Hôm nay,  

Quận Cam và Điệp Viên Cộng Sản

21/12/201400:00:00(Xem: 35007)
Tác giả: Đỗ Xuân Tê
Bài số 4417-14-29817vb8122114

Người Việt đầu tiên ở Quận Cam từ thời 1957 là điệp viên cộng sản Phạm Xuân Ẩn. Tác giả bài viết là người đã cấp thẻ nhà báo cho Ẩn. Với bút hiệu Xuân Đỗ và bài "Hắn và cuốn Nhật Ký Đặng Thuỳ Trâm..." tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2008. Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O. và hiện là cư dân Riverside, nam California.

* * *

blank
Thẻ báo chí Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị cấp cho Phạm Xuân Ẩn.

Vào thời điểm cuối cùng khi Sài gòn hấp hối, một nhà báo chuyên nghiệp làm việc cho tờ TIME đã dùng chiếc xe hơi riêng của mình hối hả vượt qua các chặng kiểm soát bằng thẻ nhà báo do Tổng cục Chiến Tranh Chính Trị cấp phát để đến một điểm hẹn bí mật gần tòa đại sứ Mỹ, mà môt chiếc trực thăng đang chờ sẵn ở đây để bốc các phóng viên Mỹ và nhân viên làm việc cho các văn phòng báo chí của họ tại Sài gòn sẵn sàng di tản. Người phóng viên có dáng dấp hơi cao, khuôn mặt điềm tĩnh, tuổi trạc 45 cố đẩy một người Việt tuổi trung niên dáng nhỏ con, mặt thất sắc vượt qua được chiếc rào cản của an ninh để vào kịp khuôn viên nơi chiếc trực thăng chuẩn bị cất cánh. Họ không kịp bắt tay từ biệt nhau, chỉ biết một người lên máy bay, một người ở lại.

Người ở lại là người lái xe, chỗ dành cho ông trên chuyến bay di tản đã nhường cho người bạn của mình, mà về sau nghe nói nếu người này bị kẹt ở lại chắc mạng sống không an toàn khi cộng sản tiếp thu thành phố. Cũng cần nói vợ và bốn con của người nhà báo đã được di tản trước đó mấy ngày, chỉ còn mình ông ở lại văn phòng điều hành công tác, tự bỏ lỡ chuyến bay này thì chính ông sẽ chung số phận với những người bị kẹt lại.

Khi biết chắc chiếc trực thăng đã an toàn cất cánh, người phóng viên quay lại văn phòng của mình nằm trên đường Tự Do giờ này các đồng nghiêp đã di tản, tiếp tục đánh các bản tin cuối cùng về tình hình Sài gòn giờ thất thủ cho cơ quan báo Time ở Bangkok. Văn phòng ngưng họat động vào trưa hôm sau khi chiếc xe tăng của Cộng quân phá đổ hàng rào Dinh Độc Lập.

Người cựu phóng viên trở về nhà mình, không có dấu hiệu gì tỏ vẻ sợ hãi âu lo cho số phận khi nghiệp vụ của mình có quá nhiều dính líu đến người Mỹ và cuộc chiến. Hình như trong thâm tâm ông có vẻ hài lòng và cảm thấy nhẹ mình khi cứu được một người bạn và cũng là người ơn đã cưu mang ông trong những năm đầu của thập niên 60. Nếu không có sự bảo lãnh và quen biết nhân vật này, tung tích của ông đã bị phát lộ và kết thúc ở trại tù Phú Lợi, nơi giam giữ những người từng tham gia kháng chiến và hoạt động nằm vùng cho phía bên kia.

Người phóng viên này chính là Phạm Xuân Ẩn, một cựu sinh viên báo chí của đại học cộng đồng Orange Coast College (Quận Cam), nhà tình báo chiến lược của cộng sản gài lại. Mãi sau cuộc chiến người ta mới biết ông là điệp viên nhị trùng làm việc cho các phe dính líu đến cuộc chiến tranh Việt nam từ thời phòng nhì của Pháp, mật vụ thời ông Diệm, CIA thời ông Thiệu và lần theo đường dây từ khi là đảng viên Cộng sản từ 1953 xứ ủy Nam bộ đã cài ông trở thành người hoạt động tình báo qua vỏ bọc khá hoàn hảo và khôn ngoan trong vai một nhà báo chuyên nghiệp công khai tác nghiệp tại Sài gòn suốt hai thập niên, mà bản doanh lại là nhà hàng Givral cách văn phòng ông chừng 300 mét.

Tung tích của người phóng viên này luôn được giữ kín và bảo bọc bởi các thẩm quyền cấp cao của các bên, đáng kể là ông thầy tình báo Edward Lansdale khi sang làm rưởng phái bộ quân sự Mỹ tại Việt Nam, cố vấn cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm từ thời 1954.

Cũng chính nhờ E. Lansdale giới thiệu mà Phạm Xuân Ẩn thới mấy ông kia thì không nói, nhưng chuyện trớ trêu nhất lại là việc ông Trùm mật vụ miền Nam, bác sĩ Trần Kim Tuyến, người gửi gấm cho Ẩn vào làm việc cho Việt tấn xã khi Ẩn du học báo chí từ Mỹ về và khởi đầu nghiệp vụ nhà báo cho các thập niên sau. Có vay có trả trong lúc tuyệt vọng không còn đường thoát thân, bs Tuyến gọi phôn cầu cứu Ẩn vì chỉ có ông này mới có đủ quan hệ với người Mỹ để có chỗ di tản vào giờ chót.

Hai mươi năm sau ơn cứu tử được người thọ ơn trân trọng kể lại qua môt hồi ký viết từ London (Anh quốc), nơi tác giả tị nạn dù chỉ dùng bút hiệu và không chỉ đích danh PXA chỉ nói là người bạn và cơ quan của bạn, nhưng ai đọc cũng hiểu vì lúc này thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn đã là cái tên được vinh danh và tô vẽ đầy huyền thoại của truyền thông trong nuớc.

Sau tháng Tư 1975, lẽ ra cái tội cứu mạng và làm xổng tên tình báo gộc của miền Nam sẽ hệ lụy cho Phạm Xuân Ẩn, nhưng đáng ngạc nhiên là không những không bị hạch tội và thất sủng, ông lại được phong là “anh hùng của QĐND với công trạng xuất sắc khi cung cấp cho Hà nội những bản tường trình và phân tích chính xác về ý đồ và kế hoạch chiến lược của Hoa kỳ và các chiến dịch hành quân của VNCH trong suốt chiều dài cuộc chiến 1965-1975.

Sau ngày 30-4, chính Võ Nguyên Giáp và người phụ tá Văn Tiến Dũng (chỉ huy chiến dịch tiến chiếm giờ chót) đã đích thân gặp Phạm Xuân Ẩn (lúc này còn mang cấp bậc trung tá) để biểu dương và tỏ sự đánh giá cao về các tài liệu tình báo PXA đã cung cấp.

Trường hợp này cũng là biệt lệ, chưa hẳn vì công trạng quá lớn của PXA, vì với người cộng sản ý thức giai cấp và không khoan nhượng với kẻ thù là qui luật tất yếu, nhưng bên thắng cuộc lúc đó cần có một mẫu anh hùng huyền thoại hoạt động trong lòng địch để đánh bóng cho cuộc chiến tranh chống Mỹ của họ, trùng hợp với cá nhân người điệp viên lại có quan hệ quá gần gũi với các giới thẩm quyền (cũng là đồng chí) mà sau cuộc chiến lại là những giới chức nắm quyền lãnh đạo đất nước.

Nay thì cả hai nhân vật bên này (Trần Kim Tuyến) và bên kia (Phạm Xuân Ẩn) đều ra người thiên cổ, kẻ trước người sau cách nhau mười năm. Những danh xưng, hoạt động, quyền chức vang bóng một thời cả hai ông đã chôn chặt dưới mộ. Kẻ viết bài này tình cờ nhớ lại một vài giai thoại mà vì nhu cầu công tác đã có dịp tiếp xúc với người điệp viên hai mang.

Cũng cần minh xác khi tôi nhắc lại mấy mẩu chuyện này chẳng phải tỏ lòng xét đoán ca ngợi ai đó mà xuất phát chỉ vì tình cờ thấy trên Gougle cái hình thẻ báo chí quân đội do Tổng cục Chiến Tranh Chính Trị cấp cho phóng viên tờ TIME Phạm Xuân Ẩn vào giữa thập niên 60.

Chính tôi là người làm thủ tục cấp cho PXA cái thẻ báo chí ấy, nên nhân đây, kể lại vài ba điều.

Tôi biết Phạm Xuân Ẩn cách đây đúng 48 năm (1966) khi cuộc chiến đến hồi cao điểm, người Mỹ đã đổ quân vào miền Nam. Anh lúc này vừa làm cho hãng thông tấn Reuters, nay quay sang tác nghiệp cho tờ Time và phóng viên thường trú cho tờ New York Herald Tribune của Mỹ. Tôi, một sĩ quan báo chí của Tổng cục CTCT vừa tu nghiệp từ Mỹ về, tạm thời đảm nhận vai phụ tá phát ngôn viên cho quân đội chuyên cung cấp và thuyết trình tin tức chiến sự của quân đội ta cho phóng viên trong và ngoài nước trong các cuộc họp báo hàng ngày tại trung tâm báo chí quốc gia cạnh tòa nhà quốc hội.

Lúc này nhu cầu thông tin và lấy tin đặc biệt các tin tức chiến sự được các chủ báo ở Sài gòn và các hãng thông tấn của Mỹ họ rất quan tâm. Tổng cục CTCT phải chủ động phát ra một loại thẻ dành cho phóng viên khì muốn tác nghiệp hoặc theo các cánh quân tại chiến trường, miễn là các ký giả Việt phải được bộ thông tin giới thiệu, các nhà báo Mỹ và nước ngoài phải có bộ tư lệnh MACV gởi danh sách sang. Tôi phụ trách mảng cung cấp dịch vụ này. Lúc đầu thẻ chỉ do Trưởng khối thông tin của cơ quan ký và đóng dấu, từ khi tướng Trần Văn Trung về làm tổng cục trưởng, ông vốn cẩn trọng với giới truyền thông, chỉ thị chúng tôi phải trình ông ký duyệt từng danh tánh phóng viên kèm sơ yếu lý lịch tác nghiệp. Thẻ chỉ giá trị một năm. Năm sau phải xin lại cũng là cách để dè chừng những ông nhà báo phá luồng đưa tin giật gân hoặc có hại cho mục tiêu quân sự.

Phạm Xuân Ẩn đủ điều kiện được cấp phát tấm thẻ này, chưa kể anh còn thuộc loại nhà báo ưu tiên bên MACV ân cần giới thiệu. Nói ra điều này để chỉnh lại luận cứ của phóng viên và người viết hồi ký của báo TT đã tâng bốc PXA qua mặt được cơ quan chính trị đầu não của miền Nam khi có được tấm thẻ báo chí quân đội do một ông tướng ký.

Tôi đã xem mấy tấm thẻ (phóng ảnh) của PXA, thẻ báo chí của cơ quan MACV, thẻ nhà báo của tờ TIME, thẻ báo chí của bộ thông tin VNCH, thẻ lái quân xa do cục quân vận cấp khi anh còn là một hạ sĩ quan (cấp thượng sĩ) thời điểm bị động viên vào quân đội miền Nam (54-56). Nhưng cái bùa hộ mệnh cho anh chính là cái thẻ của cơ quan tôi. Cứ dùng cái thẻ này là qua mặt nhân viên an ninh, được ra vào cơ quan quân sự, và tôi đoán sau này anh xử dụng cả nó để về...Củ Chi hay sang Miên để báo cáo công tác.

Anh có thói quen là chuyên đi xe hơi (một chiếc xe cũ của Pháp) dù Sài gòn kẹt đường kẹt xá vì đi gắn máy dễ bị...hỏi giấy tờ, bất lợi cho hành tung của anh. Ở nhà anh nuôi chó berger để đánh hơi khi có cảnh sát khám xét về đêm. Đi ăn chỉ quanh quẩn ở nhà hàng Givral ngay trung tâm thủ đô. Hút thuốc liên tục, luôn có hai bao, một lọai đầu lọc mời bạn, một hiệu Lucky vừa lấy may vừa hợp gu. Về sau chết vì thuốc nhưng cũng thọ bằng Bác.

Nhân đây, xin tản mạn qua một khuôn mặt khác mà trùng hợp thế nào phần lý lịch có nét quen quen. Ông là nhà báo và nhà văn có tên Sơn Nam, cũng là một nhà khảo cứu về Nam bộ uyên bác. Ông cùng tuổi cùng học với Phạm xuân Ẩn tại Collège de Cần Thơ (chương trình còn bằng tiếng Pháp), hai người cùng bỏ học theo kháng chiến hồi 1945, sau cũng là cộng sản dưới vỏ bọc nhà báo tại Sài gòn. Sơn Nam bị lộ tung tích trong đợt tảo thanh các thành phần hoạt động nằm vùng hồi 1958. Ông bị giam ở Phú Lợi trong ba năm. Ra tù ông vẫn được hành nghề nhưng quay sang nghiên cứu. Những tác phẩm của ông già Hương Rừng Cà Mâu cùng chục cuốn sách về con người và văn hóa miền Tây làm say mê cả trăm ngàn độc giả (trong đó có tôi). Sau 75 vẫn là nhà văn bên lề sống trong cảnh thiếu thốn, chết trong cảnh tối tăm, tác phẩm được duyệt và tái bản thì ông đã về yên nghỉ tại Bình Dương. Có điều đáng kể là người VC già này biết rõ mà không hề để lộ tông tích người bạn học và cũng là đồng nghiệp của mình.

Giờ quay lại chuyện PXA, cũng qua việc cấp thẻ mà tôi biết anh. Anh ghé cơ quan tôi không phải để lấy tin mà thường liên quan đến chuyện thẻ và xin các giấy giới thiệu đặc biệt, người Mỹ hay cử anh lo việc này vì người Việt với nhau dễ liên lạc hơn. Anh rất dễ bắt chuyện, trông anh không ai bảo nhà báo mà tựa như một công chức hoặc nhà giáo. Theo lý lịch, biết anh là cựu quân nhân, người cùng ngành hồi làm nhân viên tâm lý chiến ở thành Ô-ma (lẽ ra anh được cử đi Mỹ học khóa tình báo tâm lý chiến dành cho hạ sĩ quan, nhưng anh từ chối vì muốn giải ngũ sớm).

Năm 1957, do sự can thiệp của Bác sĩ Trần Kim Tuyến, ông trùm mật vụ, Giám Đốc Sở Nghiên Cứu Chính Trị, Phạm Xuân Ẩn được cho đi Mỹ du học về ngành truyền thông qua một học bổng của Asia Foundation. Ngôi trường anh theo học là OCC-Orange Cost College- và anh trở thành người Việt đầu tiên tại Orange County thời ấy.

Gặp nhau trong phòng báo chí của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, chúng tôi hay trao đổi về những chuyện ở Mỹ, anh hỏi tôi có qua Orange County không. Thời ấy, tôi không biết địa danh này dù có thăm Disneyland. Không ngờ đây chính là quận Cam, thủ phủ của người Việt tỵ nạn hơn thập niên sau.

Anh nhắc lại với tôi nhiều kỷ niệm khi sống tại đây đại loại cũng tương tự như anh thuật lại trong mấy cuốn sách. Anh vốn cẩn trọng trong lời nói, anh không phát biểu để người khác có thể suy diễn nâng lên thành quan điểm, nhưng có một điều anh không dấu diếm là anh có cảm tình với nước Mỹ, thích lối tư duy và làm việc của người Mỹ, muốn các con trai anh sau này kết bạn với dân tộc Mỹ. Chính tác giả viết cuốn Perfect Spy đã mấy lần phỏng vấn anh tại Sài gòn cũng công nhận anh là người cực kỳ yêu nước Mỹ (theo bản dịch tiếng Việt). Và một nhà báo của New Yorker đã viết hẳn một cuốn sách "A Spy Who Loved US" về tình cảm của PXA dành cho xứ Cờ Hoa.

Cuối thập niên 90 sau khi Mỹ-Việt đã bình thường hóa quan hệ, người Mỹ có mời Phạm Xuân Ẩn sang New York với tư cách cá nhân để vừa dự cuộc hội thảo vừa để anh thăm một số tòa soạn anh từng cộng tác, nhưng anh không được phép xuất ngoại. Nhà cầm quyền Hà nội không muốn đánh cược chuyện này vì trước đó một nhà báo quân đội, người đã tiếp quản Dinh Độc Lập, đã ở lại Pháp khi nhà nước cử đi công tác.

Không ai đọc được cái đầu của điệp viên, nhưng theo suy diễn của tôi, Phạm xuân Ẩn có thể chỉ là điệp viên bất đắc dĩ. Anh muốn tháo bỏ vòng kim cô đã trói buộc anh khi cho vợ con di tản đi trước, anh ở lại đi sau, nhưng bõ lỡ chuyến bay bên bờ sinh tử, số phận PXA đã xoay chiều. Giấc mơ được sống yên bình cạnh vợ con, được tiếp tục làm báo, viết cho tờ TIME và cộng tác với các tòa soạn danh giá của Mỹ.

Chuyện đời ai biết được và chẳng ai đoán được.

Quận Cam, ngày lập đông 2014

Ý kiến bạn đọc
31/12/201421:50:54
Khách
Chào quí vị:
Viết về nước Mỹ là diễn đàn văn chương bán chuyên nghiệp tự do theo tinh thần thượng tôn Tự Do của Hoa Kỳ, trong đó có tự do ngôn luận và tự do bày tỏ chính kiến cũng như suy nghĩ cá nhân. Qua những "đấu tố" đối với tác giả chỉ vì cách dùng từ ở VN sau năm 1975, tôi thấy có người vẫn mang thù hận Quốc- Cộng, vẫn đối xử với đồng hương không khác gì cộng sản đấu tố địa chủ hay tư sản. Điều quá mỉa mai là họ đang sống ở thế giới văn minh và một quốc gia tôn trọng quyền tự do ngôn luận. Làm sao những con người chống cộng này dạy dỗ được con cháu cái đúng sai, có chăng chẳng qua là sự thù hận và cá nhân chủ nghĩa kiểu cộng sản ? 39 năm nay cộng sản bên kia vẫn sống khỏe vì có quá nhiều người chống cộng bằng võ miệng, chụp mũ, đấu tố và gây chia rẽ cộng đồng. Một bài học hơn 39 năm người Việt quốc gia vẫn chưa học được.
30/12/201421:25:55
Khách
Thưa quí vị có phần góp ý.
Thật sự là viết cho vui, chẳng ăn được cái giải gì. (mà tôi cũng không dự giải). Ngôn từ thì ăn ở trong xã hội và nhà tù CS gần hai chục năm nên có bị nhiễm độc. Tôi có nhờ ông Phila Tô và T. Vấn, hai bạn văn giúp đỡ nhưng còn mắc lỗi. Tốt hơn là đừng viết nhưng tôi lại…thích viết, nghe dũa cũng đành. (Vợ tôi trách tôi làm chuyện ruồi bu). Còn cái vụ kêu “”bác” tôi có ghi dấu ngoặc nhưng khi in lại bị bỏ nên gây nhộ nhận. Ý là so sánh hút thuốc mà vẫn còn sống đến 79. Thế thôi. Dù sao cũng cám ơn bạn đọc. mua vui cũng được một vài trống canh/nghe chửi cũng đành lòng vẫn thấy vui. ĐXT
30/12/201421:05:07
Khách
Pham Xuan An is a double spy for Communist and Capitalist. Mr. Do Xuan Te wrote this article in order to polish Pham Xuan An's roles which we did not care about it. The one Mr. Do Xuan Te did not give name was Bui Tin who is living in France now. Bui Tin is a Communist person whom South Vietnamese dislike ( or hate.)
We did not like this article since there are a lot of words used by the Northern Vietnamese people who we called them Viet Cong.
We wish to get rid of Viet Cong soon.
26/12/201407:32:10
Khách
Không phải là thiếu người để ông Đỗ Xuân Tê so sánh, ông Tê muốn như thế để có dịp nhắc đến tên tội đồ của dân tộc VN mà thôi. Ngoài ra, không biết ông Tê có đi tù CS hoặc là kẹt lại ở VN sau ngày 30/4/1975 không, vì đi tù hoặc ở lại VN thì dễ bị tiêm nhiễm ngôn từ VC lắm.
Ông Tê viết bài kể chuyện cũ, chuyện ông cấp thẻ báo chí cho Phạm Xuân Ẩn cho thấy ông cũng quyền đầy uy ; lại nữa ông Tê còn cho biết ông là SQ/CTCT của TC/CTCT. Vậy mà tôi đọc qua bài viết của ông, tôi thấy ông Tê sử dụng ngôn từ VC dẻo quá, nên tôi rất ngạc nhiên rằng ông SQ/CTCT ở Mỹ mà viết như thế sao?
Trích :"… người hoạt động tình báo qua vỏ bọc khá hoàn hảo và khôn ngoan trong vai một nhà báo chuyên nghiệp công khai tác nghiệp tại Sài gòn suốt hai thập niên…để biểu dương … không khoan nhượng với kẻ thù là qui luật tất yếu, nhưng bên thắng cuộc lúc đó cần có một mẫu anh hùng … Anh lúc này vừa làm cho hãng thông tấn Reuters, nay quay sang tác nghiệp cho tờ Time và …Tổng cục CTCT phải chủ động phát ra một loại thẻ dành cho phóng viên khì muốn tác nghiệp hoặc theo các cánh quân tại chiến trường … Tôi phụ trách mảng cung cấp dịch vụ này. .. chỉ thị chúng tôi phải trình ông ký duyệt từng danh tánh phóng viên kèm sơ yếu lý lịch tác nghiệp... cũng là cách để dè chừng những ông nhà báo phá luồng đưa tin giật gân ... sau cũng là cộng sản dưới vỏ bọc nhà báo tại Sài gòn. .. thích lối tư duy và làm việc của người Mỹ… “
Trần Thị Nha Trang
26/12/201407:30:18
Khách
Không phải là thiếu người để ông Đỗ Xuân Tê so sánh, ông Tê muốn như thế để có dịp nhắc đến tên tội đồ của dân tộc VN mà thôi. Ngoài ra, không biết ông Tê có đi tù CS hoặc là kẹt lại ở VN sau ngày 30/4/1975 không, vì đi tù hoặc ở lại VN thì dễ bị tiêm nhiễm ngôn từ VC lắm.
Ông Tê viết bài kể chuyện cũ, chuyện ông cấp thẻ báo chí cho Phạm Xuân Ẩn cho thấy ông cũng quyền đầy uy ; lại nữa ông Tê còn cho biết ông là SQ/CTCT của TC/CTCT. Vậy mà tôi đọc qua bài viết của ông, tôi thấy ông Tê sử dụng ngôn từ VC dẻo quá, nên tôi rất ngạc nhiên rằng ông SQ/CTCT ở Mỹ mà viết như thế sao?
Trích :"… người hoạt động tình báo qua vỏ bọc khá hoàn hảo và khôn ngoan trong vai một nhà báo chuyên nghiệp công khai tác nghiệp tại Sài gòn suốt hai thập niên…để biểu dương … không khoan nhượng với kẻ thù là qui luật tất yếu, nhưng bên thắng cuộc lúc đó cần có một mẫu anh hùng … Anh lúc này vừa làm cho hãng thông tấn Reuters, nay quay sang tác nghiệp cho tờ Time và …Tổng cục CTCT phải chủ động phát ra một loại thẻ dành cho phóng viên khì muốn tác nghiệp hoặc theo các cánh quân tại chiến trường … Tôi phụ trách mảng cung cấp dịch vụ này. .. chỉ thị chúng tôi phải trình ông ký duyệt từng danh tánh phóng viên kèm sơ yếu lý lịch tác nghiệp... cũng là cách để dè chừng những ông nhà báo phá luồng đưa tin giật gân ... sau cũng là cộng sản dưới vỏ bọc nhà báo tại Sài gòn. .. thích lối tư duy và làm việc của người Mỹ… “
Trần Thị Nha Trang
24/12/201412:02:10
Khách
* Ông này học tập cải tạo có vẻ kỹ nên hay dùng chữ sau 30/4/75 như "tác nghiệp ", "mảng cung cấp dịch vụ" , "nâng lên thành quan điểm" .
* Câu không rõ ràng :
"Cũng chính nhờ E. Lansdale giới thiệu mà Phạm Xuân Ẩn thới mấy ông kia thì không nói,"
* Động từ hay danh từ:
"..sẽ hệ lụy.."
* Không đúng luật viết tắt:
"Báo TT" là báo gì ? sao không viết nguyên tên trước khi viết tắt?
* Ỡm ờ không cần thiết:
" vì trước đó một nhà báo quân đội, người đã tiếp quản Dinh Độc Lập, đã ở lại Pháp khi nhà nước cử đi công tác."
Ai vậy? Mấy người khác thì nêu tên , người này lại không.
23/12/201403:14:15
Khách
Bài viết thật confuse, tôi tưởng là người phóng viên lên trực thăng di tản????
22/12/201423:21:03
Khách
Tôi thật tình không hiếu tại sao tác giả bài nầy lại so sánh rồi xưng hô tên già bán nước hcm bằng bác. Mình chỉ nên kính trọng và lễ phép với những người mà khi sống không làm nên tội ác... Còn đối với những tên bán nước, tội đồ với đất nước, thì chúng ta không bao giờ nên có thái độ kính trọng với họ.
22/12/201405:59:47
Khách
Tác giã dùng từ "tàc nghiệp" nghe rất chói tai
Thay vì viết "nhà báo chuyên nghiệp công khai TÁC NGHIỆP"
Nên viết " THỰC HIỆN NGHIỆP VỤ " .
Tiếng việt viết theo kiểu 75 ẹ quá
22/12/201404:50:26
Khách
Điệp viên cs Phạm Xuân Ẩn: Xin đừng chôn tôi gần cộng sản!
http://chauxuannguyen.org/2013/09/04/diep-vien-cs-pham-xuan-an-xin-dung-chon-toi-gan-cong-san/
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,958,920
Với bài “Lính Mỹ Gốc Nail” và 5 bài khác trong năm, tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Trần Du Sinh cho biết ông là một kỹ sư hàng hải, 37 tuổi, lớn lên khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa.
Tác giả tên thật Nguyễn Vi Lam, 35 tuổi, hiện là cư dân Sacramento, cho biết ông đã theo dõi chương trình Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm nay.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nươc Mỹ. Sau nhiều năm phụ vụ như một viên chức tại miền Đông, bà chọn Little Saigon làm nơi hưu trí và tìm thấy an bình. Sau đây là bài viết mới nhất.
Trọng tội của chàng tài tử là chuyện 25 năm xưa: hai người Việt vô can bị chàng rủa xả và hành hung thậm tệ. Tác giả bài viết đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với nhiều bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ.
“Hồ Trường” là bài thơ nổi tiếng từ đầu thế kỷ 20 của danh sĩ Quảng Nam Nguyễn Bá Trác (1881-1945), viết trên đất Tầu trong thời ông hường ứng phong trào Đông Du.
Từ một góc cà phê Starbuck, nhìn đường phố và thế giới mù sương. Tác giả là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Trong những ngày chờ Lễ Giáng Sinh năm nay, miền Bắc California có trận bão lớn. Mời đọc bài của Lê Nguyễn Hằng viết về người bạn thân từ thủa học trò Tuy Hoà. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014.
Như tựa đề, bài viết là một chuyện kể cảm động xẩy ra trong một chiều giáng sinh. Tác giả Phương Hoa, định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, vừa làm nail vừa học.
Tác giả là một viên chức hành chánh, sau nhiều năm làm việc tại miền Đông, đã chọn Little Saigon để hưu trí. Với nhiều bài viết đặc biệt, bà cũng đã nhận Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm trước.
Tác giả là một nữ kỹ sư hiện cư trú tại Austin, Texas. Với but hiệu Chúc Chân, cô đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ.