Hôm nay,  

Chuyện Giấy Tờ Đi Mỹ

26/11/200200:00:00(Xem: 248067)
Người viết: Tôn Thất Bình

Bài tham dự số 80\VBST

Ông Bình sinh năm 1930, hiện cư trú tại Honolulu, HI.

Hình bên: ông bà Tôn Thất Bình, đôi nhân vật chính của chuyện kể về việc phấn đấu thu xếp để được hồ sơ đi Mỹ.


Vợ tôi bén nhạy và chịu khó săn tin. Một hôm bà nói: em nghe phong phanh sẽ có diện con lai được đi Mỹ. Chúng tôi bàn nhau, nếu Mỹ đã không bỏ những đứa con rơi lai Mỹ thì họ cũng không bỏ những người làm việc cho họ và đồng minh của họ. Thế nào rồi cũng có diện "nhân viên sở Mỹ" và diện "quân cán chính VNCH". Mộng đẹp lại vương vấn trong trí óc tôi.

Một thời gian sau, quả thật có diện con lai. Nghe đâu phái đoàn Mỹ phỏng vấn trong phi trường Tân Sơn Nhất. Chúng tôi bàn phải trực tiếp gặp người Mỹ và trao tận tay lý lịch của mình mới chắc ăn.

Tôi điều nghiên cách xâm nhập Tân Sơn Nhất. Không có giấy tờ thật khó lọt vào được. Cuối cùng, cũng kiếm được kẽ hở. Đó là trạm gác cổng vào phi trường ở Hạnh Thông Tây. Người làm việc trong phi trường sáng sớm vào cổng này. Hai anh lính ngồi trên ụ gác đấu láo chứ không soát giấy tờ. Tốt quá! Tôi viết tóm lược lý lịch của hai vợ chồng vào tấm giấy nhỏ bằng hai ngón tay để chuẩn bị ngày mai trao cho người Mỹ.

Sáng hôm sau tôi đã lọt vào được Tân Sơn Nhất nhưng không biết phải đi đường nào và nơi phỏng vấn ở đâu. Hỏi ai đây" Hỏi sai người có khi họa vào thân. Vừa đạp xe, vừa quan sát. Xa xa thấy chỗ nào có bóng người là tôi đạp xe tới. Tình cờ gặp một thanh niên mặt lai Mỹ thấy rõ. Mừng quá, tôi hỏi anh ta chỗ phỏng vấn ở đâu. Anh ta nói: "Cháu cũng đi đây. Bác theo cháu." Hóa ra chỗ phỏng vấn là phi cảng.

Tôi vào phòng kiếm chỗ ngồi ở mép đường đi lên xuống. Khi phái đoàn Mỹ ra về ngang chỗ tôi, lập tức tôi đưa tay ra dúi mảnh giấy vào lòng bàn tay ông Mỹ. Một số người cũng có ý định như tôi nhưng chưa dám hành động, nay thấy vậy vội đưa bao thư ra tới tấp. Lòng mừng hớn hở, tôi theo gót phái đoàn Mỹ xuống lầu ra về. Tai họa bất ngờ xẩy đến! Một tên công an thình lình xông đến giựt xấp bì thư nơi tay ông Mỹ. Tôi điếng người! Không hiểu tấm giấy nhỏ xíu của mình có lọt vào tay tên công an không.

Về nhà kể cho vợ nghe, cả đêm không sao ngủ được. Cứ chổng tai lắng nghe, chờ công an kêu cửa...

Mấy ngày liền trôi qua bình yên, tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi nghĩ rằng có thể giấy ấy còn lại trên tay ông Mỹ hay rơi dưới sân, nhưng quá nhỏ không ai để ý. Dù sao, vẫn phải làm lại từ đầu. Tôi ngồi viết lại một tờ giấy khác. Lần này vào TSN thành thạo nhưng không vào phòng đợi phỏng vấn được. Phải trình giấy mời mới được vào phòng.

Tôi kiên trì ngồi nơi bậc cấp đợi thời cơ. May quá có hai cô ở phòng hấp tấp đi ra và nhờ tên công an (CA) chỉ chỗ đặt điện thoại để liên lạc gì đó. Tên công an có thể đã được lì xì nên nhanh nhẹn đưa hai cô đi. Cơ hội may mắn đã đến, tôi lẻn vào phòng và tìm chỗ ngồi phía giữa để khỏi bị lộ dạng.

Đến trưa tên công an trực đi ăn cơm, tên thay thế chưa đến, tôi vội đi đến hàng lang trước các phòng phỏng vấn và tựa người vào cửa sổ. Xoay lưng lại, mặt nhìn ra phi đạo, tôi đợi thời cơ để gặp đại diện Mỹ.

Breaktime, một ông Mỹ ra khỏi phòng. Tôi vội đến trước mặt ông, lưng xoay về hướng tên CA ngồi đàng xa để che khuất hành động của tôi. Tôi dúi vào tay ông tờ lý lịch nói trên. Tôi tự giới thiệu sơ lược và hỏi ông là gia đình tôi có thể đi Mỹ được không. Ông nói: "sure". Chữ "sure" vừa lọt vào tai tôi, tôi cảm thấy như mình vừa trúng số độc đắc.

Thấy mắt ông Mỹ nhìn hướng sau lưng tôi nên tôi nghi có chuyện chi đây. Ngay khi đó tên CA đến. Hắn trợn mắt nhìn tôi, hỏi: "Anh phỏng vấn xong chưa"" Tôi trả lời xong. Hắn nói xong rồi thì về, sao còn đứng đây. Không đợi hắn nhắc lại, tôi đi liền để khỏi bị rắc rối.

Vậy là nhiệm vụ hoàn tất. Sau đó ít lâu vợ tôi dò hỏi và kiếm đâu ra được tên và địa chỉ của ông đại tá trưởng phòng nhân viên Pentagon. Chúng tôi viết thư kèm lý lịch và chuẩn bị gởi đi. Nhưng làm sao gởi đây" Ai đi bưu điện đóng dấu thư đây" Bị phát hiện là kể như ra đi mà không hẹn ngày về. Biết vậy, vẫn phải liều đi.

Đến bưu điện, tôi quan sát kỹ mặt mày mấy bà ngồi đóng dấu vào thư. Bà nào mặt xanh xao thì tôi tránh vì có thể là dân "dép râu" ở rừng về. Không cảnh giác là họa vào thân. Tôi chọn được một bà mập mạp, mặt mày phương phi, phấn son dễ coi. Tôi đưa xấp thư cho bà đóng dấu, trong đó có bức thư gởi cho Pentagon. Khi đóng dấu đến bức thư Pentagon, bà khựng lại và nhìn tôi. Tôi đứng chịu trận, im lặng. Bà ta do dự. Cuối cùng bà đóng dấu và trao xấp thư cho tôi. Tôi lấy lại bình tĩnh và bỏ xấp thư vào giỏ nhưng để riêng thư Pentagon một bên.

Để đánh lạc hướng công an chìm có thể ở trong đám đông, tôi đến thùng thư bỏ các thư vừa đóng dấu nhưng giữ lại bức thư gởi cho Pentagon. Bà xã tôi thật tài tình. Bà biết đường giây để chuyển thư kín đáo. Thư gởi cho Pentagon được bỏ vào ở khâu chót, nghĩa là bỏ thư vào lúc bao bố sắp được khâu lại để chuyển lên phi cơ. Do đó không sợ bị lộ. Thế là hoàn tất công tác một cách xuất sắc.

Tháng giêng năm 1984 chúng tôi nhận được giấy "LOI". Người ta gọi tên như vậy nhưng tôi không hiểu LOI là viết tắc của các danh từ gì. Tờ giấy này của Tòa Đại sứ Mỹ ở Bangkok cho phép gia đình chúng tôi được nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Mừng ơi là mừng! LOI ơi, mày là vị cứu tinh của chúng tao. Nhờ mày chúng tao sẽ thóat được gông cùm. Ôi tờ LOI nó thân thương làm sao!

Đó chỉ là giai đoạn đầu. Còn khâu giấy tờ xuất cảnh nữa .

Hồ sơ của chúng tôi nạp ở quận và chuyển lên thành phố để cấp xuất cảnh đã lâu nhưng chưa được sở xuất cảnh kêu làm thủ tục.

Một anh bạn mắng yêu: Sao mà ngơ thế! Phải có thủ tục "đầu tiên" (tiền đâu) mới xong việc. À ra thế. Chúng tôi đến gặp cán bộ sở Xuất cảnh để hỏi thăm về hồ sơ của chúng tôi đã đến đâu rồi. Miệng thì hỏi, tay thì chìa bao thuốc lá 555. Mấy tờ giấy bạc nằm dưới bao thuốc lá lòi ra. Cán bộ liếc mắt nhìn và vói tay cầm nhanh bỏ vào hộc bàn. Thế là được hẹn làm thủ tục xuất cảnh. Chỉ còn chờ phái đoàn Mỹ kêu phỏng vấn là xong.

Người ta kể bao câu chuyện bị đánh rớt khi đến phỏng vấn làm chúng tôi lo lắng. Trả lời không đúng. Rớt! Ăn mặc lôi thôi. Rớt! Nghe kể có bà nọ nhắc nhở các con rằng: Vào phỏng vấn chớ ồn ào. Thằng Mỹ đó khó tính lắm. Xui xẻo cho bà này là ông Mỹ biết tiếng Việt nên nói: "Bà là người thiếu lịch sự. Tại sao gọi tôi bằng thằng." Rớt !

Cũng có chuyện kể chẳng hiểu đúng hay sai: Một tài tử màn ảnh đến phỏng vấn. Ông Mỹ bắt tay và nói: "Chào đại tá Nguyễn...". Anh này giựt mình vì anh đóng vai một đại tá VC tên là Nguyễn trong một phim gián điệp tuyên truyền cho Cộng sản . Anh này vội thanh minh: "Thưa ông, đó là chuyện phim." Ông Mỹ nói: "Anh đóng phim hay lắm. Thôi anh ở lại VN để tiếp tục đóng phim đi".

Bởi thế khi ngồi đợi kêu tên để vào phỏng vấn, chúng tôi hơi lo. Nhìn nét mặt của người được phỏng vấn lúc ra về là biết kết quả ngay. Vừa đi ra ,vừa cười toe toét thì OK là cái chắc. Đi ra mà mặt mày như đưa đám thì dù không phải là thầy bói cũng biết người đó bị Sao Qủa Tạ đè rồi.

Khi được gọi vào phỏng vấn, chúng tôi hồi hộp. Thần kinh căng vì quyết định được đi hay không là lúc này. Vợ tôi mất bình tỉnh nên trả lời thiếu chính xác. Ông Mỹ nói: "Bà nói gia đình bà vào Saigon sau 30/4. Bà cũng nói gia đình di tản vào Saigon để lánh nạn VC nhưng lúc đó Saigon mất rồi thì lánh nạn VC ra làm sao"" Tôi thầm nghĩ, mình vất vả bấy lâu nay mới có được ngày hôm nay, thế mà bây giờ nó tan thành mây khói! Tôi nhớ đến một câu mà các cụ thường nói "Uổng công đan gỉo bỏ cà, gỉo thưa cà lọt công đà uổng công!" May thay tuy hỏi vặn vẹo nhưng ông Mỹ vẫn OK cho đi Mỹ vói ghi chú: vợ tôi phải khám nghiệm tâm thần trong đợt khám sức khoẻ để xuất cảnh. Thật hú vía !

Trong ngày khám sức khỏe, vợ tôi ngậm kẹo để có chất đường bổ dưỡng khỏe người. Bác sĩ phụ trách khâu tâm thần nạt vợ tôi và bảo phải khạc nhổ kẹo ra. Ông ta để hồ sơ của bà xuống cuối cùng. Có thể ông nghĩ là bà xã tôi thiếu lịch sự với ông chăng" Mãi sau đó một cô y tá đến xin hồ sơ của vợ tôi để đưa qua khâu khác khám. Bác sĩ vẫn còn bực bội và nói: không đi được năm nay thì sang năm đi. Sang năm không đi được thì sang năm nữa. Rồi bác sĩ cũng khám. Vợ tôi thì OK không bị tâm thần.

Sau đợt khám sức khỏe, chúng tôi vui mừng vì ngày vượt qua "cửa ải gìa Hồ" không còn xa nữa. Bạn bè đến thăm tấp nập. Họ nói, qua Mỹ sung sướng lắm. Mới đặt chân xuống phi trường là có người ra đón và trao cho chìa khóa căn nhà đầy đủ tiện nghi. Nghe chuyện họ tưởng tượng thấy như mình sắp được vào tiên cảnh.

Hôm trước ngày chúng tôi sẽ đáp phi cơ đi Bangkok, cháu gái của vợ tôi đến thăm và nói: "Chiều nay dì đi khám bệnh lần chót. Dì phải bồi dưỡng sức khỏe. Cháu biết ông bác sĩ quân y này hay lắm. Dì nên đến đó mà tiêm thuốc cho khỏe trong người."

Không hiểu bác sĩ tiêm liều lượng ra thế nào mà vợ tôi bị shock! Về đến nhà, bà than mệt và nằm mê man. Giờ hẹn khám là hai giờ chiều mà giờ đó bà chưa ngồi dậy nổi. Bà nói: Thôi anh và các con đi khám kẻo kẹt ngày mai đi không được. Em ở lại không sao. Tôi nói: đi thì đi cả nhà, không có người đi kẻ ở lại.

Đến gần 4 giờ chiều, vợ tôi mới ngồi dậy được. Tôi nói: Cứ đi cầu may chớ biết sao bây giờ. Đến nơi hẹn chúng tôi bị mấy cô y tá trách là may mắn được đi mà không chịu lo để đến trễ. Bà bác sĩ Mỹ về rồi! Chúng tôi tiếc ngẩn ngơ và ngồi lì tại đó. Đầu óc trống rỗng, không có ý kiến .

Mãi sau, tình cờ một cô y tá đi ngang hỏi chúng tôi ngồi làm gì đây. Nghe trình bày sự việc, cô nói: "Anh chị thật là may mắn. Hôm nay bà bác sĩ Mỹ ở lại họp với mấy ông bác sĩ Việt gì đó, chưa thấy ra. Anh chị ngồi đợi bà Mỹ ra, tới năn nỉ với bà cầu may."

Thật là ơn trên phù hộ. Chúng tôi vừa hồi hộp vừa vui mừng. Một đám người từ phòng đàng xa đi ra. Tôi nhận thấy có một bà Mỹ đi giữa. Chúng tôi đến trình bày sự việc. Mấy bác sĩ VN khó chịu và trách chúng tôi. Bà Mỹ nhìn chúng tôi và yêu cầu mấy bác sĩ VN vui lòng đưa dụng cụ để bà khám. Chúng tôi được đi trong đường tơ kẻ tóc. Thật là câu chuyện hy hữu. Không biết tên bà bác sĩ Mỹ là gì nhưng chúng tôi vẫn nhớ mãi con người phúc hậu ấy.

Ngày mai chúng tôi sẽ rời VN vĩnh viễn không hẹn ngày về. Thế nhưng lòng tôi không thấy bùi ngùi. Thông thường người VN rất gắn bó với quê cha đất tổ nên ít người ly hương xa nhà. Thế mới biết hành động gian ác của cộng sản VN đã làm tê liệt đi nỗi thương nhớ khi rời quê hương.

Ngày lên đường, chúng tôi nhắc nhở nhau phải thận trọng. Nhiều người thường kể câu chuyện sau đây: Một ông nọ được xuất cảnh sang Mỹ. Khi phi cơ cất cánh, ông này xổ nho chưởi VC cho hả uất ức bấy lâu. Cô chiêu đãi viên nghe được. Khi phi cơ đáp xuống Bangkok, ông nói trên bị giữ lại và bị đưa trở lại VN. Bởi vậy leo được lên phi cơ chưa chắc đã là thoát.

Sau cùng, gia đình chúng tôi đã qua được "cửa aỉ già Hồ" và được thở bầu không khí tự do.

TÔN THẤT BÌNH

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,307,212
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.