Hôm nay,  

1 Người Việt Thành Công Ở Mỹ

20/11/200200:00:00(Xem: 182587)
Người viết: Nguyễn Thanh Khiêm

Bài tham dự số 41/VBST

Nguyễn Thanh Khiêm 30 tuổi, hiện định cư tại La Puente, California. Công việc được ghi: Pharmaceutical Consultant.
Bài viết của bạn Khiêm thể hiện một cách nhìn trân trọng hiếm thấy dành cho bậc cha chú.

Bên nội và bên ngoại của đại gia đình tôi hoàn toàn khác biệt. Bên ngoại gồm toàn là "trí thức khoa bảng" còn bên nội phần lớn làm nghề lao động chân tay.

Ông ngoại tôi ngày trước hấp thụ văn minh Tây Phương, cộng thêm với nếp suy nghĩ từ ngàn xưa để lại là trọng người có học (sĩ, nông, công, thương) nên các dì cậu tôi ai cũng được ông cho ăn học thành tài. Trước năm 1975, mỗi người đều có một chỗ đứng trong xã hội Việt Nam: người thì bác sĩ ở một quân y viện, người thì mở dược phòng. Thấp nhất như mẹ tôi cũng được một chân dạy ở trường Trung Học. Sau năm 1975, các dì cậu lần lượt đi Pháp, Mỹ, Canada có người học lại có người đi làm công ăn lương. Cuộc sống ổn định, thoải mái nhưng không ai giàu có gì.

Trái lại bên nội tôi chưa có một cô chú nào bước chân vào ngưỡng cửa Đại Học cả, phần lớn vì kinh tế gia đình quá khó khăn. Ông nội tôi mất sớm, một mình bà nội phải tần tảo nuôi mười miệng ăn. Các chú bác lớn trong nhà còn được học lên tú tài chứ còn các cô chú út xong bậc tiểu học là nội tôi mừng lắm rồi. Với cái bằng tiểu học thì trước hay sau 75 công việc thích hợp vẫn là lao động chân tay.

Ngày mất nước chú tôi tròn hai mươi tuổi mà vẫn chưa xong nổi tú tài, có lẽ chú chẳng có ý chí học hành. Nhờ có tấm thân lực sĩ chú dễ dàng xin học huấn luyện viên thể dục thể thao. Sau một năm đào tạo chú trở thành giáo viên thể dục. Ra trường điểm thấp, lý lịch xấu chú bị đẩy ra Vũng Tàu. Dạy học ở đó một thời gian, học sinh tỏ ra mến chú. Dạo đó phong trào vượt biên lên cao, chú được một gia đình học sinh thương mến và cho chú một chỗ đi chui khỏi trả tiền. Chú chẳng phải tài công hay thợ máy gì nhưng nhờ có thể lực tốt nên gia đình đứa học sinh tin tưởng chú có thể giúp họ một tay lúc lâm nạn.

Tháng chú ra đi thời tiết tốt, tàu thuận buồm xuôi gió nên chú đã đến được Mã Lai an toàn. Ba tôi bảo lãnh chú vào Mỹ theo diện ODP nên chú không được hưởng một khoảng trợ cấp nào. Ba tôi khuyên chú nên đi học Anh ngữ rồi học thêm điện tử hay tiện để có một việc làm tốt trong tương lai. Thấy mình sang đây bỗng nhiên trở thành một gánh nặng cho anh nên chú chỉ đi học bán thời gian và xin làm một chân phụ bếp tại một nhà hàng Nhật. Chú làm rất nhiều việc: lúc thì đứng bếp, lúc lột tôm, cắt cá, xắt rau, rửa chén, thái thịt, chùi bàn, lấy order... Việc gì mà nhà hàng cần thì chú làm ngay không nề hà khó nhọc. Trong thời gian làm tại đây, chú rất để ý đến cách pha chế nấu thức ăn của người Nhật từ món xúp, chiên xào, nướng, hấp, món sushi, sashimi, sốt Teriyaki ...

Làm phụ bếp trong hai năm thì chú được một người bạn thân trước đây, nay định cư ở thành phố New York rủ chú mở nhà hàng. Kẻ có công, người có của góp lại sang một nhà hàng Nhật đang ế khách tại thành phố này. Bắt tay vào việc, chú tôi và người bạn đã Nhật hóa tiệm ăn từ tên nhà hàng, cách trang trí và mướn người. Thế là nhà hàng Sakura ra đời tại thành phố Nữu Ước rất đông dân. Tôi không biết ai đã dạy chú cách mở nhà hàng bên Mỹ hay do đầu óc sáng tạo mà chú đã trang hoàng nhà hàng làm cho thực khách có cảm tưởng là họ đan ở Tokyo vậy.

Cái cổng đi vào là một chiếc cầu vồng bằng gỗ một nhịp, sơn đỏ, hai bên cầu có những cây hoa anh đào Sakura đang trổ bông. Bước vào bên trong là một bức bình phong có vẻ ánh trăng, rải rác có những chiếc lồng đèn kiểu Nhật. Dọc theo vách tường có những tấm tranh đan bằng tre vẽ hình các cô Geisha mặt trắng, tóc bối cao đang cầm quạt múa điểm thêm những bức tranh sơn thủy: cảnh tuyết rơi ở núi Phú Sĩ. Những bản nhạc Sakura, Soyonara ... mang âm điệu Nhật từ chiếc máy CD vọng ra tạo nên một khung cảnh hữu tình nhưng hiu hắt của một buổi chiều ở Đông Kinh.

Lúc tôi còn đi học, những tháng hè chú mua vé máy bay cho tôi lên New York chơi. Ngày thường nhà hàng không đông lắm, tôi phụ chú lấy order nhưng từ chiều thứ sáu trở đi đến tối chủ nhật thực khách xếp hàng dài bán không kịp. Tôi trả lời điện thoại, lấy message và đi giao thức ăn. Những lúc rỗi rảnh tôi hỏi chú: Chú mới sang Mỹ sao mà chú mở nhà hàng hay quá vậy"

Bằng một giọng miền Nam thân mật chú trả lời: "Có gì hay đâu mậy. Qua bên nầy riết rồi cái gì mình cũng phải học và đi từng bước. Tao qua đây hai bàn tay trắng, rồi trở thành thằng làm công, đầu bếp phụ rồi đầu bếp chính, hùn hạp với người ta rồi mới ra riêng được. Có ai mới tới mà làm chủ ngay đâu!" Rồi chú thêm vào: "Muốn thành công ở xứ này, con phải nổ lực, siêng năng chịu khó và có óc sáng tạo."

Đúng là lời nói của chú đi đôi với việc làm. Bây giờ chú lái chiếc xe rất đắt tiền, đứng trong nhà hàng với tư thế làm chủ nhưng cung cách làm việc của chú không phải chỉ tay năm ngón. Nếu có người làm công nào làm khó muốn nghĩ là chú nhảy vào ngay. Chú tôi rất khéo tay. Tôi đã xem chú cuốn sushi 10 cái như một: chú trải rong biển màu đen trên một tấm mành bằng tre. Kế đến là một lớp cơm dẻo Nhật Bản rồi đến một lớp cá sống ngâm dấm có màu cam như cá salmon. Cuối cùng là những thanh dưa leo và những miếng bơ cắt mỏng. Bàn tay chú nén xuống rồi cuộn tròn lại rất đều. Xong chú cắt ra từng khoanh tròn xếp vào dĩa trông như những bông hoa nhiều màu sắc: màu đen bên ngoài của rong biển, màu trắng của gạo, màu cam của cá và màu xanh lá cây của dưa leo và trái bơ.

Chú nói tiếp: "Người Mỹ lúc này họ thích ăn đồ Nhật, vừa tươi và không có chất béo. Thức ăn Tàu nhiều dầu quá! Họ vào nhà hàng không phải chỉ ngồi chờ thức ăn mang lên như người mình. Họ còn ngắm cảnh trí "thiên nhiên", có khi còn phải biểu diễn tài nấu nướng trước mặt họ. Họ cầu kỳ lắm, không chỉ ăn bằng miệng mà còn dùng nhiều giác quan khác nữa. Có lần họ muốn thấy chú lạng phi lê cá nên chú phải mang dao thớt lên cắt những lát cá mỏng như giấy trước mặt họ. Dĩ nhiên là sau đó họ tip rất nhiều."

Chú tôi là một người chiều khách với phương châm: Khách hàng luôn luôn đúng. Trong lúc đó có những người bán đắt lại xem thường khách hàng.

"Thế chú còn món nào độc đáo nữa không""

"Có chứ! Đó là món xốt Teriyaki do chú pha chế chứ không mua ở chợ mặc dầu chợ bán rất nhiều. Sách vở dạy làm xốt nầy khá nhiều nhưng chú có "bí quyết" riêng bằng cách nấu xương gà, bò, heo cho rục để lấy nước vì vậy mà xốt của chú ngọt tự nhiên không dùng bột ngọt, tránh được cái "hội chứng Trung Hoa" làm cho người Mỹ nhức đầu. Xốt có màu đậm như nước tương hay đường thắng kho cá mà không đắng dùng để "Teriyaki" gà hay bò. Theo tiếng Nhật Teri là bóng hay sáng, yaki là nướng. Chiên gà hay bò cho vàng rồi chế nước xốt vào, miếng thịt trở nên bóng có mùi thơm hấp dẫn mà mỗi lần lên chơi tôi đều được ăn, lúc về vẫn nhớ mãi.

Chú còn món tráng miệng độc đáo là kem trà xanh chiên dòn. Chú order những hộp kem trà hiệu Dreyerõs có màu xanh lá cây. Trà xanh làm cho người gầy đi. Chú múc những vá trà cho vào chảo chiên nóng vàng, lật qua lật lại. Những cục kem chiên bên ngoài nóng dòn thơm bên trong vẫn còn lạnh. Người Mỹ thích ăn kem nhưng sợ mập thì ăn món kem trà chiên họ rất khoái khẩu và an tâm vì ốm người lại. Bên cạnh đó chú còn dùng những "nghệ thuật câu khách" khác như ăn một món, món thứ hai khỏi trả mặc dầu chú đã tăng giá món thứ nhất lên rồi.

"Chú à, con nghe nói những người nấu ăn giỏi có cái lưỡi rất tài tình. Con nghĩ chú có cái lưỡi đó. Bửa nào con thấy chú không nếm thức ăn thì bửa đó không vừa miệng, khách hàng phàn nàn."

"Có gì đâu mậy! Cách nấu ăn của người Á Đông là không dùng những dụng cụ đo lường như Mỹ mà cứ nêm nếm cho vừa. Bây giờ tao bận quá. Một mình đứng ba nhà hàng cho nên tụi nó nấu xong tao chỉ nếm."

Tôi lại đùa:

"Con nghĩ nấu ăn chắc cũng có cái "gene" di truyền. Bà nội nấu ngon người ta rước đi nấu đám cưới. Ba con cũng nấu ngon, các cô chú khác cũng vậy."

"Mày học Biology nhiều nên lậm đó! Rồi chú cười.

Chỉ có mấy năm mà chú trở nên giàu có. Ngày nay chú tôi đã làm chủ ba nhà hàng ăn Nhật. Hai cái ở New York và một cái vừa khai trương ở bang New Jersey. Nhà hàng nào chú cũng mướn quản lý là người Mỹ, nấu bếp và chiêu đãi viên là người Nhật. Lương họ còn cao hơn những người tốt nghiệp Đại Học 4 năm.

Tháng trước đám cưới tôi chú từ trên New York xuống với gia đình tôi một tuần. Chú không là ông chủ, vẫn tác phong bình dân chú giúp tôi chùi xe mướn để làm thành xe hoa, sửa chữa bathrơm nghẹt nước, và tối nằm thảm để ngủ. Một tuần lễ chú bao gia đình tôi ăn nhà hàng Việt, Tàu, Thái. Đến đâu chú cũng "méo mó" nghề nghiệp cả: chú nếm nước dùng, nước xốt, nước chấm; khen chỗ nầy vừa miệng, chỗ kia lạt lẽo ...

Dù làm công hay làm chủ, chú vẫn là con người bình dân, giản dị, không tự cao và luôn luôn lắng nghe ý kiến của khách hàng. Tôi nghĩ những đức tính này đã góp phần vào sự thành công của chú ở Mỹ.

Sau khi gặp chú nhiều lần, tôi thay đổi cách suy nghĩ: Sự thành công của một con người do nhiều yếu tố kết hợp lại mà học vấn chưa phải là yếu tố quyết định. Bên cạnh đó còn có sự khéo léo tinh xảo mà người nầy có người khác không có. Ngoài ra còn có cách cư xử và thái độ làm việc. Ngày nay tôi đã tốt nghiệp đại học, ngành nghề của tôi có thể đi vào lãnh vực kinh doanh nhưng tôi vẫn làm công. Nếu một ngày nào, tôi định mở business thì chú tôi vẫn là những kinh nghiệm sống để tôi học hỏi.

Địa chỉ nhà hàng Sakura: 615 1/2 Hudson, New York. Nếu có dịp lên thành phố New York, tiểu bang New York xin mời bạn đến thăm cho biết.

Nguyễn Thanh Khiêm
La Puente, CA - Tháng Sáu năm 2000

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,984,785
Nhạc sĩ Cung Tiến