Hôm nay,  

Chuyện Vui Buồn Trong Đời Tị Nạn

05/01/200100:00:00(Xem: 260832)
(Bài tham dự số 116\VB0914)

Tôi rời Việt Nam lúc 9 giờ 15 sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975. Một ngày trước khi miền Nam bị Cộng Sản cưỡng chiếm. Lúc đó, tôi là một quân nhân thuộc Sư Đoàn 5 Không Quân, phục vụ cho xưởng vô tuyến đặc biệt tại phi trường Tân Sơn Nhất.

Đêm cuối cùng ở Việt Nam

Khoảng 6 giờ chiều ngày 28 tháng 4, phi trường Tân Sơn Nhất đã bị dội bom bởi hai chiếc máy bay của chính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (một điều thật đáng buồn). Ăn vội bát cơm, khoác vội bộ quân phục, tôi chào bố mẹ rồi nhảy lên chiếc Yamaha nhắm hướng Lăng Cha Cả trực chỉ.

Tôi là một trong những người đầu tiên bị chặn lại tại cổng Phi Hùng. Lệnh "nội bất xuất, ngoại bất nhập" vừa được ban hành. Sau mười lăm phút đợi chờ, hoang mang và không biết phải làm gì, tôi quyết định trở về nhà. Tôi quay lại định trở đầu xe thì mới biết, sau lưng tôi đã có hơn trăm chiếc xe gắn máy đủ loại đã đậu chắn lối tự bao giờ. Chẳng còn một chọn lựa nào khác, tôi đành ngồi yên trên xe tiếp tục đợi chờ...

Khoảng một giờ sau, cánh cổng trại Phi Hùng được mở rộng. Chúng tôi ùa vào như đàn ong vỡ tổ. Hậu quả của cuộc dội bom đã làm cho phi trường Tân Sơn Nhất thật tang thương như vừa trải qua một trận động đất. Đường đi tối như mực vì không có điện. Ngọn đèn pha của chiếc Yamaha hầu như không đủ soi sáng mặt đường nhựa, ngổn ngang những mảnh vụn gạch ngói. Đó đây, những ngôi nhà bị tàn phá, những chiếc phi cơ bị trúng bom bốc cháy, còn lại chỉ là một khối sắt đen sì. Cảnh đổ vỡ, chết chóc cùng với mùi khét lẹt trong không khí đã làm tôi rùng mình, ớn lạnh.

Như đã trình bày ở trên, tôi phục vụ cho xưởng vô tuyến đặc biệt (còn được gọi là xưởng Bravo) thuộc sư đoàn 5, Không Quân. Đây là một căn cứ mật, có nhiệm vụ thâu nhập tin tức tình báo, xác định những mục tiêu của địch, và cung cấp những dữ kiện này cho các phi đoàn oanh tạc cơ.

Xưởng Bravo gồm ba dãy nhà hình chữ U, nằm chơ vơ, biệt lập trên một khu đất rộng. Về bên trái cũng như bên phải, là những ụ, hay nói một cách khác, chỗ đậu cho những chiếc AC-47 thuộc phi đoàn 718. Sau lưng Bravo, khoảng một cây số là phi đạo chính của phi trường Tân Sơn Nhất. Từ sân sau, chúng tôi có thể quan sát được những phi cơ cất cánh và hạ cánh. Vì lý do an ninh, tôi bắt buộc phải đậu xe cách xưởng nửa cây số, qua một cổng sắt, rồi đi bộ băng ngang qua một dãy phi đạo "taxi" mới tới sở.

Tới xưởng Bravo, tôi thật bàng hoàng vì cảnh tượng trước mắt. Hai chiếc phi cơ AC- 47 bên tay trái và phải đều bị trúng bom thiêu hủy hoàn toàn. Dãy nhà hình chữ U đã bị sập một nửa vì sự chấn động và sức ép của bom. Mảnh vụn của gạch ngói vung vãi khắp nơi, đồ đạc đổ vỡ ngổn ngang.

Sau khi dọn dẹp sơ sài, anh em chúng tôi điểm danh tập họp, trang bị vũ khí và chia tay nhau canh gác. Đêm hôm đó, vì nhà ngủ đã bị hư hại, chúng tôi phải trải chiếu ngủ trên nền xi măng ngoài bờ hè. Tôi kiếm được một góc hè, ngã lưng và thiếp đi lúc nào không biết.

Đang mơ màng trong giấc điệp, bỗng tôi choàng tỉnh vì một tiếng "ầm" vamg dội cả một góc trời. Lúc đó khoảng 4 giờ sáng.

Tiếng của một anh bạn la lớn:

"Pháo kích, pháo kích, chết mẹ, tụi Việt Cộng pháo kích. Xuống hầm mau".

Tôi bật dậy như một cái lò xo, chụp cây M 16 và nhảy vội xuống hầm trú ẩn. Những trái đạn pháo kích rớt đều cách nhau vài phút. Những tiếng "chíu" rồi "ầm" rồi "chíu" rồi "ầm" kéo dài hơn hai giờ đồng hồ. Lúc gần, lúc xa. Có lúc, tôi tưởng chừng như trái đạn rớt chỉ cách chúng tôi vài chục mét. Những mảnh vụn, đất đá bị bắn lên cao, rơi xuống như mưa trên đầu chúng tôi.

Trời hừng sáng, đạn pháo kích thưa dần rồi ngừng hẳn. Chúng tôi bò lên khỏi hầm, duyệt xét lại doanh trại và kiểm điểm hư hại. Thanks God, không ai trong chúng tôi bị thương tích gì cả. Sau khi làm vệ sinh cá nhân dã chiến, chúng tôi chia nhau dọn dẹp. Đang loay hoay sắp lại những đồ vật, bỗng tôi nghe tiếng nói nhỏ bên tai của Lễ, tên bạn thân:

"Ê Sỹ, tao với mày "dzọt" về nhà. Tao thấy ở đây không khá được. Tao đang giữ chìa khóa xe pick-up của sở, tụi mình viện cớ đi mua thức ăn cho anh em, rồi "dzù" luôn."

Tôi ngập ngừng, suy nghĩ hồi lâu rồi xiêu lòng đi theo Lễ.

Trên đường trở ra cổng Phi Hùng, chúng tôi thấy từng đoàn người lũ lượt, tay xách nách mang, nối đuôi nhau ra cổng. Những người này là những gia đình quân nhân sinh sống trong khu gia binh. Họ di tản ngoài trại để tìm sự an toàn. Sẵn có xe, chúng tôi đã tình nguyện chở giúp một số người, phần đông gồm đàn bà và con nít.

Tới cổng, tôi và Lễ bị quân cảnh đuổi trở vào. Anh quân cảnh sắc mặt lạnh như tiền, tay súng M16, chận chúng tôi lại và hô lớn: "Dân đi ra, lính đi vô".

Tôi và Lễ tiu nghỉu, vòng xe trở lại.

Khoảng gần 8 giờ, đạn pháo kích lại bắt đầu rơi. Lần này, hình như bọn chúng đã chiếm được đài không lưu, có "đề-lô" chấm tọa độ rõ ràng nên những trái đạn rơi thật chính xác. Từ hầm trú ẩn, chúng tôi mục kích được từng chiếc phi cơ bị thiêu hủy. Một chiếc, hai chiếc, ba chiếc...chiếc này theo sau chiếc kia, từng chiếc một, trúng đạn và bốc cháy.

Đến gần 9 giờ sáng, đạn pháo kích thưa dần. Từ sân sau của sở nhìn ra phi đạo chính, chúng tôi thấy những chiếc A37, những chiếc F5, rồi đến những chiếc C-130 thay phiên đều nhốn nháo. Sau những lời đôi co bất đồng ý kiến, chúng tôi được lệnh bỏ sở, chen nhau trên chiếc xe pick-up, ra phi đạo với hy vọng tìm được một chiếc phi cơ.

May thay, chúng tôi gặp một chiếc C-130 đang quay máy chuẩn bị để "taxi" ra phi đạo chính. Trên phi cơ, đã có hơn 200 người, chen chúc nhau ngồi trên sàn phi cơ. Anh em chúng tôi lần lượt lên tàu, cũng ngồi bệt xuống sàn tàu như mọi người khác. Mười lăm phút sau, chiếc phi cơ lướt nhanh trên phi đạo rồi nhấc bổng khỏi mặt đất, vĩnh viễn đưa tôi rời xa thành phố Sài Gòn, rời xa nước Việt Nam thân yêu.

Trên 200 người trên con tàu, mỗi người mang một tâm trạng khác nhau, một nỗi buồn riêng tư. Tất cả đã được thể hiện trên gương mặt mỗi người với nét đăm chiêu, tư lự. Riêng tôi, sáng hôm đó, tôi cảm thấy buồn và mất mát rất nhiều. Lý do thật giản dị, tất cả những người thân yêu của tôi đều ở lại. Tôi biết lần ra đi này, có thể tôi sẽ không bao giờ gặp lại những gương mặt thân yêu đó nữa. Một giọt nước mắt đã lăn dài trên má tôi.

Phi cơ đáp xuống phi trường Utapao, Thái Lan, sau hai giờ bay căng thẳng. Ở đây, chúng tôi được hướng dẫn lập thủ tục cần thiết và phân chia chỗ ngủ.

Trưa ngày 30-4, tất cả quây quần bên chiếc radio để nghe tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Mọi người đều mủi lòng, rơm rớm nước mắt. Một anh vì quá tức giận đã đập nát cái radio transistor nhỏ mà anh đang cầm trên tay.

Những ngày trên đảo Guam

Sau ba ngày tạm trú tại Utapao, tôi đặt chân lên đảo Guam ngày 2-5-1975. Trong túi tôi lúc đó không một đồng xu dính túi ngoại trừ hơn 30 ngàn đồng Việt Nam vô giá trị. Nhờ số vốn Anh ngữ sẳn có (tôi đã từng đi du học tại Hoa Kỳ năm 1973), tôi đã nhanh chóng nghĩ ra cách kiếm tiền một cách dễ dàng và hợp pháp. Tôi lân la đến những anh chàng GI trên đảo, sau một vài câu xã giao, tôi móc túi lấy ra xấp giấy bạc Việt Nam Cộng Hòa và gạ gẫm với họ:

"Các anh có biết những tờ giấy bạc này sẽ có giá trị như thế nào trong tương lai không" Tôi cho các anh một cơ hội để làm chủ lịch sử bằng cách đổi cho các anh một tờ giấy bạc này với một tờ giấy bạc Hoa Kỳ. Anh có thể chọn bất cứ tờ nào anh thích trong xấp giấy bạc này."

Với cách chào hàng này, trong mấy ngày ở Guam, tôi đã kiếm được hơn 150 đôla.

Một buổi sáng, tôi đang đứng sắp hàng để làm thủ tục định cư tại Hoa Kỳ thì nghe tiếng léo nhéo chuyện trò của những người đứng sau tôi.

Tiếng một người đàn ông:

"Trời ơi, cụ già rồi, sao không ở lại Việt Nam mà còn qua đây làm gì" Con cháu cụ đâu mà để cụ đi một mình như vậy""

Tiếng một người đàn bà lớn tuổi:

"Xin các ông làm ơn giúp tôi, tôi mang ơn các ông."

Tiếng một người đàn ông khác:

"Tụi tôi còn ú ớ không biết gì, làm sao giúp bà cụ được. Tuổi của bà cụ sang Mỹ thì còn làm được gì nữa."

Hỏi ra tôi mới biết cụ đi một mình từ Việt Nam qua Mỹ do sự bảo lãnh của người con gái lớn. Cô này có chồng Mỹ và đã theo chồng về nước năm 70. Cụ không biết một chữ tiếng Anh và cần giúp đỡ để điền những mẫu đơn lập hồ sơ xin định cư tại Hoa Kỳ.

Nghe vậy, tôi nhanh nhẩu nói với cụ:

"Ngoại đừng lo (tôi vẫn có thói quen gọi những bà cụ già là ngoại), ngoại đi theo con. Con nói được tiếng Anh, con sẽ giúp ngoại. Không có gì khó cả."

Bà cụ mừng như bắt được vàng, cám ơn tôi rối rít. Tôi đưa cụ tới bàn lập thủ tục, trình bày với nhân viên phụ trách về hoàn cảnh của cụ, giúp cụ lập những hồ sơ cần thiết. Công việc dễ dàng nên chỉ mất độ hơn hai mươi phút là hai bà cháu tôi đã ra khỏi văn phòng. Thấy bổn phận mình đã xong, tôi kiếu từ bà trở về lều tạm trú.

Khoảng hơn nửa giờ đồng hồ sau đó, tôi bỗng giật mình khi thấy bà khệ nệ tay xách nách mang hành lý cá nhân vào lều của tôi (không biết làm sao bà cụ biết chỗ tôi ở). Bà cười và nói với tôi:

"Bà dọn qua đây ở với con cho vui. Chừng nào đi Mỹ, con cho bà theo con".

Tôi than thầm: "Thôi khổ rồi, ách giữa đàng lại đi quàng vào cổ".

Tuy nghĩ vậy nhưng tôi cố làm vui, tươi cười nói với bà:

"Dạ được, con sẽ đưa ngoại qua tới Mỹ".

Sáng hôm sau, tôi đưa bà lên văn phòng cao ủy tị nạn để lập hồ sơ di trú và hồ sơ tìm người bảo trợ. Phần của tôi thì dễ dàng, nhưng đến lúc nhân viên thiện nguyện của Hội Hồng Thập Tự hỏi về tình trạng của bà thì phiền phức mới đến.

Tôi trình bày cho họ biết là bà có một người con gái hiện đang ở Mỹ, đã làm giấy bảo trợ cho mẹ, nhưng toàn bộ hồ sơ bảo trợ cùng giấy tờ tùy thân của bà đã bị thất lạc tại đảo Guam. Khi người nhân viên sở di trú hỏi đến tên người con gái, tên người con rể và nơi sinh sống hiện tại thì bà hoàn toàn không biết gì ngoài một chi tiết không mấy quan trọng: tên của người con gái là Nguyễn Thị Hoa, theo chồng sang Mỹ năm 1970.

Nghe xong, người nhân viên thiện nguyện cho tôi biết là việc tìm cô con gái bà ví như tìm kim đáy biển. Lý do giản dị là chỉ với một cái tên, mà lại là tên Việt Nam, không đủ dữ kiện để họ có thể truy lùng ra người con gái của bà. Thêm vào đó, người con gái của bà có thể bây giờ đã có một cái tên Mỹ hoặc đang mang tên họ của chồng. Người nhân viên này còn nói nếu cụ biết được tên thành phố và tiểu bang nơi người con gái cư trú, thì may ra...

Trở về lều, tôi hỏi bà còn bất cứ một thứ giấy tờ nào liên quan đến người con gái của bà hay không" Sau một hồi lục lọi mấy cái va li, bà moi ra được một bức thư viết tay và đưa cho tôi. Đây là lá thư của cô con gái ở Hoa Kỳ, viết bằng Việt ngữ, gửi cô em ở Sài Gòn, vài tuần lễ trước khi bà rời Việt Nam. Xui xẻo thay, lá thư chẳng có phong bì, đầu thư lại không ghi xuất xứ của nơi viết, nội dung chỉ toàn chuyện trên trời dưới biển mà không một chi tiết nào liên quan đến người con gái của bà cả. Tôi đọc kỹ lá thư, thất vọng định trả lại lá thư cho bà thì chợt chú ý ở giòng cuối cùng, cô con gái của bà viết một câu bằng Anh ngữ: "Hope she'll be in Mobil soon".

Oh my god! Tôi mừng hơn bắt được vàng, ba chân bốn cẳng chạy lên văn phòng sở di trú. Tôi tìm gặp người nhân viên đã giúp cụ buổi sáng và vui mừng nói: "I found it." Tôi cho người nhân viên biết là cô con gái của bà cụ đang sống ở thành phố Mobil, thuộc tiểu bang Alabama. Nghe xong bà ta nói: "Rất tốt, nhưng anh đừng quá hy vọng. Chỉ với một cái tên và thành phố cư ngụ, việc truy lùng không phải là dễ, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức".

Nhưng tôi vẫn hy vọng và tin tưởng vào đấng tối cao.

Chỉ vài ngày sau đó, văn phòng sở di trú gọi tôi lên và đưa cho tôi số điện thoại của cô con gái. Họ nói họ đã liên lạc được với cô và đã hoàn tất thủ tục bảo trợ cho mẹ của cô. Tôi vui mừng khôn xiết, trở về báo tin vui cho bà ngoại.

Tôi điện thoại cho cô con gái và xin cô làm ơn mau mau đến đón mẹ cô về.

Một tuần lễ sau, cô con gái cùng người con rể của bà đã đến trại Pendleton. Họ cám ơn tôi và mong muốn được trả ơn. Tôi từ chối và nói rằng "Chuyện giúp nhau là chuyện thường. Điều quan trọng là mẹ con chị đã được đoàn tụ". Riêng bà cụ đã ôm choàng lấy tôi mà khóc nức nở. Tôi cũng mủi lòng và chúc bà đi được bình an.

Ngày hôm đó, tôi cảm thấy thật vui vì nghĩ mình đã làm được một việc thiện.

Trần Quốc Sỹ
Huntington Beach, CA
Tháng Chín năm 2000

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,022,192
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến