Hôm nay,  

Thanksgiving

13/03/200100:00:00(Xem: 175516)
Bài tham dư ïsốï: 184-VB1124


Đối với người Mỹ và nhất là giới Y khoa, mổ tim là một sự tiến bộ của khoa học mỗi ngày một hoàn hảo thêm.

Riêng đối với tôi, sau 30 năm trong Quân Đội (Pháp 10 năm rồi VNCH 20 năm), gần 13 năm lao tù CS, 5 lần mổ ở VN (2 lần vì chiến thương) và 2 lần mổ về hernia ở Mỹ (1992), thì lần mổ thứ 8 rồi thứ 9 này, trong tháng 9 năm 1994, như là một câu chuyện thần thoại, mà nếu như hôm nay, đã 6 năm qua, không sờ thấy các vết sẹo dài ở ngực, ở bụng và hai đùi, và qua cả 3 tháng nằm yên, nhúc nhích không được (kể cả 15 ngày nằm bệnh viện SAN JOSE Medical Center-SJMC), thì khó mà chứng minh, để rồi vinh danh, rằng khoa học y tế Hoa Kỳ quả thật là siêu quầnbạt chúng.

1. Sự may mắn do Ơn Trên

và tài năng của các Bác Sĩ

Như từng kể lại cho thân nhân và bạn bè xa gần, luôn luôn Tôn xin cảm tạ Ơn Trên đã cứu mạng cho Tôn vào Mùa Thu 1994, như cách đây 28 năm.

Trời đã cứu mạng cho Tôn sau trận xáp lá cà DAKTO/ TÂN CẢNG tháng 4/1972, với 15 ngày Tôn vừa bị thương, vừa đơn độc trốn lánh thành công một cách kỳ diệu (miraculour escape) trong vùng rừng núi KONTUM (Bắc Cao Nguyên VIỆT NAM)

Sức người chỉ có hạn không có Ơn Trên che chở và phù hộ, thì, con ngừời khó có khả năng tồn tại. Ơn Trên cũng đã đáp ứng lời cầu xin tha thiết và chân thành của vợ con Tôn, trong các thời điểm nguy hiểm ấy.

Câu chuyện này đã quá 6 năm rồi, nhưng Tôn vẫn nhớ "như là hôm qua." Hôm ấy, 5/9/94 là ngày lễ Lao Động (Mỹ), Tôn nhận thấy đau ran ngực. Nhớ lại thời gian, sau ngày 30 tháng 4 đen, Tôn ở tù CS tại Thượng Du Bắc Việt rồi tại Trại THANH PHONG (Cựu Bắc Trung Việt, sát biên giới VIỆT-LÀO), Tôn bị nhốt chung cùng các vị lãnh đạo Tôn giáo. Lâu lâu, Tôn bị đau ran ngực, và hể mỗi lần thấy như thế, Tôn lại được Hòa Thượng Thích Thiện Chánh (tức là thầy Đặng Minh Tâm, tuyên úy Phật giáo TTHL. Quang Trung và là trụ trì chùa Thới Hòa ở quận Gò Vấp, bạn của em trai của Tôn, nay đã viên tịch ngày 5/12/96 sau khi được thả về), hoặc thầy Thích Nhiên Nhẫn (võ sư đai đen, môn đệ của Thượng Tọa Thích Hộ Giác) cạo gió rồi bầu giác, thì được "thông" các huyệt mạch.

Ngày kế tiếp, Tôn nhờ người bạn là Đông Y sĩ Mạc Đìa (1994 có phòng mạch tại Đường số 10, nay dọn về 1059 E. Capitol Expwy tại ngã tư Mc Laughlin và Capitol Expwy) châm cứu, và Y sĩ Mặc Đìa dặn Tôn nên đi đo Cholesterol lại.

Sáng 9/9/94, Tôn đến gặp B.S gia đình là nữ B.S Nicole Thái Hồng Phương tại phòng mạch số 2451 S. King Road (đối diện chợ LIONS):

- "Thưa BS, đáng lẽ tôi đến khám định kỳ sáng 24/2, nhưng hôm nay, tôi đau ran ngực quá, xin BS cho khám trước ngày hẹn."

"Mời Bác nằm xuống, tôi đo cho Bác."

Và, ngày sau đó, BS. Phương gọi liền cô phụ tá Cao Anh Thư và bảo:

- "Thư, em bấm ngay 911 cho chị"

- "Ơ kìa, tôi có gì đâu mà BS cho bấm 911" (Tôn cự nự)

Xe cứu thương đến ngay phòng mạch BS Phương với toán cấp cứu 1 nam 1 nử Mỹ và họ chích 1 mũi thuốc (ngủ) cho Tôn.

Trên đường xe đưa vào bệnh viện, thuốc ngấm, và Tôn ngủ...(rồi khi tỉnh dậy là đã...2 ngày sau).

Sự cấp cứu thật nhanh chóng và nhập viện rất kịp thời (theo BS.K.G ROMINE, Trưởng Khoa giải phẫu ở SJMC, thì Tôn "chỉ có 15 % sống thôi"). Một may mắn khác là được BS Nguyễn Xuân Ngải là bác sĩ định bệnh rất giỏûi của SJMC (theo lời B.S Phương, thì BS. Ngãi "rất aggressive") đã cấp tốc cứu xét trường hợp của Tôn (trước khi BS đi công tác ở Texas) và BS. Romine, BS giải phẫu tim danh tiếng của SJMC và Bắc Cali, đã mổ tim liền cho Tôn. Nên kể thêm sự đóng góp quý báu của các nam nử Bác Sĩ, các chuyên viên gây mê, các nam nữ y tá Mỹ và Mễ (lúc ấy chưa có V.N).

2. Tìm hiểu nguyên nhân

và triệu chứng

Tôn nhớ lại: mãi đến năm 1984, sau 9 năm bị CS hành xác trong 14 trại lao động khổ sai ở Thượng Du Bắc Việt và Thanh Hóa (gần biên giới Việt-Lào), Tôn bị sưng các giây chằng bên trái (ta thường gọi là ét-ni, hernia). Nghe lời bạn bè, Tôn xin gia đình tiếp tế cho được 2 guigoz "mỡ sa" (sau khi CS cho tiếp tế, từ 1979) mà theo họ "nuốt mỡ sa, sẻ hết sưng ét-ni". Kết quả, giây chằng mỗi ngày một sưng lớn, như một cái hột gà.

Năm 1989, sau khi ra khỏi tù, Tôn phải mổ hernia tại bệnh viện An Bình (do BS. Giao, một quân y sĩ VNCH cũ mổ) và qua tới Mỹ, phải mổ lại 2 lần cả hai bên, trái rồi phải (1992), do BS. Phương giới thiệu qua BS. Gartland, trưởng khoa giải phẩu của bệnh viện Alexian Brothers.

Phải chăng, không tống được mỡ ra ngoài, mà lần hồi, mỡ đã bọc quanh tim, làm cho cholesterol "cao", mà không hay biết" Lâu lâu "đau ran ngực" mà cứ tưởng là "bị trúng gió".

Bạn bè cũ đã vĩnh viễn nằm xuống tại VN, sau ngày ra tù CS, điển hình là các Đại tá Nguyết Viết Đạm (Tư lệnh SĐ.25), Hồ Tiêu (CHT/LLĐB), Trần Văn Hào (CHT/Pháo Binh SĐ.18), Trần Mông Chu (Chánh Tòa Án Quân Sự)v.v. đều bị tim mà cứ tưởng là "trúng gió". Bởi vậy, mỗi người trên 50 tuổi và các bạn cao niên từ 70, nên theo dõi cẩn thận mức độ Cholesterol của mình.

Cholesterol là từ ngữ y học chỉ 1 trong các chất béo- lipid- có thể gây rất nhiều tổn thương não, động mạch vành tim, và thận. Thức ăn có cholesterol nhiều, là óc, trứng, tôm, cua, bơ. Theo sự lưu ý của Bác Sĩ, thì, chỉ số cholesterol các loại trong máu được đo bằng đơn vị miligram (mg) trên phần deciletre (dl) máu.

Rất tốt. Báo động Nguy hiểm Tổng số cholesterol Dưới 200mg/dl 200-240 mg/dl Trên 200 mg/dl HDL cholesterol (lành) Trên 45 " 35-45 " Dưới 35" LDL cholesterol(xấu) Dưới 130 " 130-160 " Trên 160"

Mỗi 2, 3 năm nên đo 1 lần, và thường xuyên, khi cholesterol lên "cao" HDL là "lành" đưa cholesterol vào gan, rồi được thải ra khỏi cơ thể, do đó, làm bớt mỡ lưu thông trong máu và làm giảm nguy cơ về tim. LDL là "xấu" lởn vởn trong máu và tăng gia sự đóng bựa (plâtre) ở thành động mạch.

Hồi tháng 11/94, trong số sách báo được đọc, giới y học Hoa Kỳ cho biết là tất cả các con động vật đều bị cholesterol, ngoại trừ con thỏ, bởi vì con thỏ ăn và thích ăn cà rốt. (Đó là mẫu tin hay, chỉ tiếc là Tôn biết quá chậm, khi đã bị mổ tim rồi)

3 Cuộc giải phẩu:

Sáng 9/9/94, khi Tôn được nhập viện SJMC thì cholesterol là 240 mg/dl, và đã có 2 động mạch bị nghẹt.

BS. Romine cho xẻ và lấy liền 2 động mạch ở 2 bên háng (sẹo trái dài 20 cm, sẹo phải dài 27 cm) đến gần đầu gối. Cưa lồng ngực bằng kéo laser, vết sẹo dài 16 cm (open heart). Đưa trái tim ra ngoài, nối liền với 2 động mạch "mới" đem từ háng lên, và sự tuần hoàn của tim được lưu thông lại. May mà Tôn không bị tiểu đường.

Viết lại, thấy rất đơn giản. Thực tế, đây là một cuộc phẩu rất kỳ diệu kéo dài trên 6 tiếng rưởi đồng hồ, mà Tôn được đánh mê từ trưa 9/9/94 đến chiều tối 10/9/94 mới tỉnh dậy.

Và Tôn đã thấy liền nụ cười hiền từ và dịu dàng của Cát Vàng, người bạn đời chính chuyên và chung thủy đã 50 năm nay, người mà "công dung ngôn hạnh" thật là tuyệt vời...

Cùng lúc ấy, tiếng reo của BS. Phương: "À, Bác đã tỉnh rồi! Perfect!" Năm đó, Tôn đã 70 ta.

Một tuần lễ đã qua, thân nhân, con cháu lớn nhỏ và bạn bè liên tiếp thăm Tôn, lúc ấy, với dây nhợ chằng chịt, đang hồi sinh....

Rồi, sáng sớm 17/9/94, khoảng 2,3 giờ sáng gì đó, khi Tôn đang thiếp ở I.C.U (Intensive Care Unit, phòng chăm sóc đặc biệt) nghĩa là có 1 y tá túc trực 24/24 giờ ngay trước giường Tôn cạnh 1 máy theo dõi tình trạng bệnh nhân, thì, cô này phát giác tim Tôn ngừng đập! Biến cố này không rõ là bao lâu, chỉ biết rằng khi Tôn vụt tỉnh dậy, thì thấy có rất nhiều nữ Bác Sĩ và nử y tá (Mỹ/Mễ) ở quanh....(vừa mới hoàn thành cấp cứu bằng electro-choc). Tôn liền hỏi "what happens" và được y tá cho biết là "vừa qua nguy hiểm."

Cũng như mọi ngày, vợ con Tôn vào túc trực cạnh giường Tôn từ lúc 7:00 sáng cho đến 8:30 tối mới về. Thời gian ấy, tội nghiệp cho Cát Vàng, vất vả và mệt mỏi, vừa lo cơm nước cho 7 con cháu, vừa vào bệnh viện với Tôn.

Tôn kể lại câu chuyện lúc 2, 3 giờ sáng, giống như miracle, thêm chi tiết kỳ lạ là, trong lúc Tôn mê man, thì trong trí óc của Tôn, Tôn thấy hiện ra:

- Phía trái Tôn, hình ảnh Đức Phật từ bi, với rất nhiều hào quang, - và phía ngay trước mặt Tôn là đôi mắt hiền dịu của Cát Vàng, trong chiếc áo veston nỉ đỏ, trên sơ mi trắng.

Sự trùng hợp được ghi nhớ mãi là, sau 1 tuần lễ nằm viện, khi thấy Tôn đã khỏe, Bác Sĩ định cho xuất viện và dặn Cát Vàng đem áo quần vào cho Tôn, thì cả 2 lần, Cát Vàng lại quên. Đó là việc chưa từng có:

Tôn đã 5 lần mổ ở nhà thương Grall và Tổng Y Viện Cộng Hòa (lúc còn ở Việt Nam) mà không lần nào Cát Vàng quên áo Tôn cả. Thế mà lần này, tháng 9 năm 1994, quả là may mắn: nếu Tôn được xuất viện về nhà, rồi xảy ra trường hợp "bị đứng tim" thì, dù, có bấm 911, cũng không còn kịp nữa!

Ở I.C.U. trên nguyên tắc thì người đến thăm bệnh nhân chỉ được vào từng người một. Nhưng vì tình trạng bấp bênh của Tôn, mà BS Romine cho biết "chỉ còn 15% là sống thôi" nên bệnh viện SJMC đã thuận cho đông đảo thân nhân và bạn bè vào thăm, đôi lúc có cả 40 người chen chúc nhau trong phòng I.C. U này, nơi Tôn đang hồi sinh.

Chiều 17/9/94, Tôn được "cấy" máy trợ tim vào bụng (vết sẹo dài 14 cm). Nghe thì ngắn gọn, nhưng lần này cũng cả 4 tiếng đồng hồ, Viện phí tất cả là trên/dưới 120,000 USD (năm 1994) và may cho Tôn là được chương trình Medicare đài thọ.

4. Máy trợ tim:

Rất tối tân, loại cũ là pace maker. Trị giá là $50,000 USD. Lớn hơn hộp quẹt diêm chút đỉnh, nặng trên dưới 100gr, chạy bằng pin, cứ 5 năm thay một lần (tiểu giải phẩu). Tên kỷ thuật là A.I.C. D (Automatic Implantable Cardioverter Difitrillator: máy có thể cấy vào người để tự động gở các xơ gây rối) hoặc gọi là Cardioverter. Hồi tháng 6/95, trong buổi họp mặt của toàn bộ 26 người Âu, Á, Mỹ hiện sống tại San Jose và được gắn máy A.I.C.D thì Tôn là người Việt duy nhất (lúc ấy).

5. Tình trạng hiện tại

Đầu tháng 10/94, Tôn đến cắt chỉ tại phòng mạch của BS K.G Romine (ở 1570 Alameda, suite 324, San Jose), thì được B.S Romine tỏ lời khen: "Ông đã lớn tuổi rồi. Và tôi đã chứng kiến được sự "chống đỡ mãnh liệt của 1 chiến sĩ già để giành lại sự sống còn. "Ông đã thành công, ĐTá Tôn ạ! Congratulation!"

Trong suốt 3 tháng sau ngày mỗ, lồng ngực, chỗ bi cưa đôi, vẫn còn "nặng", và cứ mỗi lần ho hoặc hắt hơi, Tôn hãy còn "đau" lắm. Khi muốn trở mình cho đở mỏi, hoặc phải đi vệ sinh hoặc tắm, thì Cát Vàng lại tận tụy bên cạnh Tôn chứ Tôn không thể tự cử động cơ thể được. Thời gian lần hồi qua, giọng nói lần hồi đã bình thường trở lại, như BS Romine đã cho tôi biết: "phải 3, 4 tháng mới bình phục". Trọng lượng thân thể mới đây lấy lại được, lúc ấy, là 140 pounds, bởi lẽ khi được BS Nguyên Xuân Khải khám lần đầu, chiều 21/10/94 tại phòng mạch ở 398 E. Santa Clara (góc đường số 9-San Jose). BS có lưu ý nếu Tôn trở lại trọng lượng cũ (160 pounds) thì Tôn sẽ phải kiêng cữ (diet): tối đa không muối, không đường và không mở. Vậy, Tôn và nhất là Cát Vàng "phải hết sức cẩn thận chế độ ăn uống, "phải cố gắng giữ chỉ được 140 pounds thôi".

Lúc đầu là hằng tuần, rồi đến 2 tuần/một,rồi hằng tháng, Tôn phải đi kiểm soát sức khỏe tại phòng mạch của BS Ngãi. Đến tháng 3/95, Tôn đã coi như đã bình phục (sau 6 tháng nằm dài) lái xe như cũ, và cứ 6 tháng, BS Ngãi lại cho tôi đi thử máu tại Labo của SJMC ,tính đến tháng 10/2000: (Cholesterol là 196, HDL là 50 và LDL là 125). Về thuốc men thì BS Ngãi chỉ cho các loại nhẹ, chữa huyết áp cao như Norvasc, Atemodol và Zocor.

Trong 6 năm qua, tôi chỉ phải mổ thêm 1 lần nữa vào trưa 14/5/97, do BS Hossein Yazdy (có BS Khải Nguyễn phụ giúp) để thay pin cho máy A.I.C. D, và ngày 12/6/98 để BS Ngãi làm balloon và đặt cho 2 stent (lò xo cao su), giúp mở rộng động mạch bị nghẹt, mà khỏi phải làm by pass nữa.

Hiện tại, Tôn đã ăn uống bình thường và được phép giữ trọng lượng ở mức 150 pounds (tối đa). Đó là công lao quý báo của Cát Vàng, phụ giúp cho sự chăm sóc của BS. Ngãi.

Đi đứng và sinh hoạt bình thường. Nếu Tôn không cho biết là đã qua cuộc giải phẩu mầu nhiệm chết đi sống lại năm 1994, thì không ai biết rằng Tôn là người bị handicapped. Lúc xuất hiện, Bác Sĩ có cấp cho Tôn tài liệu về A.I.C.D, Tôn có các ý kiến sau:

1/ Tuyệt đối tránh xa các vật dụng có nam châm (magnet0 vì nam châm làm cho máy (đứng). Xin nhớ khi qua các chỗ kiểm soát bằng máy có nam châm (phi trường, các cơ quan công quyền có máy dò), nên xuất thẻ "có A.I.C.C" để được kiểm soát riêng rẽ và nhanh chóng.

2/ Tuyệt đối tránh xa các vị trí có điện cao thế (high tension)

3/ Hạn chế sử dụng Điện:

a/ "Phải" (chứ không phải là "nên" đeo găng tay để giữ "khoảng cách" với Điện và hạn chế sự "hút" của Điện vào người (bật/tắt contact trong nhà, bật/tắt TV, sử dụng micro, và lái xe hơi, điện thoại...)

b/ Tránh dùng thang máy (elevator) tại các siêu thị lớn, các bệnh viện, các thư viện. Nên dùng thang lầu (escalator).

5/ Qua nhiều trận mạc của 30 năm chinh chiến 1945-1975, Tôn đã rất "quen tai" với bom nổ đạn bay. Thế mà nay, tim lại không còn chịu được nổi tiếng trống và tiếng nhạc, được khuếch đại qua máy phát thanh của các dạ tiệc cưới, nhất là loại "nhạc giật".

30/4/75: Tôn đã adios Remy Martin, loại ruợu mà Tôn thích nhất khi còn trong quân đội (Pháp). Rồi cũng từ tháng 9/94, Tôn đành phải giã từ thêm luôn cả pipe và xì gà, sau trên 50 năm, đã "hun khói" vợ con.

Cũng như Tôn đã tạ ơn Trời Phật và mọi người hôm Thanksgiving 1994, thì, vào Mùa Tạ Ơn năm 2000 này, Tôn xin kể lại câu chuyện mầu nhiệm qua, để một lần nữa cảm tạ Ơn Trên và lập lại lời cám ơn nước Mỹ, quê hương tạm dung của tị nạn Tôn.

Tháng 11 năm 2000
Tôn Thất Hùng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,683,754
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến