Hôm nay,  

Nam Cali, Las Vegas, Alabama…

04/03/200100:00:00(Xem: 201156)
Bài tham dự số: 02-180-VB0305

Hơn tám năm sống trên nước Mỹ, khoảng thời gian không đủ dài để tôi có cơ hội tham quan nhiều tiểu bang khác nhau của đất nước rộng lớn Hoa Kỳ. Vả lại, tôi cũng không đi học ở xa như nhiều học sinh khác; chị em ruột thịt cũng sống lân cận nhau trong quận Cam "nhỏ bé" của miền Nam California này. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn chia sẻ một vài những suy nghĩ cũng như những tâm tình của mình về những tiểu bang của Hợp Chủng Quốc mà tôi đã được biết đến, hay đã có dịp được đi qua.
Trước hết, tôi muốn nói đến tiểu bang California, đặc biệt là miền Nam California, nơi tôi đã sống hơn tám năm trời cho quãng đời tha phương của mình.
Lúc còn ở Việt Nam, tôi đã thường được nghe nói về những cái đẹp của California; chẳng hạn như đây là "tiểu bang vàng," là nơi "đất lành chim đậu." Sau một thời gian sống ở Cali, tôi cảm thấy những lời khen này không sai.
Khí hậu của miền Nam Cali nhìn chung rất tốt. Các mùa xuân, thu, và đông, trời lạnh, nhưng không phải là cái lạnh khắc nghiệt. Vẫn có nắng ấm chan hòa, vẫn có màu xanh tươi của cỏ và màu sắc rực rỡ của hoa.
Mùa hè, nhiệt độ có tăng lên. Tuy nhiên, nhờ được bao bọc bởi biển, trời mùa hè ở Cali nóng, nhưng cũng không phải là cái nóng khắc nghiệt.
Vào những buổi chiều hè nóng nực, tôi thích được ra biển để lội nước và hóng gió. Biển xanh rộng mênh mông. Bãi cát vàng chạy dài tưởng chừng như vô tận. Cám ơn Cali có biển rộng đã cho tôi cũng như bao người khác những ngày hè hạnh phúc; được nô đùa thỏa thích với sóng, với gió, với cát, và với nước.
Với khí hậu ấm áp, Cali thường không bị những thiên tai như mưa bão lụt lội (flood), hoặc gió lốc (tornado). Tuy nhiên, định cư ở Cali hơn tám năm, tôi đã "được" chứng kiến cảnh động đất (earthquake) hai hay ba lần, chỉ là động đất nhẹ thôi. Đang nằm ngủ, tự dưng tỉnh thức vì cái giường nó cứ đưa qua đưa về. Tiên đoán sẽ còn có một trận động đất rất lớn nữa. Nhưng mỗi người được sinh ra đời đều có một định mệnh riêng. Chuyện gì xảy ra trong tương lai, nào ai có thể biết được chắc chắn"
Quận Cam nơi tôi ở có một khu gọi là Tiểu Sài Gòn, mà ta thường gọi bằng tiếng Mỹ là Little Sàigòn. Một Sài Gòn hoa lệ mọc lên trên xứ người! Có rất nhiều người Việt tập trung ở đây để làm ăn sinh sống. Dọc đường phố của Little Sàigòn, đâu đâu cũng thấy chữ Việt. Nào là chợ, tiệm ăn, tiệm vải, tiệm sửa xe, văn phòng luật sư bác sĩ, và còn nhiều nhiều nữa.
Tôi thấy vui vì mình được sống gần Little Sàigòn; bởi vì tại đây, tôi được ăn đồ ăn Việt Nam mỗi ngày, được nghe tiếng Việt, nói tiếng Việt, đọc tiếng Việt, và cả viết tiếng Việt nữa.
Dẫu biết rằng sống ở Mỹ, thông thạo Anh Ngữ là một điều tối quan trọng, nhưng tôi vẫn muốn trau dồi tiếng mẹ đẻ của mình. Có lẽ những câu thơ bài nhạc tôi được nghe từ thuở còn bé; cũng như những bài tập đọc, bài viết chính tả từ thuở mới chập chững bước vào trường học; tất cả đã được ghi thật sâu vào tiềm thức của tôi rồi.
Những gì đã khắc sâu vào tâm trí, thật khó mà xóa bỏ được. Không bao giờ tôi quên được câu hát ru của Mẹ, "Dí dầu cầu ván đóng đinh...", "Em ơi em ở lại nhà..."; hoặc giọng đọc thơ ngân nga của Bố, "Hồng Hồng Tuyết Tuyết...", hay "Thượng Đế đã cho tôi giàu muôn vạn..." Tôi cũng không quên được tiếng đánh vần ê a vang vọng ra từ ngôi trường tiểu học nằm trên ngọn đồi nhỏ của tuổi thơ tôi. Chính vì vậy, tôi yêu quý tiếng Việt vô cùng, và cảm thấy mình luôn cần phải học thêm tiếng Việt.
Tôi ra đi mang theo tiếng mẹ đẻ như một niềm tự hào, một bảo vật của quê hương thân yêu. Đối với tôi, tiếng Việt thật đúng là "Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui. Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi! Nước ơi! Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi. Thoắt ngàn năm thành "Tiếng Lòng Tôi." Bài "Tình Ca" vượt thời gian của nhạc sỹ Phạm Duy, mỗi lần được nghe, tôi cảm thấy hãnh diện với dòng dõi Lạc Hồng của mình, nhưng đồng thời cũng ngậm ngùi thương cảm cho quê hương nghèo khổ đã phải gánh chịu quá nhiều những tang thương.
Cám ơn Little Sàigòn của miền Nam California, đã cho tôi một cuộc sống thấy gần gũi với quê nhà hơn.
Không chỉ nổi tiếng với khu Tiểu Sài Gòn, bang California còn được biết đến qua nhiều địa danh khác. Trong giới hạn của giấy viết cũng như của kiến thức nhỏ nhoi góp nhặt từ từ trong cuộc sống, tôi chỉ muốn nói đến một chỗ chơi, một chỗ tham quan nổi tiếng tầm cỡ thế giới. Đó là Disneyland, nằm trong thành phố Anahem, quận Cam California.
Disneyland, thế giới thần tiên, thế giới của tuổi thơ hồn nhiên ngây ngô không vướng chút tội đời.
Tôi nhớ lần đầu tiên được đi chơi Disneyland là vào dạo lễ Valentine của năm 1994, khi tôi vẫn đang học trung học. Một số các bạn học sinh thuộc lớp "native speakers" trong Câu Lạc Bộ Quốc Tế (International Club) của trường tôi đã làm cử chỉ đẹp bằng cách tặng cho mỗi bạn học sinh ESL trong câu lạc bộ một vé đi Disneyland. Ngày thứ Bảy, tôi và hai nhỏ bạn gái người Việt khác cùng nhau theo đoàn xe buýt của trường để đi tới chốn thần tiên lần đầu trong đời.
Sau này, khi đã có bạn trai, tôi lại có thêm những cơ hội khác để được đi Disneyland. Nhưng tôi luôn nhớ mãi lần đi chơi đầu tiên này. Lúc đó, sau nguyên một ngày đi chơi, tôi ra về mà lòng còn luyến tiếc, còn thèm thuồng. Nhớ nhất là nhỏ bạn tôi đã chảy nước mắt vì sợ sau khi đi "thăm" một núi đá cao sừng sững ở Disneyland. Tôi cũng hãi hùng vì cú rớt quá bất ngờ, quá kinh hồn từ một độ dốc khá cao. Về sau, tôi được biết trò chơi (ride) đó gọi là Splash Mountain, một trong số những rides lớn của Disneyland.
Cảm giác về những lần đi Disneyland sau này có khác lần đầu. Tuy nhiên, điều mà tôi không bao giờ phủ nhận là mỗi khi vào Disneyland, tôi có cảm tưởng như mọi ưu phiền của cuộc sống đều được quên đi. Ai ai cũng mang trên mình một nét mặt rạng rỡ vui tươi, tinh thần thật phấn khởi. Nhất là các em nhỏ; chúng theo Bố, theo Mẹ, tay cầm bong bóng hay chú chuột Mickey, đầu đội mũ thỏ có hai tai vểnh lên; dễ thương và ngộ nghĩnh làm sao!
Ở một xứ sở của trẻ thơ như Disneyland, tất cả các nhân vật huyền thoại đều được thấy. Có cô bé Alice bị lạc trong vùng đất lạ, có nàng Bạch Tuyết xinh đẹp và Bảy Chú Lùn, có Vua sư tử, có người đẹp ngủ trong rừng, có nàng Mulan can đảm, có chú người gỗ vì nói xạo mà mũi dài ra bị biến thành lừa, có anh chàng Tazan người rừng ngây ngô nhưng tốt bụng...Tất cả đều được biểu hiện qua các trò chơi hay các cuộc diễu hành (parades).
Trong vô số các rides lớn, rides nhỏ của Disneyland, ride mà tôi thích nhất có tên gọi là Small World. Bạn tôi thường chọc giỡn rằng ride đó "baby" quá, "slow" quá mà tôi lại thích nhất. Mỗi khi có dịp đi Disneyland, nếu không phải xếp hàng lâu, tôi thường ghé thăm Small World hai lần. Ngồi trong thuyền nhỏ "chu du vòng quanh thế giới," tôi có cảm tưởng như mình lạc vào chốn thần tiên thật sự giữa đời thường. Nơi đó không hề có tiếng khóc, không hề có chút khổ đau. Cuộc đời là một bài hát! Những cô cậu tí hon mặc đồ thật đẹp, nét mặt thật dễ thương tươi vui, đại diện cho năm châu bốn bể cùng nhau đánh trống, chơi đàn, hát, múa, nhảy; tuyệt vời làm sao! Tôi nhớ mãi lời hát, "It's a small world after all." Đúng như vậy, thế giới này rồi thì cũng rất bé nhỏ mà thôi. Và chính nhờ sự nhỏ bé ấy, loài người chúng ta mới có được những cuộc hội ngộ thật lý thú.
Mỗi lần đi chơi trong Disneyland, được nhìn thấy những cái hay, cái đẹp, những thành tựu vĩ đại của khoa học thế giới; nhất là nhìn thấy các em nhỏ hạnh phúc vui chơi trong vòng tay thương yêu của người lớn, tôi thấy thương và tội nghiệp cho các trẻ em, nhất là trẻ em nghèo bên Việt Nam. Thương cho cả tuổi thơ tôi đã bị đánh mất.
Một người bạn của tôi về Việt Nam chơi kể cho tôi nghe rằng Sài Gòn bây giờ cũng có một số chỗ chơi đặc biệt cho trẻ em, có một nơi gồm toàn trò chơi nước, hình như có tên gọi là Water World (có lẽ tựa như Wild Rivers hay Raging Waters ở bên đây). Tuy nhiên, cũng không thể so sánh được về mặt kỹ thuật. Và điều quan trọng nhất là tiền vé. Chỉ có Việt Kiều và con nhà giàu mới dám vào chơi. Trẻ em nhà nghèo đồ ăn, cái mặc còn chưa đủ, kể gì đến đi chơi" Thương nhiều quá Việt Nam quê hương tôi. Quê hương ơi đến bao giờ cuộc sống mới thoải mái hơn cho tất cả mọi người"
California, tiểu bang rộng lớn của đất nước Hoa Kỳ, đã chiếm hơi nhiều "đất" trong bài viết tôi.

Ngoài California, tiểu bang thứ hai tôi được biết đến là Nevada, nơi có thành phố lớn nổi tiếng thế giới Las Vegas; cách quận Cam chừng bốn tiếng lái xe.


Nevada, tiểu bang của sa mạc với những núi đá khổng lồ cằn cỗi. Tuy nhiên, giữa vùng đất khô cằn chỉ có xương rồng, đá trơ trụi, và cỏ khô vàng úa ấy, mọc lên những khách sạn chọc trời nằm san sát nhau. Những cây kiểng, những dải cỏ giành cho landscaping quanh năm xanh mát. Có cả những thác nước nhân tạo nhìn y như thật; có tượng Nữ Thần Tự Do thứ hai, và cả tháp Effel thứ hai nữa.
Thành phố Las Vegas nổi tiếng thế giới về bài bạc. Tại đây, đâu đâu cũng thấy sòng bạc; sòng lớn, sòng nhỏ, đủ cả. Chính trong thành phố bài bạc này, có những nhà tỷ phú, triệu phú thế giới đã từng đặt những ván bài bạc triệu; và cũng nhiều người đã trở nên sa cơ thất thế vì cái "nghiệp" "bác thằng bần" này.
Du khách nào không biết chơi bài, thì có thể dùng máy. Tôi để ý thấy các đấng sinh thành đã có tuổi người Việt Nam rất thích "kéo máy." Bỏ bạc cắc vào máy và "kéo," nếu số hên gặp đúng lúc máy sẽ nhả ra rất nhiều bạc cắc. Có lẽ chính tiếng kêu rổn rảng nghe thật vui tai của bạc cắc đã tạo một sự thu hút đặc biệt cho các ông Bố, bà Mẹ Việt Nam.
Vòng tới vòng lui Las Vegas, đâu đâu cũng thấy khách sạn và nhà trọ. Những khách sạn rộng lớn, cao mấy chục tầng lầu, được xây dựng dưới nhiều cấu trúc đặc biệt khác nhau. Mỗi khách sạn đều được khoác trên mình những cái tên nghe thật kêu, thật sang trọng và ly kỳ, chẳng hạn như "Treasure Island," "Caesars Palace," "The Mirage," "Imperial Palace," "New York, New York," "Paris," "Luxor," "MGM," "Excalibur," và còn nhiều nhiều nữa. Tuy khác nhau về diện tích, cấu trúc, và tên gọi, tất cả các khách sạn ở Las Vegas đều mang một đặc điểm chung; đó là khách sạn nào cũng có sòng bạc ở tầng trệt. Thật tiện lợi cho du khách, muốn "thử thời vận" lúc nào cũng được; chỉ cần rời phòng ngủ xuống lầu là có ngay.
Mỗi cấu trúc xây dựng ở Las Vegas đều mang một vẻ đẹp riêng, cái hay riêng của nó. Tuy nhiên, tôi thích nhất Luxor, bởi vì nó gợi cho tôi nghĩ về một thời xa xưa lắm trong lịch sử đất nước Ai Cập (Egypt); khi mà biết bao con người đã cực nhọc, hy sinh bỏ mình khuân từng viên đá xây dựng nên kim tự tháp (pyramid) lừng danh thế giới. Luxor mang dáng dấp của một kim tự tháp thật sự. Đặc biệt với màu xám trơn nhẵn khoác trên các bề mặt kim tự tháp, Luxor như muốn thoát ra vẻ cổ kính xa xưa đầy huyền bí. Nhưng ẩn trong cái vẻ cổ kính ấy là một khách sạn hiện đại, huy hoàng, đèn màu rực rỡ, với 30 tầng lầu. Khách sạn duy nhất trên thế giới có 30 tầng lầu mang dáng hình kim tự tháp!
Được nhìn thấy một thành phố quá lộng lẫy, quá hiện đại mọc lên trong vùng sa mạc hẻo lánh nóng bức, tôi lại càng cảm thấy ngưỡng mộ những gì mà con người có thể làm được.

Tạm biệt Nevada với thành phố đèn màu Las Vegas, tôi muốn nói đến một tiểu bang sa mạc khác mà tôi đã có dịp ghé thăm, chỉ một lần, trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Arizona, cách Cali chừng năm tiếng lái xe, nơi có đội bóng rổ Phoenix, có thung lũng nổi tiếng Grand Canyon.
Tháng Bảy năm 2000, tôi theo gia đình bạn đi thăm nhà người thân, ngủ lại một đêm, không đi chơi đâu. Tuy nhiên, khi về lại Cali, tôi vẫn nhớ cái khí hậu khô nóng của vùng sa mạc này. Nhớ cả những ngôi nhà nho nhỏ với sân rộng, có xương rồng, có cây cam cây quít trái nhỏ màu vàng ửng. Chiều đến, một vài bà mẹ trẻ đẩy xe đưa con đi tìm chút gió mát trên lề những đường nhỏ có cỏ bụi mọc lưa thưa. Ngoài đường lộ, xe chạy đông đúc, đường cũng rộng; nhưng trong khu dân cư, khung cảnh có vẻ đìu hiu, vắng vẻ.
Sau lần thăm Arizona vào tháng Bảy, đến tháng 12, tôi lại theo bạn trai sang Alabama, tiểu bang nhỏ bé nằm ở vùng Đông Nam Hoa Kỳ. Bố Mẹ bạn trai tôi vẫn đang làm việc bên đó; tương lai gần sẽ dọn về vùng nắng ấm Cali, nơi có đông người Việt, để sống tuổi già cho được vui vẻ, ấm cúng hơn.
Bạn trai tôi mỗi năm mỗi sang Alabama, còn tôi Noel rồi là lần đầu tiên, nên thấy cũng háo hức và lạ lẫm lắm. Lâu lắm rồi tôi mới lại đi máy bay. Bạn tôi với vẻ "anh hai" chỉ cho tôi đủ thứ, nào là cách gửi hành lý, cách nhìn lên máy computer tìm chuyến bay của mình. Trên máy bay, anh giải thích cho tôi rằng vì lượng người đi từ LA qua Alabama, cũng như qua một số những tiểu bang nhỏ khác không nhiều, nên chuyến bay đầu tiên sẽ đáp ở Charlotte, thuộc North Carolina. Sau đó, hành khách sẽ được chuyển qua những máy bay nhỏ về nơi mình muốn.
Sau bảy giờ đồng hồ tổng cộng, kể cả thời gian đợi chuyển máy bay, tôi đã được đặt chân đến thành phố Birmingham, bang Alabama.
Lần đầu tiên sang thăm một tiểu bang khác cách khá xa California, tôi mang trong người tâm trạng hồi hộp, thú vị.
Tháng 12 mùa đông, trời thật lạnh. Trời lạnh, cây rụng hết lá trở nên trơ trụi, chỉ còn toàn cành khô. Cả thành phố không có chút màu xanh của lá, của cỏ.
Tiểu bang Alabama nhỏ bé, nhịp sống có vẻ trầm lặng hơn California rất nhiều. Tôi nhớ lúc còn học Đại Học, một người bạn xã giao người Mỹ đen nói với tôi rằng cô ta sinh ra và lớn lên ở Alabama. Cô nhấn mạnh rằng Alabama là một "poor state." Giờ có cơ hội sang thăm, tôi thấy tiểu bang này cũng nghèo nàn thật. Đèn đường treo lủng lẳng; những người làm nghể đổ rác phải dùng sức mình bỏ rác vào xe. Bạn tôi nói Alabama luôn bị chậm 10 năm (10 years behind) so với các tiểu bang phồn thịnh khác. Nhưng dù sao, đây cũng chỉ là cái nghèo, cái lạc hậu theo kiểu Mỹ mà thôi. Cuộc sống vẫn có thể thật sung túc, thật tiện nghi cho những ai biết tận dụng nó.
Số người Việt tỵ nạn sinh sống tại Alabama không nhiều. Cả thành phố Birmingham chỉ có một chợ Việt Nam nhỏ xíu, chắc bằng tiệm Liquor. Có một quán ăn Việt Nam duy nhất, khá rộng, có tên gọi là "Quê Hương." Vào những dịp lễ, dịp cuối tuần, các gia đình Việt Nam thường rủ nhau tụ họp, nay nhà người này, mai nhà người khác, cùng nhau ăn uống, nghe nhạc, và hát karaoke.
Trong dịp đi Alabama này, tôi cũng đã được ghé Atlanta, thuộc bang Georgia, nơi đã diễn ra Thế Vận Hội 1996. Atlanta chỉ cách Birmingham ba tiếng lái xe. Có khá đông người Việt sinh sống ở đây; các dịch vụ Việt Nam cũng rất nhiều.
Ngoài ra, tôi cũng có ghé thăm trường Đại Học Samford, thành phố Birmingham, đặc biệt học khu giành cho ngành dược, nơi mà em gái của bạn trai tôi đang theo học. Nhìn ngôi trường xinh đẹp đứng hiên ngang trên một độ dốc khá cao, có nhiều cây cao bao bọc xung quanh, tôi chạnh lòng nghĩ tới quãng đời học sinh đã qua của mình. Tôi yêu trường học lắm, bất cứ ngôi trường nào; bởi vì trường học chính là nơi thỏa mãn nhiều những khát vọng cao quý nhất của con người.
Những ngày nghĩ lễ ở Alabama trôi qua nhanh chóng. Trời mưa lạnh, không đi chơi nhiều, nhưng tôi thấy rất vui. Đến hôm về thứ Hai ngay ngày Tết Tây, Alabama có tuyết nhẹ. Niềm mong đợi được nhìn thấy tuyết rơi của tôi đã thành sự thực. Tuyết đẹp lắm, nhưng lái xe khi trời có tuyết rất nguy hiểm. Người lái phải cẩn thận lắm mà vẫn có lúc không thể điều khiển được sự di chuyển của xe.
Sau một tuần thăm Alabama, tôi lại trở về cuộc sống bình thường của mình ở vùng nắng ấm Cali. Về lại Cali, tôi nhớ nhiều lắm cái khí trời lạnh buốt, nhớ khung cảnh âm u đượm buồn bên đó.
Chính chuyến đi Alabama trong dịp lễ Noel vừa qua đã cho tôi cảm hứng viết bài viết này. Theo tôi nghĩ, nhịp sống ở mỗi tiểu bang đều có cái vẻ riêng của nó. Đối với các người Việt tỵ nạn, việc chọn tiểu bang nào làm quê hương thứ hai tùy thuộc vào hoàn cảnh và sở thích của từng người. Tuy nhiên, dù sống ở tiểu bang nào, tất cả chúng ta đều là những người Việt tha phương nơi xứ người, đều phải trải qua nhiều khó khăn để hội nhập vào cuộc sống mới.
Vâng, chúng ta là những người Việt tỵ nạn sống rải rác khắp nơi trên đất nước rộng lớn Hoa Kỳ. Cần lao bước vào đời sống mới, chúng ta phải nhọc nhằn vất vả, có người còn phải chịu cả tủi nhục đắng cay, ngõ hầu gầy dựng được một cuộc đời mới tốt đẹp hơn cho riêng cho mình; đồng thời cũng không quên giúp đỡ những người thân còn lại bên Việt Nam, cũng như đóng góp chút ít cho các tổ chức thiện nguyện.
Mới đây, bài "Hoa Ve Chai", một bài tham dự giải thưởng viết về nước Mỹ của tác giả Nguyễn Văn Hưởng, kể về những người hành nghề bươi lượm "đồ phế thải" bán cho "tiệm ve chai" để lấy tiền giúp đỡ bà con bên quê hương. Tác giả gọi tấm lòng tốt đẹp ấy là “Hoa Ve Chai”. Những "Hoa Ve Chai" và biết bao loài hoa biết nói khác đã và đang tiếp tục nở ra trên xứ người, nở ra từ những gai nhọn đau đớn!
Thuở mới lớn, tôi đã có giấc mơ đi Mỹ. Giấc mơ ấy đã trở thành sự thực. Bây giờ, khi tuổi đời mỗi năm mỗi chồng chất lên thêm, tôi lại ôm ấp một giấc mơ lớn khác. Tôi mơ một ngày được nhìn thấy một Việt Nam thanh bình, tự do, ấm no, và hạnh phúc; ngày đó, tất cả những người Việt còn lại trong nước không một ai còn có giấc mơ được đi Mỹ sinh sống nữa.
Quê hương thanh bình thịnh vượng, nào ai muốn rời bỏ quê cha đất tổ của mình để sống đời tha phương"

Thiên Vũ
02- 2001, tháng của ngày Lễ Tình Yêu

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,175,395
Tác giả cho biết, “Trước năm 1975, tôi là giáo sư dạy tại trường trung học Lương văn Can , quận 8, Sài gòn.
Cùng với bài “Mười Lăm Năm ở Mỹ” đã phổ biến hôm qua, tác giả Minh Nguyệt Graves còn gửi thêm bài sau đây, cho biết bài được viết bởi ông chồng Carl Graves, một người Mỹ làm công chức tại Texas.
Tác giả qua Mỹ cùng với 2 con, theo diện đoàn tụ do cha bảo lãnh, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài “Chuyện Ông Mỹ có vợ Việt”, đã phổ biến 2 tuần trước.
Việt Báo thành kính tưởng nhớ Nhạc Sĩ Vũ Đức Nghiêm, một tác giả huynh trưởng từng góp bài Viết Về Nước Mỹ. Ông sinh ngày 30-6-1930 tại làng Hoành Nha, Giao Thủy, Nam Định, vừa từ trần tại San Jose,
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và sẽ nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO.
Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên, và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả có tên trong Danh Sách Chuing Kết Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975. Đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất hiện là cư dân Minneapolis, MN. Ông đã về hưu sau khi dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến