Hôm nay,  

Từ Quê Nhà Tới Mỹ Quốc

20/11/200200:00:00(Xem: 241082)
Người viết: Nguyễn Hưng

Bài tham dự số 44/VBST

Tác giả Nguyễn Hưng, sinh năm Nhâm thìn (1952), đến Mỹ từ 1988. Hiện cư trú tại Long beach.

Nghề nghiệp:Trước 1975: Giảng viên ban Hóa vô cơ và Ứng dụng, Đại học khoa học Sài gòn. Từ 1988 đến nay: Nhà hóa học nghiên cứu về ngành sắc ký (chromatography/ Research chemist).

Năm 1969, nước Mỹ đã được thế giới biết đến một cách hào hùng và thán phục, khi ba phi hành gia Mỹ, đại diện cho loài người, lần đầu tiên đặt chân lên bề mặt của chị Hằng. Lúc đó tôi còn là một học sinh lớp đệ nhất ban B, của trường trung học Phan bội Châu Phan thiết, một thị xã nhỏ ven biển miền Trung. Qua theo dõi tin tức của đài tiếng nói Hoa kỳ (VOA) tôi đã viết thư và nhận được một tấm hình màu khổ lớn của các nhà phi hành Mỹ. Từ đó tôi luôn mơ ước một ngày nào đó mình sẽ được đặt chân đến xứ sở này.
Cuối năm, sau khi thi đậu Tú tài phần hai, khăn gói vào Sài gòn học, tôi ở trọ tại nhà người bà con nghèo trong một con hẻm nhỏ ở đường Trần bình Trọng, kế một villa đang cho Mỹ mướn. Hàng ngày đi học về, tôi thường dừng lại để nói vài ba câu xã giao với người Mỹ hàng xóm và nhân đó làm quen với một giáo sư Mỹ, Ebon Teddy Griffin, tên của ông ta, đang dạy tại trường sinh ngữ Hải quân bến Bạch Đằng. Tôi đến ở nhà ông ta, trên đường Trương minh Giảng, gần câu lạc bộ bóng bàn Minh nghĩa. Ông về nước năm 1972 sau khi mãn hợp đồng dạy học. Trước khi rời Việt nam, ông ngỏ ý muốn nhận tôi làm con đỡ đầu và lo giấy tờ cho tôi cùng về Mỹ. Khi đó phần vì đang chuẩn bị để hoàn tất bậc cử nhân tại Đại học khoa học Sài gòn, hơn nữa tôi lại nặng tình cảm gia đình nên đành phải khước từ lòng tốt của ông.
Năm 1973, tôi được tuyển dụng làm giảng viên ban hóa Vô cơ và Ứng dụng thuộc Đại học Khoa Học Sài gòn. Cùng thời gian này, một giảng sư tre,û vừa tốt nghiệp tiến sĩ hóa vô cơ tại đại học Wisconsin về giảng dạy ở ban Hóa vô cơ, đã đỡ đầu cho tôi và gởi đi học Anh văn tại cơ quan USAID, ở đường Sương nguyệt Ánh, khi tôi được học bổng của đại học này.
Vào buổi sáng tháng Tư giao động của năm 1975, khi chúng tôi đang thi kỳ thi cuối khóa, sau mười tám tháng học, thì một tiếng nổ vọng lại và sau đó là thông báo của vị giáo sư đang điều khiển buổi thi:
" Yêu cầu quý vị thu xếp để ai về nhà nấy, càng sớm càng tốt, dinh Độc lập vừa bị ném bom".
Chúng tôi bàng hoàng giải tán và cũng không ngờ rằng chỉ mười mấy ngày sau, miền Nam đã hoàn toàn sụp đổ, cơ hội đi Mỹ du học của tôi đã tan thành mây khói, và phải tới gần mười ba năm sau, tôi mới chính thức được đặt chân đến đất nước Hoa kỳ.
Mười năm sau đó là những tháng năm dài khổ ải: lăn lộn khắp các tỉnh miền Tây, len lỏi tận những khu rừng tràm rừng đước ở miệt Trà vinh, Rạch giá, Cà mau, U minh để "tìm đường tự cứu lấy bản thân", mấy lần vào tù ra khám, thân xác rã rời, nhưng tinh thần thì vẫn lạc quan, vì luôn nghĩ rằng: "còn trời còn đất còn non nước, chẳng lẽ ta đây mãi thế này."
Sau nhiều lần thất bại, tôi đâm ra tin vào tử vi, tướng số. Thế là tôi bắt đầu tụ năm tụ ba với những thằng bạn tử vi vô công rỗi nghề, hì hục nghiên cứu để mong tìm ra giải đáp cho những thắc mắc của chính mình: tại sao nhiều người chỉ thử thời vận một hoặc vài ba lần là thành công còn tôi thì vẫn mười năm trời lận đận, hay là tôi không có số xuất ngoại" vân vân và vân vân. Mà không thất bại sao được khi vận hạn mười năm của tôi đang nằm trong vòng "thiếu âm, long đức, trực phù" lại có những sao mắc dịch như thiên la, địa võng cùng tụ họp, thì dù cho chắp cánh cũng không bay khỏi. Cũng may tôi còn được những sao tứ đức, ân quang, thiên quý thủ hoặc chiếu mạng chứ nếu không thì có lẽ cũng đã đi chầu ông bà ông vải rồi.
Năm cuối cùng của hạn mười năm, đó là cuối năm Bính dần, 1986, những thằng bạn tử vi tài giỏi bảo tôi: "Mày đã vô hạn Mã Khốc Khách rồi, ngựa đã gắn sẵn yên cương, lục lạc, trước sau gì mày cũng dọt." Mà "dọt" sao được khi trãi qua mười năm trời ròng rã, hết thất bại này đến thất bại khác, tiền bạc không dính túi, gia đình tan nát, một chổ cắm dùi cũng không, tôi phải trở về chui đụt tại nhà thằng em bà con ở hẻm Trần bình Trọng, nơi mà mười bảy năm về trước tôi từ quê lên tá túc để đi học.
Quả đúng như vận hạn trong tử vi, đang lúc "tận cùng bằng số" thì bỗng dưng có người quen tới rủ tôi đi qua ngã Kampuchia, trả tiền sau. Đúng là "buồn ngủ lại gặp chiếu manh", thôi thì "cũng đành nhắm mắt đưa chân, thử xem con Tạo xoay vần đến đâu", không có gì phải đắn đo suy nghĩ, tôi quyết làm một chuyến Miên du.
Từ lâu, tôi luôn bị ám ảnh là có lẽ mình không có số xuất ngoại nên mới lận đận đến như vậy. Vì thế khi qua cửa sổ tàu đò, dọc theo làng mạc hai bên bờ, những lá quốc kỳ Miên với tháp vàng trên nền cờ màu đỏ máu, đang bay phần phật dưới gió chiều, cho tôi biết là mình đã vào lãnh thổ của Miên, nỗi ám ảnh nặng trĩu bấy lâu nay đã hoàn toàn tan biến.
Một đêm ngủ dưới chân cầu Sài gòn của thủ đô Nam vang, ba đêm ngủ ngoài chợ Stưnghao, một làng nhỏ ven biển trù phú của Miên, tiếp theo là bảy ngày lên đênh trên một chiếc xuồng chèo dài bảy thước xuất phát từ Stưnghao, cuối cùng rồi cũng đến được Thái lan. Nhưng nếu không nhờ một tàu tuần duyên của Hải quân Thái vớt thì chắc mười ba người bọn tôi đã có cơ hội đi thăm Hà bá rồi. Trong một tuần lễ vật lộn với sóng biển của vịnh Thái lan, tôi không hề bị say sóng, nhưng khi vừa đặt chân lên đất liền của quận Klong Yai vào lúc chín giờ tối, tôi như người say, đi đứng không vững. Chẳng lẽ tôi đã bị say không khí tự do rồi hay sao"
Ở trại tạm Klong Yai hai mươi ngày, tôi được chuyển lên Panat Nikhom, một trại chính của dân tị nạn tại Thái lan.
Để trau dồi Anh ngữ, hàng ngày tôi tham dự các lớp giảng Kinh thánh của những mục sư Úc và Mỹ. Phương tiện duy nhất để học Anh văn là cuốn Kinh thánh do các vị mục sư tặng. Sau vài tháng, tôi được vị mục sư người Mỹ, cho vào ở trong một nhà thờ của Cơ đốc giáo (ADRA) để phụ giúp với ông ta trong việc tổ chức các lớp dạy tiếng Anh cho những người tị nạn. Thế là sau cùng tôi đã gặp được thiên đàng trong "địa ngục Panat Nikhom".
Ngoài những giờ phụ trách công việc của trường, vào mỗi chiều thứ bảy, ông Dee, tên của vị mục sư, nhờ tôi thông dịch khi ông giảng Kinh thánh cho đồng bào tị nạn Việt nam, nhiều lần ông yêu cầu tôi giảng thế cho ông, bằng tiếng Việt, để đỡ mất công thông dịch. Thế là tôi lại trở thành mục sư bất đắc dĩ.
Sau khi được phái đoàn Mỹ phỏng vấn và chấp thuận, như bao người tị nạn khác, tôi được chuyển qua Phi để chuẩn bị cho việc hội nhập vào đời sống Hoa kỳ.
Tại Phi, tôi được tuyển và huấn luyện để trở thành Assistant Teacher (A.T) cho cycle 106, nhiệm vụ thông dịch cho các giáo sư người Phi trong các lớp học về đời sống Mỹ. Chương trình này nhằm chuẩn bị cho người tị nạn những kiến thức cần thiết trước khi vào Mỹ: từ việc đi xin trợ cấp, cách thức đi thuê nhà, đi xin việc làm, v.v. Ngoài ra họ còn được học tiếng Anh tùy theo trình độ. Nhờ sự chuẩn bị rất chu đáo của chính phủ Hoa kỳ mà hầu hết sau sáu tháng tại Phi, những người tị nạn Việt, Miên, Lào đã có một hành trang, vốn liếng khả dĩ để không quá bỡ ngỡ khi đặt chân đến Mỹ, một đất nước văn minh, tự do và đầy lòng nhân ái.
Qua sự thu xếp của chính phủ Hoa kỳ và một Hội thiện nguyện, tôi được vị sư trụ trì tại một chùa Phật giáo ở San Diego bảo trợ.

Mười hai giờ trưa ngày hai mươi bảy tháng năm, 1988, một ngày không thể nào quên được trong cuộc đời tị nạn của tôi, chiếc Boeing 747 chở chúng tôi đã hạ cánh xuống phi trường Los Angeles, giấc mơ sau bao năm dài đã trở thành hiện thực.
Đất nước của lòng nhân ái lại một lần nữa dang tay đón những người tị nạn cùng khổ đến từ các nơi trên thế giới. Thế là kể từ giờ phút này, những người tị nạn chúng tôi sẽ được có cơ hội đồng đều, được quyền quyết định vận mạng của chính bản thân và gia đình mình. Đó là lý do mà biết bao nhiêu người đã và đang sẵn sàng hy sinh cả mạng sống để đạt cho được mục đích này.
Từ phi trường Los Angeles, hai cha con tôi được đưa đến phi trường San Diego bằng shuttle bus. Lúc đó đang là mùa xuân, hoa lá hai bên đường xanh tươi, nở rộ, được cắt tỉa một cách khéo léo, nhìn lưu lượng xe cộ trên xa lộ tôi có thể mường tượng được sự mạnh mẽ vàtrẻ trung của quốc gia Hoa kỳ.
Sống ở chùa ba tháng, nhờ vị sư bảo trợ cho ăn ở free, lại thỉnh thoảng có bạn bè, người quen, kêu đi phụ cắt cỏ, sơn sửa nhà v.v, cộng thêm vài trăm đô của cơ quan thiện nguyện, tôi đã mua được một chiếc truck cũ hiệu Nissan số tay còn chạy tốt, giá 750 đô. Sau đó tôi từ giã vị sư bảo trợ và cũng không quên cảm ơn lòng tốt của ông đã cho tá túc, để lên đường đi Long Beach, một thành phố biển cách San Diego khoảng hai giờ lái xe về phía Bắc, vì ở đây tương đối dễ kiếm việc làm hơn.


Khi đến Long Beach được ít lâu, hay tin vị bảo trợ của tôi đã hoàn tục và lập gia đình với một bà chủ tiệm bánh mì. Đó là chuyện đạo, nhưng lúc nào tôi cũng không quên sự giúp đỡ tận tình của ông trong những ngày đầu bỡ ngỡ đến đất nước Hoa kỳ.
Ở Long Beach, tôi cũng đi apply chương trình AFDC, chương trình trợ giúp cho những người có con nhỏ, để có tiền trang trãi những chi phí ban đầu. Lúc này chính phủ Hoa kỳ cũng đã có chương trình Workfare nhằm giúp đỡ những người đang xin trợ cấp, tham gia vào chương trình huấn nghệ trong một thời gian sáu tháng hoặc một năm, để sau đó có thể tự kiếm việc làm hầu bớt được gánh nặng cho chính phủ.
Vị phụ trách chương trình học nghề đề nghị tôi nên chọn ngành thợ tiện, vì theo lời ông ta, chương trình học ngắn hạn, lại dễ kiếm việc làm, lương tương đối cũng tạm đủ sống, khởi đầu khoảng 7, 8 đô một giờ. Mặc dù lúc nào tôi cũng muốn kiếm việc trong ngành hóa học, nhưng mới đến đây, không quen biết ai đang làm việc trong ngành này, và cũng không biết những hãng xưởng nào để mình có thể tới xin việc. Hơn nữa lúc còn ở bên Phi, qua các chương trình huấn luyện về đời sống tôi cũng biết, muốn được tuyển dụng vào các hãng Mỹ, mình thường phải có một quá trình kinh nghiệm làm việc tại đây.
Thế là không còn cách nào khác, hàng ngày tôi phải lái chiếc truck cà tàng để đến một trung tâm dạy nghề tại thành phố San Pedro, cách Long Beach khoảng mười dặm về phía Tây. Thật sự mà nói thì tôi cũng không có khiếu về nghành này. Mỗi lần vị instructor đưa ra một đề tài để làm, chẳng hạn tiện một cái cán búa, tôi luôn luôn là người nộp sản phẩm trễ nhất. Đã thế hình thù của nó sần sùi thô kệch, mặc dù tôi cũng cố gắng hết sức o bế, trao chuốt.
Học nghề được ba tuần, một hôm có một bà giáo người Mỹ, tên Dunnevant, đến thăm phòng thực tập, thấy tôi đang vật lộn với những cái dũa, cái búa, bà ta nói:"Tao thấy mày không có khiếu về nghề này", bà ta hỏi tiếp: "Thế ở Việt nam mày làm nghề gì để sống"" Tôi thành thật cho bà biết là tôi thật sự không thích về nghề này và cũng ngỏ ý là muốn được làm bất cứ công việc gì trong các hãng liên quan về hóa học, dù là rửa dụng cụ trong phòng thí nghiệm, vì sẽ thích hợp với tôi hơn.
Sau một lúc suy nghĩ bà hỏi tôi: "Mày có resume không"" Dĩ nhiên là có, vì lúc còn ở Phi trong chương trình huấn luyện, các vị giáo sư Phi và Mỹ đã giúp tôi chuẩn bị sẵn một resume, trong đó liệt kê tất cả những việc làm thiện nguyện ở các trại tị nạn Thái và Phi. Mặc dù tôi cũng biết rằng những kinh nghiệm đó khai ra cũng chưa chắc đã giúp ích gì cho việc tìm job ở Hoa kỳ, nhưng có còn hơn không, hơn nữa tài sản vốn liếng mà tôi mang vào Mỹ, ngoài những bộ đồ của Cao ủy tị nạn, là tờ resume này.
Bà Dunnevant giải thích: "Tao có quen một ông doctor, tên Dennis, thường đi nhà thờ với tao vào mỗi sáng chủ nhật, ông ta hiện là Research manager cho một hãng đứng đầu về ngành sắc ký (chromatography), tao sẽ đưa resume của mày cho ông ta để coi có giúp đỡ gì được cho mày hay không"
Tôi cảm ơn bà nhưng cũng không hy vọng rằng họ chú ý đến resume của tôi, một người Việt nam vừa mới chân ướt chân ráo đến từ trại tị nạn, không có một chút kinh nghiệm gì trên một đất nước mà nền kỹ thuật đã đứng vào hàng đầu thế giới.
Một tuần sau đó, vào một buổi sáng khoảng mười một giờ, trong lúc tôi đang vật lộn với những khối sắt trong phòng tiện thì bà giáo Dunnevant đã lù lù xuất hiện ở cửa, bà xin với vị instructor để cho tôi lên văn phòng của bà, vì ông Dennis đang chờ nói chuyện với tôi qua điện thoại. Sau phần thăm hỏi xã giao, ông ta cho biết muốn phỏng vấn tôi vào ngay chiều hôm đó, lúc 2 giờ.
Tội nghiệp bà Dunnevant, khi nghe tôi báo lại, bà ta mừng rỡ và lính quýnh như chính mình là người sắp sửa đi phỏng vấn chứ không phả là tôi, vì thời gian chỉ còn vài tiếng đồng hồ. Bà đã vẽ bản đồ, chỉ dẫn tôi đường đi nước bước một cách tường tận, còn căn dặn tôi nên đến trước giờ hẹn. Tôi cảm ơn bà và phóng xe về nhà, kiếm mượn một bộ suit, cà vạt của một người bạn để đóng bộ rồi đến nơi hẹn.
Mặc dù lúc còn ở bên Phi, tôi đã được chuẩn bị rất kỹ về vấn đề này, thậm chí họ còn cho đóng giả những cảnh đi phỏng vấn việc làm, nhưng mình vẫn cảm thấy rất là bồn chồn, lo lắng khi đối diện với thực tế. Trước kia, lúc tôi được tuyển vào trường đại học Khoa học Sài gòn, họ cũng không đòi hỏi resume, và tôi chưa bao giờ trãi qua một cuộc phỏng vấn nào cả. Việc tôi phải làm lúc bấy giờ là chỉ nộp các văn bằng, rồi họ cứu xét theo thứ hạng cao thấp. Nhưng ở Mỹ, chuẩn bị một tờ resume và đi phỏng vấn là điều mà tất cả những người đi tìm việc đều phải trải qua.

Mọi chuyện rồi cũng suông sẻ, sau khi được ông Dennis và hai cộng sự phỏng vấn, trả lời một bài test về hóa học, tôi được nhận vào làm việc trong phòng nghiên cứu về ngành sắc ký (chromatography) của hãng Varian. Mặc dù số lương khởi đầu còn khiêm nhường nhưng rõ ràng đây là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời tị nạn của tôi.
Khi đi làm được một tuần, vào buổi chiều sau giờ làm việc, ra parking lot thì chiếc truck thân yêu của tôi đã không cánh mà bay. Thế là phải một màn báo cảnh sát và nhờ thằng làm chung hãng chở về nhà. Ngày hôm sau, cảnh sát cho biết là đã bắt được thằng ăn cắp xe, và kêu tôi lại đóng tiền phạt để lãnh xe về. Thật là buồn cười, xe tôi bị mất cắp trong lúc tôi đang làm việc, có sự xác nhận của hãng, thế mà lại phải bị nộp phạt, tiền giam xe. Thế là tôi nhờ ông Dennis lái xe chở tôi tới bãi giữ xe của cảnh sát. Nhìn đầu xe bị đụng móp méo thảm hại, bình nước bị bể nát, ông Dennis ái ngại hỏi tôi: "Mày coi thử có nên đóng 100 đô để lãnh ra không""
Trên xe còn ngổn ngang đồ đạc của tên ăn cắp còn bỏ lại: một túi đồ nghề làm thợ hồ, thợ mộc, một túi xách với bốn năm bộ quần áo cũ, dây điện câu bình v.v. Nhìn chiếc xe tả tơi, tôi thật là đau xót, mặc dù là xe cũ nhưng đó là tài sản mồ hôi nước mắt của mấy tháng làm việc cật lực, hơn nữa nó đã đưa hai cha con tôi từ San Diego về đây, nhờ nó mà tôi có được công việc làm hôm nay. Vì vậy mặc dù cũng biết ngoài 100 đô đóng cho police, còn phải trả tiền kéo xe, tiền sửa v.v, cũng tốn khoảng bốn, năm trăm đô, gần bằng tiền tôi mua nó, nhưng tôi không nỡ bỏ người bạn trung thành và hoạn nạn này được.
Ngày ra tòa để làm nhân chứng, thì ra nó là một anh Mễ di dân bất hợp pháp, sau khi kiếm được một vốn liếng, định lấy xe tôi để di chuyển qua tiểu bang khác làm ăn, theo lời của vị luật sư bào chữa. Không ngờ vì không rành lái số tay nên đã lính quýnh đâm vào chiếc xe của một ông Mỹ lớn tuổi, thế là bị bắt. Nhìn anh ta đứng ủ rủ trước tòa, tiu ngỉu như con mèo bị cắt tai, những nổi bực bội vì bị mất xe đã không còn nữa, trái lại tôi thật sự thương hại cho hoàn cảnh của hắn, chỉ vì một chiếc xe truck cũ mà giờ đây phải lâm vào cảnh tù tội và sau đó chắc chắn là sẽ bị trục xuất.
Đến Mỹ với hai bàn tay trắng, đây là cơ hội để tôi gầy lại số vốn liếng kiến thức. Tôi làm việc một cách hăng say, học hỏi mỗi ngày, từ trong sách vở, trong công việc, từ những bạn đồng nghiệp, với mong muốn được góp phần mình trong việc xây dựng quê hương mới: Hiệp chủng quốc Hoa kỳ. Dĩ nhiên là tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa, để xứng đáng với ân tình của các ân quang thiên quý trong bản mệnh của tôi: những người dân nghèo khổ, chất phác, chân lấm tay bùn, nhưng thật giàu có tình người, đã hết lòng giúp đỡ, bảo bọc, che dấu, trong những lúc tôi lao đao, khốn đốn, trong những cánh rừng ngập mặn của miệt U minh, Cà mau, Rạch giá, những vị mục sư, vị bảo trợ, bà giáo Mỹ, ông Dennis. Không có họ, tôi đã không có cơ hội ngày hôm nay.
Sáu tháng sau, Dennis, vì lý do riêng, đã bỏ job và qua một hãng khác cùng ngành. Mặc dù trên thực tế ông đang cạnh tranh với hãng tôi đang làm, nhưng tình bạn giữa tôi và ông ta vẫn luôn tốt đẹp. Tôi thường gặp ông trong các hội nghị quốc tế về ngành hóa phân tích, phổ chất lượng và sắc ký, được tổ chức hàng năm tại các tiểu bang và thành phố miền đông bắc Hoa kỳ như Baltimore, Chicago, New Jersey, New Orleans, Atlanta. Ông theo dõi những thành quả của tôi, luôn có mặt trong những lần tôi trình bày các đề tài nghiên cứu, tôi biết ông cũng tự hào và hài lòng vì đã mở cho tôi cánh cửa để đi vào khu vườn khoa học đầy kỳ thú, nơi đó tôi như một con ong chăm chỉ, ngụp lặn để hút từng hạt nhụy kiến thức, với mong muốn được đem chút mật ngọt hiến dâng cho đời.
Sau gần mười hai năm làm việc, với trên bốn mươi đề tài nghiên cứu được đưa ra trình bày trong các hội nghị quốc tế, và được công bố trên các tạp chí khoa học của Mỹ và thế giới, một lần nữa tôi lại được ông boss cũ, Dennis, nay là boss mới, hiện là phó giám đốc về nghiên cứu, nhận vào làm việc trong hãng của ông.
Ngày đầu tiên đưa tôi đi giới thiệu với những đồng nghiệp trong hãng mới, ngang qua phòng máy tiện, ông ta đùa: "kể từ ngày mai mày sẽ vào làm việc trong phòng này".

Thank you, Dennis.
Nguyễn Hưng
California, 6/2000

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,191,056
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết đầu năm mới của bà.
Chúc Mừng Năm Mới Kỷ Hợi 2019. Viết Về Nước Mỹ bắt đầu năm Canh Thìn 2000. Từ Thìn tới Hợi, vừa đúng 20 năm. Ngày đầu năm Hợi, xin mời đọc bài Tết của Lê Nguyễn Hằng. Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài sau đây trích từ báo xuân Tết Kỷ Hợi 2019.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Mừng Tết Kỷ Hợi đang tới, mời đọc chuyện tình tất niên của tuổi hạc.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Sau đây là bài viết thứ ba của cô.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Bài mới của tác giả kể về khóa Thiền Vipassanna 10 ngày mà bà đã tham dự. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi, đang phát hành khắp nơi.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật là Trần Văn Hai, hiện đã là cư dân hưu trí tại Nashville, TN. Thư ông viết: Tôi thường xuyên theo dõi và đọc bài viết trên trang Việt báo online. Đây là bài viết tôi gởi về cho tòa soạn đầu tiên, mong nhận được sự góp ý. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là bước khởi hành tốt: gọn nhẹ, giản dị và thành thực. Mong tác giả tiếp tục.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Ba bài đã viết là chuyện 30 năm của gia đình bà: Vượt biển tới đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Nhờ chương trình ROV, gia đình vẫn tới được nước Mỹ, và với sức phấn đấu chung, tất cả đã đứng vững.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài viết sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019, hiện đang phát hành khắp nơi.
Nhạc sĩ Cung Tiến