thân quyến và bạn bè!
Đối với một người lính, cuộc chiến đấu bằng súng đạn mới chỉ là một phần đời. Trường hợp những người lính bị thương tật như tôi, thì cuộc chiến đấu chính bản thân mình, với sự tuyệt vọng ở tinh thần, niềm đau đớn nơi thể xác..., sẽ là phần đời thứ hai, khó khăn hơn và cam go hơn mọi người khác rất nhiều!
Chiếc máy bay của hãng hàng không Air France vừa cất cánh, tôi cố nhìn qua cửa kiếng ngó lại quê hương lần chót: kìa đám nhà tôi, nhà bạn Nhàn, và nhà Cụ Hiếu ở Cổng C, trại Hoàng Hoa Thám, mà lúc trước mỗi lần mang dù lên bãi nhảy, tôi thường liếc mắt nhìn xuống cho tới quen thuộc luôn. Giờ đây vĩnh viễn xa nó, bỏ lại biết bao nhiêu bạn bè thân thuộc, những kỷ niệm êm đẹp từ thuở học trò!

Tới Florida, ở nhà Dì Sáu được hai tuần thì mua được chiếc xe cũ hiệu Dodge, đời 1976. Tâm, con cả, lúc đó 16 tuổi, cùng mẹ nó tập lái xe, thỉnh thoảng tôi lên ngồi ghế trưởng xa cho họ tập dượt. Hai tháng sau cả hai đều có bằng lái.
Ba tháng sau, nhờ Đệ ghi tên học trường nghề cho vợ chồng tôi và cháu Tâm vào buổi tối. Thành, 14 tuổi, và Thiện, 12 tuổi, mỗi buổi sáng có xe bus đưa tới Pompano Beach học ở trường Middle School; còn Tâm thì học High school. Lúc đó tôi lật sổ điện thoại hỏi việc làm tại nhà hàng Tàu thì gặp bà chủ tên Nữ, có chồng là anh Minh. Anh chị biết chúng tôi là đồng hương vừa mới qua, nên mời tới đãi ăn cơm tôm hùm rang muối, rồi mới cho vợ tôi làm; hằng ngày chị đích thân đưa rước, anh chị thật là người tử tế và phúc hậu.
Còn cháu Tâm cũng được chủ nhà hàng Wangfu cho làm bus boy. Những ngày đầu vợ tôi hơi tủi thân khóc thầm, vì dù sao ở Việt Nam từng là bà thiếu tá Nhảy dù, rồi bà chủ kinh doanh. Tôi làm cha làm chồng mà ngày nào cũng ngồi xe lăn nhìn cảnh vợ yếu con thơ đi làm đêm khuya cực khổ, lòng cảm thấy khó chịu vô cùng!
Sau ba tháng học xong lớp Assembly tại trường Florida Atlantic Vocational, chúng tôi tiếp tục học lớp Technician. Bà xã học nghề Upholstery (may đóng ghế salon), tôi và cháu Tâm thì học lớp Electronic Industrial. Lúc đầu coi một trang của cuốn DC test book, tôi phải cặm cụi tra tự điển, rồi lấy viết chì ghi hết ba phần tư tờ giấy. Thầy giảng thầy nghe, tôi ngồi như phỗng đá, như đờn khảy tai trâu, không hiểu gì hết; vì họ nói quá nhanh, toàn danh từ chuyên môn.
Nhờ ngày nào cũng tra tự điển và ghi chú, dần dần những chữ đã tra hai ba lần thì thuộc. Ban đầu mỗi ngày chỉ coi được một trang sách. Rồi tăng lên hai trang, ba trang...sau hai tháng thì tôi có thể đọc được 10 trang. Bây giờ thì mỗi trang chỉ cần tra tự điển chừng năm mười chữ, tôi thường căn cứ những thí dụ trong bài giảng hoặc trong các sách học, để tập làm exercises, experiments, và home works.
Tâm còn trẻ nên hấp thụ nhanh hơn cha. Trong khi cháu đi làm đêm, tôi ở nhà soạn bài, để sáng vô trường tôi giảng lại những gì đã biết, còn Tâm thì nghe hiểu được lời thầy giảng và hỏi thêm bạn Mỹ cùng lớp rồi nói lại cho tôi.
Trong khi đó, bà xã học bên lớp bọc nệm, gặp ông thầy tốt bụng và học trò siêng năng cùng khéo tay, nên chỗ nào không hiểu thì ông ra dấu (có nhiều học trò Nam Mỹ cũng kém Anh ngữ). Học được hơn sáu tháng thì ông giới thiệu cho đi làm, coi như thực tập, khi đủ giờ nhà trường sẽ phát bằng Technician về ngành Upholstery.
Mỗi buổi trưa chúng tôi ra xe ăn cơm (mang theo). Tôi vừa nằm vừa ăn, vì ngồi lâu không đi đứng dãn gân cho máu chạy điều hoà như người thường, nên máu dồn rất khó chịu. Hai mẹ con nhường cho tôi nguyên băng sau để ngã lưng, cả ba vừa nghỉ vừa lo lấy bài ra học.
. . .

Sau khi lãnh bằng Technician ở trường Vocational, tôi và Tâm theo danh sách các hãng điện mà thầy đã copy cho.
Chúng tôi thức dậy sớm khởi hành từ 7 giờ sáng, chạy xe vòng vòng ghé hỏi vài hãng điện nhưng chưa có kết quả, đến trưa thì tới hãng Computer Product. Họ phỏng vấn Tâm tại chỗ và nói lương bắt đầu là $4.50/giờ, chờ đủ hai tháng sẽ cho lên $6/hr. Vì cần việc làm nên Tâm nhận chịu. Còn tôi họ chê handicap (tôi nghĩ vậy thôi) nên không ai ngó tới.
Lúc nầy thì Thành và Thiện vì học nhảy theo tuổi nên hơi chới với trong 6 tháng đầu; nhưng rồi giống như cuộc chạy đua, hai đứa đã rượt kịp toán cuối cùng (điểm D), và tăng vận tốc dần lên bắt gần kịp toán thứ nhì (điểm B). Qua năm sau, ba đứa nói tiếng Anh trôi chảy, và bắt đầu có nhiều điểm A. Thành thì nhảy lớp và học bốn năm thì tốt nghiệp, nên điểm B nhiều hơn A, không có điểm C hoặc D. Còn Thiện nhờ có thời gian, nó đã lấy mấy lớp Honors và Advances nên tốt nghiệp High school top ten percent.
Tôi và Tâm sau khi học xong ở trường Vocational, liền thi vào Broward Community College (BCC). Khi coi kết quả bài test, họ chấp thuận cho ghi tên nhập học và được cấp học bổng Pell Grants, nhưng các lớp Anh văn phải bắt đầu từ lớp ESL (English as Second Language).
Lúc nầy tôi có thể đọc mỗi ngày ba, bốn chục trang vì đã rành hết các danh từ chuyên môn của điện và toán. Các lớp Hóa Học và Vật Lý thì hơi khó và nỗ lực rất nhiều mới mong được điểm cao, đặc biệt ông thầy Vật lý rất giỏi và tốt, còn độc thân, nghe nói sau nầy chết vì mang bịnh Aids!
Cuối năm 1988, tôi và cháu Tâm xong chương trình 2 năm (AS Degree), điểm tổng kết khá cao GPA: 3.8/4.0, mảnh bằng Technician nầy có giá trị hơn ở Vocational. Vì thế Tâm xin được vào hãng điện lớn tại khu nầy, Bendix trả lương nhiều hơn, mới vô là $9/hr. Vợ tôi lúc nầy cũng được $7/hr.


Chẳng mấy chốc (khoảng hai năm sau) là có tiền Down (đặt cọc) vay từ ngân hàng, mua nhà ba phòng ngủ giá $60,000 trả góp mỗi tháng khoảng $600.
Tôi và Tâm tiếp tục chuyển trường học tiếp. Tại Florida Atlantic University không chấp nhận một số Credits cho bằng AS (nếu biết trước như Thành và Thiện sau nầy thì học AA sẽ không bị mất Credit nào). Vì vậy hai cha con mất hơn 20 Credits (khoảng 7 courses)! Bắt đầu vào Florida Atlantic University, thông thường phải chọn các môn của năm thứ ba trước, nhưng vì kẹt giờ làm của Tâm, nên tôi nói với Doctor Gajulian, counselor, cho lấy thử course Linear Systems của năm thứ tư. Ông ta hỏi:
- Are you sure" (anh có chắc không)
- Yes, I would like to try! (vâng, tôi muốn học thử)
Ông ta ký giấy cho tôi ghi danh lớp mà ông sẽ phụ trách giảng dạy, để coi tôi làm sao có thể theo học môn được nổi tiếng hóc búa nhất của năm thứ tư nầy" Nhưng muốn theo course Linear Systems thì phải học các lớp toán cao cấp như Calculus III về số phức tạp (complex number) như a+jb chẳng hạn. Tôi chưa từng biết qua về phần nầy, may nhờ có anh sinh viên người Mỹ gốc Phi Châu ngồi gần và anh Hồ Văn Kỳ Tháo cũng tận tình chỉ dẫn những gì tôi thắc mắc, nhưng thi thử lần đầu bị điểm D! (thường mỗi course khảo test ba, bốn lần tùy theo thầy giảng dạy). Tôi phải vô thư viện mượn sách các lớp năm thứ ba có liên quan đến môn nầy, hằng ngày đọc tới mờ mắt mới theo kịp thầy giảng bài và từ từ làm được home work.
Tới midterm tôi đạt được điểm B, mừng quá vì càng ngày càng hiểu thấu triệt (nhờ tham khảo rất nhiều sách). Đến khi thi Final (cuối khóa) chỉ có tôi được điểm cao nhứt lớp. Ông thầy khen ngợi trước mặt các bạn sinh viên cùng lớp và nói từ nay tôi muốn chọn course nào cũng được; nếu ai cản trở cứ lại văn phòng Counselor, ông sẽ ký giấy giới thiệu ghi danh cho!
Trường có một thư viện cao bốn tầng chứa rất nhiều sách. Các lầu hai, ba, bốn có những phòng riêng biệt dành cho những sinh viên muốn học từng nhóm chung với nhau. Mấy cha con tôi ưa vào đây để làm homeworks và học bài, thỉnh thoảng tôi được ngả lưng trên những chiếc ghế đâu lại. Tôi ngồi lâu thì mỏi, cứ lo chống chỏi với cơn nhức mỏi thì không thu thập được nhiều, ngược lại nếu được nằm thoải mái thì đọc hiểu rất nhanh. Giống như "Vua ngọa triều" Lê Long Đĩnh thời xưa!
Sau khi đã hoàn tất đủ 130 Credits tiêu chuẩn, Ông Counselor dò đúng thì cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp. Phòng Quản trị Nhân Viên kiểm tra coi đã đậu xong môn thi trắc nghiệm Sinh Viên (clast Test), rồi họ mới chịu cấp bằng tốt nghiệp.
Trước ngày Mãn khóa, nhà trường đã giới thiệu Phóng viên Báo chí đến nhà tôi để phỏng vấn và đăng lên báo vào dịp lễ Tốt Nghiệp của các Tân Kỹ sư, Cao Học, và Tiến sĩ. Vì hai cha con tốt nghiệp cùng ngày và số điểm ra trường hơi khá (Tâm có GPA: 3.3, tôi được GPA: 3.64). Trong lễ Tốt Nghiệp nầy có ba người được quan khách vỗ tay tán thưởng nhiều nhất là một ông già 80 tuổi mà vẫn còn cầu tiến và tốt nghiệp Master Degree, một cô sinh viên trẻ tốt nghiệp bằng Tiến sĩ, và tới phiên cháu Tâm đẩy tôi lên khán đài thì xướng ngôn viên đọc lớn lên "Cha và con cùng tốt nghiệp ngành Kỹ Sư Điện (BSEE)...."
Chúng tôi đã nhận được những tràng pháo tay liên tục, toàn hội trường, kể luôn cả những Giảng sư, đều đồng loạt đứng lên vỗ tay (có lẽ họ thấy tôi là người Á Đông ngồi xe lăn mà chịu khó đi học). Lúc đó tôi thật cảm động vừa sung sướng vừa vui mừng vì mình đã đem lại niềm hãnh diện, danh dự cho gia đình và cũng có một phần nhỏ nào cho dân tộc và xứ sở.
Trong lễ phát bằng, vì bục khán đài cao, mà chỉ có mình tôi ngồi xe lăn, nhưng họ vẫn làm đường ramp bằng ván để cháu Tâm đẩy lên chỗ nhận bằng và bắt tay President của trường.
Nhờ có bằng cấp, vài tháng sau Tâm được nâng lên chức Kỹ sư và lương tăng từ $12/hr tới khoảng gần $18/hr (tính lương hằng năm). Riêng tôi thì không hy vọng được ai mướn, nhưng cũng gởi đơn thử tại 3 hãng cầu may (đơn gởi thẳng cho President của hãng, có kèm theo 2 tờ huy chương Hoa Kỳ with "V" device và tờ báo đăng trong ngày lễ Mãn khóa). Thật bất ngờ có tới hai nơi gọi. Hãng Motorola ở Boynton Beach, cách nhà khoảng nửa giờ xe, gọi vào phỏng vấn từ 8:30 sáng tới 4:30 chiều, mỗi manager của một group hỏi hơn 1 giờ. Khoảng một tháng sau tôi được hãng gọi điện thoại thương lượng về giá cả, đây chỉ là thủ tục vì với tiền lương kỹ sư đối với một người tưởng mình đã vô dụng như tôi là nhiều quá rồi. Tôi nhận lời một cách không do dự, mọi người trong nhà đều vừa mừng vì tìm được việc làm, vừa lo vì không biết tôi có chịu đựng ngồi mỗi ngày tám tiếng trong hãng hay không"
Tâm lo mua thuốc đau bụng, nhức đầu để đem theo phòng ngừa; Thành mua nệm thông hơi cho ngồi lâu khỏi bị hầm, sợ lở mông; Thiện thì mua tập ghi chú và giấy bút; vợ tôi lo mua cà vạt áo quần cùng hộp nhựa, bình thủy để đem cơm, nước nóng theo. Tất cả người trong nhà đều ủng hộ, khuyến khích giống như chuẩn bị đưa em bé lần đầu tiên đến trường để theo học mẫu giáo vậy!
Ngày đầu tiên Thành chở tới hãng Motorola, tôi vô cùng hồi hộp, vì thường ngày rất ít tiếp xúc với bạn Mỹ, sợ bị trở ngại trong việc xã giao. Khi vô tới cổng, thấy họ đã làm thêm một cánh cửa tự động và đường dốc thoai thoải dành riêng cho một nhân viên đi xe lăn độc nhất là tôi. Quả là xứ văn minh, những người tàn phế vẫn được tôn trọng và dành nhiều ưu đãi. Mỗi ngày ngồi chừng 4 giờ là tôi bắt đầu mệt đừ, vì máu dồn một chỗ, không lưu thông như người khác do họ đi tới đi lui, đứng lên ngồi xuống. Cứ 2 giờ làm việc thì có 15 phút nghỉ break time. Mọi người xuống lầu vào cafeteria ngồi tán dốc xả hơi, còn tôi thì cứ ngồi kiểu số 4 trên xe lăn, may nhờ ông trưởng Group thông cảm mua tặng cho chiếc xe lăn có thể điều chỉnh ngửa 120 độ, nên mỗi buổi trưa tôi cố gắng ăn nhanh rồi ngã người ra một chút tại phòng (thường mỗi Kỹ sư có một phòng riêng). Phòng tôi có 4, 5 máy đo, máy hàn, máy computer, kệ tủ đựng sách và dụng cụ, mỗi ngày trước khi về bỏ các vật dụng quan trọng vào hộc tủ và khóa lại.
Khoảng 2 giờ chiều thì mệt đừ người, tôi có đem theo trà sâm để uống vài hớp cho khỏe chút đỉnh; và thường tự nhủ: Hãy ráng lên đi bạn, mỗi giờ là hai chục đô đó, bằng một tháng lương công nhân ở Việt Nam, có thể mua được 3, 4 con gà,...Mỗi lần nhắc tới tiền thì mắt tôi sáng lên, khiến mọi mỏi mệt đều tiêu tan, đúng là tham tiền! Vì tôi nghĩ nếu làm việc có tiền sẽ mua căn nhà tiện nghi cho handicap (tàn phế); rồi trồng cây ăn trái, mỗi ngày ngó từng đọt non tăng trưởng, vui thú cảnh điền viên (chỉ coi vợ con trồng thôi!).
Nhưng ráng ngồi làm việc được hai năm rưởi thì group đã sản xuất xong loại máy beeper two way(receicer and transmitter) mới phát minh nầy, sau khi cho làm hàng loạt để tung ra thị trường khắp thế giới, mọi người trong group đều nhận được giấy khen. Tưởng đâu đã thu hoạch mỹ mãn thì được nghỉ xả hơi một thời gian, ai dè cấp trên định tái phối trí, toán tôi được chỉ định dời qua Texas và hãng cho nghỉ hưu non (tình nguyện và bắt buộc) 1200 kỹ sư để bớt chi phí hòng cạnh tranh với các hãng Nhật.
Tôi không thể đi xa một mình được, mọi người trong gia đình đều có việc tại đây, nên các con bảo tôi nghỉ hưu non, hãng cho một ít tiền và lãnh thất nghiệp được sáu tháng. Bây giờ được hưởng trợ cấp tàn phế mỗi tháng $500, hằng ngày ngồi trước bàn computer, để hồi tưởng và ghi lại những thăng trầm buồn vui đời lính và cuộc sống phấn đấu bằng nghị lực, đã xảy ra cho đời tôi, từ ngày bước chân vào trường Võ Bị Quốc Gia, ngày xảy ra tai nạn thảm khốc gây cho cơ thể bất toàn.
Sự phấn đấu đã xảy ra thường xuyên và mãnh liệt với chính bản thân. Sống trong nỗi tuyệt vọng, mất niềm tin, cuộc phấn đấu nội tâm thật là cam go, nó còn khó gấp bội lần so với những giờ phút quyết liệt nơi chiến trường!

Thay Lời Kết
12 năm trong quân ngũ với nhiều vất vả gian nan, nhất là những lúc trèo đèo vượt suối, những lần chạm địch...
9 năm còn kẹt lại ở Việt Nam phải lo "Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi!". Còn gia đình tôi thì chồng bịnh tật, vợ ốm yếu, ba đứa con còn quá dại khờ (1, 3, và 5 tuổi). Tiền mặt sau khi đổi chỉ còn hai trăm đồng, không của cải quý giá (Honda, chiếc nhẫn truyền thống Đà Lạt bằng vàng 18...đều bán sạch), vậy mà gia đình đã cố gắng ngoi từ đáy parapole để lên gần tới đỉnh.
13 năm sống tha hương, lúc mới qua Mỹ, trong nhà có hai lao động: trưởng nam mới vừa 16 tuổi, và mẹ đi làm nhà hàng, dành dụm tiền mua sách vở. Tối làm việc tới gần nửa đêm, sáng sớm cả nhà năm người đều cắp sách đến trường để rồi 9 năm sau, 4 cha con đều tốt nghiệp Kỹ Sư (cháu út tên Thiện đổ bằng Master).
27 năm ngồi trên xe lăn, với nhiều biến chứng do bịnh tê liệt gây ra, khiến tác giả ngày đêm phấn đấu với những cơn đau nhức, khó chịu, nhất là ở vùng ranh giới thắt lưng, nơi đốt xương sống bị gãy. Đầu óc lúc nào cũng lo lắng trăm bề, nhiều khi cầm quyển sách mà trong óc nghĩ chuyện đâu đâu, tinh thần kém minh mẫn, chậm chạm, khó hấp thụ như tuổi thanh xuân. Vì vậy cần phải cố gắng gấp bội, mới có thể theo kịp bạn học, còn muốn điểm cao để đem lại vinh dự cho gia đình, cho sinh viên Việt Nam, thì khỏi nói quí vị cũng hiểu tác giả đã phải phấn đấu đến bực nào" Không được than van mệt mỏi, không được nghĩ đến những cơn đau do bịnh trạng gây ra. Phải cố gắng từng giờ từng phút, kể cả những lúc các cháu ẵm bồng lên bàn nằm nghỉ trưa tại phòng học, vừa cầm khúc bánh mì ăn, vừa đọc sách, ôn bài.
Đoạn trường ai có qua cầu mới hay! Mỗi lần tôi nghĩ đến giai đoạn dài đã trải qua mà thấy rợn người ớn sợ ! Không ngờ mình có thể chịu được cảnh đó trong suốt 27 năm! Cộng thêm mười năm ở quân trường và đơn vị tác chiến! Thì tuổi xuân nầy chẳng hưởng thụ được bao nhiêu, cán cân giữa vui và buồn, sướng và khổ, quả thật là quá chênh lệch!
Hôm nay ngồi đây viết lại hồi ký nầy để mong quí vị nào có phần số tốt hơn, đừng bao giờ buông xuôi, chán nản, mỗi khi gặp bất cứ trở ngại nào cũng cần phấn đấu ngoi lên.

TRƯƠNG DƯỠNG

Ý kiến bạn đọc
31/12/201904:39:33
Khách
toi kham phuc tac gia va gia dinh.Cam on tac gia da viet lai hoi ky de cho moi nguoi thay neu that su muon chung ta co the dat duoc ket qua.
06/01/201804:07:35
Khách
Một cuộc đời phấn đấu ngoại hạng! Mong Ơn Trên luôn giữ gìn tác giả và gia đình.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,784,353
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến