Hôm nay,  

Lính Mỹ Gốc Nail: Ngoại Ơi, Hoàng Sa!

27/04/201400:00:00(Xem: 15486)
Tác giả: Trần Du Sinh
Bài số 4197-14-29607vb8042714

Lịch sử hải quân Hoa Kỳ rồi đây sẽ có trang kể về một sĩ quan gốc Việt xuất thân từ thợ nail. Lý lịch: Mẹ là cựu tiểu thư Sàigon, ông ngoại sĩ quan cộng hoà, cựu tù cải tạo, và Bố là viên chức nhà nước xã hội chủ nghĩa. Đó là chuyện kể của Du Sinh, một kỹ sư hàng hải, cư dân San Diego. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông: Phố Đèn Đỏ Geylang.

* * *

1. Ngoại ơi, con đã thấy Hoàng Sa!

Bi mềm mại và biết chiều lòng người. Bi chỉ là anh binh nhì nấu bếp, gọi kiểu tiếng Việt miền Bắc là “anh nuôi”, trong binh chủng Hải Quân Hoa Kỳ. Bi lễ phép và tôn trọng cấp trên, có lẽ vì nó có quá nhiều thượng cấp phải chiều, nhưng cũng có lẽ là vì nó có hơn mười năm chẵn làm nghề nail. Kỹ năng chiều lòng khách hàng ở tiệm nail cũng giúp nó được nhiều. Hay đơn giản sự khéo léo trong ứng xử là đức tính riêng của nó.

Hơn mười năm trước, khi Bi vừa mới bước chân vào một trường trung học ở Sài Gòn thì ba mẹ con Bi được gọi đi phỏng vấn để đoàn tụ với ông bà Ngoại đã qua Mỹ theo diện H.O. trước đó. Ba của Bi vốn là con nhà cách mạng từ Bắc vào, say mê nhan sắc của mẹ nó nên bỏ qua chuyện môn đăng hộ đối để đến với nhau. Mẹ của Bi vốn là một cô tiểu thư miền Nam nhưng gia cảnh thất thế vì có cha đi cải tạo. Mẹ nó tưởng đâu lấy được chồng gia đình có gốc gác thì đỡ hơn cho cuộc sống của hai mẹ con vốn bị nhiều hắt hủi vì có lí lịch bị cho là xấu nên đã thuận lòng sống chung với ba nó không hôn thú. Sau này lí lịch Việt Kiều của ông bà ngoại nó cản đường công danh của ba nó nên ổng đổi ý và đổi luôn tánh tình. Bi nghe phong phanh đâu đó là muốn vô đảng thì phải xét lí lịch ba đời, kể cả bên vợ. Ba nó biết chắc cơ hội thăng tiến trong đảng mình rất thấp nên đành phải chia tay vợ con. Mà ngày xưa lại không làm giấy hôn thú thành ra cũng tiện cho ba nó ra đi.

Nhưng cũng nhờ vậy mà ba mẹ con nó đi Mỹ cũng được dễ dàng hơn. Mối liên hệ với bên nội, một gia đình cách mạng, cũng đứt gánh luôn từ đó.

Qua tới Mỹ, mẹ nó nhanh chóng hòa nhập đội ngũ những con cái H.O. làm nghề nail, một nghề rất đãi những gia đình Việt mới di dân. Nghề này người Việt chiếm gần hết thị phần ở Mỹ. Đây cũng là nghề nuôi sống hàng trăm nghìn người Việt, và đóng góp khá lớn vào lượng kiều hối gởi về nước giúp họ hàng hay làm từ thiện, nhưng cũng được chính phủ bên kia tính vào hoạch toán kinh tế của họ.

Gia đình Bi bây giờ đã khá giả, làm chủ được tiệm nail, còn bản thân nó thì chẳng thiếu thứ gì, nhiều khi lang thang ở mall nó chẳng mua được gì, vì hàng hiệu gì nó cũng có, từ Louis Vuitton cho đến Hermes, và có nhiều thứ nó chưa có dịp xài tới nhưng cứ mua vì nó mới ra, ít đụng hàng. Đã từ lâu Bi không còn thấy lo lắng về chuyện kiếm tiền nữa.

Đi làm từ tuổi mười sáu, lúc đầu chỉ phụ với mẹ, sau riết thành quen và thích cái nghề này. Mỗi tuần làm sáu ngày, chỉ có duy nhất ngày Chủ Nhật là nó nghỉ, hay đi tới chùa sinh họat với gia đình Phật Tử. Năm ngoái, vào một ngày không như mọi ngày, Chùa rất đông những người lớn tuổi. Hôm đó họ làm lễ tưởng niệm Hải Chiến Hoàng Sa. Lâu lâu mới có một lần, không khí lại náo nhiệt nên nó nán ở lại xem cho hết buỗi lễ, một phần cũng vì có nhiều đồ ăn hấp dẫn bán ở quầy từ thiện. Xem xong lễ nó mới biết sơ sơ về quá khứ của miền Nam, mà lâu nay nó không hề để ý tới, dù ông Ngoại nó là cựu sĩ quan.

Cũng từ sau ngày đó, nó xin nghỉ làm thêm một ngày để về thăm ông bà ngoại. Nó cũng đi sinh hoạt với Gia Đình Phật Tử nhiều hơn, và bắt đầu đọc những cuốn sách tiếng Việt từ thư viện của Chùa. Đi làm nail bấy lâu cũng giúp giữ vốn tiếng Việt của nó rất nhiều, nhưng nó vẫn thích học thêm những từ lạ trước năm 1975, và thường thì nó nhờ các bác đạo hữu trong chùa giải thích thêm cho nó hiểu.

Một ngày mùa Đông, nó xin nghỉ làm nói là đi thăm bạn. Tối hôm đó, khi mẹ nó về tới nhà thì cơm đã nấu sẵn, đồ ăn xả đá để gọn gàng trên nếp chờ mẹ nó về nấu, rồi nó chuẩn bị trái cây và nước uống ở phòng khách. Bữa ăn tối của ba mẹ con thật yên bình ấm cúng. Ăn xong, nó dành rửa chén để mẹ nghỉ mệt và coi phim Hàn Quốc. Rồi nó đến ngồi chung, vừa coi phim vừa ăn trái cây với mẹ. Nãy giờ chăm chú dọn dẹp, nó không biết là mẹ nó giả vờ coi phim nhưng lén trộm nhìn nó, cô không biết hôm nay con mình bị cái gì, sắp xin xỏ điều gì, hay có điều gì bí hiểm sắp tiết lộ.

Cơm nước xong xuôi, coi phim cũng đã đời rồi thì cô mới tìm được cách mở đầu. Cô mỉm cười nhìn nó nói:

- Mèn ơi, hôm nay con trai tui có hiếu dễ sợ. Nói thiệt đi, muốn gì đây, nói mau.

Thường thì nó hay bẽn lẽn với mẹ, thích mẹ vỗ về và mắc cỡ mỗi khi bị chọc ghẹo, dù tuổi nó không còn nhỏ. Lâu nay đã quen vắng bóng cha nên nói trở thành "Mama's boy" quấn quít bên mẹ, lúc nào cũng thích đi làm chung ăn cơm trưa chung ở sở làm. Nhưng hôm nay, nó bỗng hắng giọng nói:

- Mẹ cho con đi lính nghe. Con xin lỗi đã không xin phép mẹ sớm hơn. Con đã kí giấy đi lính Hải Quân hôm nay rồi.

Một quả bom tấn đã nổ ngay trong nhà, ngay bên cạnh cái lò sưởi ấm áp mùa Đông, nơi hai mẹ con đang quây quần thưởng thức sự yên bình của xứ Mỹ. Mẹ nó lâu nay đã tưởng chiến tranh đã qua đi lâu rồi. Ám ảnh của những ngày theo bà ngoại Bi đi thăm nuôi ông ngoại đi tù cải tạo ở miền Bắc xa xôi đã xóa nhòa trong tâm trí gần hai chục năm nay, giờ bỗng hiện về rõ như in, khi đứa con trai duy nhất của cô đòi đi lính. Người ta nói, con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, nhưng Bi không giống Ba nó là công chức nhà nước cộng sản, làm một trí thức cam chịu, mà lại giống ông Ngoại nó, một quan quân đội miền Nam, một thời là niềm tự hào của dòng họ bên ngoại.

"Thằng Bi nói đòi đi lính. Trời ơi, có tin nổi không. Làm nail cả chục năm nay rồi, bỗng một ngày đẹp trời nó đòi làm quân nhân. Phải tính sao đây, phải nói chi đây. Đã lâu rồi không rầy la nó thành ra cũng chẳng biết bắt đầu như thế nào", cô nhìn nó chết trân.

Ngày nó lên đường nhập ngũ, mẹ nó không đưa ra tận cửa, vì mắt đã sưng húp nên ngại gặp mặt ông Thượng Sĩ tới đón nó. Chỉ có em gái nó đi theo sau, mắt cũng ướt đẫm. Người ra đi đầu không ngỏanh lại, sau lưng chỉ còn mẹ và em. Nhưng rồi cũng phải lên đường, hợp đồng quân ngũ đã ký bốn năm. Nó không muốn là người bỏ cuộc. Từ trong sâu thẳm tâm hồn nó có cái gì đó thôi thúc buộc nó phải đi, phải thực hiện được nguyện ước của đời nó.

Ngày đầu tiên vào trại, nó kinh hoàng đến nỗi đêm đó nó gặp ác mộng, khi tỉnh giấc rồi vẫn tưởng mình đang mơ. Nó đang ở trong một căn phòng lớn chung với hơn tám chục tân binh khác. Một ngày của nó bắt đầu từ năm giờ sáng và kết thúc lúc mười giờ tối. Nhưng đâu phải như vậy. Cứ vài ngày là bị dựng đầu dậy để tập di tản, cứu hỏa hay vì một lí do gì đó mà ông Thượng Sĩ nổi giận, ổng dựng cả phòng dạy, trừng phạt bằng hình phạt hít đất hay tập thể dục cho đến khi rơi rụng trên sàn nhà vì kiệt sức. Nó nhỏ con ốm yếu, ban đầu chỉ hít đất được mười cái, mà mỗi lần phạt là cấp số nhân của hai mươi, có lẽ vì đó mà nó hay gặp ác mộng.

Đó là chưa kể mỗi khi nó trễ nãi chuyện gì, chẳng hạn chuyện sau khi thức dậy chỉ có năm phút xếp mền và sửa drap gường. Nó vốn tỉ mỉ, thích cái gì cũng ngăn nắp và đẹp, có lẽ vì bệnh nghề nghiệp làm nail của nó, nên làm gì cũng chậm, cũng bị chửi liên tục. Nhiều lúc ông Thượng Sĩ chửi nó sát mặt, hai cái mũi chỉ cách nhau trên dưới một milimét, nước miếng của ổng phun như mưa rào mà nó vẫn đứng nghiêm chịu trận. Mẹ nó mà thấy cảnh này chắc ruột cũng sẽ đứt ra từng đoạn mà thôi. Nó không dám kể cho mẹ hay em nó mỗi khi có dịp điện về nhà, thường chỉ được phép vào ngày Chủ Nhật, và giới hạn chỉ có mười lăm phút. Nó chỉ dám than là đồ ăn hơi khó ăn, nói là thèm món canh chua của mẹ nó nấu. Mỗi lần như vậy nó chỉ nghe được tiếng nấc nghẹn ở bên kia đầu dây.

Khó khăn nào cũng qua, rồi nó cũng quen dần với đời sống quân ngũ. Mỗi sáng nó bật dậy như lò xo mỗi khi ông Thượng Sĩ hét tiếng đầu tiên, bỏ luôn cái tật ngủ nướng suốt mấy chục năm. Tối đến, nó lo ủi quân phục, đánh bóng giày và học bài cho ngày hôm sau, những bài học về lịch sử quân đội Mỹ, về những trận đánh, và trong cuốn sách dày đó, họ có nói đến chiến tranh Việt Nam. Nó đọc đi đọc lại nhiều lần, và nhận ra nhiều địa danh Việt trong đó, đặc biệt là Tết Mậu Thân ở Huế năm 1968.

Trại huấn nhục đã tập cho Bi khả năng chịu đựng, sự nhẫn nại và tinh thần kỷ luật cao. Mọi thứ khó khăn Bi đều vượt qua được, ngay cả đồ ăn dở kiểu nào Bi cũng ráng nuốt để có sức huấn luyện. Cái khó khăn lớn nhất đối với Bi là mỗi lần đi tắm tập thể, mỗi lần là một phân tư đơn vị tắm chung, tức hơn hai chục thanh niên tắm chung một phòng mà không có vách ngăn hay màn che. Hai chục tấm thân không mảnh vải che thân đứng gần nhau cũng gây cho nó nhiều khó xử. Đến giờ chừ nhắc lại nó vẫn còn đỏ lỗ tai.

Ngày nó tốt nghiệp, mẹ nó không đến chúc mừng, mà nó cũng ngại, sợ mẹ nói đến dự lại không giao tiếp tốt với các phụ huynh khác bằng tiếng Mỹ, có thể gây khó xử cho mẹ nên nó lại thôi không năn nỉ mẹ nó tới làm gì.

Nhìn thằng bạn ở gường bên cạnh có cha mẹ, anh em, ông bà và cả bạn gái tới dự lễ tốt nghiệp mà nó tủi thân. Người Mỹ có con đi lính là một niềm hãnh diện lớn. Có đứa còn được ông hàng xóm và Cha Đạo tới dự lễ nữa. Hai tháng quân trường của quân đội Mỹ là những chuỗi ngày liên miên với diễn tập, tập thể dục và học hành. Hai tháng đáng ghi nhớ trong đời của Bi. Nó nói với mình là sẽ mang theo suốt cuộc đời còn lại. Hai tháng đã biến một công tử bột ốm yếu thành một người đàn ông cứng cỏi, dù vẫn còn nét mềm mại đâu đó.

Tốt nghiệp thành tân binh, nó lại được gởi đi một tiểu bang khác để học nấu ăn cho quân đội. Số nó cũng lạ, khi đi thi vào quân đội, điểm số nó khá cao, 80 trên tổng số thang điểm 99, nhưng vì đang lúc quân đội Mỹ bị cắt giảm ngân sách nên chỉ tiêu các ngành khác đều thấp và lấp đầy, chỉ có nghề đầu bếp là còn chỗ trống. Mà nó lại không muốn chờ đợi, sợ đêm dài lắm mộng, sợ sẽ đổi ý hay mẹ nó sẽ tìm cách cản nó. Thành ra nó ừ đại, và ngày nhập ngũ là chỉ một tháng sau đó.

Bỗng dưng chuyển từ nghề nail qua nấu ăn, mà tài nấu ăn của nó lâu nay chỉ dừng ở thao tác nấu một nồi cơm, và hâm microwave đồ ăn cũ mà thôi. Rồi nó cũng tốt nghiệp lớp huấn luyện nấu ăn, và nó đã hiểu tại sao đồ ăn của quân đội không được ngon, không phải vì anh nuôi không biết nấu ăn ngon, mà vì sức khỏe của thủy thủ đoàn. Nếu đồ ăn ngon mà nhiều dầu mỡ thì lính sẽ ăn nhiều và mập phì, ảnh hưởng năng suất làm việc cũng như chiến đấu. Vả lại nước Mỹ là Hiệp Chủng Quốc nên quân đội cũng có đủ sắc dân góp mặt, mỗi người mỗi ý thì làm sao làm dâu hết được, nên đành phải nấu ăn với khẩu vị không đậm không nhạt, không quá cay không quá mặn, không ngọt cũng không lợ. Thành ra nấu ăn cho vài trăm người trở lên quanh năm suốt tháng cũng cần phải đi học mới biết.

Lần này tàu của nó nhận nhiệm vụ đi tuần tra Biển Đông sáu tháng. Nó mừng như trúng số. Nó thầm nhủ mình may mắn, vì tàu không đi Trung Đông như nhiều chiến hạm khác. Đêm nay trời đầy sao, lung linh chiếu xuống mặt biển đen nhánh. Biển êm đềm lượn lờ như ngàn tấm lụa đưa tàu nó về phía trước. Xa xa là ngọn hải đăng nho nhỏ về phía đất liền. Chiều nay có diễn tập, nó tranh thủ chạy lên boong tàu nhìn. Từ phía xa chân trời nó thấy đất liền, và gần hơn nó thấy tàu treo cờ Trung Quốc. Hỏi dò mấy người bạn bên tác chiến mới biết đó là Quần Đảo Paracels của Trung Quốc. Bạn nói nó vậy nhưng nó biết đó là Quần Đảo Hoàng Sa của cố hương mình.

Đêm nay nó thức khuya, lục lại tấm bưu thiếp mới mua ở Singapore tuần trước. Nó nắn nót viết: "Ngoại ơi, con đã thấy Hoàng Sa, nhưng con cũng thấy tàu Hải Quân của Trung Quốc ở đây. Con mơ có một ngày được đặt chân lên đảo này."

Mỗi đêm Bi ngắm sao trời, cầu cho mẹ và em gái ở nhà được bình an. Thỉnh thoảng Bi cũng nhớ tới Ba nhưng rồi hình ảnh một ông cán bộ Bắc Kỳ khô khan cứ mờ dần trong tâm trí. Mà hình như lâu nay mẹ Bi cũng ít nhắc đến ba, trừ mỗi năm khi Tết đến mẹ hay nhắc hai anh em gọi điện thoại về hỏi thăm ông bà nội, kèm theo những món quà Tết. Tình yêu của mẹ Bi dành cho ba cũng không còn, mà hình như cũng chưa bắt đầu bao giờ. Có chăng chỉ là tình nghĩa vợ chồng. Bi đi lính xa nhà hẳn mẹ cô đơn lắm. Nghe đâu mẹ Bi đang mở cửa lòng cho một ông hình như là một cựu quân nhân miền Nam. Bỗng nhiên Bi thấy có sự cảm thông, mong về nhà để gặp người dượng tương lai, và sẽ gật đầu ngay nếu mẹ có hỏi ý kiến.

Đôi khi Bi tự tiếc nuối là không biết gì về sao trời hay căn bản về chiêm tinh học, vì nhìn hoài mà chẳng biết tên. Thế rồi Bi cũng tạo ra cách nhớ riêng của mình. Tàu đang ở Châu Á, Bi lấy hướng Đông cho phía gia đình bên nội, còn hướng ngược lại là Hoa Kỳ, nơi có gia đình Bi và bên ngoại. Bi nhìn về phía Tây mà cầu nguyện cho mẹ, lấy ngôi sao sáng nhất đặt tên là mẹ, còn ngôi nhỏ thiệt nhỏ ở gần bên Bi dành lấy cho mình. Bi tự ví mình là ngôi sao nhỏ bé mờ mờ, bởi thân phận Bi chỉ là binh nhì, lại là anh nuôi nên không có gì nổi bật thì làm sao sáng như sao trời được. Làm một ngôi sao nhỏ bé giữa muôn ngàn vì sao làm đẹp cho vũ trụ bao la kia đã là một ước mơ vĩ đại của Bi rồi.

Kỳ tới: Anh nuôi binh nhì thành sĩ quan hải quân.

Trần Du Sinh

Ý kiến bạn đọc
15/06/201409:00:05
Khách
Truyện hay! Tác giả đã bộc lộ được những tình cảm sâu đậm của một gia-đình Việt ở hải ngoại; lại cho thấy ý chí phấn đấu luôn luôn muốn thăng tiến của thế hệ thứ hai (hoặc thứ ba) của người Việt do ảnh hưởng của nền văn hóa mở rộng của một quốc gia tự do dân chủ thật sự. Hy vọng câu chuyện này sẽ giúp cho những thế hệ tương lai càng cố gắng cầu tiến hơn nữa. Mong được đọc thêm những truyện ngắn đầy tình người, trong những bối cảnh rất thật với đời sống của cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
29/04/201423:21:31
Khách
Chuyen rat de thuong. Doc de thay duoc tam long cua nguoi tre lon len o xu My rat la nhan ban. Chuc mung em.
28/04/201411:34:34
Khách
rat thich doc bai cua anh
co gan len
27/04/201421:39:57
Khách
Truyện có lời văn nhẹ nhàng dí dỏm: khá hay. Xin tác giả xem lại đọan cuối, có sự nhầm lẫn chăng? Vì nếu tàu đang ở châu Á gần Hoàng Sa (tức đang ở Thái Bình Dương), thì hướng Tây mới là VN (quê nội của tg) và Mỹ nằm về hướng Đông (quê ngoại của tg).
27/04/201417:34:24
Khách
Toi tin day la chuyen tieu thuyet doc cho vui.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,573,393
Bài viết tác giả dành cho Fathers Day năm nay là chuyện đời phiêu lưu của một chàng trai làng quê miền Bắc vào Nam lập nghiệp từ 1942,
Tác giả sinh năm 1957, cư dân Santa Ana, công việc: làm nail. Tham gia viết về nước Mỹ từ 2011, với bút hiệu Hữu Duyên Nguyễn và bài "Cám Ơn Bố",
Bài mới nhất của Song Lam là một tự sự viết cho “Ngày của Cha” đang tới.
Cuối tuần này sẽ là Father’s Day. Trân trọng mời đọc Nguyễn Trung Tây, tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm 2010.
Sau bao nỗ lực và quyết tâm đi tìm tự do, cuối cùng tôi cũng đặt chân được đến nước Mỹ vào tháng giêng năm 1985. Để được đặt chân đến miền đất tự do này,
Sau đây là hai bài viết mới của Du Sinh. Bài đầu là tự sự của một cựu du học sinh VN tại Âu châu đang làm việc tại Mỹ.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010.
Tác giả sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tựa đề nghe nhẹ nhàng. Chuyện kể nặng hơn. Đó là lúc cái còng sắt của FBI khoá tay cái rụp. Đây là bài viết mới của Phan,
Tác giả tên thật là Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, cựu sĩ quan VNCH, cựu tù công sản, định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. 1, hiện làm việc tại học khu Ocean View.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến