Hôm nay,  

Chuyện Mẹ Và Con: Mom and Me, Inc.

23/05/201900:00:00(Xem: 7773)
Tác giả: Chúc Thanh
Bài số  5696-20-31503-vb5052319

Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019. Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.    Sau 2 bài đầu không thể phổ biến vì quá dài, cám ơn tác giả kiên nhẫn góp thêm bài thứ ba  sống động và duyên dáng. Mong bà tiếp tục viết.

***

Chú tôi gầy cao hay cười!

Cô tôi thấp bé hay nói!

Cô cao khoảng 1m50 cân nặng 37 hay 38 kí là nhiều. Cô bé vậy nên cả nhà hay gọi cô Tý. Đó là cô út tôi.

Bà tôi mất sớm, khoảng dưới 50 tuổi. Ông nội tôi một mình mồ côi nuôi ba tôi, ba cô kế tiếp và cô út tôi.

Tháng 6 tháng 7 năm 1945, sau kỳ chết đói thảm thiết, lúa chín vàng ối cánh đồng thiếu người gặt, rồi chim tu hú kêu vang vang gọi nhau ngoài ngõ thì mẹ tôi ngã bệnh thương hàn và đi luôn. Ông nội tôi phải nuôi thêm tôi, đứa cháu mồ côi mẹ sớm. Vì lẽ đó cô út tôi và tôi sống bên nhau rất lâu và rất yêu thương nhau.

Cô út trong trong khai sanh tên là Sướng, cô bảo tao chả sướng tí nào, nên bỏ dấu sắc đi, cô bảo cứ gọi cô là Sương. Nói chung Sương hay Sướng đều có thể rất đúng với cô. Trước năm 1975 cô Sướng vì có nhà cho Mỹ thuê, cho thuê một tầng ở một tầng, cô lúc đó chỉ ở nhà nuôi con, lo công việc nội trợ, 7 đứa con cho một bà mẹ loắt choắt thấy cũng không nhàn, nhưng cô vui với các con, đúng, trong những năm ấy cô Sướng… sung sướng!

Rồi tiếp đến sau cái đại nạn 30/04/1975 hầu như tất cả mọi người đều bấn loạn, đã mất nước, mất tự do sống với cộng sản là mất tất cả.

Mỹ "cút" không còn ai thuê nhà! Chồng đi tù cải tạo, cô tất bật ra ngoài buôn buôn bán bán, xoay sở nuôi bầy con, lúc này đúng là hai sương một nắng, không là sướng mà là phong sương. Cô tự an ủi, ai cũng như mình cùng khổ cùng buồn.

Hồi nào tới giờ, không buôn bán, vậy mà lúc đói bụng đầu gối phải bò, cô tháo vát khá, không thua ai… Cô có cái hay là chấp nhận tất cả, không than, không buồn. Cô bảo làm gì có thì giờ mà buồn với vui… Sáng sớm 5 giờ thức dậy ra xa cảng miền tây lấy xe lam hay xe đò lên Tây Ninh mua gạo và thịt về Sài Gòn bán lại, gạo mua 5 đồng một kí về bán được 15 đồng, thịt heo 10 đồng một kí về bán lại 30 đồng/ 1 kí. Cô nói đi không vất vả vì có chị em bạn hàng cũng vui, ríu rít nói chuyện cà kê, nhưng ở những trạm kiểm soát phải dừng chân lâu ở dọc đường thật nản. Dần rồi cô không dám buôn thịt nữa, sợ hư không bán được. Công an trạm xét khám rất kỹ và hàng sẽ bị tịch thu nếu không biết hối lộ thỏa đáng… Cho nên, mỗi lần xe chạy là bạn hàng với nhau toàn kể chuyện vui và chế nhạo công an và xã hội chủ nghĩa.

Thậm chí cô út nói đi buôn vui lắm, cô kể cô có một chị bạn hàng, trái với cô cô chỉ mua gạo, chị bạn chỉ mua thịt, mỗi lần chị đi được 10 kí, vì có mối bán liền, mau hơn bán gạo, lời khá hơn.

Cô khôi hài lắm, cô kể lại có một lần kia, hàng đem về Sài Gòn đã trễ, mọi người bị công an quây lại, hai bên chưa mặc cả xong… Cô mỏi chân ngồi xuống vỉa hè đường. Chợt có một anh áo vàng ngồi bên cô, vừa hút thuốc xong là hỏi:

Tại sao các chị cứ thích đi buôn lậu, đi phe phẩy vậy?

Cô trả lời vắn tắt: để có đủ gạo ăn vì gạo tổ bán thiếu không đủ ăn, đói lắm!

Hình như cô có nghe đối phương bảo là "ở ngoài bắc, cũng thiếu gạo mà người ta vui ve ăn độn… có sao đâu!" Cô làm như không nghe rõ, cô chỉ tay về phía chị bạn buôn thịt đứng gần đó, kéo áo anh công an:

Này, nhà anh nên cho chị này về đi, nhìn gót chân chị ấy đỏ đỏ máu chẩy không… Tôi đoán chị ấy có tháng, đang đau bụng, cái mặt xanh mét là sắp té sỉu rồi…

- Chị kia, chị được về trước, đi mau đi, đồ thứ đàn bà vô ý vô tứ.

Buổi tối, cô nói đã khuya, có tiếng gõ cửa nhà, thì ra người bạn lúc chiều mang đến tặng cô một kí thịt. Cô cảm động gói 3 kí gạo tặng trao đổi với bạn, họ ôm nhau bồi hồi chung cảnh ngộ.

Cô út tôi tự nhiên như đếm, cô hay kể lần ấy cô đi Ban Mê Thuột mua hàng, khi đến ngã ba Thành (Nha Trang) trời đã tối mù mịt, cả đoàn xe đò đỗ sát gần nhau, họ cùng nhau nghỉ đêm bên kia rừng, đợi sáng sớm mai cùng nhau đi tiếp. Mọi người túa ra bãi cỏ, chọn gốc cây nào êm êm, vài người một chỗ ngả lưng thưởng thức khác sạn ngàn sao. Nhưng cô thì cô chui vào xe đò, nằm ngủ trên băng ghế… Cô thích có cái mái che trên đầu, ban đêm ngủ cô phải luôn nằm sấp, đè lên để giữ kỹ bọc tiền bọc ở túi áo dưới bụng.

Cũng đêm đó, cô nghe có tiếng lục lọi lào rào trong xe, cô thấy hình như có ai đó quờ quạng sờ vào chân cô. Cô thản nhiên co cẳng đạp mạnh và bạo dạn nói như ban ngày: “Này, đứa nào nhát tao đó. Tao không có sợ ma đâu, tao cũng không có máu buồn đâu mà hòng cù léch tao… lui ra ngay, đụng tới tao là tao cho một cái gậy này là vỡ đầu!”

Rồi thôi, mọi sự im lặng trở lại, cô ngủ cho tới sáng mới hay mọi người kể khi đêm có trộm mò lên xe tính ăn cắp hàng. Cái hay là lúc trộm mò lên xe, cô không có cảm giác sợ. Cô hay nói đùa, “cứ bổ đầu tôi ra mà nhét cái sợ hãi hay cái lo buồn vào cũng không xong, rồi nó lại đi ra.”

Nói vậy chứ có một lần cô phải sợ, sợ hãi đến khóc lóc và gần đứng tim.

Đấy là lần ấy cô đi Buôn Mê Thuột buôn café, café lời hơn, nhẹ tuy hơi lồm cồm lạo xạo. Cô và con trai lớn của cô, cu Phương, mỗi người ôm 10 kí. Vào bìa rừng về thành phố quốc lộ 1, cô ngồi lại trên xe chạy thẳng băng xuyên rừng chấp nhận đóng thuế, còn em Phương nó tình nguyện và xin cô để nó xuống xe, nó đi bộ, đi đường vòng bọc theo bìa rừng để tránh nộp tiền mãi lộ, nó hẹn co ở quán cơm bụi “gà rừng nướng.”

Thế rồi cô đến quán cơm đã lâu, đã ăn cơm… và chờ mãi, 4 giờ, rồi 5 giờ, chiều xuống cô vẫn chưa thấy Phương trở về… Cô bắt đầu lo lắng, hối hận đã để con đi một mình. Rồi cô hoảng hốt, òa khóc, gào lên… Phương ơi! Bây giờ con ở phương nào?

Ai khuyên can, cô vẫn khóc, vẫn đi vòng vòng từng gốc cây, vẫn gọi con: Phương ơi, bây giờ con ở phương nào?

Mãi vậy, rồi may sao, có một bác đồng cảnh, bác đến đó chuyến sau cùng trong ngày, bác cùng mọi người vây lại an ủi cô: này chị Bình, đừng khóc nữa, đừng lo sợ thái quá thế, vì bao năm rồi vùng này chiến tranh khốc liệt, súng đạn nổ vang trời, cọp beo biến hết rồi… Cháu nó sắp về tới, nếu không chừng một chập nữa tụi mình se đi kiếm nó.

Ô may quá, nó về kìa…

Nó bảo nó về hơi trễ vì phải né tránh nhiều người lạ. Kể cả người thiểu số hay là người đi tìm thuốc.

Mọi người và co út mừng rỡ, hè nhau đi mua nếp, thịt, đậu và lá dong… Họ vào buôn thuê và cùng với người thượng gói và nấu bánh chưng bánh tét. Khi bánh chín, hôm sau, họ mang về Sài Gòn cùng con cái, cùng gia đình ăn tết là kịp chiều 30 tết, chiều cuối cùng của một năm.

Đại để những chuyện như thế đều xẩy ra theo năm tháng.

Rồi bất chợt đến biến cố chú theo các cha nhà thờ Vinh Sơn phản kháng cộng sản, rồi bị bắt, chú đi tù thêm 5 năm. Hai bàn chân nhỏ bé của cô lại đi bắc về nam thăm nuôi người cải tạo.

Cô thành thạo kể tao vượt qua vượt lại Trường Sơn mấy lần. Trường sơn Đông Với Trường Sơn Tây… Chả có gì hay ho cả! Chỉ có gió và gió và gà rừng đủ loại chạy qua chạy lại. Rừng đại ngàn ư? Nếu không mang theo ít chai nước thì phải khát khô cổ trong rừng đại ngàn của chúng nó.

Bực mình thì nói vậy chứ rừng núi cũng là của cả mọi người chúng ta, nhờ rừng đại ngàn mà cô có chỗ để hàng như những bịch trà Thái Nguyên, ra buôn từ bắc vào nam, mang quần jean từ trong nam ra Hà Nội.

Cô về làng quê cũ ở Thái Bình xây và tu sửa các phần mộ gia tiên, ông bà. Đi vào làng, cô có ý tìm cái ao đình rộng lớn để định hướng rẽ vào ngõ cũ…

Ngó mãi không thấy ao, chẳng thấy đình, cô bất chợt hỏi thăm một người trong thôn đi ra. Họ hỏi lại cô: “Nhà chị từ đâu đến đây? Nhà chị có điên khùng ngớ ngẩn không, tôi ở đây mấy chục năm, chả thấy có ao hồ nào cả!?"

Cô tôi cứ cu ky đi đi về về, buôn buôn bán bán… Mãi mười năm sau, năm 1987 cô nghe tin chú đa đi xa, đi ra khỏi Việt Nam, cô phất tay qua trán nói,  “Tao không tin tưởng lắm, vì người đến cho tin không gặp tao, tao đi vắng, con nít nói lại, hơi đâu mà nghe… nhảm!”

Chợt đến một ngày, co ở nhà và tự tay nhận được thư chú, cùng với giấy tờ xin bảo lãnh cho mẹ con cô xuất ngoại sang Mỹ. Đi Mỹ à? Cô phân vân, nếu đăng ký cô chỉ được phép dắt theo hai đứa con nhỏ. Năm đứa lớn phải ở lại.

Nhưng rồi cô quyết định cũng đi, đi cho biết với người ta, cô nghĩ ra nước ngoài, cô mới xoay sở cho các con một cuộc sống tự do và tốt đẹp hơn, con người hơn, ở với cộng sản làm sao chúng phát triển thành những con người bình thường?

Năm 1990 cô ra đi với hai hàng nước mắt rưng rưng. Cô ân cần dặn các con tạm thời như thế và dứt khoát bước đi.

Sang My, về Little Saigon được 4 tuần lễ, nhờ nhà thờ và người bảo trợ lo xong giấy tờ và tạm yên chỗ ở. Khi hai đứa con đem theo vừa yên ổn vào trường học, là cô dự trù việc làm của cô.

Cô loay hoay đi hỏi dò chỗ may, ráp quần áo. Vìở Việt Nam một thời còn trẻ cô đã làm thợ may áo dài. Hồi đó cô khoe cô là học trò của bà Cát Long… Bà Cát Long là ai? Bà Cát Long là em bà Cát Tường, ngo ơi là ngố, chả biết gì cả… Cô cháu tôi vui và trò chuyện với nhau giản dị lắm.

Cô út tôi may mắn, tấp vào Little Saigon, Wesminster, như dạt vào quê hương mới chờ đợi sẵn. Dù không giỏi ngoại ngữ, chỉ học lõm bõm anh văn vài chữ mà cô vẫn lo giỏi giang việc kiếm tiền kiếm sống…

Trong cái nhà housing nhỏ xíu mà cô khuân về 2 cái máy may kỹ nghệ chạy điện, cả ngày cô ráp, vắt sổ, nối các mảnh quần áo cắt sẵn, cô làm confection.

Vì chạy luôn luôn một máy, sợ quá tải và quá nóng, cô cho máy 1 nghỉ, cô nhảy lên máy 2 cho chạy tiếp, cô làm việc suốt ngày, trừ lúc ăn cơm ngắn ngủi và thỉnh thoảng cô mở cái tủ lớn chứa đo ở phòng bên ra xem “Ông chồng ngủ hay đọc sách trong đó có bình an không!” Nha ồn, hơi ồn, ông ngủ, nghỉ và làm việc riêng của ông trong cái “cốc” là cái tủ lớn.

Sự thật thì 2 cái máy may phản lực của cô có gây tiếng động khá, đến nỗi cô phải kê lên trên hai cái chăn len dầy. Sợ làm phiền chồng, con và cả lối xóm nữa.

May quá, một ngày kia khi chú có nhà riêng trong khu gia binh thì cô an tâm và tự do chạy máy hơn nhiều. Buổi tối, duỗi cẳng chân tay cho đỡ mỏi xong, cô nhờ con chở đi giao hàng đã may và nhận hàng mới, nhân tiện ghé mang chút đồ ăn Việt Nam cho chồng.

(còn tiếp một kỳ)
Chúc Thanh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,075,234
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.