Hôm nay,  

Giấc Mơ Hoa Kỳ

05/01/200100:00:00(Xem: 185737)
(Bài tham dự số 136\VB1005)

"Cái thằng trông đen thủi đen thui mà sao lại tốt số thế," Huỳnh vừa đi vừa nói, vừa lấy chiếc muỗng Mỹ inoxydable gõ gõ lên miệng chiếc chén sắt men trắng B52.

Đó là loại chén lớn hơn chén thường, do Trung Quốc viện trợ cho bộ đội Cộng Sản Việt Nam.Việc Huỳnh có được chiếc chén sắt chỉ là một sự trao đổi thông thường: anh có gói thuốc lào ngon và y có cái chén. Thế thôi. Rất sòng phẳng.

Hôm nay là chủ nhật. Trời trong và ấm, khác hẳn với những ngày trước có mưa dầm và gió lạnh. Mai, "người tù tốt số" mở "tiệc" khoản đãi anh em cùng cảnh ngộ tại mảnh sân đá dăm pha cát trước dẫy nhà gạch sơn trắng của trại tù Nam Hà. Những sợi khói xanh mong manh nhẹ tỏa lên từ mấy cái "bếp dã chiến" và mấy cái nồi lớn sôi sùng sục như tiếng reo vui trong lòng những người được mời đến để "dự tiệc."

Lần nào cũng thế, bữa tiệc của Mai là nhất. Anh có vợ vượt biên sang Mỹ từ hồi năm 1977. Kểå từ khi nhà nước Cộng Sản Việt Nam mở cửa trại tù đón nhận quà để gia đình "nuôi phụ" đám cải tạo thì Mai nổi bật lên như một mạnh thường quân, sẵn sàng ban phát vật chất cho những anh em tù nghèo thiếu may mắn hơn mình.

"Thiếu may mắn" ở đây có nhiều ý nghĩa, tùy thuộc từng hoàn cảnh cá biệt mà hiểu. Thí dụ như "thằng A thiếu may mắn" là bởi vì "cóc"có quà thăm nuôi của vợ, bởi vì "em" đã tếch đi theo thằng "cối" mất rồi. "Thằng B thiếu may mắn" bởi vì gia đình vốn dĩ hồi nó còn làm sĩ quan dưới chế độ Saigòn cũng đã nghèo rồi, tiền đâu mà mua quà ra tận ngoài Bắc này mà thăm với thiếc. "Thằng C thiếu may mắn" là bởi vì vợ con nó đã bị bọn công an địa phương đuổi đi kinh tế mới rồi. Dân kinh tế mới thì nuôi thân chưa nổi lấy gì nuôi người đi tù. Toàn là bởi vì với bởi vì.

Mọi người đã tề tựu đủ. Ngồi xổm mà dự tiệc. Nồi nấu cũng là nồi đựng. Những cái nồi đủ loại, đủ thành phần, đủ xuất xứ, từ Hải Phòng miền Bắc cho đến Saigòn miền Nam. Mùi xào nấu thơm tho hừng hực bốc lên làm sống dậy khứu giác của những con người lâu nay lãng quên với thịt cá. Bõ những ngày chỉ có "nước mắm Lê Duẫn" với "canh rau muống đại dương."

Sức mạnh kinh tế được truyền hơi hà khí từ một lục địa xa xôi trên thế giới là Hoa Kỳ đã vươn tới mảnh đất khỉ ho cò gáy, một xó núi thuộc tỉnh Hà Nam này. Những con mắt hau háu, thèm thuồng.

Lệnh "khai hỏa" bắt đầu. Nào và, nào nhai, nào xúc, nào gắp. Hoạt cảnh trở nên linh hoạt lạ thường khi những chiếc bao tử vốn dĩ thường lép xẹp lâu ngày nay được dịp căng ra. Đói cũng khổ. Mà no cũng khó chịu. Cái cảnh ăn uống ào ạt chậm dần. "Thu dọn chiến trường" thật nhanh, và màn thứ hai lại diễn ra. Thú vị hơn. Nước trà tầu, kẹo đậu phụng, bánh đậu xanh ướt lần lượt được chủ nhân cho dọn ra trên mấy tờ báo cũ do thân nhân đem vào.

Cao hứng Mai tuyên bố là để anh em xài thả dàn những thứ "hiếm hoi" này, bởi vì theo lời anh thì số tiền hàng tháng vợ anh gửi về từ Hoa Kỳ đủ để cho anh có thể sống thoải mái trong những ngày tù. Sáng nào cũng thế, cán bộ quản giáo của đội anh đều được "đấm mõm" bằng thuốc lá ba số 5 với cà phê sữa nóng. Cường độ lao động bớt căng như những ngày đầu, và tên cán bộ quản giáo cũng dễ dãi hơn nhiều so với trước.

"Nguyễn văn Mai."

"Có."

Mai đứng dậy, thong thả đi về phía bên phải nơi người cán bộ trại đang đọc danh sách tha về.

"Mẹ kiếp, thằng Mai hên quá. Sống trong tù mà giống như một ông hoàng. Bây giờ lại được thả về. Đúng là nó có phước. Không biết tu bao nhiêu kiếp mà được vậy. Tao bấm độn Hoa Mai đoán là nó sắp có tin vui, không ngờ đến sớm như thế," Tấn nói lớn.

Tấn là người Mai thường hỏi han về tướng số, tử vi, bói toán. Nghiệt một cái là Mai không biết rõ ngày sinh tháng đẻ của mình. Anh chỉ cho Tấn biết là theo lời mẹ anh thì anh sinh vào năm Hợi. Tấn có lần đã hỏi Mai: "Vậy thì Hợi lớn hay Hợi nhỏ" Nhưng sau đó Tấn lại nói ngay: "Ồ mà thôi đi. Hợi lớn hay Hợi nhỏ thì cũng là con heo mà thôi. Tử vi thì cần phải có ngày, tháng, năm sinh. Ngày dương cũng được. Mất công tính ra ngày ta một chút thôi. Nhưng mà ngay cả cái ngày dương trong giấy khai sinh cũng trật lất thì chỉ có nước "chịu thua" thôi. Đừng lo. Hợi đợi mà ăn. Hợi tức là con heo. Con heo thì đâu có phải vất vả gì. Chỉ đợi cho người ta đem cơm hay cám đến tận miệng. Nhưng con heo cũng có cái nghiệt ngã của con heo. Người ta vỗ béo cho nó rồi thì người ta "xin tý huyết,"người ta "tùng xẻo." Nói đùa với "cậu" một tí nhé. Có khi nào con vợ nó "vỗ béo" rồi "tùng xẻo" cậu không""

Những lúc như vậy thì Mai chỉ biết cười trừ. Mai tự hỏi: "Sao lại có thể có cái chuyện như vậy. À hay là thằng cha ấy nó muốn nói là sau này gặp lại con vợ nó đòi mình cho nó "rappel" không" Thôi thì sao cũng được. Hạ hồi phân giải mà."

Mai nói với Tấn: "Thì mày xem cái gì không bắt buộc phải có ngày giờ chính xác có được không""

"Thôi thì xem bói quẻ dịch Hoa Mai nhé," Tấn đáp.

Thế là Tấn đoán Mai sắp có tin vui, nhưng không biết tin gì. Mai thấy phấn khởi lắm. Anh và Tấn cùng mấy người bạn thân chiều nào đi lao động về cũng ngồi nhâm nhi lon guigoz nước trà tầu đậm, chiêu với mấy thanh kẹo đậu phụng còn sót lại trong bữa tiệc linh đình chiêu đãi bạn bè hôm trước.

Họ nói chuyện bù khú với nhau, nhưng cuối cùng thì cũng xoay về vấn đề người vợ của Mai hiện đang ở bên Mỹ. Tóm lại Mai cũng rất lấy làm hãnh diện, là cho dù ở trong tù đi chăng nữa anh cũng cảm thấy ấm áp trong lòng bởi vì người vợ "cách xa ngoài ngàn dậm" lúc nào cũng nhớ đến anh, lo lắng cho anh thật chu đáo. Đúng là một mẫu "hiền phụ Á Đông."

Những người còn lại không được tha về trong đợt này đều đã phải xuất trại đi lao động hết, thành thử Mai cũng không có dịp chào từ giã một ai, kể cả người "quản lý của anh." Anh chỉ còn biết viết mấy hàng nguệch ngoạc lên trên miếng giấy bao thuốc lá gửi lại lời chào anh em trong phòng, đồng thời cho địa chỉ ở Saigòn.

"À Ba đã về!" Con bé chỉ nói được như thế thì đã òa lên khóc nức nở.

Mẹ của Mai, một bà cụ ngoài bẩy mươi từ trong nhà cũng vội bước ra. Rồi thằng bé mười bốn tuổi, con trai của Mai cũng từ bên hàng xóm chạy về ôm chầm lấy cha. Nào bà, nào con, nào cháu, cả bốn đều òa lên khóc. Những giọt nước mắt buồn tủi, khóc vì sung sướng được trông thấy nhau trở lại sau gần cả mười năm xa cách. "Có mẹ thì thiếu cha. Giờ có cha thì lại thiếu mẹ, ôi sao tủi thân thế bố ơi là bố." Con bé gái đầu lòng mười sáu tuổi vừa khóc vừa kể.

Ở tù rồi ra tù, Mai có cái may mắn hơn nhiều anh em cải tạo khác vì anh không phải lo vấn đề sinh kế.

Nhờ số tiền hàng tháng vợ anh gửi về từ Mỹ, Mai mau chóng trở thành con người "thời thượng" của xã hội mới, giao thiệp rộng, bạn bè không thiếu. Ngay cả những anh công an khu vực cũng nể bởi vì "chú Mai" hào sảng quá. Gặp chú Mai ngoài cà phê ra thì thuốc lá ba số (năm) hút thả dàn.

Mai dùng tiền mua xe cúp loại mới nhất, và ngày ngày anh trở lại sân ten nít vi vút với quả banh, tối về thì bia hộp với đồ nhắm thật ngon. Cuộc đời trôi qua trong sự bình thản, sung sướng, hạnh phúc. Mai cứ ước mình được sống mãi như thế.

Thiếu vắng vợ là một nỗi buồn day dứt, nhưng dần dà anh suy nghĩ một cách ích kỷ rằng âu đó cũng là một cái hay. Thỉnh thoảng anh thấy thèm một hơi thở của vợ, thèm một tấm thân mềm mại ấm áp, với mái tóc đen dài phủ xõa trên tấm gối trắng toát ngày nào.

Vợ anh ở bên Mỹ không biết làm nghề gì, nhưng cứ xét vào số tiền gửi về đều đặn, Mai nghĩ chắc vợ mình có địa vị hay việc làm khá lắm. Mai đoán già đoán non thế, bởi vì chẳng gì vợ mình cũng có bằng cử nhân luật, đứng vào hàng trí thức trong xã hội cũ. Đấy ngay như cái người đàn bà trung niên ở gần xóm với Mai đi bảo lãnh sang Mỹ mới có hai năm đã trở về Việt Nam vung vít. Hỏi làm nghề gì bên ấy thì bà ta cứ ỡm ờ trả lời một cách rất an nhiên tự tại: "Tôi viết báo ở Mỹ." Nghe nói hồi xưa bà này thi tú tài bán cứ rớt đụi đụi hoài mà còn làm ký giả bên Mỹ được nữa là vợ mình, một tay cử nhân luật ngày nào.

"Thưa quý vị. Chỉ còn không đầy năm phút nữa là quý vị sẽ đặt chân xuống phi trường Los Angeles, Hoa Kỳ." Tiếng người tiếp viên hàng không Mỹ nói nhỏ nhẹ qua hệ thống loa phóng thanh trên tầu.

Máy bay nghiêng cánh. Tiểu bang California xoải mình trong ánh nắng vàng rực rỡ. Và đất hứa là đây. Người vợ với khuôn mặt tròn, với mái tóc dài buông lơi theo gió khi Mai mới làm quen nàng trong một chuyến sinh viên yểm trợ tiền tuyến. Và "người con gái-vợ" có giọng nói truyền cảm ngọt ngào của ngày nào đang sắp sửa giang tay chào đón anh. Hình ảnh thân thương ấy cứ lớn dần trong anh. Anh mỉm cười sung sướng.

Mai ngượng nghịu trong bộ vét màu xám do một thằng bạn thân "cắt thật tuyệt" bước ra khỏi cửa máy bay. Hai đứa con anh cũng bỡ ngỡ bước theo cha. Hồi hộp quá. Anh và hai con theo giòng người bước vào phòng đợi. Loa phóng thanh vang vang. Người đi lui, kẻ đi tới. Bầu không khí thật xa lạ. Anh tự nhủ: Ủa sao không thấy Thư nhỉ. Em ở đâu. Anh và hai con đang đứng đây này.

Một thiếu phụ Á châu trung niên, với mái tóc cắt ngắn gọn trong bộ vest màu xanh tươi nhẹ nhàng bước tới. Hai đứa con nhìn chầm chập. Bỗng không ai nói một lời, cả ba chạy nhào tới, kẻ hô mẹ, kẻ hô con rối rít. Những bàn tay quấn quýt. Những giọt lệ cất tận đáy lòng được dịp tuôn trào.

Mắt Mai rưng rưng lệ. Anh bước tới giang rộng hai tay tính ôm lấy Thư, người vợ thân yêu bây giờ hiện ra trước mắt anh bằng xương bằng thịt. Nhưng nhìn cặp mắt sắc lạnh của Thư anh khựng lại. Từ phía sau, một người đàn ông Tây Phương cao lớn hơn Mai đến cả một cái đầu thản nhiên bước tới giơ tay ra bắt tay Mai, và tự giới thiệu:

"Tôi là chồng của Thư. Nghe Thư nói là ông, chồng cũ của cô ta và hai con đến phi trường nên hôm nay nên "chúng tôi" tới đây đón các người."

Mai bàng hoàng nghe hai chữ "chúng tôi" từ cửa miệng người đàn ông xa lạ, nhưng anh cũng cố làm ra vẻ bình tĩnh nói:

"Vâng cảm ơn hai người."

Thư thản nhiên bước tới gần Mai nói: "Em xin giới thiệu với anh, John đây là chồng của em. Cám ơn anh đã đưa "con chúng ta" tới nước Mỹ được bình an. Cuộc đời của chúng ta bây giờ mỗi người mỗi ngả. Hai con sẽ về sống với em. Em biết là anh không có khả năng bảo đảm cuộc sống của chúng nó. Còn anh, em đã thuê sẵn cho anh apartment một phòng đầy đủ tiện nghi. Người tài xế tắc xi sẽ đưa anh về nơi cư ngụ."

Trong một phản ứng thật là bất ngờ, hai đứa con cùng bật khóc nói: "Không, chúng con nhất quyết sống với bố. Bố và chúng con biết phải làm gì rồi. Mẹ bây giờ đã có cuộc sống khác. Chúng con cảm ơn Mẹ về tất cả những gì mà mẹ đã lo cho chúng con và bố ở trong tù. Nhưng chúng con không thể nào sống sung sướng với mẹ mà bỏ bốá sống bơ vơ được. Bố và chúng con tự biết lo liệu lấy."

Nói theo kiểu Cộng Sản là ba bố con "quyết biến đau thương thành hành động."

Họ cùng quyết chí đi làm và đi học. Ít năm sau cả ba bố con đều thành đạt, và xin được việc làm tốt. Ngày ra trường Mai nói với hai con:

"Đau buồn là một liều thuốc cực mạnh giúp cho cha con mình ra khỏi giấc mơ viển vông để rồi bước vào thực tế. Hoa Kỳ là một quốc gia với những thực tế điển hình được phơi bầy một cách quá tự nhiên. Như trường hợp người chồng của mẹ các con. Như trường hợp mẹ của các con. Tuy nhiên mỗi xã hội có cái hay riêng của nó. Cái dứt khoát của mẹ con và cái thực tế của người chồng mới của bà ta là một sự xúc động lớn trong đời của bố. Tuy nhiên đấy cũng là một cái hay, vì nó đã giúp cho bố con mình sớm có một hướng đi trong cuộc đời là phải biết "tự lực cánh sinh."

Đời sống ổn định dần, và Mai thường nhắc với các con:

"Chúng ta cảm ơn nước Mỹ đã cưu mang và giúp chúng ta có cơ hội thăng tiến trong một xã hội văn minh. Tuy nhiên các con phải luôn luôn nhớ đến cội nguồn, đến dân tộc. Hãy cố gắng thâu thái thêm những tri thức khoa học và kỹ thuật. Một ngày nào đó khi không còn Cộng Sản, các con sẽ trở về phục vụ cho quê mẹ, và các con sẽ mãi mãi là con yêu của quê hương Việt Nam."

Vân Hải

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,391,889
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 28 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục thêm bài mới.
Tác giả là một dược sĩ tại Toronto. Với bài viết đầu tiên “Hai Bà Đầm,” ông đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011. Ba năm sau, 2014, ông góp thêm bài “Hồi Ký Của Một Người Tên Ông.” Năm 2016, thêm bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ.” Sang năm 2018, thêm bài thứ tư, “Đứa Con Lai...Hải Tặc.” Bài viết mới thứ 5 “Chuyện Tình...Hải Tặc” là phần kết của câu chuyện. Bạn đọc Viết Về Nước Mỹ trên Việtbao Online chỉ cần double click vào tên tác giả ở đầu bài, sẽ thấy bài cũ của cùng tác giả. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp và hết.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông, sống trong trại lính, làm việc theo một hợp đồng dân sự. Chuyện làm việc ở Trung Đông, bài đầu đã được phổ biến ngày 4 tháng 5. Sau đây là bài viết thứ hai, chuyện của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan.
Tác giả tên thật Huỳnh Thị Huệ, 69 tuổi, đến Mỹ năm 1991 theo diện HO. hiện đang là cư dân Downey, California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là chuyện đau thương có thật của gia đình, khi ntgười con trai tử nạn trên xa lộ vì bị một anh Mễ không giấy tờ say rượu lái xe.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ tư của bà.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết gần đây là ký ức Mậu Thân của cô bé thời mới lớn. Và sau đây, thêm một bài viết mới.
Từ 2005, tác giả Hoàng Đức, một nhà giáo hưu trí tại Westminster, góp bài “Dodautre tại Mỹ” và nhận giải đặc biệt Viết về Nước Mỹ. Mười ba năm sau, 2018, thêm một bài mới của Hoàng Đức 2018. Theo tiểu sử do tác giả mới tự sơ lược, tại Việt Nam, 1963-1975, ông là Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp. Sau 1975 là mười năm thất nghiệp. Công việc tại Hoa Kỳ từ 1985: High School Teacher; College Instructor, sau đó là Social Worker. Về hưu từ 2002. Mong ông tiếp tục viết và bổ túc địa chỉ liên lạc.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bài viết mới của bà là chuyện tấm hình một cô bé học trò 15 tuổi. Tấm hình từng qua tay kẻ trộm, trở thành bùa hộ mạng của một thuyền nhân, với những tình tiết éo le dài gần một đời người lưu lạc.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến