Hôm nay,  

Thân Phận

26/11/200200:00:00(Xem: 305851)
Người viết: Nguyễn Kim Ngọc

Bài tham dự số 53/VBST

Sinh năm 1951. Cư trú tại Westminster, CA.

Giọng người trong phone dồn dập:

- Chị hả, nhà chị số 0002 phải không"

Còn đang ngạc nhiên thì tôi cũng vừa nhận ra tiếng của Lan, bạn của cô em gái tôi. Vừa xác nhận xong, tiếng Lan lại hối:

- Em đang ở cửa nhà chị mà không biết đúng, sai, chị ra mở cửa cho em đi.

Tay cầm phone, tôi vội chạy ra mở cửa, kinh ngạc khi thấy Lan đang đứng bên cạnh một người cảnh-sát, đầu tóc rối bù, tay dắt đứa con gái khoảng hai tuổi cùng một túi xách cồng kềnh đặt dưới đất.

Chưa hiểu đầu đuôi ra sao thì người Cảnh-Sát đã nhanh tay xách hộ túi xách vào nhà tôi, Lan ngầm ra hiệu với tôi xong, quay sang cám ơn người Cảnh Sát.

Vào đến trong nhà, sau khi gài cánh cửa, định lên tiếng hỏi thì Lan đã ôm chầm lấy tôi mà khóc nức nở, kể lể:

- Ông ta đánh em rồi bóp cổ, vùng chạy được sang nhà hàng xóm mượn phone, em gọi 911, Cảnh-Sát tới, họ hỏi em đủ thứ nhưng khi họ hỏi ông ta có đánh em không thì em lại trả lời không, em cũng không muốn ông ta ở tù. May người Cảnh-Sát này là người Việt-Nam nên cũng dễ cho em, năn nỉ ông ta chờ em lấy vài bộ đồ cho hai mẹ con xong, em nhờ ông ta đưa đến nhà chị, cho em ở nhờ vài hôm rồi em sẽ tính.

Trước tình cảnh và sự việc bất ngờ xảy ra, tôi cũng không cầm được nước mắt, an ủi Lan yên tâm ở đây xong tôi sửa soạn cho hai mẹ con một phòng riêng, dỗ dành con bé ăn uống, tội nghiệp, nó vẫn chưa hết sợ hãi!

Lan đấy, mới ba năm sống ở Mỹ mà cô đã thay đổi thế này. Ngày xưa khi còn ở Việt-Nam, thỉnh thoảng tôi có gặp Lan đến chơi với em gái tôi, một cô gái có nét dễ nhìn và là con út một gia đình khá giả.

Loanh quanh làm sao tình cờ tôi lại gặp Lan ở một văn phòng Bác-Sĩ, cô em tôi lại ở thành phố khác, đất lạ quê người, gặp cô tôi cũng rất vui, chỉ biết Lan đã có chồng, một Việt Kiều về Việt-Nam lấy cô và bảo lãnh sang Mỹ.

Theo cô thuật lại thì đi Mỹ là giấc mơ lớn của cô, ngày đầu gặp ông ta tại nhà một người bạn, cô đã bị lôi cuốn ngay bởi lối nói chuyện và cách ăn mặc trẻ trung của ông ta. Hình như ông ta đọc được ý nghĩ của cô, nên chẳng khó khăn gì lắm khi ông ta mời cô đi ăn, đi nhảy đầm và hứa hẹn sẽ làm thủ tục bão lãnh cô ngay sau khi về tới Mỹ.

Và ông ta đã đưa cô đến Mỹ thật, giấc mơ cô hằng ôm ấp đã thành, chưa tận hưởng hết những điều mới mẻ xung quanh. Ông ta bỗng trở thành một người khó hiểu, lạnh nhạt, bắt đầu có những cử chỉ mạnh bạo, lời lẽ cọc cằn.

Ban đầu cô nghĩ ông đang lo lắng cho tương lai vì từ nay có thêm sự hiện diện của cô. Đợi lúc ông bớt cáu có, cô đã đề nghị cho cô đi học một nghề, xong sẽ đi làm. Ông ta đùng đùng bảo đi kiếm việc ngay, chứ không học hành gì cả. Lan như trên trời rớt xuống, đi làm thì phải có người giới thiệu công việc, phải biết lái xe... Lan chẳng có ai quen gần đây để nhờ vả, còn ông ta đi làm về là lầm lì một cách đáng sợ, đôi lúc lại gây gổ, kiếm chuyện nếu Lan thắc mắc hỏi một điều gì.

Số tiền và nữ trang gia đình cho làm vốn ông ta giữ chặt nói là trừ vào tiền lo bão lãnh, mua vé máy bay đón cô sang. Cũng may, nhờ lân la quen với một người Việt sống trong chung cư nên chị này đưa Lan đến một Shop nhận hàng may. Hàng ngày Lan đã cùng chị đón chuyến xe Bus đến shop, tối lại về, có khi cũng quá giang được người làm chung để về còn kịp lo bữa cơm.

Thời gian Lan mang thai đứa con gái vẫn không nghỉ một ngày nào, dù cực khổ nhưng được ra ngoài làm việc Lan vẫn thấy vui hơn.

Ra ngoài Lan cảm nhận được nước Mỹ rộng lớn quá, đường sá, xe cộ đông đúc, sạch sẽ, trò chuyện với những người trong hãng Lan cũng học hỏi thêm nhiều điều mới lạ, cô ước mình được đến trường học chữ, học nghề để đi làm đồng lương khá hơn, lại nghe nói có bảo hiểm sức khỏe nữa. Họ kể cho cô nghe về những cơ quan thiện nguyện, sẵn sàng giúp đỡ những người mới đến trong mọi trường hợp.

Cô hy vọng một ngày nào đó ông ta thay đổi tính nết, cô sẽ đề nghị cho cô đi học, hay ít ra cũng kiếm được một việc làm nào đó khá hơn. Có người đã muốn giới thiệu Lan đi làm hãng điện tử nhưng khi về hỏi ý ông để có một chiếc xe đi xin việc thì ông la lối nói mua xe rồi lại phải mua bảo hiểm, tiền đâu.

Càng ngày ông càng độc đoán, khó khăn, giờ giấc đi về lung tung, Lan để ý dò xét, chưa kịp hỏi thì đã có người gặp ông hay đi với một người đàn bà nghe nói làm chung hãng, và người ta còn cho biết bà này đã có chồng con. Lúc đầu Lan cũng nửa tin nửa ngờ, sau chính Lan nhận được những lá thư bà ta gởi về tận nhà cho ông ta với những lời mê đắm của một người đàn bàø đang lén lút ngoại tình. Lan hỏi ông ta, đã không trả lời đúng câu hỏi còn lớn tiếng át giọng Lan, cứ như thế chồng chất lên những nỗi đau có sẳn, Lan chỉ biết ôm con khóc vùi cho thân phận không may của mình, ruột thịt không một ai bên cạnh chia sẻ với Lan.

Nghĩ về cha mẹ ở quê nha,ø Lan lại càng đau xót thêm. Giờ này cha mẹ đang mong tin Lan nhiều lắm, nhắn nhớ một lần đưa con về thăm ba má nghe. Làm sao Lan có thể nói hết nỗi khổ của cô trên đất Mỹ này cho gia đình, vì ra đi là do cô tự chọn và quyết định.

Ôi đất Mỹ, thiên đường mơ ước của cô đây hay sao" Một đất nước giàu đẹp, con người văn minh lịch sự, ở đâu cũng nghe câu chào và nụ cười, đời sống vật chất đầy đủ, tiện nghi, cái gì cũng hơn quê hương của cô, nhưng cái cô không ngờ là người chồng mà bao nhiêu tin yêu cô đã đặt để lại thay lòng đổi dạ nhanh đến thế.

Một tuần lễ lưu lại nhà tôi, vài lần Lan mượn phone gọi về cho ông ta. Cô cho tôi biết phải về vì ông ta hăm dọa nếu biết ai đang chứa chấp cô ông ta sẽ không tha cho người đó. Lan lo lắng và ngỏ ý muốn trở về. Tôi nói liệu rồi ông ta có đánh nữa không,

Lan quyết định trở về lần này rồi tính cho ngã ngũ với ông ta. Cô cũng cho tôi biết cô đã suy nghĩ kỹ rồi. Cô tin ở đây là nước Mỹ, nếu quyết tâm, mọi khó khăn đều có thểõ vượt qua, luật pháp Mỹ công bằng, chẳng lẽ đang sống trên một đất nước lớn nhất thế giới mà Lan lại chịu khuất phục một người đàn ông tầm thường như vậy sao.

Lan khóc sướt mướt, cám ơn vợ chồng tôi đã giúp mẹ con Lan những ngày qua. Con bé khóc ầm ĩ nhất định không chịu về với Daddy đâu, tôi nghe mà đứt cả ruột, ứa nước mắt.

Chở mẹ con Lan về đến đầu chung cư thì tôi quay xe, không dám vào tận nhà, để hai mẹ con dắt nhau với cái túi nặng trĩu. Con bé vẫn tiếp tục khóc khi tôi quay đầu xe. Bên kia đường, chồng tôi cũng đang cho xe chuyển bánh. Không yên tâm, anh phải lái xe theo canh chừng cho tôi. Tiếng khóc con bé ám ảnh tôi suốt một thời gian về sau.

Đã sáu năm qua đi, sau có vài lần Lan gọi phone cho tôi nói ông ta đang dự tính đưa mẹ con Lan qua tiểu bang khác kiếm việc, tôi dặn dò Lan giữ gìn sức khỏe, nhớ tin cho tôi, cô hứa và tôi cũng không quên cầu trời Phật độ trì cho Lan.

Hôm nay trong dòng đời trôi nổi, không biết Lan thế nào, ra sao. Đôi lúc nghĩ đến cô, tôi không khỏi lo ngại, nhưng thầm cầu mong cho cô hạnh phúc, để ít ra nước Mỹ không phải là địa ngục đối với cô.

NGUYỄN KIM NGỌC

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,653,807
Nhạc sĩ Cung Tiến