Hôm nay,  

Cha Con Tôi Và Đất Nước Hoa Kỳ

26/11/200200:00:00(Xem: 282030)
Người viết: Helenle

Bài tham dự số 64\VBST

Helenle sinh tại Saigon, hiện cư trú tại Garden Grove, là tác giả truyện kể "Đứa Con Lai", đã tuyển đăng trên Việt Báo với số tham dự 20VBST. Bài viết tiêáp sau đây là tự truyện của chính tác giả với những tình cảm quí giá của một gia đình HO mất mẹ, nhờ bố mà mọi anh chị em đều nỗ lực phấn đấu, học tập và thành đạt. Helenle tốt nghiệp bác sĩ dược khoa (Pharmacy Doctorate) hiện làm việc tại Microbiology - Healthcare, Orange County. Bài viết được ghi: "Kính tặng Ba và tất cả anh chị. Nhất là kính dâng lên vong linh mẹ với tất cả tấm lòng thương yêu của các con."
Và thêm ở cuối bài "Thương tặng em gái tôi - Hằng, Ph.D."

Thế là đã hơn 10 năm ba tôi và năm đứa con đã định cư trên đất Hoa Kỳ. Thời gian qua thật nhanh! Quả thật tiếng tic tắc của 24 tiếng đồng hồ chạy vút như "ngựa chạy tên bay". Mới ngày nào, cha tôi mới hơn năm mươi tuổi, giương rộng đôi cánh gà trống che chở cho đàn gà con lưu lạc tới bên bờ mới lạ. Cảnh gà trống nuôi con vò võ hơn chục năm trời, đã làm nhiều người ái ngại.

Ngày cuối tuần, được nghỉ làm, nằm trên chiếc võng đu đưa sân sau nhà, nhìn những tàu lá chuối đong đưa nhè nhẹ theo gió chiều, làm tôi chợt nhớ đến quê nhà và gia đình tôi ngày nào...

Sau khi mẹ tôi mất được 2 tháng, theo sự can thiệp của chính phủ Hoa Kỳ, gia đình tôi được bộ Nội Vụ Hà Nội gửi giấy cho phép đi định cư Mỹ theo diện HO. Lúc ấy còn quá mới mẽ, gia đình tôi rất hoài nghi. Không biết chuyến này Cộng Sản đưa gia đình tôi đi đến chốn nào đây" Vì họ lừa bịp dân chúng miền Nam quá nhiều, nhất là những gia đình liên quan đến chế độ ngày xưa như gia đình tôi. Họ đã lừa bịp, đưa các sĩ quan học tập, nói một vài tuần mà thành năm năm, bảy năm... và như ba tôi trên mười ba năm. Họ vu khống, cướp trắng tất cả những gì cha mẹ tôi xây đắp bằng mồ hôi nước mắt cả đời!

Trong ánh mắt ba tôi đầy sự lo âu. Cảnh "họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai" đã ập đến với gia đình tôi sau ngày ba mươi tháng tư đen. Hơn mười ba năm trong ngục tù Cộng Sản, trở về với gia đình chưa đầy hai tháng, cái họa khác lại đến với gia đình tôi là sự ra đi vĩnh viễn của mẹ tôi. Sức lực, mẹ tôi đã suy kiệt và gục ngã nhanh chóng sau những tháng ngày khổ tâm, khổ xác, lớp lo đối phó với chính sách lừa bịp tráo trở của cộng sản, lớp lo sự sống còn của chồng trong tù, của đàn con dại!

Không biết làm gì hơn với thế đứng bây giờ, ba tôi cố gắng trấn an lũ con. Mười ba năm qua gia đình mình đã chèo chống vượt qua biết bao ghềnh thác, sóng gió. Ở nhà một mình mẹ đã hướng dẫn các con lèo lái con thuyền qua chông gai, thác ghềnh. Bố tin là gia đình ta sẽ vượt qua tất cả!

Ngày rời Saigon, gia đình tôi rất lo sợ. Chỉ biết cầu khẩn Đức Phật Quan Âm phù hộ cho gia đình tôi, soi đường dẫn lối cho cha con tôi đến nơi chốn bình an.

Trên bầu trời, nhìn xuống những cánh đồng đất phù sa màu đỏ thẫm, ba tôi nói đó là vùng đất Campuchia. Chúng tôi lúc ấy mới thở phào nhẹ nhõm. Và khi máy bay đáp xuống phi trường Thái lan, chúng tôi mới tin là mình đã thoát được ách Cộng Sản, và đến bờ bến tự do thực sự từ đây!

Ở trại tỵ nạn Thái một tuần lễ, gia đình tôi được chuyển đến Dallas, Texas. Vì đi theo diện mồ côi, hội bảo trợ USCC đã thuê sẵn 1 căn apartment, và sắp xếp sẵn đồ gia dụng cho 6 cha con tôi. Lớp người đi trước lo cho lớp người đi sau và nhất là chính sách nhân đạo của các cơ quan thiện nguyện Huê Kỳ đã không quản ngại thời gian, tiền bạc giúp đỡ cho những di dân tỵ nạn mới đến.

Gia đình tôi đến Mỹ vào dịp hè Halloween. Thật là một kỷ niệm đáng sợ đến với anh em tôi ngày đó! Tối đó ba tôi theo người bạn đi xuống Houston. Ở nhà chị có mấy anh chị em. Khi bóng tối chụp xuống, tôi thấy hai ba tốp người trùm áo, nón đen từ đầu đến chân, đến đập cửa nhà tôi rầm rầm và nói "Trick or Treat"! Chúng tôi tắt hết đèn trong nhà và chỉ dám hé tí cửa sổ ra nhìn. Mồ hôi đứa nào cũng toát ra vì sợ hãi! Tiếng đập ngoài cửa vẫn không ngừng, khung cửa kiếng như muốn tung ra. Chúng tôi chẳng biết cầu cứu ai lúc nầy. Không thể chạy ra khỏi cửa vì chẳng biết đi đâu! Anh em tôi bảo nhau chui vào closet ngồi yên cho đến giữa khuya mới dám bò ra, và ôm nhau ngủ trong một phòng.

Rảnh rỗi ngồi kể lại cho nhau nghe, anh em tôi cười lăn cười bò chuyện tiếu lâm của dân tỉnh lên thành!

Ở nhà hơn tuần lễ, chúng tôi thèm được đi làm, đi học. Thế là cha con tôi bắt đầu tìm đường xe bus, đọc báo kiếm việc, kiếm trường. Ở Dallas, thành phố ít cư dân Á Châu, chợ búa đồ ăn Á châu thật khó kiếm. Đường xa lộ 2, 3 tầng chồng lên nhau, dễ bị lạc exit. Đi làm chỗ nào cũng xa xôi... Nhất là vào mùa đông, đường tuyết trơn trợt, thật khó di chuyển.

Thế là sau đó, cha tôi liên lạc được với chú tôi ở California. Cả gia đình tôi vẫy tay chào vùng đất nóng như vùng nhiệt đới và lạnh như vùng bắc cực đó đi về hướng tây nam Hoa Kỳ.

California, đúng là vùng "đất lành, chim đậu". Khí hậu quanh năm mát dịu như Đà Lạt, trái cây, rau cỏ bốn mùa, nhất là đủ các loại rau thơm Việt Nam. Chúng tôi thèm rau muống, mà không dám ăn nhiều ở Dallas vì giá tiền đắt quá! Sang đây, rau muống ăn thoải mái, giá ra chỉ bằng phân nửa bên kia.

Chúng tôi ở gần Tiểu Saigon, đi chợ búa, ăn quà thật sướng. Danh xưng Little Saigon quả không sai. Chúng tôi cảm tưởng như mình đang đi chợ Bến Thành ngày nào, đủ các món ăn ba miền bắc, trung, nam. Nào bánh cuốn, bún riêu, bún ốc, bún thang, phở, mì, cơm tấm, mì quảng, bún bò, cháo lòng, bê thui...đủ cả. Đi ra chợ, chúng tôi chỉ nghe tiếng Việt xào xào quanh tai. Mua bán, trả giá như hồi còn bên nhà. Chúng tôi thật khâm phục những người Việt Nam đến trước và chịu khó phát triển thương mại, có chỗ đứng như người bản xứ.

Nhà cửa thuê ở Cali đắt hơn ở Dallas. Sáu cha con tôi thuê một townhouse 2 tầng gần trường Santa Ana College với giá gần $800/tháng. Lúc bấy giờ, gia đình tôi được chính phủ trợ cấp tiền và foodstamp trong năm đầu. Chúng tôi thật cảm ơn lòng nhân đạo của chính phủ Huê Kỳ và các cơ quan thiện nguyện đã giúp đỡ những di dân mới sang nói chung và gia đình tôi nói riêng trong bước đầu lập nghiệp nơi xứ người.

Vì ba tôi ở trong quân đội, nên việc thi bằng lái xe không khó đối với ông. Mua được chiếc xe chevrolet cũ, ba tôi dạy anh em tôi lái xe. Chỉ trong vòng một tháng, tất cả tụi tôi đều có bằng lái xe.

Mỗi ngày ba tôi chở cả nhà đến trường ROP học thêm Anh văn, đánh máy chữ, computer. Tất cả trường học dạy nghề (vocational school) của chính phủ đều miễn phí. Lớp học được mở từ 8 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Cha con tôi chia nhau ra, mỗi người học thêm một nghề tay trái, ba tôi và em tôi học sửa xe, quấn dây điện. Bọn chị em gái tôi học computer, thư ký văn phòng, Medical Assistant.... Chương trình tivi, radio có 24/24. Chúng tôi học cách phát âm, nghe tin tức tiếng Anh mỗi ngày đều đặn.

Lúc còn trong nước, ba mẹ cũng cho anh chị em tôi đi học Anh Văn ở Hội Việt Mỹ hơn 10 năm, nhưng tụi tôi nghe quen giọng người Anh hơn Mỹ, nên sang đây cũng có ít nhiều sai lạc trong cách phát âm.

Hơn 4 tháng đi học, chúng tôi thi lấy certificate. Chị em tôi bắt đầu đọc báo kiếm việc làm thêm ngoài giờ đi học. Vì phải ở Mỹ đủ một năm, mới xin được trợ cấp (financial) đi học ở College hoặc University. Lúc này, chị em tôi cố gắng tranh thủ thời gian đi làm để dành tiền mua thêm xe để chạy và dành dụm và tiền sống tự túc.

Sáng sáng ba tôi thức dậy sớm, thế chức nội tướng của mẹ tôi, lo cho đàn con bữa điểm tâm và bới các hộp cơm trưa cho lũ con mang đi làm.

Lúc ấy, tôi xin được một chân bán thuốc tây cho pharmacy ở Westminster. Ngày ngày tôi đứng làm 10 tiếng, trưa được nghỉ nửa giờ. Về đến nhà, hai chân tôi sưng lên vì chưa đứng quen. Cuối tuần, thứ bảy, chủ nhật chị em tôi xin đi làm thêm ở tiệm ăn, hoặc tới nhà giữ trẻ để kiếm thêm tiền.

Đủ một năm ở xứ cờ hoa, ba tôi và cả nhà nộp đơn đi học ở trường cộng đồng College gần nhà. Sáng đi học, chiều đi làm, tối đi học. Chị em tôi quay cuồng với cơn lốc làm việc của người Mỹ. Vì phải học full-time (ít nhất 12 units) mới được trợ cấp tiền học, tiền sách... chị em tôi phải đi học hai buổi/ngày.

Cũng may, học hơn nửa năm, chị em tôi được việc làm ở trường (work-study), nên thật tiện chúng tôi không phải chạy xe đi làm xa, không phải mất thì giờ kiếm chỗ parking... Ngôi trường trở thành ngôi nhà của chị em tôi. Bữa trưa chúng tôi xuống phòng ăn (lunch room), trong đó có đủ cả, nào microwave, nước uống, bàn ăn và ngay cả những chiếc ghế sofa dài cho học sinh nghỉ lưng.

Chúng tôi cố gắng giữ điểm A và B đều, nên cứ mỗi mùa học, chúng tôi lại được nhận những tấm check tiền chính phủ cho sinh viên lợi tức thấp học full-time. Ngoài ra học sinh còn được trợ cấp tiền sách. Tôi mê nhất là thư viện trong trường, đủ các loại sách, đọc chẳng biết khi nào hết. Tôi rất khâm phục lòng hiếu học của dân xứ Huê Kỳ, cứ mỗi một quận lại có 1,2 thư viện lớn. Sách vở nhiều vô cùng, từ sách học, đến truyện tiểu thuyết, băng hình... đều mượn miễn phí. Sau hai năm học ở College, chị em tôi chuyển lên University. Mỗi đứa học một ngành, tôi theo học Pharmacy như truyền thống gia đình tôi.

Vì trường học University of Pacific ở tận phía Bắc Cali, nên tôi phải học nội trú. Lúc này tôi cần phải tập trung học nhiều hơn trước. Không thể đi làm và đi học như hồi còn học ở college. Tôi phải học cả mùa hè, để ra trường sớm. Tôi mong học giỏi, đạt điểm A, ra trường có việc làm tốt, hầu giúp đỡ ba tôi không phải đi làm vất vả.

Ở Hoa Kỳ, tất cả sinh viên nghèo đều được nhà trường giúp đỡ tài chánh. Ngoài khoản tiền trợ cấp không phải trả lại, chúng tôi còn được mượn tiền (loan) để trang trải thuê nhà, ăn uống, mua xe... Và tiền nợ ấy chỉ được tính lời khi sinh viên học ra trường, rồi trả góp hàng tháng cho đến hết nợ.

Tôi thật cảm ơn chính phủ Hoa Kỳ, nhất là nền giáo dục của họ thật tuyệt vời! Họ luôn luôn mở rộng cửa đón chào những tài năng, những người hiếu học. Chất xám không thể nào mất đi! Vì thế đất nước Hoa Kỳ mới chỉ thành lập từ năm 1789, chỉ có hơn hai trăm năm, mà đã thành đất nước văn minh nhất thế giới.

Tôi thật khâm phục chính sách biết dùng người, trân trọng quí báu, nuôi dưỡng chất xám của họ. Không phân biệt màu da, chủng tộc, tất cả người dân đều có quyền đến trường. Nhất là chế độ xóa nạn mù chữ, từ tiểu học đến trung học đều học miễn phí. Các trường cộng đồng (College) với tiền học phí thật rẻ ($11/unit) gồm đủ bộ môn từ học chữ, đến nghệ thuật, thể thao; Trường mở cả 7 ngày trong tuần từ sáng đến tối, người đi làm cũng có thể thu xếp đi học thêm để nâng cao trình độ học vấn...

Thời gian trôi qua thật nhanh, thoát đã năm năm. Tôi thi đậu ra trường được với danh vị bác sĩ dược khoa (Pharmacy Doctorate). Giờ tôi đã có công ăn việc làm ổn định trong hệ thống pharmacy của Mỹ.

Anh chị em tôi tất cả cũng đã ra trường và có việc làm tốt. Ba tôi được về hưu và sống vui với đàn cháu Nội, Ngoại. Chúng tôi thật xót xa cho mẹ tôi không còn, để hưởng vui và hái lộc con lúc này.

Mẹ ơi, chúng con có được ngày nay, tất cả cũng nhờ công ơn dưỡng dục của cha mẹ và nhất là sự hy sinh cả đời của mẹ cho chồng, cho con. Mẹ đã chống chọi lại với bão táp của cuộc đời, với sự lừa bịp, khát máu của Cộng sản, đưa con thuyền có cha con tới nơi bình an. Chúng con ngàn đời tri ân cha mẹ.

"Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước

trong nguồn chảy ra."

Và chúng con cũng cảm ơn đất nước Huê Kỳ, đất nước tự do, đã tạo cơ hội thăng tiến cho chúng con. Với sự chịu khó học, chịu khó làm, người dân sẽ gặt hái được thành công...

Tiếng con tôi gọi mẹ lên chơi với con, làm tôi trở lại thực tại. Thời gian thấm thoát trôi qua. Mới đến Mỹ ngày nào. Bao nhiêu nhọc nhằn, thử thách đến với gia đình tôi. Và tất cả cũng xong. Giòng đời tiếp tục phẳng lặng trôi...

Huntington Beach, June 2000

HELENLE

Ý kiến bạn đọc
17/10/201917:14:17
Khách
Lòng Mẹ, Tình Cha. Đọc mà rưng rưng n. mắt vì liên tưởng tới gđ tôi. Cám Ơn Halen Nguyễn . HN
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,224,051
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến