Hôm nay,  

Bố Nuôi, Bố Đẻ

05/01/200100:00:00(Xem: 202682)
Bài tham dự số 128\VB0927

Một lần tôi trở lại quê hương qua hãng hàng không Japan Airlines, ghé xuống phi trường Narita ở Nhật để đổi máy bay. Chỉ cần nhìn thấy phi trường của nước người cũng đủ cho tôi chạnh lòng so sánh mà xót xa cho nước Việt, người Việt. Tôi thầm nghĩ "Biết đến bao giờ mình mới bằng người".

Chuyến đi của tôi không mấy gì vui. Bẩy năm sau ngày Bố tôi mất, tôi về lại Việt Nam khi được tin Mẹ tôi bệnh nặng, sắp qua đời. Ngồi trong máy bay sau lúc cất cánh, tôi nhớ lúc mẹ tôi còn khỏe, bà nhìn sáu người con đang tuổi thiếu niên, cứ cúi mặt vào chậu nước rửa mặt, vụm nước vào hai bàn tay đưa lên xoa đều rồi nói bâng quơ: "Biết lúc nào mới được mát mặt với con cái, bây giờ chỉ nhờ nước mát mặt đôi chút mà thôi!"

Máy bay với tiếng động bên ngoài không làm tôi dứt được những hình ảnh về mẹ tôi ngày trước. Bây giờ cụ sắp trút hơi thở cuối cùng, rời mọi người thân để lại cho các con bao nhớ nhung, thương tiếc. Tôi chợt nghĩ tới chính mình, rồi cũng phải ra đi một ngày nào đó, nhưng mình đã làm được những gì"

Dòng suy tư đưa tôi về một thời xa xưa lắm. Ở tuổi 18, tôi mơ ước một gia đình giản dị như những cô gái đồng lứa tuổi. Qua mấy lần thi trượt Tú Tài Đôi, khi vào được trường Luật và Đại Học Văn Khoa thì bạn bè nam nữ cùng lứa đã tản mát hết. Có người đã nằm xuống trong cơn binh lửa, người khác đã đầm ấm gia đình, con cái đùm đề. Riêng tôi, sau sáu lần từ chối lời cầu hôn của các bạn trai, tôi hứa với mình khi nào Nam Bắc thống nhất trong tự do và hòa bình tôi mới lập gia đình cũng chẳng muộn.

Hồi đó có mấy người cháu ngoài Bắc biên thiệp và thư chúc Tết Bố Mẹ tôi, tôi coi thấy văn hay, chữ đẹp, trong đó lại có những lời ý tứ thăm hỏi, tôi cảm động và muốn chờ gặp người viết thiệp. Nhưng dòng đời đâu có trôi như điều tôi mong ước.

Vì nhu cầu kinh tế của gia đình, tôi xin vào làm thư ký đánh máy và kế toán cho một hãng thầu xây cất của Mỹ, và đó chính là khúc quanh tiền định đưa tôi vào một hướng đi khác tôi không ngờ được.

Chỉ ba ngày sau khi tôi nhận việc đã có năm người ngoại quốc đến nhà tôi xin làm bạn. Họ lui tới tôi đành phải tiếp cho đúng xã giao, nhưng sự lạnh nhạt của tôi đã khiến họ nản lòng bỏ cuộc, chỉ còn ông xếp tôi cố "bám trụ".

Sau gần một năm, tin đồn ông Xếp Mỹ muốn lập gia đình với tôi lan ra trong giới người Việt làm ở công trường Long Bình. Mỗi ngày tôi nhận được thư và khuyên nhủ này nọ, nhất là của các bạn độc thân có cảm tình với tôi. Có lá thư còn kèm theo bài báo mô tả mặt trái của đời sống những cô gái Việt lấy Mỹ ở nước ngoài, theo đó chẳng có gì là hấp dẫn. Đặc biệt một bài báo loại phóng sự ghi lại "Đời sống những cô Mít lấy Mỹ" và một bài phiếm luận với tựa đề "Kỹ nghệ lấy Mỹ" cho tôi một hình ảnh sống động nhất.

Tôi suy nghĩ hoài chưa biết chọn con đường nào, phân vân giữa khúc rẽ của cuộc đời trong hai lựa chọn khó khăn: Một là yên phận với một người đàn ông Việt Nam tôi đã từng quen biết, hai là nhập vào giới "kỹ nghệ" thời đại tạo dựng cuộc sống mới với một người đàn ông ngoại quốc, khác lạ với mình.

Sự phân vân của tôi chưa kịp tới hồi kết thúc thì một yếu tố mới xuất hiện, đưa tôi vào một thế đứng mà chính tôi không nghĩ tới, đó là áp lực gia đình, qua vai trò "quyền huynh thế phụ" của anh tôi.

Một buổi sáng thứ Bảy, lúc tôi ngồi bên mẹ tôi trong phòng khách nghe mẹ tôi kể chuyện cuộc đời bà ngày xưa ngoài Bắc, quà dạm ngõ có những quả cau to bằng cái bóng đèn, mà Ông Bà Ngoại tôi không chịu gả vì bên phía đàng trai không "môn đăng hộ đối". Đột nhiên có người gõ cửa, và người đến thăm là Anh Vân, thông dịch viên trong sở tôi làm, đại diện ông xếp Mỹ của tôi đến nhà dạm ngõ với một thùng cam và một thùng táo rất lớn. Mẹ tôi mừng ra mặt. Bà sai tôi mời anh tôi ra tiếp khách.

Anh cả tôi lúc đó là một giáo sư Toán Lý Hóa, nặng về Nho giáo, sống theo quan điểm cổ điển giống như Bố tôi, lúc đó vắng nhà. Anh tôi mời khách ngồi, mặt nghiêm nghị khiến tôi hồi hộp chờ đợi, và anh tôi dõng dạc:

"Em tôi lén đi làm sở Mỹ là quá lắm rồi. Chúng tôi không bằng lòng cho cô ấy lấy Mỹ. Anh đem trả cam táo lại cho ông xếp của anh. Chúng tôi không cần những thứ đó."

Anh Vân nói lí nhí mấy lời rồi tạ từ. Mẹ tôi ở phía trong nhà nghe thế buồn ra mặt nhưng biết rằng sự quyết định tương lai của tôi tùy thuộc vào anh tôi. Anh Vân, người miền Nam nghe sao làm dzậy, ra ngoài gọi người tài xế bưng mấy thùng trái cây lên xe. Sáng thứ Hai khi vào sở, tôi thấy hai thùng cam, táo được xếp ra lệnh chia cho nhân viên.

Văn phòng có bảy người Việt: Một tài xế, một cụ già dọn dẹp linh tinh, một thông dịch viên và bốn nữ thư ký, kể cả tôi. Tôi nhận phần quà gói lại đem về nhà vào buổi chiều, để trên bàn. Khi mẹ tôi thấy túi cam táo. Cụ nói dỗi "Hai thùng không lấy, lấy vài trái! Không bằng lòng cho em mình lấy người ta thì thôi, quà dạm ngõ thì cứ nhận, rõ người dở hơi..."

Em trai Út tôi, kém tôi 8 tuổi, đi học về thấy táo mừng ra mặt. Cu cậu cầm trái táo vào mũi hít một hơi thật dài như hai người tình thơm mũi nhau! Nhìn thấy em mình vui hít trái táo, tôi bật cười lấy một trái gọt vỏ, bỏ hột, cắt làm tư tôi mời mẹ tôi. Bố tôi đi làm về không biết chuyện gì, thấy con gái mời thì Cụ cứ ăn, vì vào thời điểm ấy táo rất đắt, chỉ có nhà giầu mới mua nổi.

Thời gian trôi qua, hoàn cảnh đưa đẩy tôi gặp mấy người Mỹ gốc Nhật, trong số đó có hai người muốn lập gia đình với tôi. Thấy người Nhật cũng giống người Á Đông, tôi mời về nhà giới thiệu với Bố Mẹ tôi. Cụ Ông sa sầm nét mặt nói trống không:

"Đã đuổi thằng lùn đi mà nó còn trở lại!"

Tim tôi se lại. Một mình tôi đối diện với thực tế, hoàn cảnh và tình cảm giữa bố mình và người đàn ông thương mình. Nhưng không phải chỉ có vậy. Đằng sau lưng bố tôi là người anh cả, với cả một nền văn hóa bài ngoại dài mấy ngàn năm trải dài từ Bắc vào Nam.

Bố tôi, anh tôi là bức tường thành đứng trước một quá khứ trong đó người Việt Nam nhìn người ngoại quốc như kẻ thù văn hóa, nhất định không bao giờ chấp nhận hòa đồng. Dù cho tôi khéo léo thông dịch cho hai bên - Bố và người bạn đời - thông cảm với nhau, nhưng không thay đổi được hai thế đứng mâu thuẫn. Một phía là Bố tôi, anh tôi với nhãn quan thù ghét ngoại nhân, một phía là người đàn ông thương tôi nhưng không chịu được sự khinh bỉ của gia đình tôi.

Cả hai phía chống đối tạo nên một cuộc giằng co trong tâm não tôi, ngày đêm dằn vặt, nhức nhối. Tim tôi nặng trĩu, miệng tôi có vị đắng trên lưỡi, và tôi đành buông xuôi, không tạo dịp cho hai phía gặp nhau nữa. Tôi biết sức tôi không xô đổ được bức tường thành kiến xây bằng cả ngàn năm bài ngoại và nghi kỵ. Đằng sau bức tường ấy còn ngàn vạn bức tường khác xây bằng thù hận và cay đắng phát xuất từ cuộc chiến Việt Pháp và những năm máu lửa gây ra từ đội quân của Nhật Hoàng. Tôi chỉ còn câm nín chịu đựng.

Người thông cảm tôi bấy giờ là chính mẹ tôi. Có lẽ từ quan điểm của một người đàn bà hiểu một người đàn bà khác và những khó khăn con gái mình phải trải qua. Bà cứ khuyên tôi "Con coi chừng người Nhật nó thâm lắm đấy!" Bà giảng cho tôi nghe dân Nhật dữ, nhưng sòng phẳng, không thất hứa. "Những năm lính Nhật ở Việt Nam, mẹ bán hàng cơm cho họ ăn chịu, đến kỳ lương, họ trả đúng chứ không giật bao giờ. Nhưng lính Nhật ác lắm." Bà kể tiếp. "Ở ngoài Bắc, có một bà nhà quê bán cám cho một sĩ quan Nhật để nuôi ngựa, vì muốn lời nhiều, bà ấy trộn mạt cưa vào cám, khiến con ngựa bệnh và chết. Tên Nhật giết bà ta, bỏ xác vào bụng ngựa rồi gọi cả làng ra xem." Tôi nghe xong chuyện trấn an Cụ: "Mẹ đừng lo, Nhật ngày xưa là lính tráng quen giết người, Nhật này sinh đẻ ở Mỹ mấy đời rồi, văn minh hơn. Vả lại mình không hại họ, đâu có gì sợ." Bà cụ tôi còn đang ngẫm nghĩ, tôi nói thêm một câu rất triết lý: "Ở đời có nhân quả, tâm làm thân chịu, Mẹ ạ."

Thời gian trôi qua, tôi tưởng cuộc sống mình sẽ bình thản, sống gần song thân và sẽ đạt mọi ước nguyện. Một lần theo bạn bè đi xem tử vi, ông thầy bói mù nói tôi có số tha phương cầu thực. Tôi cười, không tin. Ai ngờ một ngày năm đó, tôi đột xuất theo làn sóng di tản của người ngoại quốc, qua Mỹ bằng Passport "xuất ngoại theo chồng". Lúc đi thì hí hửng quên hết mọi chuyện, lúc đặt chân đến đất Mỹ tôi thấy ruột quặn đau, tâm nặng trĩu, óc hoang mang, không biết tính sao. Mọi chuyện xảy ra nhanh quá.

Chuyện mình tính không bằng trời tính. Mọi thứ đảo lộn, tôi chới với khi thấy mình cách xa cha mẹ một nửa vòng trái đất và một đại dương. Cuộc sống mới có một phần hào hứng, nhưng phần còn lại là nhớ thương, lo âu, hoang mang sớm tối, cộng với phần ân hận vì đột ngột chấp nhận thử thách của số mạng bên trên những lời khuyên của gia đình.

Trong cuộc đời mới, nhìn đâu tôi cũng thấy những khác lạ, và nhất là thấy sự chênh lệch giữa cuộc sống thừa thãi trên xứ người và cuộc sống thiếu thốn ở quê nhà. Nhìn mấy cái thùng rác đựng máy móc điện tử phế thải ở Mỹ, tôi nghĩ đến những người nhặt ve chai ở Việt Nam mà thương, tự bảo mình đống rác nầy có thể nuôi được cả nhà họ một tuần hay một tháng.

Khi có dịp làm phụ bếp ở một trường tiểu học, tôi thấy con nít ăn ít, đổ nhiều, vứt những đồ ăn mà trẻ em Việt Nam mơ ước. Nhớ lại những ngày còn bé, tôi đi học mà trong bụng chỉ có một củ khoai hay miếng bánh mì chan tương, làm gì có sữa. Ở đây, người ta vất đi cả bình sữa dư, còn ở quê tôi, chỉ người bệnh may ra mới được 1 ly sữa. Ngày em trai tôi, sau khi dứt sữa mẹ chỉ có gạo tẻ xay bột pha đường thẻ, may lắm được pha một chút sữa Con Chim hay sữa Ông Thọ cho có mùi. Lớn lên, trẻ em Việt Nam nhà nghèo sống nhờ cơm trộn khoai và rau cỏ chứ làm gì được nuôi bằng các chất bổ dưỡng như con nít ở nước ngoài.

Mỗi lần ăn cơm, tôi lại nghĩ tới bốn chữ "tha phương cầu thực" của ông thầy tướng số mà tủi. Phải chăng tôi bỏ quê hương ra đi vì thiếu ăn" Mà cả nước tôi thiếu ăn, đâu có ai phải rời quê cha đất tổ đi tìm sinh kế nơi xứ lạ. Tự nhiên tôi thấy thương mình, thương họ hàng gần xa, thương bạn bè trên một quê hương nhược tiểu đói nghèo, thương cả những người tôi chưa hề quen biết.

Thời gian trôi qua mau, tôi "tha phương cầu thực" cho đến ngày được tin Bố tôi ngã bệnh. Tôi về kịp đưa Cụ vào bệnh viện Nguyễn Văn Học, chăm sóc Cụ trong hai tuần lễ và thấy thương Bố tôi nhiều hơn. Thật là tội nghiệp. Ở một bệnh viện nghèo, mọi thứ đều thiếu thốn, phương pháp lỗi thời, nhân viên có kinh nghiệm nhưng thiếu huận luyện chuyên môn, mọi người phải đối phó với một thực trạng phũ phàng không thấy xảy ra ở một quốc gia tân tiến.

Một hôm, Bố tôi bị bí đái, cô y tá bảo tôi ra ngoài tiệm mua một số bao nylon và dây thun. Cô y tá dùng tay đè mạnh lên chỗ bọng đái cho người bệnh són vào bọc nylon trong nỗi đau đớn ghê gớm làm tôi chảy nước mắt và mặt bố tôi nhăn nhó thảm hại. Đó là phương pháp "thông tiểu nhân tạo", một kỹ thuật hành hạ bệnh nhân đau đớn khủng khiếp không thấy áp dụng ở một nước nào ngoại trừ Việt Nam sau 1975. Buổi sáng hôm sau, một tên bác sĩ cộng sản vào khám bệnh Bố tôi, nói "Tốt". Một tiếng đồng hồ sau, cô y tá lại áp dụng "phương pháp thông tiểu nhân tạo" bằng bao nylon và chỉ cách cho tôi làm. Khi xong, tôi nhìn thấy máu tươi ở trong bao, nước mắt tôi tự nhiên trào ra không cản kịp. Rồi Bố tôi, vẫn nhăn nhó trong cơn đau không tả nổi, dơ tay ra hiệu đòi ngưng. Tôi nâng Cụ dậy để gắn chiếc dây nilon vào cuống họng để đổ nước cháo, Cụ nấc lên và mất.

Sau đám tang, tôi khóc suốt trên đường từ Việt Nam về Mỹ.

Điều lạ là ông bạn Nhật của tôi, thấy tôi ủ rũ vì tang bố, ngã bệnh và ra đi theo sau đó một năm. Thật ra, ngày Bố tôi bị bịnh, Ông Cụ đã bỏ hết những thành kiến trước đây và tỏ ra dễ dãi với người bạn Nhật của tôi, để từ đó cả hai người đều thương tôi từ hai phía, và tình thương của hai người đều rộng rãi và đạo đức.

Trước đây, Bố tôi lo tôi ở trong tay con cháu của kẻ thù cũ. Nhưng một thời gian thành kiến đó đã phai nhòa. Chồng tôi lo cho tương lai tôi có một cuộc đời bảo đảm đầy đủ về vật chất và tinh thần bây giờ và mãi mãi. Tiếc rằng những thành kiến xã hội đã đào một cái hố sâu ngăn cách giữa hai người làm cho tôi không tròn được bổn phận làm con và làm vợ. Đó là điều mà tôi ngày nay vẫn còn cảm thấy tủi thân và ân hận.

Bố Mẹ tôi sinh ra tôi trong cảnh nghèo khó của đất nước, cuộc đời đầy rẫy những mồ hôi, cực nhọc trên quê hương sỏi đá khô cằn. Đó là Bố đẻ, theo huyết thống và liên hệ ruột thịt. Khi lớn lên, tôi theo số mệnh "tha phương cầu thực" như lời ông thầy tử vi, rời sinh quán để theo một người lấy tình thương đưa tôi về một quê mới, trong hình ảnh một người bố nuôi, chăm lo cho tôi có cuộc sống ấm no thoải mái, để tôi được hưởng những ngày không phải ăn bữa sáng lo bữa tối. Nhưng có ai biết chữ "hưởng" của tôi là nước mắt chan cơm, đau đớn vì sự dư thừa ở đất người trong lúc nghĩ tới Bố Mẹ tôi những ngày khốn khó ở quê nhà, sót cho cả một dân tộc lầm than, đói rách từ ngày quê hương đổi chủ.

Không phải chỉ có đói rách, lầm than ngự trị trên một quốc gia nhược tiểu gọi tên là Việt Nam. Còn bao thành kiến, nghị kỵ, hận thù chồng chất trên mọi nẻo đường, trải rộng mọi xóm làng, phố thị, nơi đó lớp người thống trị cố bóp chết lớp người bị trị.

Ngày xưa, những người lính Thiên Hoàng đã cai trị dân Việt Nam bằng lưỡi kiếm, và người dân Việt vùng lên trong máu lửa chống lại bằng mọi phương cách. Rồi hai thế hệ chiến tranh qua đi, để lại một biển hận thù giữa con cháu người lính Nhật với Bố tôi là đại diện tầng lớp một thời bị lệ thuộc. Rồi cả hai người cũng bỏ xác mà đi, chỉ có riêng tôi ở lại để chịu đựng dư âm của hố sâu ngăn cách. Cái hố đó thời gian mấy chục năm qua chưa lấp được và còn tồn tại trong lòng người, dù bao tang thương biến đổi. Tôi nghĩ tới cái hố thành kiến trong trường hợp Bố tôi và người chồng Nhật. Tôi nghĩ tới cái hố hận thù giữa con người với con người ở đây, ở quê nhà, ở khắp nơi trên mặt đất này.

Bao nhiêu năm qua, tôi vẫn bị ám ảnh vì bóng ma ý thức hệ khiến loài người chống đối, chém giết lẫn nhau vì đủ mọi thứ lý do, mong ước một ngày nào ai cũng theo định luật tạo hóa "sinh, dưỡng, hướng, tạo". Cha mẹ sinh con, nuôi dưỡng cho lớn, để con cái được hưởng cuộc đời và tạo dựng một thế hệ mới.

Ôi, Bố ơi, Mẹ ơi, Việt Nam ơi. Bao nhiêu người của thế hệ trẻ đang bị kẹt trong hoàn cảnh "Bố nuôi, Bố đẻ", đang bị bó tay ép trí không làm được nhiều điều mình muốn và không tận dụng được khả năng sáng tạo của mình. Ở quê nhà, niềm đau của giới trẻ cũng không nhẹ hơn. Gia đình sinh ra, đất nước không dưỡng, tương lai không hướng, óc sáng tạo thui chợt vì thành kiến của một lớp già nua giáo điều. Những người thống trị không nhìn được tâm tư những người trẻ hôm nay, khiến thế hệ thanh niên có bố đẻ mà không có bố nuôi, sống vất vưởng không còn chủ đích. Hàng triệu thanh niên ngày nay ở quê nhà như một đàn cá mới từ trứng nở ra, bị quàng vào biển mặn để đi tìm được cả hai ông bố. Ngẫm về mình, tôi thực sự biết ơn cả hai người, cũng như biết ơn đất nước tôi đã sinh ra và vùng đất mới nuôi tôi những ngày no ấm sau này.

Máy bay đã bắt đầu từ từ hạ cánh, Sàigòn trải rộng trước mắt sau khung cửa kính. Tôi nguyện cầu Trời Phật cho mẹ tôi qua được cơn hiểm nghèo để thấy mặt đứa con "tha phương cầu thực" trở về một quê hương bất hạnh. Đã năm năm rồi, không biết biết đến bao giờ, lớp người thống trị già nua kia mới giác ngộ, để thế hệ trẻ hôm nay có thể sánh vai cùng thế giới.

Rằm tháng bảy, kỷ niệm ngày giỗ Bố.
Mát Đỗ Enga, 8,2000

Kính tặng Ông N.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,773,036
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến