Hôm nay,  

Không Đề

28/01/200100:00:00(Xem: 193185)
Bài tham dự số 241B-VB2001

Nhìn vào tấm visa cùng cuốn sổ thông hành rải rác những dấu mộc hải quan Mỹ và vài nước Âu châu, anh nhân viên hải quan hỏi: "Lần này anh sang Mỹ để làm việc lâu dài"" "Vâng," tôi trả lời. "Anh có ý định định cư ở đây không," anh hỏi tiếp. Tôi cảm thấy khó chịu trước câu hỏi này, nên trả lời cụt ngủn: "Không". Cũng như những lần trước đây, anh ta hỏi một câu quen thuộc nhưng cộc lốc: "Anh làm nghề gì"" Tôi trả lời: "Tôi làm nghiên cứu y khoa." Anh chuyển cách xưng hô và hỏi tiếp: "Chuyên môn của bác sĩ là gì"" "Nội tiết học (1)." "Nội tiết học là gì"" Tôi cố giải thích một cách ngắn gọn đó là một ngành y học chuyên nghiên cứu về các hormones và tuyến nội tiết. Nhưng tôi cũng không cần dấu sự khó chịu của mình về một câu hỏi mà tôi cho là có tính soi mói, tôi hỏi lại: "Thế nghề nghiệp của tôi có liên quan gì đến việc tôi vào Mỹ hay không"" Hình như anh ta cảm nhận được sự bất bình, cau có của tôi, anh ta bèn tươi cười nói: "Xin lỗi bác sĩ. Tôi chỉ muốn biết nghề nghiệp của ông có hợp với visa hay không mà thôi. Đáng lẽ ông nên được cấp visa H-1 chứ không phải visa A-1 này, nhưng tôi đã hiểu ra sự việc rồi, không có vấn đề gì đâu." Nói xong, anh dơ tay đóng con dấu xuống cuốn sổ Thông hành và chúc mừng tôi: "Chào mừng ông tới nước Mỹ! Chúc ông nhiều may mắn và thành công trong nghiên cứu!" Anh ta giải thích cho tôi biết visa A-1 thường chỉ dành cho giới nghệ sĩ hay lực sĩ, chứ không phải cho giới làm khoa học như tôi. Đến đây thì tôi đã hiểu sự thắc mắc của anh ta. Số là trong năm đó, vì chỉ tiêu visa H-1 (khoảng 70 ngàn) đã hết mà trong lúc đó công việc thì cần phải tiến hành nhanh chóng, nên Trường Đại học Ohio State đã đi "đường tắt" bằng cách làm hồ sơ nhập cảnh cho tôi với visa A-1 để được sang Mỹ sớm theo dự định. Nếu không làm thế, tôi phải chờ khoảng 6 tháng sau để có visa khác thích hợp hơn. Chỉ riêng việc làm này, tôi thấy hệ thống hành chính của Mỹ rất khắc khe và máy móc, nhưng người Mỹ lại rất linh hoạt và một khi họ quyết tâm làm chuyện gì là họ phải làm cho bằng được. Đó là một thái độ mà tôi tạm gọi là "Làm cho ra việc" (hay "Make thing happened"), một thái độ đặc trưng của người Mỹ mà tôi rất thích. Đó cũng là một trong những động cơ tôi bỏ Úc sang đây làm việc.
So với nhiều đồng hương ở Mỹ, tôi có lẽ là một trong những người đi tỵ nạn hai lần. Lần tỵ nạn đầu tiên là một cuộc chạy trốn chế độ cộng sản, từ Việt Nam sang Úc, sau một thời gian lây lất trong các trại tỵ nạn dã man của Thái Lan. Lần này là một chuyến đi tỵ nạn khoa học. Vâng, tôi không đi tìm cho mình một cuộc sống vật chất sung túc hay sự tự do chính trị mà tôi đã và đang được hưởng trên đất Úc, nhưng tôi đi tìm một cơ hội cho sự nghiệp của mình. Sau một thời gian tương đối dài làm việc trong môi trường khoa học ở Úc, tôi cảm thấy chương trình nghiên cứu mà mình đã và đang theo đuổi sẽ phải đi vào một bế tắc. Tôi nhận thấy việc xin kinh phí cho nghiên cứu càng ngày càng khó hơn, không phải vì tôi dở hay thiếu sáng tạo mà vì, một phần lớn, tính bè phái trong những người nắm quyền phân phát quỹ tài trợ ở cấp cao nhất. Cộng vào đó là tình trạng xuống cấp một cách thê thảm của các cơ sở nghiên cứu khoa học trong các trường đại học Úc châu, vì chính phủ đã bỏ bê quá lâu. Vì thế, không ai ngạc nhiên khi thấy tình trạng chảy máu chất xám bắt đầu xảy ra kể từ thập niên 80s, các nhà khoa học có tiếng trên trường quốc tế và các nghiên cứu sinh trẻ tuổi năng động cứ liên tục bỏ Úc đi làm việc ở Mỹ và các nước Tây Âu châu. Chúng tôi gọi đùa đó là những một làn sóng "tỵ nạn khoa học". Tôi cũng nằm trong cơn lóc này mà bỏ lại nước Úc sau lưng, một xứ đã tử tế cho tôi chỗ ở, cơ hội học hành và làm việc trong suốt hơn mười lăm năm qua.
Khi bắt đầu nghĩ đến một kỳ di cư lần thứ hai, nước Mỹ hiện ngay trong tâm trí tôi. Không một mảy may do dự gì cả. Lý do rất đơn giản là tôi đã quá quen thuộc với nước Mỹ và người Mỹ. Thuở còn đi học, tôi đã để ý thấy rằng đại đa số các sách giáo khoa dùng trong giảng dạy ở các trường đại học của Úc xuất phát từ Mỹ. Những dụng cụ y khoa và sản phẩm công nghệ sinh học tối tân dùng trong các bệnh viện hay đại học ở Úc cũng có nguồn gốc từ Mỹ. Mỗi năm, phần lớn danh sách các nhà khoa học được trao giải Nobel về khoa học cũng là người Mỹ hay đã hoặc đang làm việc ở Mỹ. Trong thời gian làm việc ở Sydney, tôi đã có dịp cộng tác với các đồng nghiệp trên khắp thế giới sang đây làm nghiên cứu sinh hay giảng dạy, trong đó phần lớn là người Mỹ. Ngược lại, trong hơn mười năm qua, tôi sang Mỹ hàng năm dự hội nghị và thậm chí làm việc ngắn hạn ở các trung tâm nghiên cứu y khoa bên đó, và đã từ lâu đem lòng mến mộ đất nước này.
Qua những tiếp cận này cùng với sự bế tắc cá nhân, tôi đã có ý định sang Mỹ theo đuổi chuyên môn nghiên cứu khi có cơ hội. Và, cơ hội đó đã đến với tôi khi, trong một hội nghị chuyên môn vào năm 1996 tại Thành phố San Francisco, một đồng nghiệp cũ và nay là người đứng đầu một trung tâm nghiên cứu y khoa tại Trường Đại học Ohio State có nhã ý mời tôi làm việc với nhóm nghiên cứu của ông trong một thời gian "vài năm". Ông còn cho hứa sẽ tìm cho tôi một chức vụ giảng dạy tương xứng. Nói chung, những điều kiện mà ông đưa ra cực kỳ hấp dẫn, ngoài những dự liệu của tôi, một người chỉ muốn có một môi trường thuận lợi để làm việc và hy vọng sẽ đem lại một vài lợi ích cho cộng đồng, và thiết thực hơn là cơ hội để tiến thân. Tôi lập tức nhận lời. Sau gần sáu tháng làm thủ tục hành chính và khoa bảng, tôi sang Mỹ chính thức nhận nhiệm sở mới.
Tôi đến Ohio vào những ngày giữa mùa thu. Trên đường từ phi trường về nơi tôi cư ngụ (mà nhà trường đã sắp xếp từ cả tuần trước đây), lá cây đủ màu vàng, đỏ, tím, nâu ... rơi đầy hai bên đường. Căn nhà tôi ở nằm trên một con đường yên tĩnh, mà hai bên đường là hai hàng cây cao vút. Lá cây rơi đầy cả mặt đường mà hình như chẳng ai ra quét dọn. Người đi bộ phải đạp lên lá và dĩ nhiên là gây ra tiếng động "xào xạc" như Thi sĩ Lưu Trọng Lư tả trong bài thơ "Tiếng Thu" thuở nào. Tôi nhủ thầm chỉ cần có thêm vài chú nai là con đường này trở thành một rừng thu đúng nghĩa! Từ nhỏ đến lớn, tôi chỉ biết mùa thu qua thơ văn, chứ chưa bao giờ được thấy một mùa thu rất thực và rực rỡ như ở đây. Trước một phong cảnh như thế, tôi đã "fall in love", đã yêu miền đất này ngay từ giây phút đầu tiên đặt chân đến.
Sáng hôm sau, chưa kịp xếp dọn hành lý, một đoàn xe gồm các đồng nghiệp chưa quen trong cơ sở làm việc đã đến chúc mừng. Họ khệ nệ mang đến cho tôi đủ thứ vật dụng nhà bếp, bàn ghế, và thậm chí một ti-vi và máy video! Họ tận tình chỉ giúp tôi cách sử dụng những máy móc mà tôi không mấy gì xa lạ này. Họ muốn cho tôi ổn định cuộc sống và "feel at home" (cảm thấy ở nhà) ngay từ ngày đầu. Tôi thực sự cảm động trước sự chăm sóc chu đáo và lòng hiếu khách của những người bạn mà tôi chưa một lần gặp mặt trước đây. Người Mỹ, cũng như người Úc, là một dân tộc hào phóng và rộng lượng: một khi họ đã giúp ai, họ giúp thật tình và giúp đến nơi đến chốn, chứ không cần một sự đáp ơn hay trả lễ.
Tối hôm đó, họ lại mời tôi đi dự tiệc sinh nhật ở nhà của vị Khoa trưởng Khoa Y (Dean). Nhà ông là một biệt thự 10 phòng, khá sang trọng, được bao bọc chung quanh bởi một khu rừng. Khách đến nhà có lệ phải ký tên vào sổ lưu niệm. Tuy nhà rộng như thế, chỉ có hai vợ chồng ông ở đó mà thôi; các con ông đều trưởng thành và đã đi lập nghiệp ở các tiểu bang khác. Ông Khoa trưởng tiếp tôi nồng hậu, ông hỏi thăm cặn kẽ về tình hình Úc châu, một nơi ông thường hay lui tới làm việc. Ông còn tỏ ra là một người rất am hiểu các vấn đề chính trị và xã hội ở Việt Nam và các nước Á châu khác. Sau này tôi mới biết được ông từng phục vụ trong quân đội Mỹ ở Việt Nam với vai trò một bác sĩ quân đội. Ông là người thực tế nhưng tế nhị. Ông không ngần ngại cho tôi biết rằng nhà trường coi việc bổ nhiệm tôi là một cuộc đầu tư. Họ đầu tư vào tôi và kỳ vọng tôi phải làm việc có hiệu quả, phải mang lại "sản phẩm" và tài trợ cho nhà trường, và qua đó mang lại tiếng tốt cho nhà trường. Ông khuyên tôi nên nghỉ cho thoải mái vài ngày trước khi vào làm việc. Nhưng trong tôi thì nóng như đốt, muốn bắt tay ngay vào việc làm mà tôi đã mong chờ bấy lâu nay ...
Sau một tuần nghỉ ngơi và làm thủ tục hành chính, tôi hăng hái bắt tay vào công việc. Tôi hân hoan biết được là nhà trường đã dành ra một kinh phí khoảng 50 ngàn đô cho tôi để bắt đầu một dự án nghiên cứu. (Tưởng cần nói thêm là ở Úc làm gì tôi có được một số tiền như thế một cách dễ dàng! Hầu hết các tổ chức y khoa của Úc chỉ tài trợ trong vòng dưới 30 ngàn đô-la cho các nhà nghiên cứu và họ phải trải qua một kỳ cạnh tranh ác liệt mới có được. Đó là chưa nói đến những vận động ngầm, những mánh khóe và phe phái trong các kỳ xin tài trợ.) Anh đồng nghiệp còn đưa ra một danh sách các cơ quan mà tôi có thể đệ đơn xin tài trợ. Ngoài National Institute of Health (Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ) là một cơ quan chính cung cấp tiền bạc cho nghiên cứu y khoa, Mỹ còn có hàng ngàn các tổ chức khác chuyên tài trợ cho nghiên cứu thích hợp cho tất cả các nhà nghiên cứu, từ sơ cấp đến cao cấp và cho mọi chương trình. Mỹ quả là một xứ sở của cơ hội!
Ngày đầu tiên vào phòng thí nghiệm ở đây, tôi gần bị choáng ngộp trước sự dồi dào về phương tiện máy móc, mà một phòng thí nghiệm trung bình của Úc khó mà so sánh nổi. Những cái máy dùng cho phân tích sinh học phân tử tối tân, trị giá hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu, đô-la đều có sẵn. Có điều tôi hơi ngạc nhiên là số người có khả năng sử dụng thành thạo những máy này thì không nhiều. Tuy nhiên, đối với những người thích làm thí nghiệm khoa học, đây là một môi trường không thể chê được.
Nhóm nghiên cứu của tôi gồm chỉ có ba người: ngoài tôi ra còn có một anh nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ (post-doctoral fellow) và một chị đang theo học chương trình tiến sĩ. Với tính tình dễ dàng và chịu khó làm việc của tôi, nhóm chúng tôi làm việc rất nhịp nhàng và đạt được nhiều thành quả trong một thời gian ngắn. Nhiều khi tôi làm việc không cần phân biệt ngày đêm. Có nhiều lần, chúng tôi tranh luận, bàn thảo kéo dài từ sáng sớm cho đến 12 giờ đêm hay sáng ngày hôm sau trong phòng thí nghiệm. Có những lần làm việc căng thẳng, quên cả ăn ngủ trong phòng thí nghiệm để mong được công bố kết quả trước các nhóm nghiên cứu "đối thủ" trên thế giới. Lại có đêm đang nằm ngủ trên giường bổng dưng nghĩ ra một ý tưởng mới là tôi lái xe ngay vào thư viện (chỉ cách nơi tôi ở khoảng 15 phút lái xe) để tìm tài liệu. Tưởng cần nói thêm là ở Úc, phần đông các nhà khoa bảng thiếu tính cạnh tranh, vì họ chỉ làm như những vị công chức, sáng đi chiều về. Đối với tôi, một cuộc sống công chức như thế chả có gì thú vị. Vì thế, tôi cảm thấy mình thích hợp với cách làm việc ở Mỹ, dù cuộc sống có lẽ và có khi mang tính quái gở.
Một điều khác làm cho tôi cảm thấy thích hợp với môi trường làm việc ở Mỹ là tiềm năng học hỏi gần như vô tận. Phần đông các chuyên viên thượng thặng, hàng đầu trong hầu như bất cứ ngành khoa học nào cũng có mặt ở Mỹ hay ở gần Mỹ. Thành ra, nếu tôi cần tham vấn một vấn đề chuyên môn hóc búa nào, chỉ cần một cú điện thoại là có thể giải quyết được vấn đề. Nếu không, chỉ cần một chuyến bay đến tận nơi tham khảo các chuyên viên này cũng có thể đem lại nhiều kiến thức hữu ích.
Ngoài nghiên cứu, tôi được phân công giảng dạy môn di truyền học, một môn học có ít nhiều liên quan đến xác suất và toán thống kê. Ngày đầu tiên vào giảng đường với hơn một trăm sinh viên đủ sắc dân đang chăm chú theo dõi người thầy mới, tôi chợt cảm thấy mình … hồi hộp. Sau lời tự giới thiệu, tôi đi ngay vào bài giảng khoảng hơn một giờ một cách êm xuôi. Tôi có thói quen sau khi giảng bài, tôi cho học sinh hỏi khoảng 10 câu. Qua những câu hỏi, tôi cảm thấy hài lòng là mình đã chuyển đạt được những ý tưởng căn bản cần thiết, nhưng tôi lại thất vọng về trình độ toán sơ đẳng của một số sinh viên y khoa năm thứ năm này. Một số trong họ không biết ký hiệu "sigma" và "product" có nghĩa là gì! Tuy nhiên, tôi cũng kiên nhẫn giải thích cặn kẽ cho họ hiểu. Sau giờ giảng, một số học sinh lên thẳng bàn tôi và nói là họ thích cách tôi giảng bài và giải thích. "Vạn sự khởi đầu nan," tôi mừng thầm là mình đã gây ra được một ấn tượng tốt ngay từ ngày đầu trên quê hương mới.
Qua kinh nghiệm dạy học ở đây, tôi phải nói rằng sinh viên y khoa trong đại học Mỹ có vẻ "trưởng thành" hơn đồng môn của họ ở Úc châu. Điều này có lẽ do khác biệt về chính sách tuyển nhận sinh viên của hai hệ thống. Ở Úc, các sinh viên học y khoa được tuyển thẳng từ các trường trung học, và do đó, chương trình y khoa được xem là bậc đại học ("Undergraduate study"). Ngược lại ở Mỹ, y khoa được dạy như một chương trình hậu đại học ("Graduate study", tức sau khi sinh viên đã xong một chương trình Cử nhân. Do đó, theo kinh nghiệm cá nhân, tôi cảm thấy sinh viên ở Mỹ có một trình độ khoa học cơ bản tương đối vững vàng hơn và phong cách chững chạc hơn các đồng môn ở Úc. Tuy nhiên, ở hệ thống chuyên khoa (tức sau khi đã xong chương trình đại học y khoa), thì hệ thống huấn luyện của Úc và Anh khó khăn không kém gì, nếu không muốn nói là nghiêm khắc hơn, hệ thống ở Mỹ.
Mối quan hệ giữa người thầy và học sinh đại học ở Mỹ có vẻ theo nghi thức hơn là ở Úc. Học sinh ở Úc thường gọi thầy bằng tên (first-name) và không dùng danh hiệu. Ngược lại, ở đây, học sinh có khuynh hướng gọi thầy bằng họ và danh hiệu (chẳng hạn như "Good morning, Doctor Nguyen"). Tuy nhiên, mối quan hệ giữa người thầy và trò thì không khác nhau giữa hai văn hóa, tức là vẫn dựa trên tinh thần bình đẳng. Hình như trong lối suy nghĩ của người Âu Mỹ, người thầy/cô chỉ là bạn của học trò, hướng dẫn học trò, cùng trưởng thành với học trò, chứ không phải hành xử như người cha/mẹ thứ hai như ở Việt Nam ta. Ở đây, tôi chưa dám nói vai trò nào hay hơn, vì thực tình mà nói, tôi thích ... cả hai. Thầy cô ở các đại học Mỹ rất chú tâm vào việc khuấy động tính chất vấn và khơi dậy tiềm lực của học sinh, một điều mà tôi khó tìm thấy ở Việt Nam.

*

Trong thời gian ở Mỹ, tôi có rất nhiều kỷ niệm vui buồn lẫn lộn. Ở thành phố này, hệ thống giao thông công cộng rất kém so với Sydney bên Úc, và vì thế xe hơi là một phương tiện đi lại cực kỳ quan trọng. Chỉ hai ngày sau, tôi đã tìm mua được một chiếc xe cũ để làm phương tiện vận chuyển. Tôi có dịp tự mình đi "thám hiểm" các khu chung quanh thành phố. Tôi luôn luôn tự nhắc nhở mình là phải lái xe bên tay mặt (vì ở Úc chúng tôi lái xe bên tay trái). Ấy thế mà chỉ sau vài ngày lái xe, chả hiểu thế nào (hay do thiếu tập trung), trong một lần ra phố, tôi lái xe ngược đường trên cầu; đến khi thấy xe đi ngược chiều lại nhá đèn ra hiệu tôi mới rụng rời biết là mình đang bên tay trái! Tôi bèn dừng xe sát bên lề và đứng im chờ cho đoàn xe qua hết để quay lại. May quá, có hai người dừng xe lại, và sau khi thấy tôi cũng "bình thường" chứ không phải điên, hay không có mùi rượu gì cả, hai anh ta bèn làm cảnh sát "bất đắc dĩ" ra hiệu cho xe hai bên đường ngừng lại để tôi quay đầu xe qua bên kia đường cho đúng luật. Tôi định dừng xe lại nói lời cám ơn, nhưng hai anh đã ra dấu cho tôi đi nhanh để khỏi gây ra kẹt xe trong giờ cao điểm. Thật là một sai lầm nguy hiểm.
Một hôm, tôi lái xe đến một nhà hàng để mua vài món ăn về nhà. Ở Úc, những thức ăn mang về nhà hay thức ăn bán ở những nhà hàng như McDonald, KFC ... được gọi chung là "Take-away food" (tức là thức ăn mang đi, chứ không dùng tại nhà hàng). Với một cách hiểu như thế, tôi nói với cô bán hàng người rằng tôi muốn mua những thức ăn "take-away". Cô bán hàng trợn mắt nhìn tôi rồi nói: "What" Did you say you want to take these food away"" Tôi thản nhiên nói: "Vâng". Cô ta dẫn tôi đến một cái bàn phía góc của nhà hàng, và sau đó mang thức ăn ra. Tôi ngạc nhiên nói là tôi muốn đem thức ăn về nhà, chứ không muốn dùng ở đây. Cô ta chợt bật cười ha hả và nói: "Oh, you want food-to-go"" Đến đây thì tôi biết là có sự hiểu lầm về cách dùng từ giữa người Úc và người Mỹ.
Sau đó, tôi còn khám phá ra nhiều khác biệt giữa người Úc và người Mỹ về cách dùng từ khác nhau để chỉ một hoạt động tương tự. Chẳng hạn như nghề làm đồng xe, người Mỹ gọi là "Body work", trong khi đó người Úc gọi là "Smash repair"; về luật nhường đường trong giao thông, người Mỹ dùng chữ "Yield", nhưng người Úc dùng chữ "Give way"; v.v... Qua một thời gian ngắn tiếp xúc với địa phương, tôi càng thận trọng hơn trong việc dùng từ khi giao tiếp với người Mỹ, và tôi cũng bắt đầu nghi ngờ về điều mà tôi nghĩ là tôi khá rành về họ, nhưng trong thực tế, tôi lại thấy kiến thức của mình về văn hóa Mỹ có vài lỗ hổng.
Đối với tôi, Mỹ là một nước mà tôi "ghét để thương". Tôi ngưỡng mộ sự thành công của nước Mỹ và tinh thần làm việc của người Mỹ. Có lẽ tôi nói ra cũng bằng thừa, nước Mỹ vẫn là xứ sở của cơ hội, là miền "đất hứa" để những ai có thực tài thi thố tài năng. Tôi thấy ở Mỹ ai cũng có cơ hội để thành công, miễn là phải chịu khó. Hệ thống tài trợ cho nghiên cứu khoa học của Mỹ khá công bằng (và chắc chắn là công bằng hơn hệ thống ở Úc), và thể loại tài trợ cũng cực kỳ phong phú và có thể nói là số một trên thế giới. Mỹ có đủ loại chương trình tài trợ cho nhiều giới nghiên cứu ở nhiều đẳng cấp khác nhau. Nước Mỹ biết dùng người có tài và sẵn sàng nâng đỡ người chịu khó làm việc, học hành. Hãy so sánh một trường hợp tiêu biểu về sự nghiệp của một anh sinh viên mới tốt nghiệp tiến sĩ ở Pháp hay ở Úc và đồng nghiệp của anh ta ở Mỹ. Ở Pháp hay Úc, anh nghiên cứu sinh này sẽ phải "lận đận lao đao" trong nhiều năm làm hậu tiến sĩ (Post-doctoral research) trước khi trở thành một nhà nghiên cứu độc lập hay có thể chỉ huy một nhóm nghiên cứu; ngay cả khi trở thành độc lập, anh ta sẽ phải vô cùng gian nan trong việc xin tài trợ, vì phải cạnh tranh với những người cao cấp hơn (như thầy của) anh ta. Trong khi đó ở Mỹ, đồng nghiệp anh ta, chỉ sau một hay ba năm [hay thậm chí không qua năm nào] làm hậu tiến sĩ, đã trở thành giáo sư và được nâng đỡ và tài trợ để trở thành một nhà khoa học độc lập!
Vì thế, không ai phải ngạc nhiên khi thấy nhiều nhà khoa học trẻ có khả năng ở các nước Âu, Á và Úc châu đều tranh nhau đi Mỹ làm việc. Ở hầu như trung tâm nghiên cứu nào của Mỹ đều có sự hiện diện của các nhà khoa học gốc Trung Quốc, Ấn Độ và Âu châu. Có nhiều người sang đây làm việc cho Mỹ với một đồng lương rất thấp. Tôi biết nhiều trường hợp mà các nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ ở các trường đại học hàng đầu như Yale, Harvard, Princeton, Comlumbia, v.v… chỉ được trả khoảng 25 tới 30 ngàn đô-la hàng năm! Nhưng họ vẫn vui vẻ làm việc. Những người này đã góp một phần lớn đưa nước Mỹ vào vị thế siêu đẳng trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật ngày nay. Trong vài thập niên gần đây, các nhà khoa học Mỹ đã mang về cho nước họ khoảng 60% các giải thưởng Nobel về khoa học và kinh tế học (so với 15% những năm trước 1945). Thành tích này có một sự đóng góp lớn của các nhà khoa học nước ngoài nhưng làm việc ở Mỹ. Ngay cả ngày nay, mặc dù đã ở vào vị thế vô đối thủ trong khoa học, Mỹ vẫn có chính sách ưu tiên cho nhập cư người có tài từ các nước trên thế giới.

Mỹ là một nước đa quốc gia; Mỹ có đầy đủ những cái xấu và cái đẹp của thế giới. Bên cạnh những bộ óc siêu việt cũng có những con người ù lì nhất thế giới; ngoài những sinh viên sáng dạ nhất cũng có nhiều sinh viên làm con toán phân số không rành; bên cạnh những người Mỹ tử tế cũng có những con người kỳ thị khủng khiếp ... Nếu phải minh họa đạo lý nước Mỹ bằng một biểu đồ, tôi đoán rằng biểu đồ đó sẽ có hình cái chuông: số lượng người xấu xa ở phía bên trái sẽ tương đương với số lượng người tuyệt vời ở phía bên phải, và phần đông những con người bình thường dễ mến sẽ nằm chính giữa của biểu đồ.
Hơn mười lăm năm ở Úc, một nước có tiếng kỳ thị chủng tộc, tôi chưa bao giờ gặp một thái độ phân biệt chủng tộc nào rõ ràng; nhưng một thời gian ngắn ở Mỹ lại cho tôi "nếm mùi" phân biệt đối xử qua một kỷ niệm nhỏ. Một hôm, tôi đi thăm một anh bạn người Mỹ ở thành phố Detroit (Michigan), nơi mà 90% dân số là người da đen (hay nói cho đúng hơn là "người Mỹ gốc Phi châu".) Tôi và anh bạn lái xe đến một quán ăn McDonald; sau khi đặt mua vài món ăn trưa và trả tiền ở quầy tính tiền, tôi lái đến quầy khác để nhận thức ăn, nhưng chờ cả 5 phút mà chẳng thấy ai phục vụ, trong khi đó phía sau xe tôi có cả 5 chiếc xe khác đang chờ. Anh bạn tôi thúc giục tôi phải rời ngay kẻo sẽ gặp trở ngại! Tôi không hiểu gì, nhưng thấy nét mặt anh ta nghiêm trọng hối thúc, nên tôi cũng đành phải rời quán. Anh ta thản nhiên giải thích rằng có lẽ nhân viên thấy anh là người da trắng nên họ không muốn phục vụ! Trong khi tôi tiếc vì đã mất toi cả mười đô la mà bụng thì đói meo, anh bạn tôi lại không hề tỏ ra một lời nói tức giận hay một cử chỉ hằn học. Dường như đó là một điều anh ta thường hay gặp phải. Tôi hy vọng và tin rằng đó chỉ là một trường hợp biệt lập, và tôi tuyệt nhiên không có ý ám chỉ nó đại diện cho sự tương giao giữa hai sắc dân Trắng - Đen ở nước Mỹ. Trong thực tế, tôi có nhiều đồng nghiệp người da trắng và chưa ai trong họ có thái độ hay lời nói để tôi có thể cho là "kỳ thị chủng tộc". Hay là họ biểu lộ ở một mức độ tinh tế hơn chăng"
Nhưng tôi thấy một số chính khách người Mỹ thật khó ưa. Trong một bài diễn văn đọc ở tiểu bang California, Ronald Reagan, nguyên tổng thống Mỹ, đã tả Mỹ như là "... một quốc gia do thượng đế ban cho, nằm giữa hai đại dương; một căn nhà sáng chói trên đồi, một ngọn hải đăng soi sáng cho cả thế giới." Hình như có một số người Mỹ suy nghĩ như trên, nên họ tự cho mình cái quyền làm cảnh sát viên quốc tế. Tôi đã thấy các thượng nghị sĩ, lãnh đạo chính trị và giới truyền thông Mỹ bàn luận với nhau trên ti-vi về phương cách trừng phạt nước này, cách thức trừng trị nước kia, bế môn tỏa cảng nước nọ, v.v. làm như thế giới này nằm dưới quyền điều khiển của Mỹ! Đành rằng Mỹ là một lãnh tụ của Thế giới Tự do (và họ xứng đáng ở vai trò này), nhưng tôi vẫn nghĩ thái độ của một số chính khách Mỹ không tương xứng với tầm vóc quốc gia của họ.
Người Mỹ còn có khuynh hướng áp đặt cách làm của mình lên người khác. Có một lần tôi nhờ một số đồng nghiệp kiểm tra và phê bình một bài báo khoa học do tôi viết. Trong số các đồng nghiệp đọc và góp ý, tôi để ý thấy có một anh giáo sư nhận xét rằng bài báo có nội dung hay, nhưng có vấn đề về chính tả và cách dùng từ Anh ngữ. Theo anh giáo sư này, những chữ trong bài báo như haematology, epidemiological, specialisation, gender, v.v… là sai chính tả hay sai cách dùng từ (2). Tôi gặp riêng anh ta và giải thích rằng đây là cách đánh vần và dùng chữ của người Úc và người Anh, chứ không phải là tôi đánh vần sai. Dù anh ta lịch sự nghe tôi giải thích, nhưng qua ngôn ngữ thân thể của anh, tôi biết anh ta vẫn không hài lòng. Mà cũng đúng thôi: những tạp chí khoa học ở Mỹ bắt buộc tác giả phải đánh vần và dùng Anh ngữ theo người Mỹ. Nếu tác giả không làm theo yêu cầu này, các chủ bút sẽ tự biên tập lại cho đúng với qui định của tạp chí. "Nhập gia tùy tục," tôi thầm nghĩ, và từ đó tôi chứng minh cho đồng nghiệp thấy là tôi cũng biết tự mình thích nghi với môi trường mới.
Mỹ có lẽ là nước giàu nhất thế giới (hay là một trong những nước giàu nhất thế giới). Có lẽ nhận thức được vị trí này, một số người Mỹ tỏ ra rất "gung ho" và có lối suy nghĩ ngạo mạn, tự phụ. Đối với họ, Mỹ là cái nôi văn minh của nhân loại; mọi thứ đều xuất phát từ Mỹ, và thế giới đang hưởng ân huệ của Mỹ; chỉ có Mỹ mới là nước mà tự do và phẩm giá cá nhân được tồn tại và bảo đảm. Có lẽ vì không chịu mở tầm mắt nhìn ra thế giới bên ngoài nước Mỹ, nên một số không ít người Mỹ thiếu kiến thức căn bản về thế giới chung quanh họ.
Điều khá thú vị là thái độ Mỹ-là-số-một này cũng có trong cộng đồng người Việt ở Mỹ. Đối với một số đồng hương, Mỹ là một thiên đàng hạ giới, là anh hùng chuyên đi cứu người độ thế; chính sách của Mỹ là đúng, là ưu việt; ý tưởng của Mỹ là chân lý soi đường cho cả thế giới phải noi theo. Ai không làm theo Mỹ là sai, là vô chính thống. Họ tin tưởng vào Mỹ đến nổi phản lại luôn cả những truyền thống dân tộc. Tôi đã gặp một số bạn bè, những người khuyến khích con mình ly khai với những truyền thống văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam. Họ sống [hay cố gắng sống] như những người Mỹ bản xứ, không muốn có gì liên hệ với Việt Nam và truyền thống dân tộc.
Một hôm, tôi ghé thăm gia đình một người em họ ở San Diego, và có dịp trò chuyện cùng một đứa cháu gái mới 12 tuổi. Sau khi phỏng vấn tôi về nước Úc và người thổ dân ở đó, cháu phát biểu tỉnh queo, bằng tiếng Anh: "Oh well, why should I know other countries, America is number one anyway." Có lẽ vì cái tâm tính này được hun đúc từ trong nhà trường ngay từ lúc còn nhỏ tuổi, nên khi lớn lên, nhiều người Mỹ nhìn các quốc gia khác với một sự khinh miệt. Một lần khác, tôi đi dự một buổi tiệc ở gia đình một anh bạn tại Ohio, các anh bạn người Mỹ gốc Việt đều đồng ý rằng nước Đức quá "lạc hậu" đến nổi dân chúng ở đó không biết dùng thẻ tín dụng (credit cards)! Tôi tưởng mình nghe lầm. Nhưng không: họ nhắc nhắc lại cái điệp khúc cực kỳ vô lý đó, và hỉ hả kết luận rằng trên thế gian này chỉ có Mỹ là nước văn minh nhất. Điều làm tôi kinh ngạc hơn là các anh này đều có trình độ học vấn đại học!
Nhớ lại tuần đầu tiên làm việc, theo thông lệ của khoa y, người mới được bổ nhiệm "faculty" như tôi phải trình bày về quá trình nghiên cứu và chương trình hành động của mình trong tương lai bằng một bài nói chuyện cho các giáo sư khác trong khoa. Sau khi xong bài nói chuyện và trong giờ giải lao, một anh giáo sư tương đối trẻ đến bên tôi nói vài câu khen ngợi xã giao, và anh ta nói: "Anh nói tiếng Anh thạo lắm!" Tôi hơi ngạc nhiên về câu bình phẩm này, nên trả lời: "Cám ơn anh, nhưng tôi đến từ Úc mà!" Anh ta hỏi tiếp: "Ủa, ở Úc người ta nói tiếng Anh sao"" Tôi vô cùng ngỡ ngàng trước câu hỏi rất thành thực này! Người Mỹ, và nhất là giới khoa bảng Mỹ, đã bao năm đi truyền bá kiến thức khoa học, kỹ thuật trên khắp thế giới, vậy mà trước mặt tôi là một anh giáo sư có vẻ không hiểu biết gì về một nước đồng minh thân thiết của Mỹ. Tôi tự hỏi người Mỹ quá vô tư hay quá thờ ơ với thế giới chung quanh mình" Không hẳn như thế. Qua nhiều tiếp xúc với các đồng nghiệp ở nhiều tiểu bang trong nước Mỹ, và có dịp so sánh, tôi nhận ra rằng người Mỹ ở hai bên bờ duyên hải Đông và Tây có kiến thức về thế giới phong phú hơn những đồng hương của họ ở các tiểu bang miền Trung Tây hay Nam nước Mỹ.
Tuy nhiên, tôi vẫn tìm thấy ở người Mỹ nhiều đức tính mà tôi rất nể phục. Qua làm việc với người Âu Mỹ, tôi có một nhận xét chung là người Mỹ nói chung không thông minh hơn người Việt chúng ta, và chắc chắn là không kiên nhẫn chịu khó làm việc như chúng ta. Câu hỏi cần được đặt ra là tại sao họ lại xây dựng được một quốc gia hùng mạnh, tiên tiến như hiện nay. Tôi biết trả lời câu hỏi này cần đến cả trăm pho sách để phân tích cho đầy đủ. Nhưng qua kinh nghiệm cá nhân tôi thấy cái tinh thần làm việc của họ rất đáng học hỏi. Người Mỹ tuy không thông minh hơn ta, nhưng họ có tinh thần khai phá và nhiều ý tưởng táo bạo hơn ta. Hơn nữa, họ có một hệ thống hùng hậu sẵn sàng hỗ trợ cho những ý tưởng táo bạo này. Hệ thống đó sẵn sàng đầu tư vào những nghiên cứu mà họ biết là nửa thành công, nửa thất bại. Ngược lại, phần lớn người Việt chúng ta có tính an phận, theo đường mòn, không thích mạo hiểm, không thích cấu trúc lớn, mà chỉ thích với những cái tầm thường, chóng giải quyết.
Họ còn có tinh thần làm việc cực kỳ nghiêm túc mà ngay cả người Úc cũng chưa chắc hơn. Người được giao trách nhiệm rất quan tâm đến việc hoàn tất công việc của mình một cách mỹ mãn. Đọc qua những đơn xin tài trợ nghiên cứu của Mỹ cho tôi thấy họ có một lối suy nghĩ rất thực tiễn và mỗi khi làm chuyện gì họ đều suy nghĩ cẩn thận từ đầu cho đến cuối một cách cụ thể. Lần đầu viết đơn xin tài trợ, tôi bị đồng nghiệp phê bình là quá chung chung; họ yêu cầu tôi phải vạch ra một kế hoạch và phương pháp làm việc cực kỳ chi tiết và phân tích điểm mạnh, điểm yếu của từng bước. Điều này giải thích tại sao nhiều công trình nghiên cứu của họ có phẩm chất cao.
Người Mỹ không quá đặt nặng vấn đề lí lịch như chúng ta hay phân biệt "phe này, phe kia". Trong một nhóm làm việc, những người có thể khác chính kiến nhưng sẵn sàng làm việc chung để đạt được một mục tiêu chung. Họ có thể cãi cọ rất hăng và thậm chí dùng cả tay chân trong khi tranh luận, nhưng họ cũng biết lắng nghe ý kiến của nhiều người khác nhau và không thích hơn thua nhau những điều nhỏ nhặt, vụn vặt. Họ tranh luận bằng sự thực, bằng lý trí chứ không bằng cảm tính như chúng ta. Điều quan trọng là họ sẵn sàng nhường nhịn để đạt đến một thỏa hiệp chung. Và, khi đã có một quyết định, mọi người phải gác bỏ lại những bất đồng ý kiến để cùng nhau làm việc.
Người Mỹ cũng không hay phô trương như người Việt chúng ta. Phần đông họ âm thầm làm việc. Họ không quan tâm đến những danh xưng phù phiếm, nhưng nghĩ nhiều về lợi ích cho cộng đồng chung. Ngược lại, phần lớn các nhà trí thức Việt ta tuy không có cống hiến gì đặc biệt và thường rất khiêm tốn trên trường quốc tế; nhưng khi về lại với cộng đồng, họ lại rất hăng hái kể công, và khệnh khạng với bằng cấp, chữ nghiõa, hù dọa bắt natï đồng hương kém may mắn hơn họ. Một số người, do thiếu kinh nghiệm trong hoạt động khoa học hoặc do hám danh, đã tự họ quảng cáo một cách hết sức ngô nghê. Những quảng cáo như "Người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp …" hay "Người Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm chức …" thực ra chẳng có ý nghĩa gì, nếu không muốn nói là rất khôi hài. Ngoài ra, còn có nhiều người, do không thông thạo các tổ chức khoa học hay cố tình lòe đồng hương, bằng các danh xưng như "viện sĩ" Viện Hàn lâm Khoa học New York, hay "có tên trong" các cuốn danh bạ kiểu "Who is Who in the World". Thực ra, bất cứ ai, kể cả sinh viên, cũng có thể trở thành viện sĩ hay có tên trong các cuốn sách loại này nếu họ phải trả một lệ phí hàng năm. Nó chẳng phải là một danh dự, càng không phải là chứng nhận về sự thành đạt trong hoạt động khoa học.
Thực vậy, những năm còn ở trong nước, tôi đã đọc nhiều bản tin về sự thành công vượt bực, và có khi phi thường, của người Việt hải ngoại. Tôi đã từng nghe nhiều mẩu chuyện về những đóng góp quan trọng trong y khoa, khoa học không gian, toán học, vật lý học, v.v... mà lấy làm tự hào cho người Việt mình lắm. Nhưng khi ra nước ngoài, có cơ hội tìm hiểu, đối chiếu trong kho tàng khoa học thế giới, tôi mới biết phần lớn những mẩu chuyện mình từng nghe biết ngày xưa quả đúng là những … huyền thoại hoang đường. Theo tôi, những cống hiến của các nhà khoa học gốc Việt cho khoa học thế giới còn rất khiêm tốn. Cho tới nay, mặc dù cũng có vài nhà khoa học gốc Việt rất sáng giá và uy tín trên thế giới trong các ngành nghiên cứu hẹp, nhưng theo tôi biết, vẫn chưa có người nào được bầu vào các hàn lâm viện ở Mỹ, Úc hay chiếm các giải thưởng lớn như giải Nobel và Field Prize (trong toán học). Theo tôi biết, chưa có khám phá nào của người Việt Nam được xem là có tầm cỡ quốc tế hay có giá trị thương mại lớn. Trong hoạt động khoa học, số lượng những bài báo đã được công bố trên các tạp chí khoa học thường được xem là một trong những chỉ số về năng suất nghiên cứu và một thước đo về sự cống hiến cho kiến thức nhân loại. Theo ước tính của tôi, trong suốt 25 năm qua, các nhà khoa học gốc Việt ở hải ngoại đã cống hiến khoảng 14,000 bài báo khoa học trên các tạp chí y khoa, hóa học và sinh học. Nếu đem con số này so với số lượng của cả nước Thailand (5200), Mã Lai (2100) hay Singapore (6900) thì đây là con số không nhỏ, nhưng nếu so với các cộng đồng sắc tộc khác như người Trung Quốc, Nhật, Đại Hàn, Ấn Độ, v.v. thì con số này còn rất khiêm tốn. Chúng ta còn nhiều điều phải học từ người Âu Mỹ, và còn nhiều vấn đề phải tự mình khắc phục.
Theo một thống kê mới đây được nhà nước Việt Nam công bố, có khoảng 2 triệu rưởi người Việt hiện đang sống rải rác trên toàn cầu. Trong số này, có khoảng 300 nghìn người có tay nghề cao hay trình độ đại học trở lên. Đây là một con số không nhỏ, nếu so với con số một triệu ở trong nước. Có người đã lạc quan cho rằng lực lượng trí thức hải ngoại này có thể chấp cánh cho Việt Nam bay vào thế kỷ 21 cùng với các nước trong vùng. Nếu chỉ đọc qua những bản tin về sự thành công của giới trí thức gốc Việt ở hải ngoại thì sự tin tưởng trên cũng có cơ sở. Nhưng theo kinh nghiệm cá nhân, tôi lại thấy đó chỉ là ảo vọng. Tôi thấy cần phải cảnh giác những bình phẩm có tính cách tự cao tự đại như người Việt Nam ta hiếu học, học giỏi, thông minh, v.v. Trong thực tế, học lực của phần đông học sinh gốc Việt Nam chỉ ở mức độ trung bình, thậm chí dưới trung bình. Tôi đã thấy nhiều sinh viên Việt Nam gặp khó khăn và cũng khốn đốn "vật lộn" để thi đỗ vào các trường đại học ở Úc và Mỹ. Người Việt ta chưa chắc đã hiếu học, nhưng chắc chắn là hiếu bằng cấp, hơn các dân tộc khác. Thực ra, ở các nước Tây phương, học hành ra trường để có một mảnh bằng là một việc không khó, nhưng trở thành xuất sắc là việc không dễ chút nào. Và cũng theo kinh nghiệm cá nhân, tôi có cảm giác rằng sinh viên gốc Việt cũng không có gì gọi là xuất sắc trong học hành hay nghiên cứu so với sinh viên người bản xứ. Có người đạt được những thành tích vượt bực trong khi còn đi học, nhưng khi tốt nghiệp lại không có đóng góp hay sáng kiến gì đặc biệt hay đáng kể.
Tuy nhiên, con số người Việt có trình độ khá cao còn nhắc nhở ta một điều quan trọng là môi trường học tập và làm việc cực kỳ quan quan trọng. Có thể nói những người Việt tỵ nạn như người đang viết bài này là những người may mắn. Quá may mắn. Biết bao bạn bè tôi đã không may mắn: họ đã ngã gục trong chiến tranh, đã không có cơ hội theo học cho đến nơi đến chốn, đã phải chấp nhận cuộc sống gian khổ ở Việt Nam, hay đã bỏ mình trên biển Đông. Tôi vẫn tin rằng, những người bạn này và hàng triệu ngừơi Việt Nam khác, nếu có cơ hội và điều kiện học hành, một số họ đã là những ngôi sao trong trường khoa học thế giới. Cũng như cây cối, nếu không có môi trường tốt thì không thể nào sinh sôi nẩy nở được dù có di truyền tố (genes) tốt; người tỵ nạn chúng ta chưa chắc đã có được một cuộc sống ổn định hay một sự nghiệp tích cực như hiện nay nếu không có được sự hiếu khách của các nước như Mỹ, Úc hay Gia Nã Đại. Thực vậy, tôi cảm thấy bên cạnh nỗi bất hạnh xa quê hương, tôi lại thừa hưởng nhiều đặc ân và gặp nhiều may mắn. Úc và Mỹ đã mở rộng cửa đón tôi, cho tôi cơ hội bình đẳng với công dân của họ hầu như trong mọi lĩnh vực, kể cả được giúp đỡ để theo học ở những trường mà tổ tiên của họ đã từng bỏ ra hàng trăm năm để gầy dựng. Họ khen ngợi khi tôi gặt hái chút thành quả. Họ chịu đựng và thông cảm khi tôi khác họ. Khi tốt nghiệp, tôi được khuyến khích, giúp đỡ để theo đuổi làm việc, nghiên cứu trong các lĩnh vực hàng đầu. Nói chung, tôi đã được thụ hưởng những cơ hội mà khi còn ở trong nước tôi chẳng bao giờ dám mơ tới. Với cách nhìn nhận như thế tôi mới thấm thía câu mà ông cha ta từng nói "Aên trái nhớ kẻ trồng cây". Dù Mỹ hay Úc vẫn chưa phải là một nước hoàn toàn tốt đẹp, chưa phải là thiên đàng (và tôi nghi ngờ là chẳng bao giờ có thiên đàng), nhưng người tỵ nạn chúng ta, như người đang viết bài này, vẫn có nhiều lý do để nghiêng mình thành thật cám ơn nước Úc và Mỹ cũng như người Úc và người Mỹ.
Một trong những quan điểm về con người mà tôi thích là ý niệm cho rằng con người chỉ là một chủ thể luôn phải gắn mình với một nơi chốn nào đó, luôn phải chứng kiến sự hiện hữu của mình bằng một gắn bó với một địa điểm cụ thể. Thực vậy, dù có xa Việt Nam bao lâu và có nhận Mỹ hay Úc như một quê hương thứ hai, thứ ba, tôi vẫn cảm thấy mình bị ràng buộc với nơi sinh ra một cách vô hình nhưng thánh thiện. Những năm tháng đầu xa quê hương, tôi không nghĩ là mình sẽ có dịp quay trở lại; thời gian cứ trôi qua và tôi cảm thấy mình càng xa quê hơn: Tôi nhìn dòng sông chẩy / Hai mươi lăm năm qua / Tôi nhìn đám mây nổi / Tôi trôi, tôi trôi xa. (3) Nhưng bao nhiêu năm "trôi giạt" ở nước ngoài tôi mới phát hiện một sự thực hiển nhiên rằng sự ra đi của tôi không phải để tìm cái quên hay sự chối bỏ quê hương, mà có lẽ là bắt đầu cho một lần trở về tốt hơn. Nhưng ngày đó ắt hẳn tôi đã là một người luống tuổi, quấn khăn đi ngược lộ trình quá khứ tìm kiếm lại tuổi thơ mình đã đánh mất: Chẻ đôi sông, núi: kênh mương cạn / Đêm quấn khăn vào sâu ấu thơ / Chẻ đôi thân thế: mù tâm tích / Ta nghĩa trang nào" - chôn cất nhau". (4) Nghĩa trang nào" Một lần lênh đênh nguồn cội, tôi mới nghiệm ra rằng tôi là ai, nơi chốn của tôi là chỗ nào. Với tôi, cái địa điểm cụ thể đó là Việt Nam.

NGUYỄN DUY KHIÊM
(Trích Báo Xuân Việt Báo Tết Tân Tỵ, 2001)


Chú thích:
1.Endocrinology.
2.Người Mỹ thường đơn giản hóa những chữ có gốc Hy Lạp: ae thành e (như haematology thành hematology); bỏ al trong một số tính từ (như epidemiological, biological thành epidemiologic, biologic). Những động từ hóa từ danh từ người Anh dùng s nhưng người Mỹ dùng z (như specialisation thành specialization).
3. 3. Trích từ bài thơ "Hai mươi lăm năm qua" của Trần Mộng Tú (Tạp chí Văn học, California, 2000).
4.Trích từ bài thơ "Khúc hạnh tuyền, núi sông" của Du Tử Lê, trong "Du Tử Lê: tác giả và tác phẩm, tập III", Nhà xuất bản Nhân Chứng, California, 1998, trang 292.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,271,399
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến