Hôm nay,  

Tình Cảm Gia Đình Việt

14/10/201800:00:00(Xem: 12216)
Tác giả: Hồ Thị Đậm

Bài số 5522-20-31329-vb8101418


Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Tại Việt Nam. bà là cô giáo dạy bậc tiểu học,  sau khi tốt nghiệp trường Quốc gia sư phạm Sàigòn. Dạy ở Việt nam 22 năm. Qua Mỹ diện con bảo lãnh, năm 1992. Đi may hãng Mỹ hơn 10 năm thì hưu trí,  ở nhà dạy cháu học chữ Việt, và dạy chữ Việt ở trường Lạc-Việt ở Louiville,  KY. Bà đã xuất bản ba quyển sách:

1.Học tiếng Việt,  song ngữ Việt Anh. 218 trang.

2- "Học tiếng Việt" lớp Mẫu giáo,  gồm 117 trang,  in màu,  song ngữ Việt Anh.

3- Bài tập lớp Mẫu giáo, cho học sinh tô màu, làm tóan,  tập viết chữ đẹp. Trường Lạc Việt ở Louisville, từ 2014 dùng sách do bà soạn để giảng dạy. Mong bà tiếp tục viết.

 

***

 

Thứ bảy tuần rồi tôi đến thăm chị Hoa, một người bạn ở cùng xóm với tôi trước đây, chị bị bệnh bán thân hơn hai năm nay.

Khi tôi đến nơi,  mặt trời đã lên cao,  những bụi hoa được trồng dọc hai bên lối đi vào nhà chị Hoa thi nhau khoe sắc đẹp dưới ánh nắng xuân vàng rực-rỡ. Đứa cháu ngoại của chị ra mở cửa,  cháu nói:

- Mời bà nghỉ ở phòng khách một chút, dì con đang đang làm vệ sinh cho bà ngoại.

Trong khi chờ đợi, tôi nghe tiếng cô gái út của chị Hoa,  cô Vân từ trong phòng của bệnh nhân nói với mẹ:

- Có dì năm, người bạn cố-tri của má đến thăm, bữa nay má sẽ vui nhiều, má nhớ cười tươi lên nhé.

Nói xong, cô lên tiếng mời tôi vào. Tôi vội đứng dậy vô phòng. Đây không phải là phòng ngủ,  trước kia là phòng ăn,  để tiện việc chăm sóc người bệnh,  thay vì ở trên lầu,  người nhà di chuyển chị Hoa nằm phòng nầy tạm. Căn phòng rất sạch sẽ, trong phòng bày-biện thật đơn giản,  giường của bệnh nhân được đặt sát bức tường liền với nhà bếp,  ở phía tường đối diện là cái truyền hình để người bệnh xem. Cạnh giường bệnh nhân là cái ghế dựa để người nhà ngồi chăm-sóc bệnh-nhân hoặc cho khách đến thăm ngồi.

Khi vào phòng, lòng tôi se thắt,  vì mỗi lần đến thăm,  tôi nhận thấy chị Hoa có vẻ tiều-tụy hơn. Cơ thể của chị hiện thời có lẽ không nặng hơn 80 pounds. Nét mặt chị xanh-xao,  da nhăn-nhúm, tay chân khẳng-khiu, nhất là đôi chân và tay bị liệt của chị bị teo lại rất nhiều.

Tuy chị mất khả năng đi đứng và khả năng nói,  nhưng có lẽ trí óc của chị vẫn còn sáng suốt. Khi thấy tôi,  trên môi khô của chị méo-mó một nụ cười. Cô Vân đưa tay chỉ tôi,  hỏi mẹ:

- Má biết ai đây không?

Chị Hoa khẽ gật đầu.

Cô Vân giả bộ hỏi:

-  Phải dì ba Mãnh không má?

Chị Hoa lắc đầu. Để thử trí nhớ chị Hoa thêm một lần nữa, cô Vân đề nghị:

-  Khi con nói đúng, má đưa ngón tay cái lên nghe. Dặn dò xong, cô .         

 Vân hói mẹ.

-  Phải dì năm,  má của Trang không má?

Chị Hoa đưa ngón tay cái lên. Chúng tôi vui mừng, cùng cười.            

Cô Vân vui vẻ khen mẹ:

-  Má con còn nhớ giỏi lắm đó dì năm.

Tôi nắm tay chị Hoa, ân-cần hỏi:

-  Hôm nay chị Hoa khỏe không?

Chị dùng bàn tay còn khỏe nắm chặt tay tôi, khẽ gật đầu.

Tôi thân mật nói với chị:

-  Chị ráng hết bịnh để chị em mình cùng đi bộ như trước kia,  cố-gắng lên nghe chị.

Nghe tôi nói,  dường như chị nhớ lại những kỷ niệm xa xưa khi chúng tôi còn ở cùng xóm, Chị siết chặt tay tôi hơn,  nhìn tôi với đôi mắt buồn bã, rồi thình lình chị đưa bàn tay tôi lên môi hôn hít chân thành! Hành động của chị, chứng tỏ trí não của chị vẫn còn minh-mẫn và tình cảm của chị đối với tôi thật tràn đầy. Tôi quá cảm động, nghẹn lời, nước mắt tuôn dài trên má. Cô Vân cũng đầm-đìa nước mắt!

Những kỷ niệm cũ giữa tôi và chị lại hiện rõ trong đầu tôi.   

Khi mới định cư ở Mỹ,  vừa xa quê hương bà con thân thuộc, sống nơi xứ lạ quê người, nhất là ở nơi có ít người Việt như ở tiểu bang tôi đang trú ngụ,  mà có được một người bạn Việt nam tốt bụng như chị Hoa ở cùng xóm,  thật là một điều may mắn cho tôi. Trong suốt thời gian ở gần chị,  chúng tôi có chung nhau biết bao kỷ niệm. Mùa nắng ấm,  chị ươm sẵn hột giống,  chia cây non cho tôi trồng,  dạy tôi cách chăm-sóc hoa quả,  rau cải. Thường chia sẻ nhau từng miếng ngon,  bánh ngọt; chúng tôi xem nhau như ruột thịt…

Chị là một người mẹ đảm đang,  chồng chị mất sớm,  chị trải qua biết bao hy sinh,  bao gian khổ để các con chị được như ngày hôm nay. Chị đã từng nói với tôi: “Khi ông xã tôi mất,  mấy đứa con tôi còn thơ dại. Tôi cầu mong chỉ kiếm đủ tiền nuôi các cháu,  chứ không dám mơ ước gì hơn. Vậy mà hôm nay các cháu đã có một mớ kiến-thức lại cả gia đình được định cư ở Mỹ, tôi nghĩ Trời Phật đã thương tình,  phù hộ gia đình tôi nhiều lắm.” Sau nầy chị dời nhà đi nơi khác,  nhưng chúng tôi cũng hay tới lui thăm viếng nhau. Tôi đang cơn xúc động,  thình lình nghe tiếng chào hỏi tôi,  thì ra đó là vợ chồng chú Minh,  người con trai thứ của chị Hoa. Đi cùng hai vợ chồng chú là hai cháu trai,  con của chú,  một cháu khoảng mười tuổi; cháu nhỏ hơn,  khoảng bảy tuổi.

Sau khi chào tôi và hỏi thăm sức khỏe người mẹ, vợ chú Minh bảo hai đứa con:

-  Hai đứa lại chào bà năm và bà nội đi con.

Hai cháu bé ngoan-ngoãn cúi đầu trước mặt tôi,  nói: “Cháu chào bà”,  rồi lần lượt đến đứng cạnh giường,  nắm tay bà nội,  âu-yếm hỏi:

-  Bà nội có khỏe không?

Hỏi xong,  cháu ôm hôn bà nội,  bóp tay bà,  ra chiều thương mến bà lắm. Bà không ôm cháu được,  nhưng trên mặt bà lộ vẻ hân-hoan,  bàn tay không liệt vẫn nắm chặt tay cháu,  khi cháu cúi

xuống hôn bà,  bà cố để bàn tay lên đầu cháu,  ép đầu cháu sát vào ngực bà để thay lời nói yêu thương.

Tôi lên tiếng khen:

-  Chú thím khéo dạy con quá,  trông hai cháu rất ngoan và hai cháu nói giỏi tiếng Việt nữa.

Có vẻ chú Minh cũng vui mừng vì hai con của mình ngoan-ngoãn và biết nói tiếng Việt cũng khá,  chú nói:

- Dì Năm biết không,  hai đứa nhỏ may mắn là có bà ngoại trông coi từ lúc mới sanh,  và vợ chồng con cũng toàn nói tiếng Việt với chúng nó,  nên chúng nó mới nói được như vậy. Lúc đầu con hiểu lầm,  khi mới có cháu lớn, vì lo cháu không giỏi tiếng Mỹ,  khi về nhà con hay dùng tiếng Mỹ nói với cháu,  bị bà ngoại cháu rầy lắm. Bà nói: “Tụi bây muốn con của bây mất gốc phải không?  Nếu nó không biết nói tiếng Việt là tại tụi bây. Trong lúc nó có cơ hội học tiếng Việt với bà ngoại nó,  mà tụi bây cứ nói tiếng Anh với nó,  là chúng bây làm cho  nó mất cơ-hội học ngôn-ngữ của tổ tiên,  ông bà,  cha mẹ mình,  là tiếng nói mẹ đẻ mà!” Bà còn nói thêm: “Chính các con làm mất tình cảm gia đình đấy,  thử xét lại đi,  nếu nó không biết nói tiếng Việt,  sau nầy làm sao nó nói chuyện với ông bà của chúng nó được. Đó là nguyên-nhân làm mất tình cảm gia đinh dần-dần đấy con ạ.”

Lúc bấy giờ cũng có hai người nữa đến thăm chị Hoa,  đó là chị Cảnh và chị Liên,  cũng là bạn của chị Hoa,  không phải bạn ở cùng xóm,  mà là bạn đồng đạo. Chào hỏi hai người khách xong,  vợ chồng chú Minh và tôi nhường chỗ cho hai chị,  chúng tôi bước vào nhà bếp.

Khi vào bếp,  tôi thấy cô Trâm,  người con gái lớn của chị Hoa đang nấu cơm,  cô vui vẻ chào tôi và cho tôi biết: “Hôm qua con nghe dì năm báo tin là ngày nay dì năm đến thăm má,  sẵn dịp con mời dì Cảnh và dì Liên đến chơi với má con luôn. Tuy má con không đi đứng được,  nhưng má con vẫn còn sáng-suốt. Con nghĩ,  khi má con gặp ba dì,  má con mừng lắm . Cô vừa nói chuyện với tôi vừa xay thức ăn cho chị Hoa.Tôi hỏi:

 -  Hàng ngày cháu cho chị Hoa ăn những thức ăn gì?

 Cô Trâm cho biết:

-  Chủ yếu là cháo gạo lức nấu với cá hoặc thịt,  thêm rau củ. Gạo lức và thịt cá là chánh,  còn rau cải thay đổi luôn; hôm nay con nấu với khoai tây,  cà rốt,  ngày mai thì con nấu với bông cải và củ dền… Ngày ăn chay thì con thế thịt cá bằng đậu hủ. Còn sữa thì má con uống được hai lon sữa nước của bệnh viện cấp cho. Loại sữa nầy đầy đủ dinh-dưỡng cho người bệnh.

-  Khi cô Trâm xay thức ăn xong,  cô Vân đỡ chị Hoa lên xe-lăn,  đẩy chị ra ăn cháo. Vừa đỡ mẹ,  cô vừa Vân nói:

- Tới giờ dùng cháo rồi, con mời “Công chúa” lên xe-lăn.

- Cô Vân đẩy xe lăn tiến vào nhà bếp,  hướng về chỗ chúng tôi ngồi,  tay đẩy xe,  miệng nói to:

“Hoàng hậu giá lâm”.

Chú Minh cười, nói:

-  Cô nầy lúc nào cũng ồn-ào. Cô phong chức cho má nhanh quá vậy? Mới là “Công chúa,  bây giờ là “Hoàng hậu” rồi,  tỳ nữ làm sao thay đổi xiêm y cho má kịp? Đến ca trực sau,  chắc cô phong má lên làm “Nữ Tổng-thống Hoa kỳ” phải không?


Nghe chú Minh nói đùa,  mọi người cười rộ,  chị Hoa cũng nở một nụ cười hiền hòa. Đi thăm người bệnh mà tôi thấy không khí ở đây không vẻ gì khó chịu,  là vất vả cả.

Cô Vân ngồi đút cháo cho chị Hoa,  ép mẹ ăn từng muỗng cháo. Khi chị Hoa ăn xong,  cô Vân còn cho mẹ dùng thêm một hũ sữa chua (yaourt,  yogurt).

Chị Cảnh hỏi cô Vân:

 -Ngoài sữa chua,  cháu còn cho mẹ cháu ăn điểm tâm thứ gì khác không?

-Có khi con cho má con ăn chuối,  nho hoặc táo xay.

Trong lúc đó vợ chú Minh lo phụ làm thức ăn với cô Trâm để đãi chúng tôi. Vừa nấu thức ăn,  cô Trâm vừa nói với chúng tôi.

- Con nghĩ má con bệnh,  má nằm một chỗ buồn lắm, tuy không nói được, nhưng con biết má con cũng nhớ bạn bè, nên con muốn cứ vài tháng con nấu cơm mời ba dì đến chơi và dùng cơm với má con.          

Nghe cô Trâm nói, chị Liên khen:

-Dì phục các cháu quá,  các cháu chẳng những nuôi mẹ chu toàn mà còn tìm cách giúp mẹ vui lòng,  ít có người con nào nghĩ đến điều đó. Các cháu đều đi làm việc vất vả, làm cách nào các cháu nuôi chị Hoa tại nhà chu-đáo như thế nầy được vậy?

Cô Trâm ôn-tồn nói:

- Lúc đầu chúng con cũng không biết tính sao,  chúng con đành để má ở trong “Viện dưỡng lão”. Hai đứa con của con,  lúc hai cháu còn nhỏ được bà ngoại chăm-sóc,  nên hai cháu mến thương bà lắm. Vì vậy,  khi hai cháu vào “Viện dưỡng lão” thăm bà ngoại,  thấy bà sống quá cô đơn,  hai cháu khóc,  đòi đem bà về nhà. Chúng nó chọn môn học ở đại học ít hơn,  và hai đứa tính giờ học thế nào để có thể thay phiên chăm sóc bà trong khi con còn ở trong sở làm.Vợ chồng con thì chăm-sóc má con kể từ khi rời sở về nhà và ban đêm,  mấy đứa em con thì chăm sóc má con hai ngày cuối tuần để con được nghỉ ngơi. Làm riết rồi quen,  bây giờ chúng con thấy không vất vả lắm.

- Tôi biết rất rõ,  các cô nầy chẳng những chăm sóc mẹ chu- đáo mà còn muốn mẹ được giải trí như lúc chưa bị bịnh. Thỉnh-thoảng khi đẹp trời, các con của chị Hoa cũng chở chị đi xem ca nhạc hay cho chị ngồi xe đến bên bờ sông Ohio hóng gió,  những lúc đi chơi như vậy,  cô Trâm hay mời tôi đi chung cho vui. Mỗi khi chở chị Hoa đi,  chồng cô Trâm ràng cái ghế đặc biệt cho người bệnh lên xe hơi trước,  rồi ẵm chị Hoa lên xe,  ràng-rịt chị lại cẩn-thận,  chú cũng không quên đem theo xe-lăn cho chị Hoa. Cô Trâm thì mang theo sữa và nước uống cho mẹ đầy đủ.

Chúng tôi ở lại chơi với chị Hoa đến chiều. Vợ chồng chú Minh đã về trước từ sau bữa cơm trưa để lo việc nhà,  vì ngày hôm sau là đến ngày chú chăm sóc mẹ. Chị Cảnh và chị Liên biết lái xe nên họ tự về trước,  tôi còn ở lại đợi con đến rước. Lúc bấy giờ nắng đã dịu,  bầu trời quang-đãng,  mây xanh cao ngất,  chỉ có vài cụm mây trắng thong thả bay lững-lờ theo chiều gió. Cô Vân nhẹ-nhàng đỡ mẹ lên xe lăn,  tôi tiến lại phụ cô,  nhưng cô nói:

-  Cám ơn dì,  dì cứ để mặc con,  con làm quen tay rồi,  tự con làm được.

-  Vừa nói cô vừa ẵm mẹ lên xe-lăn một cách dễ dàng. Khi ràng mẹ xong,  cô lấy nón “len” đội cho mẹ. Sửa soạn đâu đó sẵn sàng,  cô nói:

- Hôm nay đẹp trời, xin mời: “Hoàng-hậu” ra thăm vườn “Thượng-uyển”.

Cô Trâm đem tấm ván để trước bậc thềm và phụ cô Vân đẩy xe lăn ra sân. Tôi đi theo sau xe chị Hoa. Khi đẩy xe đến góc nhà,  cô Vân quẹo sang trái,  đi theo con đường nhựa, rồi tiến thẳng ra sân sau. Một con mèo tam thể đang nằm sưởi ấm ở hàng hiên, khi thấy chúng

 tôi,  nó dạn-dĩ vẫn nằm yên,  đưa đôi mắt sáng ngời nhìn chúng tôi, trông thật dễ thương. Chúng tôi đi thẳng đến mấy khóm bông hồng và bông cúc được trồng gần nhau. Vài con chim nhỏ đang tìm mồi trong bãi cỏ, nghe tiếng động vội bay vút lên ngọn cây cao trong vườn. Ở góc vườn bên phải có cây hồng dòn và cây lê đang trổ hoa màu trắng. Những cánh hoa nằm chụm lại với nhau,  phủ gần hết các cành cây một màu trắng tinh-khiết, trông đẹp lạ lùng! Ở sát rào phía sau,  có vài cây chanh dây đang có nụ,  những nụ bằng ngón út đang chen-chúc trong kẽ lá. Gió thổi nhẹ làm mấy đóa hoa rung rinh trên cành, cô Vân nói đùa:

- Những bông hoa nầy cúi đầu chào “Hoàng hậu” Má hãy cười chào đáp lễ lại chúng nó đi.

Chị Hoa nghe con trào-phúng,  chị cũng ráng nở một nụ cười héo-hắt. Cô Vân ghẹo chị Hoa:

-  Dì năm thấy không,  má con cười còn tươi,  còn đẹp lắm.

Nghe cô nói,  chúng tôi cùng cười. Tôi đi lại khu đất trồng rau của cô Trâm,  quan-sát những loại rau sống xanh tươi,  khóm rau muống mượt mà cùng những bụi hẹ,  thân mềm mại,  vươn mình hứng ánh mặt trời mát dịu. Đang thích-thú ngắm đám rau,  bỗng tôi nghe tiếng cô Vân ca hát nghêu ngao. Tính cô là vậy,  hay tếu và hay ca hát. Hôm nay nghe cô ca, tôi không biết trong dịp nầy,  ngẫu hứng cô ca hay cô cố ý để mẹ cảm thấy rằng,  cô chăm sóc mẹ không có gì là vất-vả.

Ra ngoài chơi độ 20 phút thì cô Vân đẩy chị Hoa vào nhà. Sau khi đặt mẹ nằm ngay ngắn,  cô để phim cải lương vào máy hát cho chị Hoa xem,  cô mời tôi:

-  Dì Năm ngồi xem phim với má, con đi chuẩn bị cháo để má con ăn. Tôi ngồi ở ghế dựa,  chị Hoa muốn tôi ngồi trên giường, bên cạnh chị. Chị cứ ú-ớ và đưa bàn tay còn mạnh chỉ mép giường. Tôi rời ghế,  nép mình ngồi cạnh chị,  đôi mắt chị lộ vẻ vui mừng,  tôi hiểu ý chị và xúc động,  thương chị vô cùng! Chị Hoa xem phim,  tôi cũng nhìn lên màn hình nhưng nào tôi có xem gì đâu,  tôi đang nghĩ những cử chỉ và hành động của các người con cháu đáng mến trong gia đình nầy và tình chị em thương yêu,  đoàn kết của họ khiến tôi ngưỡng-mộ.

Thời nay gia-đình nào cũng bận-rộn,  người già thường phải sống trong Viện dưỡng-lão để có người chăm-sóc. Cụ già nào tốt số thì được con cháu đến thăm viếng mỗi tuần, người bạc số đôi khi bị con cháu quên lãng,  ít khi thăm viếng hoặc những ngày thăm viếng thưa dần rồi không bao giờ đến thăm nữa! Đôi khi các cụ tủ thân,  nhớ lại dĩ-vãng xa-xôi thời son trẻ của mình,  Các cụ đã trải qua bao đắng cay khổ cực,  bao gian-nguy,  chiến-thắng mọi trở-ngại hầu gặt-hái kết-quả tốt đẹp để nuôi đàn con thơ dại,  ngày nay thấy mình bất lực biết bao! Sống nơi xứ lạ quê người,  lắm khi các cụ khao-khát một buổi sum-họp gia-đình bên mâm cơm ấm-cúng có đủ con cháu thân-thương. Chỉ là một ước-mong bình thường,  đơn-giản nhưng không bao giờ các cụ được toại-nguyện. Thói quen mong chờ con cháu đến thăm các cụ không bỏ được,  mỗi khi có khách đến viếng,  các cụ lóe lên tia hy-vọng là khách của mình,  hy-vọng lóe lên trong tích-tắc,  để rồi cũng như mấy lần khác thở ra với niềm thất vọng buồn đau.

Cha mẹ thường xét đóan con bằng con tim, không bằng khối óc, lúc nào cũng rộng lượng với con cái,  cho là con mình đẹp,  con mình ngoan,  con mình giỏi. Họ cho rằng,  con cái vì hòan-cảnh khó-khăn nào đó nên không vào thăm cha mẹ được,  thế là hàng ngày họ khấn-vái con được bình-an,  tai qua,  nạn khỏi. Rồi vào một ngày ảm-đạm,  họ không còn sức để mong chờ con cháu nữa. Lúc hơi cùng, cạn lực, miệng họ vẫn ú-ớ gọi tên những đứa con yêu-dấu,  thân thương!

Đang suy nghĩ miên-man thì con tôi đến đón tôi về. Tôi đứng dậy nắm tay chị Hoa và nói lời tạm biệt. Chị nắm chặt tay tôi không cho tôi về,  rồi chị lại hôn tay tôi nhiều lần như khi tôi mới đến. Chị khiến cho tôi cảm động quá,  làm sao tôi cầm được nước mắt! Chứng kiến cảnh nầy,  con tôi cũng rơi lệ,  nước mắt cô Vân rơi lã-chã,  buồn não nuột. Cô nghẹn-ngào nói:

-  Hôm nay dì Năm lại chơi,  má con mừng lắm đó.

Nói xong cô cúi xuống hôn mẹ,  an ủi:

-  Má để dì năm về,  dì năm sẽ đến thăm má nữa.

Trước khi tôi ra về,  cô Trâm cầm chậu hoa hồng nhỏ, với nhiều cánh hoa màu đỏ đang nở rộ,  thật tươi đẹp,  cô trao cho tôi và nói:

 -  Con tặng dì năm chậu hoa nầy, dì trồng nơi nào đó, để mỗi khi dì nhìn hoa là nhớ đến má con.

Trước nghĩa cử cùng lòng hiếu thảo của các cô gái khả ái,  và tình cảm chân thật của một người bạn đang bệnh nặng dành cho tôi,  tôi xúc động đến nghẹn lời. Tôi nghĩ,  đây là một ngày đáng nhớ,  có lẽ không bao giờ tôi quên được. Tôi sẽ trồng cây bông hồng nầy trước sân nhà,  nơi dễ thấy nhất,  mỗi khi ra khỏi nhà cũng như lúc trở về là tôi thấy cây hoa nầy ngay,  và luôn nhớ người bạn chân tình cùng những người con hiếu thảo hiếm thấy trên thế gian nầy.

Louisville,  ngày 19-11-2015

Hồ Thị Đậm

Ý kiến bạn đọc
19/10/201802:31:51
Khách
Truyện rất hay và cảm động! Tình yêu chính là liều thuốc nhiệm màu!
15/10/201820:02:05
Khách
Lần đầu tiên tôi được biết cái tên "bệnh bán thân", sao nghe rất kỳ lạ! Liên tưởng đến nhiều cô gái nghèo phải làm nghề bán thân rồi bệnh vì nghề này.
Phải chăng tác giả muốn nói đến bệnh "bán thân bất toại" hay vì tác giả muốn dùng chữ tắt mà giả định ai cũng phải hiểu? Nên cẩn trọng.
15/10/201819:20:24
Khách
Cảm ơn tác giả với một bài viết thật hay, tình cảm gia đình Việt này thật rất hiếm có trên sứ người. Cô Hoa thật có Phước mới được như vậy.
15/10/201806:46:09
Khách
Thật đáng trân trọng những tình cảm yêu thương của 1 gia đình Việt và của 1 tình bạn những người Việt xa xứ.
15/10/201803:57:18
Khách
Gia đình cô Hoa, bạn của tác giả, phải được gọi là... tràn đầy ơn phước! Con cái thì thay phiên nhau chăm sóc mẹ bịnh hoạn. Các cháu thì muốn lo lắng, trông chừng bà ở nhà chứ không cho gởi bà vô viện dưỡng lão.
Thật đáng ngưỡng mộ thay!
14/10/201816:02:22
Khách
Tôi có người bạn học năm xưa học ngành thuốc. Mỗi lần nói chuyện với y tôi thường nhắc: “mày nhớ để dành cho tớ ống thuốc. Hễ khi nào tớ nháy mắt thì mày chích cho một mũi cho xong phận”.
Nó hỏi lại tôi: Thế ai chích cho tao khi tao hết lết nổi?
Đọc xong bài này tôi phải gọi cho nó tối nay để nói với nó: Nhớ dặn con mày chích cho mày.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,980,701
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến